A. Tổng chú về Diệu
B. Biệt chú về Diệu

1. Tích Môn Thập Diệu
1.1 Định nghĩa giới thiệu
1.2 Dẩn chứng
1.3 Sinh khởi
1.4 Quảng chú

1.4.1 Cảnh Diệu – phân tích cái Diệu thứ nhất thuộc Tích Môn
I. Giải thích rộng về những thể loại khác nhau của Cảnh
1. Giải thích về Cảnh như Thập Như Thị
2. Giải thích về Cảnh như Nhân Duyên
3. Giải thích về Cảnh như Tứ Đế
4. Giải thích về Cảnh như Nhị Đế
5. Giải thích về Cảnh như Tam Đế
6. Giải thích về Cảnh như Nhất Đế
II. Luận về những điểm dị đồng của các Cảnh
1. Cảnh như Thập Nhị Nhân Duyên hổ tương với Cảnh như Thập Như Thị.
2. Cảnh như Tứ Đế hổ tương với Cảnh như Thập Như Thị và như Thập Nhị Nhân Duyên.
3. Cảnh như Thập Nhị Nhân Duyên hổ tương với Cảnh như Thập Như Thị, và như Thập Nhị Nhân Duyên, và như Tứ Đế.
4. Cảnh như Tam Đế hổ tương với Cảnh như Thập Như Thị, như Thập Nhị Nhân Duyên, như Tứ Đế, và như Nhị Đế.
5. Cảnh như Nhất Đế hổ tương với Cảnh như Thập Như Thị, như Thập Nhị Nhân Duyên, như Tứ Đế, như Nhị Đế, và như Tam Đế.
6. Cảnh như Vô Đế ( No Truth) hổ tương với Cảnh như Thập Như Thị, như Thập Nhị Nhân Duyên, như Tứ Đế, như Nhị Đế, như Tam Đế, và như Nhất Đế.

1.4.2 Diệu Trí – phân tích cái Diệu thứ hai thuộc Tích Môn
I. Tổng luận về các Trí
II. Trí chiếu soi Cảnh như thực
III. Đối Cảnh Minh Trí
IV. Những phản chiếu khác nhau của Trí đối Cảnh như thực

1.4.3 Diệu Hành – phân tích cái Diệu thứ ba thuộc Tích Môn
I. Gia tăng Hành một cách tổng quát
II. Gia tăng Hành thuận theo Tứ Giáo
III. Phát họa Diệu Hành theo năm con số
1. Năm phương pháp tu tập thuộc Biệt giáo
2. Năm phương pháp tu tập thuộc Viên giáo

1.4.4 Diệu Vị – phân tích cái Diệu thứ tư thuộc Tích Môn
I. Vị cỏ thuốc nhỏ
II. Vị cỏ thuốc bậc trung
III. Vị cỏ thuốc bậc thượng
IV. Vị cây thuốc nhỏ
V. Vị cây thuốc lớn
VI. Viên Giáo Vị

1.4.5 Diệu Tam Pháp – phân tích cái Diệu thứ năm thuộc Tích Môn
I. Định nghĩa Tam Quỹ Phạm
II. Thô và Tế của ba quỹ phạm qua Tứ Giáo
III. Khai mở ba pháp thô và hiển lộ ba pháp tế
IV. Tam quỹ phạm hội nhập thủy và chung
V. Tam quỹ phạm theo đường hoành hội nhập mười loại Tam Pháp

1.4.6 Diệu Cảm Ứng- phân tích cái Diệu thứ sáu thuộc Tích Môn
I. Giải thích tên Cảm và Ứng
II. Giải tích những đặc tính của Cảm và Ứng
III. Giải thích các loại cơ cảm khác nhau
IV. Giải thích sự khế hợp giữa Cảm và Ứng
V. Luận về thô và tế

1.4.7 Diệu Thần Thông – phân tích cái Diệu thứ bảy thuộc Tích Môn
I. Giải thích về thứ đệ
II. Tên và Số
III. Giải thích các loại thần thông
IV. Luận về thô và tế

1.4.8 Diệu Thuyết Pháp – phân tích về cái Diệu thứ tám thuộc Tích Môn
I. Phân tích tên các Pháp
II. Giải thích những khác biệt qua sự phân chia giữa Đại thừa và Tiểu thừa.
III. Đối duyên sinh nghĩa
IV. Làm sáng tỏ cái đã giải thích
V. Luận về thô và tế

1.4.9 Diệu Quyến Thuộc – phân tích về cái Diệu thứ chín thuộc Tích Môn
I. Giải thích ý nghĩa quyến thuộc
II. Giải thích quyến thuộc
III. Luận về thô và tế
IV. Giải thích pháp môn quyến thuộc
V. Quyến thuộc thành tựu từ phép Quán Tâm

1.4.10 Diệu Công Đức và Lợi Ích
I. Giải thích lợi ích
II. Nói riêng về lợi ích
III. Lợi ích từ sự chuyển đổi
IV. Lợi ích từ phép Quán Tâm

1.5 Tóm tắt tương đối và tuyệt đối

Tổng kết Tích Môn Thập Diệu

2. Bản Môn Thập Diệu
2.1 Giải thích về Bản và Tích
2.2 Giải thích về Bản Môn Thập Diệu
2.2.1 Giải thích sơ lược về mười nghĩa
2.2.2 Thứ đệ sinh khởi
2.2.3 Giải thích về khai hội của Bản và Tích
2.2.4 Dẩn chứng để giữ vững kết luận
2.2.5 Giải thích sâu rộng
2.2.6 Qua ba thời
2.2.7 Luận thô và tế
2.2.8 Kết luận về tương đối và tuyệt đối
2.2.9 Lợi Ích
2.2.10 Quán Tâm
Tham khảo

 

Mục Hai
Chú thích đặc thù về Diệu

( Huyền Nghĩa, T33, 696b – 771c )

Trong Mục Một chúng tôi đã trình bày chú giải của Trí Khải về chữ Pháp, tức đặc tính tổng quát của diệu pháp. Trong Mục Hai nầy, chúng tôi sẽ đưa ra những diễn tả của Đại Sư về chữ Diệu, tức biệt tính giáo lý vi diệu của Thế Tôn. Sự vi tế của Pháp được biểu thị qua Tích Môn Thập Diệu và Bản Môn Thập Diệu. Trí Khải xếp mười bốn phẩm đầu của kinh Pháp Hoa vào Tích Môn, trong đó Thế Tôn biểu hiện như Thích Ca Mâu Ni tức ứng thân Phật. Mười bốn phẩm sau được xếp và Bản Môn, trong đó Pháp Thân Phật lần đầu tiên phô bày. Tích Môn Thập Diệu được chú thích qua năm phần. Bản Môn Thập Diệu được chú thích qua mười khía cạnh. Thập Diệu là một sự cố công của Trí Khải để dung hợp tất cả những lý thuyết và tông phái Phật giáo, từ đó, giáo lý Thế Tôn có thể được diễn đạt như một khối liên tục, được dựng lập từ nhân và quả Phật tánh.
Trí Khải áp dụng hai cách để giải thích chữ Diệu : Tổng chú và Biệt chú.

A. Tổng chú về chữ Diệu (T33, 696b-697b) :

Trong phần tổng chú về chữ Diệu, Trí Khải phân biệt tương đối diệu và tuyệt đối diệu (1) như sau :

1. Tương đối Diệu (T33, 696b-c) :

Tương đối diệu có nghĩa Diệu dựa vào pháp Thô. Theo Trí Khải, Thô chỉ cho Bán Tự, biểu thị qua Thanh văn thừa, là giáo pháp chưa tận cùng, và Diệu chỉ cho Mãn Tự(2) biểu thị qua Đại thừa, tức giáo pháp viên mãn. Giáo lý có thể thâm nhập vào nguyên lý như thực hoặc Mãn Tự (3) thì vi tế, ngược lại, thì thô thiển. Tuy nhiên, Trí Khải tuyên thuyết rằng có hai vị trí trong sự thâm nhập nguyên lý như thực trong Mãn Tự giáo. Giáo lý trong những bản kinh Phương Đẳng và Bát Nhã là những giáo lý tương đối trong sự hội nhập thực lý, và giáo lý Pháp Hoa là giáo lý tuyệt đối vì hiển lộ trực tiếp chân tánh.

2. Tuyệt đối Diệu ( T33, 696c – 697b )

Tuyệt đối Diệu khác với tương đối Diệu bởi vì tuyệt đối Diệu không dựa vào phương tiện Thô mà chính bản tánh đã là Diệu. Trí Khải giải thích tuyệt đối Diệu qua Tứ Giáo (Tạng, Thông, Biệt, và Viên) :
(i) Tuyệt đối Diệu qua Tạng giáo nói đến sự phủ nhận thế tục đế. Với sự phủ nhận nầy, hành giả có thể nhận ra tánh Không như chân lý tuyệt đối. Trí Khải nói:Nếu bước vào chân lý tối thượng, tương đối (Diệu) sẽ lập tức trở thành tuyệt đối (Diệu) .(4)
(ii) Tuyệt đối Diệu qua Thông giáo nói về sự nhận ra tánh Không trong thế giới giác quán. Sự nhận chân nầy chỉ cho sự hợp nhất giữa hiện tượng thế tục và chân lý siêu việt. Trí Khải nói:(Nếu nhận ra) Chân Tánh có mặt trong thế giới hiện tượng, đây là tuyệt đối (Diệu) . (5)
(iii) Tuyệt đối Diệu qua Biệt giáo nói đến sự nhận ra lý Trung Đạo thuộc Biệt giáo. Điều nầy có nghĩa rằng Bồ tát đi từ Không đến Giả. Nhận chân được thế giới hiện tượng là những sự có mặt hư dối tạm thời, Bồ tát không bị ràng buộc vào Không. Thay vào đó, Bồ tát biết được Bất Không và hòa nhập vào thế sự. Trí Khải nói: Nếu vào được Trung Đạo Biệt giáo, tương đối (Diệu) trở thành tuyệt đối (Diệu). (6)
(iv) Tuyệt đối Diệu qua Viên giáo nhận ra được tánh vô phân biệt của các pháp. Vì tất cả các pháp là Phật pháp, không có vật gì ra ngoài Phật pháp, Viên giáo là tuyệt đối Diệu. Dùng khái niệm hoặc là thô hoặc là tế để khái niệm hóa pháp Phật là việc làm sai lầm, bởi vì không hề có bất cứ sự khác biệt nào giữa thô và tế trong Phật giới thanh tịnh. Trong cảnh giới Phật, vi diệu hoặc tuyệt đối chỉ là một tên gọi đặt ra như ký hiệu hóa một trạng thái bất khả tư nghì tĩnh lặng vượt trên ngôn ngữ và khái niệm.

B. Biệt chú về Diệu (T33, 697b – 771c)

Sau khi phận biệt chữ Diệu trong cái nhìn tương đối và tuyệt đối, Trí Khải bắt đầu luận về ý nghĩa đặc thù của chữ Diệu là cái được thành lập từ Thập Diệu qua Tích môn và Bản môn.

1. Tích Môn Thập Diệu (Huyền Nghĩa, T33, 697c-771c)

Mười cái Diệu trong Tích môn là : (1) Cảnh Diệu, (2) Trí Diệu, (3) Hành Diệu, (4) Vị Diệu, (5) Tam Pháp Diệu, (6) Cảm Ứng Diệu, (7) Thần Thông Diệu, (8) Thuyết Pháp Diệu, (9) Quyến Thuộc Diệu, (10) Lợi Ích Diệu.
Mười cái diệu nầy được giải thích dưới năm đề mục : (i) Định nghĩa giới thiệu, (ii) Dẩn Chứng, (iii) Sinh khởi, (iv) Quảng chú, (v) Tóm lược trong tương đối và tuyệt đối. Đề mục thứ nhất trình bày Thập Diệu ( là hệ thống quán chiếu Phật pháp của Trí Khải) như một toàn khối gồm có nhân và quả Phật tánh. Đề mục thứ hai dẩn chứng những đoạn kinh văn để giữ vững hệ thống tư tưởng của Đại Sư về Thập Diệu. Đề mục thứ ba giải thích bố cục Thập Diệu, qua đó giáo lý Thế Tôn như một toàn thể trình bày qua Thập Diệu được hiển lộ. Đề mục thứ tư gồm giải thích chi tiết về Thập Diệu đưa ra nội dung phong phú của giáo lý Phật. Đề mục thứ năm giải thích Tích môn Thập Diệu bằng cách lập lại rằng giáo lý phong phú của Thế Tôn có thể được toát yếu vào hai chân lý thế tục và siêu việt. Sau đây là sự mô tả về năm đề mục nầy :

1.1 Định nghĩa giới thiệu (7) (T33, 697c)

Trong đề mục nầy Trí Khải trình bày Tích Môn Thập Diệu như thứ lớp chú giải pháp Phật.
Cảnh Diệu chỉ cho thực tại khách quan từ sáu chân lý, đó là, Cảnh như Thập Như Thị, Mười Hai Nhân Duyên, Tứ Diệu Đế, Nhị Đế, Tam Đế, và Nhất Đế (8). Sáu thứ lớp chân lý nầy thì vi diệu, bởi vì được chư Phật gìn giữ(9) .Trí Diệu nói về hai mươi thứ trí (10). Trí Khải luận rằng các thứ trí khác nhau liên hệ với các cảnh khác nhau thì thật vi diệu, bởi vì cảnh như thực tại khách quan vi tế . Vì chân pháp thường trụ nên chư Phật thường trụ. Vì trí liên hệ đến thực tại khách quan vượt trên khái niệm, cả hai trí và thực tại khách quan được gọi là vi diệu. Chỗ nầy ví như một cái hộp, nắp và hộp phải tương xứng nhau (11). Hành Diệu nói về những phương cách hành trì khác nhau. Những sự hành trì nầy được trí hướng dẩn, và vì thế, cũng được gọi là diệu (12). Vị Diệu chỉ những thứ bậc chứng đắc khác nhau là kết quả của những hành trì khác nhau. Những vị nầy vi diệu vì là khả chứng từ diệu hành (13).Tam Pháp Diệu chỉ cho Tam Quĩ Phạm của Phật giới. Chân tánh quĩ phạm chỉ cho thực tính của thực tại không hư ngụy, không biến đổi. Quán chiếu quĩ phạm chỉ cho trí tuệ có năng lực phá trừ mê vọng, hiển lộ chân lý. Tư thành quĩ phạm liên quan đến việc thực thi những hạt giống lành để nhận ra trí tuệ Phật. Theo không gian mà nói thì ba quĩ phạm như nhau bởi vì cái nầy liên hệ đến cái kia. Theo thời gian mà nói, ba quĩ phạm sai biệt vì đưa ra những nghĩa khác nhau qua nội dung Tứ giáo. Tam quĩ phạm khó nghĩ bàn vì là chỗ cất giữ tất cả những giáo lý khó hiểu bằng khái niệm, vô thời gian cũng như vô không gian. Vì vậy, được gọi là vi diệu. (14)
Cảm Ứng Diệu chỉ cho những tương quan giữa khả năng chứng đạt Phật tánh của chúng sinh và sự đáp ứng của chư Phật đối với khả năng nầy qua bốn và ba mươi sáu tiến trình (15). Mức độ Cảm của chúng sinh hướng về chư Phật và Phật lực cứu độ chúng sinh cũng qua nhiều thể loại và tam muội khác nhau và Ứng của chư Phật thuộc Biệt và Viên giáo. (16) Theo Trí Khải, Cảm Ứng Diệu ví như mặt nước và bóng trăng, nước không lên với trăng, trăng không xuống cùng nước, nhưng trăng phản chiếu trên mặt nước bất kể nước ở đâu. Chư Phật không đến và chúng sinh cũng không đi. Đó là qua độ cảm của chúng sinh (có khả năng đạt đến Phật tánh) và sức đáp ứng của chư Phật ( bậc đại từ, đại bi) mà hai bên cùng giao hội.Vì vậy, đây là Cảm Ứng Diệu. (17) Thần Thông Diệu chỉ cho Phật lực hoán chuyển chúng sinh bất khả tư nghì. Điều nầy có nghĩa rằng chư Phật sử dụng những thần thông khác nhau để phổ độ chúng sinh tùy duyên. Vì vậy gọi là Thần Thông Diệu. (18) Thuyết Pháp Diệu chỉ cho mười hai tạng kinh, gồm Thanh văn thừa và Đại thừa. Nhiều thể loại giáo pháp khác nhau được Thế Tôn thuyết ra ứng hợp với căn tính người nghe. Tất cả giáo lý Thế Tôn ban phát tuyệt diệu phù hợp với nguyên lý như thực. Điều nầy bởi vì bản hoài của chư Phật là giúp chúng sinh ngộ nhập Phật trí. Vì vậy, đây là Thuyết Pháp Diệu. (19) Quyến Thuộc Diệu chỉ cho những chúng sinh là quyến thuộc của chư Phật. Trí Khải sánh quyến thuộc như mây trên trời che phủ mặt trăng, và như các đại thần quanh vua. Bởi vì tất cả chúng sinh là quyến thuộc của chư Phật, gọi là Quyến Thuộc Diệu. (20) Lợi Ích Diệu chỉ cho muôn vàn lợi ích đến từ nhân, quả, lý Không, Giả, Trung Đạo, và sự hoán chuyển chúng sinh của chư Phật. Những lợi ích mà chúng sinh thọ nhận được từ chư Phật thì vô lượng. Trí Khải ví những lợi ích vô lượng nầy với biển lớn có khả năng tiếp nhận tất cả những cơn mưa từ Rồng. (21)

1.2 Dẩn Chứng (22) (T33, 698 a)

Trong đề mục nầy Trí Khải rút ra những đoạn từ mười bốn phẩm đầu của kinh Pháp Hoa để chỉ cho Tích môn. Sự trích dẩn nầy làm sáng tỏ Thập Diệu đã được ám chỉ trong kinh Pháp Hoa.

1.3 Sinh Khởi (23) (T33, 698 b)

Đề mục nầy giải thích chuỗi Thập Diệu mà Trí Khải nhìn như ôm trọn giáo lý Phật. Điều nầy bởi vì giáo pháp Phật không gì khác hơn là nhân và quả Phật tánh, và đây cũng là chỗ Thập Diệu nói đến. Trước hết thứ tự của năm Diệu đầu như nhân quả Phật tánh được giải thích.
(i) Thực tại khách quan thường hiện hũu, mặc tình chúng sinh hoặc trực nghiệm hoặc không trực nghiệm. Nó có mặt một cách độc lập và luôn luôn như nó là bất biến và vô thủy. Trí Khải nói: Cảnh (vishaya) (24) như Thực Tánh thì không phải do Phật, Trời, hoặc Người làm ra. Nó Không vào trong chúng sinh để làm thỏa mãn những nhu cầu hiện tại, nhưng luôn luôn hiện hũu như nó là. Đó là lý do tại sao Cảnh được nói đến trước tiên (trong Thập Diệu.) (25)
(ii) (Diệu) Trí cần được tiếp theo (Diệu) Cảnh vì cái trước liên quan đến cái sau. Khi hiểu được thực tại tức Trí sinh khởi. Trí Khải nói: Nếu (chúng sinh) không nhìn ra được nguyên lý, ảo giác phát sinh. Nếu nguyên lý được hiểu, Trí phát sinh (26)
(iii) Trí được ví với mắt, và tu tập được ví với chân. Với sự hướng dẩn của con mắt trí, bước đường tu có thể tiến hành (chúng sinh bước về chỗ muốn đến). Trí Khải giải thích : Trí là nền tảng cho sự tu tập. Ví trí như con mắt, nơi đó phát hiện những con đường tu. (Trí như) mắt, (tu tập) như chân, và cùng với cảnh, tam pháp nầy lập thành một thừa (giải thoát). (27)
(iv) Với tam pháp như trên ( như cổ xe) để dùng, người tu có thể chứng đắc những Vị khác nhau như kết quả từ sự tu tập. Trí Khải giải thích : Đi trên cổ xe (thừa), hành giả tắm trong hồ nước tươi mát (của Phật tánh) và nhập những quả vị khác nhau (đạt đến giải thoát). (28)
(v) Điều nầy để giải thích về trụ địa gồm có Tam Quỹ Phạm như Tam Pháp. Tam Quỹ Phạm là học thuyết của Trí Khải về kho tàng Phật tánh bí mật. Trí Khải tuyên thuyết : Những Vị nầy trụ vào đâu? Trụ trong kho tàng bí mật của Tam Pháp. Trụ được trong Pháp nầy, đạt đến tĩnh lặng nhưng thường chiếu.(29)
Với bậc thứ năm của Diệu, tiến trình đạt đến Phật tánh hoàn thành. Theo Trí Khải, đây là chỗ hoàn tất nhân quả Phật tánh từ năng lực của riêng người tu. Năm thứ lớp kế tiếp từ thứ sáu đến thứ mười chỉ cho sự chứng đạt nhân quả Phật tánh từ Phật lực hộ niệm.
(vi) Cảm Ứng Diệu thứ sáu nói về hoạt dụng cứu độ của chư Phật đáp ứng nhu cầu của chúng sinh. Trí Khải nói : Chư Phật chiếu soi căn cơ chúng sinh trong khắp mười pháp giới. (Bất cứ nơi nào) chúng sinh kêu cầu, (chư Phật) liền đáp ứng tùy thuận. (30)
(vii) Chư Phật dùng thần lực để đáp ứng chúng sinh. Đây là sự vi diệu thứ bảy gọi là Diệu Thần Thông. Trí Khải nói : Nếu (chư Phật) đáp ứng theo căn tánh (chúng sinh), (chư Phật) trước hết sử dụng ứng thân nầy hiển lộ thần thông lực làm rúng động và khiến chúng sinh chú tâm. (31)
(viii) Thuyết Pháp Diệu, thứ tám, là một bước xa hơn trong việc hoán chuyển chúng sinh bằng giáo lý. Trí Khải nói:Cho thấy được Phật lực khiến chúng sinh dễ dàng chấp nhận vào đường Đạo, sau đó chư Phật dùng lời chuyển Pháp khiến chúng sinh giải thoát. (32)
(ix) Quyến Thuộc Diệu, thứ chín, là kết quả của giáo pháp. Trí Khải nói : Thấm nhuần mưa pháp, (chúng sinh) chấp nhận giáo pháp và tiếp nhận Đạo, trở thành quyến thuộc của Pháp.(33)
(x) Lợi Ích Diệu, sau cuối, là kết quả của sự được vào hàng quyến thuộc. Trí Khải nói:Quyến thuộc nhận lấy sự tu tập Phật Đạo, dứt bỏ gốc rễ luân hồi, khai mở Phật trí, được muôn vàn lợi ích. (34)

Mục lục tổng quát trên về Tích Môn Thập Diệu sẽ đưa theo những trình bày chi tiết về mỗi phần trong Thập Diệu sau đây.

1.4 Quảng Chú (T33, 698b-764b)

Đề mục nầy là phần giải thích chi tiết về mỗi cái Diệu trong Thập Diệu, và cũng là phần chính của Huyền Nghĩa.

1.4.1 Cảnh Diệu – phân tích cái Diệu đầu tiên của Tích Môn
(T33, 698b – 707a)

Cảnh Diệu là cái đầu tiên trong Thập Diệu. Trí Khải phân tích Cảnh như sự diễn bày học thuyết về chân tánh của Đại Sư, gồm hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là định nghĩa của Trí Khải về chân tánh, và khía cạnh thứ hai liên quan đến hệ thống nhận ra chân tánh của Trí Khải. Chân tánh là một thực tại khách quan, và nhận ra chân tánh là một sự dụng công chủ quan. Như vậy, phân tích về chân tánh của Trí Khải được vững vàng bởi cả hai mặt khách quan và chủ quan.
Về mặt khách quan, Trí Khải luận về Thập Như Thị, Tam Đế, và Nhất Đế có thể được nhìn như là một định nghĩa của Đại Sư về chân tánh. Với lối nhìn của Trí Khải, Nhất Đế đồng nghĩa với chân lý tối hậu, bởi vì Tam Đế và Thập Như Thị không gì khác hơn là chuyển đạt cái chân thực tại là, từ những phối cảnh khác nhau. Thực tại khách quan có trong vạn pháp là chân lý tối hậu, và vì vậy, chân lý nầy bao gồm tất cả thể loại của sự thật được diễn tả trong Cảnh Diệu. Tam Đế dược Trí Khải diễn bày là sự chuyển đạt ba mặt mà chân lý tối thượng dung chứa. Thực tại được nhìn Không và Giả đồng thời, và đây là Trung Đạo. Các pháp là Không vì là ảo tượng và thiếu tự tánh. Cùng lúc, các pháp cũng là Giả vì có mặt và mang danh một cách tạm thời. Lối nhìn về thực tại sâu thẳm như vậy là lối nhìn của Trung Đạo. xa hơn, Thập Như Thị (tướng, tánh, thể, lực, dụng, nhân, duyên, quả, báo, bản mạc cứu cánh đẳng) phát họa đặc tính của chân tánh từ mười phối cảnh.
Về mặt chủ quan, học thuyết của Trí Khải liên quan đến bốn thứ bậc nhân chân thực tánh. Những ý tưởng khác nhau về cái thực tánh là, xác định những thứ lớp khác nhau trong việc nhận ra thực tánh, từ đó hệ thống phân loại thực tánh của Trí Khải, được thuyết giảng trong giáo pháp Thế Tôn, vào bốn thể loại, được duy trì. Theo Trí Khải, trong Tứ Giáo, quan điểm về chân tánh của Viên giáo là quan điểm siêu việt nhất, và vì thế, Viên giáo được Trí Khải nhìn như chuyển đạt bản tánh chân lý. Mặc dù tư tưởng Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo tương đối thấp hơn, những tư tưởng nầy cũng rất cần thiết và không thể khinh suất ở chỗ những tư tưởng nầy trình bày tiến trình tiệm giáo từ cạn đến sâu. Với Trí Khải, Tứ Giáo không phải chỉ là tiêu chuẩn thẩm định những thứ bậc khác nhau về chân lý, nhưng cũng đưa ra một phương pháp tiệm tiến trên con đường tu trì hướng về mục tiêu khai mở Phật tánh, hiển lộ bốn thứ lớp thành tựu có thể được toát yếu trong giáo lý Phật.
Mục đích của Trí Khải phân biệt bốn thứ bậc thành tựu là để xác định bốn loại nhận thực thuộc về Tứ Giáo. Qua sự thẩm định về thô và tế của bốn thứ lớp nhận thực nầy, Viên giáo được nhìn nhận là sự hiển lộ tối cao về thể tánh Phật. Vì vậy, mục tiêu cuối cùng trong cách phân biệt những mức độ thành tựu khác nhau là để nhấn mạnh rằng sự giải thoát đến Phật giới là cái mà tất cả chúng sinh phải hướng về. Tại sao sự giải thoát đến Phật địa là mục tiêu sau cùng của tất cả chúng sinh, và điều nầy có nghĩa gì ? Theo lối nhìn của Trí Khải, mục tiêu hướng về Phật giới của Viên giáo là để giải thoát tất cả chúng sinh, khác với mục tiêu của Tạng, Thông, và Biệt giáo, chỉ thích ứng cho căn tánh của một số chúng sinh. Chúng ta có thể đặt câu hỏi : Tại sao chứng đắc cảnh giới Phật là chân lý trùm khắp muôn loài? Điều nầy bởi vì Trí Khải nhìn Phật tánh như nền tảng khiến chúng sinh đạt đến Phật giới. Đến từ sự kiện rằng tất cả chúng sinh tương ưng với Phật tánh, tất cả chúng sinh đều có thể bình đẳng trở thành Phật. Vì vậy, Phật giới là trùm khắp. Với mục tiêu duy nhất nầy, tất cả chúng sinh không một ai là không thể hướng đến giải thoát. Phổ độ tất cả chúng sinh chính là tinh thần Đại thừa, và là hạnh nguyện vô tận của Bồ tát nhập thế giúp đời. Sự phối hợp của tự giải thoát và khiến người giải thoát là cái làm cho sự chứng đắc Phật giới cực kỳ ý nghĩa và quan trọng.
Giữ vững lập trường nầy, Trí Khải chia Cảnh Diệu làm hai phần : I. Giải thích rộng về những thể loại của Cảnh, II. Luận về dị đồng giữa những thể loại của Cảnh. Phần thứ nhất có mục đích trình bày tất cả những giáo lý về thể tánh trong Phật giáo. Tất cả có sáu cách phân tích thể tánh, và mỗi một cách được đưa vào bốn loại phù hợp với Tứ Giáo. Đây là sự cố công của Trí Khải để xác định một cách có hệ thống cái thể tánh là, qua nội dung Tứ Giáo. Với những môn đồ Tứ giáo, chân lý Phật thuyết ra được hiểu khác nhau, và những lối hiểu khác nhau nầy phản ảnh một tiến trình tiệm tiến : từ cách hiểu sơ đẳng về thể tánh qua Tạng giáo, dần dần tiến lên lối hiểu của Thông giáo, Biệt giáo, và cuối cùng là lối hiểu vẹn toàn của Viên giáo. Làm như vậy, Trí Khải thành lập học thuyết quảng bác của riêng mình về thể tánh Phật. Bằng cách xác định mỗi loại trong sáu loại chân lý vào bốn thứ lớp, tất cả sáu loại đều quan trọng như nhau trong việc hoàn thành mục tiêu phổ độ chúng sinh. Xác định cái thể tánh là trong sáu loại, phần thứ hai hiển lộ sự kiện rằng mặc dù thể tánh có thể được trình bày qua nhiều cách khác nhau, những cách nầy đều cùng chung thực tại là Chân Lý Tối Thượng.

I. Giải thích rộng về những thể loại khác nhau của Cảnh (T33, 698b – 705b)

Đây là phần phân tích trước hết về Cảnh Diệu. Sáu thể loại được Trí Khải liệt kê là : (i) Thập Như Thị Cảnh, (ii) Nhân Duyên Cảnh, (iii) Tứ Đế Cảnh, (iv) Nhị Đế Cảnh, (v) Tam Đế Cảnh, (vi) Nhất Đế Cảnh.

1. Giải thích về Thập Như Thị Cảnh (Shih-ju Ching)

Đây là đề mục đầu tiên phân tích về thực tính hoặc thực tại khách quan dưới danh từ Thập Như Thị Cảnh. Cảnh như Thập Như Thị (đó là Như Thị) đã được diễn tả trong phần II.1 (xem tựa đề 1.2.2.1 Giải thích rộng về Chúng Sinh Pháp).

2. Giải thích về Nhân Duyên Cảnh (35) (T33, 698b – 700c)
Đây là đề mục thứ hai phân tích về thực tính hoặc thực tại khách quan dưới danh từ Nhân Duyên Cảnh. Cảnh như nhân duyên chỉ cho thuyết Mười Hai Nhân Duyên (dvadasangapratityyasamutpada) (36). Để trình bày điểm nầy, Trí Khải nói rằng, môn đồ Tứ Giáo hiểu lý Mười Hai Nhân Duyên khác nhau, có bốn lối hiểu Mười Hai Nhân Duyên phù hợp với Tứ Giáo là : (i)
Mười Hai Nhân Duyên sinh diệt tư nghì (37), (ii) Mười Hai Nhân Duyên bất sinh bất diệt tư nghì, (38) (iii) Mười Hai Nhân Duyên sinh diệt bất khả tư nghì, (39) (iv) Mười Hai Nhân Duyên bất sinh bất diệt bất khả tư nghì (40). Theo Trí Khải, hai lối hiểu Mười Hai Nhân Duyên (i và ii) là giáo lý thuộc Tam Giới, và được hiểu theo lối khái niệm (41) , hai lối hiểu (iii và iv) là giáo lý vượt trên Tam Giới, và không thể nào dùng khái niệm để hiểu được. Để hợp lý hóa bốn lối phân chia nầy, Tri Khải lập luận rằng đó là kết quả của bốn vị trí trong đó Phật dạy chúng sinh với những căn tánh khác nhau, hoặc độn căn, hoặc thượng căn.
Trong bốn lối hiểu nầy, lối hiểu sau cùng về Mười Hai Nhân Duyên là lối hiểu thuộc Viên giáo, qua đó, thực tính được diễn tả là vô sinh vô diệt bất khả tư nghì. Sự bất khả tư nghì nầy được nói trong tương quan của nguyên lý dung hợp với học thuyết của Trí Khải về Phật tánh như sự kiện Tam Nhân Phật giới, đó là Chánh nhân, Liễu nhân, và Duyên nhân. Với Trí Khải, Phật tánh như tam nhân Bồ Đề bắt nguồn từ sự đồng nhất của tam chướng (phiền não, nghiệp, và khổ) với tam đức (trí tuệ Bồ đề, giải thoát, và Pháp thân). Sự đồng nhất nầy được trình bày như sau :
(i) Ba móc xích như vô minh là nhân quá khứ, vọng dục và trói buộc là nhân trong hiện tại, được Trí Khải diễn tả trong chỗ nói về phiền não. Điều nầy bởi vì vô minh là nhân quá khứ, dục vọng và trói buộc là nhân hiện tại, đưa đến kết quả hiện hữu trong hiện tại và tương lai. Vì đây là vòng luân hồi, ba móc xich nầy được Trí Khải nhìn là phiền não chướng. Phiền não chướng cùng thể tánh với trí tuệ Phật, là cái dựng lập nghĩa Phật tánh như liễu nhân Phật giới. Nếu người tu hiểu cái vô minh là, thì vô minh không thể sinh khởi. Hiểu được như vậy gọi là Phật trí, là cái đưa đến giải thoát. Phiền não đồng tánh với Bồ Đề, cũng có nghĩa rằng phiền não là duyên cần thiết khiến trí tuệ phát sinh.
(ii) Hai móc xích, tác ý là nhân quá khứ và hiện hữu là nhân hiện tại được
Trí Khải diễn tả là Nghiệp Chướng. Điều nầy có nghĩa rằng tác ý và hiện hữu là duyên tạo nên nghiệp. Nghiệp Chướng đồng tánh với Giải Thoát, là cái dựng lập nghĩa Phật tánh như duyên nhân Phật giới. Nghiệp chướng là tà vì nó giữ chúng sinh trong vòng luân hồi. Tuy nhiên, vì là tà chúng sinh khởi lòng hướng về sự gieo trồng hạt giống tu hành để ra khỏi luân hồi. Với ý nghĩa rằng những hạt giống Nghiệp là cái kích thích chúng sinh hướng về giải thoát, hạt giống nghiệp và giải thoát tương đồng.
(iii) Như kết quả từ Phiền não chướng và Nghiệp chướng, đưa đến Khổ
chướng. Trí Khải nhìn khổ chướng như sự tập hợp của năm móc xích như quả hiện tại, đó là, thức, danh và tướng, sáu căn, xúc, và thọ; hai móc xích như quả tương lai, đó là, tái sinh và lão tử. Khổ chướng đồng tánh với Pháp thân, là cái dựng lập nghĩa Phật tánh như chánh nhân Phật giới. Sự khác biệt giữa khổ chướng và Pháp thân chỉ là sản phẩm phân biệt trong tâm chúng sinh. bao lâu tâm chúng sinh không còn phân biệt thì sự đồng nhất giữa hai thực tại được phô bày. Với tâm vô phân biệt, chúng sinh nhận ra rằng khổ và Pháp thân là hai tướng trong cùng một thực thể. Trí Khải kết luận rằng sự đồng nhất nầy được nhìn ra dưới cái nhìn Trung Đạo, từ đó, ý nghĩa Mười Hai Nhân Duyên bất sinh, bất diệt, bất khả tư nghì được chuyển đạt. (42)
Trong phần chú nghĩa bốn loại Mười Hai Nhân Duyên, điều được Trí Khải nhấn mạnh là bốn nghĩa nầy cùng là kết quả của giáo pháp Thế Tôn cung ứng cho môn đồ qua Tứ Giáo. Bởi vì Mười Hai Nhân Duyên được giải thích khác nhau, những lối chú nghĩa khác biệt nầy nên được phân loại, từ đó những thứ lớp chứng đắc từ những sự khế hội khác nhau nầy được minh bạch. Hẳn nhiên, bốn cách hiểu có thể được phân ra từ thô đến tế. Qua hệ thống của Trí Khải, bốn lối hiểu nầy chỉ cho con đường tiệm tiến, dần dần đưa về lối hiểu tối thượng siêu việt của Viên giáo. Như vậy, Trí Khải nhìn mức độ chứng đắc của chư Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát ( đến từ ba lối hiểu đầu của Mười Hai Nhân Duyên) là thô. Điều nầy bởi vì giải thoát chứng đắc được hoặc là từ sự vươn mình ra khỏi những ảo giác, hoặc là từ sự nhận thực được tánh Không, hoặc tiêu diệt vô minh. Lối hiểu thứ tư về Mười Hai Nhân Duyên là lối hiểu vi diệu, bởi vì giải thoát không thể có được nếu cắt chia vô minh từ giải thoát, nhưng bằng con đường trực nhận một thực tại trong đó lý và sự viên dung. Nói cách khác, Tam Chướng đồng với Tam Đức (như đã nói ở phần trên). Bởi vì cả hai cùng một thực tại, Tam Chướng có thể được gọi là Tam Đức. Một kết luận hợp lý có thể được rút ra từ sự đồng nhất nầy là chúng sinh không cần phải tiêu diệt cái trước để tìm cái sau. Bởi vì cả hai là một, đối với những chúng sinh có khuynh hướng phân chia tạo thành hai thực tại khác biệt là việc làm sai lầm.
Với Trí Khải, sự phân biệt giữa thô và tế nói trên có công dụng như một bước từ đó tiến về sự dung hợp sau cùng. Khi xác định tánh siêu việt của Viên giáo, Trí Khải không có ý loại bỏ ba phương thức giáo hóa còn lại, vì Đại Sư nhìn tất cả giáo lý Phật, dù thô dù tế đều là giáo pháp Thế Tôn thuyết ra. Mục đích có việc thẩm định thô và tế là để dung hòa nhưng sai biệt trong Tứ Giáo. Điều nầy bởi vì chỉ khi nào tất cả Tứ Giáo đều được xác nhận là cùng có giá trị, thì chúng sinh với đủ hạng căn cơ khác nhau đều không bị bỏ sót. Kết luận của Trí Khải là Thể Tánh bao gồm cả hai thô và tế. Trong ý nghĩa vi diệu khai thô (tục đế) để hiển tế (chân đế) hướng chúng sinh đạt đến sự giải thoát trùm khắp Phật giới, thì thô chính là tế. Điều nầy có nghĩa rằng mỗi giáo pháp (Tạng, Thông, và Biệt giáo) là một bước cần thiết để đặt chân lên đất Phật. Tuy nhiên, Trí Khải nói rằng ý nghĩa độc đáo trong sự dung hợp thô và tế ( đó là ba giáo pháp kia cùng vi tế như Viên giáo) chỉ được nói minh bạch trong bản kinh Pháp Hoa, qua đó, bản hoài phổ độ chúng sinh của Thế Tôn được chuyển đạt trực tiếp. Mặc dù pháp thô là phương tiện khế hợp được dùng để phơi bày pháp tế, từ cái trước là tương đối và cái sau là tuyệt đối, tính cách quan trọng bình đẳng giữa tương đối và tuyệt đối, với Trí Khải, nằm trong sự kiện rằng chỉ bằng cách dựa vào tục đế, chân đế mới được hiển lộ. Đồng thời, chỉ bằng cách nhắm vào tuyệt đối thì tương đối mới có giá trị.
Phần trên là sự mô tả thứ hai về Cảnh như Nhân và Duyên. Mười Hai Nhân Duyên là một giáo lý căn bản của Phật giáo (giáo lý Duyên Giác) được Trí Khải giải thích rằng nội dung của giáo lý nầy rất phong phú trong Tứ giáo. Nói cách khác, mỗi giáo pháp trong Tứ giáo có đặc tính riêng từ Mười Hai Nhân Duyên, Tạng giáo có đặc tính của Mười Hai Nhân Duyên sinh diệt tư nghì; Thông giáo có đặc tính của Mười Hai Nhân Duyên vô sinh vô diệt tư nghì, Biệt giáo có đặc tính của Mười Hai Nhân Duyên sinh diệt bất khả tư nghì, và Viên giáo có đặc tính của Mười Hai Nhân Duyên vô sinh vô diệt bất khả tư nghì. Bởi vì bốn lối hiểu về Mười Hai Nhân Duyên liên quan đến căn tánh khác nhau của chúng sinh, đưa đến bốn thứ lớp chứng đắc từ thô đến tế. Vì mức độ chứng đắc của Viên giáo tuyệt đối vi diệu, không có bất cứ pháp thô nào, kinh Pháp Hoa được thuyết ra như Viên giáo nên được xem là vi diệu. Họa đồ của Trí Khải về giáo pháp viên mãn của kinh Pháp Hoa là vi diệu nhằm mục đích dung hòa những giáo lý khác nhau trong Phật giáo, từ đó giáo pháp Thế Tôn được nhìn như một toàn thể. Với Trí Khải, giáo pháp Thế Tôn vi diệu bất khả tư nghì vì bao gồm cả thô pháp và tế pháp.

3. Giải thích về Cảnh như Tứ Đế (Shih Ssu-ti Ching) ( T33, 700c- 702a)

Cảnh như Tứ Đế là tầng thứ ba phân tích về Cảnh hoặc chân lý khách quan. Theo học thuyết của Trí Khải, Cảnh như Tứ Đế (44) được nhìn như bốn đường lối phù hợp với Tứ Giáo. Đó là : (i) Sinh Diệt Tứ Đế, (ii) Vô Sinh Diệt Tứ Đế, (iii) Vô Lượng Tứ Đế, và (iv) Vô Tác Tứ Đế.(45) Bốn lối giải thích khác nhau về Tứ Đế được Trí Khải khảo sát với khái niệm phân hai giữa Lý và Sự.
Trí Khải nói rõ rằng lý do Tứ Đế được hiểu qua bốn cách khác nhau bởi vì những ảo vọng khác nhau mà môn đồ Tứ Giáo đang nắm giữ.
(i) Sinh Diệt Tứ Đế là chân lý thuộc Tạng giáo. Môn đồ Tạng giáo mang theo lối hiểu sai lạc nặng nề về Không như Chân Đế, và vì vậy, từ phối cảnh về thế giới hiện tượng như những sự hiện diện có thực, những vị nầy chỉ có thể hiểu được Tứ Đế trong sinh và diệt, trong nhân và quả. Điều nầy có nghĩa rằng Tập Đế là nhân của khổ, Đạo Đế là nhân đưa đến diệt, và Diệt Đế là quả của Đạo. (46)
(ii) Vô Sinh Diệt Tứ Đế là chân lý của Thông giáo. Môn đồ Thông giáo mang cái hiểu sai lạc nhẹ nhàng hơn về Không như Chân Đế, và vì vậy, từ cái nhìn về tánh Không, những vị nầy có thể hiểu Tứ Đế trong vô sinh vô diệt. Điều nầy để nói rằng nếu vạn pháp là Không vì nhân duyên, thì sự sinh khởi của thế giới hiện tượng không đứng vững. Suy từ tánh Không, không hề có Pháp nào được sinh ra, cũng không hề có Pháp nào bị hoại diệt. Nếu có cái gọi là vô sinh vô diệt thì Tứ Đế cũng là Không đối với đặc tính nhân và quả.
(iii) Trong khi hai lối hiểu về Tứ Đế nói trên liên hệ đến chân lý, hai lối hiểu kế tiếp về Tứ Đế liên hệ đến Trung Đạo. Bồ tát thuộc Biệt giáo vẫn còn có cái nhìn sai lạc nặng nề về Trung Đạo, và từ phối cảnh của thế giới hiện tượng, những vị nầy hiểu Tứ Đế như mang vô lượng hình tướng. Chỗ hiểu nầy khác với lối hiểu của môn đồ Tạng giáo, vì Bồ tát Biệt giáo đã thông đạt về Không. Tuy nhiên, vì các vị nầy thông đạt về thế giới hiện tượng trong những giao tiếp với đời để cứu chúng sinh, các vị vẫn chưa thể hiểu được lý Trung Đạo nằm trong muôn vàn sự kiện. Với cái nhìn Trung Đạo, người tu hiểu rằng một pháp chứa muôn pháp, và muôn pháp là những khía cạnh sai biệt của một pháp. Tuy nhiên, Bồ tát Biệt giáo vẫn chưa chứng đắc được một lối nhìn về một thực tại đồng nhất như trên. Bởi vì chưa thấy được thực tại là một toàn khối hội nhập, với các Bồ tát nầy, có vô lượng pháp trong thế giới hiện tượng với vô lượng hình tướng. Nhìn về Tứ Đế, các Bồ tát nầy thấy có vô lượng khổ và vô lượng nhân đưa đến khổ, và vì thế, có vô lượng con đường diệt khổ và vô lượng cách đạt đến cái diệt nầy. (47) Lối hiểu về Tứ Đế của Bồ tát Biệt giáo là nhìn thế giới hiện tượng như hiện hữu giả tạm khi cứu giúp chúng sinh. Tánh vô lượng nầy Nhị Thừa không hiểu được vì cái họ cố công đạt đến là tiêu diệt hiện hữu để đạt giải thoát cho chính mình.
(iv) Vô Tác Tứ Đế là chân lý của Viên giáo. Bồ tát Viên giáo hiểu Trung Đạo nhưng chưa được vẹn toàn (48), và tương ưng với cái hiểu siêu việt về Tứ Đế. Với cái nhìn về Trung Đạo, các Bồ tát nầy hiểu rằng khổ và nhân của khổ đến từ những chúng sinh lầm lẫn Bồ Đề là khổ, và Niết Bàn là sinh tử. Nếu chúng sinh có thể dùng trí tuệ để đồng hóa khổ với Bồ Đề, sinh tử với Niết Bàn, chúng sinh có thể đạt đạo diệt khổ. Tánh vô phân biệt của Trung Đạo chuyển đạt thực tánh của thực tại như nó là, Trí Khải gọi đó là Vô Tác ( No-function). Điều Trí Khải muốn nói là nhân khổ và đạo diệt khổ đến từ tâm sai lạc vì không thể hiểu lý Trung Đạo. Với trí tuệ Trung Đạo, người tu có thể nhìn được hai điều trái nghịch có đồng tánh như nhau, từ đó đạt đến cái nhìn chân thực. Bởi vì tánh đồng nhất của vạn hữu là thực tánh và không liên quan gì đến tác ý, đây là chân lý vô tác, là cái đồng nghĩa với Nhất Đế. (49)
Đưa Tứ Đế ra dưới bốn thể loại, theo Trí Khải, đó là việc làm cần thiết để đi vào hai mặt thô và tế của Tứ Đế. Thô và tế được thẩm định trên căn bản ba khía cạnh Giáo, Hành, và Chứng có hội nhập vào nhau hay không. Giáo chỉ cho giáo pháp thế Tôn hướng tâm chúng sinh đến chỗ giải thoát. Hành chỉ cho sự tu tập, hành trì hướng tâm về con đường giải thoát theo như lời Phật dạy. Chứng chỉ cho sự hội nhập chân lý như kết quả tu trì miên mật. Theo lối nhìn của Trí Khải, mỗi một giáo pháp trong Tứ Giáo đều được xây dựng trên ba căn bản nầy. Tuy nhiên, nếu ba mặt nầy không dung hợp như một toàn thể bất khả phân ly, thì cái hiểu về Tứ Đế là thô. Chỗ nầy nói về ba lối tiếp nhận tùy thuộc vào Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo được nhìn như là pháp thô. Mặt khác, ba khía cạnh nầy hội nhập trong lối hiểu rốt ráo về Tứ Đế, tức lối hiểu của Viên giáo, và vì vậy, Vô Tác Tứ Đế thì vi diệu. Nói về năm vị sữa, giáo pháp Thế Tôn trong bốn giai đoạn đầu Hoa Nghiêm, Lộc Uyển, Phương Đẳng, và Bát Nhã sánh với bốn vị đầu (sữa, kem, sữa đặc, và bơ) gồm cả hai thô và tế trong lối hiểu về Tứ Đế. Giáo pháp Thế Tôn trong giai đoạn sau cùng là thời Pháp Hoa và Niết Bàn sánh với vị đề hồ không còn pháp thô mà chỉ thuần là lối hiểu vi tế về Tứ Đế.
Theo Trí Khải, đưa ra những phân biệt thô và tế kể trên là để hướng về sự vô phân biệt, bởi vì bản hoài của Thế Tôn là phổ độ. Nói tận cùng thì thô và tế đã hòa nhập trong kinh Pháp Hoa, vì Thế Tôn đã thuyết minh rằng tất cả đều tương ưng trong vi diệu. Bất kể là thô hoặc tế, hoặc không thô cũng không tế, tất cả đều chứa đựng bản hoài của Thế Tôn hưóng tâm chúng sinh về đường giải thoát. Với nghĩa nầy, bốn loại Tứ Đế đều không sai khác. Trí Khải diễn tả sự vi diệu nầy như không thể suy lường, có thể suy lường, vừa không thể vừa có thể suy lường, và chẳng có thể cũng chẳng không thể suy lường :
(Nếu) tất cả bốn lối hiểu về Tứ Đế đều không thể suy lường, (tất cả) biểu thị Vị vô biên. (Nếu) tất cả bốn lối hiểu đều có thể suy lường, (tất cả) biểu thị Thể vô lượng. (Nếu) tất cả bốn lối hiểu vừa không thể, vừa có thể suy lường, (tất cả) biểu thị Dụng vô tận. (Nếu) tất cả bốn lối hiểu chẳng có thể cũng chẳng không thể suy lường, (tất cả) không vô biên cũng chẳng vô lượng, không thường cũng chẳng vô thường, không đồng cũng chẳng dị. (Tất cả) đều vi diệu như nhau. (50)
Sự không thể suy lường được dùng để chỉ đặc tính Vị vô biên, bởi vì nếu bốn chân lý được nhìn như không thể suy lường vì tất cả đều chứa đựng chân tánh, đây là cái nhìn của Phật, và Phật vị thì vô biên không còn ngờ vực. Sự có thể suy lường chỉ cho chân tánh. Nói cách khác, chân tánh được dùng như thể viên dung vạn pháp, biểu thị sự vô lượng của thể. Mặt khác, nguyên lý về chân tánh có thể được diễn bày trong tương quan với Thập Như Thị như đặc tính, và Tam Đế như ba khía cạnh. Cả hai sự suy lường và khó suy lường liên hệ đến sự vô tận của Dụng. Nói cách khác, cái Dụng vô tận chỉ cho hoạt dụng cứu rổi chúng sinh của chư Phật, bắt đầu từ vô lượng quá khứ thuộc Bản môn cho đến những phương thức giáo hóa hiện bày trong Pháp Hoa thuộc Tích môn. Nói cách khác, vì căn tánh khác nhau của chúng sinh, hoặc là Thế Tôn thuyết ra chân lý qua khái niệm có thể suy lường, hoặc thuyết ra chân lý vượt khái niệm khó suy lường. Sự chẳng có thể cũng chẳng không thể suy lường chỉ cho sự bất khả tư nghì của bốn chân lý, bởi vì không thể dùng khái niệm để thông đạt thể tánh. Trong cái nhìn về sự không tương xứng của ngôn ngữ và ý tưởng thuộc khái niệm trong việc nhận ra thể tánh, bốn chân lý không thể được xác định bởi những danh từ như vô biên, vô lượng, hoặc thường hoặc vô thường, hoặc đồng hoặc dị. Đây là một thực thể dung hòa mà sự sự vật vật đều không sai biệt, và là vi diệu.
Phần trên là sự diễn tả về cảnh như Tứ Đế. Tứ Đế được hiểu là bốn con đường tương ưng với Tứ Giáo. Với Tạng giáo, Tứ Đế được giải thích như sinh diệt, với Thông giáo Tứ Đế được giải thích như vô sinh vô diệt, với Biệt giáo, Tứ Đế được giải thích là Vô Lượng, và với Viên giáo Tứ Đế được giải thích như Vô Tác. Chúng ta có thể nói rằng Trí Khải nhìn bốn loại Mười Hai Nhân Duyên phản ảnh những căn tánh khác nhau của môn đồ Tứ giáo, và bốn lối hiểu về Tứ giáo phản ảnh những chân lý khác nhau được thuyết trong Tứ giáo. Điều nầy nói lên rằng môn đồ Tạng giáo và Thông giáo thuộc bậc hạ căn, và với các vị nầy, Không là chân lý tuyệt đối; môn đồ của Biệt giáo và Viên giáo thuộc bậc thượng căn, với các vị nầy, chân tánh tức Trung Đạo. Tuy nhiên, các vị thuộc Biệt giáo vẫn chưa được thông suốt rốt ráo về Trung Đạo. Điều nầy có nghĩa rằng các Bồ tát chỉ có thể nhìn thấy cái Bất Không của vạn pháp với cái nhìn Trung Đạo, nhờ vậy mà các vị có thể đi vào thế tục để hoán chuyển tâm chúng sinh, nhưng chưa thể hợp nhất Không và Giả. Nói cách khác, môn đồ Viên giáo có thể nhìn thấy một thực tại dung hợp với cái nhìn Trung Đạo, và vì thế, Trung Đạo trong Viên giáo là lối nhìn như thực về thực tại. Ý nghĩa của lối nhìn như thực nầy nằm trong sự kiện dung hợp những khác biệt trong Tứ Giáo, bởi vì pháp thô và tế hội nhập vào một thực tại viên diệu. Thêm vào đó, Trí Khải nói rằng phương tiện quán tâm là phương thức thực tiển để có được một lối nhìn như thực.

4. Cảnh như Nhị Đế (51) (T33, 702a – 704c)

Cảnh như Nhị Đế là tầng thứ tư Trí Khải phân tích về chân lý hoặc thực tại khách quan. Nhị Đế (satyadvaya) chỉ cho Tục đế và Chân đế. Tục đế chỉ cho thế giới thuộc giác quán, Chân đế chỉ cho tánh Không. Đề tài về Nhị Đế đã có mặt trong giáo lý Phật trước thời Trí Khải. Vì vậy, cách thức Trí Khải chú giải về Nhị Đế là sự cố công toát yếu một cách có hệ thống những lối hiểu khác nhau về Nhị Đế và đưa ra quan điểm của riêng Đại Sư về Nhị Đế trong rường cột của Tứ Giáo.
Trước hết, Trí Khải đưa ra bảy cách nhìn Nhị Đế (52). Để giữ vững thứ lớp của bảy quan điểm nầy, Trí Khải xác định rằng tất cả đều từ Phật thuyết ra. Tuy nhiên, Trí Khải nói rằng mỗi cách nhìn được dạy tùy thuận với ba hoàn cảnh khác nhau, đó là, theo thượng căn của chúng sinh (Sui ching), theo cả hai thượng căn của chúng sinh và trí Phật (Sui ching chih), và theo trí Phật (Sui chih).
(i) Nhị Đế được Phật thuyết tương ưng với chúng sinh thượng căn là phương tiện thiện xão của chư Phật để thuyết giảng về hai chân lý. Vì căn cơ thính chúng sai biệt, Thế Tôn thuyết giảng khế hợp căn tánh chúng sinh khiến tâm chúng sinh được giải thoát. (53)
(ii) Nhị Đế được Thế Tôn thuyết tương ưng với chúng sinh thượng căn và Phật trí là phương thức dung hợp tùy thuận căn cơ thính chúng và cùng lúc trực tiếp mở ra lối nhìn của chư Phật. Giáo pháp Nhị Đế tương ưng với chúng sinh bậc thượng căn, Trí Khải gọi đó là Tục Đế, và sự mở khai Phật trí gọi là Chân Đế. Chân Đế nhấn mạnh trên sự đối nghịch với Tục Đế (54) .
(iii) Nhị Đế được Thế Tôn thuyết tương ưng với tri kiến Phật là phương thức trực tiếp mở bày Phật trí mà không phải dùng đến phương tiện thích ứng. Phật trí liên quan đến Trung Đạo. Với lý Trung Đạo, chư Phật thấy tường tận một thực tại hợp nhất gồm cả tục lẩn chân. Vì vầy, chư Phật không hề phân biệt hai chân lý nầy (55).
Sự phân tích của Trí Khải theo từng quan điểm về Nhị Đế tương quan với ba phương thức nói trên, đưa đến hai mươi mốt cách nhìn về Nhị Đế.
(i) Cách nhìn thứ nhất về Nhị Đế là Thực Hữu Nhị Đế ( Shih-yu Erh-ti / Two Truths of Real Existence). Với lối nhìn nầy, Trí Khải giải thích rằng Tục Đế liên quan đến những hiện hữu có thực, và Chân Đế dứt bỏ những hiện hữu nầy. Những hiện hữu thế tục nầy chỉ cho căn, cảnh, và thức. Tánh Không như Chân Đế chỉ có thể đạt đến bởi sự dập tắt ý niệm cho rằng những hiện hữu nầy là có thực. Thấy rằng quan điểm của Tục Đế đối với thế giới giác quán tương ưng với Tạng giáo. Điều nầy bởi vì Tạng giáo chủ trương rằng vạn pháp trong thế giới hiện tượng thực sự có mặt.
(ii) Cách nhìn thứ hai về Nhị Đế là Huyễn Hữu Không Nhị Đế (Huan-yu kung Erh-ti / Two Truths of the Emptiness of Illusory Existence). Định nghĩa của Trí Khải rằng Tục Đế hướng về hiện hữu ảo giác, và Chân Đế xác định ảo giác nầy với tánh Không của thực thể. Trí Khải nói rằng lối nhìn về Nhị Đế nầy chối bỏ giá trị của lối nhìn thứ nhất, bởi vì ý nghĩa của Tục Đế và Chân Đế trong lối nhìn thứ nhất không thể đồng thời đứng vững. Nếu hiện hữu thực sự như Tục Đế được trình bày, Chân Đế không thể đứng vững bởi vì sự chứng đắc được Chân Đế đặt căn bản trên sự hủy diệt hiện hữu. Tuy nhiên, nếu hiện hữu bị hủy diệt, Tục Đế cũng không thể đứng vững. Nói cách khác, Nhị Đế với lối nhìn thứ hai nầy vững vàng hơn vì hiện hữu ảo giác được nhìn như Tục Đế. Điều nầy có nghĩa rằng chúng sinh không cần phải hủy diệt hiện hữu thì mới hội nhập vào được Chân Đế. Hiện hữu như ảo giác có nghĩa là hiện hữu không thực tính, và nghĩa nầy chính là Chân Đế. Vì thế, Nhị Đế ở đây đồng nhất. Lối nhìn nầy tương ưng với thuyết về tánh Không của Thông giáo vì giáo pháp nầy chủ trương rằng hiện hữu ngay đó là Không vì bản chất ảo giác.
(iii) Cách nhìn thứ ba về Nhị Đế là Huyễn Hữu Không và Bất Không Nhị Đế (Huan-yu kung pu ung Erh-ti / Two Truths of the Illusory Existence as Empty and not Empty). Trí Khải xác định rằng Tục Đế hướng về hiện hữu ảo giác, và thấy rằng hiện hữu ảo giác nầy với cả hai Không và Bất Không tức Chân Đế. Nội dung của Tục Đế cũng không khác lối nhìn thứ hai về hiện hữu ảo giác, nhưng, theo Trí Khải, nội dung của Chân Đế đưa đến ba lối hiểu, tạo nên ba thứ lớp về Chân Đế. Ba thể loại Chân Đế nầy tương ưng với thuyết của Thông giáo, Biệt giáo đưa đường Thông giáo, và Viên giáo đưa đường Thông giáo (56). Nhị Đế được nói đến như hữu lậu và vô lậu. Hữu lậu chỉ cho chúng sinh vẫn còn ô nhiễm và chứng đắc Thanh văn thừa, Trí Khải nói đó là Chân Đế của Thanh văn thừa. (a) người đầu tiên thuộc Thông giáo nhìn chẳng hữu lậu là Chân Đế, và chẳng không hữu lậu như vượt ra ngoài ràng buộc của vô lậu. Thứ bậc chứng đắc nầy tức đã bước vào vô lậu từ hủy diệt sự trói buộc vào vô lậu (57). (b) người thứ hai thuộc Biệt giáo hướng dẫn Thông giáo vượt lên lối nhìn của Thông giáo để đến được với lối nhìn của Biệt giáo. Người nầy nhìn không hữu lậu và chẳng không hữu lậu là hai cực đoan, và Trung Đạo là nguyên lý đồng nhất với Chân Đế. Tuy nhiên, lý Trung Đạo nầy có thể đạt đến bởi sự vượt lên trên hai cực đoan thay vì hợp nhất không hữu lậu với chẳng không hữu lậu(58).(c) Người thứ ba thuộc Viên giáo hướng dẫn Thông giáo vượt trên lối nhìn của Thông giáo để đến được với lối nhìn của Viên giáo. Điều nầy có nghĩa rằng người nầy lập tức nhận ra rằng hai lần phủ định của không hữu lậu chẳng không hữu lậu chỉ cho Trung Đạo xác định rằng tất cả khía cạnh của thực tại quy về một thể tánh hợp nhất.(59).
(iv) Cách nhìn thứ tư về Nhị Đế là Huyển Hữu đồng quy về Không và Bất Không Nhị Đế ( Huan-yu I-chieh Chu kung pu Kung Erh-ti / Two Truths of the Illusory Existence, all tending toward Emptiness and No-Emptiness). Trí Khải giải thích rằng Tục Đế trong quan điểm thứ tư nầy không khác với lối nhìn thứ hai và thứ ba về Nhị Đế với hiện hữu ảo giác. Chân Đế có nghĩa rằng hiện hữu ảo giác như là Không thì chẳng phải là Không.
Lối hiểu nầy tương ưng với Biệt giáo, vì giáo pháp nầy dùng hiện hữu giả tạm để vào đời chuyển tâm chúng sinh.
(v) Lối nhìn thứ năm về Nhị Đế là Huyễn Hữu và Không, và Chẳng Hữu Chẳng Không Nhị Đế (Huan-yu wu Pu- yu Pu-wu Erh-ti / Two Truths of Illusory Existence and Emptiness, and neither Existence nor Emptiness). Khác với ba lối nhìn Nhị Đế từ thứ hai đến thứ tư nói trên, dùng hiện hữu ảo giác làm Tục Đế, Trí Khải nói rằng với lối nhìn thứ năm nầy, Tục Đế dung hợp hiện hữu ảo giác với Không. Chân Đế nằm trong hai lần phủ định của hữu và vô ( không hữu không vô). Lối hiểu về Nhị Đế nầy tương ưng với Biệt giáo.
(vi) Lối nhìn thứ sáu về Nhị Đế là Viên giáo vào Biệt giáo Nhị Đế (Yuan-yu Pieh Erh-ti / The Two Truths of the Perfect entring the Separate). Trí Khải nói rằng Tục Đế trong lối hiểu thứ sáu nầy không khác với lối nhìn thứ năm, nhưng Chân Đế có ý nghĩa chẳng hữu chẳng vô, và vạn pháp hướng về chẳng hữu chẳng vô. Tuy nhiên, Trí Khải nhắc chúng ta rằng Bất Không như Chân Đế nhấn mạnh vào những ẩn tàng khác biệt giữa Biệt giáo và Viên giáo. Với Biệt giáo, Bất Không đưa đến sự tinh tấn tu trì để nhận được lý Bất Không. Để hiển lộ lý nầy, người tu phải sử dụng phương tiện hành trì thích hợp. Tuy nhiên, với Viên giáo, Bất Không không chỉ là một đối tượng nhận thức, nhưng tương ưng với pháp Phật, đó là, nguyên lý viên dung vạn pháp hoặc thực tại thuộc thế giới giác quán.
(vii) Lối nhìn thứ bảy về Nhị Đế là Viên giáo Nhị Đế (Yuan Chiao Erh-ti). Trí Khải cho rằng Tục Đế trong quan điểm sau cuối nầy không khác với lối nhìn thứ năm và thứ sáu. Tuy nhiên, Chân Đế dung hợp tất cả những lối nhìn về Không và Hữu : Vạn pháp nghiêng về Hữu, Không, và chẳng Hữu chẳng Không, là Chân Đế.(60) Lối hiểu nầy vượt trên lối hiểu qua khái niệm, bởi vì Tục và Chân tương đồng trong nhau. Rõ ràng hơn, sự bất khả tư nghì của Nhị Đế có nghĩa rằng cả hai không khác, và hơn thế nữa, hai quy về một.
Bảy lối nhìn về Nhị Đế nói trên có thể chia hẳn ra thô và tế, và quan hệ đến Tứ Giáo. Trí Khải vẫn nói rằng ngoài cái thứ nhất hoàn toàn thô và cái sau cùng thuần diệu, những quan điểm còn lại từ thứ hai đến thứ sáu gồm cả thô và tế. Đường lối Trí Khải thẩm định pháp thô hoặc pháp tế tương hợp với ba phương thúc Thế Tôn dùng để thuyết về Nhị Đế, đó là thuyết theo chúng sinh thượng căn, thuyết theo chúng sinh thượng căn và trí Phật, và thuyết theo trí Phật. Ba phương thức nầy đưa ra một tiến trình tiệm tiến từ Tạng giáo đến Thông giáo, đến Biệt giáo và sau cùng quy về Viên giáo. Phương thức thứ nhất gồm Tạng giáo và Thông giáo, và là pháp thô. Phương thức thứ hai có Biệt giáo, vừa thô vừa tế. Phương thức sau cùng riêng Viên giáo, và là thuần tế.
Như vậy, bảy lối hiểu về Nhị Đế được Trí Khải phân loại tùy thuận theo ba phương thức giáo hóa. Với lối nhìn thứ nhất và thứ nhì về Nhị Đế, tương ưng với Tạng giáo và Thông giáo là những pháp thô bởi vì những pháp nầy được Thế Tôn thuyết ra khế hợp căn tánh thính chúng. Với lối hiểu từ thứ ba đến thứ sáu về Nhị Đế, được xem là tương ưng với Biệt giáo (vì được Thế Tôn thuyết giảng ứng hợp với thính chúng bậc thượng căn và với Phật trí), và được xem là có cả thô lẫn tế. Lối hiểu sau cùng về Nhị Đế tương ưng với Viên giáo (vì được Thế Tôn thuyết ra tương hợp với tri kiến Phật), và là thuần diệu.
Trí Khải khảo sát cả bảy quan điểm về Nhị Đế dưới cái nhìn thô và tế và đi đến sự khẳng định rằng những giáo lý khác nhau của Thế Tôn là kết quả của những phương sách giáo hóa khác nhau. Điều Trí Khải muốn nói là mặc dù có bảy lối hiểu về Nhị Đế, tất cả đều tương hợp trong nhau, thấy rằng bản hoài của Thế Tôn là thuyết ra tri kiến Phật một cách bình đẳng. Bản hoài nầy biểu thị bằng phương tiện khai mở pháp thô, và pháp vi tế được thành tựu qua giáo lý tối hậu là kinh Pháp Hoa. Trí Khải nhấn mạnh rằng kinh Pháp Hoa mang sự đồng nhất giữa pháp thô và pháp tế đến chỗ vẹn toàn. Trí Khải cũng lưu ý rằng không phải chỉ có những giáo lý trước kinh Pháp Hoa được thuyết ra nhằm mục đích hiển lộ thể tánh, nhưng thật sự qua sự xuất hiện của Thế Tôn từ vô lượng thời gian trong quá khứ đã nói đến sự có mặt của kinh Pháp Hoa. Tại sao kinh Pháp Hoa lại quan trọng như thế kia? Với Trí Khải, vì là sự trực chỉ về Chân Như trong kinh Pháp Hoa mà giáo lý Pháp Hoa giúp cho những môn đồ Thanh văn thừa và Đại thừa đi từ trí thô thiển (trạng thái chưa tiếp nhận được Chân Như) để ngự được trên đóa sen bừng nở (một biểu tượng của sự giải thoát vi diệu). Với giáo lý Pháp Hoa, tất cả môn đồ, hoặc thường nghe một, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn vị giáo lý, và ngay cả chưa từng nghe qua giáo lý nào, được bảo nhiệm sẽ chứng đắc Phật giới. Đây là ý nghĩa khai thô hiển tế.
Phần trên nói đến sự phân tích của Trí Khải về Cảnh như Nhị Đế. Những lối hiểu khác nhau về Cảnh được Đại Sư toát yếu vào bảy loại, và bảy lối hiểu nầy được phân ra làm pháp thô và pháp tế trong tương quan với Tứ Giáo. Điều nầy để nói rằng lối hiểu thứ nhất liên quan đến Tạng giáo, thứ hai đến Thông giáo, thứ ba đến Biệt giáo vào Thông giáo, thứ tư đến Viên giáo vào Thông giáo, thứ năm đến Biệt giáo, thứ sáu Viên giáo vào Biệt giáo, và thứ bảy thuần Viên giáo. Bảy lối nhìn vào Nhị Đế phản ảnh những phương thức khác nhau Thế Tôn sử dụng để giảng dạy. Trí Khải trình bày phương thức giáo hóa của Thế Tôn thăng tiến từ sự phù hợp với căn cơ chúng sinh bậc thượng căn, dần dần đến căn cơ thượng căn và Phật trí, và sau cùng thuần Phật trí. Đưa ra ba phương thức giáo hóa nầy, Trí Khải có thể mang ra ánh sáng bản hoài của Thế Tôn bao gồm trong tất cả những cách thức giáo hóa, thuyết ra chân lý từ Phật trí. Điều nầy được nhận ra qua Viên giáo trong kinh Pháp Hoa. Viên giáo được thuyết ra tương hợp với Phật trí làm trọn vẹn mục tiêu tối hậu chuyển tâm chúng sinh đưa về Phật giới.

5. Giải thích về Cảnh như Tam Đế ( Shih San-ti Ching) (T33, 704c – 705a)

Cảnh như Tam Đế là tầng thứ năm Trí Khải phân tích về chân lý hoặc thực tại khách quan. Tam Đế thành hình từ Nhị Đế, và là hệ thống học Phật của riêng Trí Khải. Trước hết, Trí Khải chủ trương rằng có năm loại Tam Đế tương ưng với bảy loại Nhị Đế. Trí Khải giải thích rằng hai lối nhìn về Nhị Đế đầu tiên không nằm trong Tam Đế, nhưng năm lối hiểu sau cùng có ẩn chứa Trung Đạo (Chung-tao), từ đó, năm loại Tam Đế (Wu-chung San-ti) được thành lập. Ngũ chủng Tam Đế nầy được trình bày trong ánh sáng của khái niệm Hữu Lậu (sasrava) biểu thị Tục Đế và Vô Lậu (anasrava) biểu thị Chân Đế. Hai khái niệm nầy đưa đến khái niệm Phế Hữu Lậu Phế Vô Lậu (Fei-yu-lou Fei wu-lou), là một lối nhìn thâm sâu của Trung Đạo. Tuy nhiên, qua hệ thống lập luận của Trí Khải về năm loại Trung Đạo, mỗi phần ám chỉ khác nhau.
(i) Loại Tam Đế thứ nhất (Biệt giáo vào Thông giáo Tam Đế), hữu lậu chỉ cho Tục Đế, và vô lậu chỉ cho Chân Đế. Hai lần phủ định không hữu lậu chẳng không hữu lậu chỉ cho Trung Đạo. Theo Trí Khải, Trung Đạo nầy chỉ dùng như phương tiện giúp chúng sinh không bị trói buộc vào Không Chỗ nầy có ý nói rằng Trung Đạo như một dấu ấn chứng sự thông đạt nghĩa Không : không nên bị trói buộc vào quan điểm về Không, bởi vì quan điểm nầy, chính bản thân nó cũng là Không theo thuyết Nhân Duyên (62). Vì Trung Đạo nầy là một phương tiện để hiểu đúng chữ Không, nó không liên quan đến hạnh nguyện vào đời chuyển tâm chúng sinh của chư Bồ tát, là chỗ mà Trí Khải gọi là viên dung vạn pháp (Pei chu fa). Danh từ nầy muốn nói Trung Đạo khởi dụng như một năng lực phổ độ.
(ii) Loại Tam Đế thứ hai (Viên giáo vào Thông giáo Tam Đế), hai đế không khác với loại thứ nhất nói trên, nhưng cái hiểu về Trung Đạo hoàn chỉnh hơn. Dùng Viên giáo để vào Trung Đạo, Trí Khải giải thích rằng Trung Đạo viên dung vạn pháp, có nghĩa Giả được nhìn như Bất Không. Mang theo Bất Không, Bồ tát vào đời giúp chúng sinh chuyển tâm.
(iii) Loại Tam Đế thứ ba (Biệt giáo Tam Đế), hai đế được hiểu là hữu và vô hoặc chẳng hữu chẳng vô. Trí Khải giải thích rằng khái niệm nhị nguyên (hữu với vô) được xem là Tục Đế; khái niệm không nhị nguyên (chẳng hữu chẳng vô) được xem là Chân Đế. Điều nầy có nghĩa rằng chân đế chỉ cho Trung Đạo. Trung Đạo vượt ra khỏi sự ràng buộc của cả hai mặt có và không. Trí Khải nói rằng đây chỉ là thuần lý Trung Đạo, chưa có cái dụng.
(iv) Loại Tam Đế thứ tư (Viên giáo vào Biệt giáo Tam Đế), hai đế không khác với loại thứ ba liên hệ đến Giả là có và không, hoặc chẳng có chẳng không. Khác với cái nhìn thứ ba về Trung Đạo như vượt trên Có và Không, Trung Đạo ở đây xác định giá trị của cả hai cái nhìn về có và không. Trong văn ngôn của Trí Khải, loại Trung Đạo nầy viên dung Không và Hữu có đặc tính tương ưng với pháp Phật, đưa Bồ tát vào đời làm tròn hạnh nguyện giúp chúng sinh chuyển tâm.
(v) Loại Tam Đế thứ năm (Viên giáo Tam Đế) đưa ra một sự hợp nhất của cả ba mặt. Chỗ nầy có nghĩa rằng không riêng Trung Đạo viên dung pháp Phật như loại thứ tư nói trên, mà cả Tục Đế và Chân đế cũng viên dung pháp Phật. Ba mặt nầy hội nhập vào một thực tại gọi là ba là một (Chi-san erh i), và một thực tại bao gồn cả ba mặt gọi là một là ba(Chi-i erh-san). Tam Đế được hiểu như một thực tại đồng nhất ba trong một và một trong ba là Viên giáo. Điều nầy muốn nói rằng cả ba đế (Tục, Chân, và Trung Đạo) tương ưng với pháp Phật, và bất cứ mặt nào trong ba mặt đều có thể khởi dụng cứu chúng sinh.
Trí Khải thẩm định pháp thô hoặc pháp tế trong năm loại Tam Đế căn cứ vào sự có mặt của những yếu tố khác trong Tam Đế như là Thông giáo hoặc Biệt giáo (như phương tiện thích hợp). Hai loại Tam Đế đầu được xem là pháp thô bởi vì cả hai sử dụng Thông giáo như phương tiện. Loại Tam Đế thứ ba không dùng đến Thông giáo nên được xem là pháp tế. Loại thứ tư là pháp thô vì có Biệt giáo làm phương tiện. Loại sau cùng là Tam Đế thuần vi tế vì không dùng bất cứ phương tiện nào.
Hơn nữa, năm loại Tam Đế được Trí Khải phân loại hoặc thô hoặc tế sánh với năm vị sữa (đó là năm thời giáo). Thời vị sữa thứ nhất là thời hổn hợp ba tạng Biệt, Viên, và Thông giáo, và gồm ba loại Tam Đế. Vì thế, hai loại Tam Đế (thuộc về Biệt và Thông giáo) là thô pháp, và chỉ một loại Tam Đế (thuộc Viên giáo) là pháp tế. Thời vị kem thứ hai là thời của Tạng giáo, thuần pháp thô. Thời sữa đặc và chất bơ thứ ba và thứ tư là thời kỳ pha trộn Thông, Biệt, và Viên giáo và gồm năm loại Tam Giáo. Vì vậy, bốn loại Tam Đế đầu tiên (thuộc Thông và Biệt giáo) là pháp thô, và loại Tam Đế sau cùng thuộc Viên giáo là pháp tế. Thời vị đề hồ thứ năm thuần Viên giáo bởi vì kinh Pháp Hoa chỉ diễn đạt một Tam Đế thuộc Viên giáo. Vì thế, loại Tam Đế nầy thì được xem là tế (với nghĩa rằng sự vi tế nầy được dùng để đối lại với pháp thô).
Lối phân chia của Trí Khải về thô và tế nhắm mục đích đạt đến sự vô phân biệt bằng cách khai thô hiển tế. Theo như cách chú giải của Trí Khải, mở thô bày tế có nghĩa rằng với bản kinh Pháp Hoa, Thế Tôn đã tuyên thuyết rõ ràng rằng mặc dù với ba giáo pháp (Tạng, Thông, và Biệt giáo) dùng làm phương tiện khế cơ, cả ba chứa đựng chân tánh nhằm giúp chúng sinh hiểu được phương pháp giáo hóa sau cùng là kinh Pháp Hoa. Vì vậy, trong kinh Pháp Hoa, ba giáo pháp nói trên có cùng sự vi diệu như Viên giáo, nhấn mạnh trên Thể Tánh như tất cả những giáo thuyết trong Tứ giáo.

