na già

Phật Quang Đại Từ Điển

(娜伽) Phạm: Nàga. I. Na Già. Hán dịch: Long, Tượng, Vô tội, Bất lai. Tức là rồng, voi, ví dụ các bậc Thánh có lực dụng lớn lao; hoặc chỉ cho các bậc đã trừ sạch tội cấu, không còn phiền não sinh tử. Kinh Khổng tước gọi đức Phật là Na già, vì Ngài không còn sinh tử nữa. Luận Đại trí độ quyển 3 (Đại 25, 81 trung) nói: Ma ha là đại, Na là vô, Già là tội. Bậc A la hán đã dứt hết phiền não, cho nên gọi là Đại vô tội. Ngoài ra, thiền định của Phật gọi là Na già định, hoặc Đại định na già. Luận Câu xá quyển 13 (Đại 29, 72 thượng) nói: Hữu dư bộ cho rằng chư Phật Thế tôn thường ở trong định (…), cho nên khế kinh nói: Na già đi trong định, Na già đứng trong định, Na già ngồi trong định, Na già nằm trong định. (xt. Long Tượng). II. Na Già. Cũng gọi Long hoa thụ, Long hoa bồ đề thụ. Tức là cây Bồ đề mà đức Phật Di lặc sẽ ngồi khi thành đạo. (xt. Long Hoa Thụ). III. Na Già. Tên của 1 chủng tộc đã có từ ngàn xưa ở Ấn độ. Hiện nay chủng tộc này sống rải rác ở vùng Assam thuộc Đông bắc Ấn độ và các vùng ở Tây bắc Miến điện. Chủng tộc này thờ cúng rồng rắn, cho nên tên Long thành (Phạm: Nàgapura) hiện vẫn còn được sử dụng ở nhiều nơi.