Mười Lực

Từ Điển Đạo Uyển

S: daśabala; P: dasabala; Hán Việt: Thập lực (十力);
Mười năng lực hiểu biết, mười trí của một vị Phật:
1. Thi thị xứ phi xứ trí lực (知是處非處智力; s: sthānāsthānajñāna; p: ṭhānāṭhāna-ñāṇa); Biết rõ tính khả thi và tính bất khả thi trong mọi trường hợp; 2. Tri tam thế nghiệp báo trí lực (知三世業報智力; s: karmavipākajñāna; p: kammavipāka-ñāṇa): Biết rõ luật nhân quả, quả báo, tức là Nghiệp nào tạo quả nào; 3. Tri nhất thiết sở đạo trí lực (知一切所道智力; s: sarvatra-gāminīpratipajjñāna; p: sabbattha-gāminī-paṭipadāñāṇa): Biết rõ nguyên nhân nào dẫn đến con đường tái sinh nào; 4. Tri chủng chủng giới trí lực (智種種界智力; s: anekadhātu-nānādhātujñāna; p: ane-kadhātu-nānādhātu-ñāṇa): Biết rõ các thế giới với những yếu tố thành lập của nó; 5. Tri chủng chủng giải trí lực (知種種解智力; s: nānādhimukti-jñāna; p: nānādhimutti-katāñāṇa): Biết rõ cá tính của chúng sinh; 6. Tri nhất thiết chúng sinh tâm tính trí lực (知一切眾生心性智力; s: indriyapārapara-jñāna; p: indriyaparopariyatta-ñāṇa): Biết rõ căn cơ học đạo cao thấp của mọi chúng sinh; 7. Tri chư thiền giải thoát tam-muội trí lực (知諸禪解脫三昧智力; sarva-dhyāna-vimokṣa-…-jñāna; p: jhāna-vimok-kha-…-ñāṇa): Biết tất cả các cách thiền định; 8. Tri túc mệnh vô lậu trí lực (知宿命無漏智力; pūrvanivāsānusmṛti-jñāna, pub-bennivāsānussati-ñāṇa): Biết rõ các tiền kiếp của chính mình; 9. Tri thiên nhãn vô ngại trí lực (知天眼無礙智力; cyutyupa-pādajñāna, cutūpapāta-ñāṇa): Biết rõ sự tiêu huỷ và tái xuất của chúng sinh; 10. Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực (知永斷習氣智力; āśravakṣayajñāna, āsavakkhaya-ñāṇa): Biết các Ô nhiễm (s: āśrava) sẽ chấm dứt như thế nào.
Ba lực 8, 9, 10 được Phật nhắc đến khi Ngài thuật về sự đạt Bồ-đề của mình (Tất-đạt-đa Cồ-đàm). Chúng được gọi chung là Tam minh.