6. Cảnh như Nhất Đế (Ming I-ti) (T33, 705a)

Cảnh như Nhất Đế là loại thứ sáu của Trí Khải phân tích chân lý hoặc thực tại khách quan. Nhất Đế là một kết luận hợp lý từ Tam Đế nói trên. Nhất Đế là cái hiểu sau cùng của Trí Khải về thể tánh, cho thấy chỉ có một chân như là thực tánh của thực tại. Từ một thực tại (đưa về không hai), Trí Khải cho rằng Nhị Đế vẫn còn là phương tiện nhằm mục đích hiển lộ Nhất Đế. Chỗ nầy sánh với một đoạn kinh Niết Bàn :
Cái được gọi là hai chân lý, thực sự chỉ là một. Gọi hai là chỉ vì khế cơ (63). Như một người say chưa ói mửa ra (để phục hồi), người nầy nhìn thấy nhật nguyệt xoay tròn, liền nói rằng có một mặt trời xoay quanh và một mặt trời không xoay quanh (64). Một người tỉnh chỉ thấy mặt trời không xoay quanh và cũng không có cái gì xoay quanh.(65)
Đưa sự tương tự nầy vào trường hợp những giáo pháp khác nhau của Thế Tôn, Trí Khải nói :
Giáo lý Tạng giáo giống như hai ảnh hiện của người say nhìn. Tất cả kinh Đại thừa diễn đạt Nhất Đế Không Hai trong hình thức của hai ảnh tượng. Kinh Pháp Hoa trực tiếp vượt qua phương tiện khế cơ và chỉ tuyên thuyết Đạo tối thượng (66). Không hiện ra hai ảnh tượng là Nhất Đế, và vì vậy nên siêu việt.(67).
Theo Trí Khải, khái niệm về chân lý liên quan đến người khởi niệm. Một chúng sinh sai lầm và không tỉnh thức phát sinh cái nhìn sai lạc, từ đó chân lý bị nhận một cách sai lạc. Đây là cái nhìn của Thanh văn thừa. Đại thừa thì trong tình trạng tỉnh thức, có thể hiểu đúng chân lý như một thực tại đồng nhất. Tuy nhiên, chân lý được thuyết ra vẫn phải nhận chịu sự thiếu tương ưng của ngôn từ. Nói cho cùng thì chân lý không thể được cắt nghĩa và vượt trên ngôn ngữ, bởi vì bất cứ cố gắng muốn khái niệm hóa đều làm cho chân lý bị hủy hoại. Vì vậy, Vô Đế (wu ti / No Truth) chuyển đạt tuơng xứng được cái thể tánh là, là cái có đặc tính rỗng lặng (68).
Phần trên là những nét chính trong sáu cách phân tích về thực tánh. Sáu loại Cảnh như thực được Trí Khải trình bày như một cố gắng đưa ra tất cả những giáo lý về thực tánh trong Phật giáo. Trong sáu loại, loại thứ nhất Cảnh qua Thập Như Thị là từ kinh Pháp Hoa, và Trí Khải nhìn Thập Như Thị như đặc tính của Chân Như. Thập Như Thị và Chân Như được nói đến trong tương quan với Thập Pháp Giới, Thập Như Thị có trong mỗi một pháp giới, và Chân Như hội nhập khắp nơi trong mười pháp giới. Bởi vì Trí Khải phân chia Thập Pháp Giới thành bốn nhóm, cũng có bốn nhóm định nghĩa về Thập Như Thị. Thập Như Thị là đặc tính của Chân Như và bao gồm Tam Đế Không, Giả, Trung Đạo là khái niệm của riêng Trí Khải về thực tại khách quan và là bức họa toàn hảo của Chân Như.
Cảnh như Mười Hai Nhân Duyên, Tứ Đế, và Nhị Đế được Trí Khải liệt kê từ loại thứ hai đến loại thứ tư là học thuyết đương thời về chân lý. Tuy nhiên, với cách thức chú giải của Trí Khải, khái niệm đương thời về chân lý trong khuôn khổ chật hẹp không còn được lập lại. Như thường được hiểu, Mười Hai Nhân Duyên là chân lý của bậc Duyên Giác, Tứ Đế là chân lý của các bậc Thanh văn. Nhị Đế là giáo lý của Đại thừa đặt trọng tâm vào sự tương quan giữa Tục Đế và Chân Đế. Trí Khải đưa ra ba loại Cảnh trong một cái khung rộng lớn, và mỗi một Cảnh có thể là con đường đưa đến sự chứng đắc giải thoát theo từng mức độ thông đạt khác nhau. Với Trí Khải, ý nghĩa của ba chân lý trên không có tính cách cố định, nhưng tùy thuộc vào sự kiện chúng sinh hiểu những chân lý nầy như thế nào. Trí Khải hệ thống hóa mức độ thông đạt chân lý khác nhau vào bốn thứ lớp tương hợp với Tứ giáo.
Cảnh như Mười Hai Nhân Duyên có thể được hiểu trong phạm vi sinh diệt có thể suy lường đưa đến thứ bậc chứng đắc thuộc Tạng giáo, như Chẳng sinh chẳng diệt được suy lường đưa đến thứ bậc chứng đắc thuộc Thông giáo, như sinh diệt bất khả tư nghị đưa đến thứ bậc chứng đắc thuộc Biệt giáo, và như chẳng sinh chẳng diệt bất khả tư nghì đưa đến thứ bậc chứng đắc thuộc Viên giáo.
Cảnh như Tứ Đế có thể được hiểu như Sinh Diệt đưa đến thứ bậc chứng đắc thuộc Tạng giáo; như Chẳng Sinh Chẳng Diệt thuộc Thông giáo; như Vô Lượng thuộc Biệt giáo; và như Vô Tác thuộc Viên giáo.
Cảnh như Nhị Đế, Trí Khải toát yếu vào bảy lối hiểu :(i) Nhị Đế được hiểu như hiện hữu có thực thuộc thứ bậc chứng đắc của Tạng giáo, (ii) Nhị Đế được hiểu như huyễn hữu tức Không thuộc Thông giáo, (iii) Huyễn Hữu Không và Bất Không thuộc Thông giáo vào Biệt giáo, (iv) Nhị Đế được hiểu như Huyễn Hữu và vạn pháp quy về Không và Bất Không thuộc Thông giáo vào Viên giáo, (v) Nhị Đế được hiểu như Huyễn Hữu và Không, và chẳng Có chẳng Không thuộc Biệt giáo, (vi) Nhị Đế được hiểu như Huyễn Hữu và Không, chẳng Có chẳng Không, vạn pháp thiên về chẳng Không chẳng Bất Không thuộc Biệt giáo vào Viên giáo, (vii) Nhị Đế được hiểu như Huyễn Hữu và Không, vạn pháp quy về Có, Không, và chẳng Có chẳng Không thuộc Viên giáo.
Cảnh như Tam Đế, theo Trí Khải, là phương thức chính xác và cô đọng nhất để diễn đạt Chân Như. Trong khi phương pháp Nhị Đế có khuynh hướng phân hai vạn hữu, Tam Đế đưa ra giải pháp vượt thoát tư tưởng nhị nguyên. Với Tam Đế, chúng sinh có thể tiếp nhận chân tánh một cách thâm diệu. Bởi vì chân tánh có mặt muôn nơi không ngăn ngại, viên dung thực thể toàn pháp giới, cái nhìn của chúng sinh cũng sâu rộng, tâm chúng sinh cũng đồng thời ôm trọn toàn thể vũ trụ. Với Trí Khải, mục tiêu sau cùng của khái niệm viên mãn chân tánh không chỉ là vấn đề đạt đến Phật giới, nhưng còn là hạnh nguyện vào đời giúp chúng sinh chuyển tâm của chư vị Bồ tát. Khía cạnh thực dụng của mục tiêu nầy nhắm vào con đường phổ độ (là kết quả của sự viên mãn chân tánh) là ý nghĩa tiên quyết. Với nguyện vọng nầy, Trí Khải trình bày năm loại Tam Đế (i) Tam Đế được hiểu như hữu lậu, vô lậu, chẳng hữu lậu, chẳng vô lậu thuộc Thông giáo vào Biệt giáo, (ii) Tam Đế được hiểu như hữu lậu, vô lậu, chẳng hữu lậu chẳng vô lậu viên dung vạn pháp thuộc Thông giáo vào Viên giáo, (iii) Tam Đế được hiểu như hữu và vô, chẳng hữu chẳng vô, và lý Trung Đạo thẳng vào Thể Tánh thuộc Biệt giáo, (iv) Tam Đế được hiểu như hữu và vô, chẳng hữu chẳng vô, vạch rõ Thể Tánh là Trung Đạo thuộc Biệt giáo vào Viên giáo, (v) Tam Đế được hiểu như thực thể đồng nhất ba trong một, và một trong ba thuộc Viên giáo.
Loại Cảnh sau cùng như Nhất Đế, nhấn mạnh rằng chỉ có một chân tánh. Theo lối nhìn của Trí Khải về chân tánh, chân tánh chính nó thì siêu việt, không có một danh xưng cố định, và không thể được hiểu qua khái niệm. Vì thế, chân tánh chỉ có thể được trình bày trong tương quan với cái hiểu về thực tại. Chỉ với căn cơ bậc thượng mới có thể hiểu trọn vẹn chân tánh. Theo đó, Trí Khải không những trình bày có hệ thống những loại Cảnh như thực khác nhau, nhưng cũng đưa đến cho chúng ta một hệ thống phân loại thứ bậc chứng đắc trong tương quan với những chân lý nầy. Chỗ nầy cho thấy rằng thứ bậc chứng đắc tùy thuộc vào khả năng liễu ngộ chân tánh.
Hơn nữa, với cách thức phân chia những mức độ thông đạt chân lý thô và tế khác nhau, Trí Khải bảo chúng ta rằng mặc dù chân tánh bất biến, chúng sinh có nhiều căn tánh khác nhau nên kết quả chứng đắc cũng khác nhau. Như vậy, thô và tế không liên quan với chính chân tánh, mà là kết quả của căn cơ chúng sinh. Tuy nhiên, nếu người tu hướng tâm về Phật giới, sự thông đạt chân lý Viên giáo được xem là siêu việt. Với sự liễu ngộ như vậy, người tu có thể tiếp nhận được chân lý một cách rốt ráo.
Với phương thức mở ra pháp thô để phơi bày pháp tế, Trí Khải bước một bước xa hơn khi nhắc chúng ta rằng người tu không nên tự trói buộc vào những khác biệt, tất cả mức độ chứng đắc chân tánh đều có giá trị bởi vì tất cả chúng sinh đều có thể bình đẳng hội nhập vào Phật giới. Điều nầy nhấn mạnh vào thông điệp phổ độ chúng sinh được nói đến trong kinh Pháp Hoa.

II. Luận về những điểm dị đồng của các loại Cảnh ( Lun Chu-ching Tung-I) (T33, 705b – 707a)

Luận về những điểm dị đồng của các loại Cảnh là phần quan trọng thứ hai mà Trí Khải đã đưa ra để phân tích Diệu Cảnh. Phần nầy nhắm vào sự phân tích những khác biệt trong bảy loại Cảnh nói trên cũng như toát yếu những điểm chung cùng mà bảy loại Cảnh nầy gặp gỡ. Sự khác nhau chỉ cho tên gọi, sự giống nhau chỉ cho những khía cạnh các Cảnh nầy biểu thị. Trí Khải nói :
Tên thì khác, vì vậy mà được gọi là Khai. Nghĩa thì giống, vì vậy mà được gọi là Hội (69).
Khai, hội các Cảnh, Trí Khải muốn chuyển đạt cùng thực tại như thực trên sự thông đạt các loại Cảnh ( mặc dù mang tên gọi khác nhau). Hơn nữa, với phương cách hợp nhất các chân lý khác nhau, cáí nầy xác định ý nghĩa cái kia tương hợp với chân lý, khiến những thứ bậc chân lý trong hệ thống tư tưởng của Trí Khải được biểu hiện.

1. Cảnh như Mười Hai Nhân Duyên hổ tương với Cảnh như Mười Như Thị (Shih-erh Yin-yuan Ho Shih-ju) (T33, 705b-c)

Đây là nhóm hổ tương thứ nhất giữa bốn loại Mười Hai Nhân Duyên và Mười Như Thị. tất cả xác định lẩn nhau hoặc bằng cách hổ tương cái trước với cái sau hoặc cái sau với cái trước. Bốn nhóm Mười Hai Nhân Duyên được phân ra làm hai loại – có thể suy lường và không thể suy lường. Có thể suy lường chỉ cho Mười Hai Nhân Duyên sinh diệt có thể suy lường, và vô sinh vô diệt có thể suy lường, là thực tại thuộc tam giới; và không thể suy lường chỉ cho Mười Hai Nhân Duyên sinh diệt không thể suy lường, và vô sinh vô diệt không thể suy lường, là thực tại vượt trên tam giới. Một cách tùy thuận, mười Như Thị trong sáu cõi (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, người, và Trời) hiển lộ đặc tính của cảnh giới luân hồi thì đồng với Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường nói đến sinh diệt của thế giới hiện tượng. Mười Như Thị của Tứ Thánh (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, và Phật) hiển lộ đặc tính của cảnh giới siêu việt đồng với Mười Hai Nhân Duyên bất khả tư nghì phản ảnh sự liễu ngộ về Mười Hai Nhân Duyên.
(1) Sự tương hợp giữa Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường và mười Như Thị của sáu cõi thuộc về loại thứ hai : Biệt và Tổng. Hổ tương biệt thù nối kết Mười Hai Nhân Duyên với mười Như Thị bằng cách phân chia Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường thành bảy nhóm. Bảy nhóm nầy hợp với mỗi Như Thị trong mười Như Thị trong sáu cảnh giới luân hồi khiến định nghĩa về nhân duyên được sáng tỏ. (i) Vô minh (căn bản sinh tử) được định nghĩa là như thị tánh. (ii) Hành (biểu thị của vô minh) được định nghĩa là như thị tướng. (iii) Thức, Danh và Sắc, Lục xứ, Xúc, Thọ (sinh ra khổ) được định nghĩa là như thị thể. (iv) Ái (duyên sinh ra khổ hiện tại) được định nghĩa là như thị duyên. (v) Thủ (nhân sinh ra khổ hiện tại) được định nghĩa là như thị lực và như thị dụng. (vi) Hữu (nhân khổ hiện tại) được định nghĩa là như thị nhân (vii) Sinh, Lão, Tử (quả khổ vị lai) được định nghĩa là như thị quả và như thị báo(70).
Hổ tương tổng quát nối kết mười Như Thị với Mười Hai Nhân Duyên bằng cách phân chia ra ba nhóm. Cũng vậy, mười Như Thị lại được chia làm ba. Đây là để nhấn mạnh ý nghĩa của mười Như Thị trong sáu cõi qua phối cảnh của Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường dựa vào sự tương hợp nói trên.
(i) Nhóm thứ nhất, tánh ( căn bản nghiệp sinh khởi), duyên (khiến nghiệp gia tăng), và lực (khả năng tạo nghiệp) chỉ cho vô minh, ái, thủ.
(ii) Nhóm thứ hai, tướng (như dáng vẻ phiền não), dụng (tạo nghiệp), nhân (khả năng nhận thức khác nhau khi gặp gỡ những liên kết khác nhau), quả (hậu quả tạo ra từ thói quen ràng buộc vào ái), và báo (khổ kết quả từ quả) cùng chung lại hướng về hành và hữu.
(iii) Nhóm thứ ba, thể (phản ảnh trạng thái khổ) chỉ cho thức, danh sắc, sáu thức, xúc, thọ, sinh, lão, và tử. (71)
(2) Nhóm tương hợp thứ hai giữa Mười Hai Nhân Duyên bất khả tư nghì và mười Như Thị trong bốn cõi Thánh. Trí Khải nhìn Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường vả mười Như Thị trong sáu cõi như những pháp thô bởi vì những pháp nầy giữ chúng sinh trong vòng luân hồi. Nói cách khác, Mười Hai Nhân Duyên bất khả tư nghì có thể được nhìn như pháp vi tế nối liền Phật địa. Với Trí Khải, pháp tế nầy không đâu khác hơn là từ pháp thô (hoán chuyển), và như vậy, giữ vững sự thành lập của mười Như Thị trong cõi Thánh. Đây là chỗ tương hợp của Mười Hai Nhân Duyên và Mười Như Thị bằng cách chuyển thô thành tế khiến hiển lộ Thập Như Thị của thánh nhân. Mười Hai Nhân Duyên được chia ra làm sáu nhóm lần lượt tương hợp với sáu nhóm Mười Như Thị thuộc cõi thánh.
(i) Vô minh chuyển đổi thành trí tuệ chỉ cho như thị tánh của bậc thánh, bởi vì tất cả chúng sinh đều có sẳn trí tuệ, và trí tuệ được hiển lộ khi chúng sinh nhận thức được vô minh.
(ii) Tà hạnh chuyển hóa thành thiện hạnh chỉ cho như thị tướng của bậc thánh. Điều nầy có nghĩa rằng phá vỡ tà, chánh sẽ thành tựu, tích tụ những hạt giống giá trị như tướng của thánh nhân.
(iii) Khổ chướng (thức, danh sắc, xúc, thọ, sinh, lão, và tử) chuyển hóa thành Pháp thân, chỉ cho như thị thể của bậc thánh. Điều nầy bởi vì tất cả chúng sinh đều có sẳn chân tánh thanh tịnh thâm nhập vào thực thể nhất nguyên (vì không còn có sự phân biệt giữa khổ và Pháp thân). Thể tánh sẳn có trong mỗi chúng sinh là Phật tánh như chánh nhân Bồ Đề.
(iv) Ái và thủ hoán chuyển thành Bồ đề tâm của bậc thánh chỉ cho như thị lực của thánh nhân.
(v) Hữu hoán chuyển thành lục độ chỉ cho như thị dụng, nhân, và duyên của thánh nhân. Điều nầy bởi vì Hữu giữ vững đường lối hành trì của người tu với đại nguyện tự giác và giác tha như dụng, thức và tuệ là nhân, và an lạc hạnh là duyên của bậc thánh.
(vi) Lão và Tử hoán chuyển thành Pháp tánh thường trụ chỉ cho như thị quả và báo của bậc thánh. Điều nầy bởi vì với sự chuyên cần tu trì Phật hạnh, thay vì đối diện với những lão, tử thường tình, bậc thánh có thể hưởng quả an lạc từ sự chứng đắc siêu việt mà Niết Bàn là báo.
(3) Nhóm tương hợp thứ ba liên quan đến cái dụng tổng quát của ba như thị (thể, lực, và dụng), và nói rõ về sự hổ tương trong nhóm thứ hai. Điều nầy ám chỉ rằng sự tương hợp giữa Mười Hai Nhân Duyên bất khả tư nghì và Mười Như Thị là kết quả cái dụng của tam pháp nầy, bởi vì Trí Khải nhìn tam pháp đồng như tam vô minh. Khi tam vô minh hoán chuyển, tức đồng với Pháp thân là cái biểu thị thể tánh, bồ đề tâm biểu thị lực, và hạnh lục độ biểu thị dụng. Như vậy, sự thành tựu Thập Như Thị của thánh nhân là kết quả từ sự hành trì tam pháp nầy. Tu trì tinh cần, bên trong như thị tánh thành tựu, bên ngoài như thị tướng thành tựu. Chính tâm không tà niệm thành tựu như thị thể. Hạnh nguyện của chư Phật trong vô lượng thời gian lâu xưa thành tựu như thị lực. Hành thành tựu như thị dụng. Quả theo sau thành tựu như thị nhân. Những cái phụ theo thành tựu như thị duyên. Giảm trừ những khuynh hướng tư duy sai lầm và mong cầu đạt đạo thành tưụ như thị quả và báo. (72)

2. Cảnh như Tứ Đế tương hợp với Cảnh như Thập Như Thị và như Mười Hai Nhân Duyên ( Ssu-ti Ho Shih-yu & Ssu-ti Ho Shih-erh Yin-yuan)
(T33, 705c-706a)

Đây là nhóm tương hợp quan trọng thứ hai giảng rộng nhóm thứ nhất để đưa về Tứ Đế. Trước hết đưa ra sự hổ tương giữa bốn loại Tứ Đế và Thập Như Thị, sau đó hợp lại bốn loại Tứ Đế và bốn loại Mười Hai Nhân Duyên. Với sự dung hợp như vậy, bốn loại Tứ Đế được xác định từ Thập Như Thị và Mười Hai Nhân Duyên.
(1) Nhìn về sự hổ tương giữa bốn loại Tứ Đế và Thập Như Thị, Tứ Đế được chia ra làm bốn nhóm phù hợp với Mười Như Thị trong sáu cõi và Mười Như Thị của bốn bậc Thánh. Vì thế, có bốn nhóm hổ tương giữa hai loại Cảnh nầy.
(i) Trước hết, Khổ đế và Tập đế trong Sinh Diệt Tứ Đế và Vô Sinh Diệt Tứ Đế tương quan với Mười Như Thị trong sáu cõi. Loại Tứ Đế thứ hai Trí Khải gọi vắn tắt là Vô Sinh (Wu sheng). Vì hai loại nầy có đặc tính luân hồi nên được đưa vào Mười Như Thị thuộc sáu cõi.
(ii) Thứ hai, Đạo đế và Diệt đế trong Sinh Diệt Tứ Đế và trong Vô Sinh Tứ Đế tương quan với Thập Như Thị của bốn bậc Thánh. Vì hai loại nầy đưa ra cả hai đường lối chứng đắc và đặc tính của thế giới siêu việt nên được đưa vào Mười Như Thị của tứ thánh.
(iii) Thứ ba, Khổ đế và Tập đế trong Vô Lượng Tứ Đế và Vô Tác Tứ Đế tương quan với Thập Như Thị của tứ thánh. Điều nầy bởi vì hai loại nầy không còn có đặc tính luân hồi, thay vào đó, chuyển đạt khái niệm siêu việt về thực tại của Bồ tát Biệt giáo và Viên giáo.
(iv) Thứ tư, Đạo đế và Diệt đế của Vô Lượng Tứ Đế và Vô Tác Tứ Đế tương quan với Thập Như Thị của tứ thánh. Điều nầy bởi vì hai loại nầy nói đến Niết Bàn vượt trên ba cõi, và vì vậy, được xác định từ Thập Như Thị của bốn bậc thánh.
(2) Nhìn về sự tương hợp giữa bốn loại Tứ Đế và bốn loại Mười Hai Nhân Duyên, cũng có bốn nhóm hổ tương. Về Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường phát khởi từ mười hai móc nối ; về Mười Hai Nhân Duyên bất khả tư nghì hủy diệt mười hai móc nối.
(i) Trước hết, Khổ đế và Tập đế trong Sinh Diệt Tứ Đế và Vô Sinh Tứ Đế liên quan đến sự sinh khởi Pháp trong thế giới giác quan được xác định bởi Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường liên hệ đến sinh.
(ii) Thứ hai, Đạo đế và Diệt đế trong Sinh Diệt Tứ Đế và Vô Sinh Tứ Đế liên hệ đến sự diệt trừ Pháp như thế giới giác quan được xác định bởi Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường liên quan đến diệt.
(iii) Thứ ba, Khổ đế và Tập đế trong Vô Lượng Tứ Đế và Vô Tác Tứ Đế thuộc thứ bậc siêu việt liên quan đến sự sinh khởi các pháp được xác định bới Mười Hai Nhân Duyên bất khả tư nghị liên hệ đến sinh.
(iv) Thứ tư, Đạo đế và Diệt đế trong Vô Lượng và Vô Tác Tứ Đế thuộc thứ bậc siêu việt liên quan đến sự diệt các Pháp được xác định bởi Mười Hai Nhân Duyên bất khả tư nghì liên quan đến diệt.

3. Cảnh như Nhị Đế tương hợp với Cảnh như Thập Như Thị, như Thập Nhị Nhân Duyên, và như Tứ Đế (Erh-ti Ho Shih-ju, Shih-erh yin-yuan, Ssu-ti) (T33, 706a-b)

Đây là nhóm tương hợp quan trọng thứ ba, giảng rộng những sự hổ tương nói trên để đưa vào Nhị Đế. Cái mà bảy lối nhìn Nhị Đế biểu lộ trở nên sáng tỏ trong tương quan với Thập Như Thị, Thập Nhị Nhân Duyên, và Tứ Đế.
(1) Nhóm tương hợp thứ nhất giữa bảy lối nhìn Nhị Đế và Thập Như Thị. Trong nhóm nầy, Tục Đế trong bảy lối nhìn về Nhị Đế tạo thành ba nhóm hợp với Thập Như Thị của sáu cõi Nhị Thừa (Thanh văn và Duyên giác), và chín Pháp giới. Chỗ nầy ám chỉ rằng :
(i) Tục Đế, trong bốn lối nhìn đầu tiên về Nhị Đế liên quan đến hữu hoặc huyễn hữu của sáu cõi luân hồi, được xác định bởi Mười Như Thị trong sáu cảnh giới.
(ii) Tục Đế, trong lối nhìn thứ năm và thứ sáu về Nhị Đế chỉ tánh Không của huyễn hữu, được xác định bởi Mười Như Thị của sáu cõi và của Nhị Thừa. Khía cạnh ảo hiện liên quan đến Mười Như Thị của sáu cõi, bởi vì cõi luân hồi như ảo mộng; và Không liên quan đến Mười Như Thị của Nhị Thừa, vì mục tiêu của Nhị Thừa là đạt đến Không.
(iii) Tục Đế trong Nhị Đế thuộc Viên giáo phát họa tánh Không của huyễn hữu, được xác định bởi Mười Như Thị của chín pháp giới. Thấy rằng hiện hữu ảo giác liên quan đến sáu cõi, và Không liên quan đến các cõi của Nhị Thừa và các cõi của Bồ tát, Tục Đế thuộc Viên giáo có thể liên quan đến chín cảnh giới.
(iv) Mặt khác, Chân Đế qua bảy lối nhìn về Nhị Đế tụ họp vào hai loại phù hợp với Thập Như Thị của Nhị Thừa, và của chín pháp giới. Chỗ nầy có nghĩa rằng chân đế qua hai lối nhìn đầu tiên về Nhị Đế nói về sự hủy diệt Hữu hoặc tánh Không của huyễn hữu, được xác định bởi Thập Như Thị của Nhị Thừa. Chân Đế, qua năm lối nhìn sau cùng về Nhị Đế chứa đựng Trung Đạo, được xác định bởi Thập Như Thị của Phật giới, bởi vì lối nhìn Trung Đạo thuộc về Viên giáo của Phật địa.
(2) Nhóm tương hợp thứ hai giữa bảy lối nhìn của Nhị Đế và bốn loại Mười Hai Nhân Duyên. Trong nhóm hổ tương nầy, Tục Đế, qua bảy lối nhìn về Nhị Đế tụ họp vào ba loại, hợp với Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường liên quan đến sinh diệt, và với bốn loại Mười Hai Nhân Duyên liên quan đến sinh.
(i) Tục Đế, trong bốn cách nhìn đầu tiên về Nhị Đế có thể được xác định bởi Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường liên quan đến sinh, bởi vì cái trước liên quan đến hữu hoặc huyễn hữu có đặc tính của cái sau chỉ cho sự sinh khởi của các pháp.
(ii) Tục Đế, trong lối nhìn thứ năm và thứ sáu về Nhị Đế có thể được xác định bởi Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường liên quan đến sinh hoặc diệt, bởi vì cái trước phân tích tánh Không của huyễn hữu liên quan đến cái sau chỉ cho sự sinh và diệt của các pháp.
(iii) Tục Đế trong Nhị Đế thuộc Viên giáo được xác định bởi Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường và không thể suy lường liên quan đến sinh, thấy rằng cái trước liên hệ đến tánh Không của huyễn hữu là cái nhìn chân thực thế giới giác quán và được nói đến qua bốn loại Mười Hai Nhân Duyên. Nói cách khác, Chân Đế, qua bảy cái nhìn về Nhị Đế được chia ra hai nhóm phù hợp với Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường, và không thể suy lường. Chỗ nầy có nghĩa rằng :
(iv) Chân Đế qua hai lối nhìn đầu tiên về Nhị Đế được xác định bởi Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường liên quan đến diệt, vì cái trước liên hệ đến diệt hữu hoặc tánh Không của huyễn hữu được nói đến bởi cái sau.
(v) Chân Đế qua năm lối nhìn sau cùng về Nhị Đế được xác định bởi Mười Hai Nhân Duyên bất khả tư nghị liên quan đến diệt, vì cái trước chứa đựng cái nhìn Trung Đạo như Niết Bàn là cái được cái sau nói đến.
(3) Nhóm tương hợp thứ ba giữa bảy lối nhìn về Nhị Đế và bốn loại Tứ Đế. Trong nhóm hổ tương nầy, bảy lối nhìn về Nhị Đế được xác định qua nội dung bốn loại Tứ Đế. Tứ Đế được chia ra hai nhóm : Khổ đế và Tập đế thuộc một nhóm, Đạo đế và Diệt đế thuộc một nhóm.
(i) Cái nhìn đầu tiên về Nhị Đế được xác định bởi Sinh Diệt Tứ Đế, vì cả hai là mức độ hiểu thuộc Tạng giáo.
(ii) Cái nhìn thứ hai về Nhị Đế được xác định bởI Vô Sinh Tứ Đế, vì cả hai là mức độ hiểu thuộc Thông giáo.
(iii) Cái nhìn thứ ba về Nhị Đế, Tục Đế liên hệ đến huyễn hữu được xác định bởi Khổ đế và Tập đế qua Vô Sinh Tứ Đế, vì cả hai liên quan đến lối nhìn về huyễn hữu. Chân Đế liên hệ đến huyễn hữu như Không và Bất Không được xác định bởi Đạo đế và Diệt đế qua Vô Lượng Tứ Đế, vì cả hai phản ảnh lối nhìn của Biệt giáo đưa đến hạnh nguyện vào thế giới giả tạm để cứu độ chúng sinh của chư Bồ tát.
(iv) Cái nhìn thứ tư về Nhị Đế, Tục Đế liên quan đến huyễn hữu được xác định bởi Khổ đế và Tập đế qua Tứ Đế Vô Sinh, thấy rằng cả hai liên quan đến cái nhìn về huyễn hữu. Chân tánh liên quan đến huyễn hữu như Không và Bất Không được xác định bởi Đạo đế và Diệt đế qua Vô Tác Tứ Đế, thấy rằng cả hai thuộc cái nhìn Trung Đạo của Viên giáo.
(v) Cái nhìn thứ năm về Nhị Đế, Tục Đế nhân ra huyễn hữu với Không được xác định bởi Khổ đế và Tập đế qua Vô Lượng Tứ Đế, vì cả hai thuộc về cái nhìn Giả của Biệt giáo. Chân Đế liên quan đến huyễn hữu như chẳng Có chẳng Không được xác định bởi Đạo đế và Diệt đế qua Vô Lượng Tứ Đế, vì cả hai liên hệ đến lối nhìn của Biệt giáo vượt qua hai lối nhìn cực đoan của Có và Không.
(vi) Cái nhìn thứ sáu về Nhị Đế, Tục Đế nhận ra huyễn hữu với Không được xác định bởi Khổ đế và Tập đế qua Vô Lượng Tứ Đế, vì cả hai là lối nhìn Giả của Biệt giáo. Chân Đế là cái chỉ cho Trung Đạo viên dung vạn pháp được xác định bởi Đạo đế và Diệt đế qua Vô Tác Tứ Đế. Chỗ nầy bởi vì cả hai lối nhìn Trung Đạo thuộc Viên giáo và Trung Đạo nầy hiển lộ thực tại gồm Không và Giả.
(vii) Cái nhìn sau cùng về Nhị Đế, Tục Đế nhận ra huyễn hữu với Không được xác định bởi Khổ đế và Tập đế qua Vô Tác Tứ Đế, vì cả hai phản ảnh sự hội nhập thực tại siêu việt thuộc Viên giáo. Chân Đế là cái chỉ cho Trung Đạo viên dung vạn pháp được xác định bởi Đạo đế và Diệt đế qua Vô Tác Tứ Đế, vì cả hai là lối nhìn Trung Đạo thuộc Viên giáo, nhìn thực tại như vạn pháp vô phân biệt.

4. Cảnh như Tam Đế tương hợp với cảnh như Thập Như Thị, như Thập Nhị Nhân Duyên, như Tứ Đế, và như Nhị Đế.(San-ti Ho Shih-ju, Shih-erh Yin-Yuan, Ssu-ti, Erh-ti) ( T33, 706 b-c)

Đây là nhóm tương hợp quan trọng thứ tư giảng rộng về những hổ tương nói trên đưa về Tam Đế. Cái Tam Đế biểu thị trở nên siêu việt trong tương quan với Thập Như Thị, Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Đế, và Nhị Đế.
(1) Nhóm tương hợp thứ nhất giữa năm loại Tam Đế và Thập Như Thị. Trên căn bản, Tục Đế trong hai loại đầu tiên của Tam Đế liên hệ đến hữu lậu (hiện hữu) thì tương quan với Thập Như Thị của sáu cảnh giới, vì cả hai liên hệ đến quan điểm về Hữu. Đối với Tục Đế trong loại thứ ba và thứ tư của Tam Đế, Hữu tương quan với Thập Như Thị của sáu cõi, vì cả hai liên hệ đến quan điểm về Hữu, và với Không thì liên quan đến Thập Như Thị của Nhị Thừa, vì cả hai liên quan đến quan điểm về Không. Tục Đế trong loại thứ năm của Tam Đế liên hệ đến Thập Như Thị của chín cõi, vì cái trước viên dung vạn pháp, và cái sau liên quan đến đặc tính của vạn pháp. Chân Đế trong năm loại Tam Đế hổ tương với Thập Như Thị của Nhị Thừa và Thập Như Thị của Bồ tát, vì cả hai liên quan đến cái nhìn về Không và Giả. Chân lý Trung Đạo trong năm loại Tam Đế trực thuộc Thập Như Thị của Phật giới, vì cả hai liên quan đến Phật tánh. (73)
(2) Nhóm tương hợp thứ hai giữa năm loại Tam Đế và bốn loại Mười Hai Nhân Duyên. Trong sự hổ tương nầy :
(i) Tục Đế trong năm loại Tam Đế xác định bởi Mười Hai Nhân Duyên có thể suy lường, vì cả hai liên quan đến quan điểm về Hữu.
(ii) Chân Đế trong năm loại Tam Đế tương quan với Thập Nhị Nhân Duyên Tư Nghị và Bất Tư Nghị liên hệ đến diệt, vì cả hai phản ảnh cái nhìn về Không, là cái khả dĩ tư nghị, và về Chẳng Có Chẳng Không bất tư nghị.
(iii) Trung Đạo trong năm loại Tam Đế chỉ tương hợp với Thập Nhị Nhân Duyên Bất Tư Nghị liên quan đến diệt, vì cả hai phản ảnh sự liễu ngộ về thực tánh thuộc Biệt giáo và Viên giáo (74).
(3) Nhóm tương hợp thứ ba giữa năm loại Tam Đế và bốn loại Tứ Đế. Trong sự hổ tương nầy :
(i) Tục Đế trong hai loại đầu tiên của Tam Đế được xác định bởi Khổ và Tập trong Vô Sinh Tứ Đế, vì cả hai liên quan đến huyễn hữu. Tục Đế trong ba loại sau cùng của Tam Đế được xác định bởi Khổ và Tập trong Vô Sinh Tứ Đế ( vì cả hai liên hệ đến huyễn hữu), bởi Đạo và Diệt trong Vô Sinh Tứ Đế, vì cả hai liên quan đến tánh Không của huyễn hữu), và bởi Khổ và Tập trong Vô Lượng Tứ Đế (vì cả hai liên quan đến tánh Bất Không của hữu).
(ii) Chân Đế trong hai loại Tam Đế đầu được xác định bởi Đạo đế và Diệt đế qua Vô Sinh Tứ Đế, vì cả hai liên quan đến cái thấy tánh Không của huyễn hữu. Chân đế trong loại Tam Đế thứ ba và thứ tư liên quan đến Giả như Chẳng Có chẳng Không, được xác định bởi Đạo đế và Diệt đế qua Vô Sinh Tứ Đế (vì cả hai phản ảnh cái thấy tánh Không của huyễn hữu), và bởi Khổ đế và Tập đế qua Vô Lượng Tứ Đế (vì cả hai phản ảnh cái thấy Bất Không của hữu). Chân Đế là loại Tam Đế sau cùng, viên dung Tục Đế và Trung Đạo, được xác định bởi Đạo đế và Diệt đế qua Vô Sinh Tứ Đế (vì cả hai liên quan đến tánh Không của huyễn hữu, bởi Khổ đế và Tập đế qua vô Lượng Tứ Đế (vì cả hai liên hệ đến Bất Không của hữu), và bởi Khổ đế và Tập đế qua Vô Tác Tứ Đế (vì cả hai liên hệ đến Trung Đạo- con đường siêu việt nhận thực chân lý)
(iii) Trung Đạo trong loại Tam Đế đầu tiên liên quan đến Chẳng Có Chẳng Không được xác định bởi Đạo đế và Diệt đế qua Vô Lượng Tứ Đế vì cả hai vượt qua những lối nhìn cực đoan của Không và Giả. Trung Đạo trong loại Tam Đế thứ hai viên dung vạn pháp được xác định bởi Đạo đế và Diệt đế qua Vô Tác Tứ Đế, vì cả hai xác định rằng thực tại gồm cả Không và Giả. Trung Đạo trong loại Tam Đế thứ ba liên hệ đến Chẳng Có Chẳng Không, được xác định bởi Đạo đế và Diệt đế qua Vô Lượng Tứ Đế, vì cả hai vượt qua hai lối nhìn cực đoan của Không và Có. Trung Đạo trong loại Tam Đế thứ tư viên dung vạn pháp được xác định bởi Đạo đế và diệt đế qua Vô Tác Tứ Đế, vì cả hai xác định rằng thực tại gồm cả hai Không và Giả. Trung Đạo trong loại Tam Đế sau cùng viên dung vạn pháp được xác định bởi Đạo đế và Diệt đế qua Vô Tác Tứ Đế, cả hai tròn đủ vì sự vô phân biệt đối với vạn pháp được xác định.
(4) Nhóm tương hợp thứ tư giữa năm loại Tam Đế đầu tiên và bảy lối nhìn Nhị Đế. Sự hổ tương giữa hai loại Cảnh nầy bỏ ra ngoài hai lối nhìn về Nhị Đế đầu tiên, vì không chứa đựng Trung Đạo. Với lối nhìn Nhị Đế thứ ba và thứ tư, Tục Đế tương hợp với Tục Đế trong năm loại Tam Đế, vì cả hai liên quan đến huyễn hữu. Chân Đế liên hệ đến huyễn hữu như Có và Không, và Bất Không. Với Không mà Chân Đế nói đến, tương hợp với Chân Đế trong năm loại Tam Đế; và với Bất Không tương hợp với Trung Đạo trong năm loại Tam Đế. Trong ba lối nhìn Nhị Đế sau cùng, Tục Đế liên hệ đến tánh Không của huyễn hữu. Đối với hữu mà Tục Đế nói đến, tương hợp với Tục Đế trong năm loại Tam Đế, và Không tương hợp với Chân Đế trong năm loại Tam Đế. Chân Đế chứa đựng Trung Đạo tương hợp với Trung Đạo trong năm loại Tam Đế. (76)

5. Cảnh như Nhất Đế tương hợp với cảnh như Thập Như Thị, như Thập Nhị Nhân Duyên, như Tứ Đế, như Nhị Đế, và như Tam Đế (T33, 706c)

Đây là nhóm tương hợp quan trọng sau cùng giảng rộng về những sự hổ tương nói trên đưa về Nhất Đế. Nhất Đế được xác định trong tương quan với Thập Như Thị, Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Đế, Nhị Đế, và Tam Đế. Vì thế, cái Nhất Đế nói lên liên quan đến năm loại Cảnh. Với Trí Khải, điều Nhất Đế đưa ra không gì khác hơn là cảnh gìới Phật được thuyết qua Viên giáo. Vì thế, trong phần hổ tương sau đây, ba chân lý Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo sẽ bị loại trừ,
Chỗ nầy nói lên rằng Một Chân Lý Cứu Kính tương quan với Thập Như Thị thuộc Phật giới, Thập Nhị Nhân Duyên Vô Sinh Vô Diệt Bất Tư Nghị, Vô Tác Tứ Đế, năm loại Chân Đế qua năm lối nhìn Nhị Đế. Điều Trí Khải muốn nói ở đây là, mặc dù Chân Đế diễn đạt Chân Như, Chân Đế ở đây chưa phải là cái có thể diễn đạt được viên mãn Chân Như. Trong khi Chân Đế đứng vào vị thế đối nghịch với Tục Đế, Trung Đạo là cái nhìn thâm diệu viên dung cả hai Tục Đế và Chân Đế, và là cái diễn đạt được viên mãn Chân Như. Với nghĩa nầy, Chân Đế có thể và không thể diễn đạt Chân Như. Hơn nữa, Một Chân Như thì liên quan đến năm loại Trung Đạo trong năm loại Tam Đế. Chỗ nầy có ý nói rằng, bởi vì Trung Đạo có thể diễn đạt trọn vẹn Chân Như, và bởi vì bao gồm cả Tục Đế lẩn Chân Đế, phạm vi Tam Đế có thể vượt qua.

6. Cảnh như Vô Phân Biệt Pháp tương quan với Cảnh như Thập Như Thị, như Thập Nhị Nhân Duyên, như Tứ Đế, như Nhị Đế, như Tam Đế, và như Nhất Đế (T33, 706c)

Ngoài ra, sự tương hợp được đưa ra giữa Vô Đế (No Truth) và sáu loại Cảnh khác. Theo Trí Khải, Vô Đế có đặc tính vượt trên ngôn từ. Đó là sự tĩnh lặng, thâm sâu, không thể diễn tả, ở chỗ chẳng nhị nguyên, chẳng không nhị nguyên, và không liên quan gì đến lối hiểu qua khái niệm. Nói cách khác, Vô Đế chỉ cho một trạng thái rỗng lặng, và trạng thái nầy được nhấn mạnh trong tất cả các loại Cảnh.
Trước hết, Vô Đế tương quan với Thập Như Thị. Trí Khải chủ trương: Như Thị chỉ cho sự vô phân biệt, đồng như tĩnh lặng vượt trên ngôn từ. Tĩnh lặng và rỗng rang không thể diễn đạt bằng lời và hàm ngụ ý nghĩa rằng Thập Như Thị là như vậy (trên ngôn từ và đồng như vô phân biệt pháp) (77)
Thứ hai, Vô Đế tương quan với Thập Nhị Nhân Duyên, Trí Khải chủ trương: Diệt từ vô minh cho đến lão tử chỉ một trạng thái thâm diệu.. Một sự thâm diệu như vậy thì đồng như Vô Đế.(78)
Thứ ba, Vô Đế tương quan với Tứ Đế. Trí Khải nói: (Tứ Đế liên hệ đến) sinh sinh thì không thể diễn tả, và cho đến Tứ Đế liên quan đến vô sinh vô sinh cũng không thể điễn đạt.(79) Chỗ nầy đồng như Vô Phân Biệt Pháp.(80)
Thứ tư, Vô Đế tương quan với Chân Đế trong bảy lối nhìn Nhị Đế. Trí Khải nói: Tất cả bảy loại Chân Đế (qua bảy cái nhìn Nhị Đế) thì không thể diễn tả. Với loại Chân Đế thứ nhất không thể suy lường, cũng như Shen-tzu nói: Ta nghe rằng ( khi người đạt đến) giải thoát, không thể nói bằng lời.(Nếu loại Chân Đế thứ nhất không thể được diễn đạt) làm cách nào sáu loại Chân Đế sau cùng được diễn đạt?(81)
Thứ năm, Vô Đế tương quan với lý Trung Đạo qua năm loại Tam Đế. Trí Khải giải thích: (Lý Trung Đạo chứa đựng cái nhìn) không sinh tử chẳng Niết Bàn. Điều nầy nói rằng không hai cực đoan cũng không Trung Đạo, và năm loại Trung Đạo cũng đồng như Vô Phân Biệt Pháp.(82)
Thứ sáu, Vô Đế tương quan với Chân Lý Cứu Cánh. Trong trường hợp Chân Lý Cứu Cánh, Trí Khải trước hết nhìn như hư không. Hư không cũng không có Nhất Đế, vì vậy Nhất Đế cũng là Vô Đế. Như Trí Khải nói: Chân Lý Cứu Cánh được gọi tên là hư không. Hư không thì không có bất cứ thực thể, làm thế nào có một cái là cứu cánh? (không cả một Nhất Đế) đồng như Vô Đế.(83)
Kết luận, những diễn tả trên về sáu sự hổ tương qua các loại Cảnh khác nhau là phần quan trọng thứ hai trong Diệu Cảnh. Xuyên qua hệ thống tương hợp phức tạp như trên, tất cả sáu loại nói về chân lý hoặc sự thật khách quan được nhìn như một toàn thể bất khả phân ly, vì liên hệ lẩn nhau khi chuyển đạt cùng thực tại mang những khía cạnh sai khác. Cái Trí Khải muốn nói qua những tương hợp nầy là chân lý mang cả hai hình dạng nhiều và một. Đa dạng hợp với cả sáu loại Cảnh khi đưa ra những bộ mặt khác nhau của thực tại, và nhất dạng đưa sáu cảnh hợp nhất với Chân Như. Cái dụng của hai mặt nầy được trình bày qua hệ thống phân loại của Trí Khải liên quan đến Tứ giáo. Trong rường cột Tứ giáo, mỗi loại Cảnh như chân lý được chia ra làm bốn loại tương quan lẩn nhau. Cùng loại Cảnh không những đồng như nhau mà còn xác định những loại Cảnh khác. Càng nhiều loại Cảnh trong mỗi nhóm tưong quan nhau, Nhất Đế trong nhóm tương hợp sau cùng được đưa về chỗ hợp nhất tất cả các Cảnh. Điều nầy có nghĩa rằng Nhất Đế bao gồm tất cả chân lý, và tất cả các loại chân lý là những định nghĩa khác nhau của Nhất Đế.
Trong phần luận về Cảnh như chân lý của Trí Khải, chân lý được phân tích liên quan đến những khái niệm về chân lý khác nhau. Điều nầy có nghĩa rằng mối quan tâm của Trí Khải không phải chỉ là chính vấn đề chân lý, nhưng còn là vấn đề chân lý được tiếp nhận như thế nào. Chỗ nầy bởi vì chân lý là thực tại khách quan, và việc đạt đến chân lý lại liên quan đến tâm chủ quan của chúng sinh. Vì vậy, trình bày đúng cái chân lý là, và đưa ra những khái niệm khác nhau về chân lý thì đều quan trọng như nhau. Đề tài chân lý chính nó được Trí Khải phát họa qua lối Đại Sư phân tích về Cảnh như Thập Như Thị, như Tam Đế và như Nhất Đế. Thập Như Thị diễn tả một cách cụ thể đặc tính của Chân Như. Tam Đế đưa ra ba mặt dựng lập Chân Như. Nhất Đế đồng nghĩa với Chân Như, đó là, Nhất Đế là Chân Như, và Chân Như là Nhất Đế, là cái chuyển đạt thực tánh bao gồm vạn pháp, và có thể bao gồm tất cả Cảnh như thực.
Diễn đạt đúng cái chân lý là, xác định được nhiều lối hiểu khác nhau về chân lý hoặc thượng hoặc hạ, là tiến về hệ thống phân loại của Trí Khải qua Tứ giáo. Vì lối hiểu về chân lý thuộc Viên giáo được xem là lối hiểu siêu việt nhất, Viên giáo cũng được nhìn nhận là đường lối diễn đạt Chân Như. Tuy nhiên, với những chúng sinh chọn đi qua con đường tiệm tiến trước khi đạt đến giải thoát, ba lối hiểu khác về chân lý, được xem là kém so với Viên giáo, thuộc về Tạng, Thông, và Biệt giáo, cũng được nhìn nhận là có giá trị. Trong lối nhìn cứu cánh của Viên giáo, mỗi một cửa trong ba cửa nầy là mỗi một bước tiến dần về Viên giáo. Với đường lối nầy, Tứ giáo không chỉ phục vụ như tiêu chuẩn phân loại các khái niệm khác nhau về chân lý, nhưng cũng là hệ thống gồm thu những tiến trình khác nhau của người tu, từ đó những thú lớp chứng đắc thuộc Tứ giáo lần lượt hiển lộ. Phân biệt những thứ bậc chứng đắc là để nói rằng chứng đắc có thể được phân ra làm bốn loại qua Tứ giáo. Bằng cách so sánh pháp thô và pháp tế, sự chứng đắc của Viên giáo được xem là cứu cánh, với nghĩa đó là sự chứng đắc Phật giới. Vì vậy, mục tiêu sau cùng với phương sách của Trí Khải qua sự phân biệt những thứ lớp chứng đắc khác nhau là để nhấn mạnh đến sự chứng đắc cứu cánh của Phật địa mà tất cả chúng sinh nên hướng về. Đề mục theo sau là, tại sao chứng đắc Phật giới là cứu cánh, và tại sao đạt đến Phật giới là điều quan trọng đến như vậy? Trí Khải lập luận rằng Viên giáo gắn liền với Phật giới là để giải thoát tất cả chúng sinh, khác với ba giáo pháp kia nhắm vào sự thích ứng với những tầng lớp thính chúng. Tại sao Phật giới phổ quát? Trí Khải luận rằng Phật tánh là cái khiến chúng sinh đạt được Phật giới. Bởi vì Phật tánh có sẳn trong chúng sinh, tất cả chúng sinh tương ứng với khả năng đạt đến Phật địa. Vì thế, Phật địa có cho tất cả chúng sinh, và chỉ với mục tiêu cứu cánh nầy, giải thoát cùng khắp được tiếp nhận. Về ý nghĩa đạt đến Phật địa, với cái nhìn của Trí Khải, phổ độ là tinh thần của Phật giáo Đại thừa, và đưa đến con đường vô tận của Bồ tát vào đời để cứu giúp chúng sinh. Tự giác hợp với giác tha đưa đến sự chứng đắc Phật giới. (84)

1.4.2 Diệu Trí – phân tích về cái Diệu thứ hai thuộc Tích Môn
(T33, 707a-715b)

Qua sự giải thích về cái Diệu thứ nhất thuộc Tích môn- Diệu Cảnh, Trí Khải đã trình bày nhiều giáo lý khác nhau về chân lý trong Phật giáo. Bằng cách dung hợp những giáo lý nầy, cùng một chân lý có trong những giáo thuyết khác nhau nầy sẽ được hiển lộ. Cái gần Cảnh như thực nhất là Trí, vì Trí đưa tư tưởng vào thực tại. Ý nghĩa của Trí nằm trong sự tương quan với Cảnh như thực. Theo Trí Khải, với Trí chân lý có thể được phơi bày, vì Trí chỉ thẳng vào chân lý. Với sự hiển lộ của chân lý, Trí được xem là vi diệu. Nhìn thấy rằng Cảnh và Trí đến với nhau thành một thực thể, cả hai đều không thể khinh suất. Trí Khải nói: Nguyên lý sau cùng thì thâm sâu khó hiểu, và nó không thể được hiển lộ mà không có Trí. (Mặc dù) Trí là khả năng biết được chỗ nơi ( có chân lý), Trí không thể hội nhập mà không có Cảnh (như thực). Vì Cảnh (như thực) hội nhập và vi tế, Trí cũng được xem là hội nhập và vi tế.(85)
Lập luận của Trí Khải về Diệu Trí được đưa ra từ nhiều phối cảnh, gồm tổng luận về các loại Trí (Tsung lun Chu-chih), Trí chiếu soi Cảnh(Chih Chao Ching), Đối Cảnh minh Trí (Tui Ching ming Chih), những phản ảnh khác nhau của Trí phù hợp với Cảnh(Chan-chuan Hsiang-chao Tui Ching). Tổng luận về các loại Trí liệt kê và xác định hai mươi loại Trí. Hai mươi loại Trí nầy được phân ra làm bốn nhóm tương hợp với Tứ giáo. Trí chiếu soi Cảnh cho thấy rằng sự phân loại hai mươi loại Trí nầy đến từ phương tiện hiển lộ cái được phản ảnh qua sáu Cảnh. Chỗ nầy có nghĩa rằng hai mươi loại Trí tương hợp với từng loại Cảnh như thực. và từng loại trong sáu loại Cảnh được phân vào bốn thứ lớp qua Tứ giáo, hai mươi loại Trí chia thành bốn phản ảnh bốn thứ lớp thẩm thấu nầy. Đối Cảnh minh Trí hiển lộ tương quan hổ tương giữa Cảnh như thực và Trí bằng cách đưa Trí vào các Cảnh như thực khác nhau, qua đó các loại Trí mới được thành hình. Điều nầy để nói rằng hai mươi loại Trí tụ hội với từng loại trong sáu loại Cảnh. Trong sự tụ hội nầy, sáu loại Trí được thành lập. Bởi vì sáu loại Trí nầy liên hệ không ngoài sáu loại Cảnh, tất cả thêm một lần được khảo sát bởi sự hổ tương với sáu loại Cảnh là phân tích sau cùng của Trí Khải về Trí qua những phản ảnh khác nhau của Trí phù hợp với Cảnh. Với những tương hợp lập lại như trên, Trí Khải cho thấy rằng Trí và Cảnh là một thực tại không thể phân ly.
Hơn nữa, vì các loại Cảnh khác nhau được Trí Khải phân ra thô và tế, nhiều loại Trí khác nhau cũng có thô và tế. Với những thứ bậc Trí khác nhau, ý tưởng về Cảnh như thực cũng khác nhau. Trí Khải giới thiệu một hệ thống trực nhập vào chân lý qua ánh sáng của Trí trong tương quan hoạt dụng giữa Trí và Cảnh. Thấy rằng Diệu Cảnh của Trí Khải như một giới thiệu khái niệm về chân lý, Diệu Trí của Đại Sư chính nó đã hiển lộ yếu tính không thể lướt qua, là cái xác định khái niệm về chân lý của chúng sinh. Điều nầy có nghĩa rằng khái niệm về Cảnh như thực phải liên quan đến Trí. và Trí phải liên quan đến Cảnh như thực, đưa đến sự kiện rằng chân lý thâm nhập từ Trí. Sau đây là những mô tả của Trí Khải về Diệu Trí từ bốn phối cảnh nầy, và với phương cách nầy, học thuyết về Trí của Đại Sư được trình bày trong khuôn mẫu phân tích như từ trước.

Tổng luận về những loại Trí (Tsung-lun Chu-chih) (T33, 707a-710c)
Trong phần nầy, Trí Khải liệt kê tên hai mươi loại Trí, và giải thích sự thành lập những loại trí nầy. Thêm vào đó, Đại Sư chỉ rõ đặc tính những loại Trí nầy tương ưng.

1. Trước hết là Thế Trí (Shih-chih) thuộc về thế giới loài người và không liên quan đến đường Đạo. Trí Khải giải thích rằng Thế Trí đầy dẫy những ý tưởng và vướng mắc sai lầm. Con người nhìn sai lạc những hiện hữu giả tạm cho rằng có thực, do đó tâm không tương hợp với nguyên tắc hoặc chân lý, và không có tín tâm vào đường đạo. Trí Khải đưa ra những loại trí thế gian ở Trung quốc khác với Ấn Độ như thế nào. Trong khi người dân Ấn có khuynh hướng để tâm trí phiêu du vào những chân trời rộng mở thì người Trung Hoa nhắm vào những khía cạnh thực tiển, như là tập tục xã hội, năng khiếu sinh hoạt, kiến thức về thiên nhiên, phát triển những khả năng vượt bực v.v…hướng về danh lợi, và thỏa mãn những mong muốn. Những điều trên một cách tổng quát thuộc về trí thế gian và được cảm nhận từ những chúng sinh vô minh.
2. Thứ hai là Ngũ Đình Tâm (86) và Tứ Niệm Trụ (87) (Wu-ting-hsin Ssu-nien chu Chih). Loại Trí nầy là điểm bắt đầu những sự hành trì tu tập. Trí Khải gọi điểm sơ khởi là Ngoại Phần (Wai-fan), và hướng về ba vị đầu trong bảy hiền vị (Chi-hsien-wei) của Thanh văn thừa (88). Thứ bậc nầy thành hình, bởi vì loại Trí nầy liên hệ đến Thanh văn hạnh qua Ngũ Đình Tâm Quán và Tứ Niệm Trụ. Trí Khải phát họa Ngũ Đình Tâm liên hệ đến chỉ và quán của người hành trì nhắm mục đích giảm trừ sự tuôn trào của dòng ý tưởng và đạt đến trí tuệ. Đây là bước khởi đầu của hạnh Thanh văn khi người tu muốn thanh tịnh hóa tâm, vượt qua những chướng ngại. Hơn nữa, Trí thuộc Tứ Niệm Trụ chỉnh đốn những lối nhìn sai lạc để chuẩn bị cho hành giả bước vào Tứ Đế, sửa đổi bốn lối nhìn sai lạc (89) cũng như ngăn chận sự sinh khởi. Bởi vì bước khởi đầu của hạnh Thanh văn chưa phải là lý của bậc thánh, Trí Khải gọi đó là Trí thuộc Ngoại Phần.
3. Loại thứ ba là Tứ Thanh Tịnh Trí (Ssu-shan-ken chih). Loại Trí nầy liên hệ đến bước thứ hai của hạnh Thanh văn, và chỉ cho bốn vị sau trong bảy hiền vị thuộc Thanh văn thừa, Trí Khải gọi là Nội Phần. Trí Khải nói rằng bởi vì bốn thứ lớp nầy là tứ thiện căn là Noãn, Đỉnh, Nhẫn, và Thế liên quan đến Tứ Đế, và là cái mà quả thiện căn sinh khởi, nên khi xếp chung vào một nhóm là lẻ đương nhĩên. (90) Những tên gọi nầy là những danh tự có thể mô tả được Tứ Đế, và bốn vị đan kết vào nhau từ cái nầy đến cái kia.
Trí Khải diễn tả rằng ở thứ bậc đầu tiên hiểu về Tứ Đế là tình trạng chuẩn bị, được gọi tên là Noãn vị. Vị thứ hai là Đỉnh vị thì tùy thuộc vào những yếu tố khác, có thể lui về điểm khởi đầu (Ting tui) hoặc tiến về điểm thứ ba gọi là trú đỉnh (Ting chu). Vị thứ ba là Nhẫn vị gồm có ba loại Nhẫn. Thứ nhất là Hạ Nhẫn quán về những đặc tính của Tứ Đế (91) trong cõi Dục, cõi Sắc, và cõi Vô Sắc. Cõi Dục liên quan đến Tứ Đế, cõi Sắc và cõi Vô Sắc cùng liên quan đến Tứ Đế. Cõi Dục có tất cả mười sáu cách quán và hai cõi Sắc và Vô Sắc cộng lại cũng có mười sáu cách quán. Tất cả là ba mươi hai cách quán về Tứ Đế trong ba cõi. Thứ hai là Trung Nhẫn giảm số lượng quán chiếu về Khổ đế trong cõi Dục. Thứ ba là Thượng Nhẫn trong đó người tu có thể hiểu được Tứ Đế qua cách quán đơn thuần về Khổ ở cõi Dục. Vị thứ tư là Thế pháp vị là một tên khác của Thượng Nhẫn sinh khởi Nhẫn trong Khổ đế.
4. Loại thứ tư là Tứ Quả Trí (92) (Ssu kuo chih). Tứ quả là bốn thứ lớp chứng đắc thuộc Thanh văn thừa. Trí Khải chủ trương rằng tất cả đều hiểu về Không như Chân Đế. (93) Vì thế, tất cả cùng đến với nhau để tạo thành thứ trí nầy gồm tám loại Nhẫn và tám loại Trí, cũng như chín vô ngại và chín giải thoát (94). Hai loại Trí đầu liên quan đến lý Nhẫn và trực giác về Tứ Đế xa lìa lối nhìn sai lầm trong ba cõi. Hai loại Trí sau liên quan đến sự xa lìa những thái độ sai lầm trong tam giới và chứng đắc như kết quả từ chánh niệm.
4. Loại thứ năm là Trí của Bích Chi Phật. Theo Trí Khải, sự hành trì của bậc Bích Chi Phật liên quan đến cái hiểu đặc thù về chân lý qua Thập Nhị Nhân Duyên trong ba thời quá khứ, hiện tại, và vị lai. Hai móc nối của Vô minh và Hành là nhân quá khứ đưa đến năm móc nối (Thức, Danh Sắc, Sáu căn, Xúc, và Thọ) như quả. Ba vòng xích Ái, Thủ, và Hữu sinh nhân hiện tại. Xa hơn, hai vòng xích (Sinh và Lão Tử) là kết quả của nhân hiện tại sẽ phát sinh trong tương lai. Như kết quả quán chiếu, các vị Bích Chi Phật có thể vượt qua những thói quen sai lầm tích tụ trong ba cõi. Trí Khải nói rằng Trí của các vị Bích Chi Phật chia ra Tổng tướng (Tsung hsiang) và Biệt tướng (Pieh Hsiang).Tổng Trí của các vị Bích Chi hướng cái hiểu chung về Thập Nhị Nhân Duyên và những chân lý khác như Vô Thường, Vô Ngã v.v… Biệt Trí hướng đặc biệt về Mười Hai Nhân Duyên. Đó là, nhìn đến mười hai vòng xích từ Vô Minh cho đến Lão Tử, vòng xích trước là nhân và duyên phát sinh vòng xích tiếp theo. Nếu mười hai vòng xích được nhìn trở ngược lại từ Lão Tử về Vô Minh, thì mỗi vòng là nhân và duyên hủy diệt vòng xích kế tiếp.
6. Loại thứ sáu là Lục Độ Trí (Liu tu Chih). Các Bồ tát với thứ Trí nầy hành thâm lục độ (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, và Trí tuệ). Trí Khải nói rằng Bồ tát lục độ thì kém trong sự hội nhập được lý Không (đó là, chẳng sinh như nhân và chẳng diệt như quả), nhưng lại rất mạnh khi hiểu chân lý qua hình tướng hoặc sự kiện (đó là các pháp sinh là nhân và diệt là quả) . Bồ tát với trí lục độ đã vượt qua nhưng chưa hoàn toàn xa rời được ảo vọng sai lầm. Sự tin tưởng vào chân lý của các vị nầy mạnh mẽ đến đổi các vị có thể tự hủy diệt mạng sống và sự sản để dứt lìa nhân khổ và đạt đến sự diệt khổ.(95)
7. Loại thứ bảy là Trí Thanh văn, là những bậc hiểu Không trong vạn pháp (Ti-fa Sheng wen Chih). Thứ Trí nầy liên quan đến con đường của Thanh văn thuộc Thông giáo hiểu về Không trong các pháp như nó là (Ti-fa) : thiếu một hiện hữu cố định. Lối hiểu về Không nầy khác với lối hiểu của các bậc Thanh văn thuộc Tạng giáo, là những vị phân tích và chia chẻ Không ra đến chỗ tận cùng không còn gì để phân tích và chia chẻ nữa (Hsi-fa) (96). Bởi vì hiển lộ trong vạn pháp (embodying dharmas) không phải dành cho Thanh văn, với các vị Thanh năn, loại Trí nầy là phương tiện thích hợp. Tuy nhiên, loại Trí phương tiện nầy vẫn còn là siêu việt đối với các bậc Thanh văn thuộc Nội Phần (Nei-fa), và Ngoại Phần (Wai-fa). Đặc tính của thứ Trí nầy cho thấy rằng Thanh văn Thông giáo hiểu Tứ Đế đặt trọng tâm qua Khổ và nhân của Khổ. Mục tiêu của các vị nầy là hiểu Không như Chân Đế. Qua phối cảnh của thế giới hiện tượng là Không mà đạt đến Chân Đế. Với nghĩa nầy, nhận chân Tục Đế tức đồng với Chân Đế.
8. Loại thứ tám là Trí của Bích Chi Phật, những bậc đã thấy Không hiển lộ qua các pháp (Ti-fa Chih-fo Chih). Đây là Trí của các bậc Bích Chi Phật thuộc Thông giáo. Hiển lộ trong các pháp đặc biệt dành cho các vị Bích Chi, với các vị nầy, loại Trí nầy thích ứng, không chỉ dùng như phương tiện khế hợp. Thấy rằng thứ bậc chứng đắc của các vị Bích Chi ở đây cao hơn các vị Thanh văn, Trí cũng siêu việt hơn các vị Thanh văn ở loại Trí thứ sáu nói trên. Đặc tính của loại Trí nầy cho thấy rằng các vị Bích Chi Phật không những hiểu được tính tổng quát của các pháp trong tương quan vô thường và vô ngã như các vị Thanh văn, mà còn thấy được tính đặc thù của chân lý trong tương quan Thập Nhị Nhân Duyên. Các vị nầy phân biệt mười hai móc xích nối liền như nhân hoặc như quả trong ba đời. Với lối hiểu cả hai tổng tính và biệt tính của các pháp, nhận chân Tục Đế tức đồng như Chân Đế.
9. Loại thứ chín là Trí của Bồ tát, là những bậc đã thấy Không hiển bài trong các pháp như phương tiện khế hợp để vào Chân Đế (Ti-fa Pu- sa Ju- chen Fang-bien Chih). Loại Trí nầy được xem là thích hợp vì vào Không như Chân Đế là mục tiêu của các bậc Thanh văn và Duyên giác, nhưng mục tiêu của Bồ tát khi diễn đạt các pháp là để thấy được khía cạnh Bất-Không (là động cơ bước chân vào thế giới để giúp chúng sinh hoán chuyển tâm). Bồ tát với Trí nầy có thể hiểu được tổng tính ( như vô thường, vô ngã) và biệt tính (như sinh diệt bởi lý nhân duyên) của các pháp qua bốn cánh cửa (Có, Không, cả hai Có và Không, Chẳng Có Chẳng Không). Sự nhận chân được Tục Đế tức cũng đồng như Chân Đế.
10. Loại thứ mười là Trí của Bồ tát, là bậc đã hiển lộ các pháp khi bước vào Giả (Ti-fa Pu-sa Chu-chia Chih). Khác với loại khế hợp nói trên, đây là loại thực Trí của Bồ tát Thông giáo. Trí Khải xác định loại Trí nầy là Chánh Trí nhưng còn duyên vào thế tục (Chih-Cheng Yuan-su), có nghĩa rằng Bồ tát là những bậc hiểu được Không trong các pháp nên vào thế giới giả tạm để cứu giúp chúng sinh. Vì thế, đây là thực trí độ tha, và chỗ thù tạc là cõi người. Theo Trí Khải, loại Trí nầy có đặc tính như một tiến trình từ tự giác (qua bốn cánh cửa) đến giác tha (qua bốn cánh cửa). Điều nầy có nghĩa rằng bốn cánh cửa nầy là bốn phương pháp Bồ tát sử dụng để khế hợp với căn tánh chúng sinh. Với những chúng sinh thích hợp với Có, hoặc với Không, hoặc với cả hai Có và Không, hoặc với chẳng Có chẳng Không, Bồ tát đều có thể tương ứng mà hóa độ.
11. Loại thứ mười một là Trí của các bậc Thập Tín thuộc Biệt giáo (Pieh-chiao Shih-hsin Chih) (97) . Bắt đầu với mười bậc qua năm mươi hai bậc, Bồ tát Biệt giáo đạt sơ khởi đến Trung Đạo (98) bằng lối hành trì Không quán (thay vì quan niệm về Hữu như chúng sinh vô minh). Loại Trí Trung Đạo nầy có đặc tính tránh được những lối nhìn sai lạc của phàm phu, và nhìn về Hữu qua Không. Khác với Nhị Thừa là các bậc bị trói buộc vào lý Không, các Bồ tát nầy chỉ dùng Không để vượt qua Hữu, và với Trí Khải, chỗ nầy có thể được xem là bước khởi đầu của Trung Đạo, từ đó, Bồ tát vượt thoát được lối nhìn và ứng đối sai lạc của ba cõi.
12. Loại thứ mười hai là Trí của ba loại thập trí (San Shih-hsin Chih) (100). Loại Trí nầy liên hệ đến sự chứng đắc Bồ tát thừa từ nhóm thứ hai đến thứ tư thuộc mười bậc trong năm mươi hai bậc Bồ tát. Trí Khải nói rằng vì ba nhóm nầy tương đương với sự chứng đắc của Nội Phần Thanh văn thừa nên được xếp chung vào nhau thành loại Trí nầy. (101) Bồ tát thuộc ba nhóm nầy liên hệ với ba phương pháp hành trì khác nhau trong ánh sáng khái niệm về Tam Đế.
Vào bậc Thập Trụ, với phương tiện quán Không từ cái nhìn về Hữu, Bồ tát nhận ra lý Không. Với sự chứng ngộ nầy, Bồ tát xa lìa được những quan điểm và ứng đối lệch lạc và sai lầm vì thiếu trí hóa tha trong ba cõi, và cũng như vượt qua những sai lầm vì thiếu trí hóa tha ngoài ba cõi. Loại trí Trung Đạo nầy với chân lý Không, diệt lối nhìn vô minh thấy Không ra Có.
Vào bậc Thập Hạnh, Bồ tát từ Không tiến về chỗ Giả quán (102) (Không như Bất Không), nhờ đó diệt được sự sai lạc vì thiếu trí hóa tha vượt trên ba cõi. Loại Trí thuộc Trung Đạo nầy với Bất Không, diệt được lối nhìn thuần Không của Nhị Thừa.
Vào bậc Thập Hồi Hướng, Bồ tát đi về chỗ quán Trung Đạo bằng cách vượt qua hai cực đoan Không và Giả. Loại Trí thuộc Trung Đạo nầy là thực Trí của Bồ tát Biệt giáo, qua đó chân lý được hiểu như chẳng hữu chẳng vô. Kết quả, Bồ tát vượt căn bản vô minh.
13. Loại thứ mười ba là Thập Địa Trí (Shih-ti Chih) (103). Loại
Trí nầy liên hệ đến nhóm thứ năm thuộc mười bậc trong năm mươi hai bậc Bồ tát. Thập Địa là sự chứng đắc cao nhất của Bồ tát Biệt giáo, trước khi vào được Phật địa, và là trí của bậc thánh. (104) Bồ tát với Trí nầy chứng ngộ Trung Đạo, từ đó vượt qua căn bản vô minh. Chỗ nầy cho thấy rằng Trung Đạo không phải chỉ là một nguyên lý cực kỳ siêu việt, nhưng còn đưa ra khía cạnh thực tiển khơi nguồn hạnh nguyện phổ độ của Bồ tát đối với chúng sinh.
14. Loại thứ mười bốn là Phật Trí thuộc Tạng Giáo (San-tsang-fo
Chih). Đây là Phật Trí mà Tạng Giáo nhìn Đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Theo Tạng giáo, Thế Tôn hành lục độ những kiếp là Bồ tát trong ba A tăng kỳ kiếp cho đến khi chứng được quả Phật trong kiếp hiện tại.(105) Phật Trí thuộc Tạng giáo có đặc tính xa lìa những tập khí. Theo Tạng giáo, vị Phật nầy trú tại một trong bốn Phật địa Phàm Thánh Đồng Cư Độ (Fan-sheng Tung-chu Tu) (106) và Trí Khải nhìn như ứng thân Phật (Lieh Ying shen) hiển lộ cho kẻ phàm phu và Nhị Thừa.
15. Loại thứ mười lăm là Phật Trí thuộc Thông Giáo (Tung Chiao-fo
Chih). Phật Trí thuộc Thông Giáo nầy siêu việt so với những loại Trí nói trên trong việc xa lìa những tư tưởng sai lạc và phản ảnh khả năng hóa độ chúng sinh. Vì thế, thứ Trí nầy được thành tựu (107). Theo Trí Khải, Phật Trí thuộc Thông Giáo có đặc tính tiêu trừ những sai lầm còn lại từ những đau khổ đã qua (108). Theo Tạng Giáo, vị Phật nầy trú tại quốc độ Phương Tiện Hữu Dư Độ (Fang-bien Yu ju Tu), và Trí Khải nói rằng đó là (Tai-lieh Sheng-ying shen) hiển lộ cho các Bồ tát Thập Địa.
16. Loại thứ mười sáu là Phật Trí thuộc Biệt Giáo (Pieh- chiao- fo Chih).
Loại Trí nầy càng siêu việt hơn, vì Phật hiển lộ như một vị Phật thuộc Biệt Giáo, và giáo pháp Biệt Giáo qua hệ thống phân loại của Trí Khải thì cao hơn Thông giáo trong việc vượt thoát quan điểm sai lạc và phản ảnh khả năng độ thoát chúng sinh.(109) Tri kiến của vị Biệt giáo Phật tương đương với Thủy Giác (Preliminary Enlightement) (110), và vì vậy, theo Trí Khải, có đặc tính diệt trừ căn bản vô minh và đạt đến Phật giới.(111). Hiển bài Biệt giáo, vị Phật nầy trú ở Thực Báo Vô Chướng Ngại Độ (Shih-pao Wu-chang ai Tu), tương ưng với tướng hảo và chuyển pháp luân Vô Lượng Tứ Đế cho Bồ tát thượng căn Biệt giáo.
17. Loại thứ mười bảy Viên Giáo Ngũ Phẩm Đệ Tử (Yuan chiao Wu pin Ti-tzu) (112) Loại Trí nầy cho thấy bản hạnh thuộc Viên giáo. Mặc dù thứ bậc nầy tương đương với Ngoại Phần Tạng Giáo, Càn Huệ Địa thuộc Thông Giáo, và Thập Tín thuộc Biệt Giáo, loại nầy thật sự cao hơn ba loại giáo pháp kia. Chỗ nầy bởi vì điểm khởi đầu của Viên Giáo thì siêu việt hơn, vì phương cách hành trì đặt căn bản trên lối quán chiếu về Trung Đạo, trong đó, Tam Đế được đồng thời hội nhập một cách viên diệu. hành giả có thể tiếp nhận Chân Như trực tiếp gồm Không, Giả, và Trung Đạo mà không cần phải đi qua từng bước một để quán chiếu từng phần. Vì vậy, dù ở mức độ sơ tâm, người tu có thể vượt qua kiến hoặc, tư hoặc, và trần sa hoặc cũng như căn bản vô minh.
18. Loại thứ mười tám là Lục Căn Thanh Tịnh Trí (Liu-ken Ching-ching Chih). Loại Trí nầy liên quan đến bậc thứ hai Viên giáo, Vị Thập Tín như một Thiết Luân (Iron-wheel) của Viên giáo. Hành giả chứng đắc được thứ Trí giống như Trung Đạo, từ đó diệt kiến hoặc, tư hoặc trong ba cõi và trần sa hoặc ngoài ba cõi, và giảm trừ căn bản vô minh. Một thành tựu như vậy tương đương với Tứ Thanh Tịnh thuộc Tạng giáo và ba loại Thập Trí thuộc Biệt giáo (đó là Thập Trụ, Thập Hạnh, và Thập Hồi Hướng).
19. Loại thứ mười chín là Thập Trụ Trí thuộc Bản giác (Chu-chu Chih-teng-chueh Chih). Loại Trí nầy liên hệ đến bậc thứ ba thuộc Viên giáo trước khi hành giả chứng được Diệu Giác sau cùng. Chỗ nầy gồm có Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, và Thủy Giác. Ở đây, hành giả diệt căn bản vô minh từng bậc một. Từ sự diệt vô minh, sánh với Trí của Biệt giáo chỉ bắt đầu diệt vô minh ở Thập Địa, Trí Viên giáo bắt đầu diệt vô minh ngay cả trước khi vào Thập Trụ. Nếu Thủy giác và Diệu giác bao gồm, cùng có mặt, Trí Biệt giáo diệt mười hai vòng vô minh, và mặt khác, Trí Viên giáo diệt bốn mươi hai vòng vô minh. Hẳn nhiên, sự hủy diệt vô minh của loại Trí sau hoàn hảo hơn. Như vậy, Trí Viên giáo được Trí Khải nhấn mạnh như Phật trí.
20. Loại thứ hai mươi là Diệu Giác Trí (Miao-chueh Chih). Đây là Trí viên mãn siêu việt của Phật. Trí Khải tuyên thuyết rằng Trí Diệu Giác của chư Phật là Trí vô thượng đáng tôn kính.(113) Chư Phật với Trí nầy, tương ưng với Pháp Thân viên diệu, trú tại quốc độ Thường Tịch Quang (Chang Chi-kuang Tu), và chuyển bánh xe Vô Tác Tứ Đế giáo hóa hàng Bồ tát thượng căn thuộc Viên giáo.
Phần trên là bảng liệt kê của Trí Khải về hai mươi loại Trí. Hai mươi loại Trí nầy thành tựu dựa trên Tứ giáo. Chỗ nầy ám chỉ rằng Trí Khải đã chia ra làm bốn nhóm phù hợp với Tứ giáo, và bốn nhóm nầy được khảo sát trong phần Trí phản chiếu Cảnh( Chih chao Ching) . Bảy loại Trí, từ thứ nhất đến thứ sáu cũng là nhóm mười bốn, thuộc về Tạng Giáo; năm loại Trí, từ thứ bảy đến thứ mười cũng là nhóm mười lăm thuộc về Thông Giáo; bốn loại Trí, từ mười một đến mười ba cũng là nhóm mười sáu thuộc Biệt Giáo; và bốn loại Trí sau cùng, từ mười bảy đến hai mươi thuộc Viên Giáo. Qua sự so sánh bốn nhóm Trí (thuộc Tứ giáo) đưa ra một con đường hướng thượng. Từng nhóm một trong bốn nhóm nầy, Trí siêu việt là Trí Phật. Tuy nhiên, chỉ có Trí Phật trong nhóm sau cùng thuộc Viên Giáo liên hệ đến Diệu giác, là vô thượng trí.
Nói về bốn Thừa (Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa, và Phật thừa), mỗi một nhóm trong bốn nhóm Trí hiển lộ mỗi thừa khác nhau, thấy rằng mỗi thứ bậc tiếp thu chân lý và khuynh hướng hành trì khác nhau, từ đó đưa đến những hình thái chứng đắc khác nhau.
i. Trí thuộc Tạng giáo hiển lộ Thanh văn thừa, quán sát tất cả các pháp như thực. Chỉ xuyên qua sự chia chẻ và phân tích vạn pháp, hành giả bước vào Không. Đây là phương pháp phân biệt Hữu để đạt đến Vô. Đây cũng là đặc tính tổng quát của loại Trí nầy. Vì Tạng giáo được hành trì bởi tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát hạ căn), tiêu điểm hành trì trong mỗi thừa đều khác nhau. Thanh văn thừa chuyên tâm hành trì Ngũ Đình Tâm Quán, Tứ Niệm Trụ, và quán Tứ Diệu Đế, với mục đích thoát khổ cho cá nhân mình. Duyên giác thừa quán Mười Hai Nhân Duyên, chuyên tâm về nguyên nhân đưa đến khổ để tự giải thoát. Bồ tát thừa theo đuổi tự giác và giác tha bằng cách kiên trì tu tập lục độ để vượt thoát tất cả nhân khổ.
ii. Trí thuộc Thông giáo hiển lộ Duyên giác thừa. Mặc dù mục tiêu tối hậu cũng là đạt đến Không, phương tiện thiện xão là trực nhận Không qua vạn pháp. Tất cả thế giới hiện tượng đều hư ảo, vì vậy nên là Không. Mặc dù Thông giáo cũng được thực tập bởi Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát trung căn), loại Trí nầy vượt hơn loại nói trên, vì tất cả Tam thừa dùng phương pháp nhìn thẳng vào các pháp (thay vì chia chẻ và phân tích các pháp) để thông đạt về Không. Ngoài việc các bậc Thanh văn vẫn chuyên chú vào Tứ Diệu Đế, các vị có thể nhận ra tánh Không của khổ với cách nhìn các pháp như mộng. Các bậc Duyên giác vẫn đặt trọng tâm vào Mười Hai Nhân Duyên, các vị nầy có khả năng diễn đạt tánh Không của mỗi móc nối nhân duyên. Mục tiêu của Nhị Thừa có đặc tính tự giải thoát, mục tiêu của Bồ tát Thông giáo nhắm vào việc cứu giúp chúng sinh giải thoát. Bồ tát thừa dùng cùng phương pháp vào vạn pháp để thấy được tánh Không, mục tiêu là chứng được Không như hiện hữu giả tạm (Bất Không) trở thành động cơ vào đời gieo hạt giống Đại thừa.
iii. Trí của Biệt giáo hiển lộ Bồ tát thừa, được thụ trì bởi các vị Bồ tát thượng căn. Hai loại Trí Biệt giáo và Viên Giáo có đặc tinh quán chiếu lý Trung Đạo, nhưng phương pháp vào được Trung Đạo thì khác nhau. Biệt Giáo là pháp thô sánh với Viên Giáo. Để tránh hai điểm cực đoan hoặc là Không mà Nhị thừa nắm giữ, hoặc là Hữu mà chúng sinh vô minh vướng mắc, Bồ tát Biệt giáo dùng hai lần phủ định để vượt lên trên hai lối nhìn nầy. Bồ tát ngộ lý Trung Đạo khi thấy được rằng các pháp chẳng Không chẳng Có. Khi lý Trung Đạo nầy đạt đến với phủ định thay vì xác định, ngay đó thiếu một sự cố định trong các pháp. Trí Khải phê bình rằng Bồ tát Biệt giáo chưa thể thấy được rằng Trung Đạo là năng lực hài hòa tất cả những pháp thế gian. Vì vậy, với các vị, các pháp rời rạc và không thể tính kể. Để giải thoát cho mình cũng như cho người, Bồ tát phải đi qua tất cả pháp môn, tinh cần hành trì, tiêu diệt từng phần vô minh, và dần dần tiến vào Phật địa.
iv. Trí Viên giáo hiển lộ Phật thừa, được các vị Bồ tát thượng căn thụ trì. Như Trí Phật vô thượng, quán Trung Đạo cũng vượt trên những Trí trước. Chỗ nầy có nghĩa rằng Trung Đạo vượt trên cả hai Không và Hữu. Thấy rằng Không là giả hữu, và giả hữu tánh là Không, Không và Giả tương đồng. Quán Tam Đế được thực hành trong Viên giáo thì toàn vẹn hội nhập, qua đó vạn pháp không gì khác hơn là sự hiển bài của Trung Đạo. Bồ tát Viên giáo có khả năng thấy được rằng đó là tâm, là cái tạo nên phân biệt. Không có sự lấn lướt của tâm, các pháp thực tính vô phân biệt và là một thực tại. Chứng ngộ được rằng phiền não và trí bồ đề, sinh tử và niết bàn không phân hai, người tu không cần phải tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài đau khổ (vì phiền não tức bồ đề). Tâm vô phân biệt đưa đến sự phơi bày thực tính vạn pháp như nó là (vô tác), từ đó Phật tánh có sẳn trong chúng sinh được hiển lộ, bước vào Phật địa.

