na la diên thiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(那羅延天) Na la diên, Phạm và Pàli: Nàràyaịa. Cũng gọi Na la diên na thiên, Na la dã noa thiên. Hán dịch: Kiên cố lực sĩ, Kim cương lực sĩ, Câu tỏa lực sĩ, Nhân trung lực sĩ, Nhân sinh bản thiên. Vị thần có sức rất mạnh trong thần thoại Ấn độ cổ đại. Cứ theo Tuệ lâm âm nghĩa quyển 6, thì Na la diên là tên vị trời ở cõi Dục, cũng gọi là trời Tì nữu (Phạm:Viwịu), nếu ai muốn được sức mạnh mà tinh thành cầu nguyện, cúng dường vị trời này thì sẽ được như ý. Cũng theo Tuệ lâm âm nghĩa quyển 41, thì vị trời này có sức rất mạnh, thân màu vàng lục, có 8 tay, cỡi chim cánh vàng, tay cầm bánh xe chiến đấu và các loại vũ khí khác, thường đánh nhau với A tu la vương. Đại nhật kinh sớ cũng cho rằng trời Na la diên là tên khác của trời Tì nữu, cỡi chim Ca lâu la bay trong hư không. Nhưng các vị Luận sư Phệ đà của Ấn độ đời xưa thì cho rằng, vị trời này là mẹ của Phạm thiên, tất cả mọi người đều từ Phạm thiên sinh ra. Ngoài ra, ngoại đạo còn nói trời Na la diên tức là Đại phạm vương, tất cả mọi người đều do Phạm vương sinh ra, cho nên gọi Phạm vương là Nhân sinh bản (gốc sinh ra loài người). Các Luận sư Ma hê thủ la thì cho Na la diên là 1 trong 3 phần(tức Phạm thiên, Na la diên, Ma hê thủ la) của 1 thể Đại tự tại thiên, đồng thời đem phối hợp với Tam bảo và Tam thân, cho Na la diên là Báo thân trong Tam thân, cũng biểu thị cho Pháp bảo trong Tam bảo. Vì trời Na la diên có sức mạnh lớn, nên đời sau đem xếp ngang hàng với Mật tích kim cương mà gọi chung là Nhị vương tôn và thờ ở cửa Tam quan của chùa. Nghĩa gốc của chữ Phạm Nàràyaịa là đứa con do người sinh ra. Trong thần thoại Ấn độ, Nguyên nhân (Phạm: Puruwa) nguồn gốc vũ trụ, còn có tên khác là Nara, do đó, Na la diên vốn được xem là đứa con do nguyên nhân (người đầu tiên, tức nguồn gốc của vũ trụ) sinh ra. Nhưng trong Áo nghĩa thư Ma ha na lạp da na (Phạm: Mahànà ràyaịopaniwad) thì dùng Na la diên thay cho nguyên nhân, là thần tối cao. Trong phần trình bày trên, thuyết cho Na la diên là Đại phạm vương có lẽ đã căn cứ vào pháp điển Ma nô, sách này cho rằng nguyên nhân là do Nara sinh ra và chỗ ở đầu tiên của loài người là Ayana (Layana?), vì thế có thuyết này và gọi Na la diên làNàràyaịa. Còn trong Áo nghĩa thư Na lạp da na (Phạm: Nàràyaịopaniwad) thì cho Na la diên là thân quyền hóa của trời Tì nữu, đồng thời cho rằng nếu xướng tụng thần chú Oô namo nàràyaịàya thì được sinh lên cõi trời. Trong Mật giáo, vị trời này được đặt ở phía tây trong viện Ngoại kim cương bộ trên Mạn đồ la Thai tạng giới. Về hình tượng, vị tôn này có thân màu xanh đen, cỡi chim Ca lâu la, chân phải thõng xuống, bàn tay trái đặt trên bẹn, tay phải đưa lên co lại, ngón trỏ nâng đỡ cái bánh xe; có 3 mặt, mặt chính là mặt Bồ tát với 3 mắt, mặt bên phải là mặt voi trắng, mặt bên trái là mặt lợn,(heo) đen, đầu dội mũ báu anh lạc. [X. kinh Tạp bảo tạng Q.1; kinh Thắng tư duy Phạm thiên sở vấn Q.5; kinh Đà la ni tập Q.11; Lí thú thích Q.hạ; luận Ngoại đạo Tiểu thừa niết bàn; luận Đại tì bà sa Q.30; luận Du già sư địa Q.37; luận Thuận chính lí Q.75; Huyền ứng âm nghĩa Q.24; Đại nhật kinh sớ diễn áo sao Q.15]. (xt. Tì Nữu Thiên).