II. Trí chiếu soi Cảnh như thực (Chih-chao-ching) (Hsuan-I, T33, 709a-c)

Thấy rằng Diệu Trí là nhịp cầu đưa về Cảnh như thực, ở đây, Trí Khải luận về Trí qua sự phản ảnh của sáu Cảnh như thực. Vì hai mươi loại Trí được phân chia ra làm bốn nhóm, bốn nhóm nầy tùy thuận bốn cách hiểu liên hệ đến mỗi loại Cảnh như thực. Theo Trí Khải, sự chiếu soi qua nhiều loại Cảnh có thể hiển lộ lý Trung Đạo, vì Trung Đạo thâm sâu rất khó hội nhập, và tùy thuộc vào Trí để được hiển lộ.
Phản ảnh bốn lối hiểu về mỗi loại Cảnh qua bốn nhóm Trí đưa đến một sự trình bày có hệ thống về cái bốn nhóm Trí nầy tương quan với Cảnh như thực cũng như về cái mà người tu nhờ đó có thể chứng đắc. Hệ thống nầy là sự cố công của Trí Khải chỉ bày mối tương quan giữa Trí và Cảnh như thực, đó là, Cảnh như thực là cái mà Trí liên hệ. Thấy rằng chân lý bất khả tư nghì và phải dựa vài Trí để hiển lộ, hệ thống tư tưởng về Trí của Trí Khải vẽ ra con đường phát hiện chân lý, mang ý nghĩa nhận thức và phổ độ.
(1) Trước hết, hai mươi loại Trí phản ảnh Cảnh như Thập Như Thị (Erh Shih Chih Chao Shih ju).
(i) Trí thế gian không vượt qua được sự sống và nổi chết, và chỉ có thể phản ảnh Thập Như Thị của sáu cõi mang đặc tính luân hồi. (114)
(ii) Như bảy loại Trí (115) thuộc Tạng Giáo hoặc Thông Giáo mang đặc tính tự giác và phản ảnh Thập Như Thị của Nhị Thừa (Thanh văn và Duyên giác) .
(iii) Trí Lục Độ (thuộc Tạng Giáo) và Trí của Bồ tát là những bậc đã hiển lộ các pháp để bước vào Giả (thuộc Thông giáo) liên quan đến việc tự giải thoát và giúp người giải thoát. Hướng về Phật giới, hai loại Trí nầy phản ảnh Thập Như Thị của Bồ tát; và hướng về sự hoán chuyển chúng sinh, phản ảnh Thập Như Thị của sáu cõi. Trí của bốn loại Thập Tâm (Ssu shih-hsin Chih) (116) (thuộc Biệt Giáo) cũng bao gồm hai khía cạnh. Trí Thập Tín, Thập Trụ, và Thập Hạnh phản ảnh Thập Như Thị của Bồ tát; và Trí của Thập Hồi Hướng bắt đầu liên hệ đến bước chân của Bồ tát vào thế tục (sáu cõi luân hồi), và vì thế phản ảnh Thập Như Thị của sáu cõi.
(iv) Trí Thập Địa (thuộc Biệt Giáo) thì gần với Phật trí. Nếu nói về cái Trí nầy quy hướng thì Trí nầy phản ảnh Thập Như Thị của Bồ tát. Nếu nói về cái Trí nầy đoạn diệt, thì Trí nầy phản ảnh Thập Như Thị của Phật, bởi vì, theo Trí Khải, đoạn tuyệt căn bản vô minh với chân lý Trung Đạo là đặc tính của Phật giới.
(v) Bốn loại Trí (thuộc Viên giáo) (117) phản ảnh Thập Như Thị của Phật giới. Điều nầy bởi vì bốn loại Trí liên quan đến lý Trung Đạo, và Trung Đạo biểu thị Chân Như của Phật địa.(118)
(2) Thứ hai, hai mươi loại Trí phản ảnh Cảnh như bốn loại Thập Nhị Nhân Duyên (Erh-Shih-chih Chao Ssu-chung Shih-erh Yin-Yuan Ching). Trong tương quan nầy, hai mươi loại Trí thu vào bốn, tùy thuận Tứ Giáo, và hổ tương với Cảnh như bốn loại Thập Nhị Nhân Duyên.. Điều nầy nói lên rằng bảy loại Trí thuộc Tạng Giáo phản ảnh Cảnh như Sinh Diệt Thập Nhị Nhân Duyên có thể suy lường. Năm loại Trí thuộc Thông Giáo phản ảnh Cảnh như Thập Nhị Nhân Duyên Tư Nghị Vô Sinh Diệt. Bốn loại Trí thuộc Biệt giáo phản ảnh Cảnh như Sinh Diệt Thập Nhị Nhân Duyên Bất Tư Nghị. Bốn loại Trí Viên Giáo phản ảnh Cảnh như Vô Sinh Diệt Thập Nhị Nhân Duyên Bất Tư Nghị.(119)
(3) Thứ ba, hai mươi loại Trí phản ảnh Cảnh như bốn loại Tứ Đế (Erh-shih-chih Chao Ssu chung Ssu-ti Ching). Chỗ nầy cho thấy rằng bảy loại Trí thuộc Tạng giáo phản ảnh Cảnh như Sinh Diệt Tứ Đế. Năm loại Trí thuộc Thông giáo phản ảnh Cảnh như Vô Sinh Diệt Tứ Đế. Bốn loại Trí thuộc Biệt giáo phản ảnh Cảnh như Vô Lượng Tứ Đế. Bốn loại Trí thuộc Viên giáo phản ảnh Cảnh như Vô Tác Tứ Đế.(120)
(4) Thứ tư, hai mươi loại Trí phản ảnh Cảnh như Nhị Đế (Erh shih chih Chao Erh-ti). Sự hổ tương nầy như sau :
(i) Bảy loại Trí thuộc Tạng Giáo phản ảnh Nhị Đế thuộc Tạng Giáo. Chỗ nầy bởi vì đạt đến Không bằng phương tiện phân tích và chia chẻ các pháp (Hsi kung). Lối hiểu về Không như trên là đặc tính của Tạng Giáo.
(ii) Năm loại Trí thuộc Thông Giáo phản ảnh Nhị Đế thuộc Thông Giáo. Chỗ nầy bởi vì đạt đến Không bằng cách nhìn thẳng vào các Pháp (Ti kung). Lối tiếp nhận được Không ngay ở các pháp là đặc tính của Thông Giáo.
(iii) Bốn loại Trí thuộc Biệt Giáo phản ảnh Nhị Đế thuộc Biệt giáo, bởi vì chân lý Trung Đạo được chứng nhập bằng cách vuợt qua cả hai lối nhìn cực đoan của Không và Hữu.
(iv) Bốn loại Trí thuộc Viên Giáo phản ảnh Nhị Đế thuộc Viên Giáo. Chỗ nầy bởi vỉ Trung Đạo được chứng ngộ bằng cách viên dung cả hai Không và Hữu.(121)
(5) Thứ năm, hai mươi loại Trí phản ảnh Cảnh như Tam Đế (Erh-shih-chih Chao San ti). Có ba nhóm tương quan tùy thuận Tục Đế, Chân Đế, và Trung Đạo:
(i) Trí Tạng Giáo liên quan đến pháp thế gian sinh diệt, và không có Trung Đạo. Vì vậy, trí nầy thuộc Tục đế.
(ii) Trí Thông giáo liên quan đến Không thuộc thực tại vô sinh thuộc thế gian. Vì thế, trí nầy thuộc Chân Đế.
(iii) Trí Biệt giáo và Viên giáo cùng chung, liên quan đến Trung Đạo. (122)
(6) Thứ sáu, hai mươi loại Trí phản ảnh Cảnh thuộc Một Thực Thể (Erh-shih-chih Chao I shih-ti). Thấy rằng bốn loại Tứ Đế thích hợp nhất để diễn đạt đặc tính Tứ Giáo trong hệ thống của Trí Khải, Một Thực Thể được nói đến trong tương quan với bốn lối hiểu về Sinh Diệt, Vô Sinh Diệt, Vô Lượng, và Vô Tác. Điều nầy nói lên rằng, Trí Tạng Giáo phản ảnh thể tánh Sinh diệt, Trí Thông Giáo phản ảnh thể tánh Vô sinh diệt, Trí Biệt Giáo phản ảnh thể tánh Vô lượng, và Trí Viên Giáo phản ảnh thể tánh vô tác.
(7) Sau cùng, hai mươi loại Trí phản ảnh Vô Đế (no Truth) và Vô Biện Biệt (no Illumination). Theo Trí Khải, Vô Đế là từ dùng để chỉ sự không thể diễn đạt của sự thực, và đưa đến vô phân biệt giữa đế (truth) và vô đế (no-truth). Cũng như vậy, Vô Đế được quán sát trong tương quan với Tứ Đế, hành giả sẽ không còn thấy sự khác biệt giữa Đế và Vô Đế. (123). Thấy rằng bốn loại Vô Đế tương ưng với tánh không-thể- diễn-đạt, vì vậy Trí Khải dung hợp với bốn loại bất-khả-thuyết (124).
(i) Trí Tạng Giáo phản ảnh Sinh Diệt Vô Đế, bởi vì sinh từ sinh bất khả tư nghị.
(ii) Trí Thông Giáo phản ảnh Vô Sinh Diệt Vô Đế, bởi vì vô sinh từ sinh bất khả tư nghị.
(iii) Trí Biệt Giáo phản ảnh Vô Lượng Vô Đế, bởi vì sinh từ vô sinh bất khả tư nghị.
(iv) Trí Viên Giáo phản ảnh Vô Tác Vô Đế, bởi vì vô sinh từ vô sinh bất khả tư nghị. (125)
Phân tích về hai mươi loại Trí nói trên phản ảnh từng loại trong sáu loại Cảnh như thực nhằm vào sự chuyển đạt hoạt dụng cũng như nội dung của Trí. Nếu chúng ta nhìn Cảnh như thực là một loại ngôn ngữ tĩnh lặng (không thể đọc được), thì Trí có công dụng phơi bày khiến sự tĩnh lặng nầy hiển lộ, nhờ đó chiều sâu của Cảnh như thực được thâm nhập. Sau đó, hệ thống phân tích về Trí của Trí Khải liên quan đến Cảnh như thực được hợp hóa tùy thuận giữa Trí và Cảnh. Đồng thời, hệ thống nầy phát họa ra bốn nhóm Trí với nội dung cụ thể. Công dụng của các loại Trí khác nhau tùy theo cái mà nó phản ảnh. Thí dụ, nếu hành giả muốn thâm nhập vào Cảnh như Nhị Đế thuộc Tạng Giáo, thì nhận lấy phương pháp chia chẻ và phân tích các pháp; nếu hành giả muốn vào Cảnh như Nhị Đế thuộc Thông Giáo, thì dùng phương pháp trực nhập vào các pháp v.v… Hệ thống tư tưởng về Trí của Trí Khải phản ảnh Cảnh như thực thì rất hy hữu bởi vì có thể trở thành bẳn chỉ đường cho người tu theo đưổi con đường Đạo.

III. Đối Cảnh Minh Trí (Tui Ching Ming Chih) (T33, 710c – 714c)

Sự phát họa về hai mươi loại Trí nói trên được chia thành bốn nhóm phản ảnh từng loại trong sáu loại Cảnh như thực đưa đường cho lập luận của Trí Khải về Trí trong tương quan với Cảnh như thực trong phần sau đây. Cái Trí Khải muốn nói là bốn thứ bậc của Trí thâm nhập vào từng loại Cảnh như thực phân ra làm bốn, vì cả hai hội nhập vào một khối. Khối hợp nhất giữa Trí và Cảnh nầy làm thành một loại Trí mới. Mỗi loại Trí mới mang cùng tên với Cảnh cùng loại, và điều nầy khẳng định rằng cùng loại Trí có thể hội nhập cùng loại Cảnh như thực. Thí dụ, sự hội nhập Sinh Diệt Tứ Đế Cảnh đòi hỏi Sinh Diệt Tứ Đế Trí. Như kết quả từ mỗi loại Cảnh, Trí mang cùng nội dung tùy thuận. Vì tánh của Trí, hành giả có thể dùng Trí để hội nhập Cảnh như thực. Chỗ nầy Trí Khải muốn chứng minh rằng bởi vì Trí hiển lộ Cảnh như thực, Trí là phương tiện chính để hội nhập Cảnh như thực.
(1) Trước hết, đối với bốn loại Thập Nhị Nhân Duyên mà làm sáng tỏ cái Trí (Tui Ssu-chung Shih-erh Yin-yuan Ming-chih) Điều nầy để hợp nhất Trí với bốn loại Thập Nhị Nhân Duyên. Trí Khải chủ trương rằng bốn loại Thập Nhị Nhân Duyên chỉ bao gồm một chân lý. Vì những cách hiểu khác nhau về một chân lý nầy mà đưa đến sự phân ra làm bốn loại Mười Hai Nhân Duyên. Bốn lối hiểu về mười hai nhân duyên nầy được nhìn như bốn loại Trí : Hạ Trí, Trung Trí, Thượng Trí, và Thượng Thượng Trí. Bốn loại Trí được xác định như quán chiếu tuần tự phù hợp với Tứ Giáo. Lối phân tích của Trí Khải về bốn loại Trí liên hệ đến Thập Nhị Nhân Duyên thì song song với lối chú giải của Đại Sư về Cảnh như bốn loại Mười Hai Nhân Duyên. Bốn loại nầy dùng để chuyển đạt đặc tính lối hiểu phù hợp với Mười Hai Nhân Duyên. Hơn nữa, bốn loại Trí nầy được nói đến trong tương quan với bốn loại quán chiếu, đưa ra ánh sáng làm thế nào bốn loại Mười Hai Nhân Duyên được hiểu đưa đến bốn thứ bậc chứng đắc. Quán chiếu ở mức độ thấp đưa đến sự chứng đắc Thanh Văn Tạng Giáo. Quán chiếu của bậc trung căn đưa đến sự chứng ngộ Duyên Giác Thông Giáo. Quán chiếu của bậc thượng căn đưa đến sự chứng ngộ Bồ tát Biệt Giáo. Quán chiếu của bậc thượng thượng căn đưa đến chứng đắc quả Phật Viên Giáo.
(i) Quán chiếu với Trí hạ căn chỉ cho Trí thuộc Tạng Giáo, và chữ hạ căn chỉ các bậc Thanh Văn là người có khả năng thấp kém trong sự chứng ngộ lý Thập Nhị Nhân Duyên. Các vị nầy quán mười hai nhân duyên liên quan đến việc làm thế nào cái nầy sinh ra cái kia, nhìn mỗi vòng móc xích là vô thường, khổ, không, và vô ngã; và làm thế nào phân biệt từng vòng trong mười hai vòng nhân duyên. Người thực hành lối quán chiếu nầy đắc quả Thanh Văn.
(ii) Quán chiếu với Trí trung căn chỉ cho Trí thuộc Thông Giáo, và chữ trung căn chỉ các bậc Duyên Giác, là người có khả năng hiểu lý Thập Nhị Nhân Duyên ở mức độ trung bình. Các vị nầy quán mười hai nhân duyên với lối nhìn tánh ảo vọng của vô minh, vì vô minh là sản phẩm của tâm trí hạ liệt. Với sự kiện rằng tâm chỉ là một tên gọi, không có một thực thể cố định, không thể nuôi dưỡng vô minh. Vô minh là vọng tưởng sinh khởi từ lối nhìn sai lầm. Bản tánh ảo vọng của vô minh khiến cho những vòng xích còn lại trong mười hai nhân duyên cũng là ảo vọng. Vì vậy, không hề có sự thực sinh, nên cũng không có sự thực diệt. Người thực hành lối quán chiếu nầy đắc quả Bích Chi Phật.
(iii) Quán chiếu với Trí thượng căn chỉ cho Trí thuộc Biệt Giáo. Chữ thượng căn dùng để so sánh với Phật, sự thông đạt của Bồ tát về Thập Nhị Nhân Duyên vẫn chưa phải là toàn vẹn, nhưng vượt trên hai thứ bậc nói trên (Thanh văn và Duyên giác). Bồ tát quán mười hai nhân duyên với lối nhìn vô minh chỉ là sản phẩm của tâm mông muội. Trí Khải diễn tả làm thế nào những duyên khác nhau sinh khởi những móc xích khác nhau trong mười hai móc xích; và làm thế nào tam đức ( trí tuệ, giải thoát, Pháp thân) có thể đạt được khi nhận ra tam chướng (khổ, nghiệp, phiền não) : Vô minh chỉ là một tâm trí mông muội. Nếu tâm mông muội, liền sinh khởi phiền não. Do phiền não, nhiều loại nghiệp phát sinh. Do nghiệp, sinh ra đủ thứ khổ.(126) Nếu diệt vô minh, trí tuệ phát sinh. Nếu diệt nghiệp, giải thoát hiển lộ. Nếu thức, và danh sắc bị diệt, Pháp Thân hiển lộ.(127)
(iv) Quán chiếu với Trí thượng thượng căn chỉ cho Trí của Bồ tát và Phật thuộc Viên giáo, nhưng chữ thượng thượng chỉ Phật. Chư vị quán chiếu Thập Nhị Nhân Duyên và thấy rằng tam chướng và tam đức tương đồng. Sự tương đồng được Trí Khải diễn đạt như sau :
(a) Sự tương đồng thứ nhất giữa tam chướng và tam đức. Tam chướng được xem là u minh, và tam đức là ánh sáng chiếu soi. Tánh đồng nhất giữa hai điều trên đạt được khi hành giả vượt lên trên khái niệm tối đối nghịch với sáng, xa hơn nữa là giữa phiền não và trí tuệ bát nhã. Khi phiền não không còn được nhìn như bóng tối thì khái niệm về ánh sáng cũng không cần phải đặt trong tương quan với trí tuệ. Bởi vì không có sự đối nghịch giữa phiền não và trí tuệ bát nhã, hai điều nầy tương đồng lẩn nhau. (128)
(b) Điểm tương đồng thứ hai là giữa nghiệp chướng và giải thoát. Nghiệp là sức trói buộc, giải thoát là sự tự tại. Thấy được sự đồng nhất giữa hai điều trên khi hành giả thay đổi cách nhìn. Nếu nghiệp không liên quan gì đến sự trói buộc, giải thoát không liên quan gì đến sự tự tại, thì chúng ta nghĩ rằng không có sự khác biệt giữa hai điều trên, đó là đưa con người ra khỏi vòng nghiệp lực để đạt đến giải thoát. Kết quả là nếu không có khái niệm khác biệt giữa nghiệp lực và giải thoát, thì cả hai là tương đồng. (129)
(c) Điểm tương đồng thứ ba là giữa khổ và Pháp Thân. Khổ được nhìn như sinh tử và Pháp Thân được nhìn như tịnh độ. Hiển nhiên, khi nhìn Khổ và Pháp Thân một cách riêng rẻ thì cả hai không thể nào đồng nhất. Chỉ khi nào người tu nhận ra hai điều nầy bản tánh không sinh tử cũng chẳng niết bàn thì mới có thể vào được bản thể đồng nhất là Không. (130)
Trí Khải đưa đến kết luận rằng ba cách quán về tánh đồng nhất rất cần thiết cho sự gieo trồng căn lành của người tu, vì chứa đựng nhân quả Phật địa. Quán chiếu những điều nầy sẽ vào thẳng lối nhìn đúng rằng tam chướng không khác với tam đức, và tam đức cũng đồng như tam chướng bởi vì tam chướng là nhân Phật bao gồm quả Phật hiển lộ qua tam đức; và tam đức như đại niết bàn và là yếu tạng có thể đạt đến được qua tam chướng.(131)
(2) Thứ hai, đối với bốn loại Tứ Đế mà làm sáng tỏ cái Trí (Tui Ssu-chung Ssu-ti Ming chih). Ở đây, thêm một lần nữa Đại Sư nhấn mạnh rằng chỉ có một chân như duy nhất. Vì những căn cơ thông hiểu khác nhau nên mới có bốn loại. Trí Khải toát yếu bốn thứ Trí tương quan với bốn lối hiểu về Tứ Đế theo căn tánh khác nhau của chúng sinh. Người độn căn hoạc kẻ thượng trí hiểu Tứ Đế khác nhau. Trí Khải diễn tả những thứ lớp Trí chứng đắc tùy những khía cạnh khác nhau hoặc từ những tướng trạng của thế giới hiện tượng, hoặc từ nguyên lý trong hay ngoài ba cõi. Trí Khải diễn đạt bốn loại Trí nầy song song với chú giải về Cảnh như bốn cách hiểu Tứ Đế, và dùng để giải thích sâu hơn làm cách nào bốn loại Tứ Đế được thông đạt.
(i) Trí thuộc Sinh Diệt Tứ Đế phù hợp với tướng trạng hiện tượng trong ba cõi. Đây là Trí Thanh Văn Thừa Tạng Giáo. Loại Trí nầy cho thấy rằng các bậc Thanh văn với căn cơ châm lụt có khả năng hiểu được thế giới tạm bợ có đặc tính, vô thường, khổ, và Không.
(ii) Trí thuộc Vô Sinh Tứ Đế phù hợp với nguyên lý trong ba cõi. Đây là Trí Duyên Giác Thừa với căn cơ bén nhạy hơn có thể thấy được rằng Khổ như Bất-Khổ, bởi vì Khổ chỉ như mộng, vì thế là Không.
(iii) Trí thuộc Vô Lượng Tứ Đế hợp với những sự kiện ngoài ba cõi. Đây là Trí của Bồ Tát Biệt Giáo. Sánh với Phật trí, Trí của Bồ tát vẫn còn nông cạn, vì Trí nầy tương quan với sự kiện, mặc dù là những sự kiện vượt trên ba cõi, và không thể được hiểu qua khái niệm.(132)
(iv) Trí thuộc Vô Tác Tứ Đế hợp với nguyên lý vượt trên ba cõi. Đây là Phật Trí Viên Giáo. Trí Khải nhấn mạnh rằng Phật trí thì vi diệu vì phù hợp với nguyên lý bất tư nghị vượt trên ba cõi. (133) Điều Trí Khải muốn nói là Phật trí vượt trên cái khổ sinh tử, và vượt trên Niết Bàn thuộc Nhị Thừa. Trí Phật không Khổ không Niết Bàn là Chân Như trong Phật Tánh Trung Đạo.
(3) Thứ ba, đối Nhị Đế mà làm sáng tỏ cái Trí (Tui Erh-ti ching Ming chih). Với cách đưa Trí vào chỗ tương hợp với Nhị Đế, loại mới nầy thành lập Nhị Trí gồm tương đối và tuyệt đối. Tương đối chỉ cho Tục đế, và tuyệt đối chỉ cho Chân đế. Trong sự chú giải Cảnh như Nhị Đế, Trí Khải liệt kê bảy lối nhìn về Nhị Đế, và vì thế cũng có bảy loại Trí Nhị Đế tương hợp với bảy lối nhìn được Thế Tôn thuyết ra dùng phương tiện liên quan đến ba loại Tương đối và Tuyết đối Nhị Đế, từng loại trong bảy loại Nhị Trí nầy cũng liên quan đến ba loại Nhị Trí Tương đối và Tuyệt đối. Gồm có : Hóa tha tương tuyệt (Hua-ta Chuan-shih), Tự giác Hóa tha tuơng tuyệt (Tzu hsing Hua-ta Chuan-shih), và Tự giác tương tuyệt (Tzu hsing Chuan shih).
Trước hết, Hóa tha tương tuyệt trí thuần hợp với căn cơ bậc thượng của chúng sinh. Thứ hai Tự giác Hóa tha tương tuyệt trí dung hợp Hóa tha và Tự giác( đó là Trí chứng ngộ từ bên trong Phật). Vì thế, trí hóa tha được nhìn như tương đối và trí tự giác của Phật được nhìn như tuyệt đối. Tóm lại, loại thứ hai nầy dung hợp loại Trí khế hợp với căn tánh bậc thượng của chúng sinh và Phật trí. Thứ ba, Tự giác tương tuyệt trí là thứ Trí chỉ có Phật chứng ngộ. Nhân bảy loại Nhị Trí với ba loại tương tuyệt, có được hai mươi mốt loại Nhị Trí. Sự biểu thị của Trí Khải về Nhị Trí ở đây tương tự với sự chú giải của Đại Sư về Cảnh như Nhị Đế. Vì Trí tương quan với Cảnh như thực, Tục Đế và Chân Đế được dùng như Tương đối và Tuyết đối Nhị Đế. Bảy loại Nhị Đế dùng để đưa ra đặc tính của bảy lối hiểu về Nhị Đế, bởi vì cái trước trình bày làm cách nào cái sau chứng đạt. Vì từng loại tương đối và tuyệt đối trong bảy loại Nhị Trí được Trí Khải nói đến lần lượt qua nội dung Tứ giáo, nên có ý nghĩa khác nhau đối với hành giả Tứ giáo. (134)
(i) Nhị Trí phân biệt pháp tương tuyệt (Hsi fa Chuan shih Erh-chih) đặc tính hóa cách hiểu Nhị Đế Thật Hữu như chia chẻ các pháp. Loại Trí nầy đưọc nói đến trong Tạng giáo, qua đó sự khác biệt biểu hiện của thế giới hiện tượng tùy thuộc Tương đối, và sự khác biệt tận cùng của thế giới hiện tượng thuộc Tuyệt đối. Điều nầy bởi vì mục tiêu của Tạng giáo là bước vào Không. Cách thức để đạt đến Không là chia chẻ và phân tích vạn pháp cho đến chỗ không còn gì để chia chẻ nữa. Tiến trính chia chẻ như vậy là Trí tương đối vì được dùng để đạt đến Không, và mục tiêu đạt đến lý Không là Trí tuyệt đối vì là mục tiêu sau cùng của giáo pháp.(135)
(ii) Nhị Trí Hội Nhập Pháp (Ti-fa Erh-chih) đặc tính hóa cách hiểu Nhị Đế của Không thuộc Huyễn Hữu như đi vào pháp đưa ra những tướng trạng huyễn hữu và là đồng nhất với Không. Loại Trí nầy được nói đến qua Thông giáo, qua đó những tướng trạng của thế giới hiện tượng thì đồng nhất với Không. Bởi vì mục tiêu sau cùng của Thông Giáo là chứng đắc Không, những hình tướng dùng để hiểu tánh Không thuộc về Trí tương đối, và đồng hóa tướng trạng và tánh Không là Trí tuyệt đối.(136)
(iii) Nhị Trí Hội Nhập Pháp hàm chứa Trung Đạo (Ti-fa han-chung Erh-chih) đặc tính hóa cách hiểu Nhị Đế Huyễn Hữu như Không và như Bất Không là hội nhập pháp bao gồm Trung Đạo. Loại Trí nầy được nói đến trong Biệt giáo tiếp Thông giáo, qua đó tướng trạng được nhìn như huyễn hữu, đồng với Không và với Bất Không. Tướng là Không vì tánh huyễn ảo, và đây là lối nhìn của Thông Giáo, được xem là Trí tương đối. Tướng là Bất Không vì là sự có mặt tạm thời, lối nhìn nầy xác định hiện hữu của cõi người (dựa trên khái niệm về Không) thuộc Biệt Giáo, nhờ đó Bồ tát vào thế tục để hoán chuyển tâm chúng sinh. Qua hệ thống tư tưởng của Trí Khải, Trung Đạo được Biệt Giáo thâm hiểu qua sự xác định thế giới loài người trong tương quan với hạnh tự giác và giác tha của Bồ tát. Như vậy, Trung Đạo thuộc Biệt Giáo đồng nghĩa với Bất Không, và được nhìn như Trí tuyệt đối. Điều nầy bởi vì Trí tương đối của Thông Giáo được dùng để đạt đến Trí tuyệt đối của Biệt Giáo là cái bao gồm cái nhìn Trung Đạo.(137)
(iv) Nhị Trí hội nhập pháp hiển lộ Trung Đạo (Ti-fa Hsien chung Erh chih) đặc tính hóa cách thâm nhập Nhị Đế Huyễn Hữu và vạn pháp quy về Không và Bất Không như đi vào các pháp để hiển lộ Trung Đạo. Đây là loại Trí thuộc Viên Giáo tiếp Thông Giáo, qua đó tướng trạng được nhìn như huyễn hữu, đồng với Không và với Bất Không, và vạn pháp quy về Không và Bất Không. Lối nhìn tướng trạng là huyễn hữu thuộc về Thông Giáo, được xem như Trí tương đối; tánh đồng nhất của hình tướng với Bất Không, và tánh đồng nhất xa hơn giữa Không và Bất Không của vạn pháp thuộc về Trung Đạo Viên giáo. Cái tạo nên sự khác biệt giữa Trung Đạo Viên Giáo và Trung Đạo Biệt giáo nằm ở sự kiện rằng Viên Giáo là viên dung. Tánh của một pháp bao gồm tánh của tất cả các pháp. Một thực tại đơn độc cũng là biểu thị của toàn thể, qua đó, các pháp được hiểu là Không và Bất Không. Vì vậy, lối nhìn của Trung Đạo nầy được xem là Chân Trí.(138)
(v) Nhị Trí của Biệt giáo (Pieh Erh-chih) thâm nhập Nhị Đế của Biệt giáo hướng về Bất Không của Hữu (no emptiness of existence). Đây là Trí thuộc Biệt giáo. Bất Không đưa đến hạnh nguyện của Bồ tát vào thế tục chuyển hóa chúng sinh. Vì cái nhìn của Bồ tát về Bất Không dựa trên cái nhìn Không thuộc thế giới giác quán., cái sau được xem là tương đối, và cái nhìn Bất Không cùng Trung Đạo được xem là Chân Trí.(139)
(vi) Nhị Trí của Biệt giáo hàm chứa Viên giáo (Pieh han Yuan Erh-chih) thâm nhập Nhị Đế của Biệt giáo bằng lối vào Viên giáo, quy về bất Không của vạn pháp. Đây là Trí Viên Giáo tiếp Biệt Giáo. Thay vì bám sát tiệm hạnh vào thế tục, cái nhìn Bất Không hàm chứa Trung Đạo Viên giáo đưa đến sự xác định về hiện hữu của vạn pháp, thấy rằng tất cả các pháp đều có Phật tánh. Vì vậy, lối nhìn Bất Không được xem là tương đối, và lối nhìn Bất Không hàm chứa Trung Đạo Viên giáo được xem là Chân Trí.(140)
(vii) Nhị Trí của Viên Giáo (Yuan Erh-chih) thâm nhập Nhị Đế của Viên Giáo nhấn mạnh vào sự đồng nhất giữa Tục đế và Chân đế. Đây là Trí Viên Giáo. Theo Trí Khải, vì cái nhìn thuộc Viên Giáo hiển lộ chân tính vô sai biệt của vạn pháp, vì thế gọi Tục Đế là Chân Đế, và ngược lại, cái nhìn trước hàm chứa cái nhìn sau, và cái nhìn sau hiển lộ cái nhìn trước. Sự đồng nhất của Nhị Đế chỉ cho sự đồng nhất của Nhị Trí, vì chỉ với sự vô phân biệt giữa Trí tương đối và Trí tuyệt đối qua cái nhìn dung hợp thực tại, thì mới thấy được Nhị Đế tương đồng. (141)
(4) Thứ tư, đối với Tam Đế mà làm sáng tỏ cái Trí. Trong phần luận về Diệu Cảnh, Cảnh như Tam Đế đã được khảo sát trong tương quan với Hữu Lậu chỉ cho Tục Đế và Vô Lậu chỉ cho Chân Đế, Chẳng Hữu Lậu Chẳng Vô Lậu chỉ cho Trung Đạo. Sự đan kết của ba chân lý trên tạo thành năm loại Cảnh. Năm thứ lớp Tam Trí được thành lập tùy thuận theo. Ở đây, tam trí chỉ cho Nhất Thiết Trí, Đạo Chủng Trí, và Nhất Thiết Chủng Trí, lần lượt biểu thị Không Trí (Kung Chih) của Thanh văn, Giả Trí (Chia Chih) của Bồ tát, và Trung Đạo Trí (Chung Chih) của Phật.
(i) Loại Cảnh thứ nhất như Tam Đế của Biệt Giáo tiếp Thông Giáo được nói đến qua Chẳng Hữu Lậu Chẳng Vô Lậu vào Vô Lậu. Cùng với hữu lậu và vô lậu thành Tam Pháp. Tam Trí của Biệt Giáo tiếp Thông Giáo thâm nhập vào loại Cảnh nầy. Điều nấy ám chỉ rằng Trung Đạo Trí thâm nhập vào Không Trí, cùng với Đạo Chủng Trí lập thành Tam Trí. Trung Đạo Trí là thứ Trí được tán dương để hiểu tường tận về Không. Với Biệt Giáo tiếp Thông Giáo, hành giả có thể vượt qua cái thấy sai lầm khi bị Không trói buộc.(142)
(ii) Loại Cảnh thứ hai như Tam Đế của Viên Giáo tiếp Thông Giáo được nói đến là vạn pháp vào chỗ vô lậu, cùng với hữu lậu và vô lậu tạo thành Tam Pháp. Tam Trí của Viên Giáo tiếp Thông Giáo thâm nhập loại Cảnh nầy. Chỗ nầy cho thấy rằng Như Lai Tạng Trí (Tathagata-garbhajnana) đi vào Không Trí, cùng với Đạo Chủng Trí thành Tam Trí. Loại Trung Đạo Trí nầy quan hệ đến lối quán chiếu về Không sâu thẳm của hành giả, từ đó nhận ra Bất Không, thấy rằng thế giới thuộc giác quán có mặt một cách tạm thời. Trí Khải gọi Bất Không nầy là Như Lai Tạng (143) cùng Trung Đạo. Trí Khải nhìn Trung Đạo nầy tương ưng với vạn pháp. Vì Trung Đạo được nhìn như Bất Không viên dung tất cả pháp, Bồ tát không ngại vào thế giới giả tạm nầy để hoán chuyển chúng sinh.
(iii) Loại Cảnh thứ ba như Tam Đế của Biệt giáo được nói đến qua hữu lậu, vô lậu, chẳng hữu lậu chẳng vô lậu thành tựu Tam Pháp. Tam Trí của Biệt giáo thâm nhập loại Cảnh nầy. Điều nầy có nghĩa rằng Trung Đạo Trí bao gồm Không Trí và Giả Trí tựu thành Tam Trí. Trung Đạo Trí nầy liên quan đến nguyên lý vượt lên trên hai lối nhìn cực đoan của Không và Giả. Vạn pháp được hiểu như những hiện hữu chẳng Không mà cũng chẳng Giả. Vì ba loại Trí không đồng nhất, Trung Đạo nầy, theo Trí Khải, được hiểu là thuần lý và không cung ứng với vạn pháp, do đó không đưa chân Bồ tát vào thế tục. (144)
(iv) Loại Cảnh thứ tư như Tam Đế của Viên Giáo tiếp Biệt Giáo được nói như tất cả các pháp quy về chỗ chẳng hữu lậu chẳng vô lậu, gồm cả hữu lậu và vô lậu tạo thành Tam Pháp. Tam Trí của Viên giáo tiếp Biệt giáo thâm nhập loại Cảnh nầy. Chỗ nầy quy về Như Lai Tạng Trí tiếp Trung Đạo Trí, bao gồm Không Trí và Giả Trí tựu thành Tam Trí. Trí Khải gọi tên Trung Đạo chỉ cho hạnh nguyện Bồ tát là Lý Như Lai Tạng(Ju-lai Tsang Li). Với cái nhìn về bản tánh viên dung của Trung Đạo, một cách hiển nhiên, Trung Đạo tương ưng với sự phong phú của vô lượng pháp môn, do đó Trí Khải nói rằng Như Lai Tạng Trí tiếp Trung Đạo Trí. Hẳn nhiên, Trung Đạo Trí không chỉ là nguyên tắc dùng để vượt qua không và hữu, nhưng bao gồm thế tục bằng cách xác định giá trị của hiện hữu giả tạm. Với sự quán chiếu về Không như nền tảng, và quán chiếu về Giả như động lực đưa chân vào thế tục, Bồ tát không còn bị thế giới của hình tướng gạt gẫm. Như vậy, loại Trung Đạo Trí nầy quan hệ đến hạnh nguyện vào thế tục của Bồ tát với Như Lai Tạng Trí là Bất Không. Trí Khải tán dương loại Trí nầy là tương ưng với tất cả pháp Phật. (145)
(v) Loại Cảnh thứ năm như Tam Đế của Viên Giáo được nói trong tương quan với tất cả các pháp quy về hữu lậu, vô lậu, chẳng hữu lậu chẳng vô lậu tạo nên Tam Pháp. Trí của Viên Giáo thâm nhập loại Cảnh nầy. Đây là thứ Trí chỉ cho tư tưởng toàn hảo và hội nhập của Tam Đế. Đó là, bất cứ một đế nào trong Tam Trí cũng có cái dụng đồng thời viên dung Tam Pháp (tánh Không của Vô Lậu, Tánh Giả của Hữu Lậu, và tánh Trung Đạo của Chẳng Hữu Lậu Chẳng Vô Lậu)
(a) Với Giả Trí là cái thâm nhập vào hữu lậu, hành giả chứng ngộ rằng hiện hữu có từ nhân duyên nên thiếu tự tánh và đồng như Không. Thấy rằng các pháp hiện diện tạm thời, hiện hữu là giả tạm. Lối nhìn nầy viên dung cả Không và Giả là Trung Đạo. Như vậy, Giả Trí bao gồm Tam Trí (Không, Giả, và Trung Đạo), và tương ưng với Phật pháp.
(b) Với Không Trí thâm nhập vào tánh Không của vô lậu, hành giả chứng ngộ rằng Không chính nó cũng là Không, nên Không cũng có tánh giả. Lối nhìn nầy bao gồm cả hai Không và Giả là Trung Đạo. Vậy thì Không Trí gồm Tam Trí, và tương ưng với Phật pháp.
(c) Với Trung Đạo Trí thâm nhập vào Trung Đạo Chẳng Hữu Lậu Chẳng Vô Lậu, hành giả chứng ngộ rằng thực tánh các pháp bao gồm cả Không và Giả, đây là lối nhìn của Trung Đạo. Vì thế, Trung Đạo Trí viên dung Tam Trí, và tương ưng với tất cả Phật pháp. Trí Khải nhấn mạnh chân lý tối hậu khi nói rằng cái mà Tam Trí thâm nhập không gì khác hơn là một thực tại chân thực, và bất cứ Trí nào trong ba loại Trí cũng đều biểu thị Tam Trí. (146)
(5) Thứ năm, đối với Nhất Đế mà làm sáng tỏ cái Trí (Tui I-ti Ming-chih). Chỗ nầy hướng về Như Thị Trí (tathabhutajnana) hợp nhất tất cả các Trí, thấy rằng thuần phản ảnh một loại Cảnh như thực.(147)
Trong mục thứ nhất, Trí Khải nói rằng Trí không chỉ hiển lộ Cảnh như thực mà còn là yếu tố chính trong việc thâm nhập Cảnh như thực. Chỗ nầy nói lên rằng bốn thứ lớp Trí phù hợp với Tứ giáo vào cảnh như bốn loại mười hai nhân duyên. Trí của bốn loại Tứ Đế vào Cảnh như bốn loại Tứ Đế. Bảy loại Trí Nhị Đế vào Cảnh như bảy lối nhìn Nhị Đế. Năm loại Trí Tam Đế vào Cảnh như năm loại Tam Đế. Trí Nhất Đế vào cảnh như Nhất Đế. Với sự hội nhập nầy, năm loại Trí hình thành.

IV. Những phản chiếu khác nhau của Trí đối Cảnh như thực ( Chan-chuan Hsiang-chao Tui ching) (T33 714c-715b)

Trong phần nầy, Trí Khải khảo sát xa hơn về năm loại Trí nói trên bằng cách lần lượt dung hợp từng loại Trí với từng loại trong năm loại Cảnh như thực. Nếu làm sáng tỏ cái Trí trong tương quan với Cảnh như thực có thể được xem như làm hiển lộ quan hệ luận lý giữa cả hai, thì phần tương quan nầy đưa ra một nối kết từ bên trong giữa nhiều loại Trí và Cảnh như thực cùng chủng loại. Với sự dung hợp nầy, Trí Khải đưa ra một phương sách về Trí không thể hội nhập Cảnh như thực trong cùng chủng loại, nhưng cũng có thể hội nhập các loại Cảnh như thực khác cùng chủng loại, từ đó cùng chân lý được khai mở. Bằng cách hiển lộ cùng thực tại Trí và Cảnh như thực chia xẻ, Trí Khải lập luận rằng nếu không có Trí, Cảnh như thực không thể được hội nhập, bởi vì Trí phản ảnh Cảnh như thực. Mặt khác, không có Cảnh như thực, Trí không thể trở nên vi tế, vì diệu trí chỉ có thể hiển lộ qua diệu cảnh. Sau đây là phân tích của Trí Khải về năm nhóm tương quan giữa Trí và các Cảnh.
(1) Trong nhóm thứ nhất phân ích giữa Trí và các Cảnh, bốn loại Tứ Đế Trí được dung hợp với mười pháp giới và với bốn loại mười hai nhân duyên.
(i) Truớc hết, bốn loại Tứ Đế Trí phản ảnh mười pháp giới (Ssu-chung Ssu-ti chih Chao Shih-fa-chieh). Giống như Cảnh là bốn loại Tứ Đế được phân ra hai nhóm tương quan với những chủng loại Cảnh như thực khác, bốn loại Tứ Đế Trí cũng được chia ra hai nhóm. Mỗi nhóm trong hai nhóm nầy, Tứ Đế lại được chia ra hai nhóm. Khổ và Tập thuộc một nhóm, Đạo và Diệt thuộc một nhóm khác. Mặt khác, Cảnh như mười Như Thị trong mười Pháp Giới được chia ra bốn nhóm, của sáu cõi, của Nhị Thừa, của Bồ tát, và của Phật.
Khổ và Tập trong Sinh Diệt Tứ Đế Trí và trong Vô Sinh (viết tắt cho Vô Sinh Vô Diệt) phản ảnh mười Như Thị trong sáu cõi. Điều nầy bởi vì cả hai nằm trong chiếc nôi luân hồi : cái trước là nhân khổ và cái sau là đặc tính của sáu cõi. Đạo và Diệt của Sinh Diệt và Vô Sinh Tứ Đế Trí phản ảnh Thập Như Thị của Nhị thừa. Sở dĩ cả hai tương hợp lẩn nhau vì cái trước nhắm vào Khổ và nhân gây ra Khổ để đạt đến Niết Bàn., và cái sau tánh Không của hiện hữu. Khổ và Tập trong Vô Lượng và Vô Tác Tứ Đế Trí phản ảnh Thập Như Thị thuộc cảnh giới của Bồ tát. Thấy rằng cái trước nhìn những hiện hữu ảo mộng như Bất Không khi bước vào thế tục, đây chính thực là cảnh giới của Bồ tát mà cái sau nói đến. Đạo và Diệt trong Vô Tác và Vô Lượng Tứ Đế Trí phản ảnh Thập Như Thị của Phật giới, vì cả hai liên quan đến Trung Đạo đưa đến Niết Bàn. (148)
(ii) Thứ hai, bốn loại Tứ Đế Trí phản ảnh bốn loại Thập Nhị Nhân Duyên (Ssu chung Ssu-ti chih Chao Ssu chung Shih- erh Yin- yuan). Ở đây, Cảnh như bốn loại mười hai nhân duyên được chia ra hai nhóm chính, Tư Nghị thuộc Tạng giáo và Thông giáo; Bất Tư Nghị thuộc Biệt giáo và Viên giáo. Tuy nhiên, trong hai loại nầy, mỗi loại lại phân ra sinh và diệt.
Khổ và Tập trong Sinh Diệt và Vô Sinh Tứ Đế Trí phản ảnh mười hai nhân duyên tư nghị qua sinh, bởi vì cả hai liên hệ đến sự sinh khởi các pháp. (149) Đạo và Diệt trong Sinh Diệt và Vô Sinh Tứ Đế Trí phản ảnh mười hai nhân duyên tư nghị qua diệt, bởi vì cả hai liên hệ đến sự hoại diệt của các pháp. (150) Khổ và Đạo trong Vô Tác và Vô Lượng Tứ Đế Trí phản ảnh mười hai nhân duyên bất tư nghị qua sinh, bởi vì cả hai thuộc về sự liễu đạt chân lý là Bất Không.((151) Đạo và Diệt trong Vô Tác và Vô Lượng Tứ Đế Trí phản ảnh mười hai nhân duyên bất tư nghị qua diệt, bởi vì cả hai liên kết vào Trung Đạo đưa đến Niết Bàn.(152)
(2) Trong nhóm tương quan thứ hai giữa Trí vá Cảnh, bảy loại Nhị Đế Trí hổ tương với mười cảnh giớí, bốn loại mười hai nhân duyên, và bốn loại Tứ Đế.
(i) Trước hết, bảy loại Nhị Đế Trí phản ảnh mười pháp giới (Chi chung Erh chih Chao Shih-fa chieh). Bảy loại Nhị Đế Trí được nói đến trong tương quan với hai nhóm :tương đối và tuyệt đối lần lượt phản ảnh Thập Như Thị trong nhiều pháp giới.
Qua bảy loại Trí tương đối, nhóm Trí tương đối thứ nhất trong bốn nhóm đầu của Nhị Đế Trí phản ảnh Thập Như Thị trong sáu cõi, vì cả hai liên quan đến hữu và huyễn hữu. Nhóm Trí tương đối thứ hai trong nhóm thứ năm và thứ sau của Nhị Đế Trí được phân ra theo Hữu và Không : Hữu liên hệ đến lối nhìn về Huyễn Hữu, và vì vậy, phản ảnh mười Như Thị của sáu cõi; Không liên quan đến lối nhìn về Không, phản ảnh mười Như Thị của Nhị Thừa. Nhóm Trí tương đối thứ ba trong Nhị Đế Trí sau cùng thuộc Viên giáo liên quan đến đặc tính của tất cả các pháp như Huyễn Hữu và Không, và vì vậy, phản ảnh mười Như Thị của chín cõi ngoài cõi Phật.(153)
Qua bảy loại Trí tuyệt đối, nhóm Trí tuyệt đối thứ nhất trong hai nhóm đầu của Nhị Đế Trí phản ảnh mười Như Thị của Nhị Thừa, vì cả hai liên quan đến diệt hữu và tánh Không của huyễn hữu. Nhóm Trí tuyệt đối thứ hai trong nhóm thứ ba của Nhị Đế Trí đưa đến ý nghĩa của Không và Bất Không : cái trước phản ảnh pháp giới của Nhị Thừa đặc tính hóa tánh Không của Hữu; và cái sau phản ảnh cảnh giới của Bồ tát trải lòng bi đối với chúng sinh qua cái nhìn Bất Không về Hữu. Nhóm Trí tuyệt đối thứ ba trong nhóm thứ tư của Nhị Đế Trí cũng ám chỉ ý nghĩa của Không và Bất Không : Không phản ảnh cảnh giới Nhị Thừa, và Bất Không phản ảnh Phật giới, chuyển đạt tinh thần viên dung phổ độ. Nhóm Trí tuyệt đối thứ tư trong nhóm thứ năm của Nhị Đế Trí phản ảnh cảnh giới của Bồ tát, vì cả hai liên quan đến việc vuợt trên lối nhìn cực đoan của không và có. Nhóm Trí thuyệt đối thứ năm trong nhóm thứ sáu và thứ bảy của Nhị Đế Trí phản ảnh Phật quốc. Điều nầy bởi vì Trí tương đối trong Nhị Đế Trí thuộc Biệt giáo tiếp Viên giáo phản ảnh tinh thuần giáo lý Biệt giáo, nhưng Trí Tuyệt Đối quy về Viên giáo, do đó, điều nó phản ảnh không khác Trí tuyệt đối của Viên giáo. Thấy rằng cả hai loại Trí tuyệt đối đặt căn bản trên lối nhìn của Trung Đạo Viên giáo hội nhập vào thực tính vạn pháp bao gồm Không và Giả, phản ảnh Phật giới.
(ii) Thứ hai, bảy loại Trí Nhị Đế phản ảnh bốn loại nhân duyên (Chi chung Erh-ti Chao Ssu-chung Yin Yuan). Trí tương đối và tuyệt đối trong bảy loại Trí Nhị Đế phản ảnh bốn loại Mười Hai Nhân Duyên Sinh hoặc Diệt Tư Nghị hoặc Bất Khả Tư Nghị.
Trí tương đối trong bảy loại Nhị Đế Trí, bốn loại đầu tiên phản ảnh Mười Hai Nhân Duyên Tư Nghị qua Sinh. Cái trước liên quan đến hữu hoặc huyễn hữu, phản ảnh chân thực mười hai nhân duyên trong tương quan với sự sinh khởi vạn pháp. Trí tương đối trong loại thứ năm và thứ sáu thuộc Nhị Đế Trí đưa ra những khía cạnh huyễn hữu hoặc Không : cái trước phản ảnh Mười Hai Nhân Duyên Tư Nghị qua Sinh, vì là Trí của Bất Không; và cái sau phản ảnh Mười Hai Nhân Duyên Tư Nghị qua Diệt, vì hiển lộ tánh Không của huyễn hữu. Trí tương đối trong Nhị Đế sau cuối quy về huyễn hữu và tánh Không của huyễn hữu, vì vậy phản ảnh Mười Hai Nhân Duyên Tư Nghị qua cả Sinh và Diệt.
Trí tuyệt đối trong bảy loại Nhị Đế Trí, hai loại đầu tiên hướng về lối nhìn Không bằng cách diệt hữu phản ảnh Mười Hai Nhân Duyên Bất Tư Nghị qua Diệt. Trí Tuyệt đối trong loại thứ ba Nhị Đế Trí, khía cạnh Không, Nhị Thừa Thông giáo đạt đến bằng cách đồng nhất huyễn hữu với Không, phản ảnh Mười Hai Nhân Duyên Bất Tư Nghị qua Diệt; khía cạnh Bất Không mà Bồ tát đạt đến được với lối nhìn Giả như Bất Không (vượt trên lối nhìn về Không của Nhị thừa và lối nhìn về Hữu của chúng sinh vô minh) phản ảnh Mười Hai Nhân Duyên Bất Tư Nghị qua cả hai Sinh và Diệt. Đối với Trí tuyệt đối trong loại thứ tư của Nhị Đế Trí, mặt Không cũng liên quan đến Trí Nhị Thừa, vì vậy phản ảnh Mười Hai Nhân Duyên Tư Nghị qua Diệt; mặt Bất Không quy về Trí Bồ tát Viên giáo ( Không đồng nhất với Giả), vì vậy phản ảnh Mười Hai Nhân Duyên Bất Tư Nghị qua Diệt. Trí tuyệt đối trong hai loại Trí Nhị Đế sau cuối đưa ra cái nhìn Trung Đạo thâm nhập vào bản tánh vạn pháp như một thực thể (không phân biệt giữa Không và Giả), phản ảnh Mười Hai Nhân Duyên Bất Tư Nghị qua Diệt.(155)
(iii) Thứ ba, bảy loại Trí Nhị Đế phản ảnh bốn loại Tứ Đế (Chi chung Erh- Chih Chao Ssu chung Ssi-ti). Bảy loại Trí tương đối, bốn loại Trí đầu tiên phản ảnh Khổ và Tập trong Sinh Diệt và Chẳng Sinh Chẳng Diệt Tứ Đế, vì cái trước liên quan đến hiện hữu Tục đế, và nội dung của thực hữu hoặc huyễn hữu trước đó đưa đến Khổ và nhân của Khổ cho cái sau. Ba loại Trí sau cuối phản ảnh Khổ và Tập trong Vô Tác và Vô Lượng Tứ Đế, vì cái trước liên hệ đến đặc tính huyễn hữu thuộc Tục đế, không gì khác hơn là Khổ và nhân của Khổ, hoặc mang vô lượng hình tướng hoặc đồng nhất với Bồ đề và giải thoát.(156)
Qua bảy loại Trí tuyệt đối, hai loại Trí đầu tiên phản ảnh Đạo và Diệt trong Sinh, Diệt, Chẳng Sinh Chẳng Diệt Tứ Đế. Điều nầy bởi vì cái trước thâm cứu sự hoại diệt của hữu và huyễn hữu, và loại Trí tuyệt đối nầy liên hẽệ đến Đạo đế và Diệt đế trong Vô Tác và Vô Lượng Tứ Đế. Thấy rằng cái trước thâm nhập vào thực thể liên quan đến Không và Bất Không, và Không đồng tánh với Hữu xuyên qua sự quán tất cả pháp quy về Bất Không, hoặc chẳng Có chẳng Không, hoặc Không và Giả. Cái mà Trí tuyệt đối nầy chuyển đạt chính là Đạo đế và Diệt đế bất tư nghị của cái sau. (157)
(3) Trong nhóm tương quan thứ ba giữa Trí và Cảnh, năm loại Trí Tam Đế được xếp vào như năm loại Đạo Chủng Trí (hiển bài Trí Bồ tát Bất Không), và năm loại Nhất Thiết Trí (hiển bài Trí Nhị Thừa liên quan đến Không), và năm loại Nhất Thiết Chủng Trí (hiển bài Phật Trí của Trung Đạo), và phản ảnh mười pháp giới, bốn loại Mười Hai Nhân Duyên, bốn loại Tứ Đế, và bảy lối nhìn Nhị Đế.
(i) Năm loại Trí Tam Đế phản ảnh mười pháp giới (Wu chung San chih Chao Shih fa chieh). Trong nội dung nầy, năm loại Đạo Chủng Trí phản ảnh Mười Như Thị của sáu cõi, vì cái trước là Trí Bồ tát có mặt giả tạm trong thế tục để hướng tâm chúng sinh về Phật địa. Năm loại Nhất Thiết Trí phản ảnh các cõi của Nhị Thừa và Bồ tát, vì cái trước là Không Trí thuộc Nhị Thừa. Mặc dù Bồ tát Trí có đặc tính quán chiếu hiện hữu giả tạm, loại Trí nầy căn cứ vào Không Trí. Vậy thì Không Trí cũng phản ảnh cảnh giới của Bồ tát. Năm loại Nhất Thiết Chủng Trí là Phật Trí tối thượng thuộc Trung Đạo viên dung tất cả các pháp, vì vậy phản ảnh Như Thị của Phật giới.(158)
(ii) Thứ hai, năm loại Trí Tam Đế phản ảnh bốn loại Mười Hai Nhân Duyên (Wu-chung San-chih Chao Ssu-chung Shih-erh Yin-Yuan). Qua nội dung nầy, năm loại Đạo Chủng Trí phản ảnh Mười Hai Nhân Duyên Tư Nghị liên hệ đến Sinh Sinh. Cái trước liên quan đến lối nhìn về hiện diện giả tạm, và sự thành tựu của quan điểm nầy kết quả từ sự hội nhập của cái sau. Năm loại Nhất Thiết Trí phản ảnh Mười Hai Nhân Duyên Tư Nghị liên hệ đến Diệt, và Mười Hai Nhân Duyên Bất Tư Nghị liên hệ đến Sinh. Điều nầy bởi vì cái trước thuộc Nhị thừa chỉ sự hoại diệt của vạn pháp được thấy từ Mười Hai Nhân Duyên Tư Nghị qua Diệt. Đồng thời, như một kết quả đến từ sự giác ngộ tánh Không của Nhị Thừa, các vị nầy chứng đắc quả vị thoát vòng sinh tử bất tư nghị vượt trên ba cõi, là cái được diễn đạt qua Mười Hai Nhân Duyên Bất Tư Nghị liên hệ đến Sinh. Năm loại Nhất Thiết Chủng Trí phản ảnh Mườì Hai Nhân Duyên Bất Tư Nghị qua Diệt, thấy rằng cái trước là Phật Trí Trung Đạo hội nhập thực tánh vạn pháp chẳng sinh chẳng diệt từ Mười Hai Nhân Duyên Bất Tư Nghị liên hệ đến Diệt. (159)
(iii) Thứ ba, năm loại Tam Đế phản ảnh bốn loại Tứ Đế (Wu chung San chih Chao Ssu chung Ssu-ti). Năm loại Đạo Chủng Trí phản ảnh Khổ và Tập trong Sinh Diệt và Vô Sinh Tứ Đế. Điều nầy liên hệ đến sự kiện rằng cái trước liên kết với lối nhìn về hiện hữu giả tạm, và hiện hữu giả tạm nầy hình thành bởi Khổ và nhân của Khổ, do đó Bồ tát khởi tâm bi hướng dẩn chúng sinh đạt đến tự do. Năm loại Nhất Thiết Trí phản ảnh Đạo và Diệt trong Sinh Diệt Tứ Đế và trong Vô Sinh Tứ Đế. Điều nầy bởi vì loại Trí nầy liên quan đến Không, Không vượt thoát Khổ và đạt đến Diệt khổ. Nói cách khác, Nhất Thiết Trí là Không Trí cũng phản ảnh Khổ và Tập trong Vô Lượng Tứ Đế và Vô Tác Tứ Đế. Điều nầy bởi vì hai loại chân lý nầy thuộc Biệt Giáo và Viên giáo liên hệ đến lối nhìn về tánh Không của vạn pháp. Với Bồ tát Biệt giáo, sự dấn thân vào thế tục dựa vào quan điểm Không : mặc dù Bồ tát nhìn Khổ và Tập mang theo vô lượng hình tướng, Bồ tát biết rằng những hình tướng nầy, tự bản tánh, là Không. Với Bồ tát Viên Giáo, vì biết rằng tất cả pháp nền tảng là Không, Khổ chỉ cho sự nhầm lẩn Niết Bàn như Sinh Tử, và Tập chỉ cho sự nhầm lẩn Bồ đề như Phiền não. Năm loại Nhất Thiết Chủng Trí là Trung Đạo Trí phản ảnh Đạo và Diệt trong Vô Lượng Tứ Đế và Vô Tác Tứ Đế, vì cái trước liên quan đến Niết Bàn vô tác được cái sau diễn đạt qua sự chứng đắc. (160)
(iv) Thứ tư, năm loại Tam Đế phản ảnh bảy loại Nhị Đế (Wu chung San chih Chao Chi chung Erh-ti). Qua phần nầy, năm loại Đạo Chủng Trí phản ảnh Tục đế trong bốn lối nhìn đầu tiên về Nhị Đế. Điều nầy bởi vì bốn loại Tục đế nầy liên quan đến hữu và huyễn hữu, là cái thuộc về Trí của hiện hữu giả tạm. Loại Nhất Thiết Trí thứ năm phản ảnh Tục Đế trong ba lối nhìn sau cùng về Tục đế và Chân đế trong hai quan điểm đầu tiên về Nhị Đế. Điều nầy bởi vì cái mà ba loại Tục đế và hai loại Chân đế liên quan là huyễn hữu, hoặc sự hoại diệt của thực hữu, hoặc đồng nhất huyễn hữu với Không, liên quan đến Không Trí. Năm loại Nhất Thiết Chủng Trí phản ảnh Chân đế trong năm lối nhìn sau cùng của Nhị Đế, vì cái trước là Trung Đạo Trí, và cái sau mang quan điểm Trung Đạo.
(4) Nhóm tương quan thứ tư giữa Trí và Cảnh, Vô Thượng Trí tương hợp với những diệu cảnh khác nhau thuộc Viên giáo vì loại Trí nầy quan hệ đến Chân Như. Một Trí Như Thị phản ảnh nhiều thực thể vi tế (I Ju shih chih Chao Chu miao-ti), Trí Khải nói rõ Nhất Thực Trí liên quan đến Nhất Như phản ảnh nhiều loại Cảnh thuộc về sự liễu đạt chân tánh. Một Trí Như Thị Vô Thượng phản ảnh mười Như Thị của Phật giới. Phản ảnh Mười Hai Nhân Duyên Bất Tư Nghị, vì cái sau thuộc về sự liễu đạt Viên giáo. Phản ảnh Vô Tác Tứ Đế vì cái sau là lối nhìn thuộc Viên giáo. Phản ảnh năm loại Chân Đế qua năm lối nhìn về Nhị Đế, vì Chân đế vượt trên Tục đế. Phản ảnh chân lý Trung Đạo siêu việt qua năm loại Tam Đế, vì cái nhìn Trung Đạo vượt trên cái nhìn Tục đế và Chân đế. (162)
(5) Nhóm tương quan thứ năm và cũng là sau cùng giữa Trí và Cảnh, Vô Đế Trí tương hợp với những Diệu Cảnh. Vô Đế Trí phản ảnh Vô Đế bất khả thuyết (Wu-ti chih Chao Wu ti Wu shuo). Theo Trí Khải, loại Trí sau cùng là Vô Đế Trí bất khả thuyết. Cũng như thế, Vô Đế Trí phản ảnh Vô Đế Cảnh bất khả thuyết. Bất khả thuyết là đặc tính của Phật giới ( đó là sự hiển lộ của Chân Như được nói đến qua Viên giáo) vượt trên ngôn từ và khái niệm. Đặc biệt, Vô Đế và Vô Ngôn tương quan với mười Như Thị của mười pháp giới,(163) Mười Hai Nhân Duyên Chẳng Sinh Chẳng Diệt Bất Tư Nghị (164), bốn loại Vô Sinh của Vô Sinh (165), Vô Ngôn Chân Đế (166), và Trung Đạo Chẳng Sinh Tử Chẳng Niết Bàn (vì đây là sự liễu ngộ Tam Đế Viên giáo, trong đó Trung Đạo viên dung cả hai Không và Giả) (167)
Phần trên là phần mô tả nhóm thứ hai của Thập Diệu, Diệu Trí. Trước hết, Trí Khải trình bày hai mươi loại Trí đến từ các cách thức hành trì khác nhau, và mang đặc tính của những cái dụng khác nhau. Hai mươi loại Trí nầy được phân ra bốn nhóm tùy thuận với Tứ giáo (Tạng, Thông, Biệt và Viên giáo). Vì Trí tương quan với Cảnh như thực, bốn nhóm Trí nầy có thể phản ảnh mỗi loại Cảnh như thực cũng được phân thành bốn nhóm. Chỗ nầy cho thấy rằng Trí thuộc Tạng giáo hiểu chân lý theo Tạng giáo, Trí thuộc Thông giáo hiểu chân lý theo Thông giáo, Trí thuộc Biệt giáo hiểu chân lý theo Biệt giáo, và Trí thuộc Viên giáio hiểu chân lý theo Viên giáo. Vì bốn nhóm Trí nầy đưa ra bốn lối hiểu chân lý khác nhau, Trí Khải nhìn Trí thuộc Tạng giáo, Thông giáo và Biệt giáo là tương đối và thô; Trí thuộc Viên giáo thì tuyệt đối và vi tế. Điều nầy bởi vì Trí tương đối là phương tiện khế cơ dùng để giúp thính chúng đạt đến Trí tuyệt đối của Phật.
Vì Trí hiển lộ Cảnh như thực, Trí Khải phân tích sâu hơn về Trí trong tương quan với những loại Cảnh như thực khác nhau. Đó là, bốn nhóm Trí tùy thuận Tứ giáo đặc biệt trong từng loại Cảnh, vì Trí tiếp nhận tên của Cảnh mà Trí nghĩ đến. Thí dụ, khi Trí được phân tích trong tương quan với Cảnh như Tứ Đế, Trí thuộc Tạng giáo nhận tên của Sinh Diệt Tứ Đế Trí (Sheng mieh Ssu ti chih), Trí thuộc Thông giáo nhận tên của Chẳng sinh Chẳng Diệt Tứ Đế Trí (Wu sheng mieh Ssu ti chih), Trí thuộc Biệt giáo nhận tên Vô Lượng Tứ Đế Trí (Wu liang Ssu-ti chih), và Trí thuộc Viên giáo nhận tên Vô Tác Tứ Đế Trí (Wu-tso Ssu-ti chih). Phân tích Trí với năm loại Cảnh như thực, năm loại Trí mới (new categories) thành tựu, như Trí thuộc bốn loại Mười Hai Nhân Duyên, Trí thuộc bốn loại Tứ Đế, bảy loại Trí thuộc Nhị Đế, năm loại Trí thuộc Tam Đế, và Nhất Thực Trí (I shih-chih). Mỗi loại Trí có bốn loại gồm có tên từng loại trong bốn loại và từng loại Cảnh. Với những tên đặc thù được tiếp nhận từ những nhóm Trí khác nhau, phương thức đối với những loại Trí nào hội nhập những loại Cảnh như thực nào trở nên trong suốt. Sau cùng, Trí Khải phân tích năm loại Trí nầy bằng cách dung hợp mỗi loại Trí với mỗi loại Cảnh. Làm như vậy, mỗi loại Trí không còn bị giới hạn chỉ hội nhập được những cảnh tương ưng, nhưng có thể đến với những Cảnh khác. Thí dụ, năm loại Tam Trí không chỉ hội nhập Cảnh như Tam Đế, nhưng cũng hội nhập Cảnh như Thập Như Thị, như Mười Hai Nhân Duyên, như Tứ Đế, và như Nhị Đế. Sự hổ tương giữa Trí và Cảnh nầy đi song song với sự tương hợp những loại Cảnh khác nhau. Đây là cố gắng của Trí Khải làm sáng tỏ Trí và Cảnh là một : nếu thiếu Trí, Cảnh như thực không thể được hội nhập và làm hiển lộ; không có Cảnh như thực, Trí không thể minh bạch và trở nên vi tế. Điều nầy cho thấy rằng Trí Khải cùng xây dựng hệ thống hội nhập chân lý bằng Trí. Ý định của Đại Sư là dùng hệ thống nầy để hợp nhất giáo lý Phật Đà về chân lý và về sự chứng đắc chân lý, nhằm mục đích cung cấp cho người tu với những căn cơ khác nhau một bảng chỉ đường đạt đến những chân lý khác nhau, và đạt đến giải thoát. Hiển nhiên, hệ thống tư tưởng của Trí Khải về Trí và Cảnh như thực có thể được xem như sự khẳng định của Đại Sư rằng tất cả chúng sinh đều có khả năng đạt đến giải thoát.
Tóm lại, ý nghĩa học thuyết về Trí của Trí Khải luận trong tác phẩm Huyền Nghĩa của Đại Sư, theo ý kiến của chúng tôi, được thu gồm trong năm khía cạnh. Thứ nhất, bằng cách thành lập hai mươi loại Trí phân ra làm bốn nhóm, tất cả những giáo lý về Trí trong Phật giáo được nói đến và khảo sát thận trọng. Thứ hai, qua bốn cách phân loại, hệ thống tư tưởng về Trí của Đại Sư có công dụng như bảng chỉ đường hội nhập vào Cảnh như thực, cũng được phân làm bốn. Thứ ba, với cách trình bày bốn nhóm Trí với bốn cách hiểu về chân lý, tất cả chúng sinh với căn tánh khác nhau có thể tìm thấy chỗ của riêng mình để vào được chân lý với những trình độ khác nhau. Vì vậy, tất cả các loại Trí đều được xác định là có giá trị trong việc đưa chúng sinh vào thực tánh. Thứ tư, bằng cách trình bày bốn loại Trí thuộc Viên giáo, Trí Khải cống hiến cho chúng ta thực trí đạt đến Trung Đạo như Chân Như. Thứ năm, bằng cách chiếu soi các loại Cảnh như thực với các loại Trí, Trí Khải phát họa một phương sách giao tiếp toàn diện giữa chân lý và Trí, qua đó, mặt thực tiển trong việc dùng Trí liễu ngộ chân lý được chỉ rõ. Với năm khía cạnh nầy, học thuyết về Trí của Trí Khải dùng để trình bày một hệ thống tư tưởng quy mô về Trí liên quan đến Cảnh như thực trong Phật giáo.

1.4.3 Diệu Hành (Hsing Miao) – phân tích về cái Diệu thứ ba thuộc Tích Môn. (T33, 715b- 726b)

Trong phần thứ nhất và thứ hai, Trí Khải đã giải thích Diệu Cảnh và Diệu Trí liên quan đến những khái niệm về chân lý và về Trí hướng đến chân lý. Tuy vậy, làm thế nào chúng ta có thể ngộ được chân lý? Trí Khải bảo chúng ta rằng tu tập với sự hướng dẩn của Trí, chân lý sẽ phơi bày. Vì thế, trong phần nầy, Trí Khải bắt đầu nói về Diệu Hành. Trước khi phân tích về Diệu Hành, Đại Sư lập luận về sự tương giao giữa các Cảnh, Trí, và Hành khi nói rằng :
Hành được gọi là tiến trình và khuynh hướng không thể bắt đầu mà không có Trí. Trí (có nghĩa) là sự thông hiểu hướng dẩn sự hành trì, nhưng (Trí) sẽ không chính xác nếu không có Cảnh. Với Trí như con mắt và hành động như chân, hành giả sẽ tắm trong ao mát thanh tịnh (của giác ngộ). Liễu ngộ là yếu tính của Hành, và Hành đưa đến sự thành tựu của Trí. Vì vậy, khi Hành tròn đầy, Trí trở nên viên mãn.(168)
Điều Trí Khải muốn nói là Hành phải được Trí hướng dẩn, và Hành thành tựu, đáp lại, Trí viên mãn. Tuy nhiên, Trí chính xác đến từ Cảnh như thực. Chỉ chánh Trí mới có thể đưa đúng đường. Với Trí viên mãn và Hành tròn đủ, người tu giải thoát.
Diệu Hành được Trí Khải nói đến thành ba phần I. Gia tăng Hành một cách tổng quát (Tung tu Tseng-shu Hsing), II. Gia tăng Hành thuận theo Tứ giáo (Yueh-chiao tseng-shu Hsing), và III. Làm sáng tỏ Diệu Hành theo năm con số (Yueh wu-shu Ming-hsing-miao). Phần thứ nhất nhấn mạnh sự bất khả phân ly giữa Trí và Hành. Phần thứ hai xác định những đường lối hành trì khác nhau qua mỗi phần trong Tứ giáo, mục đích làm sáng tỏ hành trì có nhiều ý nghĩa đối với hành giả qua Tứ giáo. Phần thứ ba xác định sự vi tế của Hành bằng cách đưa ra năm lối hành trì qua Biệt giáo và Thông giáo. Sau đây là sự phân tích về Diệu Hành dưới mỗi đề mục trong ba đề mục trên.

I. Gia tăng Hành một cách tổng quát (T33, 715b-c)

Trước khi phân tích về sự gia tăng Hành, Trí Khải phát họa Hành trong tương quan với Trí, nhấn mạnh vào sự quan trọng của Hành là cái có thể đưa đến thành tựu, và Trí là cái có thể hướng dẩn Hành. Thiếu Hành, sẽ không có quả vị chứng đắc ; thiếu Trí, Hành sẽ không ra gì. Cả hai Hành và Trí đều không thể bị xem thường, và cùng chung, sẽ đưa đến duyên thành tựu. Trí Khải nói :
Mặc dù có nhiều lối hành trì, tất cả đều dựa trên Trí. Trí giống như bảng chỉ đường và là một ông Thầy, Hành giống như người đi buôn. Trí giống như một mủi kim nhọn, và Hành giống như sợi chỉ dài. Khi một chiếc xe (ví dụ Hành) được Trí đẩy, chiếc xe nầy chạy êm xuôi và vững vàng, có thể đi khắp nơi. (169)

II. Gia tăng Hành thuận theo Tứ giáo (T33, 715c-716c)

Cũng như sự phân tích về chân lý và Cảnh được hệ thống hóa bởi Tứ giáo, cách khảo sát của Trí Khải về sự gia tăng Hành ở phần nầy cũng tùy thuận với Tứ Giáo, qua đó, Hành của mỗi phần trong bốn phần Tứ giáo được đưa ra.
Phần thứ nhất là sự gia tăng số Hành phù hợp với Tạng giáo, và được hướng dẩn bởi kẻ thiểu Trí. Trí Khải toát yếu ba loại Hành mang đặc tính Tạng giáo.
(i) Loại Hành thứ nhất là Hành đơn thuần. Loại nầy đặt căn bản trên Chỉ, Trí Khải diễn tả như một sự nắm vững tâm trí hành giả không lơi lõng trong khi kinh nghiệm vạn pháp, vì mục đích là đạt đến Niết Bàn.
(ii) Gia tăng lên số hai chỉ cho sự tu tập cả hai Chỉ và Quán. Trí Khải nói rằng nếu hành giả tu tập Chỉ, những xấu ác sẽ dừng lại, những quy phạm đạo đức sẽ được giữ, và những giá trị và đức hạnh sẽ được thành tựu ; và nếu hành giả tu tập Quán, sẽ hiểu đúng Tứ Đế
(iii) Tăng lên số ba chỉ cho sự tu tập Giới (Chieh/sila), Định (Ting/ Samadhi), và Tuệ (Hui/ Prajna). Trí Khải tuyên thuyết rằng ba môn học nầy (san-hsueh/tirah siksah) có thể đưa hành giả vượt thoát luân hồi trong tam giới, vì các vị nầy hội nhập tất cả pháp Phật qua giáo lý và hành trì.
Phần thứ hai là sự gia tăng số hành phù hợp với Thông giáo và được hướng dẩn bởi kẻ trung căn. Trí Khải nói rằng sự tu tập của Thông giáo là quán chiếu huyễn tướng của tất cả thực tại nhắm vào mục đích thoát ra ngoài những trói buộc đối với hữu. Xa hơn, với tánh Không, hành giả tu tập hủy diệt sự vướng mắc vào khái niệm Không, khiến cho khái niệm Không chính nó không bị hiểu lầm như một cái gì có thực, vì nó cũng không thể được nắm bắt. Như vậy, tu tập quán chiếu những hiện tướng là không cố định và vì thế Không là đặc tính của Thông giáo.
Loại thứ ba gia tăng số Hành tùy thuận Biệt giáo và được hướng dẩn bởi bậc thượng trí. Sự tu tập qua Biệt giáo có đặc tính vượt bậc tất cả những phương thức tu tập. Điều nầy nói lên rằng mỗi cách tu tập đều riêng biệt, và cách nầy không thể đồng nhất với cách kia. Hành giả có thể thông đạt bất cứ một phương pháp tu tập nào trong số nầy, diệt vô minh và chứng ngộ sâu xa. Tuy nhiên, những loại tu tập khác nhau qua Biệt giáo thì không chung đụng, hành giả phải đi qua vô số phương pháp tu tập trước khi đến được chỗ liễu ngộ.
Loại thứ tư gia tăng số hành tùy thuận Viên giáo, và được hướng dẩn bời bậc thượng thượng trí. Phương pháp tu tập qua Viên giáo có đặc tính như hành giả dung hợp tất cả những phương thức hành trì. Nếu hành giả thông đạt một phương thức hành trì, hành giả đồng thời thông đạt thông đạt tất cả những phương thức hành trì khác. Đối với hành giả Viên giáo, thực tại như nhất, và một phương pháp hành trì đồng nhất với tất cả những phương pháp hành trì. Bởi vì tất cả những phương pháp tu tập đồng quy về nhau, một phương pháp tu tập đồng với tất cả những phương pháp tu tập. Giữ vững lập trường rằng Viên giáo vượt trên ba giáo pháp đã nói trước, Trí Khải toát yếu mười phương pháp tu tập, không những hợp nhất tất cả những đường lối tu tập của ba giáo pháp kia, mà còn vượt trên tất cả những cách thức tu tập khác về nội dung phong phú và phương tiện thiện xảo của Viên giáo. Sau đây là định nghĩa của Trí Khải về mười phương pháp hành trì :
(i) Một phương pháp hành trì của Bồ tát, là người tu tập để đạt đến kinh nghiệm thiền (samadhic). Đặc biệt, hành thiền là đưa nhất tâm vào chỗ pháp giới như thị (lý), từ đó tất cả vô minh chìm lắng vào Không.
(ii) Hai phương pháp tu tập hướng về Chỉ và Quán.
(iii) Ba phương pháp tu tập liên quan đến Văn, Tư, Tu (Wen, Ssu, Hsiu), đó là nghe lời Phật dạy, tư duy về những điều được nghe, và thực hành theo lời Phật dạy. Đây là ba đường đi của trí tuệ, và như vậy, lần lượt đồng với Giáo, Hành, và Lý. Ba phương pháp nầy cũng chỉ cho tu tập giới, định, và tuệ.
(iv) Bốn phương pháp tu tập chỉ cho Tứ Niệm Trụ (170).
(v) Năm phương pháp tu tập chỉ cho Năm Cảnh Thiền, gồm Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã, và Niết Bàn.
(vi) Sáu phương pháp tu tập chỉ cho sự hành trì Lục Độ (171).
(vii) Bảy phương pháp tu tập chỉ cho hành trì Thất Thiện Pháp (172).
(viii) Tám phương pháp tu tập chỉ cho hành trì Bát Chánh Đạo. (173)
(ix) Chín phương pháp tu tập chỉ cho hành trì Chín Loại Đại Thiền (chiu chung Ta – Chan) của Bồ tát (174).
(x) Mười phương pháp tu tập chỉ cho sự quán chiếu mười Cảnh (Shih ching) (175) hoặc mười loại quán chiếu (Shih Cheng Kuan fa) (175) thành tựu Một Phật Thừa.
Theo như các loại tu tập tùy thuận Tứ giáo nêu trên cho thấy rõ những thứ lớp khác biệt., Trí Khải phân ra thô và tế. Sự hành trì ba giáo pháp (Tạng, Thông, và Biệt) được xếp vào pháp thô, và sự tu tập thuộc Viên giáo là pháp tế. Điều nầy bởi vì Trí hướng dẩn sự tu tập thuộc Tạng giáo đạt đến sự hoại diệt, và như thế, theo Trí Khải, không phải là mục tiêu tối hậu của Phật giới. Trí Khải thấy rằng Trí hướng dẩn sự tu tập thuộc Thông giáo thiện xảo hơn, nhưng mục tiêu của lối tu tập nầy cũng chỉ đưa đến hoại diệt. Vì vậy, pháp hành trì nầy cũng còn là pháp thô. Đến Trí đưa đường sự tu tập thuộc Biệt giáo, Trí Khải cho rằng vi tế hơn (sánh với hai giáo pháp nói trước) vì mục tiêu của phương pháp hành trì nầy không dừng lại ở chỗ hoại diệt, nhưng đi xa hơn vào lòng thế tục để hoán chuyển tâm chúng sinh. Tuy nhiên, theo Trí Khải, phương pháp tu tập nầy cũng là pháp thô, vì các phương pháp tách rời nhau, Sự và Lý thì không hội tụ. Theo Trí Khải, chỉ có sự tu trì thuộc Viên giáo là vi tế, vì Trí đưa đường phương thức hành trì toàn vẹn, một phương pháp tu tập viên dung tất cả các phương pháp tu trì.
Phân loại các phương pháp tu tập qua Tứ giáo, Trí Khải chỉ rõ hơn thực tánh của giáo lý Thế Tôn bằng cách mở ra phương pháp tu tập thô để hiển lộ phương pháp tu tập vi tế. Điều Trí Khải muốn nói là mặc dù có nhiều cách thức hành trì thô và tế khác nhau, tất cả đều vi diệu với nghĩa tuyệt đối, vì tất cả đều mang theo bản hoài của Thế Tôn đưa chúng sinh về Phật giới.

III. Phát họa Diệu Hành theo năm con số ( T33, 716 c-726 b)

Phát họa Diệu Hành theo năm con số là phần phân tích thứ ba về Diệu Hành. Với sự phân loại nhiều cách hành trì khác nhau theo Tứ Giáo, cái Trí Khải hướng về là đưa ra năm lối tu tập thuộc Biệt Giáo và thuộc Viên Giáo. Trong hai đường hướng tu tập nầy, Trí Khải phân tích sâu rộng con đường của Biệt Giáo, cho thấy rằng phương pháp nầy có thể xiển dương toàn bộ hệ thống tu trì giáo lý Phật.

1. Năm phương pháp tu tập của Biệt giáo (Pieh Wu-hsing) (T33, 716c-725a)

Năm phương pháp tu tập thuộc Biệt Giáo chỉ cho đường lối hành trì của Bồ tát. Các phương pháp nầy gồm có : (i) Thánh hạnh ( Sheng hsing), (ii) Phạm hạnh (Fan Hsing), (iii) Thiên hạnh (Tien Hsing), (iv) Anh nhi hạnh (Ying-erh hsing), (v) Bệnh hạnh (Ping hsing) (176). Sau đây là sự phát họa của Trí Khải về mỗi loại tu trì.

(1). Thánh hạnh (Sheng Hsing) :

Thánh hạnh là phân loại thứ nhất của Trí Khải trong năm loại tu tập của Bồ tát, gồm có giới, định và huệ.

(i) Giới Thánh Hạnh (Chieh Sheng-hsing) (177)

Trí Khải phân loại về những Thánh hạnh gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất chỉ cho Ngũ Giới (sila) đưa đến lợi ích cho hành giả (tzu hsing wu chieh). Nhóm thứ hai chỉ cho Thập Thiện, làm lợi ích cho người (hu ta Shieh- chieh)(178). Sau đây là giải thích của Trí Khải về hai nhóm nầy.
Nhóm tu tập Ngũ Giới thứ nhất (179) có thể được nhìn như toát yếu của Trí Khải về những giới luật phức tạp của Phật giáo liên quan đến sự tu tập của Thanh văn thừa và Đại thừa (180). Shih- yen Sheng nói về sự thâm sâu của Bồ tát giới khi nói rằng : Giới hạnh Bồ tát lấy thiền định về Không làm chỗ trì tâm, lấy trí thanh tịnh làm đối tượng, và phát sinh bồ đề tâm như căn bản. Vì thế, Bồ tát giới không những chu toàn pháp Phật mà còn hòa giải được những vấn đề phức tạp với những nguyên tắc đơn thuần.(181)
Trí Khải diễn tả Ngũ Giới như sau :
(i) Giới thanh tịnh tương quan với đức hạnh căn bản ( chu-tsu Ken-pen yeh Ching- ching Chieh). Trí Khải giải thích cái gọi là căn bản chỉ cho mười tịnh giới, vì là nền tảng của giới hạnh Bồ tát, vì mười tịnh giới được bảo trì bởi hành giả với tâm không ô nhiểm, vì vậy, gọi là tịnh.(182)
(ii) Giới thanh tịnh gồm tiền báo, hậu báo và giới hạnh còn lại (chien hou Chuan shu Yu ching-ching). Tiền báo là khi đệ tử nhận từ sư phụ theo nghi thức. Hậu giới chỉ cho những giới luật hành giả phải tuân theo sau đó (183). Những giới còn lại chỉ cho hai mươi bốn giới nói trong các kinh Đại Phương Đẳng (184) không có trong Luật Tạng (vinayapitaka).
(iii) Giới thanh tịnh liên quan đến tư tưởng phát sinh từ tà tâm (Fei Chu-e Chueh-chueh Ching ching chueh) : Đây là những giới thuộc về sự tu tập về Tịnh, được gọi là Tịnh sinh giới. Điều nầy có nghĩa rằng khi hành giả vào thiền định , hành giả tự nhiên tương ưng với tịnh giới giúp vượt qua những chướng ngại như phiền não, kiến chấp sai lầm.
(iv) Giới thanh tịnh liên quan đến tư tưởng gìn giữ chánh tâm (Hu-chih Cheng-nien Nien-ching chinh chieh) : Đây là giới khi thực tập Tứ Niệm Trụ. Khi tu tập, hành giả có thể thành tựu những giới luật bởi sự kiên trì trên đường đạo đạt đến giải thoát (Tao- kung Chieh). Nói cách khác, khi hành giả hướng tâm tìm câu trả lời cho vấn đề giải thoát, một cách tự nhiên, vị ấy sẽ không làm tổn hại đến giới luật. Trí Khải nhấn mạnh đến cả hai Tịnh và Đạo là giới căn bản, bởi vì khi giữ được, sẽ không còn sự sinh khởi tà niệm, vì đạo đức đã phát sinh.
(v) Giới thanh tịnh liên quan đến sự chuyển đạt những giá trị thánh đạo (Hui-hsiang Chu-tsu Wu-shang-tao Chieh). Trí Khải gọi đây là Đại thừa giới (185), chỉ cho Bồ tát, là những bậc có Tứ Đại Nguyện (186), và hành trì Lục Độ.
Hai phần phân loại nói trên là giới luật gìn giữ hành giả từ những sự sai lạc, có thể được nhìn như bao gồm giới luật của Thanh văn thừa. Phần thứ ba liên quan đến những giới được quán sát bởi hành giả trong thiền định. Đây là giới theo với thiền, có nghĩa rằng khi hành giả vào thiền, tâm an trụ, tư tưởng sai lạc khó phát sinh. Phần thứ tư là giới hạnh của những bậc đã chứng đắc phần nào trên đường giải thoát. Phần thứ năm là giới hạnh từ tứ đại nguyện và lục độ, được quán sát bởi Bồ tát Đại thừa.
Nhóm tu tập mười giới hạnh thứ hai làm lợi cho chúng sinh (Hu ta Shih-chieh) (187). Điều nầy có nghĩa rằng tu trì Ngũ giới cho tự ngã, Bồ tát nguyện độ chúng sinh đạt đến Thập Thiện. Trí Khải nói rằng mười giới hạnh nầy thật sự bắt nguồn từ năm giới kể trên. Từ những giới thuộc nhóm thứ nhất và thứ hai, Giới cấm (vrata), Tịnh giới (parisuddhasita) Thiện giới (sausilya) thành hình. Từ nhóm thứ ba, đầy đủ giới hạnh (akhandasita) thành hình. Từ nhóm thứ tư Không- chia- cắt ((Pu-hsi Chieh) thành hình (như Tao-kung Chieh). Từ nhóm thứ năm Đại- thừa- giới, (Pu-tu Chieh/ acyutasila), Tùy thuận giới (Sui shun chieh), Cùu- cánh- giới (Pi-chin chueh), và Ba la mật giới ( Chu-tsu chu-Po-luo-mi Chieh) thành hình.
(i) Giới cấm là giới luật đưa ra theo nghi thức.
(ii) Thanh tịnh giới có nghĩa rằng khi hành giả giữ cấm giới thì sẽ không phạm vào những lổi lầm. Vì thế gọi là Tịnh.
(iii) Thiện giới chỉ cho đạo hạnh trong đời sống hàng ngày.
(iv) Giới hạnh tròn đầy có nghĩa rằng khi Bồ tát vào được thiền định, giới luật sẽ được giữ toàn vẹn qua hành trì đạt đến Đà la ni (dharani) (188)tương quan với sự tu trì phát sinh từ bản tánh (hsing hsing)(189)
(v) Giới không chia cắt là vào Không ngay trong vạn pháp hơn là phân tích và chia chẻ các pháp. Từ ngữ không chia cắt cũng có nghĩa rằng giới luật hành giả gìn giữ với lòng mong cầu Đạo quá bền bỉ không thể phân chia.
(vi) Gìới Đại thừa đặc biệt nói về Bồ tát là bậc giữ cả hai giới quán sát bản tánh (Hsing chung chieh) và giới tránh nghi ngờ về thế giới (Hsi-shi Chi-hsien Chieh) (191). Vì Bồ tát cố gắng đạt đến Phật giới không chỉ cho riêng cá nhân mình, mà còn vì người, Trí Khải nhìn giới nầy như giới thuộc Đại thừa.
(vii) Giới không chia chẻ cũng được hộ trì bởi, Bồ tát là bậc có khả năng dùng phương tiện hoán chuyển chúng sinh, như là hành động từ những phương cách khế hợp ở những vị thế khác nhau, nhưng không lui sụt và mất cấm giới. Cũng giống như một lương y không bị ảnh hưởng khi chữa trị cho bệnh nhân.
(viii) Giới tùy thuận có nghĩa rằng Bồ tát hành động tùy thuận hoàn cảnh và khả năng của chúng sinh, và phù hợp với giáo lý hoặc chân lý. (192) Với Trí Khải, ý nghĩa như trên chỉ cho phương tiện khế hợp chứa đựng trong những giới hạnh của Bồ tát. Bồ tát, với mục tiêu hài hòa với chúng sinh, không vào Diệt Tận Định, chỉ cho phẩm hạnh vào thế tục cùng người.
(ix) Giới hạnh cứu cánh hướng về sự hội nhập của pháp siêu việt. Với Trí Khải, loại giới hạnh nầy chuyển đạt thể tánh của Bồ tát giới, nhấn mạnh rằng chỉ có Phật tương ưng với tịnh giới, và được gọi là giới hạnh cứu cánh (194)
(x) Giới hạnh đầy đủ ba la mật chỉ cho sự vượt lên trên tất cả hiện tượng và tương ưng với vạn pháp. Theo Trí Khải, loại giới nầy chỉ cho cái dụng của Bồ tát giới vì có thể đưa chúng sinh đến bờ giải thoát, từ đó đầy đủ với tất cả pháp Phật. (195)
Trên toàn thể, Bồ tát giới có thể nhìn đại cương qua Tam Tụ Tịnh Giới (196). Tam Tụ Tịnh Gìới chỉ cho ba giới hạnh : giới kiểm soát hành vi không làm ác, giới làm điều thiện, và giới cứu chúng sinh. Đề tài Ngũ Giới và Thập Thiện của Trí Khải có đặc tính in hệt như ba gìới nầy. Về Ngũ Giới, giới thứ nhất và thứ hai có mục đích ngăn ngừa việc ác, nên thuộc về hành vi, Như kết quả của các giới trước, giới thứ ba và thứ tư tạo thành đức hạnh, và như vậy tức làm điều thiện. Mục tiêu của giới thứ năm là làm lợi ích cho người. Như vậy, giới nầy là giới cứu chúng sinh. Nói cách khác, đặc tính của Thập Giới suy ra từ Ngũ Giới. Giới thứ nhất, thứ hai, và thứ ba ngăn ngừa hành vi ác, thứ tư và thứ năm thuộc tạo thiện nghiệp, và năm giới sau cùng (thứ sáu đến thứ mười) thuộc về giới cứu chúng sinh.
Theo lập trường của Trí Khải Đại Sư, Thập Giới có thể được phân ra thô và tế. Từ giới thứ nhất đến giới thứ bảy là giới thô, ba giới sau cùng là giới tế. Điều nầy bởi vì ba giới đầu thuộc Tạng giáo; giới thứ tư và thứ năm thuộc Thông giáo; giới thứ sáu và thứ bảy thuộc Biệt giáo tương ưng Thông giáo; cho thấy rằng Bồ tát của Thông giáo có thể quán sát mặt Giả của vạn pháp, từ đó vào đời hoán chuyển tâm chúng sinh. Ba giới sau cùng được xem là vi tế, thuộc Viên giáo.

ii. Định Thánh Hạnh (Ting Sheng-hsing)

Định Thánh Hạnh là phần thứ hai thuộc Thánh Hạnh, gồm ba nhóm thiền là Thế gian Thiền (Shih-chien Chan), Xuất thế gian Thiền (Chu shih-chien Chan), và Xuất thế gian thượng thượng Thiền (Chu shih-chien shang shang Chan). Trí Khải phân tích từng nhóm một như sau :
Trí Khải chia ba nhóm đầu của Thế gian thiền ra hai nhóm nhỏ : Thiền thuộc bản vị, ẩn khuất, ô nhiểm và không dấu vết (Ken-pen Wei Chan: Yin-mo Yu- kou Wu chi), và Thiền thuộc căn bản thanh tịnh, không che dấu, không ô nhiểm, lưu dấu vết (Ken-pen Ching Chan : Pu yin-mo Wu-kuo Yu-chi).
(i) Qua nhóm thứ nhất, thiền thuộc bản vị, ẩn khuất, ô nhiễm và không dấu vết , Trí Khải phân tích bản vị(fundamental flavor) là bước sơ khởi của thiền, hành giả bị vướng mắc vào từng kinh nghiệm thực chứng. Gọi là căn bản có nghĩa rằng Thiền là một phương tiện quan trọng để đạt đến Tục đế và Chân đế. Gọi là ẩn khuất (hidden) chỉ rằng hành giả không thể đạt đến sự chứng ngộ, và mặc dù đạt được Tịnh, vẫn thiếu Tuệ. Theo Khí Khải, loại Thiền nầy không có trí tuệ quán chiếu biểu thị chân tánh (An-cheng Wu kuan hui). Gọi là ô nhiểm (with defilement) có nghĩa rằng qua mỗi hành trạng thiền, hành giả bị ảnh hưởng bởi sự hỉ lạc. Loại hỉ lạc nầy được diễn tả như ái vị phát sinh (Ti-ti Sheng Ai-wei). Gọi là không dấu vết (without mark) chỉ cho những cảnh giới trong thiền không được rõ ràng. Nhóm nầy gồm mười hai môn thiền (197) qua ba thứ lớp. Lớp thứ nhất có bốn môn thiền (Ssu Chan) (198), nhóm thứ hai có bốn loại tương đương (Ssu- teng) (199), và nhóm thứ ba có bốn loại tịnh Không. (Ssu-kung Ting). (200)
(ii) Qua nhóm thứ hai thiền thuộc căn bản thanh tịnh, không che dấu, không ô nhiểm, lưu dấu vết . Gọi là căn bản thanh tịnh đứng trên chỗ đối lập với nhóm thiền thứ nhất. Trí Khải nói rằng không che dấu có nghĩa hành giả đạt đến chứng ngộ. Không ô nhiễm có nghĩa hành giả không vướng mắc vào những kinh nghiệm thực chứng. Lưu dấu vết là cảnh giới trong thiền rõ ràng. Nhóm thiền nầy cũng gồm ba thứ lớp. Lớp thứ nhất chỉ cho Lục Diệu Môn (Liu miao men) (201). Lớp thứ hai chỉ cho Thập Lục Đặc Thắng (Shih liu Te Sheng) (202). Nhóm thứ ba chỉ cho thông minh thiền (Tung-ming chan) (203).
Về lớp thiền thứ nhất, Trí Khải giải thích rằng danh từ lục diệu môn suy ra rằng môn nầy có thể dung hợp với môn khác, và sáu cánh cửa thiển mở ra cho những người thiên về tuệ. Những pháp môn thiền nầy hữu hiệu đến đổi có thể phát sinh thanh tịnh, đưa hành giả ra ngoài vòng sinh tử trong ba cõi. Đặc biệt, môn Sổ (shu) thứ nhất liên quan đến cách thở, giúp hành giả định tâm. Môn Tùy (Sui) thứ hai biết hơi thở ra vào mà không cần phải để tâm quán sát. Môn Chỉ (Chih) thứ ba là lối tu tập dừng dòng ý tưởng lăng xăng. Môn Quán (Kuan) thứ tư tu tập dùng trí tuệ diệt những cái thấy sai lầm. Chữ Quán có ba ý nghĩa. Thứ nhất, dùng trí huệ mà quán chiếu tánh Không là Chân Đế (Hui- kuan Kuan-chen), đó là, chân lý không cố định của thế giới hiện tượng. Thứ hai, quán Giả tướng ( Chia hsiang Kuan). Thứ ba, quán thực tướng (Shih kuan) của cả hai Không và Giả. Môn Hoàn thứ năm có nghĩa rằng khi hành giả có thiện xão trong sự hủy diệt và chia chẻ thực thể, hành giả dùng trí tuệ quán chiếu để vào Niết Bàn bằng cách trở lại quán giáo lý thiết yếu của Thế Tôn. Giáo lý thiết yếu nầy là nền tảng của Phật giáo, như Tứ Đế, Thập Nhị Nhận Duyên, và lối quán chân chính về Trung Đạo (Chung-tao Cheng-kuan). Môn Tịnh (Ching) thứ sáu chỉ cho sự chứng ngộ chân lý trong tất cả thực tại, thấy rằng vạn pháp, tự bản tánh, tĩnh lặng. (204)
Về lớp thiền thứ hai, thập lục đặc thắng mở ra cho những người thiên về định. Trí Khải chỉ rõ ý nghĩa lớp thiền nầy khi nói rằng : Ở mức độ thấp, hành giả chưa lìa được ô nhiễm. Chỉ khi nào sự tu tập thiền được hoàn hảo ở mức độ cao hơn, hành giả có thể chứng đắc.(205) Thập lục đặc thắng phát sinh từ Tứ Niệm Trụ. Từ thân niệm trụ đặc thắng về sự nhận thức hơi thở ra vào, dài ngắn. Từ thọ niệm trụ, giới hạn những cảm nhận khổ của thân, đặc thắng chỗ kinh nghiệm vui thích, hỷ lạc, chánh tâm phát sinh. Từ tâm niệm trụ đặc thắng tâm hỷ lạc, an vui, tự tại, và quán chiếu vô thường, Từ pháp niệm trụ đặc thắng về quán chiếu thực tại thành, hoại và diệt, quán chiếu sự tách rời ngã khỏi vọng dục, quán sự hoại diệt của vạn pháp, và quán sự xa lìa trói buộc vào thế giới hiện tượng.
Về lớp thiền thứ ba, thông minh chỉ cho những hành giả có cả hai định và tuệ. Lớp thiền nầy khiến tuệ quán thâm sâu và cẩn mật, đưa đến chỗ không ô nhiểm của bậc A-la-hán trong bất cứ mười thiền trạng cao hoặc thấp. (206) Chỗ nầy gồn hai mặt thực hành liên quan đến pháp tánh (Hsiu hsiang) và chân tánh (Hsiu cheng). Về mặt pháp tánh, với cách quán chiếu hơi thở thiếu thực thể, người tu hướng về sự quán chiếu tánh của thân, là cái mà hơi thở tùy thuộc. Nhận ra sự trống rỗng của thân, chỉ là sự tụ hội của tứ đại (đất, nước, gió, và lửa), hành giả tiếp tục quán tâm, là cái thân người tùy thuộc vào. Hành giả thấy rằng tâm cũng trống không, vì phát sinh từ sự tụ hội của duyên. Đến mặt chân tánh, đó là sự nội chứng tánh Không như Chân Đế. Dần dần, người tu có thể hội nhập và hiểu được được sự tách biệt giữa thân tướng và hơi thở. Người tu cũng có thể thấy được rằng thân tướng tùy thuận với thân thể và môi trường địa lý, nên từ đó có thể vào được định trong tam giới.(207)
Xuất thế gian thiền là nhóm thiền thứ hai, gồm bốn nhóm nhỏ là Quán thiền, Luyện thiền, Huân thiền, và Tu thiền. Sau đây là phần giải thích của Trí Khải về từng nhóm một.
(i) Quán Thiền (Kuan Chan) : là nhóm thứ nhất trong xuất thế gian thiền, quán những cảnh giới trong thiền định. Đây là những loại quán chiếu khác nhau, gồm chín loại quán tưởng ( navasamijna) (208), tám bối xả (astavimoksa) (209), tám thắng xứ (astav abhibhvayatanani) (210), và mười nhất thiết xứ (dasa krtsnayatamani) (211).
(ii) Luyện Thiền (Lien Chan) : là nhóm thứ hai trong xuất thế gian thiền, chỉ cho cửu thứ đệ định (navanupurvasamapattayah) (212). Người tu có thể tu tập chín thứ bậc thiền một cách thiện xảo, dần dần từ thấp lên cao, hành giả trực nghiệm những thứ lớp khác nhau nầy không gián đoạn.
(iii) Huân Thiền (Hsun Chan) :là nhóm thứ ba trong xuất thế gian thiền chỉ cho Sư Tử Phấn Tấn Tam Muội (Shih-tzu Fen-hsun san-mei) (213). Chỗ nầy không những nhập thiền định theo thứ lớp không gián đoạn mà còn xuất thiền định theo thứ lớp không gián đoạn.
(iv) Tu Thiền (Hsiu Chan) : là nhóm thứ tư trong xuất thế gian thiền, chỉ cho sự thông suốt về thiền của hành giả. Như thiền định mang lại rất nhiều giá trị lợi ích, vì thế được gọi là thiền đảnh (Ting-chan). Hành giả có thể xuất nhập tự tại bất kỳ loại thiền nào.
Xuất thế gian thượng thượng thiền là nhóm đại thiền sau cùng, chỉ cho chín loại đại thiền (chiu-chung Ta- chan) của Bồ tát.(214) Bồ tát hội nhập không gì khác hơn là Trung Đạo trong vạn pháp. Trí Khải nói : Chín loại đại thiền nầy tương đương với pháp giới. Tất cả các pháp quy về thiền, và cảnh giới thiền đồng với Chân Đế. (215)
Phần trên là lập luận của Trí Khải về hai loại Thánh Hạnh : tu Giới và tu Định. Theo sau đây là diễn đạt của Trí Khải về thánh hạnh sau cùng : tu Tuệ.

iii. Tuệ Thánh Hạnh (Hui Sheng- hsing)

Tuệ Thánh Hạnh chỉ trí tuệ thuộc bốn loại Tứ Đế (Ssu chung Ssu-ti Hui) gồm có Sinh Diệt, Vô Sinh Diệt, Vô Lượng, và Vô Tác. Đây là phần phân tích sâu xa bốn lối hiểu Tứ Đế đượcTrí Khải vẽ ra để nói về một trong sáu loại Cảnh như thực từ phối cảnh của dụng đến từ trí tuệ.
Với Trí Tuệ Sinh Diệt Tứ Đế (Sheng-mieh Ssu-ti Hui) Trí tuệ Khổ đế quán chiếu đặc tính của Khổ. Trí tuệ tập đế theo những nhân lành để tránh tạo tác những giống ác. Trí tuệ Đạo đế diệt những lối nhìn sai lạc của Dục giới, quán chiếu sự bất tịnh của sự vật, hành giả vượt qua những quan niệm sai lầm về tịnh; quán chiếu thọ là khổ, hành giả bỏ những lối nhìn sai lệch về lạc thú; quán chiếu hành động chỉ là sự hội họp tạm thời, hành giả xa lìa những cố chấp về ngã; quán chiếu dòng sinh diệt của ý tưởng, hành giả bỏ sự chấp thường trụ. Trí tuệ Diệt đế thấy được rằng chân lý là sự vứt bỏ những lối nhìn sai lệch. Nếu tà kiến là nhân đã không sinh khởi thì nghiệp là quả cũng sẽ không sinh khởi.(216)
Với Trí Tuệ Vô Sinh Tứ Đế (Wu-sheng Ssu-ti Hui), Trí tuệ Khổ đế có nghĩa rằng khi quán chiếu những tướng bất tịnh, hành giả thấy được rằng nơi tướng chính là Không, và Không thì không liên hệ gì đến sự hoại diệt của tướng. Chân lý là cái không có Khổ để phân tích và chia chẻ, vì Khổ chính nó đã là Không. Trí tuệ Tập đế tức biết được rằng nhân của khổ từ tâm phát sinh. Vì tâm là vọng, nhân của khổ cũng là vọng. Trí tuệ Đạo đế tức nhận biết rằng vì Khổ (như nhân) là vọng, Đạo diệt Khổ (như quả) cũng không sinh khởi. Trí tuệ Diệt đế chứng được vạn pháp bản lai vô sinh, hiện tại, không có gì để phải hủy diệt. (217)
Với Trí tuệ Vô lượng Tứ đế (Wu-liang Ssu-ti Hui), Trí tuệ Khổ đế tức biết thông suốt sự khác biệt giữa hiện hữu giả tạm và thực tính của mười pháp giới. Trí tuệ Tập đế liên quan đến trí phân biệt phiền não qua năm thứ lớp trói buộc (Wu Chu fan-nao) (218). Trí tuệ Đạo đế tức hiểu thông suốt được bán tự (219), mãn tự (220), chánh giáo (cheng) (221), và phụ giáo (Chu) (222). Trí tuệ Diệt đế hiểu đưực bốn mặt. Mỗi mặt trong bốn mặt lại được nhân lên từ Vô lượng Tứ đế, tổng cộng mười sáu loại trí tuệ, được gọi là mười sáu cửa thuộc trí tuệ Bồ tát. Lý do trí tuệ Bồ tát liên quan đến nhiều pháp môn khác nhau được Trí Khải giải thích như sau :
Bồ tát, như đại lương y, biết từng mạch tim, hiểu từng chứng bệnh, thông suốt từng loại thuốc, và nhận biết những bệnh khác nhau. Cũng như vậy, Bồ tát phát khởi tâm từ bi, hành đạo hạnh, (như là) những phẩm hạnh sai biệt (đưa đến chứng đắc) (224), với mục đích làm lợi ích chúng sinh, và thanh tịnh Phật địa. (225)
Với Trí tuệ Vô tác Tứ đế (Wu-tso Ssu-ti Hui), phát sinh từ chứng ngộ Viên giáo. Người tu hiểu rằng không có sự khác biệt trong vạn pháp vì tất cả là sự hiển lộ của Nhất Chân Tánh. Căn cứ vào cái hiểu về Nhất Chân Tánh nầy trong tất cả sự vật, không hề có bất cứ sai biệt nào giữa Đạo và Diệt, giữa Khổ và Tập. Bốn chân lý thực ra từ cái thấy sai lạc trí tuệ Bồ đề thành phiền não, Niết Bàn thành luân hồi. Trí Khải lên tiếng rằng cái thấy sai lầm là nguyên nhân của Khổ. Vì khổ, chúng sinh muốn thoát khổ. Nếu chúng sinh có thể hiểu một cách đơn giản rằng khổ đồng nhất với trí tuệ Bồ đề, thì chúng sinh không cần đến Đạo đế và Diệt đế để thoát khổ. Tứ đế thật sự không phải là bốn. Điều nầy có nghĩa rằng với trí tuệ thuộc Vô Tác Tứ Đế, hành giả có thể hội nhập vào tánh như thị của vạn pháp, là cái ở ngoài sự phân biệt của bất cứ khái niệm nào. Từ bốn chân lý mà thực ra không phải là bốn (vì cái hiểu sai lạc của chúng sinh), Tri Khải lập luận rằng Tứ Đế là vô lượng mà cũng không phải là vô lượng. Điều nầy bởi vì nếu chỉ có một chân lý như thị, thì không có sự vô lượng. Sự vô lượng sinh khởi từ cái nhìn của Bồ tát về tánh Không của Hữu là Bất Không (bởi vì Giả). Vô lượng không thể đứng vững dựa trên thực tánh như thị, quan điểm về Giả hoặc Không bất cân xứng trong sự liễu đạt chân lý. Nói cách khác, bất cứ công dụng của ý niệm tương quan không tránh được qua ngôn ngữ thì không thích ứng với sự nhận ra tánh như thị của vạn vật. Vạn pháp như nó là, không đến để có mặt, cũng không đi để tan biến : đây là chân tánh của thực tại vượt trên lời và ý. Gieo trồng trí tuệ nầy giúp hành giả an trú trong địa thứ nhất của Thập Địa, đó là hoan hỷ làm lợi cho mình và cho người (Pramudita). Trí Khải giải thích sự thành tựu nầy như sau :
(Nếu hành giả có thể) vào địa nầy, hành giả đã viên thành hai mươi lăm tam muội (226) với mục đích loại bỏ hai mươi lăm loại hiện hữu (227), và làm hiển lộ tự tánh (của chúng sinh) trong hai mươi lăm loại hiện hữu. Tự tánh nầy là thực tánh, và thực tánh tức Phật tánh (228).
Chỗ nầy nói lên rằng Bồ tát sơ địa (229) có thể tạo ích lợi cho riêng mình và cho người khi vào hai mươi lăm Hữu dựng nên sáu cõi luân hồi. Qua hệ thống của Trí Khải, hai mươi lăm Hữu liên quan đến hai mươi lăm tam muội mà Bồ tát thực hành. Vì cái trước là kết quả từ lối nhìn và nghĩ sai lầm trói buộc chúng sinh trong vòng luân hồi, tu tập cái sau nhằm mục tiêu hủy diệt những hiện hữu kia, từ đó, Phật tánh có sẳn trong mỗi chúng sinh được hiển lộ. Với Trí Khải, sự phơi bảy của Phật tánh có thể bình đẳng đưa đường hành giả đến Phật địa thường, lạc, ngã, và tịnh. Trí Khải giải thích sự hoại diệt hai mươi lăm Hữu như sau :
(Nếu) hai mươi lăm loại hiện hữu diệt, thì không còn có phiền não, và đây là tịnh đức. (Nếu) hai mươi lăm Hữu diệt, thì không còn khổ như quả, và đây là thường đức. Đạt đến hai mươi lăm tam muội là lạc. Liễu đạt tự tánh (của chúng sinh) trong hai mươi lăm Hữu là ngã. Vì thế, (vì diệt hai mươi lăm Hữu), bốn đức hạnh nầy hiển lộ rõ ràng.(230)

Trí Tuệ Vô Tác Tứ Đế – thành tựu hai mươi lăm tam muội qua sự hủy diệt hai mươi lăm Hữu

Trí Khải Đại Sư đặt hai mươi lăm tam muội (Erh-shih-wu San mei) trong tương quan chi tiết với hai mươi lăm Hữu (Erh-shih-wu Yu). Những tam muội nầy là phương tiện để Bồ tát đạt đến Tam Đế. Trí Khải giải thích từ tam muội một cách xác thực, như là ba mặt của bóng tối. Bóng tối chỉ cho quán chiếu, và ba mặt được nói đến như Tam Quán. Nói cách khác, sự thành tựu hai mươi lăm tam muội gắn liền với tam quán qua Không, Giả, và Trung Đạo. Vì Tam Đế là chân lý rốt ráo, hợp hóa hai mươi lăm tam muội, và những tam muội nầy được xem là siêu việt nhất sánh với những tam muội khác. Vì vậy được mang tên là Pháp vương(Fa-wang). Thêm nữa, sự siêu việt của hai mươi lăm tam muội nằm trong sự hoại diệt của hai mươi lăm Hữu.
Hai mươi lăm tam muội trong tương quan với hai mươi lăm Hữu được giải thích qua bốn điểm. Thứ nhất, Trí Khải nói về khổ hoạn của các loại Hữu (Chu-yu kuo-huan) để nhấn mạnh sự cần thiết hủy diệt các Hữu qua hai mươi lăm tam muội. Thứ hai, Bồ tát vì muốn loại bỏ những sai lầm trong chính mình và trong chúng sinh, thực hành những hạnh khác nhau, gọi là giá trị và phẩm hạnh như chánh pháp (Pen-fa kung-to). Thứ ba, như kết quả diệt vọng, Bồ tát chứng ngộ Tam Đế, từ đó, ba loại tam muội thành tựu. Đây là điểm quan trọng của sự thành tựu ba loại tam muội (hsing cheng san mei). Thứ tư, tựu thành ba loại tam muội, cùng với từ và bi, Bồ tát có thể cứu chúng sinh trong những chủng loại khác nhau. Đây là diệt hữu với từ và bi (Tzu-pei po-yu). Sau đây là phân tích của Trí Khải qua bốn điểm trong tương quan với sử dụng hai mươi lăm tam muội để diệt hai mươi lăm Hữu (231).
(i) Vô cấu tam muội (Wu-kou san-mei) phá Hữu Địa ngục (naraka). Bồ tát thấy trước rằng quả báo địa ngục phát sinh từ bốn loại ô nhiểm nặng nề : nghiệp xấu ác, kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh (232). Để làm vơi ô nhiểm, Bồ tát gieo trồng những thánh hạnh giới, định, và tuệ. Sự gieo trồng thiện giới tương ưng với chánh đức (233) hủy diệt ác nghiệp. Sự tu tập Tịnh tương quan với tám giải thoát (234) để vượt qua ô nhiểm về kiến hoặc. Tu trì trí tuệ Sinh Diệt Tứ Đế và Vô Sinh Tứ Đế để hủy diệt ô nhiểm về kiến hoặc và tư hoặc. Tu trì trí tuệ Vô lượng Tứ Đế hủy diệt sự ô nhiểm vì trần sa hoặc. Diệt kiến hoặc và tư hoặc đưa đến sự thành tựu ba loại tam muội : Chân đế tam muội, Tục đế tam muội, và Trung Đạo tam muội. Trung Đạo tam muội là tam muội siêu việt nhất, vì vậy được gọu là Trung Đạo Vương Tam Muội (Chung-tao wang san-mei). Đã diệt được ô nhiểm trong địa ngục, với từ và bi, và với thệ nguyện cứu chúng sinh trong địa ngục, vị Bồ tát nầy sử dụng trí tuệ của bốn loại Tứ Đế. Vị Bồ tát nầy đáp ứng khế hợp căn tánh chúng sinh có đức hạnh và có khả năng lãnh hội chân lý Không, Giả, và Trung Đạo. Xa hơn, Bồ tát hướng tâm chúng sinh rời lìa khổ não, được an lạc và lần lượt vào được Tam Đế (tục đế, chân đế, và vua các tam muội). Làm như vậy, không những Bồ tát xa lìa cấu nhiễm mà còn giúp được chúng sinh xa lìa cấu nhiễm.
(ii) Bất Thoái Tam Muội (pu-tui san-mei) : Tam muội nầy có đặc tính bất thối chuyển. Không biết hổ thẹn vì ác nghiệp, thấy và làm sai lầm, thiếu trí, vô minh, chúng sinh đã lùi bước và đánh mất con đường thiện. Để vượt qua sự thối chuyển nầy, Bồ tát tu trì các thánh hạnh khác nhau. Tu trì thuần thiện tương ưng với chánh đức diệt được thối chuyển vì ác nghiệp. Tu Tịnh diệt được thối chuyển vì kiến hoặc. Tu trí tuệ Sinh Diệt và Vô Sinh Diệt Tứ Đế diệt được thối chuyển vì tư hoặc. Tu trí tuệ Vô Lượng Tứ Đế diệt được thối chuyển vì trần sa hoặc. Tu trí tuệ Vô Tác Tứ Đế diệt được thối chuyển vì vô minh. Sự hoại diệt những loại đưa đến thối chuyển nầy thành tựu các tam muội Chân Đế, Tục Đế, và Trung Đạo. Với sự hành trì các hạnh khác nhau, Bồ tát có thể hoán chuyển chúng sinh bằng cách đáp ứng với căn tánh khác nhau trong sự tiếp thu được các chân lý khác nhau của chúng sinh. Vì cứu chúng sinh, Bồ tát không thối chuyển và không làm cho chúng sinh thối chuyển.
(iii) Tâm Lạc Tam Muội (Hsin-lo San-mei) phá Hữu của Ngạ quỷ. Hữu nầy là kinh nghiệm khổ đau của loài quỷ đói. Để đối trị khổ nạn trong Hữu nầy, Bồ tát thực hạnh những thánh hạnh khác nhau. Tu giới diệt khổ từ ác nghiệp. Tu tịnh vượt qua kiến hoặc. Tu trí tuệ Sinh Diệt và Vô Sinh Diệt Tứ Đế diệt tư hoặc. Tu trí tuệ Vô Lượng Tứ Đế diệt khổ nạn vì trần sa hoặc. Tu trí tuệ Vô Tác Tứ Đế diệt vô minh. Như kết quả đến từ sự hủy diệt các khổ nạn nầy, Vô vi tâm lạc tam muội (Wu-wei hsin-lo san-mei), tâm vui nghe giáo lý phân biệt y tà chánh tam muội, (To-wen Fen pieh lo San-mei), và Thường lạc tam muội (Chang-lo san-mei) thành tựu. Vì muốn cứu độ, Bồ tát không những được an lạc mà còn hướng chúng sinh đến chỗ an lạc.
(iv) Hoan Hỷ Tam Muội (Huan-Hsi san-mei) : phá A Tu La Hữu. A Tu La đa nghi và sợ hãi. Để làm giảm cái sợ vì ác nghiệp,kiến hoặc và tư hoặc, thiếu trí, và vô minh, Bồ tát thực hành nhiều thánh hạnh. Như kết quả đưa đến từ sự diệt hãi sợ nầy, Không pháp hỷ tam muội (Kung-fa hsi san-mei), như Không, tâm vui thấy chúng sinh tam muội (I-chieh Chung-sheng Hsi-chien san-mei), như Giả, và Hỉ vương tam muội (Hsi wang san-mei), đó là Trung Đạo, được thành tựu. Vì muốn cứu độ chúng sinh, không những Bồ tát đạt những tam muội nầy, mà còn ban vui cho kẻ khác.
(v) Nhật Quang Tam Muội (Jih-kuang san-mei) phá Phất Bà Đề Hữu (Fu-po-ti Yu) ở phương Đông (235). Nhật Quang tương tự với ánh sáng trí tuệ có thể xóa tan bóng tối của vọng tâm. Trong Hữu nầy vẫn có những vọng động khác nhau. Để vượt qua, Bồ tát thực hành những thánh hạnh liên quan đến ánh sáng trí tuệ. Với bóng tối đã bị hủy diệt, Nhất Thiết Trí Nhật Quang Tam Muội, Đạo Chủng Trí Nhật Quang Tam Muội, và Nhất Thiết Chủng Trí Nhật Quang Tam Muội thành tựu. Vì muốn cứu độ chúng sinh, Bồ tát không những phá tan bóng tối mà còn giúp chúng sinh phá tan bóng tối.
(vi) Nguyệt Quang Tam Muội (Yueh-kuang san-mei) phá Cù Đà Ni Hữu (Chu-yueh-ni)) ở phương Tây. Tam muội nầy cũng như tam muội nói trên về ánh sáng mặt trời, vì ánh trăng cũng xóa tan bóng tối.
(vii) Nhiệt Viêm Tam Muội (Je-yen San-mei) phá Uất Đơn Việt Hữu (Yu-tan-yueh) phương Bắc. Chúng sinh phương Bắc lạnh lẽo và khó khăn, vô ngã tưởng là thành ngã. Bồ tát, để diệt tướng ngã, thực hành những hạnh liên quan đến lửa trí tuệ, từ đó vượt qua cái thấy sai lầm về ngã, cùng lúc giúp chúng sinh vượt qua cái thấy sai lầm về ngã.
(viii) Như Huyễn Tam Muội (Yu-huan San-mei) : phá Diêm Phù Đề Hữu (Yen-fu-ti) ở phương Nam. Chúng sinh trong thế giới nầy có những đoạn đời và quả báo khác nhau. Như một sự bấp bênh mộng mị, ảo vọng là sản phẩm của tâm. Bồ tát, vì muốn diệt tất cả các loại vọng tâm, đưa đến các chân lý từ bốn loại trí tuệ Tứ Đế. Với sự hủy diệt các vọng động nầy, Như Huyễn Tam Muội thành tựu để hoán chuyển chúng sinh
(ix) Bất Động Tam Muội (Pu-tung San-mei) : phá Hữu cõi Trời Tứ thiên vương (Ssu tien wang tien). Bốn vị thiên vương cai quản khắp thế giới, giữ gìn cương thổ. Vì vậy các vị có quả báo từ cái động. Bồ tát, vì muốn diệt những cái động nầy, thực hành nhiều thánh hạnh tựu thành tam muội. Vì đáp ứng căn cơ của tứ thiên vương, Bồ tát giúp chư vị diệt cái động để đến với cái bất động.
(x) Nan Phục Tam Muội (Nan-fu San-mei) : phá Hữu ở ba mươi ba cõi Trời (San-shih-san Tien) (236). Hữu nầy ở trên đỉnh cõi đất, như núi Tu Di. Quả báo và ba loại vọng ở đây rất khó điều phục. Vượt trên những cái khó điều phục nầy, Bồ tát thực hành nhiều hạnh nguyện khác nhau. Hủy diệt những vọng động, Bồ tát thành tựu tam muội, và giúp chúng sinh thành tựu tam muội.
(xi) Duyệt Ý Tam Muội (Yueh-I san-mei) : phá cõi Thiên ma (Yen-mo Tien). Mặc dù chúng sinh trong cõi Trời nầy vui thú an bình, vui thú nầy đến từ quả báo giữ gìn an bình. Các chúng sinh nầy không cái lạc bất động, và không có cái lạc thanh tịnh, Đạo Trí và Trung Đạo Trí. Bồ tát, vì muốn diệt các sầu khổ, thực hành nhiều hạnh nguyện, thành tựu tam muội, và giúp chúng sinh thành tựu tam muội.
(xii) Thanh Sắc Tam Muội (Ching se san-mei) : phá Đâu Suất Thiên Hữu
(Tou-shuai Tien). Chúng sinh cõi Trời nầy ưa thích sắc xanh lục đến đổi hầu hết vật đều là màu lục. Bồ tát, vì muốn phá sắc xanh lục nầy, hành trì chân lý tối thượng cả hai mặt phủ định và xác định. Điều nầy để nói lên rằng chân tánh không là giới, định, và tuệ, nhưng cũng là giới, định, và tuệ. Giới là phá những quả báo từ sự chấp vào sắc xanh lục. Tuệ Sinh Siệt, và Vô Sinh phá những cái thấy và làm sai lạc vì chấp vào sắc xanh lục. Tam Đế được hội nhập cả hai mặt xác định và phủ định cũng phá sự chấp vào sắc xanh và thành tựu ba loại tam muội. Cùng đạo lý trên có thể áp dụng cho hai tầng Trời theo sau.
(xiii) Hoàng Sắc Tam Muội (Huang-se San-mei) : phá Hóa Lạc Thiên Hữu. Tầng Trời nầy có nghĩa là vui thú và biến hóa.
(xiv) Xích Sắc Tam Muội ( Chih-se San-mei) : phá Tha Hóa Tự Tại Thiên Hữu. Tầng Trời nầy có nghĩa là tự tại biến hóa lấy cái vui của kẻ khác làm vui thú.
(xv) Bạch Sắc Tam Muội (Pai-se san-mei) : phá Hữu cõi Trời sơ thiền (Chu-chan Tien). Mặc dù chúng sinh nơi cõi Trời nầy dùng sắc trắng biểu thị sự xa lìa ngũ dục, nhưng vẫn còn trong sắc đen bởi vì vẫn chưa tách rời chính họ ra khỏi tâm ý quán chiếu thô và tế (Chueh and Kuan) (237). Bồ tát, vì muốn phá những bất tịnh nầy, thực hành những hạnh thanh tịnh, thành tựu ba loại tam muội qua Tam Đế, và giúp chúng sinh thành tựu các tam muội.
(xvi) Các loại Tam Muội (Chung chung san-mei) : phá Đại Phạm Thiên Hữu (Ta Fan Tien) (238). Vị Phạm Thiên cai quản Đại Thiên thế giới đủ chủng loại, vì vậy đủ chủng loại quả báo. Phạm Thiên không thông đạt Không, Giả, và Trung Đạo. Vì muốn phá chủng chửng loại nầy, Bồ tát hành trì nhiều hạnh, thành tựu nhiều loại tam muội qua Tam Đế, và giúp chúng sinh thành tựu như vậy.
(xvii) Song Tam Muội (Shuang San-mei) : phá Nhị Thiền Hữu ( Erh-Chan Tien). Điều nấy bởi vì hành giả đã không thông đạt được song Tam Đế, đó là, song Không, song Giả, và song Trung Đạo (Shuang Kung, Shuang Chia, Shuang Chung) (239).
(xviii) Lôi Âm Tam Muội (Lei-yin san-mei) : phá Tam Thiền Thiên (San Chan Tien). Điều nầy bởi vì hành giả chìm sâu trong lạc thọ, bị trói buộc của cái vui thông đạt được Tam Đế. Để lay tỉnh các vị nầy, Bồ tát hành trì nhiều hạnh như âm thanh sấm dậy, thành tựu tam muội qua Tam Đế, và giúp chúng sinh thành tựu như vậy.
(xix) Chú Vũ Tam Muội (Chu-yu San-mei) : phá Tứ Thiền Thiên (Ssu Chan Tien). Điều nầy bởi vì tất cả những yếu tố thanh tịnh hiện ra trong cõi thiền nầy, nhưng cần mưa tưới khắp. Bồ tát thực hành nhiều hạnh như mưa, thành tựu ba loại tam muội, và giúp chúng sinh thành tựu như vậy.
(xx) Như Hư Không Tam Muội (Ju-hsu-kung san-mei) : phá Vô Tưởng Thiên (Wu-hsiang Tien). Điều nầy bởi vì những cái khác với chủ thuyết Bất Không, là những cái nhìn sai lệch về Niết Bàn. Các vị nầy nhìn quả báo không phải là Không, và Tam Đế không phải là hoàn toàn rỗng lặng. Bồ tát thực hành nhiều tịnh hạnh về tánh Không, thành tựu ba loại tam muội, và giúp chúng sinh thành tựu như vậy.
(xxi) Chiếu Cảnh Tam Muội (Chao Ching San-mei) : phá A na hàm Thiên, cõi vô nhiễm của bậc thánh (Sheng wu-lou Tien). Mặc dù các vị đã đạt đến chỗ thuần tướng, sự thuần tướng nầy vẫn còn quả báo là kết quả của vô lậu, vì vẫn chưa phải là cái rốt ráo Không của sắc tướng. (Chih chin Se Kung). Với Tam Đế, tam muội nầy giúp hành giả tiếp nhận sâu hơn tịnh tướng như tương tự trong gương. Nói cách khác, tịnh tướng giống như một tấm gương : Không tướng chỉ cho siêu việt, Giả tướng chỉ cho không phản chiếu, và Trung Đạo chỉ cho thanh tịnh và toàn hảo.
(xxii) Vô Ngại Tam Muội (Wu-ai san-mei) : phá Không Vô Biên Xứ (Kung Wu-pien-chu) (240). Vô ngại tam muội đạt đến vô ngại qua Tam Đế . Điều nầy bởi vì mặc dù cõi nầy đã vượt qua sự trói buộc của hình tướng, sự vô ngại nầy vẫn còn là một loại quả báo.
(xxiii) Thường Tam Muội (Chang san-mei) : phá Thức Vô Biên Xứ (Chih wu-pien chu) (241). Điều nầy bởi vì cõi nầy lấy sự liên tục không gián đoạn của Thức làm Thường. Cái Thường nầy đến từ sự tu tập tịnh, nhưng không phải từ sự thấy được Tam Đế là Thường Không (San- wu Wei Chang), Thường Biến (Hua-yung Chang) như dụng. Theo Trí Khải Đại Sư, cái Thường nầy thực sự không phải là Thường, mà do tịnh mà có, nên vẫn còn là một loại quả báo.
(xxiv) Lạc Tam Muội (Luo san-mei) : phá Vô Sở Hữu Xứ (Wu-suo yu chu) (242). Chỗ nầy ứng dụng lạc tam muội phá tương tự ngu si (Ju chih) trong cõi Trời nầy, vì sự tương tự ngu si đồng như khổ và vô minh.
(xxv) Ngã Tam Muội (Wo san-mei) : phá Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Fei hsing fei fei hsiang Chu) (243). Điều nầy bởi vì vẫn còn có những ô nhiễm và vô minh vi tế ngăn ngại sự tự tại. Phá được vi tế ô nhiễm và vô minh, hành giả chứng đắc được chân ngã (chen-wo) hiển lộ tánh Phật, tùy thuận ngã (Sui-su-wo) nhằm mục tiêu hoán chuyển chúng sinh, và Thường lạc ngã (Chang-luo-wo), tức Niết Bàn.
Phần trên là sự diễn tả hai mươi lăm Tam Muội Bồ tát thành tựu qua việc phá hai mươi lăm Hữu. Sự thành tựu hai mươi lăm tam muội là kết quả tu trì tuệ hạnh liên quan đến Vô Tác Tứ Đế. Đây là hạnh thứ nhất trong năm hạnh của Bồ tát thuộc Biệt giáo, tức Thánh Hạnh.
(2) Phạm Hạnh (Fan-hsing)
Phạm Hạnh là hạnh thứ hai trong năm hạnh của Bồ tát. Theo Trí Khải, Phạm có nghĩa là thanh tịnh , và thanh tịnh có nghĩa là rời cả hai mặt hiện hữu và không hiện hữu. Để cứu chúng sinh với phạm hạnh đồng như lòng từ bi, hỷ, xả vô điều kiện. Khi Bồ tát thực hành Thánh Hạnh, Bồ tát đạt đến vô úy (Wu-wei-ti) và tự trang nghiêm bằng hai mươi lăm tam muội. Đức từ bi mà Bồ tát có, căn cứ trên những chứng đắc, hiển bài phạm hạnh, và khác với lòng từ bi như kết quả của những phương pháp tu trì khác. Trí Khải nhấn mạnh rằng để gây ảnh hưởng và hành trì các hạnh từ bi hỷ xả nầy, Bồ tát có thể làm tất cả để cứu chúng sinh thoát khổ, và ban bố an lạc. Trí Khải mô tả đức từ bi đồng như tánh Phật, tự trang nghiêm với giá trị và đức hạnh. Vì thế được gọi là phạm hạnh.
(3) Thiên Hạnh (Tien Hsing)
Thiên Hạnh là hạnh thứ ba trong năm hạnh của Bồ tát. Trí Khải giải thích rằng chữ Thiên liên quan đến nguyên lý. Cái được gọi là Thiên Lý(Tien-jan Chih Li) chuyển đạt sự kiện rằng sự thành hình của thiên hạnh đến từ những nguyên lý nầy. Nói cách khác, thiên hạnh phù hợp với chân tánh, và là sự trang nghiêm của trí tuệ. Trí Khải nói rằng Thánh Hạnh và Thiên Hạnh là Bồ tát thượng cầu Phật đạo (Shang chiu Fo-tao); và Phạm Hạnh, Như Bệnh Hạnh, Anh Nhi Hạnh là Bồ tát hạ hóa chúng sinh (Hsia -hua Chung sheng).
(4) Anh Nhi Hạnh (Ying-erh-hsing)
Anh nhi hạnh là hạnh thứ tư trong năm hạnh của Bồ tát. Theo Trí Khải, hạnh nầy dựa trên tâm từ lạc, chỉ cho Bồ tát là những bậc đã hòa mình với căn cơ chúng sinh. Thực hành nhiều thứ lớp tu trì, như Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Lục Độ, và Tam Đế, Bồ tát huớng dẩn chúng sinh khám phá cội nguồn giá trị, và ngay cả nhận ra được Phật trí.
(5) Bệnh Hạnh (Ping hsing)
Hạnh như người bệnh là hạnh sau cùng trong năm hạnh của Bồ tát. Theo Trí Khải, hạnh nầy có từ lòng đại bi vô điều kiện của Bồ tát, trong việc chữa lành tâm bệnh cho chúng sinh. Bồ tát, với mục đích chữa trị những chủng tử xấu ác của chúng sinh, đã tự hòa đồng với chúng sinh. Để chia sớt bệnh tình của chúng sinh trong các cõi, Bồ tát hoặc thị hiện làm súc sanh, ngạ quỷ, người v.v… Đồng hóa với chúng sinh, Bồ tát chỉ bày cho chúng sinh kiếp người vô thường, sinh, già, bệnh, chết; và vì chúng sinh, Bồ tát trải thân trong pháp giới.

2.Viên Giáo Ngũ Hạnh (Yuan Wu-hsing) (T33, 725 a-726 b)
Bên cạnh năm hạnh của Bồ tát Biệt giáo, Trí Khải thêm vào năm hạnh của Bồ tát Viên giáo, và gọi đó là Như Lai Nhất Hạnh (Ju-lai I Hsing), vượt trên những hạnh của Bồ tát Biệt giáo. Trí Khải lập luận rằng so sánh với đề mục trước, chánh thức đây là Đại Thừa (Ta sheng), vì Đại Thừa chỉ cho Phật thừa,đồng với Phật hạnh. Trí Khải giải thích : (Sự hành trì của) Viên Giáo viên dung mười pháp giới, và một thực hành liên quan đến tất cả thực hành. Đây gọi là Đại Thừa(có nghĩa) đi trên cổ xe Phật. Vì thế, được gọi là Như Lai hạnh(244)
An Lạc Hạnh được nói đến trong kinh Pháp Hoa biểu thị sự hành trì của Viên giáo. Trí Khải giải thích rằng ngay cả nơi cái tựa đề an lạc nói lên ý nghĩa trọn vẹn, như quả Phật tánh. Nói cách khác, sự hành trì an lạc là nhân để đạt đến Phật giới :
An lạc gọi là Niết Bàn, chỉ cho cái quả toàn vẹn. Hạnh chỉ cho cái nhân toàn vẹn, tương tự với nghĩa Niết Bàn. Vì thế, ( hạnh an lạc) tức Như Lai hạnh.(245)
Một lý do khác khiến năm hạnh của Bồ tát Viên giáo được gọi là Như Lai Hạnh vì những hạnh nầy có thể từ tâm hành. Vì tâm viên dung tất cả năm hạnh, nên có thể được xem là nhất hạnh Như Lai: Năm hạnh chứa trong một tâm, và đầy dử không có bất cứ sự thiếu sót, vì vậy được gọi là Như Lai hạnh.(246)
Lý do một tâm có thể viên dung năm hạnh Viên giáo vì tâm biểu thị vũ trụ, và đồng với ba tam muội của Tam Đế (Không, Giả, và Trung Đạo). Như Trí Khải nói :
Khi nhất tâm chiếu soi mười pháp giới, tức thì đầy đủ năm loại hành trì thuộc Viên giáo. Hơn nữa, một tâm viên dung năm hạnh đồng như ba loại tam muội Tam Đế.(247)
Mỗi hạnh trong năm hạnh mở ra sự tương quan với những đoạn kinh Pháp Hoa liên hệ đến sự bước vào nhà Như Lai, khoác lên chiếc y Như Lai, và ngồi được trên tòa Như Lai như sau :
(1) Thánh hạnh thuộc Viên giáo (Yuan Sheng hsing) là hạnh thứ nhất trong năm Như Lai hạnh, gồm giới, định, và tuệ. Về giới, liên quan đến Phật giới xiển dương tịnh giới của Phật (249). Trí Khải nhấn mạnh rằng Phật giới là giới hạnh của Viên giáo. Giới nầy cũng tương quan với sự nhu nhuyễn của áo Như Lai. Như Trí Khải nói :
( Khi sự nhu nhuyễn) phản ảnh tánh và tướng thanh tịnh, trở nên đồng nhất với giới. Khi sự chiếu soi tĩnh lặng, tức đồng với tịnh và tuệ. Đây là (ý nghĩa) Thánh hạnh.(250)
Về tịnh và tuệ, hai hạnh nầy liên quan đến sự trang nghiêm của Phật nói đến qua đoạn kinh sau : Phật trú tại Đại Thừa. Phật chứng đắc Pháp như tự trang nghiêm chính mình với lực của tịnh và tuệ.(251)
(2) Phạm hạnh thuộc Viên giáo (Yuan Fan-hsing) là hạnh thứ hai trong năm Như Lai hạnh. Phạm hạnh là biểu tượng của nhà Như Lai(252), vì chúng sinh nương tựa vào lòng từ bi vô điều kiện trên khắp pháp giới. Thêm nữa, chư Phật hướng tâm chúng sinh khắp cả mọi nơi, vớI thệ nguyện, thần thông, và trí tuệ, an trú trong Phật giới. Trí Khải giải thích hạnh nầy khi nói rằng :
(Vì muốn) hoán chuyển tánh và tướng (như thế ấy) trong chín pháp giới, lòng từ (của chư Phật) sinh khởi; (vì muốn) ban bố sự an lạc của Phật giới (trên chúng sinh), lòng bi vì vậy sinh khởi. Đó là Phạm hạnh.(253)
Phạm hạnh nầy đồng với tam muội Thế tục đế, liên quan đến sự đáp ứng của chư Phật khế hợp với căn cơ chúng sinh có thể lãnh hội được chân lý Giả.
(3) Thiên Hạnh thuộc Viên giáo (Yuan Tien Hsing) là hạnh thứ ba trong năm Như Lai hạnh. Thiên hạnh nầy là biểu tượng của tòa Như Lai (254), và tương hợp với thực tánh.
Thực tánh nầy được hiển lộ bởi chân lý tối thượng, và được chư Phật hộ niệm. Trí Khải nói :
Nguyên lý tự nhiên của chân lý tối thượng là Chân Như của vi diệu lý, được chư Phật hộ niệm, và là nơi chư Phật an trụ.(255)
Đặc tính của nguyên lý tự nhiên nầy là tĩnh lặng, biểu tượng bởi tòa Như Lai :
(Nếu hành giả) đi xa hơn, nhận ra được (đặc tính của) tịch diệt trong mười pháp giới, đây là chỗ ngồi của Như Lai. (256).
Thiên hạnh đồng với vua của các tam muội, đó là Trung Đạo Vương Tam Muội, là sự đáp ứng của chư Phật với căn cơ khế hợp của chúng sinh nhận ra được lý Trung Đạo.
(4) Anh Nhi Hạnh (Yuan Ying-erh-hsing) là hạnh thứ tư trong năm hạnh Như Lai. Anh nhi hạnh là biểu tượng bởi áo Như Lai (257), tương quan với sự nhu hòa. Trí Khải nhìn sự nhu hòa như thanh tịnh, sánh với trẻ thơ :
Nhu hòa phản ảnh tánh tướng thanh tịnh, đồng với hạnh trẻ thơ.(258)
Anh nhi hạnh đồng như Thế tục đế tam muội, là sự đáp ứng của chư Phật với căn cơ khế hợp của chúng sinh, là những chúng sinh phát sinh thiện hạnh.
(5) Bệnh Hạnh(Ping Hsing) là hạnh thứ năm trong năm hạnh Như Lai. Hạnh như người bệnh cũng là biểu tượng của y Như Lai, nhưng tương quan với khía cạnh nhẫn nhục (Jen-ju). Trí Khải nói :
(Nhu hòa đi với tánh nhẫn nhục) phản chiếu tánh và tướng tà vạy, đó cũng đồng như bệnh hạnh.(259)
Hạnh nầy đồng như Thế tục đế tam muội, là sự đáp ứng của chư Phật với căn cơ khế hợp của chúng sinh, là những kẻ đắm chìm trong vô minh và luân chuyển trong các cõi luân hồi.
Phần trên là phần diễn tả sự phân tích của Trí Khải Đại Sư về Diệu Hành. Các loại hành trì khác nhau được khảo sát qua Tứ giáo. Hành mang những đặc tính khác biệt tương quan với Tứ giáo.
(i) Hành thuộc Tạng giáo được hướng dẩn bởi hạ trí, có đặc tính tu trì giới, tịnh, và huệ với mục đích điều phục thân tâm hành giả, và đưa đến chỗ diệt Hữu.
(ii) Hành thuộc Thông giáo được hướng dẩn bởi trung trí, có đặc tính hủy diệt huyễn hữu để đưa vào Không.
(iii) Hành thuộc Biệt giáo được hướng dẩn bởi thượng trí, có đặc tính tinh thông vô lượng phương pháp hành trì riêng biệt để hủy diệt từng lớp vô minh và vào được chỗ huyền nhiệm.
(iv) Hành thuộc Viên giáo được hướng dẩn bởi bậc thượng thượng trí, có đặc tính một hạnh trùm khắp muôn hạnh. Điều nầy nói lên rằng vạn hạnh đồng tương giao, một là tất cả và tất cả là một., từ đó hành giả có thể hội nhập tất cả các hạnh qua một hạnh. Vì thế, Trí Khải kết luận rằng hạnh của ba giáo pháp trên là thô, và hạnh thuộc Viên giáo là vi tế.
Các loại hành trì được phân tích hầu hết qua năm hạnh thuộc Biệt giáo và Viên giáo. Biệt giáo thuộc Bồ tát hạnh, và Viên giáo là Như Lai hạnh. Sự phân loại thứ nhất của năm Bồ tát hạnh- Thánh hạnh được Trí Khải mô tả chi tiết qua giới, định, và tuệ. Trí Khải nói về Thánh hạnh giới qua năm giới hạnh tự lợi và mười giới hạnh lợi tha. Thánh hạnh về Định được nói đến qua Thế gian thiền, Xuất thế gian thiền, và Xuất thế gian thượng thượng thiền. Thánh hạnh về Tuệ được nói đến qua bốn loại tuệ thuộc Tứ Đế : Tuệ Sinh Diệt Tứ Đế, Tuệ Vô Sinh Vô Diệt Tứ Đế, Tuệ Vô Lượng Tứ Đế, và Tuệ Vô Tác Tứ Đế. Liên quan đến sự tu tập trí tuệ Vô tác Tứ Đế, hai mươi lăm tam muội được Đại Sư đưa ra như sự diễn đạt sống động về hạnh nguyện chuyển hóa chúng sinh của chư Bồ tát qua hai mươi lăm Hữu.
(i) Vô cấu tam muội diệt hữu địa ngục,
(ii) Bất thoái tam muội diệt hữu súc sanh,
(iii) Tâm lạc tam muội diệt hữu ngạ quỷ
(iv) Hoan hỷ tam muội diệt hữu A tu la,
(v) Nhật quang tam muội diệt hữu Đông Phất Bà Đề
(vi) Nguyệt quang tam muội diệt hữu Tây Cù Đà Ni
(vii) Nhiệt viêm tam muội diệt hữu Uất Đơn Việt
(viii) Như Huyễn tam muội diệt hữu Nam Diêm Phù Đề
(ix) Bất Động tam muội phá hữu Tứ thiên xứ,
(x) Nan Phục tam muội phá hữu Tam Thập Tam thiên xứ,
(xi) Duyệt Ý tam muội phá hữu Diêm Ma thiên xứ,
(xii) Thanh sắctam muội phá hữu Đâu Suất thiên xứ,
(xiii) Hoàng sắc tam muội phá hữu Hóa Lạc thiên xứ,
(xiv) Xích sắc tam muội phá hữu Tha Hóa Tự Tại thiên xứ,
(xv) Bạch sắc tam muội phá hữu Phạm Thiên xứ,
(xvi) Các thứ tam muội phá hữu Sơ thiền,
(xvii) Song tam muội phá hữu Nhị thiền,
(xviii) Lôi Âm tam muội phá hữu Tam thiền,
(xix) Chú Vũ tam muội phá hữu Tứ thiền,
(xx) Như Hư Không tam muội phá hữu Vô Tưởng,
(xxi) Chiếu cảnh tam muội phá hữu Tịnh Cư A Na Hàm,
(xxii) Vô Ngại tam muội phá hữu Không xứ,
(xxiii) Thường tam muội phá hữu Thức xứ,
(xxiv) Lạc tam muội phá hữu Bất Dụng xứ, và
(xxv) Ngã tam muội phá Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ.

Nhìn về năm hành của Viên giáo, thấy có cùng loại như Biệt giáo qua Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh, Anh nhi hạnh, Như người bệnh hạnh. Tuy nhiên, Trí Khải gọi năm hạnh của Viên giáo là Như Lai hạnh, vì vậy, vượt trên năm hạnh thuộc Biệt giáo. Với lối so sánh như trên giữa Biệt giáo và Viên giáo, năm hạnh Viên giáo được thấy là hạnh tối thượng.
Liên hệ đến Diệu Cảnh, Diệu Trí, và Diệu Hành, và sự tu trì của hành giả từ Trí vào Cảnh như thực, đề mục tiếp theo dưới sự khảo sát của Đại Sư là Diệu Vị.

1.4.4 Diệu Vị (Wei Miao) – phân tích về cái Diệu thứ tư thuộc Tích Môn (T33, 726b – 741b)

Diệu Vị là mục thứ tư trong Tích Môn Thập Diệu. Theo học thuyết của Trí Khải Đại Sư, yếu tố nền tảng liên quan đến việc dựng lập nên Phật giáo là Thể, Tông, và Dụng. Ba yếu tố được Trí Khải lần lượt đưa ra qua ba đề mục Cảnh như thực, Trí, và Hành. Phần nói về Vị sau đây cho thấy rằng sự thành tựu của chúng sinh là kết quả từ việc áp dụng ba phối cảnh nói trên, và vì vậy có cái dụng đúc kết ba đề mục trước. Bởi vì có bốn thứ lớp trong sự hiểu chân lý, sự đưa trí vào chỗ hội nhập chân lý, và sự đưa trí vào chỗ thực dụng, có những Vị khác nhau được phân ra bốn loại chính.. Vì vậy, phân tích về Diệu Vị của Trí Khải là đưa vào hệ thống quả vị hành trì các thừa khác nhau, do đó các thừa được xác định có khả năng phục vụ như phương tiện đưa đến giải thoát. Đồng thời, Phật thừa nhấn mạnh vào sự khác biệt là chân thừa đạt đến giải thoát tối thượng của Phật giới. Nói cách khác, Diệu Vị biểu thị ba đề mục (Cảnh, Trí, và Hành), và chống vững đường lối phân loại của Đại sư về Tứ giáo. Với cách phân tích lập thành hệ thống bốn phần nầy, những phân chia khác nhau về giáo và hành theo lời Phật hội tụ vào một khối chặt chẻ, và có thể cùng có mặt mà không sa vào chỗ lầm lẩn và trái nghịch. Trong khi xác định sự phân chia của giáo pháp Phật, Trí Khải nói rõ bản hoài của Thế Tôn nằm sẳn trong giáo lý, chỉ vì hướng tâm chúng sinh đạt đến Phật địa. Mục tiêu đạt đến Phật giới nầy càng rõ rệt hơn qua hệ thống định phân về Vị của Trí Khải: bất kể thấp hoặc cao, tất cả hành giả ở những quả vị khác nhau đều có thể bình đẳng đạt đến Phật giới. Lối phân định của Trí Khải về sự phơi bày của Diệu Vị có thể được khám phá qua đoạn văn sau :
Vì chân lý là nguyên lý hòa nhập, trí vẹn toàn không gián đoạn; (khi) sự hành trì được hướng dẩn (bởi trí), trở nên vi tế. Trên sự hiển lộ của ba ý nghĩa nầy (đó là chân lý, trí, và hành), Thể, Tông, và Dụng (từ kinh Pháp Hoa) đầy đủ. Hơn nữa, Diệu Vị nên được biết rõ. (260)
Chỗ nầy ám chỉ rằng liên hệ đến chân lý toàn vẹn , trí cũng toàn vẹn.. Trí toàn vẹn có thể hướng dẩn hành đến chỗ đầy đủ. Khi cả ba đề mục chân lý, trí, và hành được chứng ngộ, thứ lớp quả vị phát sinh. Luận về Diệu Vị là điều quan trọng, vì chỉ rõ còn bao xa một hành giả đạt đến mục tiêu chứng nhập Phật giới. Thuận theo các lối hành giả hiểu khác nhau về chân lý, các thứ bậc trí hành giả đạt đến, các phương pháp hành trì hành giả thành tựu, thứ bậc quả vị có khác. Trí Khải tóm lược sáu loại quả vị, tương tự với cỏ và cây thuốc trong kinh Pháp Hoa (261). Trí Khải muốn dùng tỷ dụ nầy để nhấn mạnh sự kiện rằng mục đích làm lợi ích cho chúng sinh của chư Phật vô phân biệt, cũng như mưa rưới đều mọi cảnh vật trên mặt đất. Có thể có những chúng sinh với khả năng khác nhau, do đó thứ bậc chứng đắc khác nhau tùy thuận theo Tứ giáo.. Tuy nhiên, Trí Khải nhấn mạnh rằng bất kỳ chúng sinh hoặc cao hoặc hạ, tất cả đều bình đẳng đạt đến Phật giớí.
Sáu nhóm quả vị là : A. Cỏ thuốc nhỏ, tương tự như nhân thừa và thiên thừa. B. Cỏ thuốc bậc trung, tương tự như Nhị Thừa. C. Cỏ thuốc bậc thượng, tương tự như Bồ tát Tạng giáo. D. Cây thuốc nhỏ, tương tự như Tam thừa Thông giáo. E.Cây thuốc lớn, tương tự như Biệt giáo, và F. Vị Viên giáo.
Trí Khải phân tích từng nhóm trên như sau :

I. Vị cỏ thuốc nhỏ : (T33, 726b-727c)

Theo Trí Khải, cỏ thuốc nhỏ chỉ cho nhân thừa và thiên thừa. quả vị nầy kết quả từ sự tu tập Ngũ Giới và Thập Thiện (là đạo đức căn bản trong Phật giáo).
(1) (T33, 726b-c) Nhìn về Nhân thừa (Jen wei), chúng sinh giữ năm giới (262) có thể đạt được vị nầy, gồm bốn thứ bậc biệu trưng bởi Chuyển Luân Vương, với bốn loại xe báu (263). Hạng thấp nhất là Thiết luân vương, hạng trung là Đồng luân vương, hạng thượng là Ngân luân vương, hạng thượng thượng là Kim luân vương.
1. (T33, 726c-727c) Nhìn về Thiên thừa (Tien sheng wei), chúng sinh tu tập Thập thiện đạo (264) có thể đạt được vị nầy, gồm sáu thứ bậc trong sáu tầng trời cõi Dục (265) . Gồm có :
(i) Bốn tầng trời bốn hướng núi Tu Di
(ii) Tam Thập Tam thiên (Jih-hsing Tien)
(iii) Diệm Ma thiên (Ching ching Tien)
(iv) Đâu Suất thiên (Tou-shuai Tien)
(v) Hóa Tự Tại thiên (Nieh-mo-ti)
(vi) Tha Hóa Tự Tại thiên (Po-luo-nih-mih).
Mỗi từng trời được Trí Khải mô tả như sau :
(1) Bốn tầng trời quanh bốn hướng núi Diệu Cao là bậc thứ nhất trong thiên xứ có bốn cõi (266). Mỗi một cõi có mười cung điện (267) như sau :
(i) Tầng Maladhara thứ nhất có mười cung điện là : a. Bạch Cung Tử, hướng Nam (268), b. Cao Đài, hướng Nam (269), c. Quả Mệnh, hướng Tây (270), d. Bạch Công Đức, hướng Tây(271), e. Nhất Thiết Hỷ, hướng Đông(272), f. Hành Đạo, hướng Đông (273), g. Ái Dục, hướng Bắc (274), h. Ái Cảnh Giới, hướng Bắc (275), i. Tác Ý, hướng Bắc (276), và j. Du Hý Lâm, hướng Bắc (277).
(ii) Tầng Karipada thứ hai có mười cung điện là a. Hành Liên Hoa (278), b. Thắng Mật (279), c. Diệu Âm (280), d. Hương Nhạc (281), e. Phong Hành (282), f. Tán Hoa Hoan Hỷ (283), g. Phổ Quang (284), h. Thường Hoan Hỷ (285), i. Hương Nhạc (286), và j. Bình Phong (287)
(iii) Tầng Thường Như Ý thứ ba có mười cung điện là : a. Hoan Hỷ (288), b. Tú Bình Tụ Sắc (289), c. Phân thắng lợi (290), d. Vạn Sắc Địa (291), e. Pháp Loa (292), f. Sơn Đỉnh (293), g. Ma Cao Đài (294), h. Dục Cảnh (295), i. Thanh Lương (296), và j. Thường Du Hý (297)
(iv) Tầng Vina thứ tư có mười cung điện là : a. Càn Cao Đài (298), b. Ứng Thanh (299), c. Hỷ Lạc (300), d. Tầm Thủy (301), e. Bạch Thân (302), f. Đồng Du Hý (303), g. Lạc Du Hý (304), h. Đồng Hành Hương (305), i. Hóa Sinh (306), và j. Chánh Hạnh (307).
(2) Đao Lợi Thiên là cõi thứ hai, Trí Khải tuyên thuyết rằng, vì cõi trời được sáng tạo do chúng sinh giữ bảy giới, những giới hạnh nầy khiến chúng sinh được tái sinh ở những cõi trời khác nhau. Chúng sinh có thể tái sinh ở cõi Tứ thiên vương nếu giữ được giới không sát sinh, có thể tái sinh ở cõi trời thứ ba mươi ba nếu không sát sinh và không trộm cắp, có thể tái sinh ở cõi trời Dạ Ma nếu không tà dâm ( thêm vào hai giới trước), có thể tái sinh ở Đâu Suất thiên nếu giữ được giới không nói dối (thêm vào ba giới trước), có thể tái sinh vào Hóa Lạc thiên và Tha Hóa tự tại thiên nếu giữ được những giới của cõi người, như bốn giới trước và giới không uống rượu (thêm với bảy giới của Phật) (Fo Chi-chieh) (309).
(3) Dạ Ma Thiên là bậc thứ ba, dưới sự cai quản của Dạ Ma thiên vương. Chúng sinh giữ được ba giới không sát sinh, không trộm cắp, và không tà dâm có thể tái sinh ở Dạ Ma Thiên. (310)
(4) Đâu Suất Thiên là bậc thứ tư. Cõi trời nầy do Đâu Suất thiên vương cai quản. Chúng sinh giữ được bốn giới không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, và không nói dối có thể tái sinh ở cõi trời nầy.
(5) Hóa lạc thiên, có nghĩa là tự tại.
(6) Tha Hóa Tự Tại Thiên, có nghĩa tự tại hoán đổi cái vui của kẻ khác.

II. Vị cỏ thuốc bậc trung (T33, 727c – 729b) :

Trí Khải so sánh vị nầy với Nhị Thừa. Thanh văn gồm có bảy Hiền và bảy Thánh vị.

1. Thất Hiền Vị ( Chi – hsien Wei) (T33, 727c-728a

Hành giả Thanh văn thừa tu tập Tứ Đế. Từ sự hiểu Khổ đế, hành giả quán nhân của khổ, từ đó hiểu được rằng tất cả là vô thường, và phải vượt qua sinh tử, đạt đến giải thoát và vào tịch diệt. Vì thế, Trí Khải xác định rằng hành giả trong vị nầy có khả năng thông đạt Tứ Đế. Vì sự liễu đạt nầy, chư vị tương ưng với phẩm hạnh cao. ba vị đầu tiên là Ngũ đình tâm vị, Biệt tướng, và Tổng tướng niệm trụ cùng đứng chung với nhau gọi là Ngũ Đình Tâm và Tứ Niệm Trụ (311) thuộc Ngoại phần (Wai-fan), và bốn vị sau Trí Khải gọi là Tứ Thanh Tịnh (Ssu-shan-ken) (312) thuộc Nội phàm (Nei-fan).
(1) Ngũ đình tâm vị : là bậc thứ nhất trong bảy bậc Hiền thành tựu do những chúng sinh tu Ngũ đình tâm quán (313), quán sự bất tịnh của sự vật, sinh từ tâm với kẻ khác, đếm hơi thở, quán nhân duyên, hướng về Phật để vượt qua năm chướng ngại trên đường tu (314). Vị nầy được gọi là sơ vị, vì nếu diệt được chướng ngại, Đạo sẽ mở sáng. Vì thế, cái hiểu về hành và tuệ của hành giả trở nên hòa hợp. (315)
(2) Biệt tướng niệm trụ vị : (Vị thuộc Tứ niệm trụ được tu tập riêng rẽ) là vị thứ hai trong thất Hiền.. Sau khi vượt qua năm chướng ngại nói trên, hành giả có thể nhận hiểu được Tứ Đế, và thực hành Tứ Niệm Trụ (như là quán thân bất tịnh, thọ tức khổ, tâm vô thường, và pháp vô ngã, đưa đến sự loại bỏ bốn lối nhìn sai lầm (Ssu Tien tao) như xem thân là trong sạch, thọ là vui thú, tâm là thường hằng, và pháp là cố định.
(3) Tổng tướng niệm trụ vị : (Vị thuộc Tứ Niệm Trụ được tu tập chung) là bậc thứ ba trong thất Hiền. Ở đây quán sâu hơn về thân, thọ, tâm, và pháp đối với tánh chung của các pháp, như tất cả các pháp là bất tịnh, khổ, vô thường, và thiếu tự ngã.
(4) Noãn pháp vị : là vị thứ tư trong thất Hiền. Dựa vào pháp tu tập thứ hai và thứ ba nói trên, hành giả có thể diệt phiền não, và đến được cái hiểu tương tự (Fa-hsiang-ssu-chieh) (316) gần với trí tuệ về kiến đạo vô nhiễm (317). Đó là Noãn (ấm) với ý nghĩa giống như tiết xuân, là thời gian khi sự ấm áp bắt đầu lan tỏa. Trí Khải dùng hơi ấm dụ cho trí tuệ thông đạt phát sinh từ quán chiếu mười sáu khía cảnh sống động của Tứ Đế (318) trong ba cõi và ý nghĩa tích tập những thiện pháp đến từ sự quán chiếu nầy.
(5) Đỉnh pháp vị : là vị thứ năm trong thất Hiền. Trí Khải giải thích và so sánh ý nghĩa Đỉnh với hành giả trên đỉnh núi có cái nhìn cùng khắp mọi phương hướng. Hạnh nầy vượt trên hạnh Noãn nói trên. Sự quán chiếu của hành giả về mười sáu khía cạnh sống động của Tứ Đế được khai phá rõ rệt hơn những vị trước, và trí tuệ tương tự thông đạt của hành giả rất gần với trí tuệ vô nhiễm. Đỉnh núi sánh với nơi mà hành giả không thể dừng lại lâu, hoặc là tiến lên (nếu không bị ngăn ngại), hoặc là lùi bước.
(6) Nhẫn pháp vị : là vị thứ sáu trong thất Hiền. Ở vị nầy, trí tuệ tương tự liễu đạt của hành giả tiến xa hơn, và hành giả nhận được nguyên lý Tứ Đế. Thiện hạnh của hành giả vững vàng, khó thối chuyển, và có năng lực xa lìa dục lạc.
Có ba bậc nhẫn là hạ nhẫn, trung nhẫn, và thượng nhẫn. Hạ nhẫn vẫn còn quán chiếu mười sáu khía cạnh của Tứ Đế. Trung nhẫn dần dần vượt bỏ một số khía cạnh của Tứ Đế đến mức độ hành giả chỉ quán chiếu những khía cạnh liên quan đến Khổ đế trong cõi Dục. Với phương tiện quán chiếu Khổ đế, hành giả đạt đến hạnh nhẫn cao hơn, là khái niệm liên tục và đầy đủ về Tứ Đế.
(7) Thế đệ nhất pháp vị : là vị cuối trong thất Hiền. Vị nầy tương đương với thượng nhẫn, là là thiện hạnh kỳ đặc mà một chúng sinh có thể đạt đến.(319).. Xa hơn, Khổ pháp nhẫn sinh từ Thế đệ nhất pháp như một nhịp cầu đưa hành giả đến thánh vị kiến đạo.

2. Thất Thánh Vị (T33, 728a-729b)

Những vị nầy có đặc tính Kiến Đạo hoặc Tu Đạo, hoặc Vô Học. Trí Khải giải thích rằng lý do hành giả tại vị nầy được gọi là Thánh vì :
Thuận theo Khổ đế, trí tuệ hành giả phát sinh. Vượt bỏ vô minh, hành giả bước vào thánh giới, và thông đạt nguyên lý với trí thực thanh tịnh. Vì thế gọi là bậc Thánh(320).
a. Tùy Tín Hành Vị (Sui Hsin Hsing Wei) : là bậc thứ nhất trong Thất Thánh. Tên gọi Tùy Tín Hành chỉ cho hành giả với căn cơ thấp kém (tun ken), bước vào kiến đạo với đức tin vào những điều được học được từ người khác, không phải từ trí tuệ của chính mình.
b. Tùy Pháp Hành Vị (Sui Fa Hsin Wei) : là bậc thứ hai trong Thất Thánh. Khác với bậc trên, hành giả căn cơ cao hơn (li ken) chứng đắc vị nầy, vì vào Đạo qua quán chiếu Tứ Đế. Vị thứ nhất và thứ hai vẫn còn là sơ quả, chỉ cho Kiến Đạo.
c. Tín Giải Vị ( Hsin-chieh Wei) : là bậc thứ ba trong Thất Thánh. Tín Giới và hai vị sau cho thấy một tiến hành, chỉ cho Tu Đạo. Hành giả ở vị nầy giống như ở thánh vị thứ nhất. Trí Khải nói :
Hành giả với căn cơ chậm lụt dựa vào đức tin. Nếu tiến lên được, sẽ hiểu cái chân vô lậu.(321).
Có bốn quả vị hành giả ở vị nầy có thể chứng đắc :
(i) Sơ quả : là Tu Đà Hoàn, gồm ba thứ lớp, bậc thấp nhất gọi là Hướng, thuộc về Kiến Đạo. Bậc giữa gọi là Quả, thuộc Tu Đạo. Bậc cao nhất gọi là (Sheng-chin/visesa) biểu hiện quả vị thứ hai ở cấp bậc thấp, thuộc về Tu Đạo. Tu Đà Hoàn đã diệt tám mươi tám lối nhìn sai lầm (322).
(ii) Nhị quả : là Tư Đà Hàm, thuộc Tu Đạo, cũng có ba thứ lớp. bậc thứ nhất là Hướng, đã diệt được lớp ô nhiễm thứ năm (323) cõi Dục. Bậc thứ hai là Quả đã diệt được lớp ô nhiễm thứ sáu cõi Dục. Bậc cao nhất là (Sheng-chin) biểu hiện quả vị thứ ba ở cấp bậc thấp.
(iii) Tam quả : là A Na Hàm, cũng có ba bậc. Bậc thứ nhất là Hướng, đã diệt được lớp ô nhiễm thứ bảy và thứ tám. Bậc thứ hai là Quả đã diệt được lớp ô nhiễm thứ chín. Điều nầy có nghĩa rằng hành giả đã hoàn toàn diệt được ô nhiễm cõi Dục, và sẽ không còn chịu luân hồi trong cõi Dục.
(iv) Tứ quả : là A La Hán, thuộc về Vô Học. Có hai cấp bậc : cấp thấp là Hướng, cấp cao là Quả.
d. Kiến đắc vị ( Chien-te wei) : là vị thứ tư trong Thất Thánh. Hành giả ở vị nầy, giống như vị thứ hai, có căn cơ bén nhạy, có thể Kiến Pháp với trí tuệ. Kết quả, vượt qua hai quả vị trước, chứng ngộ quả thứ ba.
e. Thân chứng vị (Shen-cheng wei) : là bậc thứ năm trong Thất
Thánh. Vị Thân Chứng nầy thuộc quả thứ ba, từ hành giả có căn cơ chậm lụt, dựa vào đức tin (Hsin-hsing tun-ken). Hành giả có thể vào Diệt Tận Định( Mieh-chin Ting), trong đó vạn pháp từ tâm sinh và những cái dụng của tâm bị diệt. Khôn gcòn sự khác biệt giữa năng chứng và sở chứng.. Trí Khải giải thích loại thiền định nầy như sau :
Thân hành giả hoàn toàn bất động, và tất cả mọi sự việc trong ba cõi cũng lắng đọng. Hành giả chứng ngộ, qua kinh nghiệm thiền, sự hủy diệt của tưởng và thọ. Vì thể được gọi là chứng ngộ qua kinh nghiệm.(324)
Sự thành tựu của tam muội nầy gọi là Thân chứng A na hàm (Shen-cheng A-na-han)
f. A La Hán giải thoát từng phần ( Samayavimukti) : là vị thứ sáu trong Thất Thánh. Samayavimukti chỉ cho năm loại A La Hán đầu tiên (325), là những bậc chỉ cỏ thể đạt đến giải thoát khi đúng thời. Các vị nầy cũng là những chúng sinh có căn cơ thấp kém, dựa vào đức tin để vào đạo. Năm vị A La Hán nầy thuộc hàng Vô Học Đạo, và mỗi bậc có hai thứ lớp chứng đắc. Bậc chưa đạt đến Diệt Tận Định (Nirodhasamapatti) được gọi là giải thoát với trí tuệ (Prajnavimulka), như là thoát ra những ngăn ngại qua lối hiểu đúng, nhưng không qua phương tiện quán chiếu; và bậc đã đạt đến Diệt Tận Định được gọi là giải thoát hoàn toàn (Ubhayatovimukta), vượt thoát những ngăn ngại qua cả hai phương tiện hiểu và quán chiếu.
g. A La Hán giải thoát toàn diện (Asamayamukta) : là bậc thứ bảy trong Thất Thánh. Đây là bậc A La Hán với căn cơ bén nhạy, thực hành Pháp, và có thể chọn thời kỳ giải thoát như ý. Vị nầy đã đạt được bất thối (Avaivartika) và cũng được gọi là Bất Động Pháp A La Hán, có nghĩa rằng không bị phiền não lay động. Vị nầy cũng có hai loại giải thoát, gồm giải thoát với trí tuệ, và hoàn toàn giải thoát.

3 Bích Chi Phật Vị ( T33, 729b) :

Ngoài bảy thánh vị nói trên thuộc Thanh văn thừa, Trí Khải cũng kể ra quả vị Bích Chi Phật.. Sánh với Thanh văn, Bích Chi Phật với căn cơ bén nhạy, chuyên chú về lý Mười Hai Nhân Duyên. Mười Hai Nhân Duyên đưa đường cho vị nầy nhận hiểu khổ nhân. Bích Chi Phật còn có tên là Độc giác (Tu-chueh), nếu tự chứng đắc vào thời gian không có ứng thân Phật tại thế; được gọi là Nhân Duyên Giác (Yin-yuan chueh), nếu chứng đắc vì nghe được giáo lý Mười Hai Nhân Duyên vào thời gian có ứng thân Phật tại thế. (326)

III. Vị Cỏ Thuốc Bậc Thượng ( Shang-yao-tsao Wei) (T33, 729b-c)

Trí Khải so sánh vị nầy với Bồ tát Tạng giáo (327) và chỉ cho thứ lớp chứng đắc của Phật đạt đến trong những kiếp trước sự chứng đắc trong kiếp nầy. Trí Khải đưa ra ba vị thế biểu thị đường Phật đi như Bồ tát trước khi chứng đắc.
Vị thế thứ nhất đạt đến bởi Bồ tát trong Đệ Nhất A tăng kỳ kiếp. Bồ tát khởi hành với tâm mong cầu Phật địa, phát lời thệ nguyện với lòng đại bi. Bồ tát tu tập Đạo đế trước để diệt nhân khổ cho chính mình, trong khi hành trì Lục Độ để hoán chuyển chúng sinh. Quả vị nầy tương đương với ba vị đầu tiên thuộc Thất Hiền.
Vị thế thứ hai đạt đến bởi Bồ tát trong Đệ Nhị A tăng ký kiếp. Quả vị nầy tương đương với Noãn Pháp, là quả vị thứ tư trong Thất Hiền. Mặc dù vị Bồ tát nầy tự biết mình sẽ thành Phật, nhưng không nói điều nầy với chúng sinh.
Vị thế thứ ba đạt đến bởi Bồ tát trong Đệ Tam A tăng kỳ kiếp. Quả vị nầy tương đương với Đỉnh Pháp, là quả vị thứ năm trong Thất Hiền. Ở vị nầy, Bồ tát liễu đạt Tứ Đế, và tuyên thuyết cùng chúng sinh rằng Bồ tát sẽ là Phật vị lai.

IV. Vị Cây Thuốc Nhỏ (Hsiao-shu Wei) (T33, 729c-731b)

Trí Khải sánh quả vị nầy tương tự như quả vỉ thuộc Tam Thừa (Thanh văn, Duyên Giác, và Bồ tát) của Thông giáo.

1. Những vị trong Tam Thừa Thông Giáo (T33, 729c-730a) :

Trước hết, Trí Khải nói về mười vị thuộc Tam thừa như sau :
(1) Can Tuệ Địa (Chien-hui Ti) : là địa thứ nhất thuộc Thông giáo. Can Tuệ có nghĩa rằng hành giả chưa đạt chân lý, như Lý thủy (Li-shui), và là tên gọi chung sơ địa Tam thừa. Quả vị nầy tương đương với Ngũ Đình Tâm và Tứ Niệm Trụ, tu tập riêng và chung. (328) Đây là ba trong bảy bậc Hiền thuộc Ngoại phàm. Tam thừa chứng ngộ thế giới hiện tượng là ảo mộng, vượt qua tám điên đảo (329). Tu tập Tứ chánh cần (330), Tứ như ý túc (331), Ngũ căn (332), Ngũ lực (333), Thất Bồ đề phần (334), Bát chánh đạo phần (335), đặc tính tổng quát của lý Tứ Đế được Tam thừa liễu đạt.
(2) Tánh địa (Hsing Ti) : là địa thứ hai thuộc Thông giáo. Địa nầy tương đương với bốn bậc sau cùng của bảy bậc Hiền, gọi là bốn thiện căn, thuộc Nội phàm. Hành giả Tam thừa, thông đạt hơn các vị trước, chứng đắc được chỗ tương tự như vô nhiễm, như Pháp tánh thủy (fa-hsing shui), và làm chủ được kiến tư hoặc.
(3) Bát nhẫn địa (Pa-jen-Ti) : là bậc thứ ba thuộc Thông giáo. hành giả tu tập theo tín tâm và Pháp tánh nhẫn (fa hsing-jen), tương đương với sơ quả Tu Đà Hoàn. Hai vị nầy, vào pháp và hiểu được giả tướng, có thể đạt đến địa vị chân vô lậu. Qua tam muội không gián đoạn, được đầy đủ bởi Bát Nhẫn trong Tứ Đế, nhưng vẫn còn thiếu tám loại trí tuệ giải thoát. (337)
(4) Kiến địa (Chien-ti) : là khi Tam thừa vào Kiến đạo đạt được lý tối cao (trong Vô Sinh Tứ Đế), và diệt hoàn toàn tám mươi tám loại tà kiến (338). Địa nầy tương đương với sơ quả Tu Đà Hoàn.
(5) Bạc địa (Pao-ti) : là bậc thứ năm thuộc Thông giáo, tương đương với Tư Đà Hàm . Vào địa nầy, Tam thừa còn một ít ô nhiễm ở cõi Dục. Nhận chân rằng vọng dục đồng nhất với Chân Đế, Tam thừa đến đưọc sáu bậc vô ngại như kết quả từ sự hủy diệt sáu trong chín thứ lớp ô nhiễm thuộc Dục giới (339), vì có thể đạt đến vị giải thoát thứ sáu.(340) Bởi vì chỉ còn ba thứ lớp vọng động, quả vị nầy được gọi là bạc địa.(341)
(6) Ly dục địa (Li-yu-ti) : là bậc thứ sáu thuộc Thông giáo, tương đương với A Na Hàm. Vào địa nầy, Tam thừa đã vượt qua chín thứ lớp ô nhiễm ở cõi Dục khi hiểu được rằng trói buộc và vọng dục chỉ là hư ảo, và vì thế thấy được rằng giả tưóng chính nó cũng là Không. Tánh rỗng lặng nầy ở chỗ vạn pháp là Chân Đế. Với sự chứng ngộ về Chân Đế, Tam thừa hoàn toàn diệt được năm móc xích từ hạ giới (diệt vọng thuộc cõi Dục) (342)
(7) Dĩ-biện- địa (I-pan-ti) : là bậc thứ bảy thuộc Thông giáo, tương đương với A La Hán. Vào địa nầy Tam thừa hoàn toàn diệt bỏ cái thấy và làm sai lầm trong ba cõi, cho thấy rằng ngoài việc vượt bỏ chín lớp ô nhiễm trong cõi Dục đã thành tựu trong hai địa trước, bảy mươi hai lớp ô nhiễm trong hai cõi Sắc và Vô Sắc phải vượt qua.(343) Dựa vào sự chứng ngộ của Chân Đế, Tam thừa đi sâu hơn vào Không như Chân Đế nhấn mạnh trên Giả tướng trong cõi Sắc và Vô Sắc, vì đã chứng đắc trạng thái thực sự vô nhiễm của bậc A La Hán. Chỗ nầy cho thấy rằng chư vị đã vượt qua năm móc xích của các cõi trên cõi Sắc và Vô Sắc (344) (đó là chấm dứt bảy mươi hai sự ô nhiễm). Tên gọi địa nầy là Dĩ biện chỉ cho sự hoàn toàn diệt vọng trong ba cõi (345). Với các bậc Thanh văn, địa nầy hoàn tất sự tu tập. Tuy nhiên, theo Trí Khải, bảy mươi hai sự ô nhiễm nầy chỉ là thứ lớp sơ khởi. Với Duyên giác, địa nầy chưa phải là hoàn toàn thành tựu, mà còn những tập khí (Yu-hsi) cần được xóa bỏ.
(8) Bích chi Phật địa (Pi-chih Fo ti) : là bậc thứ tám thuộc Thông giáo. Trí Khải nhấn mạnh rằng vào địa nầy, Bích Chi Phật đã đạt đến chỗ thật sự vô nhiễm. Sức mạnh của giá trị đức hạnh khiến vượt qua tất cả những tập khí.(346)
(9) Bồ tát địa (Pu-sa ti) : là bậc thứ chín thuộc Thông giáo. Quả vị nầy được chứng đắc bởi chư vị Bồ tát, là những bậc đã từ Không đi vào Giả và tiến sâu hơn vào chỗ diệt tập khí. Vì quán sâu Nhị Đế, Bồ tát được Pháp Nhãn và Đạo Chủng Trí. Tương ứng với thần lực, Bồ tát thanh tịnh Phật địa, hoán chuyển chúng sinh, học Thập Lực (347) và Tứ Vô Úy (348) của Phật. Bồ tát gần sát với chỗ hủy diệt hoàn toàn tập khí.Quả vị nầy và những quả vị tiếp theo chỉ có tên gọi là Bồ tát địa và Phật địa mà không có ai là người chứng đắc quả vị. Điều nầy bởi vì Thanh văn và Bồ tát hạ căn và Duyên giác ở bậc thứ bảy và thứ tám đã vào Niết Bàn không lưu lại. Bồ tát thượng căn ở bậc thứ tư, Bồ tát trung căn ở bậc thứ năm và thứ sáu, và Bồ tát hạc căn ở bậc thứ bảy và thứ tám đã từ Thông giáo vào Biệt giáo và Viên giáo.
(10) Phật Địa (Fo-ti) : là bậc cuối cùng thuộc Thông giáo.Thành tựu quán chiếu về Chân Như với trí tuệ, và diệt tất cả tập khí, vị Bồ tát nầy đạt đến Phật giới (349). Trí Khải chỉ rõ những nét chung của Tam thừa khi nói rằng :
Mặc dù Bồ tát và chư Phật tên gọi khác với Nhị Thừa, tất cả chư vị đều quán chiếu vô sinh qua vạn pháp. Chư vị thuộc về bậc Vô Học, và chứng đắc hai loại Niết Bàn (350), cả hai diệt ô nhiễm như tro tàn. Chư vị chứng đắc cùng quả vị, vì thế gọi là Thông (351)
Ngoài những đặc tính chung nói trên, Trí Khải cũng đưa ra một đề mục nói riêng về Bồ tát thuộc Thông giáo.

2. Đề mục riêng về Bồ Tát Thông giáo (T33, 730a-731b)

Trí Khải nói hai phần về Bồ tát Thông giáo là Biệt Lập (Pieh-li) và Biệt Danh (Pieh-ming). cái trước thành lập một đề mục riêng cho các Bồ tát Thông giáo, và cái sau nói rõ các Bồ tát Thông giáo mang những tên gọi tương đương với các Bồ tát Biệt giáo.
(1) Phục nhẫn (Fu-jen) : tương đương với bậc thứ nhất Can Huệ Địa thuộc Thông giáo, và Thập Tín (352) của Biệt giáo. Vào địa nầy, Bồ tát phát khởi bốn đại nguyện từ sự liễu đạt về Vô Sinh Tứ Đế. Làm như vậy, Bồ tát điều phục kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi. Chỗ nầy khác với lối tu tập của Nhị Thừa.
(2) Thuận nhẫn (Shun-jen) : tương đương với bậc thứ hai Tánh đîathuộc Thông giáo, và Tam Thập Tâm (san shih hsin) (353) thuộc Biệt giáo như Thập Trụ, Thập Hạnh, và Thập Hồi Hướng. Vào địa nầy, Bồ tát diệt kiến tư hoặc trong ba cõi và những ô nhiễm từ sự thiếu vô lượng trí trong và ngoài ba cõi (354), Bồ tát điều phục căn bản vô minh, và điều phục tâm chúng sinh. Bồ tát hành Lục Độ để làm lợi ích chúng sinh. hành xử nhu thuận với chúng sinh nên gọi là thuận nhẫn. Từ địa thứ ba cho đến địa thứ mười Thông giáo, Bồ tát mang tên Thập Địa (355) Biệt giáo. Điều nầy có nghĩa rằng mỗi mười Địa, Bồ tát có thể diệt một phần căn bản vô minh và chứng ngộ một phần Trung Đạo.
(3) Vô Sinh Pháp Nhẫn Đạo (Wu-sheng fa-jen Tao) : tương đương với bậc thứ ba Bát Nhẫn Địa thuộc Thông giáo, và địa thứ nhất thuộc Biệt giáo là Hoan Hỷ Địa. Trí Khải giải thích địa nầy như sau :
Bởi vì Bồ tát hiểu chân lý như giáo nghĩa và diệt những móc xích ảo tưởng, Bồ tát không phát tâm cầu giải thoát. Vì thế, Bồ tát nhận một tên gọi đặc biệt là Vô Sinh Pháp Nhẫn.(356)
(4) Vô Sinh Pháp Nhẫn Quả (Wu-sheng Fa-jen Kuo) : tương đương với bậc thứ tư Kiến Địa thuộc Thông giáo, và địa thứ nhất trong mười địa của Biệt giáo là Hoan Hỷ Địa, Bồ tát và Nhị Thừa chứng được cái thấy về Vô Sinh Tứ Đế. Nói về thần lực thì cả tam thừa đều có thần lực.
(5) Du Hí Ngũ Thần Thông (Yu-Hsi Wu-shen-tung) (357) : tương đương với bậc thứ năm Bạc Địa thuộc Thông giáo, và bậc thứ hai và thứ ba trong mười địa thuộc Biệt giáo, là Ly Cấu Địa, và Phát Quang Địa, tại đây Bồ tát từ Không vào Giả, hoán chuyển chúng sinh và thanh tịnh cõi Phật.
(6) Ly dục Thanh tịnh (Li-yu Ching ching) : tương đương với địa thứ sáu Ly dục địa thuộc Thông giáo, và địa thứ tư và thứ năm trong mười địa thuộc Biệt giáo là Diệm Tuệ Địa và Nan Thắng Địa, Bồ tát tại đây bước vào Gìả tướng và không bị lay động bởi vọng dục cõi thế tục.
(7) Vô Sinh Pháp Nhẫn (Wu-sheng Fa-jen) : tương đương với địa thứ bảy Dĩ biện địa, và địa thứ sáu và thứ bảy trong mười địa thuộc Biệt giáo là Hiện tiền địa, và Viễn hành địa. Đây là quả vị của A La Hán.
(8) Vô Sinh Pháp Nhẫn (Wu-sheng Fa-jen) : tương đương với địa thứ tám Bích Chi Phật thuộc Thông giáo, và địa thứ tám Bất Động trong mười địa thuộc Biệt giáo. Đây là quả vị của Bích Chi Phật.
(9) Bồ tát địa là địa thứ chín tương đương với địa thứ chín Thiện Tuệ Địa trong mười địa thuộc Biệt giáo.
(10) Phật địa là địa thứ mười tương đương với địa sau cùng là Pháp Vân Địa thuộc Biệt giáo, hiển lộ vạn pháp qua Trung Đạo, và là sự thành tựu cao nhất của Bồ tát Thông giáo, tương tự như Phật địa.

IV. Vị Cây Thuốc Lớn (Ta-shu Wei) (T33, 731b-732b)

Trí Khải so sánh vị cây thuốc lớn với Bồ tát Biệt giáo. Đại Sư giải thích rằng Biệt giáo đặc thù về danh, giáo lý, nguyên tắc, tri kiến, và sự diệt vọng tâm.(358). Trí Khải đưa ra ba điều để minh chứng cho lập luận của Đại Sư. Trước hết, giáo lý Biệt giáo có đặc tinh của Vô Lượng Tứ Đế, bởi vì Bồ tát hiểu mỗi đế trong Tứ Đế mang vô lượng tướng. Với Vô Lượng Tứ Đế, Bồ tát đạt đến bốn thứ lớp chứng ngộ. Trí Khải tin rằng, vì có nhiều thứ bậc chứng ngộ khác nhau, điều cần thiết là đưa ra những quả vị. Đây là điểm thứ hai, nói đến quả vị Bồ tát tương quan với ba tạng kinh. Một số quả vị tổng quát được nói đến qua bộ kinh Bồ Tát An Lạc bản Nghiệp (Pu-sa Yin-luo Pen-yeh). Sự cao hạ của những quả vị nầy được giải thích trong kinh Đại Bát Nhã. Nội dung tu tập thì được nói đến trong kinh Đại Niết Bàn. Điểm thứ ba của Trí Khải là lời kết luận rằng, ngoài bảy quả vị được nói đến qua ba tạng kinh, Bồ tát vị cũng được những kinh khác nói đến. Ba điểm trên được trưng dẩn như sau :
(1) Trong tương quan với Vô Lượng Tứ Đế, vị trí của Biệt giáo có thể phân ra bốn loại phù hợp với Tứ giáo (Tạng, Thông, Biệt, và Viên) (359). Thấy rằng Tứ giáo thì vô lượng, sự vô lượng chỉ cho tất cả bao gồm, và Tứ giáo dung hợp tất cả giáo lý Phật, Trí Khải có thể giữ vững sự phân định về Vô Lượng Tứ Đế phù hợp với Tứ giáo.
Đặc biệt mà nói, loại Vô Lượng Tứ Đế thứ nhất phù hợp với Tạng giáo, diệt được kiến hoặc và tư hoặc nhưng không điều phục và hủy diệt được sai lầm vì thiếu vô lượng trí cứu giúp chúng sinh (nhiều như cát bụi), cũng không điều phục và diệt được căn bản vô minh. Chỗ nầy bởi vì điều phục và hủy diệt sự sai lạc thứ nhất là đặc tính của Thông giáo và Biệt giáo, và điều phục và hủy diệt sự sai lạc thứ hai là đặc tính của Biệt giáo và Viên giáo.
Vô Lượng Tứ Đế thứ hai phù hợp với Thông giáo, gián tiếp tiến đến chỗ điều phục và hủy diệt trần sa hoặc, nhưng chưa điều phục và hủy diệt được căn bản vô minh. Đối với địa thứ bảy thuộc Thông giáo hiểu chân lý Giả trong ba cõi, hành giả chỉ có thể dập tắt sự thiếu vô lượng trí trong ba cõi, nhưng không ngoài ba cõi.
Vô Lượng Tứ Đế thứ ba phù hợp với Biệt giáo, có khả năng điều phục và diệt trần sa hoặc cũng như căn bản vô minh. Thấy rằng Bồ tát Biệt giáo hiểu sự sai lầm vì thiếu vô lượng trí trong và ngoài ba cõi, Bồ tát có thể diệt những sai lạc nầy, bởi vì có thể diệt được căn bản vô minh.
Vô Lượng Tứ Đế thứ tư phù hợp với Viên giáo, tiến thẳng về chỗ điều phục và diệt trần sa hoặc và căn bản vô minh. Điều nầy bởi vì Bồ tát Viên giáo có khả năng liễu đạt Tam Đế chiếu soi cả sự và lý trong Pháp giới.
(2) Điểm thứ hai của Trí Khải là vị trí của Biệt giáo có thể phân ra làm ba nhóm tương quan với ba tạng kinh.(360)
Thứ nhất, bảy sự phân chia quả vị được nói đến qua kinh Bồ Tát An Lạc Bản Nghiệp ( Pu-sa Yin-luo Pen-yeh). Trí Khải nói rằng qua tạng kinh nầy, bảy thứ bậc được đưa ra, có những quả vị trùng hợp với những quả vị thuộc Tạng giáo và Thông giáo.
(i) Thập Tín (Shih-hsin) (361) : là những vị đầu tiên thuộc Biệt giáo tương đương với ba bậc đầu trong Thất Hiền của Tạng giáo thuộc Ngoại phàm (362) và cũng tương đương với bậc thứ nhất Can Huệ Địa (363), trong đó quả vị Bồ tát Thông giáo mang tên là Phục Nhẫn.(364)
(ii) Thập Trụ (Shih-chu) (365) : là những vị thứ hai thuộc Biệt giáo tương đương với bậc thứ tư Noãn Pháp Vị (366) trong Thất Hiền của Tạng giáo thuộc Nội phàm, và cũng tương đương với bậc thứ hai Tánh Địa (367) thuộc Thông giáo, trong đó quả vị Bồ tát Thông giáo mang tên Thuận Nhẫn (368).
(iii) Thập Hạnh (Shih-hsing) : (369) là những vị thứ ba thuộc Biệt giáo tương đương với bậc thứ năm Đỉnh Pháp (370) trong Thất Hiền của Tạng giáo thuộc Nội phàm.
(iv) Thập Hồi Hướng (Shih-hui-hsiang) (371) : là những vị thứ tư thuộc Biệt giáo tương đương với bậc thứ sáu và thứ bảy Nhẫn Pháp và Thế Đệ Nhất Pháp (372) trong Thất Hiền của Tạng giáo thuộc Nội phàm.
(v) Thập Địa (Shih-ti) : là những vị thứ năm thuộc Biệt giáo tương đương với Tứ Quả (373) trong Thất Thánh của Tạng giáo. Tuy nhiên, theo Trí Khải, thứ bậc của những vị nầy là Tứ Quả của Biệt giáo, không những diệt được kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi như Tứ Quả của Tạng giáo, mà còn diệt được vô minh.
(vi) Đẳng Giác (Teng-chueh Ti) : như vị thứ sáu thuộc Biệt giáo là vị thứ năm mươi mốt Bồ tát địa, và là bậc sau cuối trước khi đạt đến Phật địa. (374) Quả vị nầy gọi là Đẳng giác Phật.
(vii) Diệu Giác (Miao-chueh Ti) : như vị thú bảy thuộc Biệt giáo là vị thứ năm mươi hai Bồ tát địa, là địa mà nơi đó, Bồ tát chứng đắc Đạo quả. Đây là quả Phật Biệt giáo.
Thứ hai, bảy sự phân loại về quả vị được khảo sát trong tương quan với kinh Đại Bát Nhã. Ở đây, Trí Khải luận mức độ cao thấp trong sự diệt vọng của bảy thứ bậc liên quan đến Tam Quán được nói đến qua kinh Đại Niết Bàn.
(i) Với Thập Tín, Bồ tát tu tập quán chiếu từ Giả vào Không (Tsung-chiao Ju-kung Kuan) (375), và điều phục kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi. Chỗ nầy là nơi Bồ tát chuẩn bị bước vào Thập Trụ.
(ii) Nếu Bồ tát đạt đến quả Thập Trụ, Bồ tát diệt kiến hoặc và tư hoặc, và sự ô nhiễm vì trần sa hoặc trong tam giới.
(iii) Quán chiếu từ Không vào Giả (Tsung-kung Ju-Chia) là Thập Hạnh, diệt ô nhiễm vì trần sa hoặc ngoài tam giới.
(iv) Tu tập chánh quán về Trung Đạo (Hsiu Chung-tao Cheng-kuan), Bồ tát bước vào Thập Hồi Hướng, phá căn bản vô minh (Fa Wu-ming).
(v) Chứng được Trung Đạo chánh quán, Bồ tát vào Thập Địa đến Phật giới, diệt căn bản vô minh (Po Wu-ming)
(vi) Nếu Bồ tát muốn đoạn diệt tập khí phiền não với Nhất Thiết Chủng Trí, Bồ tát học Bát Nhã. Đây là quả vị Đẳng giác.
(vii) Khi tập khí vô minh và phiền não đoạn diệt, Bồ tát được gọi là Phật, và sự chứng đắc đồng với Diệu giác.
Thứ ba, bảy sự phân chia quả vị được khảo sát trong tương quan với kinh Đại Bát Niết Bàn. Trí Khải nói về những quả vị Bồ tát Biệt giáo khác nhau là kết quả của Thánh hạnh trong kinh Đại Niết Bàn.(376) . Đặc biệt, Thánh Hạnh tu trì Gìới và Định đưa đến quả vị Thập Tín (377) . Tu Tuệ thuộc Sinh Diệt và Vô Sinh Tứ Đế đưa đến quả vị Thập Trụ (378). Tu Tuệ Vô Lượng Tứ Đế đưa đến quả vị Thập Hạnh (379). Tu Tập Nhất Đế (Trung Đạo), và Vô Tác Tứ Đế đưa đến quả vị Thập Hồi Hướng (380). Chứng ngộ Nhất Đế (Trung Đạo) và thành tựu Vô Tác Tứ Đế tức đầy đủ Thánh Hạnh, và chứng được Thập Địa. Chỗ nầy nói lên rằng Bồ tát trụ ở Vô Úy, đắc hai mươi lăm tam muội, diệt hai mươi lăm Hữu. Từ đây, Bồ tát tiến lên Đẳng giác. Vào Diệu giác, Bồ tát đắc Phật nhãn.
Điểm thứ ba của Trí Khải đưa đến kết luận rằng những quả vị Biệt giáo không những được nói qua ba bản kinh trên mà còn được nói đến trong những bản kinh khác.
V.Viên Giáo Vị (Yuan-chiao Wei) (T33, 732b-741b)

Đây là đề mục sau cùng về các quả vị. So sánh với năm đề mục trước, Trí Khải nhìn quả vị Viên giáo là thực vị trên tất cả những vị khác. Để giữ vững lập luận của mình, Đại Sư phân tích sự siêu việt của những quả vị thuộc Viên giáo qua mười khía cạnh :
(1) Định nghĩa (Chien-ming-i), phân biệt ba vị trí về chữ Viên và Viên giáo vị có thể đưa ra ý nghĩa trọn vẹn.
(2) Minh định thứ tự quả vị (ming wei shu) đưa ra hai nhóm quả vị Viên giáo trong chiều hướng đi lên.
(3) Minh định Viên vị về điều phục và diệt vọng niệm.(Ming Yuan weiTuan-fu) khiến cái dụng siêu việt từ những quả vị nầy được nhấn mạnh.
(4) Minh định công dụng (Ming kung yung) làm sáng tỏ Viên giáo vị liên quan đến giá trị công dụng cứu giúp chúng sinh.
(5) Tổng hợp tất cả các vị và luận thô tế (Tung-chu wei Lun tsu miao) khảo sát sáu nhóm quả vị, thẩm định tâm mức thô và tế, khiến vị thế siêu việt của Viên giáo được xác định.
(6) Minh định sự sinh khởi của các vị, nhấn mạnh rằng mặc dù Viên giáo vị siêu việt, các vị khác cũng có giá trị, bởi vì tất cả đều mang lại lợi ích cho chúng sinh.
(7) Minh định sự phế bỏ các vị (Ming wei-fei) Trí Khải đưa ra một cách nhìn toàn diện vào các vị. Tất cả các vị đều có giá trị vì khế hợp với căn cơ khác nhau của chúng sinh. Tuy nhiên, nhìn về sự tương đối của ba giáo pháp (Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo) đối với mục tiêu cứu cánh của Phật giới, những vị trí tương đối nầy nên vượt qua nếu làm trở ngại hành giả trên tiến trình hướng về Viên giáo.
(8) Khai thô vị, hiển tế vị ( Kai tso wei hsien miao wei) đưa ra cái nhìn rốt ráo, trong đó không còn sự khác biệt giữa thô vị và tế vị. Điều nầy bởi vì thô vị hàm chứa và đưa về tế vị, không có thô, tế không thể thành tựu.
(9) Dẩn kinh (yin ching) dùng tỷ dụ về năm vị sữa để chứng minh những điểm đã nói đến trong phần thứ tám rằng thô và tế vị là một thực thể. Điều nầy để nói rằng từng nhóm trong sáu nhóm vị đều có năm vị sữa, là năm thứ bậc, từ A La Hán cho đến Phật quả. Vì mỗi nhóm có năm vị sữa, Trí Khải nói rõ rằng năm vị sữa có trong Viên giáo vị cũng không khác. Điều nầy có nghĩa rằng hành giả có thể đạt đến chứng ngộ trong bất cứ vị nào trong năm vị.
(10) Minh định thủy chung của Diệu Vị (Ming miao wei Shih-chung) kết luận rằng những thứ bậc khác nhau của Viên giáo vi diệu từ thủy chí chung, bởi vì hành giả có thể vào Phật địa từ bất cứ nơi nào. Trí Khải phân tích mười phần trên như sau :

1. Định nghĩa Viên (T33, 732b-c) :
Trong phần thứ nhất nầy, Trí Khải khảo sát ý nghĩa chữ Viên theo ba lối, thấy rằng Viên giáo là cứu cánh bao gồm Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát), vì ba thừa vào một Phật thừa. Vì vậy, theo Trí Khải, chữ Viên có thể được xác định như thông danh viên nghĩa (Ming tung I-yuan), biệt danh viên nghĩa (Ming-pieh I-yuan), và viên cả hai mặt danh và nghĩa (Ming- I Chu- yuan). Ba điều nấy được chú giải trong tương quan với những đoạn kinh Pháp Hoa.
Thông danh viên nghĩa chỉ cho các bậc Thanh văn Viên giáo. Mặc dù cùng tên với các bậc Thanh văn các giáo pháp khác, nhưng hàm chứa nghĩa Viên. Điều nầy thấy rõ qua lời chư vị Thanh văn :
Ngày nay chúng con thật sự là Thanh Văn (sound-hearer), vì đã làm cho âm thanh của Phật đạo được nghe bởi tất cả.(381)
Trí Khải lập luận rằng, ý nghĩa thật sự của Thanh văn (Sheng wen) là những bậc mang âm thanh của Phật làm lợi ích cho chúng sinh. Vì vậy. qua văn mạch nầy, mặc dù chư Thanh văn ở dây mang cùng tên với chư Thanh văn Thông giáo và Tạng giáo, ý nghĩa làm cho âm thanh của Phật đạo được nghe bởi tất cả ám chỉ rằng vị thế của Thanh văn Viên giáo là toàn vẹn.(382). Cách Trí Khải dùng để thẩm định vị trí toàn vẹn hay không toàn vẹn dựa vào nghĩa hơn là vào tên gọi, cho thấy Thanh văn Viên giáo cùng tên mà viên nghĩa.
Biệt danh viên nghĩa chỉ cho các bậc Bồ tát Biệt giáo trong nội dung Viên giáo. Theo Trí Khải, mặc dù năm mươi hai quả vị Bồ tát Biệt giáo (Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng giác , và Diệu giác) thì khác tên, nhưng từ khởi đầu, chính giữa, và sau cuối đều toàn vẹn, vi diệu và rốt ráo, bởi vì được thành hình để diễn đạt Phật trí, khiến Bồ tát Biệt giáo qua Viên giáo biệt danh viên nghĩa.
Viên danh nghĩa chỉ cho quả vị Viên giáo. Để giữ vững lập luận nầy, Trí Khải nói rằng đối với danh, hạnh Viên giáo gắn liền với vị Viên giáo tức Như Lai Hạnh (Ju-lai Hsing) (383), vì vậy vị Viên giáo toàn vẹn về danh. Đối với nghĩa, hạnh Viên giáo đưa chúng sinh về với tri kiến Phật, và vì vậy, vị Viên giáo toàn vẹn về nghĩa. Đoạn kinh Pháp Hoa khai, thị , ngộ, nhập, tất cả đều là tri kiến Phật (384) có thể làm sáng tỏ chỗ nầy. Vì thế, vị Viên giáo toàn vẹn cả hai mặt danh và nghĩa.

2. Minh định số quả vị (ming wei-shu) (T33, 732c-735b) :
Trong phần thứ hai nầy Trí Khải minh định số quả vị Viên giáo qua những thứ lớp khác nhau trong chiều hướng thượng. Quả vị Viên giáo được chia ra hai nhóm sơ khởi và thuần thục. Nhóm quả vị sơ khởi gồm có Viên giáo Ngũ Phẩm Đệ Tử Vị (Yuan-chiao Wu pin Ti-tzu Wei) và nhóm thuần thục gồm có Viên Giáo Thất Chủng Vị (Yuan chiao Chi-chung Chieh-wei).
(1) Viên Giáo Ngũ Phẩm Đệ Tử Vị (385) : là nhóm sơ quả thuộc Viên giáo, tương đương với ba bậc Hiền đầu tiên trong Thất Hiền (gọi là Nội phàm) của Tạng giáo,, Can Huệ Địa của Thông giáo, và Thập Tín của Biệt giáo. Tuy nhiên điểm khởi đầu của Viên giáo vượt trên những giáo pháp khác.
Theo Trí Khải, bậc thứ nhất trong Ngũ Phẩm Đệ Tử Vị của Viên giáo là Tùy Hỷ Phẩm Vị (Sui-hsi-pin wei), hành giả đã có đức tin hiểu vẹn toàn (Chi Yuan-hsin-chieh). Với nhất tâm, hành giả ôm trọn mười pháp giới ( I- hsin-chung Chu Shih-fa-chieh). Sự tu tập Viên giáo hạnh giúp hành giả dung hợp tất cả hành trì vào một, tâm hành giả thường tịch, thường chiếu. Với một tâm như vậy, tất cả pháp hoại diệt như kết quả chứng ngộ rằng vạn pháp quy về Không, Giả, và Trung Đạo. Từ đó, mỗi niệm của hành giả tương hợp với bờ kia (paramitas). Thứ hai, bậc đọc tụng kinh (Tu stung pin wei), Trí Khải nói rằng hành giả, nhằm mục đích gia tăng lòng tin và Viên giáo, tự tâm tiếp tục quán chiếu lý Trung Đạo, bên ngoài thì chấp nhận, ủng hộ, đọc, tụng kinh điển Đại thừa. Có được kiến thức từ những kinh điển nầy, hành giả có thể có được dụng lực giúp hành giả trong sự quán chiếu. Thứ ba, bậc thuyết pháp (Shuo-fa-pin wei) sự quán chiếu tự tâm và học hỏi bên ngoài, hành giả có thể thuyết pháp Phật. Thứ tư, bậc siêng hành lục độ (chien hsing Liu-tu), trong khi điều tiên quyết vẫn là quán chiếu, hành giả bắt đầu tu tập lục độ để lợi ích chúng sinh. Bậc sau cuối là thường hành lục độ (cheng hsing liu tu) có ý nghĩa sâu hơn trong việc hành trì. Trí Khải nói rằng sự tiên quyết của hành giả là hành trì lục độ. Khi sự quán chiếu của hành giả (tương hợp với Viên giáo) thuần thục, lý và sự hợp nhất. Tu tập lục độ giúp hành giả chứng ngộ chân tánh nằm trong sinh hoạt hằng ngày, và hai điều nầy thì không có gì trái nghịch. Vào trong Sự không ngăn ngại,( hành giả thông đạt) được Lý, ở trong Lý không cô lập, ( hành giả thông đạt) được Sự (386) Hiển nhiên, thế giới giác quán đưa đến sự chú giải hiển lộ tri kiến Phật.
(2) Viên Giáo Thất Chủng Vị : là nhóm quả vị thuần thục thuộc Viên giáo, gồm bảy thứ bậc có cùng tên gọi như của Biệt giáo, nhưng siêu việt hơn.
(i) Thập Tín Vị (Shih-hsin wei) (387) : là bậc thứ nhất trong bảy bậc thuộc Viên giáo. Khác với Thập Tín thuộc Biệt giáo, Trí Khải gọi quả vị nầy là Viên Giáo Thiết Luân Thập Tín Vị (Yuan chiao Tieh-lun Shih-hsin wei). Có thể liên hệ với Lục Căn Thanh Tịnh Trí (Liu ken Ching ching chih) (388) vì cả hai liên quan đến cách tu tập giống Trung Đạo. Quả vị nầy tương đương với bốn thứ bậc cuối của Thất Hiền (tứ thiện căn) (389) của Tạng giáo, ba loại Tam Tâm của Biệt giáo (Thập Trụ, Thập Hạnh, và Thập Hồi Hướng). Ở vị nầy, hành giả bắt đầu quán trí Vô Tác của Đạo đế (Kuan wu-tso Chih Tao-ti). Trí Khải giải thích từng bước một làm cách nào hành giả có thể đạt đến quả vị nầy. Bằng cách nghe giáo nghĩa Viên giáo, hành giả được tín tâm trọn vẹn, từ đó hành trì tương ứng với Viên giáo. Tinh tấn tu trì, hành giả có thể vào quả vị Viên giáo. Theo như Trí Khải giải thích, do sự tu tập thiện xão bình đẳng của tất cả chúng sinh trong pháp giới, hành giả lập tức vào được tín tâm (hsin-hsin). Tu tập từ bi vào được niệm tâm (nien hsin). Tu tập tịch chiếu vào được tịnh tâm (ching hsin). Tu tập phá chấp, vào được tuệ tâm (hui hsin). Tu tập phân biệt cùng và thông (passageway and obstruction) (390), vào được định tâm (Ting hsin). Tu tập Ba Mươi Bảy Trợ Đạo được chứng đắc (391), hành giả tức thời được tâm bất thối (pu-tui hsin). Tu tập chánh đạo (đạo Tam thừa hành trì), và trợ đạo (chỉ cho 37 phẩm) vào được hồi hướng tâm ( hui hsianh hsin). Tu tập hạnh nội phàm và ngoại phàm (thuộc Thất Hiền), và hạnh Thất Thánh (392) vào được nguyện tâm (yuan hsin). Ngoài ra, Trí Khải nói rằng quả Thập Tín giúp hành giả diệt được trần sa hoặc ngoài ba cõi, và diệt được căn bản vô minh.
(ii) Thập Trụ (Shih-chu wei) : là lớp thứ hai của Thất Chủng Vị thuộc Viên giáo, tương đương với Thập Địa Biệt giáo (393). Trí Khải định nghĩa chữ Trụ có nghĩa là trụ trong Tam Đức của Niết Bàn, tức Pháp Thân, Trí Tuệ Bát Nhã, và Giải Thoát (394).
Tam Đức tương quan với ba loại Tâm Pháp (San chung hsin-fa), là nơi Trí Khải mô tả ba vị Thập Trụ. Sự chứng đắc trí thanh tịnh – Phật tánh là duyên nhân của Phật địa (Yuan-yin Shan-hsin-fa) là loại tâm trụ trong tam muội Thủ Lăng Nghiêm ( Shurangama Samadhi), từ đó hành giả chứng đắc giải thoát bất khả tư nghì(395). Sự chứng đắc tuệ tâm – Phật tánh như liễu nhân của Phật địa (Liu-yin Hui Hsin-fa) là loại tâm trụ ở chỗ rốt ráo Không của Đại Bát Nhã (396). Sự chứng đắc lý tâm – Phật tánh là chánh nhân của Phật địa (Cheng-yin Li-hsin-fa) là loại tâm trụ nơi chân lý tối thượng của Trung Đạo như Pháp Thân của Chân Như (397)
Ngoài ba Trụ nầy, Trí Khải liệt kê bảy Trụ khác. Trụ nơi thanh tịnh viên mãn Bồ đề tâm (Chu Ching ching Yuan-man Pu-ti-hsin) chỉ cho từ bi vô điều kiện của chư Bồ tát, và tự thệ nguyện thâm nhập toàn thể Pháp giới (398). Trụ nhất niệm (chu I-nien chung) Bồ tát thành tựu muôn ngàn hạnh ba la mật (399). Trụ Nhất Thiết Chủng Trí (Chu I Chieh-chung Chih) là nơi Bồ tát có thể diệt kiến tư hoặc và căn bản vô minh trong Pháp giới(400). Trụ ở chỗ chứng đạt Phật nhãn (chu te Fo-yen) Bồ tát có thể liễu đạt Pháp Tam Đế trong khắp mười pháp giới (401) Trụ trong chỗ hội nhập viên mãn tất cả pháp môn (chu Yuan-ju I-chieh Fa-men) Bồ tát có thể chứng đắc hai mươi lăm tam muội, làm lợi ích chúng sinh khó thấy được(402). Trụ ở chỗ thành tựu hạt giống viên mãn của Bồ tát (chu Cheng-chiu Pu-sa yuan-man yeh), Bồ tát có khả năng hiển lộ tất cả các loại thần lực làm lợi ích chúng sinh. Trí Khải nói tiếp : (Bồ tát) đạt đến chỗ mở Giả hiển Chân, vào đạo Nhất Thừa. Bồ tát có thể trang nghiêm và thanh tịnh cõi Phật (403) . Trụ ở chỗ viên mãn tất cả công đức từ tất cả các đế vào một đế (Chu neng-tsung I-ti chu-tsu I-chieh Chu-ti Kung-te) tâm Bồ tát tịch diệt, tự nhiên trôi vào biển tuệ viên dung (sarvajna) (404).
(iii) Thập Hạnh (shih-hsingwei) (405) : là bậc thứ ba trong Thất Chủng Vị Viên Giáo, liên hệ đến sự hủy diệt mười lớp vô minh với mười loại trí (406).
Bậc thứ nhất trong Thập Hạnh diệt được căn bản vô minh, tương đương với Đẳng giác của Biệt giáo. Bậc thứ hai trong Thập Hạnh tương đương với Diệu giác của Biệt giáo. Điều nầy có nghĩa rằng những vị còn lại thuộc Viên giáo (bắt đầu từ bậc thứ ba Thập Hạnh về sau) thì độc tôn. . Bởi vì không có vị nào trong ba giáo pháp (Tạng, Thông, và Biệt) có thể sánh được với Viên giáo vị, những vị sau rốt nầy là siêu việt. Địa vị độc tôn của những vị (từ vị thứ ba Thập Hạnh cho đến Đẳng giác) phản ảnh cái dụng diệt một số phần căn bản vô minh và gia tăng một số phần chứng ngộ Trung Đạo.
(iv) Thập Hồi Hướng (Shih-hui-hsiang Wei) : là bậc thứ tư trong Thất Chủng Vị Viên Giáo. Trí Khải giải thích rằng hành giả, ở vị nầy, đã tự nhiên vào đạo, và niệm niệm đều tương hợp với Chân Như ; tất cả nguyện, hành, sự, và lý tự nhiên dung hòa toàn vẹn, quy vào biển Pháp giới bình đẳng. Sâu hơn, hành giả đạt được mười loại trí diệt được mười loại căn bản vô minh. (407)
(v) Thập Địa (Shih-ti wei) : là bậc thứ tư trong Thất Chủng Vị Viên Giáo.
Trí Khải cho rằng Thập Địa là thực trí vô nhiễm, tự nhiên vào đạo. Như đất có khả năng sinh trưởng tất cả pháp Phật, và dung chứa tất cả chúng sinh trong Pháp giới, khiến tất cả vào được Phật địa trong ba thời. Hơn nữa, Bồ tát đạt được mười loại trí diệt được mười loại căn bản vô minh (408).
(vi) Đẳng giác (Teng-chueh wei) : là bậc thứ sáu trong Thất Chủng Vị Viên Giáo. Trí Khải tuyên thuyết rằng vào địa nầy diệt phần căn bản vô minh sau cuối, và chứng ngộ lý Trung Đạo. Vì vậy, địa nầy được xem như đã diệt được vô minh.
(vii) Diệu giác (Miao-chueh wei) : là bậc cuối trong Thất Chủng Vị Viên Giáo. và liên quan đến Diệu Giác Trí (Miao Chueh Chih) (409). Với Trí Khải, quả vị nầy hiển lộ sự chứng đắc sau cùng và Phật trí siêu việt, bởi vì quả vị nầy được gọi là của Bồ tát không còn gì khác để vượt qua.
Phần trên là sự phân tích về các vị thuộc Viên giáo. Với cách so sánh từ những quả vị tương đương của các giáo pháp khác, Trí Khải cho thấy rằng quả vị Viên giáo thật sự siêu việt. Điều nầy bởi vì Bồ tát Viên giáo có thể hoại diệt triệt để vô minh không chướng ngại. Bồ tát chứng đắc quả vị tối hậu vào Phật giới. Sự chứng đắc viên mãn Phật giới của Bồ tát Viên giáo không phải chỉ có tên mà còn có nghĩa.
Với mục đích giữ vững cách phân loại số quả vị của Viên giáo, Trí Khải trưng dẩn những đoạn kinh Pháp Hoa để cho thấy rằng cách phân loại nầy không phải là đường lối dựng lập của riêng Đại Sư. Thật sự, Tứ Giáo là hệ thống của Trí Khải sáng tạo trong việc phân chia giáo lý của Thế Tôn, và cách xếp đặt những quả vị của Viên giáo là kết quả từ sự liễu đạt của Đại Sư về pháp Phật.
Nhìn về Ngũ Phẩm Đệ Tử Vị, Trí Khải lập luận rằng trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phân Biệt Công Đức có đưa ra những quả vị nầy. Phẩm Phương Tiện, câu kinh khiến chúng sinh khai tri kiến Phật (Yu-ling Chung-seng Kai-fo Chih-chien) chỉ Thập Trụ; hiển lộ tri kiến Phật (Shih-fo Chih-chien) chỉ Thập Hạnh ; ngộ tri kiến Phật(Wu-fo Chih-chien) chỉ Thập Hồi Hướng; nhập tri kiến Phật( Ju-fo Chih-chien) chỉ Thập Địa, và Đẳng giác.(410) Diệu Giác hiển lộ qua câu kinh Chỉ Phật với Phật mới tận tường được chân tánh của vạn pháp (Wei Fo-yu-fo Nai-neng Chiu-ching Chu-fa Shih-hsiang) (411). Sự tương quan giữa những đoạn kinh Pháp Hoa và những thứ bậc quả vị Trí Khải đưa ra phù hợp với sự chú giải của tôn sư của Trí Khải là tôn giả Tuệ Tư. Ngoài ra, Trí Khải nhấn mạnh rằng số quả vị Viên giáo trong sự diệt vô minh chỉ vì là phương tiện thích ứng. Tự tánh, quả vị Viên giáo bất tư nghị : hợp lại, có thể là một vị; phân ra, có thể là nhiều bậc.

3. Minh định quả vị Viên giáo qua sự đoạn diệt và điều phục (Ming Yuan-wei Tuan-fu) (T33, 735c-736c) (412)
Trong phần nầy, Trí Khải nhấn mạnh sự kiện rằng những vị khác nhau trong Viên giáo bình đẳng siêu việt đối với ba giáo pháp kia trong việc diệt kiến hoặc tư hoặc và căn bản vô minh. Ngũ Phẩm Đệ Tử Vị siêu việt vì hành giả có thể điều phục kiến tư hoặc và căn bản vô minh một cách toàn hảo. (413) Thập Tín siêu việt vì hành giả có thể đạt đến sự phơi bày hài hòa hình tướng (trí tuệ gần nhất với Kiến Đạo thực vô nhiễm), từ đó hành giả có thể diệt cái thấy và nghĩ sai lầm trong ba cõi, và diệt trần sa hoặc trong và ngoài ba cõi (414). Vì vậy, Trí Khải gọi tên hai quả vị nầy là Điều Phục Đạo Vị (Fu-tao wei). Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, và Đẳng giác, tất cả đều diệt được căn bản vô minh, và hiểu được nguyên lý tối thượng Phật tánh thường trụ. Trí Khải cho rằng khái niệm nầy được gọi tên là tịch lặng trong vô sinh, và sơ quả Thập Trụ bắt đầu trực tiếp diệt vô minh được gọi là Đoạn Đạo Vị (Tuan-tao wei) (415). Đối với Diệu giác, là quả vị viên mãn và thành tựu tối hậu không để sót lại một phần vô minh nào, Trí Khải gọi tên là tĩnh lặng trong tịch diệt.( Chi-mieh-jen wei) (416)

4. Minh định công dụng (Ming Kung- yung) (T33, 736c – 737a)
Trong phần thứ tư nầy, Trí Khải minh định công dụng những quả vị Viên giáo trong việc hoán chuyển tâm người.(417) Trí Khải nói rằng Bồ tát ở Ngũ Phẩm Đệ Tử Vị vẫn sinh hoạt trong thế tục để cứu giúp chúng sinh, và là những bậc mà chúng sinh có thể nương dựa. Mặc dù chưa ngộ lý, tuệ quán của Bồ tát đã toàn vẹn. Bồ tát viên mãn tự tánh của phiền não, và vào được yếu mật Như Lai Tạng (418). Trí Khải đưa ra bốn loại hành giả chúng sinh có thể nương dựa (I-chih) (419), liên quan đến những quả vị Bồ tát Viên giáo.
Vị hành giả thứ nhất chỉ cho Bồ tát Ngũ Phẩm Vị (Wu-pin wei) hoặc Lục Căn Thanh Tịnh Vị (Liu ken Ching-ching wei). Hành giả thứ hai là Bồ tát Thập Trụ. Hành giả thứ ba là Bồ tát Thập Hạnh, và Thập Hồi Hướng. Hành giả thứ tư là Bồ tát Thập Địa, và Đẳng giác.

5. Hội tụ các quả vị để luận chỗ thô, tế (Tung-chu-wei Lun-tsu-miao) (T33, 737a-b)
Trong phần thứ năm nầy, Trí Khải đưa ra cái nhìn tổng quát về những thứ bậc quả vị thô và tế. Trong số ba loại cỏ thuốc và hai cây thuốc lớn, cả bốn loại đều là thô, chỉ có cây lớn là tế. Tuy nhiên, vị cây lớn cũng là thô sánh với Viên giáo vị, bởi vì cánh cửa trước mở ra những phương tiện, trong khi cánh cửa sau trực chỉ không cần dùng phương tiện. Vì thế, chỉ có Viên giáo vị là vi tế.
(i) Nhìn về cỏ thuốc nhỏ của nhân thừa và thiên thừa, Trí Khải nói rằng vì sự ô nhiễm của bốn số phận (destinies) (420) thừa nầy vẫn không vượt qua ba cõi luân hồi.
(ii) Với cỏ thuốc bậc trung Nhị Thừa (Thanh văn và Duyên giác), Trí Khải xác định rằng có thể ra vào (vượt ba cõi) bằng cách diệt vọng trong tam giới. Tuy nhiên, trí của Nhị Thừa vin vào Không, chưa thấy cùng tột được thực tánh, và tìm cầu giải thoát cho riêng mình mà không vì người.
(iii) Đối với cỏ thuốc bậc thượng chỉ Bồ tát Tạng giáo, Trí Khải nói rằng mặc dù các vị Bồ tát nầy thực hành lục độ như phương tiện độ tha vì từ bi, quả vị nầy vẫn còn là thô pháp vì vẫn còn phân biệt hình tướng, nên không thể đồng nhất Không với Giả.
(iv) Với cây thuốc nhỏ, Trí Khải nói rằng vì thấy được Không trong các Pháp, trí hành giả khéo vào được Không, nhưng cái dụng của loại trí nầy là diệt kiến tư hoặc trong tam giới mà không ra ngoài tam giới, vì vậy nên vẫn còn là thô.
(v) Về cây thuốc lớn của Biệt giáo và Viên giáo, Trí Khải nói rằng cả hai quả vị tu trí quán chiếu Trung Đạo, vì trí Trung Đạo diệt vô minh ngoài ba cõi. Vì thế, cả hai quả vị đều là vi tế. Tuy nhiên, Đại Sư đi xa hơn khi nói rằng Biệt giáo vào thực tánh qua cửa phương tiện, như đi qua vô số hành trì trước khi đến được với Trung Đạo. Hơn nữa, cái thấy về Trung Đạo ở quả vị nầy không giúp hành giả nhận chân được vạn pháp như một toàn thể, vì các pháp được nhìn riêng biệt. Như vậy, vô minh mà Bồ tát Biệt giáo diệt thì không hòa nhập và đầy đủ như Viên giáo. So sánh với Viên giáo, Trí Khải cho rằng pháp môn của Biệt giáo chưa được thiện xão ( vì gián tiếp) nên thô. Nói cách khác, Trí Khải xác định rằng Bồ tát Viên giáo hội nhập lý Trung Đạo, và thấy được rằng cho đến một làn hương của thế giới hiện tượng cũng không gì khác hơn là sự phơi bày của Trung Đạo. Trí về Trung Đạo của Bồ tát Viên giáo viên hợp bắt đầu từ điểm đầu tiên. Niệm theo niệm phù hợp với mười pháp giới, và Bồ tát vào được Chân Như. Như vậy, cánh cửa Viên giáo rộng mở bất cầu phương tiện để đạt đến chân lý và Phật địa, bởi vì đó là vi diệu. (421)

6. Minh định sự sinh khởi các vị (Ming wei hsing) (T33, 737b)
Trong phần nầy, Trí Khải nhìn từng phần riêng biệt về các vị Viên giáo. Đại Sư tuyên thuyết rằng mặc dù tất cả các vị khác, ngoài các Viên giáo vị, tương đối và thô, nhưng vẫn khế hợp trong việc làm lợi ích cho chúng sinh. Tất cả những giáo lý được Như Lai thuyết ra đều ứng hợp với căn cơ khác nhau của chúng sinh, thấy rằng chúng sinh cảm nhận khác nhau, mức độ thanh tịnh khác nhau, nhận biết lỗi lầm của chính mình khác nhau, dùng những cách khác nhau để tự điều phục, và chứng ngộ khác nhau khi nghe được giáo lý Phật. (422)
Nhìn về các quả vị thích ứng với căn cơ chúng sinh, Trí Khải nói về sự sinh khởi các vị. Vị Tạng giáo và Thông giáo nghiêng về chúng sinh trong Tam giới ; và vị Biệt giáo và Viên giáo cho các Bồ tát ngoài Tam giới. Vì thế, Trí Khải kết luận rằng những vị khác nhau hàm chứa những mục đích khác nhau của Phật, vá tất cả những mục tiêu nầy đều cần thiết cho sự giải thoát chúng sinh nên thấy rằng không thể khinh suất bất cứ vị nào. Trí Khải đưa ra những mục đích của Thế Tôn như sau
(i) Tạng giáo vị nhằm phát khởi sự thanh tịnh qua hiện tượng trong ba cõi (Sheng Chieh-nei Shih-shan) (423), diệt bỏ xấu ác từ phối cảnh của Sự trong ba cõi (Po Chieh-nei Shih-eh) (424), và vào Không như Chân Đế bằng cách phân tích và hợp nhất các pháp (Yuan-shih Ju-chen).
(ii) Thông giáo vị nhằm mục đích phát khởi sự thanh tịnh về Lý trong tam giới (Sheng Chieh-nei Li-shan) (425), diệt xấu ác về Lý trong ba cõi (Po Chieh-nei Li-eh) (426), và vào Không như Chân Đế bằng cách ngay nơi Pháp tức Không. (Yuan-li Ju-chen).
(iii) Biệt giáo vị nhằm mục đích phát khởi thanh tịnh qua hiện tượng ngoài ba cõi (Sheng-Chieh-wai Shih-shan) (427), diệt xấu ác trần sa hoặc trong thế giới hiện tượng (Po Chen-sha Shih-eh) (428), và vào Trung Đạo bằng cách vượt lên trên Không và Giả, thấy rằng cả hai quan điểm nầy không phải là rốt ráo (Tsung-shih Ju chung).
(iv) Viên giáo vị nhằm mục đích phát khởi thanh tịnh từ Lý ngoài ba cõi (Sheng Chieh-wai Li-shan)(429) từ Lý diệt xấu ác từ căn bản vô minh (Po Wu-ming Li-eh)(430), và chứng ngộ Trung Đạo bằng cách viên dung cái nhìn về Không và Giả, thấy rằng lý Trung Đạo bao gồm cả hai lối nhìn nầy.(Yuan-li chien-chung)
Lập luận củaTrí Khải về sự phát khởi các vị khác nhau đưa ra một sự thăng tiến của các vị trong Tứ giáo. Vị trước có cái dụng làm nấc thang cho vị sau. Vị sau dựa vào vị trước để diệt vọng chứng chân. Trong số các vị, vị thuộc Tạng giáo và Thông giáo liên quan đến Không như Chân Đế. Vì hai vị nầy không thể vượt trên lý Không, nên chỉ có thể sinh khởi thanh tịnh qua Sự và Lý trong ba cõi và diệt xấu ác qua Sự và Lý trong ba cõi. Vị của Biệt giáo và Viên giáo thẳng vào Trung Đạo, viên dung Không và Giả. Vì vậy, vượt ngoài ba cõi, phát sinh thanh tịnh qua Sự và Lý ngoài ba cõi, diệt xấu ác qua sự và lý ngoài ba cõi. Hiển nhiên, mỗi tầng lớp vị trong Tứ giáo liên quan mật thiết với nhau : vị trước đưa đến vị sau, như một tiến trình giúp hành giả chứng ngộ bình đẳng lý Trung Đạo. Kết quả, Viên giáo vị được xác nhận là rốt ráo diệt căn bản vô minh và đưa hành giả nhập Phật địa. Đây là phương sách của Trí Khải nhấn mạnh vào sự siêu việt của Viên giáo vị trong khi xác định giá trị không thể bỏ qua của các vị trong ba giáo pháp kia. Theo Trí Khải, đang đi hoặc đã đến cùng một thực thể trên căn bản : không có sự diễn tiến, sự kết thúc không thể hiển lộ; không có sự kết thúc, sự diễn tiến không có giá trị.

7. Minh định sự phế bỏ những vị khác nhau (Ming Wei-fei) (T33, 737b -739a)
Trong những phần trên, Trí Khải đưa ra một sự hợp lý về lối sinh khởi các vị. Tuy nhiên, trong phần thứ bảy nầy Trí Khải nhấn mạnh vào một lối nhìn khác liên quan đến sự loại bỏ các vị nầy, nếu những quả vị nầy đã hoàn thành việc đưa hành giả đạt đến Phật giới. Trí Khải giải thích :
Tự nguyên lý, không có Vị. Vị là từ duyên mà sinh. Vì duyên tiếp tục sinh khởi, Vị cũng tiếp tục hoại diệt.(431)
(i) Nhìn về sự hoại diệt các vị trong Tạng giáo, Trí Khải nói rằng Tạng giáo giúp hành giả vượt bỏ những xấu ác, hướng về thanh tịnh. Nếu đạt đến thanh tịnh, giáo pháp nầy sẽ bị loại bỏ trên tiến trình của hành giả. Với sự vượt qua giáo pháp Tạng giáo, hạnh và vị cũng bị phế bỏ. (432)
(ii) Nhìn về Thông giáo, Trí Khải nói rằng Thông giáo giúp hành giả không dừng lại ở chỗ an trụ vào khái niệm về Không. Vì Không đế chỉ là một phần của chân lý, hành giả nên tiến đến chỗ thấy được Bất Không (hiện tướng giả tạm) .
(iii) Nhìn về Biệt giáo, Trí Khải nói rằng Biệt giáo giúp Bồ tát vượt qua trần sa hoặc. Khi phần việc nầy đã hoàn thành, giáo lý đã đầy đủ thì Biệt giáo vị nên bị loại bỏ. Ngoài ra, Trí Khải còn nói rằng một lý do khác nữa là Biệt giáo vẫn còn dùng ngôn từ của tha nhân để thích ứng với khuynh hướng của chúng sinh. Đặc biệt, Trí Khải nhấn mạnh rằng tất cả hạnh và vị trước Thập Địa nên bị loại bỏ. Tuy nhiên Thập Địa vị và Phật vị không nên phế bỏ ( nếu nói trong tương quan với sự chứng đạt Phật giới), và nên phế bỏ (nếu nói về những thứ lớp chứng đạt) . Sau cùng, vì để thành tựu Viên giáo vị, Biệt giáo vị cũng nên bị vượt bỏ.(434)
(iv) Nhìn về Viên giáo vị, Trí Khải khẳng định rằng tất cả tám quả vị của Viên giáo là thực vị, không phải là kết quả từ phương tiện giáo hóa khế cơ, mà hơn như vậy, đến thẳng từ giáo lý tối hậu diễn đạt lời của chư Phật, nên không phải xóa bỏ. (435).
Hơn nữa, Trí Khải đưa ra một giải thích sâu hơn về các vị thuộc Viên giáo với các vị thuộc ba giáo pháp kia liên quan đến tương đối và tuyệt đối. Giáo pháp tương đối có hai đặc tính. Trước hết, những giáo pháp nầy không ngược dòng, và gián tiếp, thấy rằng Thế Tôn không trực tiếp diễn đạt bản hoài của Ngài trong việc hướng chúng sinh về Phật giới qua những giáo pháp tương đối nầy. Thứ hai, giáo pháp tương đối dùng để khế hợp căn cơ tự nhiên của chúng sinh (sui-ching) như rừng phải có cây (436). Với phương tiện diễn đạt Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát), Thế Tôn dùng giáo pháp tương đối để hướng chúng sinh đến chỗ bình đẳng lãnh hội được Viên giáo, và vào được một Phật thừa. Hiển nhiên, giáo pháp tương đối, biểu thị qua ba loại cỏ thuốc và hai loại cây thuốc, thì không phải là giáo pháp tối thượng, nên phải vượt bỏ. Quả vị rốt ráo, biểu thị qua Viên giáo, sánh với sông lớn (tên gọi) Hoàng Sa chảy thẳng vào bể Tây, và sánh với cành vàng lá bạc trong khu rừng quý báu. Bởi vì những vị nầy không gián tiếp (như phương tiện thích hợp) nhưng trực tiếp (đi thẳng vào chân tánh) , những vị nầy không bị vượt bỏ (437). Hơn nữa, từ cái nhìn hợp nhất ba giáo pháp tương đối (Tạng, Thông, và Biệt giáo) với giáo pháp rốt ráo (Viên giáo), vị của những giáo pháp trước nên vượt bỏ, và vị của giáo pháp sau thì không.(438) Nói cách khác, vì Nhất Thừa của Phật giới là sự hợp nhất của Tam thừa, ba thừa nầy không còn cần thiết phải hiện diện, nhưng Nhất thừa thì cần thiết.
Ngoài những lý do loại bỏ các vị nói trên, Trí Khải đưa ra sự quán chiếu về ba giáo pháp tương đối : nên hoặc không nên phế bỏ (439). Ba giáo pháp nầy không nên vượt bỏ với ý nghĩa rằng cả ba là một phần trong những lời dạy của Thế Tôn. Ba giáo pháp nầy nên vượt bỏ với ý nghĩa rằng nếu mục tiêu có mặt đã thành tựu. Áp dụng cùng nguyên tắc để quán sát về Viên giáo, giáo pháp nầy cũng được nhìn dưới khía cạnh thành tựu và không thành tựu (440). Mặt khác,Viên giáo được nhìn như đã thành tựu từ thời điểm thuyết giáo đầu tiên của Thế Tôn, đối với ba giáo pháp trước kinh Pháp Hoa, Viên giáo được nhìn như là chưa thành tựu, đưa đến sự kiện rằng chưa có ý thức về Viên giáo. Nói cách khác, Viên giáo có mặt trong kinh Pháp Hoa.

8. Khai thô vị, hiển tế vị (Kai tsu-wei, hsien-miao wei) (T33, 739a-b)
Phần thứ tám nhấn mạnh vào tánh đồng nhất giữa thô vị và tế vị. Thô vị đồng như tế vị với nghĩa vị trước hàm chứa vị sau, và đưa đường cho sự thành tựu của vị sau (như cái trước là nền tảng phát sinh cái sau). Như vậy, vị thô của ba giáo pháp tương đối hàm chứa vị tế của Viên giáo. Dùng văn từ của Trí Khải thì Ba Là Một (Chi san Shih-I), chỉ cho Chân Diệu. Mở bày thô vị để hiển lộ tế vị.

9. Dẩn Kinh (Yin-ching) (T33, 739b-740c)
Phần thứ chín trưng dẩn tỷ dụ về năm vị sữa nói đến trong kinh Đại Niết Bàn để khảo sát các vị của Tứ giáo (441). Đối với mối tương quan giữa tỷ dụ và các vị trong Tứ giáo, Trí Khải nói :
Nếu Tứ giáo không được dùng để giải thích tý dụ, tỷ dụ không thể được hiểu ; nếu năm tỷ dụ không được dùng để phân chia các vị trong Tứ giáo, thì khó mà thuyết phục.(442)
Ở đây, Trí Khải dùng năm vị sữa sánh với bốn vị Tứ giáo. Điều nầy để nói rằng mỗi vị hàm chứa năm vị, thành tựu năm thứ lớp chứng đắc trong mỗi vị. Với phương cách phân tích năm thứ bậc của từng vị trong bốn vị với năm vị sữa, sự khác biệt giữa các vị được thấy rõ. Thí dụ, vị sữa của Tạng giáo thì không giống với vị sữa của Thông giáo, và vị sữa của Thông giáo thì không giống với vị sữa của Biệt giáo v.v… Trí Khải phân tích chi tiết về những tỷ dụ nầy như sau :
(1) Nhìn về năm vị sữa dùng làm tỷ dụ cho năm thứ bậc quả vị Tạng giáo, Trí Khải giải thích rằng thứ bậc đầu tiên chỉ cho chúng sinh vô minh, sánh với sữa. Một chúng sinh vô minh thì chưa phát khởi sự tu tập, và chưa thể diệt vọng (443). Bậc thứ hai chỉ cho Tu Đà Hoàn, sánh với vị kem. Trí Khải nói rằng Tu Đà Hoàn diệt được cái thấy sai lầm, và từ một chúng sinh vô minh, trở thành một vị thánh, như sữa trở thành kem (444). Bậc thứ ba là Tư Đà Hàm, sánh với sữa đặc. Trí Khải nói tiếp rằng Tư Đà Hàm diệt sáu lớp vọng. Vì vậy, quả vị nầy sánh với sữa đặc (445). Bậc thứ tư là A Na Hàm, sánh với vị bơ. Trí Khải giải thích rằng A Na Hàm diệt được cái thấy sai lầm ở cõi Dục. Vì vậy được sánh với vị bơ (446). Bậc thứ năm là A La Hán, Bích Chi Phật, và Phật Tạng giáo sánh với vị đề hồ, vì A La Hán, Bích Chi Phật, và Phật hoàn toàn diệt cái thấy và làm sai lầm trong ba cõi (447).
(2) Nhìn về năm vị sữa dùng để tỷ dụ năm thứ bậc quả vị của Thông giáo, Trí Khải giải thích rằng bậc thứ nhất chỉ cho chúng sinh vô minh, sơ quả Tu Đà Hoàn, và nhị quả Tư Đà Hàm. Tuy nhiên, hạng chúng sinh vô minh thật sự không có quả vị, bởi vì chúng sinh vô minh chưa thể diệt vọng, giống như sữa pha trộn lẫn với máu bò. Hai quả vị kế tiếp không vượt qua được số đáng kể về cái thấy và thái độ sai lầm, quả vị nầy sánh với vị sữa (448). Bậc thứ hai sánh với quả vị A Na Hàm. Trí Khải nói rằng A Na Hàm hoàn toàn diệt được thấy và nghĩ sai lầm trong Dục giới, sánh với chất kem (449). Bậc thứ ba chỉ cho bậc A La Hán. Trí Khải nói rằng quả vị thứ tư nầy diệt được cả hai cái thấy và làm sai lầm, sánh với sữa đặc (450). Bậc thứ tư chỉ cho Bích Chi Phật và Bồ tát. Trí Khải trưng dẩn rằng Bích Chi Phật, với trí tuệ sắc bén, diệt tập khí, và dần dần vượt qua Thanh văn. Quả vị Bích Chi Phật, cùng với Bồ tát, sánh với chất bơ (451) . Bậc thứ năm là Thập Địa. Trí Khải nói rằng Thập Địa được gọi là Phật địa, quả vị như chất đề hồ (452) .
(3) Nhìn về năm vị sữa dùng để tỷ dụ năm thứ bậc quả vị của Biệt giáo, Trí Khải nói rằng bậc thứ nhất chỉ cho chúng sinh vô minh, thật sự không có quả vị, vì vẫn còn sánh như sữa pha trộn máu bò. Sữa sánh với vô minh, máu sánh với bốn thứ trói buộc (453). . Vì chúng sinh vô minh có bốn thứ ràng buộc, như vị sữa pha lẫn với máu (454). Bậc thứ hai chỉ cho (Uravaka). Trí Khải nói rằng những địa trong Thập Địa nầy tương đương với Nhị thừa, thấy rằng đã diệt được bốn thứ trói buộc. Vì thế, quả vị nầy sánh với vị sữa (455). Bậc thứ ba chỉ Bích Chi Phật. Trí Khải nói thêm rằng với trí Kim Cương rốt ráo của Thập Địa rõ ràng về lý, và sắc bén thâm nhập tri kiến, tương đương với Bích Chi Phật, là bậc đã diệt được tập khí. Vì thế, quả vị nầy sánh với chất kem (456). Bậc thứ tư chỉ Bồ tát. Trí Khải diễn tả rằng Thập Hạnh diệt vọng trần sa hoặc, quả vị nầy sánh với sữa đặc. Những quả vị trong Thập Hồi Hướng diệt trần sa hoặc ngoài tam giới, sánh với chất bơ. Vì vậy, quả vị Bồ tát được nhìn như sữa đặc và chất bơ (457). Bậc thứ năm chỉ cho Phật. Trí Khải mô tả Phật trên Thập Địa, diệt vô minh và biểu thị Phật tánh. Với một thân, ứng muôn thân và hằng trăm cõi Phật. Với tám tướng (458), đến Phật giới. Vì vậy, quả vị Phật sánh với chất đề hồ (459).
(4) Nhìn về năm vị sữa dùng để làm tỷ dụ năm thứ bậc quả vị của Viên giáo, Trí Khải luận về một đoạn kinh Niết Bàn :
Trong núi Tuyết, (460) có một loại cỏ gọi là cỏ Nhẫn Nhục. Nếu một con bò ăn được loại cỏ nầy, liền lập tức biến thành chất đề hồ (461). Con bò sánh với chúng sinh vô minh, cỏ sánh với Bát Chánh Đạo. (Nếu hành giả) tu tập Bát Chánh Đạo, lập tức vào được Phật tánh, gọi là đạt đến vị đề hồ. Điều nầy sánh với Viên Giáo, là nơi hành giả đi được trên con đường dài và rộng, quán sát rằng tất cả chúng sinh đồng thể tánh Niết Bàn, là cái không thể bị hoại diệt.(462)
Dẩn kinh Đại Niết Bàn, Trí Khải muốn nói rằng Bồ tát Viên giáo không cần phải đi qua bốn thứ lớp vị sữa trước khi đến vị đề hồ. Đây là một diễn đạt về sự siêu việt của Viên giáo. Trí Khải xác định rằng có bốn sự vi diệu xây dựng nên Viên giáo, và có thể được tỷ dụ như sau :
(i) Sự kiện rằng con bò có thể tức thời làm thành chất đề hồ như chân lý khi ăn loại cỏ nầy có nghĩa rằng khái niệm về chân lý Viên giáo là tối hậu. Như vậy, cỏ Nhẫn Nhục (jen-tsao) dụ cho Diệu Cảnh (Ching-miao) .
(ii) Sự chứng đắc giải thoát kết quả từ việc bò ăn cỏ cho thấy rằng con bò dụ cho Diệu Trí (Chih-miao) thâm nhập chân lý.
(iii) Sự kiện giải thoát thực sự từ việc ăn cỏ cho thấy rằng tác động ăn chỉ cho Diệu Hành (Hsing-miao).
(iv) Sau cùng, đề hồ dụ cho Diệu Vị (Wei-miao).

Để tô đậm sự siêu việt của Viên giáo, Trí Khải so sánh bốn khía cạnh nầy của Viên giáo với ba giáo pháp kia. Con bò ăn loại cỏ khác có ý rằng những pháp thô từ ba giáo pháp kia. Điều nầy bởi vì loại cỏ khác chỉ khiến cho máu bò làm thành sữa, và sữa phải đi qua những thay đổi (sữa thành kem, kem thành sữa đặc, sữa đặc thành bơ) trước khi có thể trở nên đề hồ. Điểm thứ hai liên quan đến chất đề hồ. Trí Khải nói rằng đề hồ có ý nghĩa hoàn toàn khác biệt trong nội dung Tứ giáo. Mặc dù tất cả Tứ giáo đều cho rằng Phật trí sánh với đề hồ, nội dung Phật trí khác nhau, và sự trở nên đề hồ có thể là những thứ bậc khác nhau. Hành giả Tạng giáo và Thông giáo chưa hiểu được Trung Đạo, và chỉ biết đến Nhị Đế (Tục đế và Chân đế), do đó họ nhìn Không Đế (Absolute Truth of emptiness) là đề hồ. Bồ tát Biệt giáo, hướng về Thập Địa, sơ khởi diệt vô minh, có thể được xem như là Phật. Vị Bồ tát nầy thấy được lý Trung Đạo là đề hồ. Bồ tát Viên giáo, sơ quả Thập Trụ, đã đạt đến tri kiến Trung Đạo, có thể được nhìn như đề hồ. Với sự so sánh chất đề hồ qua nội dung Tứ giáo, chất đề hồ của Viên giáo được xem là vi tế (463).
Hơn nữa, Trí Khải dẩn chứng một đoạn kinh từ phẩm thứ hai mươi bảy, kinh Đại Niết Bàn :
Như một người nào đó bỏ độc dược vào sữa để giết người, ngay cả chất đề hồ cũng có thể giết người.(464)
Đoạn kinh văn nầy được đưa ra nhằm mục đích nói rằng Phật tánh có mặt ở khắp nơi, và tất cả quả vị Viên giáo đều quan trọng như nhau, hành giả có thể chứng ngộ chân lý ở bất cứ vị nào trong các vị nầy. Trí Khải so sánh vị sữa với trí vô minh, thuốc độc với trí chân thực. Thuốc độc có thể giết người. Cũng vậy, thực trí dụ cho thuốc độc có khả năng tiêu diệt vô minh. Trí Khải nói rằng giống như thuốc độc, thực trí có mặt ngay trong trí của kẻ ngu. Chỗ nầy đưa ra một ý nghĩa quan trọng về tính cách không cố định, là không chắc chắn thuốc độc sẽ phát tác vào lúc nào. Bởi vì năm vị sữa chứa đầy thuốc độc, tất cả năm vị đều có khả năng giết người (diệt vô minh). Chỗ nầy có nghĩa rằng chúng sinh có thể đạt đến Phật trí trong bất cứ vị nào mà không phải đi qua từng vị một. Diệt vô minh có nghĩa là đạt đến Phật trí trong năm vị nầy được Trí Khải kể ra trong tương quan với Tứ giáo như sau :
(1) Cái diệt thứ nhất được nói đến qua năm vị của kẻ ngu. Diệt với sữa pha lẫn máu(Hsueh-ju Sha-fen) chỉ cho kẻ còn ở trong vô minh, nhưng có cơ hội nghe kinh Hoa Nghiêm, tức thời nhận được yếu chỉ và vào được Phật tuệ (465). Thứ hai diệt với chất kem (Lao-chung Sha-fen) chỉ cho hành giả, sau khi đạt đến Thập Trụ, chứng ngộ qua kinh Hoa Nghiêm. Thứ ba diệt với sữa đặc(Sheng-su Sha-fen) chỉ cho hành giả bậc Thập Hạnh chứng ngộ. Thứ tư diệt với bơ (Shu-su Sha-fen) chỉ cho hành giả bậc Thập Hồi Hướng chứng ngộ. Thứ năm diệt với chất đề hồ (Ti-hu Sha-fen) chỉ cho bậc Thập Địa chứng ngộ.
(2) Cái diệt thứ hai được nói đến qua hai vị của Tạng giáo. diệt với chất sữa (Ju-chung Sha-fen) chỉ cho kẻ vô minh, Thanh văn, và Bồ tát. Khi hành giả nghe được Tạng giáo, hành giả lập tức thầm nhận được lý Trung Đạo (466). Diệt với chất kem chỉ cho hành giả tứ quả, thầm nhận được lý Trung Đạo.
(3) Cái diệt thứ ba được nói đến qua năm vị Thông giáo. Diệt với chất sữa chỉ cho kẻ vô minh, và Tam thừa. Nếu hành giả nghe được Thông giáo, có thể thầm nhận được Phật tánh. Diệt với chất kem chỉ cho vị Bồ tát, khi vào một vị nào đó, thầm nhận nguyên lý. Diệt với sữa đặc chỉ cho Bồ tát là bậc vào được Đạo Chủng Trí. Diệt với chất bơ chỉ cho Bồ tát được chân lý ở địa thứ chín trong Thập Địa. Diệt với chất đề hồ chỉ cho Bồ tát được chân lý ở địa thứ mười trong Thập Địa.
(4) Cái diệt thứ tư được nói đến qua năm vị Biệt giáo. Diệt với chất sữa chỉ cho Thập Tín, khi nghe được giáo lý Phật, nhận được yếu chỉ. Diệt với kem, sữa đặc, và chất bơ chỉ cho các bậc Thập Trụ, Thập Hạnh, và Thập Hồi Hướng. Diệt với chất đề hồ chỉ cho chỉ cho Thập Địa.
(5) Cái diệt thứ năm được nói đến qua Viên giáo. Diệt với chất sữa chỉ cho hành giả, khi nghe được kinh Pháp Hoa, lập tức diệt vô minh, vào Phật tánh. Diệt với chất kem, sữa đặc, và chất bơ chỉ cho hành giả được sáu căn thanh tịnh diệt vô minh và vào được Phật tánh. Diệt với chất đề hồ chỉ cho hành giả bậc Thập Địa diệt vô minh, vào được Phật tánh.
Sự liệt kê về cách diệt vô minh qua Tứ giáo nói trên cho thấy rằng mỗi vị đều khả dĩ diệt được vô minh và nhận được Phật tánh. Nói cách khác, Phật tánh có thể phơi bày bất cứ thời điểm nào bởi vì dù là thô hoặc tế đều chứa đựng bản hoài của chư Phật cứu độ chúng sinh.

10. . Minh định thủy và chung của Diệu Vị (Ming Miao-wei Shih-chung) (T33, 740c-741b)
Đây là phần nói về Viên giáo vị sau cùng. Trí Khải kết luận rằng mặc dù Diệu Vị thuộc Viên giáo gồm những thứ lớp chứng đắc khác nhau (từ sơ địa cho đến địa sau cuối), đều cùng lúc cho thấy rằng không có sự khác biệt giữa điểm đầu tiên và điểm cuối cùng. Phần trên nói đến sự diệt vô minh khác nhau (thấy rằng chúng sinh có thể đạt đến Phật tánh bất cứ lúc nào), là những thí dụ sống động về sự vô phân biệt giữa thủy và chung của Diệu Vị qua Viên giáo.
Phần trên nói đến sự phân tích của Trí Khải về Diệu Vị. Sáu nhóm quả vị được đưa ra, quả vị Nhân thừa và Thiên thừa, Nhị thừa thuộc Tạng giáo, Bồ tát Tạng giáo, Tam thừa Thông giáo, Biệt giáo, và Viên giáo. Trong sáu nhóm quả vị nầy, bốn nhóm qua Tứ giáo là quan trọng nhất, mặc dù có từng loại, nhưng tương quan lẫn nhau trong hệ thống phân loại của Trí Khải.
(1) Quả vị Nhị thừa Tạng giáo gồm có Thất Hiền và Thất Thánh thuộc Thanh văn, và Duyên giác. Thất Hiền được chia ra ngoại phàm biểu thị cho ba vị đầu của Ngũ đình tâm và Tứ niệm trụ.; và nội phàm biểu thị cho Tứ thanh tịnh tâm, Noãn, Đỉnh, Nhẫn, và Thế đệ nhất pháp. Thất Thánh thuộc Tứ quả A la hán, chỉ cho Tùy tín hạnh, Tùy pháp hạnh, Tín giải, Kiến đắc, Thân chứng, Huệ giải thoát La Hán, Câu giải thoát La Hán.
(2) Vị Tam thừa Thông Giáo gồm có mười quả vị và nói riêng về các Bồ tát mang những tên khác với mười quả vị nầy. Mười quả vị nầy là : Can Huệ Địa, tức Phục Nhẫn Bồ tát, Tánh Địa tức Thuận Nhẫn Bồ tát, Bát Nhẫn Địa tức Vô Sinh Pháp Nhẫn Đạo, Kiến Địa tức Vô Sinh Pháp Nhẫn Quả, Bạc Địa tức Du Hí Ngũ Thần Thông, Ly Dục Địa tức Ly Dục Thanh Tịnh, Dĩ Biện Địa tức Vô Sinh Pháp Nhẫn, Bích Chi Phật Địa tức Vô Sinh Pháp Nhẫn, Bồ Tát Địa, và Phật Địa.
(3) Vị Biệt giáo gồm năm mươi hai quả vị Bồ tát chia ra bảy bậc. Bảy bậc nầy là : Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, và Diệu Giác.
(4) Vị Viên giáo gồm hai nhóm : Nhóm thứ nhất chỉ cho Viên giáo Ngũ Phẩm Đệ Tử Vị tương đương với Nội phàm, Can Huệ Địa của Thông giáo, và Thập Tín của Biệt giáo. Nhóm thứ hai chỉ cho Viên giáo Thất Chủng Vị mang bảy tên gọi như bảy thứ lớp của Biệt giáo.
Bốn nhóm quả vị qua Tứ giao đồng như nhau về thứ bậc, nhưng vì Tứ gíáo được đề ra trong chiều hướng thượng, nên có bốn quả vị Tứ giáo. Biểu đồ về những thứ bậc tương đương trong Tứ giáo được toát yếu như sau :
Ba quả vị đầu tiên của Thất Hiền thuộc Tạng giáo, Ngũ Đình Tâm và Tứ Niệm Trụ thuộc về Ngoại phàm, tương đương với vị thứ nhất trong mười vị thuộc Thông giáo là Can Huệ Địa, tức Phục Nhẫn Bồ tát, Thập Tín của Biệt giáo, và Ngũ Đẳng Đệ Tử Vị của Viên giáo.
Bốn quả vị sau cuối của Thất Hiền thuộc Tạng giáo, Tứ Thanh Tịnh thuộc Nội phàm, tương đương với vị thứ hai trong mười vị thuộc Thông giáo, là Tánh Vị, tức Thuận Nhẫn, Tam Thập Tâm của Biệt giáo ( là Thập Trụ, Thập Hạnh, và Thập Hồi Hướng), và Thập Tín của Viên giáo.
Vị thứ nhất và thứ hai của Thất Thánh vị thuộc Tạng giáo, Tùy Tín Hạnh và Tùy Pháp Hạnh thuộc về sơ quả Tu Đà Hoàn, tương đương với vị thứ ba trong mười vị thuộc Thông giáo là Bát Nhẫn Địa, tức Vô Sinh Pháp Nhẫn Đạo Bồ tát, và sơ địa trong mười địa của Biệt giáo là Hoan Hỷ Địa.
Vị thứ ba trong Thất Thánh vị thuộc Tạng giáo, Tín Giải thuộc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, và A Na Hàm, tương đương với bậc thứ tư, thứ năm, và thứ sáu trong mười vị thuộc Thông giáo là Kiến Địa tức Vô Sinh Pháp Nhẫn Quả Bồ tát, Bạc Địa tức Du Hý Ngũ Thần Thông Bồ tát, và Ly Dục Địa tức Ly Dục Thanh Tịnh Bồ tát. Nói cách khác, Kiến Địa tương đương với sơ địa trong Thập Địa thuộc Biệt giáo là Hoan Hỷ Địa. Bạc Địa tương đương với địa thứ hai và thứ ba trong Thập Địa là Ly Cấu Địa, và Phát Quang Địa. Ly Dục Địa Tương đương với bậc thứ tư và thứ năm là Diệm Tuệ Địa, và Cực Nan Thắng Địa.
Vị thứ tư và thứ năm trong Thất Thánh thuộc Tạng giáo là Kiến Đắc và Thân Chứng thuộc quả A Na Hàm, tương đương với vị thứ sáu trong mười vị thuộc Thông giáo là Ly Dục Vị.
Vị thứ sáu và thứ bảy trong Thất Thánh thuộc Tạng giáo là A La Hán giải thoát từng phần và A La Hán giải thoát toàn diện thuộc tứ quả A La Hán, tương đương với vị thứ bảy trong mười địa thuộc Thông giáo là Dĩ Biện Địa tức Vô Sinh Pháp Nhẫn Bồ tát, và địa thứ sáu và thứ bảy trong mười địa thuộc Biệt giáo là Hiện Tiền Địa và Viễn Hành Địa.
Vị thứ tám trong mười vị thuộc Thông giáo là Bích Chi Phật Địa tức Vô Sinh Pháp Nhẫn Bồ tát, tương đương với địa thứ tám thuộc Biệt giáo là Bất Động Địa.
Vị thứ chín trong mười vị thuộc Thông giáo là Bồ tát địa, tương đương với địa thứ chín thuộc Biệt giáo là Thiện Tuệ Địa.
Vị thứ mười trong mười vị thuộc Thông giáo là Phật Địa, tương đương với địa thứ mười thuộc Biệt giáo là Pháp Vân Địa.
So sánh với Viên giáo thì Thập Địa của Biệt giáo tương đương với Thập Trụ của Viên giáo. Hơn nữa, vị thứ nhất trong Thập Hạnh Viên giáo tương đương với Đẳng giác của Biệt giáo, và vị thứ hai trong Thập Hạnh Viên giáo tương đương với Diệu Giác của Biệt giáo. Từ vị Thập Hạnh thứ ba cho đến Diệu Giác thuộc Viên giáo, những quả vị nầy thuần túy của Viên giáo, và vượt trên những quả vị của ba giáo pháp Tạng, Thông, và Biệt giáo.
Phương cách so sánh những quả vị trong Tứ giáo phản ảnh sự phân tích không rời rạc của Trí Khải về hệ thống phân loại qua Tứ giáo. Sự phân tích của Đại Sư về các quả vị dung hợp tất cả các giáo thuyết Phật giáo về quả vị. Chiều hướng thượng của Tứ giáo hoàn toàn rõ rệt qua bốn nhóm quả vị
(i) Sự chứng đắc cao nhất của Tạng giáo thuộc tứ quả A La Hán chỉ tương đương với vị thứ bảy trong mười vị của Thông giáo, địa thứ sáu và thứ bảy trong mười địa của Biệt giáo, và Thập Trụ của Viên giáo.
(ii) Sự chứng đắc cao nhất của Thông giáo là Phật địa chỉ tương đương với Thập Địa của Biệt giáo, và Thập Trụ của Viên giáo.
(iii) Sự chứng đắc cao nhất của Biệt giáo là Diệu Giác chỉ tương đương với bậc thứ hai trong Thập Hạnh của Viên giáo.
(iv) Tất cả những quả vị còn lại của Viên giáo (từ quả Thập Hạnh thứ ba đến Diệu Giác) thì vượt trên tất cả những quả vị Biệt giáo. Điều nầy nói lên rằng những quả vị Viên giáo là sự chứng đắc rốt ráo Phật giới. Biểu đồ về các quả vị qua Tứ giáo hài hòa với biểu đồ Cảnh, Trí, và Hành. Như vậy, nói về việc đạt đến chỗ rốt ráo thì con đường Viên giáo là thậm thâm vi diệu, có thể được chứng đắc Phật tánh. Trong khi xác định sự siêu việt của Viên giáo, Trí Khải nhắc chúng ta rằng không nên khinh suất Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo, bởi vì nếu không có những giáo pháp tương đối đưa đường chúng sinh về với tuyệt đối, thì chúng sinh không thể đạt đến sự chứng ngộ toàn diện.

1.4.5 Diệu Tam Pháp – phân tích về cái Diệu thứ năm thuộc Tích Môn (T33, 741b-746c).

Sau khi luận về Diệu Cảnh, Diệu Trí, Diệu Hành, và Diệu Vị, đề mục thứ năm của Trí Khải là Diệu Tam Pháp. Chúng ta có thể nói rằng đề mục Diệu Vị thứ tư là kết quả của Diệu Cảnh, Diệu Trí, và Diệu Hành, từ cái trước, cái sau thành tựu. Trong phần nầy đi xa hơn kết lại bốn cái Diệu nói trên, thấy rằng Diệu Tam Pháp gần với Diệu Vị (cái trước chứa đựng cái sau) (467).
Trong lối nhìn của Trí Khải, đường (track) là pháp (dharma) và pháp là đường : Cái gọi là pháp có thể gọi là đường, theo đường chư Phật vào Phật giới (468) .
Đặc biệt, Tam Pháp cũng được gọi là Tam quĩ phạm (San-kui), chỉ cho Chân tánh, Quán chiếu, và Tư thành. Ba quĩ phạm nầy là lối phát họa của Trí Khải về thế giới hiện tượng: có ba pháp vạch ra, và tất cả sự vật trong mười pháp giới gồm thu ba pháp nầy. Nói cách khác, toàn thể vũ trụ được dựng lập bởi ba quĩ phạm. Đường ngang, ba quĩ phạm bao che chiều rộng mười phương; đường dọc, thâm nhập ba thời, từ điểm bắt đầu như nhân, và điểm sau cùng như quả. Theo định nghĩa của Trí Khải, Chân Tánh chỉ cho thực tánh bất biến của chúng sinh có đặc tính không nhiễm ô và không sai khác; Quán Chiếu chỉ cho trí tuệ có khả năng diệt vọng, hiển lộ thực tánh của chúng sinh; và Tư Thành chỉ sự triển khai những hạt giống cần thiết cho trí tuệ chứng ngộ thực tánh nầy. Tam quĩ phạm liên quan đến Phật tánh như Tam Nhân của Phật tánh. Chân Tánh hợp vớì Chánh Nhân, chỉ cho sự kiện tất cả chúng sinh có sẳn thực tánh nầy. Quán Chiếu hợp với Liễu Nhân, đó là năng lực trí tuệ sẳn có giúp chúng sinh mở bày chân tánh bên trong. Tư Thành hợp với Duyên Nhân, hoặc bản năng sẳn có về Phật giới trong tất cả chúng sinh, giúp vào việc phát triển những mầm mống quý báu để đạt đến trí tuệ. Theo như định nghĩa nầy, Trí Khải tin rằng Tam Phật tánh là mầm mống Phật giới ẩn tàng đưa đến sự chứng đắc Phật giới, chiếu soi ánh sáng vào sự phổ độ chúng sinh. Tam quĩ phạm, mặt khác, là sự hiển lộ quả Phật tánh, quả giải thoát sau cùng. Trí Khải gọi Tam Phật tánh (Triple Buddha-nature) là Tam Quĩ Tánh Đức (Hsing-te San-kui).
Hơn nữa, thuyết của Trí Khải về Tam Pháp hiển thị Một Phật Thừa như cốt lõi của kinh Pháp Hoa. Trí Khải nói rõ rằng một Phật thừa gồm có Tam quĩ. Chỉ khi nào hành giả ngồi được trên cổ xe thành lập bởi tam quỉ phạm thì mới có thể đến được Bồ đề đạo tràng và chứng đạo. Điều nầy cho thấy rằng Tam quĩ là Tu Đức Tam Quĩ Phạm (Hsiu-te San-kui). Với Trí Khải, Tam quĩ trong giáo lý Phật đặc biệt có ý nghĩa như phản ảnh tất cả nhân quả của sự chứng đắc Phật giới. Thấy rằng Tam quĩ gồm tất cả pháp từ thủy chí chung, thể và tướng trong vũ trụ có thể gồm thu trong Tam quĩ. Tam quĩ thành tựu Đại thừa có thể xem như là thể, và Tam quĩ phạm chứa đựng vạn vật có thể xem như là tướng.

I. Định nghĩa Tam Quĩ Phạm

Với mục đích phân tích tam quĩ, Trí Khải đưa ra một lối nhìn thâm sâu bằng cách trước hết định nghĩa tam quĩ trong tương quan với một Phật thừa. Một Phật thừa nầy là đặc tính tổng quát của tam quĩ, bởi vì cái trước thành tựu cái sau. Một và Ba không phải là cố định, nói Nhất Thừa liên quan đến ba quĩ phạm, và quán chiếu ba quĩ phạm không gì khác hơn là trên một Phật thừa. Điều nầy bởi vì một Phật thừa nội dung cực kỳ phong phú, và mang những tên gọi khác nhau. Thể và Tướng tương nhập vào nhau, thành một thực tại. Trí Khải nói : Một Phật thừa nầy tương ứng với Tam Pháp, cũng có tên là Đệ Nhất Nghĩa Đế, Đệ Nhất Không, và Như Lai Tạng. Ba thực thể nầy không cố định là ba, vì ba được nói qua một ; một thực tại cũng không là một, vì một được nói qua ba.(469)
Tóm lại, ba quĩ phạm và một Phật thừa là hai tên gọi của một thực tại, một trong ba, và ba trong một. Trí Khải nói về tánh bất định nầy bằng cách dẩn một lối nói xác định, phủ định, và hai lần phủ định (một, không phải một, chẳng phải một, chẳng phải chẳng phải một).
(i) Lối nói xác định một diễn tả khái niệm Đệ Nhất Nghĩa Đế (Supreme Truth) khiến sự tuyệt đối của chân thực tại được chỉ rõ. Trí Khải dùng danh từ Đệ Nhất Nghĩa Đế để nói rằng vạn pháp vào một Phật thừa.
(ii) Lối nói phủ định không phải một diễn tả khái niệm về Như Lai Tạng, chỉ tánh dụng của chân thực tại. Danh tự nầy được Trí Khải dùng để nói đến sự phong phú của Như Lai Tạng qua vô lượng pháp môn giáo hóa chúng sinh. Để khế hợp căn cơ khác nhau của chúng sinh, Thế Tôn thuyết ra các thừa khác nhau.
(iii) Lối nói hai lần phủ định chẳng phải một, chẳng phải chẳng phải một đưa ra khái niệm Đệ Nhất Nghĩa Không (Supreme Meaning of Emptiness). Danh tự nầy chỉ cho cái dụng phát sinh từ tánh Không, và Trí Khải dung hợp với phương tiện khéo léo và thích hợp của chân thực tại : Tương đối hàm chứa Tuyệt đối và ngược lại. Thế Tôn thuyết pháp theo những duyên nầy. giáo lý dường như cố định nhưng không hẳn là cố định, bởi vì Thế Tôn thuyết pháp tuyệt đối của một Phật thừa cũng như pháp tương đối của Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát). Mặc dù trong giáo lý Thế Tôn có pháp tương đối Tam thừa, cuối cùng, tất cả đều hoán chuyển vào Nhất Thừa tối thượng.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng : Với ý nghĩa gì tam quĩ phạm đại diện tất cả pháp? Điểm nầy nên được nhìn trong tương quan với Tam Diệu (Cảnh như thực, Trí, và Hành). Trong hệ thống hiểu Phật pháp của Trí Khải, ba môn Diệu nầy có nhiều ý nghĩa nhất trong những yếu tố phải có để đạt đến giải thoát. Ba môn Diệu nầy không thể phân ly : Chân lý như một đối tượng phải được thâm nhập trong sự chứng đắc giải thoát; trí đòi hỏi nhằm mục đích thâm nhập chân lý; và thực hành là phương tiện để đạt trí nhằm vào được sự thật. Trí Khải nhìn chân lý như Thể, trí như Tông, và hành như Dụng. Tất cả ba yếu tố nầy cần phải có trước khi đạt đến giải thoát, thấy rằng ba cái diệu nầy đã lần lượt tạo nên đặc tính của tam quĩ phạm. Quĩ phạm Chân Tánh liên quan đến chân thực tại, biểu thị Diệu Cảnh ; quĩ phạm Quán Chiếu liên quan đến trí thâm nhập vào chân thực tại, biểu thị Diệu Trí ; và quĩ phạm Tư Thành liên quan đến thực hành để đạt đến trí thâm nhập vào chân thực tại, biểu thị Diệu Hành. Vì vậy, Trí Khải nhìn ba môn Diệu đầu tiên như nhân chứng đắc Bồ Đề, và ba quĩ phạm là quả Phật giới . Mặc dù tam diệu là nhân, và ba quĩ phạm là quả, nhân và quả có trong nhau : nhân đưa đến quả, và quả sinh ra nhân. Tự nền tảng, nhân và quả là một thực thể, và cả hai thành tựu bởi tam quĩ phạm.
Vậy thì cái gì là sự khác biệt giữa nhân và quả được gọi tên và có mặt riêng biệt?. Trước hết, Trí Khải nói rằng ba cái diệu xem như ba quĩ phạm có thể mô tả nhân giải thoát, và một Phật thừa thành tựu bởi tam quĩ phạm là quả Phật giới. Thứ hai, tam diệu Cảnh, Trí, và Hành được trình bày riêng biệt để diễn tả tiến trình đạt đến giải thoát. tam quĩ phạm được nói chung như một thực thể để phát họa quả như một Phật thừa. Thứ ba, ba cái diệu và ba quĩ phạm lần lượt chiếu soi từ thủy chí chung sự tu tập đạt giải thoát của hành giả. Tam diệu là tam quĩ phạm liên quan đến tánh đức tam quĩ (hsing-te san-kui), và tam quĩ phạm liên quan đến tu đức tam quĩ (hsiu-te san-kui)
Hơn nữa, Trí Khải nhấn mạnh rằng tam quĩ phạm có những ý nghĩa khác nhau qua Tứ giáo với sự kiện rằng Tứ giáo kết quả từ giáo, hành, và chứng khác nhau. Chỉ khi nào những định nghĩa về ba quĩ phạm qua Tứ giáo được phân biệt, hành giả có thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa tổng quát của ba quĩ phạm như Một Đại Thừa. Như Trí Khải nói :Hành giả nên biết phương tiện khế hợp được Như Lai áp dụng trước khi hành giả hiểu ba quĩ phạm là Một Đại Thừa.(470). Trí Khải có ý nói rằng vạn pháp đến từ một nguồn – Như Lai Tạng. Từ điểm nầy, chư Phật đưa ra nhiều phương cách khác nhau để cứu độ chúng sinh, như tam thừa lần lượt qua Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo. Thật sự, chỉ có Một Đại Thừa là Phật thừa, bao gồm ba thừa nầy, và trong hệ thống của Trí Khải, Phật thừa tối hậu nầy được trình bày bởi Viên giáo.
Nói một cách tổng quát, Chân Tánh nằm trong chân thực tại luôn hiện hữu, không thể bị hủy diệt. Quán Chiếu nằm trong trí tuệ thâm nhập chân lý. Tư Thành nằm trong tu tập giải thoát. Ba quĩ phạm nầy mang những nội dung khác nhau qua Tứ giáo hoặc thô hoặc tế. Với tiêu chuẩn của Trí Khải, nếu nội dung từng quĩ phạm không liên hệ với nhau để tạo thành một thực thể liên tục, thì những quĩ phạm nầy trở thành những giáo pháp tương đối. Chỉ khi nào nội dung của cả ba mặt tương nhập vào nhau và cùng hoạt dụng thành tựu nhất thừa tối hậu thì mới được nhìn là vi tế.
Trong đường hướng nào ba quĩ phạm có thể được xác định như Một Phật Thừa? Điều nầy làm được bằng cách quán chiếu ba quĩ phạm qua Tứ giáo. Theo Trí Khải, một cổ xe hợp lý là phải có thể chất và công dụng. Quĩ phạm Chân Tánh biểu thị chất liệu cổ xe, quĩ phạm quán chiếu và tư thành chỉ cho dụng. Thể chứa đựng dụng, do đó hành giả không thể chỉ đạt đến giải thoát cho riêng bản thân mình, nhưng tiếp tục hoán chuyển người. Dụng có hai nghĩa. Nói cách khác, dụng cụ là nhân duyên khiến hành giả đạt đến giải thoát. Mặt khác, dụng cụ cũng là sự hiển lộ chân lý. Từ Thể sinh ra Dụng. Đạt đến chỗ tự giải thoát. hành giả nên tiếp tục con đường giáo hóa và hoán chuyển chúng sinh. Vì vậy, Thể phải chứa đựng Dụng, và Dụng phải dựa trên Thể. Một cổ xe vĩ đại toàn hảo hoàn thành khi thể và dụng hòa hợp vào một thực tại, trong khi từng phần vẫn tương ưng với bản tính đặc thù. Thể đưa đến Dụng cho thấy rằng chư Phật không chỉ tự giải thoát, mà còn liên tục thuyết pháp hóa độ chúng sinh. Dụng đưa vảo Thể cho thấy rằng hoạt dụng phổ độ của chư Phật đồng thời phát sinh từ chân tánh tĩnh lặng. Sau đây là sự quán sát của Trí Khải về ý nghĩa của tam quĩ phạm qua Tứ giáo.
(1) Nội dung của ba quĩ phạm qua Tạng giáo liên quan đến sự thực chứng vô nhiễm của A La Hán, là bậc đã vào Không qua phân tích và chia chẻ các pháp đến chỗ không có gì còn lại (Hsi-fa Ju-kung). Trí tuệ, trong Quán Chiếu, liên hệ đến sự phân biệt nhằm mục đích đạt đến trạng thái bất động của Niết Bàn. Hành, qua Tư Thành liên hệ đến sự diệt kiến, tư hoặc trong ba cõi nhằm mục đích đạt đến Chân Không. Sau cùng, Chân Tánh được định nghĩa bởi Không như Chân Đế. Trí Khải nói rằng Chân Đế nầy là cái có từ Chân Tánh thuộc Tạng giáo, không thể được xem là Thể, bởi vì không đưa ra được ý nghĩa của Dụng, và chỉ đứng yên như một mục tiêu bất dụng mà hai quĩ phạm kia hướng về. Tuy nhiên, quĩ phạm Quán Chiếu ở tại trí tuệ bất động, cung ứng sự chứng đắc Niết Bàn, được xem là Thể. Quĩ phạm Tư Thành, giúp hành giả đạt đến trí tuệ nầy, được xem là dụng cụ. Trí Khải nói tiếp rằng thay vì quĩ phạm Chân Tánh là cổ xe, giáo lý giải thích Chân Tánh nầy có thể được nhìn như là cổ xe. Tuy nhiên khi mục tiêu nhìn Không như Chân Đế được chứng ngộ, giáo lý không còn cần thiết, và vì vậy, không có cả một giáo lý có thể được nhìn như là một thừa. Về chính sự chứng đắc, bởi vì chứng ngộ về Không đưa đến diệt sự bất động, trong đó bậc A la hán không còn hoạt dụng trong thế tục, sự chứng ngộ nầy không rốt ráo, và cũng không mang một ý nghĩa gì về thừa. Với Trí Khải, điều nầy có nghĩa rằng ba quĩ phạm chung cùng không thể làm thành chỉ một thừa. Điều có thể suy ra từ kết luận nầy là tam quĩ phạm của Tạng giáo chỉ chứa đựng ý nghĩa tìm một cổ xe (thừa) . (471)
(2) Nội dung ba quĩ phạm Thông giáo cũng gắn liền với thực chứng vô nhiễm của bậc A la hán. Sự khác biệt nằm trong sự kiện hành giả Thông giáo vào lý Không bằng cách thấy Không ngay ở trong pháp (Ti- fa Ju-kung). Hành giả thấy rằng chính thế giới hiện tượng thì bất định và như mộng, vì thế là Không. Vạn hữu đồng với Không, và đây là Chân Đế. Không Đế, từ Chân Tánh có thể được xem như Thể. Quán Chiếu liên quan đến trí tuệ đồng nhất giữa Không và Hữu. Tư Thành liên quan đến những hạnh thanh tịnh Phật địa và cứu giúp chúng sinh khác nhau của Bồ tát. Mặc dù quĩ phạm Chân Tánh có thể được xem như Thể về mặt giáo thuyết (thấy rằng chư Bồ tát tiếp tục làm việc cứu độ chúng sinh trên sự chứng ngộ về Chân Không), thực sự, điều nầy chưa hoàn bị. Lý do vì cũng như hành giả Tạng giáo, mục tiêu sau cuối của chư Thanh văn, Bồ tát độn căn, và các vị Duyên Giác Thông giáo địa thứ bảy và thứ tám trong mười bậc thuộc Thông giáo là chứng ngộ Không. Mặc dù Bồ tát địa thứ chín và thứ mười có làm việc thanh tịnh cõi Phật và cứu độ chúng sinh, hai địa nầy chỉ có danh, không người chứng đắc. (472) Những giáo thuyết giải thích về lý Không không thể được xem như là một thừa, bởi vì sự chứng đắc khiến giáo thuyết trở nên không cần thiết. Về chính sự chứng ngộ, cũng không thể viên mãn, vì đây là trạng thái diệt tận. Trí Khải kết luận rằng cả tam quĩ phạm thuộc Thông giáo cũng không thể làm thành chỉ một thừa. Cái có thể suy ra từ kết luận nầy là ba quĩ phạm Thông giáo chỉ mang ý nghĩa tìm một cổ xe (thừa).(473)
(3) Trường hợp Biệt giáo, với sự kiện rằng sự tu tập chính của Bồ tát Biệt giáo nhắm vào việc thượng cầu Bồ đề hạ hóa chúng sinh, và Bồ tát có thể vào lý Trung Đạo không những hiểu được Không tánh mà còn thấy được Giả tướng, Quán Chiếu được xem như là Thể. Trung Đạo được hiển lộ qua bản thể của trí tuệ. Trong trường hợp nầy, Chân Tánh chỉ cho thể của trí tuệ. Tư Thành nói về những hoạt dụng khác nhau của Bồ tát thực hành để hoán chuyển chúng sinh. Trí Khải giải thích rằng lý do Chân Tánh không thể được xem là Thể vì Thể đưa đến cái Dụng diệt vọng. Chỉ có quán Chiếu của Biệt giáo có cái dụng diệt trần sa hoặc và chuyển đạt lý Trung Đạo. So sánh với tam quĩ phạm của Viên giáo, Trí Khải nói rằng tam quĩ phạm của Biệt giáo chưa hoàn chỉnh, vì quĩ phạm Chân Tánh không được xem như là Thể, và cả ba chưa đến chỗ hợp nhất thành chỉ một thừa. (474).
(4) Nhìn về ba quĩ phạm Viên giáo, Trí Khải nhấn mạnh rằng cả ba bổ xung cho nhau, và cả ba hợp nhất tạo nên một Phật thừa. Điều nầy có nghĩa rằng quĩ phạm Chân Tánh chỉ sự thường trụ của tánh Phật như chánh nhân Bồ đề. Dựa vào thực tại nầy- ngay Chân Tánh phát sinh quĩ phạm Quán Chiếu, cả tịch lặng và chiếu soi, và chuyển đạt Đệ Nhất Nghĩa Không. Trí Khải nói rằng sau khi Bồ tát Viên giáo chứng đắc Phật giới, quốc độ không hoàn toàn tịch diệt, nhưng mang theo cái dụng cứu giúp chúng sinh đồng thời không chủ ý tự động phát sinh. Điều nầy có nghĩa rằng chư Phật trụ nơi quốc độ tịch và chiếu. Sự chiếu soi nầy chỉ cho hoạt dụng liên tục phổ độ chúng sinh, là mục tiêu sau cùng của Bồ tát hành trì để chứng nhập Bồ đề. Sự tự giải thoát không khiến cho cái dụng nầy chấm dứt, nhưng chỉ có nghĩa rằng hoạt dụng của chư Phật tự nhiên, thiện xảo, và ứng hợp với nhân và duyên. Quĩ phạm Tư Thành liên quan đến Như Lai Tạng, gồm muôn hạnh và muôn pháp môn trong Pháp giới.
Cách dùng để biểu thị ba quĩ phạm nầy là xác định, phủ định, và hai lần phủ định, như một, chẳng phải một, và chẳng phải chẳng phải một, hiển lộ trong tương quan chẳng tung chẳng hoành trong ba quĩ phạm nầy. Nói cách khác, sự tương quan là tương liên, không thể nói bằng những danh tự cố định. Cùng chung, ba quĩ phạm làm thành một thực tại hội nhập ; tách biệt, mỗi cái tự phơi bày cái dụng của riêng mình. Là Một, bởi vì vạn pháp gồm thu bởi Pháp tánh (Dharmata). Chẳng phải một vì Phật giới có cả hai tịch và chiếu. Chẳng phải chẳng phải Một vì Như Lai Tạng là một thực tại gồm vô lượng hạnh và vô lượng pháp môn. Trí Khải đưa ra viên ngọc như ý để tỷ dụ cho ba quĩ phạm là một thực tại đồng thời cũng phân ra riêng biệt. Giá trị và ánh sáng khác với bảo châu, vì cả ba chỉ cho ba khía cạnh; và giá trị và ánh sáng không khác với bảo châu, vì cái trước có từ cái sau. Hiển nhiên, giá trị và ánh sáng lần lượt mô tả Quán Chiếu và Tư Thành, và là cái dụng của ngọc quý ; viên ngọc mô tả Chân Tánh, và là Thể của giá trị và ánh sáng. Vì vậy, Trí Khải gọi tam quĩ phạm là Pháp bất tư nghị.
Thấy được rõ ràng rằng ba quĩ phạm Viên giáo biểu thị Một Phật Thừa, và chỉ Phật giới, là chỗ các hành giả của ba giáo pháp Tạng, Thông, và Biệt giáo không thể thấy hiểu được. Nhìn vào sự kiện các vị nầy chưa thể hiểu được ba quĩ phạm Viên giáo, Trí Khải nói rằng ba quĩ phạm lại trở thành ba ngăn ngại. Bởi vì sao? Nếu hành giả không diệt được trần sa hoặc trong và ngoài tam giới, điều nầy có nghĩa rằng hành giả chưa nắm được vô lượng pháp môn, làm trở ngại cái thấy Như Lai Tạng. Nếu hành giả chưa diệt được kiến hoặc và tư hoặc, có nghĩa rằng hành giả chưa chứng được tánh Không, là cái ngăn ngại cái thấy của hành giả về Đệ Nhất Nghĩa Không. Nếu hành giả chưa diệt được căn bản vô minh, có nghĩa rằng hành giả chưa chứng ngộ Chân Như trong vạn pháp, khiến nguyên lý tối thượng của chân tánh không được phơi bày.
Tuy nhiên, nhìn cách khác thì ba sự ngăn ngại nầy là cốt lõi của sự chứng ngộ Tam Đức (Pháp Thân, Trí Tuệ, và Giải Thoát). Làm cách nào những điều nầy có thể được? Trí Khải giải thích :
(i) Hiểu rằng có vô lượng pháp môn như phương tiện cứu độ chúngsinh, diệt được trần sa hoặc.
(ii) Hiểu được tánh Không của thực tại, diệt được kiến hoặc và tư hoặc. Điều nầy có nghĩa rằng hành giả vào được Đệ Nhất Nghĩa Không. Cái Không nầy tịch mà chiếu, vì hành giả tương ưng với trí tuệ Bát Nhã, và Quán Chiếu đã hiển lộ. Sự hiển lộ quĩ phạm Quán Chiếu có tên là Bát Nhã.
(iii) Hiểu được thực tánh của chân lý, diệt được căn bản vô minh, ám chỉ rằng hành giả đã chứng ngộ được nguyên lý tối thượng của pháp tánh. Vì sự chứng ngộ nầy, quĩ phạm Chân Tánh hiển lộ, có tên là Pháp Thân. Với quĩ phạm Chân Tánh như vật liệu, hai quĩ phạm Quán Chiếu và Tư Thành làm thànhdụng cụ, ba quĩ phạm hợp lại làm thành Phật thừa. Đi trên cổ xe nầy, hành giả Viên giáo có thể trực nhập Bồ đề đạo tràng. Phật thừa nầy trong Viên giáo không những tự giải thoát mà còn đồng thời giáo hóa và chuyển tâm chúng sinh.
Lập luận về ý nghĩa hoàn mãn của Phật thừa thuộc Viên giáo, Trí Khải đi xa hơn, vén màn Phật thừa, là thừa trụ ở chỗ không hoàn bị cũng chẳng không hoàn bị. Điều Trí Khải kỳ vọng chứng minh là, mặc dù Phật thừa có thể được mô tả phần nào qua lối nói xác định, nội dung phong phú hơn cái mà lối nói nầy có thể hiển bài. Nếu quĩ phạm Chân Tánh như Thể trụ ở chỗ không động chẳng không động, thì, Phật thừa không viên mãn chẳng không viên mãn. Nếu quĩ phạm Quán Chiếu và Tư Thành liên quan đến hoạt dụng đồng thời tùy duyên cứu độ chúng sinh của chư Phật, thì Phật thừa được nhìn như viên mãn. Trí Khải, vì vậy đi đến kết luận rằng viên mãn và không viên mãn của Phật thừa chỉ là một thực thể có hai mặt, với nghĩa rằng Thể và Dụng hợp nhất trong khi phơi bày từng đặc tính riêng. (475)

II. Thô và tế của ba quĩ phạm qua Tứ giáo

Với phương tiện quán sát ba quĩ phạm qua Tứ giáo, Trí Khải nhìn ba quĩ phạm của Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo là thô, và quĩ phạm Viên giáo là tế. Tiêu chuẩn thẩm định thô và tế của Đại Sư dựa vào hoặc là mỗi quĩ phạm có thể được xem là một thừa, hoặc nếu cùng chung, có thể lập thành một thừa.
(1) Qua ba quĩ phạm thuộc Tạng giáo, trí tuệ vào Không qua lối phân tích và chia chẻ các pháp từ Quán Chiếu và những thực hành giúp cho đạt đến trí tuệ từ Tư Thành có thể được nhìn như một thừa riêng biệt. Mỗi thừa hoạt dụng như một thừa để giúp hành giả diệt kiến và tư hoặc, và như một con đường chứng ngộ sự vô nhiễm của A La Hán, nhưng hai quĩ phạm nầy có cái dụng trên những thứ bậc khác nhau. Với Tư Thành, hành giả mang những hạt giống giá trị đạt đến trí tuệ. Với Quán Chiếu, hành giả diệt vọng trói buộc trong vòng luân hồi, và thấy được thực tánh vô nhiễm của chính mình. Khái niệm về thực tánh nầy nằm trong Chân Tánh. Trạng thái hành giả đạt đến quĩ phạm nầy là tự giác, nhưng không có cái dụng giác tha. Vì thế, quĩ phạm nầy không thể viên mãn. Thấy rằng hai trong ba quĩ phạm thành tựu và cái thứ ba thì không thành tựu, ba quĩ phạm không thể làm thành một thừa rốt ráo trong Tạng giáo. Trí Khải cho rằng ba quĩ phạm nầy là thô, vì chỉ như giáo pháp tương đối được Thế Tôn đưa ra để ứng hợp căn cơ chúng sinh, không hợp với nghĩa Đại thừa.
(2) Ba quĩ phạm Thông giáo, bằng cách hợp nhất Hữu và Không, trí tuệ từ quĩ phạm Quán Chiếu khéo thâm nhập vào Không. Sự thực hành qua Tư Thành cũng giúp ích cho sự chứng ngộ. Tuy nhiên, Chân Tánh trong sự tận diệt của Niết Bàn thì giống Tạng giáo. Kết quả, quĩ phạm nầy không hoàn bị bậc thứ bảy và thứ tám trong mười vị của Thông giáo. Những thứ bậc chỉ cho diệt tận và Duyên giác, thì không thể nhìn như một thừa. Mặt khác, quĩ phạm nầy, về bậc thứ chín và thứ mười, đưa ra ý nghĩa của Dụng, nhưng không có người thực chứng hai vị nầy. Vì vậy, quĩ phạm nầy như một thừa thì không hoàn mãn, bởi vì Bồ tát với căn cơ khác nhau đã đi vào Biệt giáo và Viên giáo trên những thứ bậc khác nhau. Cũng vậy, Trí Khải thẩm định rằng ba quĩ phạm của Thông giáo không thể hội chung thành lập một đại thừa, vì là pháp thô.
(3) Ba quĩ phạm Biệt giáo, vô lượng pháp môn cứu giúp chúng sinh từ Tư Thành là nhân duyên giúp hành giả đạt đến trí tuệ thấy được giả tướng. Loại trí tuệ nầy, từ Quán Chiếu, giúp hành giả diệt vọng và vào được nguyên lý. Nguyên lý hành giả hội nhập là Trung Đạo, từ quĩ phạm Chân Tánh. Lý Trung Đạo nầy đưa ra sự xác định về những giả tướng trong thé giới hiện tượng. Dựa trên sự liễu đạt về giả tướng, khác với Thanh văn và Duyên giác, Bồ tát Biệt giáo không thỏa mãn với tự giác, nhưng chủ trương vào thế tục để giúp chúng sinh hoán chuyển là mục tiêu sau cùng của Bồ tát. Vì lý do nầy, quĩ phạm Chân Tánh có thể được xem như một thừa, với nghĩa viên mãn. Tuy nhiên, Trí Khải vẫn nói rằng ba quĩ phạm của Biệt giáo là pháp thô, vì cái nầy tách rời cái kia, và cả ba không tương liên. Cùng chung, không thể hội vào một thừa, thì nói chi đến mỗi một cái có thể được nhìn riêng biệt là một thừa.
(4) Với ba quĩ phạm Viên giáo, Trí Khải quán sát qua nhiều góc cạnh bất tư nghị và vi tế không có bất cứ sự thô thiển nào. Ba quĩ phạm đã nói trên lần lượt từ thấp lên cao qua Tạng giáo, Thông giáo và Biệt giáo. Quĩ phạm Tư Thành viên mãn trước hết đưa đến những giá trị hữu hiệu, Quán Chiếu viên mãn thứ hai để đạt đến chân lý, và Chân Tánh tiếp theo sau. Ngược lại, ba quĩ phạm Viên giáo từ trên đi xuống. Chân Tánh viên thành trước nhất, và hai quĩ phạm kia đồng thời bao gồm. Hai quĩ phạm nầy không phải là những thực thể riêng biệt với Chân Tánh, nhưng biểu thị sâu hơn về ý nghĩa phong phú hàm chứa trong Chân Tánh. Pháp tánh thường trụ từ Chân Tánh thì viên dung và thâm nhập tất cả. Đặc tính nầy chỉ sự nhu nhuyễn và bất định của Pháp tánh : Pháp tánh có thể mang tướng, và vì vậy, không thể được hiểu qua tướng ; có thể được mô tả như hai đường tung và hoành. Vì vậy, ba quĩ phạm được Trí Khải nhìn như pháp bất tư nghị.
Đặc tính của Pháp tánh, cái không thể được khái niệm hóa như tung và hoành phản ảnh như thế nào? Một đặc tính như vậy có thể được hiển lộ qua những danh tự đồng nghĩa với Pháp tánh như Đệ Nhất Nghĩa Không, và Như Lai Tạng. Trí Khải lập lại rằng Pháp tánh qua Viên giáo được xem như Đệ Nhất Nghĩa Không, là cái thường tịch và chiếu, từ quĩ phạm Quán Chiếu. Thường tịch và chiếu được nói qua kinh Pháp Hoa như sau :
Trang nghiêm với thiền định và trí tuệ, Phật trụ ở Đại thừa, và giải thoát chúng sinh theo như Pháp mà Ngài đã chứng đắc. (476)
Đoạn kinh văn trên ám chỉ rằng từ sự chứng đắc Bồ đề, Phật thừa không ngừng viên mãn (chiếu soi) nhằm mục đích phổ độ chúng sinh, ngay trong tĩnh lặng. Thật sự, chư Phật tiếp tục đi trên con đường không có điểm tận cùng trong việc cứu độ chúng sinh, nhưng hành động của chư Phật là vô tác, đồng thời và tự nhiên theo nhân duyên. Kết quả là, Phật thừa vẫn là hoạt dụng. Một trạng thái tĩnh lặng và chiếu soi như vậy chỉ cho chiều sâu viên mãn của Phật thừa không thể tính kể. Đồng thời, Pháp tánh cũng được nói rõ ràng qua Viên giáo như Như Lai Tạng, vô lượng hạnh và pháp môn từ quĩ phạm Tư Thành. Hẳn là sự sâu rộng của Như Lai Tạng cũng không thể đo lường. Nói về sự sâu rộng, Đệ Nhất Nghĩa Không và Như Lai Tạng có thể được diễn tả là sâu rộng. Với Pháp Tánh, cả ba làm thành một cổ xe lớn. Pháp Tánh có thể được phát họa như một cổ xe trâu. Trong khi Như Lai Tạng dụ cho những trân bảo trang hoàng và người phục dịch, Đệ Nhất Nghĩa Không dụ cho kích thước và năng lực của cổ xe (477). Trí Khải thêm một lần nữa xác định rằng ba pháp bất tư nghị cùng chung làm thành một cổ xe lớn. Nói về Đệ Nhất Nghĩa Không và Như Lai Tạng không thể so lường, hai chữ sâu và rộng cũng không nói hết được chân tánh, vì một đại thừa như vậy không thể định nghĩa qua khái niệm cao, sâu, ngang, dọc. Với cái nhìn vô phân biệt thì chẳng cao cũng chẳng sâu, vậy mà, chuyển đạt được rõ ràng quả vị tối thượng Bồ đề và thể lớn rộng của hành trì. Tự tánh không ngang cũng chẳng dọc, vậy mà, tùy dụng thâm nhập dọc ngang mọi nơi không chướng ngại. (478)

III. Khai mở ba pháp thô và hiển lộ ba pháp vi tế

Một mặt, mục đích của Trí Khải khi thẩm định về sự thô tế của ba quĩ phạm qua Tứ giáo là để nhấn mạnh sự siêu việt của Viên giáo bằng cách xác định sự vi diệu của ba quĩ phạm thuộc Viên giáo, và mặt khác, báo trước lập luận khai thô hiển tế (Kai-tsu Hsien-miao) của Đại Sư. Với cái nhìn của Trí Khải, phân biệt giáo pháp hoặc thô hoặc tế không phải là bản hoài của Thế Tôn. Vì tất cả thực tại của vũ trụ là sự phơi bày của chân tánh, nên được gọi là thô pháp (giáo pháp tương đối) thực sự ẩn tàng diệu pháp (giáo pháp tuyệt đối). Giáo pháp tuyệt đối phản ảnh bản hoài của Thế Tôn khi thuyết những pháp thô, tế khác nhau, với mục đích đưa chúng sinh về với một Nhất thừa Bồ đề. Vì vậy, trước khi hiển lộ ý định thật sự của Thế Tôn, ba giáo pháp Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo là pháp tương đối và thô. Chỉ khi pháp thô đã được diễn bày ẩn chứa pháp vi diệu của Phật, thì thô pháp trở thành diệu pháp, vì cũng có thể đưa chúng sinh đạt đến Bồ đề. Vì lý do nầy, Trí Khải lập luận rằng sự phân biệt giữa thô, và tế chỉ nằm trong cái thấy của chúng sinh là như vậy. Sự vi tế của ba quĩ phạm như Một Phật Thừa được nói đến trong tương quan với Phật tánh sẳn có nơi mỗi chúng sinh. Khi mỗi chúng sinh đều có Phật tánh, mỗi chúng sinh đều có khả năng lãnh hội ba quĩ phạm vi tế như Một Phật Thừa. Sở dĩ thừa của Viên giáo vi diệu là vì hành giả Viên giáo chứng ngộ rằng không có thừa nào khác để tìm cầu, ngoài Một Phật Thừa, là chỗ có thể hiển lộ Phật tánh.
Trước hết, quĩ phạm Chân Tánh vi tế cho thấy rằng mặc dù chúng sinh sẳn có gia tài Phật tánh, nhưng chúng sinh không nhận biết được trước khi Thế Tôn thuyết kinh Pháp Hoa. Như vậy, quĩ phạm Chân Tánh qua những giáo pháp khác nhau của Thế Tôn thuyết trước kinh Pháp Hoa là pháp thô. Với sự hiển lộ một Phật thừa qua kinh Pháp Hoa, hành giả của ba giáo pháp kia có thể nhìn thấy rằng Phật tánh như gia tài chứng đắc đã sẳn dành, vì pháp thô trong quá khứ đã trở nên pháp vi tế trong hiện tại. Thứ hai, quĩ phạm Quán Chiếu vi tế bởi vì nếu hành giả vượt bỏ được trói buộc của riêng mình để đạt đến trí tuệ và nắm được chân lý. Hành giả nên hiểu rằng trí tuệ và chân lý không thể tách rời, và điều sai lầm là tìm kiếm bên ngoài thay vì bên trong tâm, thấy rằng tự tánh chúng sinh đã ẩn tàng trí tuệ. Bao lâu hành giả thấy được rằng chân lý và trí tuệ hợp nhất thành một thực tại, thì sự chứng ngộ nầy ám chỉ rằng quĩ phạm Quán Chiếu vi tế, biểu thị Một Đại Thừa chẳng dọc chẳng ngang. Thứ ba, quĩ phạm Tư Thành vi tế vẽ ra vô lượng hạnh nguyện và pháp môn, ẩn tàng trong Như Lai Tạng, tự tánh là sự hiển lộ như thị của Phật tánh. Hiểu được như vậy, tất cả các thừa đều trở nên vi diệu, và không còn tương đối mà chỉ có tuyệt đối. (479)

IV. Tam quĩ phạm hội nhập thủy và chung

Qua phần khai thô hiển tế nói trên, Trí Khải giữ vững lập luận của Đại Sư về tánh của ba quĩ phạm là tuyệt đối vi tế không có chút thô thiển nào. Như chỉ một Phật thừa, ba quĩ phạm diễn đạt đệ nhất nghĩa đế. Lập luận của Trí Khải cho thấy rằng sự tuyệt đối của ba quĩ phạm chỉ cho sự viên mãn của Phật thừa, biểu thị tất cả pháp Phật, và hợp nhất từ thủy chí chung sự hành trì hướng về Phật giới của hành giả, gồm bản tánh sẳn có của chúng sinh như nhân chứng đắc Bồ đề, và sự chứng đắc là quả. Nói rõ thì đặc tính của ba quĩ phạm nầy liên quan đến sự hợp nhất sự hành trì từ thủy chí chung của hành giả có thể tỷ dụ như Phật thừa vào ra không chướng ngại trong khắp mười pháp giới (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, trời, người, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, và Phật), và Trí Khải nhìn như vào đường dọc không ngăn ngại. Đặc tính của mỗi pháp giới trong mười pháp giới phản ảnh qua mười Như Thị (tướng, tánh, thể, lực, dụng, nhân, duyên, quả, báo, và bản mạc cứu cánh) (480). Theo giáo thuyết Nhất Niệm Tam Thiên (I-nien San-chien) (481) của Trí Khải, một niệm của chúng sinh chứa ba ngàn pháp giới. Tại sao? Mười pháp giới là sự hiển lộ của Chân Tánh (482) Thấy rằng chúng sinh tự bản lai sở hữu thực tánh nầy (tánh chân thực của thực tại), mười pháp giới hiển lộ thực tánh cũng như vậy, có mặt khắp nơi, và có trong tâm của chúng sinh (483). Một tà niệm thuộc cõi địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh ; một thiện niệm thuộc cõi trời, người ; một niệm từ bi thuộc cõi Bồ tát và Phật. Hiển nhiên là những pháp giới khác nhau không thể hiển lộ nếu tâm chúng sinh không chứa đựng tất cả mười pháp giới. Nói cách khác, một niệm phát sinh gồm thu toàn thể vũ trụ, và một pháp đồng như vạn pháp. Mặt khác, toàn thể vũ trụ chỉ hiện hữu trong từng niệm, bởi vì vạn pháp đồng như một pháp. Thuyết của Trí Khải nói rằng lý do tư tưởng của hành giả tương hợp với một cảnh giới nào đó vào một thời khắc nào đó có nghĩa rằng một thiện niệm phát sinh mở bày đức hạnh và che mờ xấu ác, một tà niệm phát sinh mở bày xấu ác và che mờ đức hạnh. Thiện và ác là một thực tại, và sự khác biệt nằm ở giữa hiển lộ và che phủ. Thiện và ác hoán đổi theo duyên, giống như băng và nước. Chỗ nầy cho thấy rằng cả hai mặt hiện hữu như một thực tại của Chân Tánh, hoán chuyển theo nhân duyên. Trí Khải nhìn Thập Như Thị như diễn bày đặc tính của mười pháp giới như điểm khởi đầu của ba quĩ phạm, bởi vì mười Như Thị trong mỗi cảnh giới có thể được định nghĩa qua ba quĩ phạm.
(i) Như Thị Tướng là dáng vẻ bên ngoài của chúng sinh, chỉ cho những hạt giống lành của chúng sinh từ quĩ phạm Tư Thành.
(ii) Như Thị Tánh là thể tánh bất biến bên trong của chúng sinh, thuộc quĩ phạm Quán Chiếu.
(iii) Như Thị Thể là phẩm hạnh chính, bao gồm cả hai mặt trong, ngoài thuộc quĩ phạm Chân Tánh.
(iv) Như Thị Lực chỉ cho tiềm lực thể tương ưng, là liễu nhân Phật giới, thuộc về quĩ phạm Quán Chiếu.
(v) Như Thị Dụng chỉ cho hoạt dụng, thuộc quĩ phạm Tư Thành.
(vi) Như Thị Nhân là nhân mang đến quả như nó là (vipakahetu), thuộc về quĩ phạm Quán Chiếu.
(vii) Như Thị Duyên là nhân gián tiếp và tùy điều kiện thuộc về quĩ phạm Tư Thành.
(viii) Như Thị Quả chỉ cho quả cùng như nhân (nisyandaphala) kết quả từ sự hội tụ của nhân duyên, thuộc quĩ phạm Quán Chiếu.
(ix) Như Thị Báo chỉ cho quả đến từ hạt giống chúng sinh đã gieo trồng trong kiếp đã qua, thuộc quĩ phạm Tư Thành.
(x) Như Thị Bản Mạc Cứu Cánh Đẳng có nghĩa rằng tướng tại điểm khởi đầu, và báo tại điểm cuối cùng tuyệt đối giống nhau, chuyển đổi vào cùng một Chân Tánh.
Đề mục Như Thị thứ mười như một kết luận gồm thu vạn pháp. Thêm vào đó, theo Trí Khải, chỉ khi nào hành giả hiểu được rằng vạn pháp chứa đựng tam đế Không, Giả, và Trung Đạo, thì mới có thể hội nhập Chân Tánh. Không Đế chỉ trí tuệ liễu đạt tánh Không trong tất cả các pháp, thuộc Quán Chiếu. Giả đế như hoạt dụng, Bồ tát vào thế tục cứu giúp chúng sinh, thuộc Tư Thành. Trung Đạo đế liên quan đến nguyên lý vạn pháp, gồm thu cả Không và Giả, thuộc Chân Tánh.(484).
Suy ra từ mười pháp giới là sự hiển lộ của Chân Tánh, và mỗi một pháp giới ẩn tàng chín pháp giới, có thể nói được rằng Chân Tánh bao gồm cả thiện và ác. Mặt xấu ác của Chân Tánh, theo lối nhìn của Trí Khải, có thể xếp vào tam vô minh, chỉ tánh và tướng phiền não, ác nghiệp, và đau khổ. Bởi vì thiện và ác đồng thời hiện hữu tạo nên Chân Tánh, ba quĩ phạm có thể được xem là biểu thị cho mặt thiện. Bởi vì ác và thiện là cùng chung thực tại, tam vô minh và tam quĩ phạm là hai mặt của cùng một thực tại. Nếu sự mờ nhạt của xấu ác hiển lộ sự thiện lành, thì sự hoán chuyển của ba loại tánh tướng xấu ác chỉ cho sự phơi bày của ba loại tánh tướng thiện lành.
Vì lý do nầy, Trí Khải lập luận rằng :
(i) Tánh tướng phiền não đồng như tánh tướng của quĩ phạm Quán Chiếu. Nhân vô minh nằm ở chỗ thiếu trí tuệ. Biết được rằng vô minh là nhân của khổ đau thì sẽ phát sinh trí tuệ. Rõ ràng, trí tuệ có từ vô minh, nếu không có vô minh, không có gì để gọi là trí tuệ. Như Trí Khải nói : Trí tuệ không phải là một thực tại riêng biệt với vô minh, mà chỉ như băng và nước hòa lẩn trong nhau.(485)
(ii) Tánh và tướng của ác nghiệp đồng như tánh và tướng của quĩ phạm Tư Thành. Sức hành trì tích tụ giá trị đức hạnh (giúp ích con đường đạt đạo) hiển nhiên là đức, và nghiệp chướng (luân hồi) được xem là xấu ác. Lý do tánh và tướng của ác nghiệp đồng như tánh và tướng của thiện nghiệp là vì thiện ác có trong nhau. Nguyên lý thiết yếu của sự đồng nhất nầy là chuyển tà. Tà được chinh phục bởi hành động hoán chuyển, không phải từ hành động tiêu diệt. Sự lật ngược nầy liên quan đến sự chứng ngộ rằng xấu ác không đối nghịch với thanh tịnh, mà hơn như thế, là khích động chúng sinh tu tập, hành trì. Trong khi xấu ác được nhìn như động cơ tu trì, thì đã trở thành yếu tố khả quan hơn là bi quan. Điều nầy có nghĩa rằng xấu ác không hẳn là một nhân tố bị phủ định, nhưng là một nhân tố khả dĩ được xác định (với ý nghĩa giúp ích cho sự chứng ngộ thanh tịnh). Không có tà, không thể có chánh. Sự đồng nhất giữa tà và chánh không chỉ đơn giản phơi bày trong mối tương quan trong nhau, nhưng còn hiển lộ một cái nhìn luận lý trong pháp hành trì, như là, trong khi xác định mặt lạc quan của yếu tố phủ định, hành giả thực sự chuyển đổi mặt lạc quan nầy qua tu tập. Sự có mặt của tà mở đường cho chánh. Trí Khải so sánh quĩ phạm Tư Thành như mầm lửa trong cây. Nếu nhân duyên hội đủ, tiềm lực như lửa tựu thành, có thể đốt cháy vật, như lửa đốt cháy cây. Điều nầy cho thấy rằng thiện có trong ác, và khi thiện thành tựu, sẽ phá vỡ ác. (486).
(iii) Tánh và tướng của khổ đồng nhất với tánh và tướng Pháp Thân qua Chân Tánh. Trí Khải giải thích, nếu hành giả không nhận ra được rằng khổ không gì khác hơn là sự phơi bày của Pháp Thân, thì Pháp Thân đã bị nhìn lầm là khổ não. Tuy nhiên, nếu hành giả hiểu được rằng Pháp Thân và khổ không phải là hai thực thể biệt lập, thì cái sau đồng như cái trước. Trí Khải giải thích tính đồng nhất của cả hai khi nói rằng : Nói Pháp Thân tách rời khổ não cũng giống như lầm tưởng phương Nam là phương Bắc, nhưng thật ra không có một phương Nam nào khác.(487)
Ở đây, Trí Khải đưa ra ba loại đồng nhất giữa thiện và ác :
(1) Loại thứ nhất thấy qua mối tương nhập giữa hai khía cạnh. Hiểu rằng vô minh là nhân sinh ra khổ, đó là trí tuệ. Trí tuệ, là cái phát sinh từ vô minh, giống như băng có từ nước.
(2) Loại thứ hai thấy được qua thực tại hiển lộ hoặc che phủ. Thành thiện ám chỉ hoại ác, giống như lửa cháy rụi cây.
(3) Loại thứ ba được xác định qua sự hội tụ của thế giới hiện tượng như một toàn thể, vượt lên trên lối nhìn nhị nguyên. Mặt khác, không hề có sự khác biệt giữa khổ não và Pháp Thân như Chân Tánh (vượt trên ngôn từ, gồm thu vạn pháp). Danh từ Khổ và Pháp Thân là một khái niệm đối nghịch có từ chúng sinh về Chân Tánh. Vì Chân Tánh là Thể của mọi hiện tượng, khổ chính là Pháp Thân, và ngược lại. Nói cách khác, vì tâm chúng sinh nên khổ và Pháp Thân phân cách. Nếu tâm chúng sinh sai lạc, chúng sinh sẽ khổ ; nếu tâm chúng sinh tỉnh thức, không có sự phân biệt giữa hai điều trên, vì Khổ đồng nhất với Pháp Thân. Sự đồng nhất giữa Khổ và Pháp Thân khiến ba quĩ phạm mang ý nghĩa biểu tượng cho nhân và quả Bồ đề.
Căn cứ vào tính đồng nhất giữa mười pháp giới và ba quĩ phạm, Trí Khải đi sâu hơn vào mười Như Thị với ba quĩ phạm bằng cách giải thích sự thành tựu của mười Như Thị trong tương quan với ba quĩ phạm. Lý do là vì mỗi pháp gìới trong mười pháp giới tương ưng với mười Như Thị, và nếu ba quĩ phạm đồng nhất với mười pháp giới thì cũng đồng nhất với mười Như Thị. Xác định ba quĩ phạm với mười pháp giới, phần nầy trở nên phong phú với nội dung đặc biệt của phần kia. Như kết quả, ba quĩ phạm không chỉ làm biểu tượng cho nhân quả Bồ đề mà còn làm biểu tượng cho Chân Tánh, bởi vì mười Như Thị hiển lộ đặc tính của Chân Tánh.
Cấu kết của Như Thị Lực và Như Thị Dụng liên hệ đến câu trả lời đầu tiên của hành giả về chứng đắc giải thoát và đưa đến kết quả phát triển quĩ phạm Chân Tánh. Như Thị Nhân đưa đến kết quả phát triển quĩ phạm Quán Chiếu. Như Thị Duyên đưa đến kết quả phát triển quĩ phạm Tư Thành. Như Thị Quả đưa đến kết quả phát triển quĩ phạm Quán Chiếu. Những kết quả như vậy là tập nhân, ảnh hưởng đến trí tuệ bát nhã viên mãn là tập quả. Sự vẹn toàn của trí tuệ và giải thoát ám chỉ sự chứng đắc tối hậu, tức viên mãn Pháp Thân. Tam Đức Bồ Đề nầy, biểu thị sự viên mãn rốt ráo, được gọi là Như Lai Tạng.
Với thủy-và-chung-như-nhất, đặc tính của Thủy là nhân Bồ đề, qua ba quĩ phạm như tánh đức trong chỗ ẩn tàng. Mặc dù ẩn mật, vẫn mang đặc tính của Chân Tánh: Không, Giả, và Trung Đạo. Điều nầy có thể được nhìn hoặc tung hoặc hoành. Đặc tính của Chung là quả Bồ đề, qua ba quĩ phạm như tu đức, là sự hiển lộ của Chân Tánh. Hoặc phơi bày hoặc dấu kín, Chân Tánh là nhân khởi đầu và là quả kết thúc bình đẳng không sai khác, thấy rằng cả hai thu gồm Tam Đế : Không, Giả, và Trung Đạo. Không Đế tương liên với thủy và chung khiến như thị bình đẳng (Ju-teng), có nghĩa rằng Quán Chiếu như Đệ Nhất Nghĩa Không. Giả Đế chỉ cho số lượng bình đẳng (Shu-teng) có nghĩa rằng Tư Thành là Như Lai Tạng. Trung Đạo chỉ diệu bình đẳng (Miao-teng) có nghĩa Chân Tánh thường trụ là căn bản Bồ đề. (488)

V. Tam Quĩ Phạm theo đường hoành hội nhập mười loại Tam Pháp

Phần trên chuyển đạt học thuyết của Trí Khải rằng Pháp biểu thị Chân Tánh, ba quĩ phạm hội nhập theo đường dọc không chướng ngại từ nhân đến quả. Tuy nhiên, Trí Khải bước một bước xa hơn để nói rằng Chân Tánh hội nhập khắp nơi ngang dọc trong thể tánh tự tâm và viên dung. Nói cách khác, vào đường dọc chỉ vẽ ra sự vi diệu của ba quĩ phạm về chiều cao. Chỉ khi ba quĩ phạm được luận qua chiều rộng, chỉ sự thâm nhập theo đường ngang không chướng ngại, thì có thể thấy được sự tuyệt đối vi tế. Vì vậy, Trí Khải, nói xa hơn đến ba quĩ phạm vào vạn pháp theo đường ngang với sự hổ tương giữa ba quĩ phạm và mười loại Tam Pháp. Mười loại Tam Pháp nầy là dàn bài của Trí Khải về vô lượng Phật pháp, cũng như cái nhìn toàn khắp sự tu tập của mỗi một chúng sinh khởi sự từ một chúng sinh vô minh và sau cùng là bậc giác ngộ. Trí Khải diễn tả con đường tiệm tiến của hành giả như sau :
Ba cõi luân hồi(489) là pháp căn bản của sinh tử. Chỗ nầy tại sao là điểm khởi đầu. Nếu (chúng sinh) mong cầu thoát sinh tử, thì phải hiểu tam Thức (San-shih / Trivijnana), biết tam Phật tánh (San Fo-hsing), đạt tam trí tuệ (San Chih-hui), đến với tam Bồ đề tâm (San Pu-ti-hsin), tu tập tam Đại thừa (San Ta-sheng), chứng được tam Thân (San Shen), vào Tam Niết Bàn (San Nieh-pan). Những tam bảo như vậy lợi ích cùng khắp chúng sinh. Hoán chuyển được phiền não, hành giả vào được Tam Đức (San-te), và trú trong Như Lai Tạng (490).
Đoạn văn trên cho thấy rằng tất cả chúng sinh bắt đầu từ vô minh. Vô minh có thể đưa vào tam vô minh (phiền não, ác nghiệp, và khổ). Bị vây hãm trong ba chướng nầy, chúng sinh chìm đắm vô tận trong vòng luân hồi. Cũng vậy, đề mục thứ nhất Trí Khải đưa ra là tam vô minh. Mõi mệt vì nỗi khổ khôn cùng tận, chúng sinh hướng về quyền lực tự do. Với Trí Khải, động tác tìm cầu giải thoát trước nhất phản ảnh cái hiểu về tam thức. Vì vậy, đề mục thứ hai là tam thức. Cái hiểu của chúng sinh về thức thứ chín khiến nhận ra rằng tất cả chúng sinh đều tương ứng với tam Phật tánh (Chánh nhân, Liễu nhân, và Duyên nhân). Thuyết tam Phật tánh làm rõ ràng sự bình đẳng chứng đắc Bồ đề của chúng sinh. Như vậy, tam Phật tánh là đề mục thứ ba. Sự chứng ngộ của chúng sinh về Phật tánh đưa đường sự chúng ngộ về tam trí tuệ Bát Nhã (Thực tướng, Quán chiếu, và Văn tự). Vì vậy, Tam Bát Nhã là đề mục thứ tư. Sự phát khởi của Tam Bát Nhã đưa về Tam Bồ Đề Tâm (Thực tướng, Trí tuệ, và Phương tiện) đạt đến chứng đắc. Vì lý do nầy, Tam Bồ Đề tâm là đề mục thứ năm. Với Bồ Đề Tâm, chúng sinh bắt đầu tu tập tự giác và giác tha, và chỗ nầy đưa qua Tam Đại Thừa (Nguyên lý, Tùy thuận, Công đức). Vì vậy, Tam Đại Thừa là đề mục thứ sáu. Vì tu tập Tam Đại Thừa, hành giả có thể chứng được Tam Bồ Đề Thân (Pháp thân, Báo thân, và Ứng thân). Vì vậy, Tam Thân là đề mục thứ bảy. Chứng được Tam Thân là biểu tượng thành tựu Tam Niết Bàn (Tánh tịnh, Viên tịnh, Phương tiện tịnh). Như vậy, Tam Niết Bàn là đề mục thứ tám. Vì Phật giáo Đại thừa không chỉ nói về tự giác mà còn nói đến giác tha với mục đích phổ độ nên có sự tu tập tự giác và giác tha. Điều nầy được thấy qua Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Vì vậy, Tam Bảo là đề mục thứ chín. Sau cùng, sự viên thành quả vị Bồ đề đưa về Tam Đức (Pháp thân, Bát nhã, Giải thoát), thường trụ tại Như Lai Tạng tịch chiếu. Vì vậy, Tam Đức là kết quả rốt ráo của đạo hạnh, tức đề mục thứ mười. Mười đề mục của Tam pháp, qua cái nhìn của Trí Khải nằm trong ba quĩ phạm (thấy rằng cả hai gồm thu sự tu tập của hành giả từ thủy chí chung), vì ba quĩ phạm có thể dẩn chứng phù hợp với từng đề mục nói trên.
Mười đề mục của Tam pháp có thể được nhìn như sự biểu thị rộng hơn của ba quĩ phạm, và ba quĩ phạm như Chân Tánh đánh dấu mười đề mục của Tam pháp. Sau đây là lập luận của Trí Khải về sự tương quan của hai phần trên.
Trước hết, ba quĩ phạm thuận theo ba vô minh. Chân Tánh đồng nhất với Khổ, Quán Chiếu đồng nhất với phiền não, và Tư Thành đồng nhất với ác nghiệp.
(i) Chân Tánh đồng nhất với Khổ như thế nào? Theo cách nhìn của Trí Khải, dòng biến dịch của sinh tử trong cõi luân hồi làm biểu tượng cho Pháp Thân thường trụ. Vô thường và thường không phân cách, hoặc nói rõ hơn, thường phản ảnh vô thường, và ngược lại. Sự trôi chảy liên tục của sinh và tử chính nó bắt nguồn từ thực tánh của Pháp thân thường trụ. Cái nầy không thể nhìn riêng biệt, tách rời ra khỏi cái kia .
(ii) Quán Chiếu đồng nhất với phiền não như thế nào? Trí Khải nói rằng cái cảnh mà trí tuệ chiếu soi là sự ô nhiễm của phiền não. Không có khái niệm về chiếu soi nếu không có sự có mặt của ô nhiễm. Bởi vì cả hai tùy thuộc trong nhau, cả hai là một thực tại của cùng chân lý (mặc dù xuất hiện như là hai trong mắt kẻ vô minh). Trí Khải nói : Đi ngược chiều, hành giả thấy và hiểu được đường Phật đi.(491) Xấu ác nẩy mầm thanh tịnh. Không có cái trước, hành giả không có động cơ tu tập để gieo trồng cái sau.
(iii) Tư Thành đồng nhất với ác nghiệp như thế nào? Với Trí Khải, không có cái gì thuần thiện có mặt mà không có cái xấu ác đi kèm. Xấu ác giúp hành giả vun tưới những hạt giống lành và tích lũy phước báu. Chỗ nầy lấy tỷ dụ qua kinh Pháp Hoa. Một thí dụ được thấy trong một kiếp của Thế Tôn, khi Ngài thọ thân là Bồ tát Thường Bất Khinh (492). Vị Bồ tát nầy lễ bái mọi người, nói rằng một ngày kia các người ấy sẽ thành Phật. Việc làm nầy của Bồ tát khiến một số người nổi sân si, họ mắng nhiếc đánh đập Bồ tát. Kết quả, những kẻ nầy phải trả nghiệp nơi địa ngục. Tuy vậy, khi đã trả xong nghiệp cũ, nhân duyên xưa kia đã được gặp Bồ tát chín mùi, họ lại được gặp Bồ tát trong hiện đời. Khi nghe Bồ tát thuyết Pháp Hoa, họ được quả vị bất thối chuyển. Chỗ nầy cho thấy rằng ác nghiệp quá khứ đưa đến cơ hội được nghe Bồ tát giáo hóa trong hiện tại. Lợi ích nầy đến từ ác nghiệp đã gieo trong quá khứ. Trí Khải nhìn sự kiện nầy như xấu ác đưa đến thiện lành. Một thí dụ khác nói về lợi ích đến từ ác nghiệp của kẻ khác. Đây là việc Đề Bà Đạt Đa, người em họ của Thế Tôn, một người được xem là xấu ác vì muốn giết một vị Phật và hại tăng chúng. Tuy vậy, Thế Tôn lại nói rằng Đề Bà Đạt Đa là một thiện tri thức (493). Trí Khải dùng thí dụ nầy để lập luận : Cái xấu của kẻ khác có thể giúp ích cho hành giả.
Ở đây, Trí Khải đưa ra nột thuyết quan trọng về thiện và ác, dựa trên nguyên lý về Chân Tánh rằng pháp giới thì vô phân biệt, và thiện ác cùng một thực tại, với nghĩa, thiện ẩn tàng ác, và ác chứa đựng thiện. Trong thế giới hiện tượng, cái có hình tướng thiện có thể là ác khi đưa đến kết quả ác ; và cái có hình tướng xấu ác có thể đưa đến kết quả thiện. Thiện và ác chỉ có nghĩa tương đối, và bao lâu còn có sự phân biệt giữa thiện và ác thì không có sự tuyệt đối. Chỉ khi nào cái chúng sinh gọi là thiện hoặc là ác được nhìn như một thực thể, thì chúng sinh có thể đến được Chân Tánh. Điều nầy luôn đúng, bất kể thời gian và không gian, khi có sự xuất hiện của hai tướng thiện và ác trong cặp mắt kẻ vô minh. Khi đồng nhất tam quĩ phạm với tam vô minh, Trí Khải muốn nói rằng Chân Tánh thì viên dung, điển hình trong sự đồng nhất các thành phần đối nghịch. Vì vậy, Tri Khải đi đến kết luận : Bước đi trên con đường ngược, hành giả đến được đường Phật.(494) Sau đây là lập luận trực chỉ của Trí Khải về sự đồng nhất giữa tam vô minh và tam tánh đức Bồ đề :
Cái gọi là Khổ chỉ cho thức, danh và sắc, xúc, và thọ. Gọi khổ là Phật tánh để nói rằng sinh tử là Pháp thân, là cái giống như băng đối với nước. Cái gọi là phiền não chỉ cho vô minh, vọng dục, và trói buộc. Gọi phiền não là bát nhã giống như nói củi đối với lửa. Cái gọi là nghiệp ám chỉ rằng tác ý, hữu, và ngay cả năm loại tội đọa địa ngục vô gián (495) thì không gì khác hơn là chỉ cho giải thoát. Điều nầy là để nhìn trói và mở. (496)

Thứ hai, tam quĩ phạm phù hợp với Tam Thức. Nếu sự đồng nhất giữa tam quĩ phạm với tam vô minh thuộc khái niệm qua Chân Tánh, thì thuyết về Thức chỉ có thể làm sáng tỏ thêm sự đồng nhất nầy. Thức Amala là thức thứ chín và là thức vô nhiễm, đồng với quĩ phạm Chân Tánh, thức Alaya là tàng thức thứ tám, đồng với quĩ phạm Quán Chiếu, và thức Adana là thức ô nhiễm thứ bảy đồng với quĩ phạm Tư Thành.(497) Trí Khải lập lại rằng thức Alaya thứ tám chứa cả hai hạt giống sinh tử và trí tuệ. Nếu hạt giống sinh tử lớn mạnh, thức nầy lại trở thành một loại thức giống như thức Adana, là nhân luân hồi. Nếu hạt giống trí tuệ lớn mạnh, thức nầy trở thành một loại thức như thức Amala vô nhiễm, là nhân Bồ đề. Mặc dù thức Adana là nhân luân hồi, nó cũng chính là động lực khuyến khích chúng sinh gieo trồng những chủng tử quý báu để thoát ra khỏi vòng luân hồi. Chỗ nầy có nghĩa rằng cái khổ trong luân hồi trở nên cần thiết để tu tập giải thoát, từ đó thức Adana đồng với quĩ phạm Tư Thành. Nhìn về thức Alaya, thấy rằng thức nầy ảnh hưởng và giúp những hạt giống sinh tử hoặc trí tuệ tăng trường, và cả hai loại chủng tử nầy có thể khiến chúng sinh đạt giải thoát, thức Alaya đồng với quĩ phạm Quán Chiếu. Trí Khải nhấn mạnh rằng thức nầy được nói đến qua ba loại thức, bởi vì thức Alaya có ba loại làm thành ; và ba loại thức được nhìn như một thực thể vì kết vào thức Alaya. Thuyết rộng về tam thức, hiển nhiên rằng được xây dựng trên tam Phật tánh. Tam thức chỉ có thể đứng vững trên nền tảng tam Phật tánh, cho thấy rằng hoạt dụng của cái trước dựa vào nhân của cái sau. Với Trí Khải, điều quan trọng là phải nhận ra cái Phật tánh là (như nhân Bồ đề) để phát sinh trí tuệ.
Thứ ba, tam quĩ phạm phù hợp với tam Phật tánh. Quĩ phạm Chân Tánh đồng nhất với Phật tánh như chánh nhân Bồ đề, nói lên sự kiện rằng tất cả chúng sinh tương ứng với Chân Tánh, vì là tính sẳn có xác định khả năng chứng đắc Bồ đề. Quĩ phạm Quán Chiếu đồng với Phật tánh như liễu nhân Bồ đề, chỉ năng lực trí tuệ sẳn có trong mỗi chúng sinh, vì là trí tuệ chiếu soi bản tính sẳn có. Quĩ phạm Tư Thành đồng với Phật tánh như duyên nhân Bồ đề chỉ khả năng sẳn có và khuynh hướng tự nhiên của chúng sinh hướng về Bồ đề là cái khiến chúng sinh tu trì để tăng trưởng tánh đức, và những tánh đức nầy là duyên quy về Phật tánh như chánh nhân Bồ đề, vì là năng lực giúp chúng sinh làm điều thiện và phát huy trí tuệ. Trí Khải nói rằng sự đồng nhất giữa tam quĩ phạm và tam Phật tánh căn cứ vào bản tánh của chúng sinh, bởi vì chúng sinh sở hữu một bản tánh như vậy. Tuy nhiên, bản tánh nầy không hiển lộ trước khi tu tập, và hành giả phải tu tập để làm hiển lộ bản tánh Bồ đề nầy. Biết được rằng mỗi chúng sinh đều có tam Phật tánh bảo trì mục tiêu thành Phật.
Thứ tư, tam quĩ phạm phù hợp với Bát Nhã. Sự nhận biết tam nhân Bồ đề như bản tánh của chúng sinh phát sinh trí tuệ Bát Nhã. quĩ phạm Chân tánh đồng nhất với thực tánh bát nhã (Shih-hsiang Po jo), là trí tuệ giúp chúng sinh tiếp nhận được sự sâu rộng của Chân Tánh. Quĩ phạm Quán Chiếu đồng với quán chiếu bát nhã ( Kuan chao Po jo) là trí tuệ thuộc về tri kiến Như Lai hội nhập Chân Tánh. quĩ phạm Tư Thành phù hợp với văn tự bát nhã (Wen-tzu Po jo) chỉ việc Như Lai sử dụng ngôn từ như phương tiện giáo hóa thích hợp để hoán chuyển chúng sinh. Trí Khải nói thêm rằng ba loại trí tuệ Bát Bhã là sự hiển lộ của ba cái vi diệu (Cảnh Diệu, Trí Diệu, và Hành Diệu).
Thứ năm, tam quĩ phạm phù hợp với tam Bồ Đề. Tam Bát Nhã thành lập nền tảng phát sinh tam Bồ đề tâm của chúng sinh hướng về chứng ngộ. Quĩ phạm Chân Tánh đồng với Thực tánh Bồ Đề chỉ lý tánh nhấn mạnh đường giải thoát. Nguyên lý nầy bao gồm tất cả, không phân biệt những đối nghịch như giải thoát và luân hồi. Quĩ phạm Quán Chiếu đồng với Thực trí Bồ đề chỉ cho trí tuệ rốt ráo hội nhập vào Chân Tánh. Quĩ phạm Tư Thành đồng với Phương tiện Bồ đề chỉ những phương tiện khế hợp dùng để hoán chuyển chúng sinh.
Thứ sáu, tam quĩ phạm phù hợp với tam Đại thừa. Tam Bồ đề có thể khiến chúng sinh nhấn mạnh vào tam thừa tự giác và giác tha. Quĩ phạm Chân Tánh đồng với Lý thừa (Li sheng) vì bản tánh của Chân Tánh chỉ hiện hữu trong tâm, và có thể phơi bày chân lý một cách vô ngại. Quĩ phạm Quán Chiếu đồng với Tùy thừa (Sui sheng) chỉ cho sự tùy thuận với đối tượng của Chân Tánh kết quả trong sự chứng đắc trí tuệ Phật. Quĩ phạm Tư Thành đồng với Đức thừa (Te Sheng) chỉ sự chứng đắc Bồ đề với Phật trí đưa đến kết quả tự giác cũng như giác tha qua phương tiện thuyết pháp.
Thứ bảy, tam quĩ phạm đồng với tam thân (San-shen). Tu tập tam thừa đưa đến kết quả chứng ngộ tam thân Phật. (Trikaya) (498) Quĩ phạm Chân tánh đồng với Pháp Thân chỉ chân thân của Phật. Thân nầy tại Chân Tánh của tất cả các pháp (thường trụ) là kết quả của sự tích tập nguyên lý. Quĩ phạm Quán Chiếu đồng với Báo Thân đến từ sự tu tập không gián đoạn của Phật trong các kiếp. Thân nầy được trang nghiêm với thân tướng tuyệt hảo và trí tuệ vi diệu, là kết quả của trí tuệ. Quĩ phạm Tư Thành đồng với Ứng thân hoặc Hóa Thân, là thân hiện hữu vì nhu cầu của chúng sinh với ba mươi hai tướng tốt đẹp (499) có từ kết quả tích tụ giá trị đức hạnh.
Thứ tám, tam quĩ phạm đồng với tam Niết Bàn. Sự chứng đắc ba thân Phật đưa đường vào tam Niết Bàn. quĩ phạm Chân Tánh đồng với Tánh Tịnh Niết Bàn (Hsing-ching Nieh-pan) có đặc tính thường tịch. Quĩ phạm Quán Chiếu đồng với Viên Tịnh Niết Bàn (Yuan-ching Nieh-pan) kết quả từ sự hành trì hội nhập chân lý, có đặc tính thường tịch chiếu. Quĩ phạm Tư Thành đồng với Phương Tiện Tịnh Niết Bàn ( Fang-pien-ching Nieh-pan) chỉ cho sự thị hiện của Phật trong thế tục khi ứng thân chấm dứt. Mặc dù chư Phật trú ở chỗ bất sinh diệt, Phật thị hiện vào ra sinh diệt như phương tiện khéo léo để giáo hóa và hoán chuyển chúng sinh.
Thứ chín, tam quĩ phạm phù hợp với Tam Bảo. Phật giáo như một tiến trình tự giác và giác tha thành tựu tam Niết Bàn, là cái được phát họa ra từ Tam Bảo. Quĩ phạm Chân Tánh đồng với Pháp Bảo, chỉ sự hài hòa của giáo lý, và pháp tánh như nguyên lý tối thượng. Quĩ phạm Quán Chiếu đồng với Phật Bảo chỉ sự hài hòa về sự kiện tri kiến Phật hội nhập vào giáo lý. Quĩ phạm Tư Thành đồng với Tăng Bảo chỉ sự hài hòa về cả hai mặt Lý và Sự, được thấy qua trật tự tăng đoàn trong việc thuyết giảng và tu tập pháp Phật.
Thứ mười, tam quĩ phạm phù hợp với Tam Đức (San-te). Viên mãn Bồ đề là mục tiêu rốt ráo của Phật pháp. Theo sự giải thích của Trí Khải, cái Đại Niết Bàn (trang nghiêm với ba tánh đức) biểu thị là pháp tánh chiếu soi thường trụ có đặc tính thường, lạc, ngã, và tịnh. Quĩ phạm Chân Tánh đồng với Pháp Thân Đức (Fa-shen-te), làm biểu tượng của chân thân Phật, tương ứng trọn vẹn với lý tánh của Chân Tánh. Quĩ phạm Quán Chiếu phù hợp với Bát Nhã Đức (Po-jo-te) đến từ trí tuệ viên mãn của Phật. Quĩ phạm Tư Thành phù hợp với Giải Thoát Đức (Chieh-tuo-te) đến từ sự chứng đắc của Phật, có ý nghĩa chẳng ô nhiễm, chẳng trói buộc của vạn pháp. (500)
Phần trên phân tích về tam quĩ phạm hội nhập theo chiều dọc trong mười Pháp Giới và mười Như Thị, và hội nhập theo chiều ngang qua mười loại Tam Pháp. Sự hội nhập theo chiều dọc chuyển đạt vị thế siêu việt của tam quĩ phạm , và sự hội nhập theo chiều ngang chuyển đạt thể tánh sâu rộng của tam quĩ phạm. Với một chuyển đạt như vậy, tam quĩ phạm như một đại thừa được hợp hóa, vì vị trí siêu việt chứng đắc Bồ đề, và thể tánh sâu rộng viên dung vạn pháp trong mười pháp giới. Thập Như Thị là đặc tính của tất cả các pháp biểu thị Phật giới siêu việt, và mười loại Tam Pháp chứa đựng nhân quả Bồ đề biểu thị thể tánh sâu rộng của Phật giới.
Sự phân tích của Trí Khải về ba quĩ phạm chuyển đạt cốt lõi của sự chứng ngộ. Như Một Phật Thừa, ba quĩ phạm diễn đạt giáo lý thiết yếu : nhân Bồ đề và quả Bồ đề. Đồng hóa với Diệu Cảnh, Diệu Trí, và Diệu Hành, Trí Khải nói rằng ba quĩ phạm biểu thị nhân Bồ đề, vì ba cái diệu nầy là ba yếu tố chính thành tựu Bồ đề hạnh. Sâu xa hơn, Trí Khải trình bày cho chúng ta thấy, như quả Bồ đề, ba quĩ phạm thâm nhập tất cả pháp Phật không ngăn ngại, bởi vì Một Phật Thừa mà Tam Quĩ Phạm hiển thị là Chân Như. Vì Chân Như ở trong vạn pháp, đồng thời gồm thu đặc tính của vạn pháp, và đồng nhất với vạn pháp. Nhìn về đặc tính của Chân Như, tam quĩ phạm đồng nhất với các pháp. Với nghĩa đồng nhất như vậy, tam quĩ phạm được định nghĩa trong nội dung phổ quát của toàn thể pháp giới, và qua tiến trình hướng về Bồ đề, từ đó phương pháp và ý nghĩa chứng đắc Phật địa được phơi bày. Như Một Phật Thừa gồm thu nhân và quả Bồ đề, tam quĩ phạm mang ý nghĩa viên mãn từ thủy chí chung, và trở nên một cái nhìn từ gần đến xa toàn thể quá trình đạt đạo.

1.4.6 Diệu Cảm Ứng ( Kan-ying Miao) – phân tích về cái Diệu thứ sáu thuộc Tích môn. (T33, 746c – 755b)

Từ cái Diệu thứ nhất đến cái Diệu thứ năm, toàn thể tiến trình hướng về Bồ đề bởi năng lực tự giác đã đầy đủ. Từ cái Diệu thứ sáu, Trí Khải bắt đầu diễn tả một con đường đạt đến Phật giới qua Phật lực, đó là những bước giáo pháp Phật hoán chuyển chúng sinh. Hoạt dụng thứ nhất của chư Phật để giác ngộ chúng sinh là đáp ứng căn cơ chúng sinh. Trí Khải lập nên đề mục Diệu Cảm Ứng nầy với lập luận rằng bốn cái Diệu đầu tiên (Cảnh, Trí, Hành, và Vị) là viên nhân (Yuan-yin) Bồ đề, và cái Diệu thứ năm Tam Pháp là viên quả (Yuan-kuo) Bồ đề. Vì Bồ đề là sự thành tựu của Phật, Trí Khải đưa ra sự liên hệ giữa Bồ đề và ba vị Phật, và ba vị Phật nầy là những thị hiện khác nhau của một vị Phật. Nói cách khác, viên quả Bồ đề, như là tam quĩ phạm, là sự hiển lộ của ba đề mục trước tiên về Diệu. Chỗ nầy cho thấy rằng ba cái Diệu trước nhất biểu thị ba thân Phật, và ba thân Phật nầy mang tên ba vị Phật : Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) là Phật Pháp Thân biểu thị Diệu Cảnh cứu cánh (Ching-miao Chiu-ching), Phật Lô Xá Na (Rocana) (501) tức Báo Thân (Sambhogakaya), Diệu Trí cứu cánh (Chih-miao Chiu-ching) và Phật Thích Ca Mâu Ni tức Ứng Thân ( Nirmanakaya), Diệu Hành cứu cánh (Hsing-miao Chiu-ching) Phật Tỳ Lô Giá Na trú ở cõi vĩnh hằng là Phật Pháp Thân, vì Pháp Thân ở khắp mọi nơi và phản ảnh thực tại như thị (tathata), theo Trí Khải Phật Tỳ Lô Giá Na biểu thị Diệu Cảnh như thực. Phật Lô Xá Na ngự trên tòa sen là Phật Báo Thân. Vì Báo Thân là Pháp Thân trong vũ trụ, Báo Thân liên quan đến Pháp Thân như trí liên quan đến cảnh như thực.Vì vậy, Báo Thân biểu thị cho Diệu Trí. Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc đã xuất hiện ở thế tục để giáo hóa và hoán chuyển chúng sinh là Phật Ứng Thân. Vì Ứng Thân là dụng của Báo Thân, Đức Thích Ca biểu thị cho Diệu Hành.
Thấy rằng trí tuệ tối hậu là quả Bồ đề, làm việc chiếu soi, Diệu Cảm Ứng được thành tựu. Trí Khải nói :
Trí như quả (Kuo-Chih) tĩnh lặng và chiếu soi, và nếu có Cảm của chúng sinh, thì có Ứng của chư Phật. Vì thế, Diệu Cảm Ứng thành tựu.(502)
Có năm phần được Trí Khại phân tích về Diệu :
I. Giải thích tên Cảm và Ứng.
II. Giải thích đặc tính của Cảm và Ứng.
III. Giải thích những loại Cơ Cảm khác nhau .
IV. Giải thích sự tùy thuận giữa Cảm và Ứng.
V. Giải thích về thô và tế.
Phần thứ nhất nói rõ về khái niệm Cảm Ứng bằng cách giải thích ba ý nghĩa của chử Cơ ( với nghĩa độ Cảm của chúng sinh quy về chư Phật), và ba nghĩa của chữ Ứng( sự đáp ứng của chư Phật đối với chúng sinh khế hợp căn cơ và hoàn cảnh). Bởi vì Cơ và Ứng rất gần nhau, cả hai phải phù hợp nhau. Điều nầy cho thấy rằng vì chúng sinh có cả thiện và ác, một cách tùy thuận, sự đáp ứng của chư Phật có từ và bi, vì từ là ban vui, bi là cứu khổ. Vì chúng sinh có căn cơ khác nhau, sự đáp ứng của chư Phật cũng tùy thuận từng hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, phần thứ ba nói về những loại cơ có thể được tương ứng, và được tóm lược vào bốn trường hợp phù hợp điển hình giữa Cơ và Ứng. Nói cách khác, có bốn trường hợp mật và hiển của cơ cảm chúng sinh với sự đáp ứng của chư Phật. Vì mỗi trường hợp trong bốn trường hợp nầy có thể được chia làm bốn nhóm, tất cả là ba mươi hai trường hợp. Ba mươi hai cộng thêm bốn trường hợp tiêu biểu thành ba mươi sáu trường hợp tùy thuận giữa Cơ và Ứng. Phần thứ tư gồm sự khảo sát về Cơ và Ứng trong tương quan bốn mặt. Mối tương quan giữa :
(i) Khổ và lạc tương quan với Từ Và Bi
(ii) Ba nghĩa của chữ Cơ Cảm tương quan với ba nghĩa của chữ Ứng.
(iii) Bốn loại Cơ tương quan với bốn loại Ứng ( bốn loại tam muội vô nhiễm với bốn loại Từ Và Bi).
(iv) Cơ thuộc Biệt giáo và Viên giáo tương quan với Ứng thuộc Biệt giáo và Viên giáo. Phần sau cuối nói về những loại cảm ứng khác nhau có thể phân ra hoặc thô hoặc tế tùy thuộc vào căn cơ của chúng sinh thuần thục hay không thuần thục. Tuy nhiên, không hề có sự phân biệt giữa thô và tế trong kinh Pháp Hoa, bởi vì tất cả chúng sinh đều vi diệu với tánh Phật sẳn có, và sức đáp ứng của chư Phật cũng vi diệu, vì sự đáp ứng nầy có mục đích hướng dẩn chúng sinh đến Bồ đề.

I. Giải thích tên Cảm và Ứng (Shih Kan-ying Ming)
(T33, 746c-747b)

Trong phần nầy, có ba khía cạnh được nói đến
(1) Giải thích tên (shih ming)
(2) Giải thích qua cách diễn đạt của Tứ Tất Đàn (Ssu-hsi-tan Tieh-chieh)
(3) Lựa chọn (Liao-chien). Khía cạnh thứ nhất chuyển đạt ý nghĩa của từ ngữ Cơ và Ứng. Khía cạnh thứ hai giải thích xa hơn về Cơ và Ứng qua nội dung Tứ Tất Đàn. Khía cạnh thứ ba làm sáng tỏ mối tương quan giữa Cơ và Ứng.
(i) Giải thích tên : xác định từ ngữ Cơ và Ứng, mỗi chữ tương quan
với ba nghĩa. Với sáu nghĩa nầy, nghĩa Cảm Ứng được phát họa.
Ba nghĩa về chữ Cơ.
a. Nghĩa thứ nhất là wei nói đến nhiệm vi chuyển động (wei wei chiang-tung). Chỗ nầy nói về vị thế ngay trước khoảnh khắc sự thanh tịnh của chúng sinh phát khởi. Trí Khải nói :
Chúng sinh có thiện tánh có thể phát sinh, và thiện tánh nầy từ từ lố dạng.(503)
Trí Khải giải thích thiện tánh nầy có năng lực phát khởi. Vì sự khả hữu nầy, sự đáp ứng của bậc Thánh đóng một vai trò quan trọng để thiện tánh nầy được phát sinh :
Chúng sinh có thiện tánh có thể phát sinh, và vì vậy, nếu bậc Thánh đáp ứng, thiện tánh nầy có thể sinh khởi ; nếu bậc Thánh không đáp ứng, thiện tánh nầy không thể phát sinh. Vì vậy, chữ Cơ có nghĩa là Vi (slightness). (504)
b. Nghĩa thứ hai của chữ Cơ là liên quan (kuan), Trí Khải nói :
Chúng sinh có tánh thiện hoặc tánh ác, là cái cần đức từ và bi của bậc Thánh (cứu độ). Vì thế, chữ Cơ có nghĩa là liên quan.(505)
c. Nghĩa thứ ba của chữ Cơ là chữ I (thích ứng). Trí Khải nói :
Nếu (chư Phật) muốn cứu (chúng sinh thoát) cái khổ vì vô minh, dùng pháp thích hợp là đức bi. Nếu (chư Phật) muốn ban bố pháp tánh an lạc, dùng pháp thích hợp là đức từ. Vì thế, chữ Cơ có nghĩa là thích ứng.(506)
Về ba nghĩa của chữ Ứng
a. Một cách để làm sáng nghĩa chữ Ứng là thêm vào chữ Fu (đến gần) . Như Trí Khải nói :
Chữ Cơ gồm nguyên lý được sinh khởi. Khoảnh khắc khi Cơ vừa xảy ra, bậc Thánh đến với Cơ, và khiến thiện tánh nơi Cơ phát hiện. Vì thế, (ý nghĩa) đến gần được dùng để giải thích chữ Ứng. (507)
b. Một từ ngữ chính xác khác để diễn tả ý nghĩa chữ Ứng là chữ Tui (Tùy), vì ám chỉ một sự hòa hợp giữa chúng sinh, là những kẻ nhận, và Như Lai là người cho.
c. Nghĩa thứ ba của Ứng là đáp ứng. Trí Khải lập luận :
Bởi vì chữ Cơ có nghĩa là thích hợp, phương pháp thích hợp nào có thể được dùng để đáp ứng (vị thế)?. Dùng Từ và Bi thích hợp với Thiện và Ác. Bi thích ứng trong việc cứu (chúng sinh) thoát khổ, và Từ thích ứng trong việc ban bố an lạc. Trong trường hợp nầy (tùy thuận theo (vị thế, chư Phật) dùng những phương tiện thích hợp để đáp ứng. Vì vậy, (ý nghĩa) đáp ứng được dùng để giải thích chữ Ứng.
(508)
(2) Tứ Tất Đàn được dùng để diễn tả trực tiếp và sâu sắc hơn lần lượt qua ba nghĩa của chữ Cơ và chữ Ứng nói trên vì Trí Khải luận về sáu nghĩa của Tứ Tất Đàn :
(i) Thế Tục Tất Đàn hổ tương với Cơ và Ứng. Sự hổ tương nầy có từ nghĩa Vi (slightness) của chữ Cơ, và từ nghĩa tiến đến gần (approach) của chữ Ứng. Hai ý nghĩa nầy cho thấy hoạt dụng của chư Phật tùy thuận với cái chúng sinh vui thích muốn nghe và muốn có, là đặc tính của Thế Tục Tất Đàn.
(ii) Đối Trị Tất Đàn hổ tương với Cơ và Ứng. Tất Đàn nầy hiển lộ ý nghĩa Từ và Bi đáp ứng khế hợp thấy từ chữ Cơ, và hiển lộ trong nghĩa tiến đến gần từ chữ Ứng. Với đức Bi, chư Phật đáp ứng chúng sinh đang chịu khổ; với đức Từ chư Phật đáp ứng sự phát sinh bản tánh thanh tịnh có thể phát khởi của chúng sinh.
(iii) & (iv) Vị Nhân Tất Đàn và Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn tương quan với Cơ và ;Ứng. Điều nầy bởi vì Vị Nhân Tất Đàn khế hợp để có thể phát sinh tánh thanh tịnh qua Sự, và Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn khế hợp để có thể phát sinh tánh thanh tịnh qua Lý.
(3) Lựa chọn (Liao-chien) : làm sáng tỏ mối tương quan giữa Cơ và Ứng qua ba cách nhìn :
(i) Trước hết, Trí Khải tuyên thuyết rằng đặc tính của Cơ và Ứng không giống nhau, và cũng không khác nhau. Điểm nầy được nói qua cái nhìn vế Lý và Sự (Li-shih). Với Lý, Cơ và Ứng không khác, vì cả hai cùng thực tại. Với Sự, cả hai không giống, vì Cơ liên quan đến cảm của chúng sinh, và Ứng liên quan đến ứng của chư Phật.
(ii) Lối nhìn thứ hai về Cơ và Ứng được nhấn mạnh bởi một tỷ dụ về mối tương quan giữa con và cha. Con tượng trưng cho chúng sinh, cha tượng trưng cho Như Lai. Lý tánh (Li-hsing) của chúng sinh và của chư Phật thì không khác nhau, tuy vậy, cả hai cũng không đồng nhau, bởi vì chúng sinh thì ẩn mà Như Lai thì hiển.
(iii) Lối nhìn thứ ba về Cơ và Ứng đồng như nhau vì chẳng cùng chung Sự cũng chẳng cùng chung Lý. Tuy nhiên, hai điều nầy thì khác biệt : khi chúng sinh nhìn Sự, bậc Thánh hiểu Lý ; khi bậc Thánh hiểu Sự, kẻ vô minh giữ Lý. Nói cách khác, khi chúng sinh bị mê hoặc trong thế giới hiện tượng, bậc Thánh có tri kiến về Lý ; khi bậc Thánh có tri kiến về thế giới hiện tượng khi vào thế tục hoán chuyển chúng sinh, kẻ vô minh đã sẳn có lý Phật tánh.

II. Giải thích đặc tính của Cơ và Ứng (Ming Chi -Ying Hsiang) (T33, 747b-748b)

Trong phần nầy, có hai điểm cần nói đến (1) Giải thích những đặc tính của Cơ trong tương quan với Thiện và Ác (Yueh-shan-eh Ming- chi – hsiang), và (2) Luận về những đặc tính của Ứng trong tương quan với Từ và Bi (Yueh-tzu-pei Lun-ying-hsiang).
(1) Giải thích những đặc tính của Cơ trong tương quan với thiện và ác : Ác chỉ cho những điều tà vạy mà chúng sinh có, và thiện chỉ cho những chủng tử lành bên trong chúng sinh. Cấu trúc của Cơ dựa trên cả hai thiện và ác. Như Nhất Xiển Đề (509), là chúng sinh chỉ có sự tà vạy nên không thấy được sự đáp ứng của chư Phật. Tuy nhiên, khi kẻ Nhất Xiển Đề sinh tâm sám hối thì trở thành Cơ, nghĩa là có cả hai mặt thiện và ác.
(2) Luận về những đặc tính của Ứng trong tương quan với Từ và Bi : là phương tiện chư Phật dùng khiến cho mầm mống thanh tịnh bên trong chúng sinh phát khởi. Bi là phương tiện chư Phật dùng để cứu chúng sinh thoát khổ. Sự hội nhập của hai yếu tố nầy, như phương cách đáp ứng, có thể làm chúng sinh thoát khổ và ban an lạc trong thiền định.

III. Giải thích những loại Cơ Cảm khác nhau (Ming Chi-kan Pu-tung) (T33, 748c)

Phần nầy giải thích những loại Cơ Cảm tiếp nhận những Đáp Ứng khác nhau của chư Phật.
(1) Trước nhất, Trí Khải phân ra bốn loại tương hợp giữa Cơ và Ứng :
(i) Mật cơ minh ứng (Ming chi Ming ying) : là loại tương ưng thứ nhất. Mật cơ có nghĩa rằng tánh tịnh ẩn tàng, chỉ những thiện hạnh đã tu tập trước kia. Mặc dù không có những đáp ứng hiển lộ trong hiện tại, chúng sinh vẫn thầm tiếp nhận được những lợi ích từ Pháp thân. Gọi là thầm tiếp nhận khi sự thanh tịnh của chúng sinh không được thấy và nghe, nhưng chư Phật vẫn cảm nhận.
(ii) Mật cơ hiển ứng (Ming-chi Hsien-ying) : là loại tương ưng thứ hai, có nghĩa rằng một chúng sinh đã gieo trồng hạt giống thiện lành trong những kiếp đã qua, có thể được lợi ích đáng kể trong kiếp hiện tại khi nghe giáo lý Thế Tôn.
(iii) Hiển cơ hiển ứng (Hsien-chi Hsien-ying) : là loại tương ưng thứ ba, chỉ chúng sinh gìn giữ miên mật ba nghiệp (thân, khẩu, và ý) trong đời hiện tại, có thể tiếp nhận được sự đáp ứng của chư Phật.
(iv) Hiển cơ mật ứng (Hsien-chi Ming-ying) : là loại tương ưng thứ tư chỉ chúng sinh tu tập miên mật trong đời hiện tại, có thể chưa nhận được đáp ứng thù thắng, nhưng vẫn thầm tiếp nhận những lợi ích từ chư Phật.
(2) Thứ hai, sự tương hợp giữa Cơ và Ứng có thể mở rộng ra ba mươi sáu tướng trạng, căn cứ vào bốn trường hợp căn bản nói trên. Căn cơ chúng sinh (Cơ) được phân ra bốn nhóm tùy thuận theo Tứ Bất Định (Four Alternative), và chỉ quá khứ, hiện tại hoặc vị lai. Trí Khải nói :
Nói rằng có cơ cảm tiềm ẩn, cơ cảm hiển lộ và chẳng tiềm ẩn cũng chẳng hiển lộ. Tiềm ẩn là quá khứ, khai mở là hiện tại, và chẳng tiềm ẩn cũng chẳng hiển lộ là tương lai.(510)
Từng trường hợp trong bốn trường hợp chứa đựng những tướng trạng tương quan với những đáp ứng khác nhau, như là : (i) Mật cơ minh ứng (Ming chi Ming ying), (ii) Mật cơ hiển ứng (Ming chi hsien ying) , (iii) Mật cơ diệc minh diệc hiển ứng ( Ming chi I ming I hsien Ying), (iv) Mật cơ phi mật phi hiển ứng (Ming chi Fei ming Fei hsien Ying). Mỗi trường hợp trong bốn trường hợp được nhân với bốn tướng trạng, thành mười sáu tướng trạng về Cơ. Cũng vậy, có mười sáu tướng trạng về Ứng. Cơ và Ứng hội tụ thành ba mươi hai tướng trạng. Cộng bốn trường hợp căn bản vào ba mươi hai tướng trạng nầy, tổng cộng ba mươi sáu tướng trạng về Cơ của chúng sinh và Ứng của chư Phật. Ba mươi sáu tướng trạng Cơ và Ứng nầy cho thấy rằng sự đáp ứng của chư Phật thay đổi qua nhiều hình thức và luôn thích hợp với cơ cảm của chúng sinh.
(3) Thứ ba, Trí Khải nói về những cơ cảm khác nhau của chúng sinh và những đáp ứng khác nhau của chư Phật qua ba nghiệp (Karmans), ba giai đoạn thời gian, mười pháp giới, tự hạnh của Phật và hạnh giác tha của Phật, và mỗi pháp giới trong mười pháp giới gồm thu chín pháp giới kia, tổng cộng sáu mươi bốn ngàn tám trăm tướng trạng Điều nầy để nói rằng mỗi người có ba nghiệp thân, khẩu và ý. Mỗi một nghiệp có ba mươi sáu tướng trạng liên quan đến cơ và ứng. Tất cả là một trăm lẻ tám tướng trạng liên quan đến ba nghiệp. Khi các tương hợp giữa cơ và ứng được nói qua ba đời trong một pháp giới, tổng cộng ba trăm hai mươi bốn tướng trạng. Khi các tương hợp giữa cơ và ứng được nói qua mười pháp giới, tổng cộng ba ngàn hai trăm bốn mươi tướng trạng giữa cơ và ứng. Khi các tương ưng giữa cơ và ứng được nói qua tự giác và giác tha của chư Phật trong mười pháp giới, tổng cộng sáu ngàn bốn trăm tám mươi tướng trạng giữa cơ và ứng. Khi các tương hợp giữa cơ và ứng được nói qua từng pháp giới gồm thu chín pháp giới kia, tổng cộng sáu mươi bốn ngàn tám trăm tướng trạng giữa cơ và ứng.

IV. Giải thích sự khế hợp giữa Cơ và Ứng ( Ming Chi-ying Hsiang-tui) (T33, 748c-749b)

Trong phần nầy Trí Khải đưa ra bốn điểm
(1) Khổ và Lạc qua những hiện hữu khác nhau khế hợp với tam muội Từ và Bi (Chu-yu Ku lo Yu Sam-mei Tzu-pei Hsiang-tui) (511) cho thấy rằng chư Phật với từ bi đáp ứng căn cơ khác nhau với các khổ và lạc khác nhau của chúng sinh.
Các loại khổ chỉ cho cái khổ chỉ tâm tà vạy nơi địa ngục, gồm có :
(i) Hắc ác nghiệp
(ii) Cái thấy và nghĩ tà vạy
(iii) Trần sa hoặc
(iv) Vô minh.
Các loại tâm thanh tịnh gồm có :
(i) Bạch tịnh nghiệp
(ii) Tri kiến Không
(iii) Tri kiến Giả.
(iv) Tri kiến Trung Đạo.
Căn cơ của chúng sinh nơi địa ngục gồm cả hai khổ và lạc.
Chư Phật với đức Từ và Bi qua Vô Cấu Tam Muội (Wu-kou san-mei) đáp ứng căn cơ nầy. Từ Bi qua Vô cấu Tam Muội gồm có :
(i) Nhân Duyên Quán Từ Bi cứu chúng sinh chịu khổ vì tà hạnh, và ban an lạc vì thiện hạnh
(ii) Tri Không Quán Từ Bi, thoát khổ từ cái thấy và nghĩ sai lầm, và ban vui vô lậu
(iii) Tri Giả Quán Từ Bi, thoát khổ từ trần sa hoặc, ban vui được Đạo chủng trí
(iv) Tri Trung Đạo Quán Từ Bi, thoát khổ vì vô minh, ban vui từ Pháp tánh.
(2) Tương quan giữa Chỉ và Quán (chi-kuan teng hsiang-tui) (512) đưa ra sự hổ tương của ba nghĩa của chữ Cơ với ba nghĩa của chữ Ứng. Hắc nghiệp địa ngục là nghĩa của chữ Vi (slightness), quan (involve), và thích ứng (suitable). Ba nghĩa của chư Cơ liên hệ đến Vô Cấu Từ Bi tam muội, chứa đựng ba nghĩa Phủ (approach) Tùy (to cope with), và Ứng (to respond). Cũng vậy, bạch nghiệp nơi địa ngục tương ưng với sáu nghĩa lần lượt phù hợp nhau. Nghĩa vi tế hợp với nghĩa đến gần, nghĩa liên quan hợp với nghĩa tùy thuận, và nghĩa khế hợp hợp với nghĩa đáp ứng.
(3) Tướng tùy thuận của ba mươi sáu tướng trạng (San-shih-liu hsing-tui) (513) đưa ra sự hổ tương giữa bốn tướng trạng căn bản về Cơ và Ứng với bốn loại Từ và Bi như Vô cấu Tam muội. Bốn tướng trạng căn bản về Cơ và Ứng được nói đến qua hắc nghiệp và bạch nghiệp địa ngục, gọi là mật cơ mật ứng, mật cơ hiển ứng, hiển cơ hiển ứng, và hiển cơ mật ứng. Bốn loại từ bi tam muội đáp ứng căn cơ chúng sinh là : Nhân duyên quán từ bi, Tri Không quán từ bi, Tri Giả quán từ bi, và Tri Trung Đạo quán từ bi. Sự tùy thuận của ba mươi hai câu còn lại giữa Cơ và Ứng có thể suy ra từ bốn tướng trạng căn bản nầy. Chỗ nầy cho thấy có mười sáu tướng trạng lần lượt thuận với Cơ và Ứng, và mỗi nhóm trong hai nhóm mười sáu tướng trạng nầy tương quan với bốn loại từ bi vô cấu tam muội.
(4) Tùy thuận giữa Biệt giáo và Viên giáo ( Pieh-Yuan Hsiang-tui) (514) là để nói rằng khi Cơ địa ngục liên hệ với Biệt giáo, tam muội đáp ứng cũng biệt (biệt cơ biệt ứng), đó là, cứu khổ cho một chúng sinh không nhất thiết phải giống như sự cứu khổ tất cả chúng sinh. Cũng vậy, liễu đạt Phật tánh không áp dụng để hiểu tất cả những điều khác. Khi Cơ liên quan Viên giáo, Ứng thì cũng viên (Viên cơ viên ứng). Chỗ nầy có nghĩa rằng liễu đạt Phật tánh bao gồm sự liễu đạt tất cả các pháp. Trí Khải nói :
Nếu Phật tánh không được hiểu, những hiện hữu khác cũng không được hiểu. Một khi, tuy vậy, đã liễu đạt, những cái còn lại cũng sáng tỏ. (515)

V. Luận về thô và tế ( Ming tsu-miao) (T33, 749b-c)

Trí Khải nói đến ba điểm trong phần nầy.
(1) Giải thích thô và tế về Cơ ( Ming Chi-chih Tsu miao) phân Cơ ra thô và tế trong tương quan với mười pháp giới. Cơ trong chín pháp giới thì là thô, Cơ trong Phật giới thì tế. Căn cơ thô của chúng sinh tiếp nhận sự đáp ứng khế hợp hoặc cạn hoặc sâu, tùy theo căn cơ thuần thục hoặc không thuần thục.
(2) Giải thích thô và tề về Ứng (Ming Ying-chih Tsu-miao) nói về những đáp ứng thô chỉ cho những đáp ứng của Bồ tát Tạng giáo và Thông giáo. Những đáp ứng vi tế chỉ Bồ tát Biệt giáo và Viên giáo Thập Địa. Bởi vì sự thanh tịnh của Pháp Thân, trong sáng và vô cấu nhiễm như hư không hoặc trên mặt gương, Bồ tát có thể đồng thời đáp ứng và phản ảnh trên vạn vật mà không cần phải dụng công.
(3) Giải thích về khai thô hiển tế (Ming Kai tsu hsien miao) Trí Khải nhấn mạnh rằng tất cả những đáp ứng của bậc Thánh qua Tứ giáo đều là những đáp ứng vi tế. Sự đối nghịch giữa thô và tế không tồn tại, vì cả hai đồng nhất, và tất cả những đáp ứng thô hợp nhất với những đáp ứng vi tế qua văn mạch kinh Pháp Hoa.
Phần trên là những diễn tả về Diệu Cảm Ứng. Đề mục Diệu là bước thứ nhất của giáo pháp hoán chuyển chúng sinh Thế Tôn. Nhắm vào mục đích giáo và hóa, sự tương liên giữa Phật và chúng sinh đã được thiết lập. Sự thành tựu nầy đặt căn cứ trên cơ cảm của chúng sinh hướng về chư Phật. Cảm và Ứng giao thoa. Nói cách khác, chỉ khi nào có Cảm từ chúng sinh thì có Ứng từ chư Phật. Mặt khác, sự đáp ứng của chư Phật ở khắp mọi nơi khi đến với chúng sinh làm khơi dậy tánh tịnh trong chúng sinh. Vì chúng sinh căn cơ khác biệt, cơ cảm cũng khác biệt. Một cách tùy thuận, sự đáp ứng của chư Phật cũng khế hợp với chúng sinh trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Trí Khải đã nói đến điều nầy như chúng sinh có cơ cảm khác nhau đối với những đáp ứng khác nhau của chư Phật. Trường hợp tùy thuận quan trọng nhất là bốn tướng trạng căn bản và ba mươi sáu tướng trạng giữa Cơ và Ứng. Khi ba mươi sáu tướng trạng nầy trong nguồn mạch mười pháp giới, tổng số sáu mươi bốn ngàn tám trăm tướng trạng giữa Cơ và Ứng. Sự giải thích chi tiết về những tướng trạng nầy của Trí Khải diễn tả cùng tột những giao thoa giữa chúng sinh và chư Phật, phản ảnh triết thuyết hài hòa của Đại Sư, giúp Trí Khải trình bày từng khía cạnh giáo lý Phật một cách thâm sâu. Với lối diễn tả sống động của Trí Khải về Cảm và Ứng, giáo pháp độ tha của chư Phật không còn là một sự kiện thuần túy lịch sử chỉ có trong quá khứ, nhưng đang xảy ra trong hiện tại và sẽ xảy ra trong tương lai. Điều Trí Khải muốn nói qua đề mục Diệu Cảm Ứng rằng sự khi Thế Tôn nhập Niết Bàn không có nghĩa rằng hoạt dụng phổ độ chúng sinh của Phật đã chấm dứt. Chư Phật luôn luôn có mặt, và sự đáp ứng của chư Phật bao giờ cũng sẳn sàng, bất kể không gian và thời gian. Vì vậy, mục tiêu hướng về Bồ đề không phải là một cái gì xa vời, vì chúng sinh luôn được chư Phật đáp ứng. Chỗ nầy có thể thấy được qua những tướng trạng khác nhau giữa Cảm và Ứng, hoặc mật hoặc hiển, hoặc quá khứ, hiện tại, vị lai.

1.4.7 Diệu Thần Thông (Shen-tung Miao) – phân tích về cái Diệu thứ bảy thuộc Tích môn (T33, 749c – 751c)

Tương quan với cảm ứng là thần thông, minh định cái Diệu thứ bảy. Trí Khải nói :
Những biểu thị về Cơ và Ứng nói trên có thể khó hiển lộ nguyên lý về Diệu. (Vì vậy) cần phải nói đến Diệu Thần Thông để diễn đạt những ân sũng và thầm tiết lộ nguyên lý nầy.(514)
Điều nầy để nói rằng Cảm Ứng là tầng lớp hoạt dụng thứ nhất cứu độ chúng sinh của chư Phật. Mục đích của tầng nầy là để cứu khổ và ban vui, không liên quan đến giáo lý. Thần thông, mặt khác, là hành động trực tiếp của chư Phật vì muốn giáo và hóa chúng sinh, đó là, hướng dẩn chúng sinh thấy được giáo lý.
Trí Khải luận về Diệu Thần Thông qua bốn phần :
I. Giải thích thứ đệ (Ming tzu-ti)
II. Tên và Số (Ming Shu)
III. Giải thích về những loại thần thông (Ming Shen-tung Pu-tung)
IV. Giải thích về thô và tế (Ming tsu-miao).
Phần thứ nhất nói về thứ lớp của hai bước sơ khởi trong hoạt dụng phổ độ chúng sinh. Bước thứ nhất là đề mục đã được nói đến trong những phần trước, về Diệu Cảm Ứng, và bước thứ hai là đề mục trong phần Diệu nầy. Hợp hóa đề mục Diệu Thần Thông, phần thứ hai cho thấy có sáu loại thần thông. Phần thứ ba nói về sự khác biệt giữa Phật lực và những thần thông khác, để nhấn mạnh sự siêu việt của Phật lực. Điều nầy bởi vì chỉ với lực siêu việt, mới có thể giáo và hóa chúng sinh. Phần thứ tư giải thích sự khác biệt về Phật lực khi cứu độ chúng sinh, và có thể phân ra thô và tế theo Tứ giáo. Phật lực siêu việt chư Phật sử dụng thuộc Viên giáo.

I. Giải thích về thứ đệ ( T33, 749c-750a)

Phần nầy hợp hóa đề mục thần thông. Bằng cách trình bày ba thừa hiển lộ giáo và hóa của Thế Tôn, Trí Khải lập luận rằng giáo lý của chư Phật không tách rời thần lực : Phật dụng lực thần thông trước khi bắt đầu thuyết pháp. Dùng thần lực như chuyển luân thân, thuyết pháp như chuyển luân khẩu, và biết tâm chúng sinh. Trí Khải giải thích :
Phần mô tả về Cơ và Ứng nói trên chỉ là sự phân biệt đặc tính (của Cảm và Ứng) qua (mầm mống thanh tịnh) có thể phát sinh và qua (sự đáp ứng của chư Phật) có thể được ban truyền. Nói trực tiếp về sự hoán chuyển và hoạt dụng lợi ích chung sinh chỉ tam luân chuyển bất khả tư nghị (trimandala) là thân luân, khẩu luân và tha tâm luân.(517)

II. Tên và Số (T33, 750a-b)

Phần nầy kể ra sáu loại thần thông (sad abhijnah), là : Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông, và lậu tận thông. (518)
Lối giải thích của Trí Khải về chữ Thần(shen) tức thiên tâm (tien hsin), chỉ tâm tánh sẳn có. Lối giải thích về chữ Thông (tung) tức tuệ tánh (hui-hsing), chỉ cho sự hội nhập không ngăn ngại. (519)

III. Giải thích các loại thần thông (T33, 750c- 751c)

Phần nầy nói về các loại thần thông khác nhau có thể được chứng đắc bởi chúng sinh khác căn cơ. Dùng phương pháp khác nhau, chúng sinh có thể đắc thần thông khác nhau. Sự chứng đắc hoặc từ đan dược như của Đạo Lão, hoặc từ các phương pháp thiền định khác nhau, nhưng thần lực tối thượng của Viên giáo không thể có được chỉ qua phương tiện thiền định. Sáu thần lực của Viên giáo giản lược vào sự hội nhập sắc bén của sáu thức căn, và sự liễu đạt trong sáng của trí tuệ. Sự hợp nhất của sáu thức căn đến từ sự chứng đắc Trung Đạo. Trí Khải giải thích :
Chính từ Chân đế đã gồm thu thông lực, hành xử tự tại, không cố công phân biệt. Vì vậy, gọi là sự chuyển hóa tự nhiên không tướng mạo của Thiền. (520)
Thông lực nầy đến từ Trung Đạo, không giống các loại thần thông khác.

IV. Luận về thô và tế ( T33, 750c – 751c)

Trí Khải nói đến phần nầy trong tương quan với Phật lực khi ứng thân phổ độ chúng sinh. Những điều liên quan đến việc phổ độ không chỉ là hóa thân của Phật đồng nhất với thân và tâm chúng sinh nhưng còn là sự hoán chuyển quốc độ Phật đồng như cõi đất chúng sinh đang sống. Trí Khải tuyên thuyết rằng thần thông của chư Phật sử dụng hoặc thô hoặc tế qua Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo, ngoại trừ thần thông thuộc Viên giáo qua kinh Pháp Hoa thì chỉ thuần vi tế. Lực khế hợp chư Phật sử dụng vì chúng sinh trong chín pháp giới thì thô, ngoại trừ trong Phật giới hoặc thuần tịnh hoặc ô trược, hoặc rộng hoặc hẹp, tất cả đều vi tế vì là thần lực chân thật.
Phần trên nói về Diệu Thần Thông. Sự sử dụng Phật lực của chư Phật là bước thứ hai trong sự giáo hóa chúng sinh. Sở dĩ như vậy là vì giáo lý Phật quá thâm sâu đến đổi chỉ có thần lực mới có thể lay tỉnh và giúp chúng sinh tiếp nhận giáo lý.

1.4.8 Diệu Thuyết Pháp (Shuo-fa Miao) – phân tích về cái Diệu thứ tám thuộc Tích môn ( T33, 751c-755 b)

Dùng Phật lực thức tỉnh chúng sinh, chư Phật bắt đầu giáo pháp, chỉ với giáo lý của Phật, tất cả chúng sinh bình đẳng đạt đến Bồ đề. Giáo pháp của chư Phật được phân tích trong đề mục Diệu Thuyết Pháp nầy. Trí Khải luận về Diệu Thuyết Pháp qua năm phần :
I. Phân tích tên các pháp (Ming fa-ming)
II. Giải thích sự phân chia khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa (Ming Fen-fa Ta-hsiao)
III. Những khác biệt tùy duyên (Tui yuan Yu- i)
IV. Làm sáng tỏ những điều được giải thích (Ming Suo-Chuan)
V. Làm sáng tỏ chỗ thô và tế (Ming tsu miao)
Phần thứ nhất trình bày và giải thích mười hai tên gọi giáo lý Phật, chỉ cho mười hai loại kinh điển. Phần thứ hai giải thích sâu hơn về sự phân chia giáo điển Phật ra Thanh văn thừa và Đại thừa. Phần thứ ba giải thích lý do có sự phân chia kinh điển Thanh văn thừa và Đại thừa là vì giáo lý Phật khế hợp căn cơ chúng sinh. Bởi vì có những giáo pháp khác nhau, giáo lý diễn đạt trong những phương pháp giáo hóa nầy cũng khác nhau. Những giáo lý khác nhau được nói trong phần thứ tư. Phần sau cùng nói về những giáo pháp thô và tế qua mười hai tạng kinh, mục đích xác định mười hai tạng kinh gồm thu trong kinh Pháp Hoa là vi diệu.

I. Phân tích tên các Pháp (Shih Fa-ming) (T33, 751c-753c)

Phần nầy phân tích Pháp Phật thuyết ra biểu thị qua giáo lý xếp vào mười hai tạng kinh. Trí Khải nhấn mạnh rằng mặc dù pháp Phật quảng bác, mười hai tạng kinh gồm thu tất cả. Vì vậy, mười hai tạng kinh hiển hiện Diệu Thuyết Pháp. Trí Khải đưa ra bảy điểm nói về đặc tính của mười hai tạng kinh : (1) Một thể, (2) Hai hình thức, (3) Ba cách đặt tên mười hai tạng kinh kinh, (4) Bốn cách xác định tên kinh, (5) Cách phân biệt mười hai tạng kinh qua văn ngôn và phương cách, hoặc qua đề tài, hoặc qua chân lý, (6) Cách phân chia kinh theo quan điểm, và (7) Dung hợp tên kinh viết bằng chữ Phạn và Trung Hoa.
Trí Khải phân tích bảy điểm nầy như sau :
1. Nhất thể (T33, 752a) : Đặc tính thứ nhất cho thấy Thể của kinh là Một, vì Thể bao gồm cả đoạn và câu.
2. Hai hình thức (T33, 752a) : Đặc tính thứ hai cho thấy mười hai tạng kinh có hai dạng văn xuôi và văn vần. Trí Khải giải thích rằng sở dĩ có hai hình thức văn tự là để thích ứng với sở thích của chúng sinh : có chúng sinh thích văn từ đơn giản, có chúng sinh thích văn chương nghệ thuật.
3. Ba cách đặt tên kinh (T33, 752a-b) : Đặc tính thứ ba là mười hai tạng kinh có thể được chia ra ba nhóm tùy theo tên kinh.
(i) Nhóm thứ nhất, tên có thể được đặt theo chữ và theo câu, mà không theo nội dung. Trí Khải xếp chung ba loại Khế kinh (Sutra), Trùng tụng (Geya) và Phúng tụng (Gatha). Ba tên gọi nầy không từ nội dung kinh. Điều nầy bởi vì ba loại kinh nầy luận về đặc tính các pháp, và nội dung giáo lý được chuyển đạt qua những từ như Khổ, Tập, Diệt, và Đạo.
(ii) Nhóm thứ hai, tên được gọi theo sự việc xảy ra. Trí Khải xếp chung tám loại kinh nói về những sự việc xảy ra.
a. Thọ ký (Vyakarana), về việc Thế Tôn nói trước sự chứng đắc Bồ đề của chư vị đệ tử. Quan điểm của Trí Khải rằng mục đích của những sự kiện nầy là để diễn đạt ý tưởng tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật.
b. Tự thuyết (Udana) Thế Tôn tự ý thuyết giáo không qua sự thỉnh cầu của thính chúng. Trí Khải giải thích rằng sở dĩ có việc nầy là vì pháp Phật quá vi diệu nên khó có người biết và đưa câu hỏi thỉnh pháp. Vì vậy, Thế Tôn phải tự hiển lộ những điều thâm sâu nầy.
c. Nhân Duyên (Nidana) liên quan đến nhân duyên nhiều đời trước. Trí Khải giải thích rằng sở dĩ Thế Tôn tùy duyên thuyết giáo là để phơi bày khái niệm về Pháp, vì những khái niệm nầy đã có trong quá khứ đưa đến quả báo hiện tại được nghe giáo lý Phật.
d. Tỷ dụ (Avadana) là những giáo lý qua ngụ ngôn. Trí Khải nói rằng Thế Tôn dùng ngụ ngôn để hiển lộ thực tánh của các pháp.
e. Bản sự (Itivrttaka) nói về những sự thọ thân của môn đồ trong quá khứ. Trí Khải xác định rằng những câu chuyện nầy tiết lộ nhân tái sinh của các môn đồ Thế Tôn trong kiếp hiện tại. Bản sinh (Jataka) nói về những kiếp đã qua của riêng Thế Tôn. Trí Khải nói rằng những câu chuyện nầy tiết lộ nhân thành Phật của Thế Tôn trong kiếp hiện tại.
f. Vị tằng hữu (Adhutta-dharma) mô tả những chuyện hiếm có, như những dấu hiệu kỳ đặc của Thế Tôn chưa từng có trước kia. Trí Khải nói rằng những chuyện hiếm có nầy cho thấy được lợi ích vĩ đại của Pháp đưa đến.
g. Kinh luận (Upadesa) liên quan đến sự biểu thị của chân lý qua những đối thoại giữa Thế Tôn và đệ tử. Trí Khải nói rằng những đối thoại nầy làm sáng tỏ những đề tài khiến chân lý được phơi bày.
(iii) Nhóm thứ ba, tên được gọi theo nội dung. Tên theo nội dung chỉ cho các kinh Phương Quảng (Vaipulya). Phương Quảng có nghĩa là chính xác và phổ quát, theo lối nhìn của Trí Khải, hợp với nội dung Đại thừa. (521)
4. Bốn trường hợp xác định tên kinh (T33, 752b)
Đặc tính thứ tư của mười hai tạng kinh liên quan đến việc tên kinh được xác định như thế nào.
(i) Trước hết, tên kinh được xác định bởi Thể (Ching-ti Shih Ming-tzu). Điều nầy có nghĩa rằng tên Sutra được phiên dịch là Chính kinh hoặc Khế kinh, diễn đạt thể của kinh. Sutras có nghĩa là khế kinh, vì tất cả mười hai tạng kinh cùng chung một thể.
(ii) Thứ hai, tên kinh được xác định theo loại (Tang-ti Wei-ming). Điều nầy có nghĩa rằng tên Geya (trùng tụng) là những vần thơ được lập lại, và Gatha (phúng tụng) là những vần thơ không lập lại là những hình thức của kinh.
(iii) Thứ ba, tên kinh được xác định bởi hình thức và sự cố (Ti-shih Ho-mu). Điều nầy có nghĩa rằng tên Vyakarana (Thọ ký), Udana (Tự thuyết, và Upadesa (kinh luận) diễn tả cả hai hình thức và sự cố.
(iv) Thứ tư, tên kinh được xác định bởi sự cố (Tsung-shih Wei-ming). Điều nầy có nghĩa rằng tên của những bản kinh khác với những bản kinh đã nói trên, mô tả sự cố, như Nhân Duyên, Tỷ Dụ, Bản Sự, Bản Sinh, Vị Tằng Hữu, và Phương Quảng.
5. Đặc tính thứ năm của mười hai tạng kinh – cá biệt (T33, 752b-c)
Đặc tính thứ năm của mười hai tạng kinh cho thấy rằng các bản kinh khác nhau có thể gọi chung là Tu Đa La (Hsiu-to-luo), vì chỉ cho lời dạy của Phật. Tuy nhiên, theo Trí Khải, khế kinh có hai đặc tính tổng và biệt. Tổng tướng chỉ cho nghĩa phổ quát, vì tất cả bản văn ghi lời Phật dạy gọi là kinh. Mặt khác, kinh là bản văn có đoạn và câu, và vì thế là tánh chung của các loại kinh. Tất cả mười hai tạng kinh đều có tổng tướng nầy. Biệt tướng của kinh chỉ cho mười một loại kinh văn có từ khế kinh, như trùng tụng, phúng tụng, thọ ký, tự thuyết, nhân duyên, tỷ dụ, bản sự, bản sinh, vị tằng hữu, kinh luận và phương quảng.
6. Đặc tính thứ sáu của mười hai tạng kinh- hòa hợp (T33, 752c)
Đặc tính thứ sáu của mười hai tạng kinh cho thấy rằng cách phân chia tương quan với từng loại trong ba loại khế kinh, trùng tụng, và phúng tụng. Vì ba loại nầy biểu thị ba loại kinh văn, cổ văn, thơ và kệ, với Trí Khải, là những yếu tố quyết định về sự phân chia khác nhau.
(i) Khế kinh gồm có mười một loại như đã nói trên.
(ii) Nói về kinh như lời trực tiếp dưới hình thức cổ văn, thì nên để riêng ra hai loại văn vần là trùng tụng và phúng tụng. Vì vậy, kinh gồm có chín loại.
(iii) Phúng tụng là văn vần gồm mười loại kinh bản, vì đã để riêng cổ văn.
(iv) Trùng tụng là những bài kệ gồm chín loại, vì đã để riêng cổ văn, và phúng tụng như một loại trùng tuyên dưới hình thức văn vần.
7. Đặc tính thứ bảy của mười hai tạng kinh – lựa chọn (t33, 752c-753c)
Đặc tính thứ bảy của mười hai tạng kinh gồm có phần thứ nhất, phân tích tên pháp. Trí Khải giải thích rằng phân tích tên pháp là phân tích tựa đề mười hai tạng kinh. Đường lối xếp đặt tên gọI của mườI hai tạng kinh đã được Đại Trí Độ Luận nói đến (Maha prajna-paramitopadesa, T25, 306c). Sau đây là thứ tự những tên gọi được dịch sang tiếng Trung Hoa từ Phạn ngữ.
(i) Hsiu-to-luo (Sutra) được dịch là Khế Kinh hoặc Chánh Kinh.
(ii) Chih-yeh (Geta) được dịch là Trùng Tụng.
(iii) Ho-chia-luo-na (Vyakarana) được dịch là Thọ Ký.
(iv) Chia-to ( Gatha) được dịch là Phúng Tụng.
(v) Yu-to-na (Udana) được dịch là Vô Vấn Tự Thuyết.
(vi) Ni-to-na (Nidava) được dịch là Nhân Duyên.
(vii) A-po-to-na (Avadana) được dịch là Tỷ Dụ.
(viii) I-ti-mu-to-chia (Itivrttaka) được dịch là Bản Sự.
(ix) Tu-to-chia (Jataka) được dịch là Bản Sinh.
(x) Pi-fo-lueh (Vaipulya) được dịch là Phương Quảng.
(xi) A-fu-to-ta-mo (Adbhutadharma) được dịch là Vị Tằng Hữu.
(xii) Yu-po-ti-she (Upadesa) được dịch là Luận.

II. Giải thích những khác biệt qua sự phân chia giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa ( Ming Fen-fa Ta-hsiao) (T33, 753c-754a)

Phần nầy nhắm vào mục đích làm sáng tỏ sự phân chia giữa Thanh văn thừa và Đại thừa. Với Trí Khải, vì có những quan điểm khác biệt về sự tương ưng giữa hai giáo pháp nầy hoặc với chín, mười một, hoặc mười hai tạng kinh, điều cần thiết là giải thích lý do tại sao có lối nhìn khác biệt.
(i) Quan điểm thứ nhất, chín tạng là nền tảng hội nhập của Đại thừa, và vì thế, Thanh văn thừa tương ưng với chín tạng, loại trừ ba tạng Phương Quảng, Thọ Ký, và Tự Thuyết, vì ba tạng nầy thuộc về Đại thừa. Theo Trí Khải, đây là lối nhìn đặc biệt.
(ii) Quan điểm thứ hai, cả Thanh văn thừa và Đại thừa tương ưng với mười hai tạng kinh. Trí Khải giải thích rằng đây là cái nhìn tổng quát nhấn mạnh bản hoài của Thế Tôn giáo hóa bậc Tiểu thừa đạt đến Đại thừa. Bởi vì giáo pháp Thanh văn thừa ẩn chứa giáo pháp Đại thừa, Thanh văn thừa tương ưng với mười hai tạng kinh. Mặt khác, giáo pháp Đại thừa cũng có thể được nhìn chỉ tương ưng với chín tạng kinh, loại trừ Nhân Duyên, Tỷ Dụ, và Luận, vì hành giả Đại thừa căn cơ sắc bén, không cần đến ba tạng nầy. Tuy nhiên, nếu nói tổng quát thì Đại thừa vẫn gồm có ba tạng nầy.
(iii) Quan điểm thứ ba, Thanh văn thừa có mười một tạng, loại trừ tạng Phương Quảng. Trí Khải giải thích lý do vì Phương Quảng thuộc Đại thừa.
Đại Sư kết luận rằng những quan điểm khác biệt qua chín, mười một, và mười hai tạng kinh nầy được đề cập trong kinh văn Phật chỉ nhắm mục đích phân biệt Tiểu thừa và Đại thừa. Điều Trí Khải muốn nói là tất cả những lối nhìn khác nhau đều có lý do vì thích hợp cho một mục tiêu nào đó. Với triết học hài hòa của chính Trí Khải, Đại sư không tìm thấy bất cứ sự trái nghịch nào trong số những lối nhìn nầy. Sau đây là phần Trí Khải giải thích để dung hợp những dị biệt.

III. Đối Duyên sinh nghĩa (Tui-yuan Yu-i) (T33, 754a – b)

Phần nầy giải thích tại sao có những loại giáo pháp khác nhau. Những giáo lý khác nhau của Thế Tôn tương quan với căn cơ khác biệt của chúng sinh. Duyên là những điều kiện hội tụ từ chúng sinh. Điều nầy để nói rằng những giáo pháp khác nhau của Phật là kết quả Thế Tôn nhìn thấu suốt căn cơ chúng sinh. Trí Khải nói :
Duyên chỉ cho pháp nhân duyên trong mười pháp giới thành tựu chúng sinh. Tất cả chúng sinh có gốc rể và tánh của mười pháp giới. (522)
Vì vậy, để phù hợp với từng vị thế riêng biệt, Thế Tôn giáo hóa chúng sinh theo căn cơ của họ. Những chúng sinh thuần thục tiếp nhận được sự đáp ứng từ chư Phật sớm hơn. Chư Phật biết rõ chúng sinh thuần thục hoặc chưa thuần thục, và đáp ứng tùy thuận. Đối với những chúng sinh chưa thuần thục, chư Phật cũng không bỏ quên. Thay vào đó, Phật giới hạn giáo pháp ở mức độ nhân thừa và thiên thừa, là những điều không thuộc về mười hai tạng kinh. Đối với những chúng sinh thuần thục, như chúng sinh căn cơ Tiểu thừa, giáo pháp Phật có thể phân ra chín, hoặc mười một loại. Đối với những chúng sinh có căn cơ trở nên những bậc Bồ tát, Phật ban giáo pháp trong mười hai tạng kinh. Một cách tổng quát, Trí Khải nhấn mạnh rằng pháp trong mười hai tạng kinh là kết quả của giáo lý Như Lai hợp với bốn vị trí, đưa đến sự thành tựu Tứ giáo. Tứ giáo được khảo sát dưới hai cách khác nhau, ẩn và hiển, và Tiệm giáo.
(1) Luận về Tứ giáo ẩn và hiển
(i) Trước hết, ẩn chỉ cho Mật giáo (Secret Teaching) không thể phơi bày.
(ii) Thứ hai, hiển chỉ cho Tiệm giáo, Đốn giáo, và Bất định giáo. Được gọi là Tiệm giáo, nếu Thế Tôn thuyết pháp trong mười hai tạng kinh, hoặc đặc biệt thuyết pháp trong chín hoặc mười một tạng kinh cho chúng sinh trong bốn pháp giới (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, và Phật).
(iii) Thứ ba, gọi là Đốn giáo nếu Thế Tôn thuyết pháp trong mười hai tạng kinh cho chúng sinh trong hai pháp giới (Bồ tát và Phật) .
(iv) Thứ tư, gọi là Bất Định giáo, nếu Thế Tôn hướng về chúng sinh trong bốn hoặc trong hai pháp giới riêng hoặc chung.
(2) Với Tứ giáo được giải thích qua Tiệm giáo
(i) Thứ nhất, Tạng giáo thích hợp với chúng sinh trong ba pháp giới, như Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát), với Biệt giáo trong chín hoặc mười một tạng kinh.
(ii) Thứ hai, Thông giáo thích hợp với chúng sinh trong bốn pháp giới (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, và Phật), với giáo pháp tổng quát trong mười hai tạng kinh.
(iii) Thứ ba, Biệt giáo thích hợp với chúng sinh trong hai pháp giới (Bồ tát, và Phật), với giáo pháp tổng quát trong mười hai tạng kinh.
(iv) Thứ tư, Viên giáo thích hợp với chúng sinh trong nhất pháp giới với lời kinh tổng quát trong mười hai tạng.

IV. Làm sáng tỏ cái đã giải thích ( Ming Suo-chuan) (T33, 754b-c)

Trong phần nầy, Trí Khải lại làm sáng tỏ cái đã được giải thích trong Tiệm giáo và Đốn giáo, và trong Tứ giáo (Tạng, Thông, Biệt, và Viên giáo) liên quan đến Nhị đế của Tục và Chân đế. Tuy nhiên, với chúng sinh thuộc những giáo pháp nầy, Thế Tôn giải thích giáo lý Nhị đế bằng những phương thức khác nhau. Tùy theo căn cơ thính chúng, Thế Tôn hoặc nhấn mạnh và giải thích Tục đế hoặc Chân đế. Định nghĩa về Nhị đế cũng thay đổi phù hợp với căn cơ chúng sinh. Bởi vì có những giáo pháp khác nhau tùy thuận mức độ thông hiểu của chúng sinh, cần phải làm sáng tỏ pháp thô hoặc pháp tế trong phần sau đây. Theo Trí Khải, vì mười hai tạng kinh biểu thị lời Phật dạy, mười hai tạng kinh trình bày từng phần qua Tứ giáo. Vì Tứ giáo được phân loại thô và tế, mười hai tạng kinh thuộc Pháp Hoa được chứng minh là siêu việt.

V. Luận về thô và tế (Ming Tsu-miao) (T33, 754c-755b)

Phần nầy khảo sát sự thô, tế của giáo pháp về
(1) nguyên lý
(2) văn tự
(3) giáo lý
(4) các kinh khác
(5) kinh Pháp Hoa.

(1) Nguyên lý (Yueh Li) : trình bày nguyên lý vi tế, tất cả giáo pháp Phật đều vi tế. Sở dĩ như vậy bởi vì chân lý nằm trong giáo pháp Phật là chân lý giải thoát. Nếu hành giả có thể vượt lên trên những giới hạn của ngôn ngữ, chân lý giải thoát sẽ hiển lộ. Trí Khải nói :
Nhìn về nguyên lý vi tế, tất cả các pháp không gì khác hơn là lý Trung Đạo. ( Chư Phật) không ly khai ngôn từ để nói giải thoát. Ly khái tánh của ngôn ngữ (là vượt trên ngôn ngữ) tức ( đạt đến) giải thoát. Tất cả những điều được nói là tính vi diệu chứa đựng trong nguyên lý. (523)
(2) Văn tự (Yueh Yen-tzu) : cho thấy Thế Tôn đồng thời thuyết Bát Nhã và Trung Đạo trong suốt thời gian giảng dạy. Giáo lý của Phật vi diệu, được gọi là Nhất âm thuyết pháp (I-yin Yen-fa). Tuy nhiên, thính chúng khác nhau hiểu giáo lý khác nhau, và vì vậy, những lối hiểu khác nhau nầy có thô, có tế.
(3) Giáo lý (Yueh Suo-chuan) : xác định thô và tế qua những cái đã giải thích, như những lời dạy ( neng-chuan), và cái đã được giải thích như giáo lý (suo-chuan). Trí Khải khảo nghiệm năm loại giảng dạy khác nhau cùng những giáo lý liên hệ.
Với Nhân thừa và Thiên thừa, cả cách giảng dạy và giáo lý đều là pháp thô. Trí Khải nói :
Nếu (chư Phật) giảng dạy nhân thừa và thiên thừa cho chúng sinh trong sáu cõi, đây là nói về Tục Đế. Vì thế, cả lời dạy và giáo lý đều là pháp thô. (524)
Với Tạng giáo, cả hai lời dạy và giáo lý đều thô, Trí Khải nói :
Nếu (chư Phật) giảng dạy năm pháp môn (525) thuộc Tạng giáo cho những chúng sinh căn cơ chậm lụt, đây là thuyết về Sinh Diệt Tứ Đế. Vì vậy, cả lời dạy và giáo lý đều là pháp thô.(526)
Với Thông giáo, mặc dù giảng dạy đường lối hiểu tánh Không thuần thục sánh với đường lối của Tạng giáo, mục tiêu của Thông giáo vẫn nhằm vào sự chứng đắc Không tức Chân Đế, của Tạng giáo. Vì vậy, giáo lý Thông giáo vẫn còn là pháp thô. Trí Khải giải thích :
Nhìn về năm pháp môn của Thông giáo sánh với pháp môn của Tạng giáo (trong đó tánh Không được đạt đến) qua phân tích và hợp nhất các pháp, mặc dù pháp môn của Thông giáo (trong đó tánh Không đã được khéo nhận) qua vạn pháp, giáo lý vẫn còn nhìn (tánh Không) như Chân Đế. Vì vậy, giáo lý (Thông giáo) vẫn còn là thô pháp.(527)
Với Biệt giáo, những điều được giảng dạy liên quan đến ba chân lý Không, Giả, và Trung Đạo thì thô, vì ba chân lý nầy chưa được hợp nhất vào nhau. Tuy nhiên, giáo lý Trung Đạo thì vi tế. Lý do là vì, theo Trí Khải, Trung Đạo mà không cực đoan và viên dung tức cái nhìn rốt ráo về chân lý. Trí Khải nói :
Về năm pháp môn Biệt giáo, giáo pháp thì thô, nhưng giáo lý Trung Đạo thì vi tế.(528)
Với Viên giáo, bởi vì những điều giáo pháp giải thích và giáo lý hiển lộ là Trung Đạo hợp nhất vẹn toàn ba khía cạnh chân lý Không, Giả, và Trung Đạo, cả hai giáo pháp và giáo lý đều vi tế. Trí Khải tuyên thuyết :
Về năm pháp môn Viên giáo, cả hai giáo pháp và giáo lý đều vi diệu.(529)
(4) Các kinh khác (Yueh Chung-ching) : nói về những kinh khác nhau trong năm thời kỳ Hoa Nghiêm, Lộc Uyển, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa và Niết Bàn, nhằm mục đích xác định mức độ thô, tế của các tạng kinh nầy, thấy rằng những tạng kinh nầy giải thích Tứ giáo. Trí Khải nói :
Nhìn vào những kinh khác, kinh Hoa Nghiêm, giải thích Biệt giáo và Viên giáo. Tạng giáo giải thích (giáo lý đưa đến) một cực đoan. Phương Đẳng đưa ra tứ giáo (Tạng, Thông, Biệt, và Viên giáo). Bát Nhã đưa ra tam giáo (Thông, Biệt, và Viên giáo). Kinh Pháp Hoa chỉ nói đến nhất giáo ( tức Viên). (530)
Trí Khải nói rõ rằng mặc dù các kinh khác cũng có những giáo lý vi diệu như giáo lý Pháp Hoa, những kinh nầy cũng có những chú nghĩa thô, là những cái không thể đưa được vào chỗ đồng vi diệu. Vì vậy, những kinh nầy vẫn là thô. Sự độc đáo của kinh Pháp Hoa hiển lộ qua hai phối cảnh. Thứ nhất, kinh nầy chỉ đưa ra một sự chú nghĩa viên diệu, như chân lý là một thực tại hợp nhất, bởi vì không dùng đến phương tiện, và chỉ trình bày đạo Bồ Đề siêu việt. Thứ hai, thô hợp hòa với diệu, và vì vậy, thô cũng là diệu.
(5) Tham khảo chính về kinh Pháp Hoa (Cheng-yueh Tzu-ching) là sự tận tâm của Trí Khải để đưa ra thêm những chứng cớ làm vững vàng lập luận của Đại Sư về tính độc đáo của tạng kinh Pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa là giáo lý viên diệu vì được xem như gồm thu mười hai tạng kinh. Sau đây là cách giải thích của Trí Khải tại sao kinh Pháp Hoa lại chứa đựng mười hai tạng kinh và được xem là viên diệu.
(i) Khế kinh (Sutra) là những đoạn văn gọi là trực thuyết, và gồm có sự vi diệu của kinh Pháp Hoa vì những hình thức kinh văn nầy trực tiếp nói về Trung Đạo như tri kiến Phật.
(ii) Trùng tụng (Geya) là thi kệ vi tế, lập lại những đoạn kinh văn, liên quan đến Trung Đạo.
(iii) Phúng tụng (Gatha) là những bài văn vần riêng biệt vi tế. Lý do là vì phần thi kệ trong kinh Pháp Hoa về Long Nữ trong khoảnh khắc chứng đắc Bồ đề là riêng biệt.(531), không phải là phần lập lại từ những đoạn văn xuôi. Phần phúng tụng nầy diễn tả việc con gái Long Vương chứng đắc Bồ đề, chứng minh những đoạn kệ vi tế.
(iv) Bản sự (Itivrtaka) nói về những mẫu chuyện trong những kiếp quá khứ của môn đồ Thế Tôn, vì hai mươi ngàn Đức Phật không dạy gì khác hơn là Đạo vô thượng.
(v) Bản Sinh (Jataka) nói về những kiếp trước của Thế Tôn, vì đó là câu chuyện về những ứng thân của Phật, thọ thân hoàng tử, và Pháp Thân hiển lộ là vị Bồ tát.
(vi) Nhân Duyên (Nidava) là những câu chuyện có tính cách lịch sử vi tế, chư Phật liên tục tuyên thuyết pháp Đại thừa cho chúng sinh, không vì những chúng sinh nầy nương dựa pháp Tiểu thừa, Nhân thừa hoặc Thiên thừa.
(vii) Vị tằng hữu (Adbhutadharma) nói về những sự cố vi diệu, những dấu hiệu hiếm có như chư thiên mưa hoa cúng dường đất rúng động, Phật phóng hào quang giữa chặng mày, ba lần chuyển cõi đất, đều là bất tư nghị.(532)
(viii) Tỷ dụ (Avadana) là những câu chuyện ngụ ngôn, như kinh Diệu Pháp Liên Hoa dùng chữ Pháp (dharma) để làm ẩn dụ không gì ngoài sự khai mở của Tam thừa để là hiển lộ Nhất thừa.
(ix) Luận Kinh (Upadesa) luận về những học thuyết vi tế. Chỗ nầy thấy rõ trong câu chuyện của Long Nữ và Bồ tát Trí Tích. Bồ tát Trí Tích vướng mắc vào Biệt giáo, không tin rằng thân một loài rồng nữ có thể tức khắc thành Phật. Long Nữ, sau khi tuyên bố rằng Phật có thể cho thấy năng lực chứng đắc Bồ đề của cô trong nháy mắt, liền quỳ dâng ngọc quý đến Như Lai. (533) Trí Khải giải thích rằng viên ngọc biểu thị sự viên diệu, là câu trả lời cho môn đồ Biệt giáo bằng phương tiện của Viên giáo.
(x) Vô vấn tự thuyết (Udana) nói về những bản văn tự thuyết của Thế Tôn thật vi diệu, vì như đã nói trong kinh Pháp Hoa rằng Thế Tôn tự thuyết khi không có sự thỉnh cầu của môn đồ để nói về trí tuệ Phật.
(xi) Thọ ký (Vyakarana) những lời nói trước vi diệu của Thế Tôn, như đã được nói đến trong kinh Pháp Hoa, rằng những thính chúng tương lai chứng đắc Bồ đề. Những bậc nầy có thể an trụ nơi trí tuệ rốt ráo, được trời, người cung kính.
(xii) Phương Quảng (Vaipulya) có nghĩa chân chính và trùm khắp chỉ cho Phật thừa và tri kiến Phật kinh Pháp Hoa xiển dương, vì Phật thừa vi diệu và bao trùm, trí tuệ Phật sâu xa và chân thực.

Phần trên diễn tả về Diệu Thuyết Pháp. Sự vi diệu biểu thị giáo thuyết của Phật qua mười hai tạng kinh. Với quan điểm của Trí Khải, tất cả pháp môn dù là Thanh văn thừa hoặc Đại thừa, đếu là lời của Phật. Vì những hoàn cảnh và căn cơ khác nhau của chúng sinh, giáo thuyết của Thế Tôn phải uyển chuyển khế hợp từng vị trí đặc biệt. Vì pháp của Phật thuyết ra được ghi lại trong mười hai tạng kinh, mười hai tạng kinh hợp nhất tất cả giáo pháp của Thế Tôn.
Ngoài ra, tại sao mười hai tạng kinh có mặt đầy đủ trong hệ thống phân loại qua Tứ giáo (Tạng, Thông, Biệt, và Viên) của Trí Khải, mà Viên giáo đặc biệt vi diệu? Trước hết, phải xác định giáo pháp (neng-chuan) và giáo lý (suo-chuan) qua từng phần trong Tứ giáo hoặc thô hoặc tế. Tạng giáo là pháp thô về cả hai mặt giáo pháp và giáo lý; giáo lý Thông giáo thì thô nhưng giáo pháp thì tế; giáo pháp Biệt giáo thì thô nhưng giáo lý thì tế ; Viên giáo thì cả giáo pháp và giáo lý đều vi tế. Vì vậy, chỉ riêng Viên giáo là thuần vi diệu. Thứ hai, những bản kinh khác phải được khảo sát, là những bản kinh được thuyết qua ngũ thời, mà chỉ có bản kinh Pháp Hoa được xem là chứa đựng giáo pháp viên mãn. Thứ ba, vì kinh Pháp Hoa biểu thị Viên giáo, được xem là rốt ráo. Một sự viên mãn như vậy phản ảnh sự vi diệu qua mười hai tạng kinh chứa đựng trong kinh Pháp Hoa.
Đã nói về giáo pháp của Phật, phần Diệu Quyến Thuộc thứ chín sau đây nhắm thẳng vào những chúng sinh tương liên với chư Phật qua những đường lối khác nhau, như kết quả của giáo pháp Thế Tôn.

1.4.9 Diệu Quyến Thuộc (Chuan-shu Miao) – phân tích về cái Diệu thứ chín thuộc Tích môn ( T33, 755b – 758a)

Như kết quả từ giáo pháp Thế Tôn, quyến thuộc Phật thành tựu, và những mối liên hệ khác nhau giữa chúng sinh và chư Phật được Trí Khải đưa ra dưới đề mục Diệu Quyến Thuộc. Nói về năm loại quyến thuộc có thể có với tất cả chúng sinh, Trí Khải nhấn mạnh rằng bất kể những tương quan nầy thay đổi như thế nào, tất cả đều là quyến thuộc của chư Phật. Như vậy, đưa ra đề mục Diệu Quyến Thuộc Trí Khải có ý định muốn nói rõ rằng giáo pháp Thế Tôn có mục tiêu phổ độ.
Trí Khải nói về năm phần trong Diệu Quyến Thuộc I. Giải thích ý nghĩa quyến thuộc (Ming Lai-I), II. Giải thích quyến thuộc (Ming Chuan-shu), III. Giải thích thô và tế (Ming Tsu-miao), IV. Giải thích pháp môn quyến thuộc (Ming Fa-men Chuan-shu) và V. Quán Tâm quyến thuộc (Kuan Hsin Chuan-shu). Phần thứ nhất định nghĩa quyến thuộc. Phần thứ hai trình bày năm loại quyến thuộc và giải thích sự tựu thành những loại quyến thuộc nầy. Phần thứ ba giải thích quyến thuộc thô và tế qua Tứ giáo, nhưng riêng văn mạch Pháp Hoa, tất cả các nhóm quyến thuộc được xem là vi tế. Phần thứ tư khảo sát sâu hơn từng pháp môn tùy thuận với Tứ giáo. Phần sau cùng khảo nghiệm sự thành tựu của sáu loại quyến thuộc từ pháp quán tâm.

I. Giải thích ý nghĩa quyến thuộc (Ming lai-i) (T33, 755 b-c)

Về ý nghĩa của quyến thuộc, Trí Khải giải thích rằng quyến thuộc chỉ những hành giả tu pháp môn của Phật, là những bậc sau khi tiếp nhận được khái niệm hoặc phương pháp thiền quán, hành trì tương hợp với giáo pháp, và có thể đạt đến giới, định, và tuệ. Vì tu tập theo Pháp, Pháp trở thành bậc thầy, hành giả là môn đồ. Mối tương quan quyến thuộc từ đây. Trí Khải nói :
(Chư Phật) giảng dạy nhiều pháp môn đi vào tâm chúng sinh. Vì Pháp, những liên quan thành hình, vì những liên quan, (hành giả) đặt tín tâm (vào lời Phật), vì có tín tâm, hành giả được giúp ích thêm (vào giáo pháp Phật). Đây gọi là quyến thuộc.(534)

II. Giải thích quyến thuộc (Ming Chuan-shu) (T33, 755c-756c)

Phần nầy giải thích năm nhóm quyến thuộc của Phật, thành tựu từ những nhân tố khác nhau. Điều nầy nói lên rằng quyến thuộc thành hình từ lý tánh (Li-hsing Chuan-shu), từ những liên quan nghiệp quả với Phật (Yeh-sheng Chuan-shu), từ những lời nguyện (Yuan-sheng chuan-shu), từ năng lực thần thông (Shen-tung-sheng Chuan-shu), và từ sự đáp ứng của chư Phật (Ying-sheng Chuan-shu) như sau :
(1) Qua sự giải thích quyến thuộc thành tựu từ lý tánh, điều Trí Khải cố công chuyển đạt là Phật tánh có trong mỗi chúng sinh. Như vậy, mối tương quan thành tựu do bản tánh Bồ đề sẳn có. Trí Khải lập luận rằng nguyên lý nền tảng của Phật tánh chúng sinh đều có bình đẳng như nhau, và Thế Tôn đã nói rõ ràng trong kinh Pháp Hoa nhấn mạnh rằng tất cả chúng sinh đều là con cái của Ngài. (535) Vì vậy, quyến thuộc thành tựu từ lý tánh chỉ tương quan phụ tử giữa chúng sinh và Phật.
(2) Qua sự giải thích quyến thuộc thành hình do nghiệp, điều Trí Khải muốn nói là mặc dù chúng sinh là con của Phật, có những chúng sinh, sau khi ngộ độc dược đã mất tâm trí, và có những chúng sinh thì không như thế. (536) Những chúng sinh còn giữ được bản tâm, mong cầu sự giúp đở và ưống thuốc được cho. Trí Khải lập luận rằng kinh Pháp Hoa sánh với pháp dược, qua đó, mối liên hệ phụ tử giữa Phật và chúng sinh thành tựu. Đối với những chúng sinh đã đánh mất tâm, Phật dùng pháp phương tiện để làm thành tương liên nghiệp quả với họ bằng cách thuyết những giáo lý khác nhau qua Tứ giáo. Khi tương liên nghiệp quả thành tựu, với hai mươi lăm loại tam muội (537), Phật thuyết Tam Đế với chúng sinh trong hai mươi lăm Hữu, khiến họ thuần thục. Trí Khải nhấn mạnh rằng dù các chúng sinh đã được giải thoát hoặc chưa được giải thoát, tất cả đều là quyến thuộc của Phật.
(3) Qua giải thích quyến thuộc thành tựu bởi lời nguyện(Ming Yuan-sheng Chuan-shu), Trí Khải nói về những chúng sinh có tương quan mật thiết với chư Phật trong quá khứ, và vì có lời nguyện, được tái sinh hiện đời theo Phật. Nếu những chúng sinh nầy đạt Đạo trong kiếp hiện tại, Trí Khải gọi là Nội Quyến Thuộc ( Nei Chuan-shu), và nếu chưa đạt được Đạo, gọi là Ngoại Quyến Thuộc (Wai Chuan-shu). Những chúng sinh nầy phải chờ Phật vị lai để chứng đắc.
(4) Qua giải thích quyến thuộc thành tựu bởi lực thần thông (Ming Shen-tung-sheng Chuan-shu), nói về những hành giả, là những vị trong kiếp quá khứ đã đạt được chỗ vô nhiễm, và tiếp nhận chân lý khi nghe giáo pháp Phật. Tuy nhiên, bởi vì những chúng sinh nầy chưa ra khỏi sự tái sinh vào các cõi thấp thuộc Dục giới, họ tái sinh vào các cõi cao hơn thuộc Sắc giới và Vô Sắc Giới. Khi Phật ứng hiện vào thế tục, họ được lực của lời nguyện tái sinh vào cõi thấp kém, mang theo những hạnh nguyện hộ trì pháp Phật, khiến họ có thể diệt được phần vô minh sau cuối, và thoát ra ba cõi luân hồi. Ngay cả nếu chưa hoàn toàn diệt vô minh, họ có thể tự hoàn tất khi Phật nhập diệt, hoặc hoàn tất khi Phật vị lai ứng thân vào đời.
(5) Qua giải thích quyến thuộc thành tựu từ sự đáp ứng của Phật (Ming Ying-sheng Chuan-shu), Trí Khải nói rằng nhóm quyến thuộc nầy liên hệ đến ứng hóa thân Phật, là sự hiển lộ của Pháp Thân. Ứng hóa thân là thân tùy thuận chúng sinh. Trí Khải lập luận rằng Pháp thân Phật tự lộ bày như ứng hóa thân, là vì : (i) lợi tha (wei Shu-ta), (ii) tự lợi (wei Tzu shu), (iii) bản nghiệp (wei Pen-yuan).
(i) Trí Khải giải thích rằng sở dĩ ứng hóa thân cần thiết cho sự làm thuần thục chúng sinh bởi vì tánh tịnh trong nhóm quyến thuộc thứ hai (thành hình từ nghiệp) yếu kém, không thể tự chứng Bồ đề. mặc dù đã chứng đắc giải thoát, nhưng vì đại bi, Phật ứng hóa thân làm Bồ tát, đáp ứng chúng sinh bằng cách vào hai mươi lăm Hữu (278) để làm bậc Đạo sư hướng dẩn chúng sinh chứng đắc Bồ đề. Vì sự đáp ứng của Bồ tát, chúng sinh có thể đạt đến chân Đạo, trở thành nội quyến thuộc (và cũng trở thành Bồ tát), có thể chứng đắc Đạo tương tự (tương tự trí tuệ Bồ tát) ; và có thể chẳng đắc chân đạo, cũng chẳng đắc tương tự đạo, nhưng tịnh nghiệp vẫn tăng trưởng. Tóm lại, sự đáp ứng của Bồ tát làm lợi ích tất cả, bất kỳ chúng sinh nào. Để nhấn mạnh hoạt dụng viên mãn của Pháp thân, Trí Khải nói sâu hơn về sự giả tạm của cõi tục :
Tất cả những oán cừu, kình chống, hãm hại, phải biết rằng tất cả những thứ nầy là hoạt dụng của Pháp thân.(539)
Câu tuyên bố trên của Trí Khải thật phi thường, phản ảnh cái hiểu thâm sâu về thế giới hiện tượng, thấy rằng Trí Khải gắn liền một cách sâu đậm với Chân Như nằm trong vạn pháp, kết luận hợp lý từ cái thấy nầy, hẳn nhiên, thành cũng như hoại, và hoại như vậy, Trí Khải cho rằng là hoạt dụng của Pháp thân, tùy thuận phương tiện khế hợp. Trí Khải nói rằng trong kinh Pháp Hoa, tất cả những hoạt dụng của Phật là vì chúng sinh, dù là phương tiện, chứa đựng bản hoài hướng chúng sinh về Bồ đề.
(ii) Trí Khải giải thích rằng ứng hóa thân chỉ cho tự lợi là nói về chư Bồ tát đạt đạo hoặc từ sự tiếp nhận giáo pháp của ứng thân Thích Ca Mâu Ni Phật, hoặc từ chư Phật vô lượng kiếp trong quá khứ.
(iii) Với ứng thân vì bản nghiệp, Trí Khải nói rằng Bản chỉ bản giác, và vì bản giác nầy, chúng sinh phát khởi tương quan về nghiệp với Phật, khiến chứng đắc được Bồ đề.
Phần trên là năm loại quyến thuộc Trí Khải nói về sự tương quan giữa Phật và chúng sinh. Khi năm loại quyến thuộc nầy được khảo sát qua Tứ giáo, có thể phân ra thô và tế như sau :

III. Luận về thô và tế (Ming tsu-miao) ( T33, 756c-757b)

Trong phần nầy, khi những nhóm quyến thuộc khác nhau được quán sát qua Tứ giáo, Trí Khải phân ra thô và tế. Quyến thuộc Tạng, Thông, và Biệt giáo thì thô, quyến thuộc Viên giáo thì tế. Vì Viên giáo là sự phổ độ được nói bởi kinh Pháp Hoa, Trí Khải chủ trương rằng trong kinh Pháp Hoa, tất cả quyến thuộc của Phật đều là tế. Với Trí Khải, Tứ giáo là bốn con đưởng tiến về sự thật, và vì vậy, là bốn pháp môn. Bởi vì Tứ giáo là bốn pháp môn, quyến thuộc được nhìn sâu hơn qua pháp môn.

IV. Giải thích pháp môn quyến thuộc (Ming Fa-men Chuan-shu) (T33, 757b-c)

Trong phần nầy, quyến thuộc được khảo sát qua ánh sáng của Tứ giáo như bốn pháp môn. Trí Khải đưa ra đặc tính của từng pháp môn trong bốn pháp môn qua danh tánh. Theo sự hiểu khác nhau về quyến thuộc và mục tiêu khác nhau của Tứ giáo, cùng một danh tánh có thể chỉ những điều khác nhau.
(1) Pháp môn Tạng giáo, qua hệ thống của Trí Khải, mục tiêu của Tạng giáo là đạt đến Không như Chân Đế, quán Chân Đế như Chân Như. Mặt khác, vì đường lối đến với Không là qua sự phân tích và chia chẻ các pháp cho đến cùng tột, quán sự diệt vọng là chân lý tương đối. Với lối hiểu về tương đối và tuyệt đối, pháp môn Tạng giáo nhìn Phật như bậc Đạo sư, từ bi đối với sáu cõi như con gái, khiến chúng sinh theo Chân Đế như con trai, vui được pháp chân thực như người vợ, và tu tập lục độ cùng ba mươi bảy trợ duyên hướng về chứng đắc như người cố vấn thân cận. Trí Khải nói :
Nếu (nói về quyến thuộc) trong pháp môn Tạng giáo, (họ dùng) phép quán Chân Đế như Chân Như, và quán huyễn (hữu) như chân lý tương đối. Khi hai loại trí nầy thành tựu, (hành giả) được gọi là Phật. Phật là vị Đạo sư từ tâm đối với sáu cõi (sánh với) con gái. Khiến chúng sinh về với Chân Đế nên gọi là con trai. Khi (hành giả) đắc pháp nầy, liền được an lạc. Đây gọi là vợ. Trong tâm hành giả, tu tập lục độ và (ba mươi bảy) trợ duyên đến chỗ chứng đắc. Điều nầy (sánh với) vị cố vấn thân cận,(540)
(2) Pháp môn Thông giáo, qua hệ thống của Trí Khải, mục tiêu của Thông giáo là đạt đến Không như Chân Đế, bằng con đường vào thẳng trong các pháp, Không đồng nhất với các pháp tức Chân Như. Mặt khác, bởi vì bốn cánh cửa (Hữu, Vô, Hữu và Vô, chẳng Hữu chẳng Vô) được dùng để đạt đến Không, nên là chân lý tương đối. Với cách hiểu về tương đối và tuyệt đối như trên, pháp môn Thông giáo nhìn Nhị Đế tương đối và tuyệt đối là bậc Thầy, yêu chúng sinh như con gái, khiến chúng sinh phát sinh tâm tịnh như con trai, và tu tập lục độ, ba mươi bảy trợ duyên hướng về chứng đạo như vị cố vấn. Trí Khải nói :
Nếu nói về quyến thuộc của Thông giáo, các hành giả quán vạn pháp như huyễn và bất định. Các vị nầy lấy cái hiểu về Không bằng cách vào thẳng Không như Chân Như, và qua sự phân biệt dị đồng của bốn cánh cửa như chân lý tương đối. Nếu từ hai loại trí nầy cái hiểu của hành giả phát sinh, đây gọi là Đạo sư. Yêu chúng sinh sánh với con gái. Khiến chúng sinh nhận tịnh tánh như con trai. Tu tập lục độ và ba mươi bảy trợ duyên như cố vấn. Đây gọi là quyến thuộc của pháp môn Thông giáo.(541)
(3) Pháp môn Biệt giáo, qua hệ thống của Trí Khải, mục tiêu của Biệt giáo là đạt đến Trung Đạo bằng cách vượt qua hai lối nhìn cực đoan hoặc của Tục Đế hoặc của Chân Đế, Nhị Đế nầy đều được xem là chân lý tương đối, và lý Trung Đạo là chân lý tuyệt đối. Với định nghĩa như trên về tương đối và tuyệt đối, pháp môn Biệt giáo nhìn chân lý tương đối như cha, chân lý tuyệt đối như mẹ, vô lượng hạnh nguyện cứu độ chúng sinh và hội nhập giáo lý của Bồ tát như con. Trí Khải mô tả :
Nếu nói về vô lượng quyến thuộc trong pháp môn Biệt giáo, sự quy tụ của Chân Đế và Tục Đế như trí tương đối được sánh với cha. Trung Đạo như nguyên lý tuyệt đối sánh với mẹ. Bồ tát hạnh vô lượng từ và thanh tịnh, vô lượng duyên hướng về giải thoát, và lục độ để hội nhập vô lượng giáo lý vô ngại. Đạo trí của Bồ tát sáng tỏ, và như phương dược khế hợp căn cơ chúng sinh. Đây gọi là quyến thuộc Biệt giáo.(542)
(4) Pháp môn Viên giáo, qua hệ thống của Trí Khải, mục tiêu của Viên giáo là chứng đắc Chân Như Bồ Đề, chân lý diễn đạt tự hạnh (Tzu-hsing) và tri kiến phù hợp với Phật trí (Sui-chih) được xem là tối thượng; chân lý hóa tha, và trí cung ứng khế hợp căn cơ chúng sinh (Sui-ching) là chân lý tương đối. Với định nghĩa về tương đối và tuyệt đối như trên, pháp môn Viên giáo khiến tịnh tánh trùm khắp vạn hạnh trong một tâm như con trai, đại vô duyên từ như con gái, an lạc nghe thấy được tri kiến Phật như vợ, Trung Đạo vô phân biệt, ba mươi bảy trợ duyên hướng về Bồ đề, và lục độ như vị cố vấn xuất sắc. Trí Khải nói:
Nếu làm hiển lộ quyến thuộc pháp môn Viên giáo, lấy Tam Đế và Nhất Đế tự lợi làm chân lý tuyệt đối, Nhất Đế và Tam Đế lợi tha làm chân lý tương đối. Lấy Nhất Đế và Tam Đế khế hợp với căn cơ chúng sinh làm chân lý tương đối, Tam Đế và Nhất Đế tương hợp với trí Phật làm chân lý tuyệt đối. Nương dựa vào trí bất tư nghị, hành giả hiểu được chân lý, và tịnh tánh của một tâm bao trùm muôn pháp hạnh. Đây là sánh với con trai. Đại vô duyên từ sánh với con gái. Thấy nghe được trí Phật khiến hành giả an lạc, sánh với vợ. Trung Đạo chẳng tịnh chẳng uế, ba mươi bảy trợ duyên hướng về Bồ đề. Lục độ sánh với vị cố vấn tài ba. Lấy chân lý rốt ráo của Viên giáo là pháp môn cực kỳ toàn vẹn làm quyến thuộc. Bồ tát sơ quả trong Thập Trụ đã chứng đắc viên mãn, có khả năng dùng phương tiện tám tướng (544) hoán chuyển sự vật. Đây là chỗ tương tự với bậc Đạo sư. (545)
Từ những mô tả như trên về đặc tính của bốn pháp môn, chúng ta có thể thấy được rằng vì những mục tiêu khác biệt, định nghĩa về tương đối và tuyệt đối trong Tứ giáo cũng khác biệt, và trong chiều hướng thượng. So sánh với ba giáo pháp đầu tiên, Trí Khải xác định chỉ có tương đối và tuyệt đối của Viên giáo hợp với tự lợi và Phật trí. Vì mục tiêu và định nghĩa khác nhau về chân lý qua bốn pháp môn, Trí, Hành, Nguyện và Chứng của Tứ giáo cũng khác biệt.
(i) Trước hết, nhìn về sự chứng đạt sánh với bậc Đạo sư, Tạng giáo lấy sự thành tựu của nhị trí (đạt Không qua cách phân tích và chia chẻ vạn pháp) là Phật (Đạo sư) ; Thông giáo cho rằng sự thông đạt về Nhị Trí là Đạo sư (đạt đến thể Không trong vạn pháp), và Viên giáo cho rằng chứng đắc Bồ đề là Đạo sư.
(ii) Thứ hai, nhìn về lời nguyện sánh với con gái, lời nguyện của hành giả Tạng giáo và Thông giáo liên quan đến từ và bi đối với chúng sinh. Từ và bi của hành giả Viên giáo, theo Trí Khải, hướng về tâm đại từ vô giới hạn và vô điều kiện.
(iii) Thứ ba, nhìn về trí sánh với vị cố vấn, trí của Tạng giáo và Thông giáo liên quan đến việc tu tập lục độ và ba mươi bảy trợ duyên hướng đến chứng ngộ. Theo Trí Khải, trí của Viên giáo không những liên quan đến lục độ và ba mươi bảy trợ duyên hướng về chứng ngộ, mà còn chủ yếu quy về Trung Đạo, là lối nhìn vô phân biệt viên dung vạn pháp.
(iv) Thứ tư, nhìn về hạnh sánh với con trai, hạnh của Tạng giáo và Thông giáo khiến chúng sinh theo về với Chân Đế và phát khởi tịnh tâm. Hạnh của Biệt giáo liên quan đến vô lượng hạnh của Bồ tát cứu độ chúng sinh và hội nhập giáo lý. Đây là vì Trung Đạo thuộc Biệt giáo chỉ là một giáo lý, vượt trên những quan điểm cực đoan, nhưng không có được cái dụng giúp hành giả đạt được tri kiến đồng nhất vạn hữu. Vì vậy, một hạnh không đồng với muôn hạnh, và Bồ tát phải đi qua muôn hạnh để thấy được toàn thể thực tại. Với Bồ tát Biệt giáo, vì có vô lượng chúng sinh, nên thuận theo đó mà có vô lượng phương pháp tế độ. Hạnh Viên giáo thì nhất tâm bao trùm muôn pháp hạnh. Điều nầy để nói rằng một hạnh viên dung muôn hạnh, muôn hạnh gồm trong một hạnh. Lý do là vì Trí Khải nhìn Trung Đạo của Viên giáo như chân lý tối thượng, thấy được tính đồng nhất nền tảng của vạn pháp, vì toàn thể chân lý gồm thu trong một hạnh. Thấy được một phần đồng nhất với toàn khối, hành giả không cần phải đi qua vô số hạnh. Tâm hành giả chứa toàn thể vũ trụ, giúp hành giả ôm trọn vạn hạnh.
Từ khung cảnh trên, Trí Khải kết luận rằng ba pháp môn đầu là pháp thô, pháp môn Viên giáo là vi tế.

V. Quyến thuộc thành tựu từ phép quán tâm (Kuan-hsin Chuan-shu) (T33, 757c-758a)

Trong những phần trên Trí Khải nói về quyến thuộc qua bốn pháp môn. Trong phần nầy, Đại Sư giới thiệu các loại quyến thuộc liên hệ đến phép quán tâm. Bởi vì quán tâm là con đường thực tiển và có thể đến gần chân lý, hầu hết các hành giả đều quán tâm. Vì có những cách quán khác nhau, kết quả là những quyến thuộc khác nhau thành tựu. Vì vậy, phần nầy nói tường tận về các loại quyến thuộc, và là hệ thống tổng kết các phần trên của Trí Khải. Trí Khải diễn tả sáu loại quyến thuộc có thể tột cùng các vị trí liên hệ về quán tâm như sau :
(1) Với quyến thuộc đến từ ái tâm ô nhiễm, hàng quyến thuộc nầy chỉ những hành giả đi sai đường vì tà dục, từ đó trở thành sở hữu của ma quái. Cái hiểu về tương đối và tuyệt đối không phải là riêng trí tuệ của hành giả nầy, nhưng đến từ ma lực. Vì vậy, lòng bi, vui được pháp, thực hành lục độ và ba mươi bảy trợ duyên hướng về giải thoát, biện luận, và những tuyên thuyết về pháp môn đều từ tà. Trí Khải mô tả :
Với những quyến thuộc đến từ lòng vọng dục, vô minh sánh với cha, ngu si và ái dục sánh với mẹ. Những chúng sinh nầy sinh sản phiền não sánh với con, cháu… Vì tà niệm, những điều tà vạy có thể quản thúc hành giả. Với ma lực, hành giả có thể nhận hiểu được chân lý tương đối hoặc tuyệt đối. Vì cái hiểu sai quấy sinh ra, tà sư sinh ra. Hành giả sinh khởi lòng bi yêu mị, vui theo tà pháp, thực hành lục độ và ba mươi bảy trợ duyên hướng về giác ngộ sai lạc, lập luận sai lầm. Với trí sáng và miệng sắc bén, hành giả giảng dạy những pháp môn khác nhau. Đây gọi là quyến thuộc đến từ tâm ô nhiễm tà vạy.(545)
(2) Với quyến thuộc đến từ tà kiến, hàng quyến thuộc nầy chỉ những hành giả đi lầm đường vì cái thấy sai lạc. Trí Khải gọi những tà kiến nầy là những tướng tà vạy có thể phát sinh tà niệm và tà pháp. Hành giả, người chấp rằng những gì thấy được trong thiền quán là có thực, và tiếp nhận như chân lý tuyệt đối, những gì có cùng người khác là chân lý tương đối. Hiểu một cách phi pháp về tương đối và tuyệt đối, đối ứng sai lạc và sinh tâm phân biệt, với những điều như trên, sự thực hành lục độ và ba mươi bảy trợ duyên của hành giả hướng về chứng ngộ cũng trở thành phi pháp. Trí Khải mô tả :
Nói một cách tổng quát, vì tướng tà vạy của hành giả sắc bén, hành giả chứng đạt tứ kiến (catasrodrsttayad) (546). Tâm niệm có thể tượng hình và lập thành những pháp môn khác nhau. Chỗ nào hiểu được thì cho là tuyệt đối, cái gì cùng chung với kẻ khác thì cho là tương đối. Tâm sinh ra thái độ sai lầm sánh với con gáí, tâm phân biệt như con trai. Với tâm như thế đó, tu tập lục độ và ba mươi bảy trợ duyên hướng về giác ngộ. Đây gọi là quyến thuộc đến từ tâm chứa ô nhiễm tà kiến.(547)
(3) Với quyến thuộc đến từ bốn cách quán tâm (Ssu-fan Kuan hsin Chuan-shu), từ bốn cách quán nầy, Tứ giáo thành tựu. Theo Trí Khải, khi quán tâm liên quan đến lý nhân duyên, thành tựu bốn loại quyến thuộc (548). Trí Khải nói :
Nếu hành giả có thể quán tâm và nhận thấy rằng tâm nầy chứa những kiến hoặc và tư hoặc thì không gì ngoài pháp của nhân duyên, tức vô thường, sinh diệt, thì bốn loại quyến thuộc thành tựu từ tâm nầy.(549)
Phần trên mô tả về Diệu Quyến Thuộc. Trước hết, Trí Khải phân quyến thuộc làm năm nhóm, thành tựu do lý tánh, liên hệ nghiệp quả, lời nguyện, thần thông, và sự đáp ứng của Phật. Năm nhóm quyến thuộc nầy biểu thị tất cả những thí dụ về mối tương quan giữa Phật và chúng sinh. Bởi vì tất cả chúng sinh là quyến thuộc của chư Phật, Trí Khải muốn nhấn mạnh rằng giáo pháp của Phật là để giải thoát chúng sinh. Thứ hai, những liên hệ khác nhau giữa Phật và chúng sinh cho thấy năm nhóm quyến thuộc nầy có những thứ bậc khác nhau, Trí Khảo nhìn những quyến thuộc qua Tứ giáo, để đưa đến kết luận rằng quyến thuộc của Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo thì thô, và quyến thuộc Viên giáo thì vi tế. Thứ ba, vì quyến thuộc được nhìn qua Tứ giáo, và Tứ giáo là bốn pháp môn, điều cần thiết là đưa ra đặc tính của bốn pháp môn, phơi bày quyến thuộc của bốn pháp môn. Qua cách mô tả đặc tính của bốn pháp môn, Trí Khải đưa ra sự kiện về cái quyến thuộc Viên giáo phô bày khiến pháp môn Viên giáo biểu thị Phật giới. Sau cùng, vì tất cả các pháp môn qua Tứ giáo thu gồm trong phép quán tâm, quyến thuộc phải từ tâm quán nầy. Điều nầy có nghĩa rằng có sáu loại quyến thuộc từ quán tâm. Mặt khác, từ tâm ô nhiễm, hai loại quyến thuộc thành tựu do tâm chứa đầy cái thấy và nghĩ sai lầm. Quyến thuộc thành hình từ tâm tư hoặc bị quản thúc bởi ma lực, và quyến thuộc thành hình từ kiến hoặc bị buộc ràng trong cái nhìn phi pháp. Nói cách khác, vì những lối hiểu khác nhau của Thập Nhị Nhân Duyên, bốn loại quyến thuộc thành hình qua Tứ giáo.
Kết luận, đề mục Diệu Quyến Thuộc của Trí Khải mang ý nghĩa hiển lộ giáo lý Thế Tôn. Chỉ khi chúng sinh là quyến thuộc của Phật, chúng sinh mới có thể tiếp nhận được lợi ích như kết quả của pháp Phật. Trí Khải liệt kê các loại quyến thuộc khác nhau để khẳng định rằng tất cả chúng sinh đều có thể chứng đắc Bồ đề, vì phổ độ là mục tiêu tối hậu của Phật pháp. Trong cách thức liệt kê các loại quyến thuộc qua phép quán tâm, điều nên được đưa ra là, hai loại quyến thuộc thành tựu từ tâm ô nhiễm vì kiến hoặc và tư hoặc chỉ những chặng đường tà mỵ và phi pháp mà hành giả có thể gặp. Nói về hai loại quyến thuộc nầy, Trí Khải không những cảnh tỉnh chúng ta về những lỗi lầm có thể xảy ra trong lúc quán tâm vì thấy và nghĩ sai lạc, nhưng cũng xác nhận rằng ngay cả hai loại quyến thuộc nầy cũng là quyến thuộc của Phãt, vì mục đích cuối cùng của Phật là tiếp độ cùng khắp chúng sinh. Diệu Quyến Thuộc của Trí Khải đưa đường cho đề mục thứ mười trong Thập Diệu là Diệu Công Đức và Lợi Ích nói về sự chứng ngộ của chúng sinh qua sức mạnh của Phật pháp.

1.4.10 Diệu Công Đức và Lợi Ích (Kung-te Li-i Miao) – phân tích về cái Diệu thứ mười thuộc Tích môn (T33, 758a-764b)

Diệu Công Đức và Lợi Ích là đề mục sau cùng trong Tích Môn Thập Diệu. Trong khi Diệu Tam Pháp thứ năm, kết luận rằng Phật pháp qua nhân Bồ đề được nói đến trong bốn mục đầu của Thập Diệu (Diệu Cảnh, Diệu Trí, Diệu Hạnh và Diệu Vị), cái Diệu thứ mươì nầy gồm giáo pháp của Phật như quả Bồ đề được nói đến từ cái Diệu thứ sáu đến thứ chín (Diệu Cảm Ứng, Diệu Thần Thông, Diệu Thuyết Pháp, và Diệu Quyến Thuộc). về hai từ Công Đức và Lợi Ích, Trí Khải giải thích rằng hai từ nầy mang ý nghĩa giống nhau, nhưng nếu muốn hiểu cách khác, thì công đức là lợi ích hành giả được thụ hưởng, và lợi ích là lợi ích chúng sinh được thụ hưởng.
Trí Khải phân tích công đức và lợi ích làm bốn phần : I. Giải thích Lợi Ích (Li-i Lai-i), II. Nói riêng về Lợi Ích (Cheng-shuo Li-i), III. Lợi Ích từ sự lưu thông (Liu-tung Li-i), IV. Lợi Ích từ phép Quán Tâm (Kuan-hsin Li-i). Phần đầu tiên minh định sự cần thiết phân tích những loại lợi ích khác nhau, nhấn mạnh rằng lý do có nhiều lợi ích khác nhau vì pháp Phật khác nhau. Phần thứ hai bắt đầu liệt kê các loại lợi ích được hưởng thụ bởi chúng sinh khác nhau, gồm lợi ích xa (remote benefits), là bảy lợi ích và mười lợi ích (nói rộng từ bảy lợi ích nầy) và lợi ích gần (close benefits) qua bảy lợi ích với những đặc tính khác nhau của giáo lý và hoán chuyển chúng sinh từ Thế Tôn. Sâu hơn, bảy lợi ích nầy được phân tích qua kinh Pháp Hoa, nhấn mạnh rằngtất cả những lợi ích nầy có thể rút ra từ kinh Pháp Hoa. Phần thứ ba phân tích lợi ích của bậc Đạo sư, lợi ích của Pháp, và bảy lợi ích (nói trong lợi ích xa) có thể được trong việc thuyết kinh Pháp Hoa. Phần thứ tư, là phần kết luận, phân tích lợi ích qua phép quán tâm. Điều nầy để nói rằng, vì tâm bao trùm muôn pháp, và bảy lợi ích nầy có thể đạt đến qua phép quán tâm.

I. Giải thích Lợi Ích (T33, 758 a-b)

Trong phần nầy, Trí Khải giải thích rằng lợi ích ban bố từ chư Phật qua những phương tiện khác nhau như những giáo pháp khác nhau, như thân Phật, ngôn thuyết của Phật, qua Tam thừa hiển lộ Nhất thừa, Phật lực và thuyết pháp. Vì vậy, điều cần thiết là nói về những lợi ích khác nhau.

II. Nói riêng về Lợi Ích (T33, 758b – 762c)

Trí Khải liệt kê những lợi ích khác nhau kết quả từ những hoạt dụng giáo hóa chúng sinh của Thế Tôn, gồm lợi ích xa, lợi ích gần, và lợi ích đến từ kinh Pháp Hoa. Trí Khải trình bày như sau :

1. Lợi ích xa ( T33, 758b – 761c) :
Lợi ích xa chỉ những hoạt dụng khác nhau của Phật, trong những kiếp làm Bồ tát trong quá khứ. Trí Khải kể ra bảy lợi ích tộng hợp tất cả những lợi ích liên quan đến việc thuyết giảng và chuyển hóa chúng sinh của Phật. bảy lợi ích nầy Trí Khải lập luận trong tương quan với những thứ lớp chứng đắc khác biệt như quả vị, và những quả vị nầy được xem là liên hệ với những nhóm quyến thuộc khác nhau. Hơn nữa, Trí Khải giảng rộng bảy lợi ích nầy thành mười lợi ích để nói lên rằng sự sinh khởi những lợi ích khác nhau được nói đến trong mật độ cơ cảm của chúng sinh hướng về chư Phật, và sự đáp ứng của Phật khế hợp với căn cơ chúng sinh. Qua điểm nầy, nội dung những lợi ích khác nhau hiển lộ qua những sự hành trì liên quan đến những thứ bậc quả vị chứng đắc. Hơn nữa, nhằm mục đích chứng minh sự siêu việt của kinh Pháp Hoa, Trí Khải dẩn chứng bảy lợi ích nầy qua văn mạch Pháp Hoa. Làm như vậy, kinh Pháp Hoa không những bao gồm cả bảy lợi ích nầy, mà còn tự chứng minh là giáo lý sau cuối của Thế Tôn, vì kinh Pháp Hoa hòa tan những lợi ích thô vào lợi ích vi tế. Với Trí Khải, giáo pháp sau cùng của Thế Tôn đưa ra giáo lý vô phân biệt như Phật giới, là nơi không có sự khác biệt giữa thô và tế. Vì thế, lợi ích của ba pháp môn Tạng, Thông, và Biệt giáo hoán chuyển vào trong lợi ích vi tế của Viên giáo diễn đạt qua kinh Pháp Hoa. Trí Khải trình bày những lợi ích trong ba nhóm nầy như sau :

(1) Sự trình bày của Trí Khải về bảy lợi ích là phần chính trong đề mục Diệu Công Đức và Lợi Ích của Đại Sư.
(i) Lợi ích của quả và báo trong hai mươi lăm Hữu (Erh-shih-wu yu Kuo pao I) là những lợi ích chúng sinh hưởng thụ trong bốn cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a tu la trong hai mươi lăm Hữu. (550) Trí Khải mô tả rằng chúng sinh ở bốn cõi nầy thuộc về nhóm quyến thuộc thành tựu do nghiệp, và lợi ích nhóm quyến thuộc nầy tiếp nhận được Trí Khải gọi là thấm nhuần đại địa (benefit of coolness on the ground).
(ii) Lợi ích của nhân đơm hoa trong hai mươi lăm Hữu (Erh-shih-wu-yu Yin-hua-kai-fu I) là lợi ích chúng sinh hai cõi thanh tịnh trời và người trong hai mươi lăm Hữu thụ hưởng. Trí Khải nói rằng chúng sinh trong hai cõi thanh tịnh nầy là nhóm quyến thuộc thành tựu do tạo nghiệp với Phật. Như quả vị của nhân thừa và thiên thừa sánh với cỏ thuốc nhỏ, Trí Khải gọi lợi ích nầy là lợi ích của tiểu thảo (Hsiao-tsao I).
(iii) Lợi ích của thiền định Chân Đế khi phân tích và chia chẻ các pháp (Chen-ti San-mei Hsi-fa I) là lợi ich Nhị thừa Tạng giáo Thanh văn và Duyên giác) là nhóm quyến thuộc Trí Khải mô tả như sự thành tựu của lời nguyện có được. Vì vị thế của Nhị thừa sánh với cỏ thuốc bậc trung
Trí Khải gọi lợi ích nầy là cái lợi của trung thảo (Chung-tsao I).
(iv) Lợi ích của thiền định Tục Đế với ngũ thông (Su-ti San-mei Wu-tung I) là lợi ích của Bồ tát Tạng giáo, Trí Khải mô tả thuộc nhóm quyến thuộc có được từ thần lực. Vì vị thế của Bồ tát Tạng giáo sánh với cỏ thuốc bậc thượng, Trí Khải gọi lợi ích nầy là lợi ích của thượng thảo (Shang-tsao I).
(v) Lợi ích của thiền định Chân Đế vào thẳng vạn pháp (Chen-ti Sam-mei Ti-fa I) là lợi ích Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát) Thông giáo, là nhóm quyến thuộc thành tựu do lời nguyện, có được. Điều nầy bởi vì kinh Pháp Hoa nói rằng đó là lời nguyện của Tam thừa rằng sẽ trở thành môn đồ của Phật trong đời nầy. Vì vị thế Tam thừa có được sánh với cây thuốc nhỏ, Trí Khải gọi là lợi ích của tiểu thụ (Hsiao-shu I).
(vi) Lợi ích của thiền định Tục Đế với lục thần thông (Si-ti San-mei Liu-tung I) (551) là lợi ích Bồ tát Biệt giáo, là nhóm quyến thuộc thành tựu do thần lực, có được. Điều nầy bởi vì thần lực giúp Bồ tát nhập thế. Vì vị thế Bồ tát Biệt giáo sánh với cây thuốc lớn, Trí Khải gọi là lợi ích của đại thụ (Ta-shu I).
(vii) Lợi ích của Trung Đạo vương tam muội (Chung-tao-wang san-mei) là lợi ích Bồ tát Viên giáo, là nhóm quyến thuộc thành tưụ do sự đáp ứng của chư Phật, có được. Vì vị thế của Bồ tát Viên giáo là vị thể rốt ráo, Trí Khải gọi là lợi ích của tột đỉnh chân thực. (Tsui-shih-shih I)
(2) Đề mục của Trí Khải về mười lợi ích được nói rộng hơn từ bảy lợi ích, qua đó Trí Khải giải thích rằng vì cơ cảm khác biệt của chúng sinh và sự đáp ứng khế hợp của chư Phật mà những nhóm quyến thuộc khác nhau tiếp nhận những lợi ích khác nhau.
(i) Lợi ích có từ quả (Kuo I) chỉ cho lợi ích thứ nhất thuộc bảy lợi ích nói trên (Erh-shih-wu yu Kuo-pao i). Trí Khải giải thích rằng lý do lợi ích nầy được gọi là sức thấm nhuần đại địa do sự đáp ứng của chư Phật đối với bốn cõi được độ thoát biển lửa khổ. Sự tiếp độ của chư Phật giống như sức tươi mát phủ trên mặt đất, và chúng sinh khổ dưới lòng đất từ quả báo. Trí Khải nói rằng lý do Phật đáp ứng chúng sinh bốn cõi là vì tánh tịnh của những chúng sinh nầy có thể làm cho phát khởi, và làm phát sinh tịnh tánh nầy là từ bi của chư Phật.
(ii) Lợi ích từ nhân (Yin I) chỉ cho lợi ích thứ hai thuộc bảy lợi ích nói trên (Erh-shih-wu-yu Hsiu-yin I). Trí Khải giải thích rằng lý do chúng sinh trong hai cõi tịnh (trời và người) tiếp nhận được lợi ích nầy là vì tịnh tánh của những chúng sinh nầy như nhân giữ gìn ngũ giới và thập thiện đạo mà thành tựu. Vì thế, Phật đáp ứng những chúng sinh nầy bằng huyền khải phát triển tánh tịnh và xa lìa tánh ác.
(iii) Lợi ích của Thanh văn (Sheng-wen I) liên quan đến lợi ích thứ ba thuộc bảy lợi ích nói trên. Trí Khải giải thích rằng nếu chúng sinh thuần thục vì Thanh văn thừa, chư Phật đáp ứng bằng huyền khải giữ gìn ngũ giớí, thực hành thiền định, và đạt đến trí tuệ.
(iv) Lợi ích của Duyên giác (Yuan-chieh I) liên quan đến lợi ích thứ ba nói trên.Trí Khải giải thích rằng nếu sự tu tập của hành giả khiến hành giả tiếp nhận được giáo nghĩa nào đó của Phật. Chư Phật sẽ đáp ứng hành giả nầy bằng huyền khải tiến về chỗ chứng ngộ đạo của bậc Duyên giác.
(v) Lợi ích tử Lục Độ (Liu-tu I) chỉ cho lợi ích thứ tư trong bảy lợi ích nói trên. Trí Khải nói rằng Bồ tát lục độ thuộc Tạng giáo được lợi ích từ hai mươi lăm tam muội. (552) Lý do là vì những tam muội khác nhau nầy, Bồ tát đạt ngũ thông, ra vào sáu cõi luân hồi, thành tựu hạnh nguyện lục độ.
(vi) Thông lợi (Tung I) chỉ cho lợi ích thứ năm trong bảy lợi ích nói trên. Trí Khải nhấn mạnh rằng Tam thừa thuộc Thông giáo được lợi ích từ hai mươi lăm tam muội vì có thể diệt ô nhiễm từ cách nghĩ sai lầm và chinh phục vô minh.
(vii) Biệt lợi (Pieh I) chỉ cho lợi ích thứ sáu trong bảy lợi ích nói trên. Trí Khải giải thích rằng Bồ tát Biệt giáo có những lợi ích khác nhau khi nhập các vị khác nhau. Bồ tát được lợi ích của Chân Đế tam muội khi vào Thập Trụ vị, lợi ích của Tục Đế khi vào Thập Hạnh vả Thập Hồi Hướng, lợi ích của Trung Đạo khi vào Thập Địa.
(viii) Viên lợi (Yuan I) chỉ cho lợi ích thứ bảy trong bảy lợi ích nói trên, và từ Viên giáo. Trí Khải giải thích :
Đây là lợi ích đến từ sự sử dụng tài tình hai mươi lăm tam muội, thêm vào vỉệc phá hai mươi lăm Hữu, diệt ngã và đạt đến sự thực tối cao.(553)
(ix) Lợi ích từ sự hóa thân (Pien-i I) liên hệ từ lợi ích thứ ba đến thứ bảy trong bảy lợi ích nói trên, và chỉ lợi ích tái sinh vào Phương Tiện Hữu Dư Độ (là một trong bốn cõi tịnh) (554). Trí Khải giải thích rằng Nhị Thừa Tạng giáo, Tam thừa Thông giáo, Bồ tát Biệt giáo Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, và Ngũ Đệ Tử Đẳng Viên giáo tiếp nhận được lợi ích nầy. Lý do nhóm chúng sinh trên được lợi ích nầy vì đã diệt được cái thấy và nghĩ sai lầm. Vì chưa hoàn toàn diệt được vô minh, những chúng sinh nầy tái sinh nơi quốc độ phương tiện vượt trên ba cõi luân hồi. Theo Trí Khải, hình tướng tái sinh nầy có đặc tính vui hưởng ba loại ý sinh thân (San-chung I-Sheng- Shen) (555). Ba loại sinh thân nầy thêm ý nghĩa cho Tam Đế Không, Giả, và Trung Đạo.
(a) An lạc pháp ý sinh thân (An-lo-fa I sheng shen) : thuộc Nhị Thừa (Thanh văn và Duyên giác) là những bậc đã đạt được Niết Bàn của Diệt, sinh tâm an lạc. Trí Khải nói rằng tâm an lạc nầy bao hàm Không đế.
(b) Tam muội ý sinh thân (San-mei I sheng shen) : đây là Bồ tát Thông giáo, là những bậc đã sử dụng được thần thông tam muội để hoán chuyển tâm chúng sinh trong cõi giả tướng. Trí Khải nói rằng thân sinh nầy bao hàm Giả đế.
(c) Tự tánh ý sinh thân (Tzu hsing I sheng shen) : là những Bồ tát Biệt giáo, là những bậc tu trì tự tánh Trung Đạo. Trí Khải nói rằng thân sinh nầy bao hàm Trung Đạo đế.
(x) Lợi ích của Thực Báo Độ (Shih-pao tu I) : liên hệ đế lợi ích thứ sáu trong bảy lợi ích nói trên, chỉ những lợi ích Bồ tát Biệt giáo là những bậc đã đạt đến địa thứ mười Thập Địa cho đến Bồ tát Diệu giác, và chỉ Bồ tát Viên giáo là những bậc đạt đến Thập Trụ cho đến Đẳng giác thọ nhận. Trí Khải nói rằng như kết quả diệt được căn bản vô minh và chứng ngộ Chân Như, Bồ tát tái sinh vào cõi Thực Báo. Từ cõi nầy, Bồ tát đi xa hơn, đạt Diệu Giác thuộc Viên giáo chẳng sinh chẳng diệt, vĩnh viễn diệt trừ vô minh và đắc trí tuệ viên mãn.
Phần nói về lợi ích xa trên quy về bảy lợi ích cho thấy được sự dụng công của Trí Khải nối kết những đề mục về Diệu. Những đề mục nầy đưa ra mối tương quan giữa chúng sinh và chư Phật và sự chứng ngộ của chúng sinh từ những lợi ích chư Phật ban bố. Như vậy, Trí Khải trước hết liệt kê bảy loại lợi ích và định vị trí qua từng thứ lớp chứng đắc, những vị trí khác nhau nầy tùy thuận với những nhóm quyến thuộc khác nhau, thấy được đặc tính hoán chuyển giữa Diệu Vị và Diệu Quyến Thuộc. Đó là, quả vị như lợi ích thuộc về những nhóm quyến thuộc khác biệt ; và quyến thuộc như lợi ích từ những quả vị khác biệt. Bởi vì quả vị là kết quả từ sự tu tập của hành giả được trí hướng dẩn hội nhập chân lý, quả vị là lợi ích đồng thời hợp nhất với ba cái Diệu đầu tiên là Diệu Cảnh, Diệu Trí, và Diệu Hành. Sâu hơn, Trí Khải nhìn bảy lợi ích nầy như kết quả cảm ứng giữa chúng sinh và chư Phật, hiển lộ Diệu Cảm Ứng có thể được thấy trong sự đáp ứng của Phật với chúng sinh trong hai mươi lăm Hữu. Vì vậy, khi lợi ích được nói trong tương quan với cảm ứng, bảy lợi ích được nói rộng hơn thành mười lợi ích. Trí Khải nhấn mạnh rằng vì căn cơ chúng sinh khác nhau nên sự đáp ứng của chư Phật cũng khác nhau. Vì sự đáp ứng khác nhau của chư Phật, chúng sinh trong những cảnh giới và quả vị khác nhau tiếp nhận những lợi ích khác nhau. Vì thế, với sự phân tích rộng về mười lợi ích, Trí Khải có thể minh họa nội dung của những lợi ích chúng sinh vô minh tiếp thu và môn đồ Tứ giáo tiếp thu. Trí Khải đưa ra lợi ích xa nầy là một thí dụ cụ thể về bản hoài của chư Phật trong việc phổ độ chúng sinh, vì tất cả chúng sinh không hạn lượng có thể tiếp nhận lợi ích từ sự tùy cơ đáp ứng của chư Phật.

2. Lợi ích gần ( T33, 761c-762b)
Lợi ích gần trình bày bảy lợi ích nói trên qua giáo pháp phổ độ chúng sinh của chư Phật. Trí Khải nói về giáo pháp Phật như thần thông và thuyết pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trí Khải nói đến lợi ích từ Phật lực qua mục thứ nhất và thứ hai trong bảy lợi ích đã nói. Đại Sư lập luận rằng ánh sáng Thế Tôn phóng ra từ tam muội có thể tức khắc mang lợi ích đến cho chúng sinh. Khi vầng ánh sáng nầy chiếu soi cõi địa ngục, những chúng sinh ở đây liền được thoát khổ, tái sinh cõi trời. Thoát khổ tương đương với quả lợi ích thứ nhất trong mười lợi ích, và tái sinh cõi trời là nhân lợi ích thứ hai trong mười lợi ích.
Lợi ích do pháp Phật thuyết ra từ mục thứ ba đến thứ bảy trong bảy lợi ích Trí Khải minh họa, và các bậc môn đồ Tứ giáo tiếp nhận được lợi ích nầy.
(i) Với lợi ích của cây thuốc bậc trung thứ ba trong bảy lợi ích Nhị Thừa Tạng giáo (Thanh văn và Duyên giác) tiếp thu, Trí Khải cho rằng các bậc Thanh văn có lợi ích diệt được cái thấy và nghĩ sai lạc, và các bậc Duyên giác có lợi ích diệt được tập khí. Với lợi ích của cây thuốc bậc thượng thứ tư trong bảy lợi ích các bậc Bồ tát Tạng giáo tiếp thu, Trí Khải cho rằng các vị Bồ tát nầy không những diệt được vọng mà còn mang theo hạnh nguyện cứu độ chúng sinh. Trí Khải diễn tả nhóm lợi ích nầy như đặc tính của chư Phật Tạng giáo.
(ii) Với lợi ích của cây thuốc nhỏ thứ năm trong bảy lợi ích Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát) Thông giáo tiếp thu, lợi ích nầy đến từ sự quán chiếu giáo lý Vô Sinh. Trí Khải nói rằng không những Tam thừa tiếp nhận lợi ích từ sự chứng ngộ Không đế qua phân tích và chia chẻ các pháp, (như lợi ích Nhị thừa Tạng giáo tiếp nhận), mà còn được lợi ích đạt được thể Không trong chính vạn pháp. Trí Khải mô tả lợi ích nầy như đặc tính của chư Phật Thông giáo.
(iii) Với lợi ích của cây thuốc lớn thứ sáu trong bảy lợi ích Bồ tát Biệt giáo tiếp thu, lợi ích nầy không những gồm có những lợi ích đã nói trên, mà còn được lợi ích của Đạo Chủng Trí và Nhất Thiết Chủng Trí. Trí Khải giải thích rằng khi Bồ tát đắc thần thông qua thiền định, Bồ tát được niềm hoan hỷ lớn khi nghe được giáo lý Không của tất cả các pháp. Thiền định Bồ tát an trụ chỉ cho chín loại đại thiền (Chiu chung Ta chan) (556), và niềm vui an lạc chỉ cho sự chứng đắc Hoan Hỷ Địa (557), từ đó, Bồ tát cứu độ vô số chúng sinh. Trí Khải diễn tả lợi ích nầy như đặc tính của chư Phật Biệt giáo.
(iv) Với lợi ích của đỉnh cao chân lý thứ bảy trong bảy lợi ích môn đồ Viên giáo tiếp thu, Trí Khải cho rằng lợi ích nầy liên hệ đến giáo nghĩa kinh Pháp Hoa. Trí Khải nói rằng kinh Pháp Hoa diễn đạt chân lý tối thượng, và không những bao gồm những lợi ích nói trên, mà còn là đỉnh cao chân lý, lập tức diệt vô minh hiển lộ Phật tánh. Trí Khải mô tả lợi ích nầy như đặc tính của chư Phật Viên giáo. Phương cách diễn đạt những lợi ích qua đặc tính của giáo pháp và cứu độ chúng sinh chứng minh rằng lợi ích của Viên giáo là lợi ích siêu việt tối thượng.

3. Lợi ích từ văn kinh ( T33, 762 b – c)
Vì Viên giáo được nói đến qua kinh Pháp Hoa, trong phần nầy, Trí Khải chứng minh sự siêu việt của kinh Pháp Hoa khi nói rằng tất cả bảy lợi ích đã nói trên (trong phần lợi ích xa) có thể rút ra từ kinh Pháp Hoa. Trí Khải nhìn bảy lợi ích khác biệt nhau, nhưng đồng thời cũng không khác biệt nhau. Điều nầy bởi vì, theo Trí Khải, mặc dù tất cả những lợi ích nầy, hoặc cạn hoặc sâu hiển lộ Chân Như, như những lợi ích thô qua những bản kinh khác hội nhập vào kinh Pháp Hoa, hợp hòa và cùng trở nên vi diệu. Lợi ích thô có thể hội nhập lợi ích vi tế và trở nên vi tế tùy thuận những quả vị khác nhau, và cũng có thể vào lợi ích vi tế. Trường hợp thứ nhất, lợi ích thô vào lợi ích tế, Trí Khải chỉ cho tiến trình quy về Đại thừa của hành giả, tương tự bậc vô lậu (558) trí liễu đạt, và quán hạnh vi tế. Trí Khải giải thích lý do lợi ích thô có thể hội nhập lợi ích tế bởi vì Chân Như hài hòa ở trong cả hai lợi ích thô và tế. Trí Khải nhấn mạnh rằng trong kinh Pháp Hoa, hành giả vui thú trong lợi ích ở các cõi trờì, người có thể chứng được tương tự như vô lậu. Hành giả vui được lợi ích cõi Nhị Thừa Tạng giáo và tiến đến chỗ diệt vô minh. Đây là Diệu Lợi Ích của tương tự vô lậu . Trường hợp thứ hai, lợi ích thô hội nhập lợi ích tế thuận theo quả vị, Trí Khải chỉ cho quả vị thô. Trí Khải nói rằng vì tự tánh Niết Bàn, lợi ích thô trở nên đồng nhất với lợi ích tế về mặt lý (Li-miao Chih-I), như khai thô hiển tế, và vì vậy, tất cả đều vi diệu. Với trường hợp thứ ba lợi ích thô vào lợi ích tế, Trí Khải nói rằng cái thô tương đối là cái tế tuyệt đối nếu cái trước được hiển lộ, thì những mức độ lợi ích đồng như lợi ích vi tế thuộc Chân Đế.

III. Lợi ích từ sự lưu thông (T33, 762c – 763b)

Trong phần nầy, Trí Khải nói sâu hơn về những lợi ích liên quan đến kinh Pháp Hoa. Điều nầy nói lên rằng không những lợi ích được rút ra từ kinh Pháp Hoa
vì kinh Pháp Hoa chứa đủ bảy lợi ích (đã nói trong phần lợi ích xa), nhưng còn ở chỗ thuyết giảng bản kinh chia ra làm ba loại, theo Trí Khải. Ba điều nầy đến từ bậc đạo sư, pháp, và lợi ích thuyết kinh Pháp Hoa.

1. Lợi ích từ bậc Đạo sư ( Chu Shih) (T33, 762c)
Trí Khải nói đến đạo sư như người thuyết kinh Pháp Hoa. Trí Khải kể ra ba bậc đạo sư
(i) Pháp Thân Bồ Tát : Chỉ những kiếp thị hiện thân Bồ tát của Đức Thích Ca Mâu Ni trong quá khứ. Trí Khải nói rằng bậc Bồ tát nầy, với thệ nguyện tự trang nghiêm, ứng thân vào thế giới nhân, thiên, hoặc các cõi thấp kém (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và A tu la), hoặc các cõi cao ( cõi Sắc và Vô sắc) khiến chúng sinh được bảy đến mười lợi ích (nói trong lợi ích xa). Vì những lợi ích nầy có thể được phân ra thô và tế, Trí Khải nhìn như tương đối và tuyệt đối.
(ii) Sinh thân Bồ tát : chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong lịch sử. Trí Khải nhấn mạnh rằng Bồ tát có khả năng thuyết giảng kinh Pháp Hoa trong các cõi trời và người, khiến chúng sinh được bảy lợi ích gồm tương đối và tuyệt đối.
(iii) Đạo sư như phàm phu (Fa-fu Chih-shih) : chỉ những người thông thường có thể khiến chúng sinh được bảy lợi ích gồm tương đối và tuyệt đối bằng cách thuyết giảng kinh Pháp Hoa trong thế tục.

2. Lợi ích liên hệ đến Pháp (Chu-fa ) (T33, 762c – 763a)
Trí Khải nói rằng vì muốn chúng sinh tin và chấp nhận giáo nghĩa Pháp Hoa, bậc đạo sư sử dụng hai phương pháp tương đối và tuyệt đối, và giáo lý tuyệt đối.
(i) Tương đối và Tuyệt đối : Trí Khải giải thích vì khó cho chúng sinh tiếp nhận Chân Như, Bồ tát phải dùng giáo lý tương đối để bình đẳng dần đưa chúng sinh hiểu chỗ tuyệt đối.
(ii) Dùng tuyệt đối để quảng bá kinh Pháp Hoa : Trí Khải muốn nói đến giáo nghĩa đặc thù của Đại thừa biểu thị các pháp, nhắm mục đích đưa chúng sinh vào Phổ Trí Bồ Đề. Tuy nhiên, Trí Khải lập lại rằng chân lý tuyệt đối nầy không tách rời chân lý tương đối.
Trí Khải lấy làm nghiêm trọng về vị thế tổng quát vào thời đại của Đại Sư trong việc thuyết giảng kinh Pháp Hoa. Trí Khải phê bình rằng có những người ưa thích pháp Đại thừa, có những người ưa thích pháp Tiểu thừa, nhưng chưa ai hiểu được bản hoài của Thế Tôn. Theo Trí Khải, một bậc Đạo sư nghiêm túc là người có khả năng nói kinh Pháp Hoa, như người biết làm thế nào để dùng phương tiện thích hợp trong thời gian thích hợp. Ngay cả khi thuyết giảng về những chân lý tương đối, nhưng không hề có ý định làm tổn hoại chân lý tuyệt đối. Bao lâu vị Đạo sư nầy còn khiến chúng sinh đạt được bảy lợi ích bao gồm tương đối và tuyệt đối, sự thuyết giảng kinh Pháp Hoa của người nầy hoàn toàn gây được ảnh hưởng.

3. Lợi ích liên quan đến việc thuyết giảng kinh Pháp Hoa ( Chu I)
( T33, 763 a – b)
Như kinh Pháp Hoa chứa đựng bảy lợi ích, Trí Khải nhấn mạnh rằng việc thuyết giảng kinh Pháp Hoa cũng đưa đến bảy lợi ích.
(i) Về lợi ích thứ nhất, Trí Khải nói rằng việc sinh tử liên quan đến quả và báo. Khi hành giả chứng ngộ Chân Như nói trong kinh Pháp Hoa, hành giả an hưởng lợi ích của vi diệu lý, và đây là lợi ích thứ nhất trong bảy lợi ích, là lợi ích của quả và báo
(ii, iii, iv, v) Từ lợi ích thứ hai đến thứ năm, Trí Khải nói rằng vì trì tụng kinh nầy, hành giả có thể tái sinh nơi cõi trời, và đây là lợi ích thứ hai trong bảy lợi ích, tức lợi ích của cỏ thuốc nhỏ; hành giả có thể đạt đến sức quán chiếu vi diệu, hành nhân Bồ tát, thay đổi cái nhìn về thế giới giả tướng trong Không đế (559), và đây là lợi ích thứ ba, thứ tư, và thứ năm trong bảy lợi ích, tức lợi ích của cỏ thuốc bậc trung, bậc thượng và cây thuốc nhỏ.
(vi) Về lợi ích thứ sáu, Trí Khải nói rằng nếu hành giả được trăm nghìn đà la ni nói trong kinh Pháp Hoa (560), đây là lợi ích của cây thuốc lớn trong bảy lợi ích.
(vii) Về lợi ích thứ bảy, Trí Khải nói rằng nếu hành giả nghe được kinh văn Pháp Hoa, tức thời đạt Diệu giác, đây là đỉnh cao lợi ích chân thực thứ bảy trong bảy lợi ích.

IV. Lợi ích từ phép quán tâm ( T33, 763b – c)

Thấy rằng quán tâm luôn luôn là đề mục sau cùng Trí Khải dùng để kết luận những đề tài liên hệ, đây là phần sau cuối nói đến lợi ích trong tương quan với phép quán chiếu tâm. Với Trí Khải, bởi vì tâm dung chứa vạn sự vạn vật, quán tâm là con đường khả dĩ nhất để đạt đến chân lý, và bảy lợi ích nói trên đưa ra những lợi ích xa, cũng bắt nguồn từ phép quán tâm. Trí Khải xác định quán tâm tức quán sát rằng tất cả mọi thứ tâm sinh ra từ nhân và duyên. Vì pháp nhân duyên, hành giả chứng ngộ rằng tâm có cả hai Không và Giả, và đây là Trung Đạo. Từ cái thấy Giả, Trí Khải khẳng định tâm không phải là tâm mà chỉ là một tên gọi ; từ cái thấy Không, pháp không phải là pháp, vì không có tự tính. Nếu hành giả đạt đến cái nhìn Trung Đạo như trên, Trí Khải nói đây là Bồ đề mang đặc tính tự ngã và Niết Bàn. Trí Khải tuyên thuyết rằng biết danh không phải danh là tự ngã; biết pháp chẳng phải pháp là Niết Bàn. (561). Hiểu được như vậy, hành giả tiếp thu được bảy lợi ích đã nói trong phần lợi ích xa.
(i) Lợi ích thấm nhuần thượng địa thứ nhất trong bảy lợi ích tương quan với phép quán tâm, là cái hiểu về bản tánh vọng của ngã và ngã sở, theo Trí Khải.
(ii) Lợi ích do nhân thứ hai trong bảy lợi ích tương quan với pháp quán tâm, theo Trí Khải, là những chúng sinh đặt tín tâm vào Phật pháp, nên tịnh tâm phát sinh. Hành giả thấy được Không, Giả, và Trung Đạo, tin vào Tam Đế.
(iii) (iv), (v) Lợi ích của cỏ thuốc bậc trung, bậc thượng, và cây thuốc nhỏ thứ ba, thứ tư, và thứ năm trong bảy lợi ích tương quan vớI phép quán tâm, theo Trí Khải, chỉ những chúng sinh niệm niệm quy về Không.
(vi) Lợi ích của cây thuốc lớn thứ sáu trong bảy lợi ích tương quan với phép quán tâm, chỉ cho những chúng sinh niệm niệm quy về Giả, theo Trí Khải.
(vii) Lợi ích đỉnh cao chân thực thứ bảy, tương quan với phép quán tâm, chỉ cho những chúng sinh niệm niệm quy về Trung Đạo, theo Trí Khải.
Phần diễn tả về Diệu Lợi Ích nói trên là phần kết luận Tích môn thập diệu. Bảy lợi ích được Trí Khải đưa ra dưới đề mục lợi ích xa là sự tận tâm của Đại Sư muốn hiển bài tương quan giữa các Diệu. Điều nầy để nói rằng Diệu Lợi Ích được luận như chủ thể an hưởng lợi ích (biểu thị qua Diệu Quyến Thuộc, và đối tượng như kết quả tiếp thu lợi ích (biểu thị qua Diệu Vị). Mặt khác, Diệu Quyến Thuộc đưa đến Diệu Cảm Ứng, và Diệu Vị gắn liền với Diệu Cảnh, Diệu Trí, Diệu Hành, và Diệu Tam Pháp. Phân tích những lợi ích trong hoạt dụng giáo hóa chúng sinh của chư Phật, Trí Khải đi sâu hơn cho thấy rằng Diệu Lợi Ích gắn liền với Diệu Thần Thông và Diệu Thuyết Pháp. Vì vậy, mục Diệu Lợi Ích sau cùng nầy có thể kết luận tất cả chín cái Diệu nói trước.

1.5 Tóm tắt tương đối và tuyệt đối (Chieh-cheng Chuan-shih)
(T33, 763c-764b)

Đến đây, chúng ta đã đi qua sự phân tích của Trí Khải về Tích Môn Thập Diệu dưới đề mục thứ tư giải thích rộng. Đây là đề mục sau cùng Trí Khải đưa ra để làm kết luận cho Tích Môn Thập Diệu. Tựa đề nầy tóm tắt chú nghĩa của Thập Diệu qua tương đối và tuyệt đối. Chuan (tương đối) được định nghĩa trong văn mạch nầy là phương tiện khéo phản ảnh mười pháp thô, như Cảnh, Trí, Hành, Vị, Tam Pháp, Cảm Ứng, Thần Thông, Thuyết Pháp, Quyến Thuộc, và Lợi Ích thuộc ba pháp môn Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo. Shih (tuyệt đối) được xác định như thực tại phản ảnh mười pháp tế, như mười đề mục thuộc Viên giáo. Trí Khải nói thêm rằng mười pháp thô là phương tiện thiện xão Thế Tôn sử dụng để làm hiển lộ mười pháp tế. Lý do vì mười pháp tế là sự phơi trải của Chân Như, và Chân Như nằm trong vạn pháp, bao gồm mười pháp thô. Tuy vậy, Chân Như là sự vi diệu sâu thẳm khó thấy được. Một khi pháp thô được mở ra, sự vi tế được hiển lộ (tức mở thô ra, và thấy cái tế bên trong), pháp thô không còn là thô mà cũng trở nên tế. Tóm lại, theo Trí Khải, bất kể mười đề mục nầy là thô hoặc tế, đều không khác biệt, chung cùng một thực tại Chân Như tuyệt đối vi diệu.

Tổng kết Tích Môn Thập Diệu

Tóm lại, sự giải thích về Thập Diệu là một hệ thống chú giải thâm viễn cái hiểu về Phật giáo của Trí Khải Đại Sư. Mục tiêu của pháp Phật là tự giác (nhân Bồ đề), và giác tha (quả Bồ đề). Đây là hai đề tài chính Thập Diệu đưa ra. Năm cái Diệu đầu tiên là năm yếu tố thành tựu tự giác, chỉ rõ rằng Bồ đề là quả vị ở trong tay hành giả (ones own power).
Với Diệu Cảnh tiến trình chứng đắc trước hết hành giả phải biết đâu là chân lý để hướng về. Biểu thị Thập Diệu, đặc tính của Chân Như được phơi trải. Biểu thị Tam Đế, ba mặt tựu thành Chân Như được lộ diện. Biểu thị Nhất Đế và Vô Đế, Chân Như được xác định diễn bày Phật giới. Tuy vậy, nếu Chân Như không tương quan hành giả không có khả năng liễu đạt. Vì thế, Trí Khải chủ trương rằng Chân Như được Thế Tôn thuyết qua Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên và Nhị Đế. Tất cả những thứ lớp chân lý nầy thật sự diễn đạt Chân Như theo đường lối Viên giáo. Như sự phân định của Trí Khải, có bốn lối nhìn về chân lý qua Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, và Viên giáo. Bốn lối hiểu nầy phát xuất từ bốn căn cơ của chúng sinh, và đi trên đường hướng thượng. Điều nầy nói lên rằng mặc dù căn cơ chúng sinh khác nhau nên hiểu chân lý khác nhau, tất cả đều bình đẳng đến được với Chân Như. Trong đường lối nầy, tất cả bốn cách hiểu đều không thể khinh suất, vì khế hợp với căn cơ chúng sinh, và là bốn bộ mặt của một tiến trình dần đưa về chân lý tối thượng. Tuy nhiên, đối với sự tỉnh thức viên diệu về Chân Như và mục tiêu chứng đắc Bồ đề, Trí Khải luôn gắn liền với Viên giáo, bởi vì Viên giáo không nói điều gì khác hơn là Chân Như được chứng nhập từ vô lượng chư Phật.
Hơn nữa, bằng cách đưa ra bốn con đường tiến về chân lý khác nhau, Trí Khải cho thấy rằng khái niệm về chân lý của hành giả chính là chìa khóa xác định thứ bậc chứng ngộ của người nầy. Nếu như khái niệm về chân lý của hành giả thuộc Tạng giáo, thì thứ bậc chứng ngộ của hành giả là Thanh văn và Duyên giác. Nếu như khái niệm về chân lý của hành giả thuộc Thông giáo, thì thứ bậc chứng ngộ của hành giả là Thanh văn, Duyên giác, hoặc Bồ tát. Nếu như khái niệm về chân lý của hành giả thuộc Biệt giáo, thì thứ bậc chứng ngộ của hành giả là Bồ tát. Nếu như khái niệm về chân lý của hành giả thuộc Viên giáo, thì thứ bậc chứng ngộ của hành giả là Bồ đề. Với chính chân lý, bằng cách hổ tương các phần chân lý với nhau, Trí Khải có thể quán sát về các chân lý nầy trong nội dung rộng lớn. Từng phần chân lý mang ý nghĩa phong phú trong tương tương hợp, nên không giới hạn trong những quy định của Phật giáo truyền thống. Đây là một dẩn dụ cụ thể hợp hóa cách phân loại Tứ giáo của Trí Khải. Từng phần của chân lý được phân vào bốn loại hợp với Tứ giáo, và một cách luận lý, những phần chân lý khác nhau trong cùng một pháp môn có thể hổ tương lẩn nhau. Với sự dung hợp như vậy, Tứ giáo luôn có mặt trong những nguồn mạch chân lý nầy.
Về Diệu Trí, Trí Khải nói rằng khái niệm về chân lý liên quan mật thiết với Trí, vì Trí xác định cái hiểu về chân lý. Vì vậy, Trí là công năng đưa hành giả hội nhập sự thật. Bằng lối trình bày hai mươi loại Trí, Trí Khải muốn nói rằng những loại Trí khác nhau nầy đến từ những sự hành trì khác nhau tương hợp với căn cơ hành giả, và cũng có thể được xếp vào bốn nhóm qua Tứ giáo. Với cùng phương cách phân định, Trí Khải có thể đưa ra những Trí tương hợp với giáo pháp đi vào những phần chân lý thuộc pháp môn. Với phương cách nầy, mối liên quan giữa Trí và sự thật được phơi bày, do đó, cùng thứ bậc Trí có thể quy định cùng thứ bậc chân lý, và cùng thứ bậc chân lý có thể quy định cùng mức độ của Trí. Hệ thống giải thích về chân lý và Trí của Trí Khải là sự liễu đạt pháp Phật của Đại Sư qua giáo và hành.
Diệu Hành diễn tả cái hiểu của Trí Khải về pháp Phật qua sự thực hành bao gồm giáo lý. Mặc dù đề mục Diệu nầy biệt lập với phần trên, nhưng vẫn tương quan. Trong sự chú nghĩa về Trí của Đại Sư, Trí là kết quả thành tựu từ các Hành khác nhau. Vì thế, trong phần nầy, Trí Khải quy về định nghĩa của Hành qua Tứ giáo. Điều nầy nói lên rằng hành giả Tứ giáo thực tập những hạnh khác nhau. Về nội dung của Hành, Trí Khải mô tả hạnh của Biệt giáo và Viên giáo. Liên quan đến năm loại hành của Biệt giáo, Trí Khải diễn tả chi tiết về nội dung của Giới, Định, và Tuệ, trong cố gắng làm sáng tỏ ba pháp môn nầy qua hệ thống tư tưởng của riêng Đại Sư. Qua sự tu tập về Tuệ, Bồ tát thực hành Vô Tác Tứ Đế được minh họa sống động qua sự chứng đắc hai mươi lăm tam muội để cứu giúp chúng sinh trong hai mươi lăm Hữu. Với lối phân tích phong phú như trên, Trí Khải muốn nói rằng mục đích của sự tu trì không phải giới hạn trong một cá nhân, mà hơn thế nữa, mang lại sự giải thoát cho chúng sinh.
Ba phần nói về Diệu như trên hợp nhất ba yếu tố Giáo, Hành, và Chứng trong pháp Phật. Nói riêng thì Diệu Trí liên quan đến Giáo, Diệu Hành liên quan đến Hành, và Diệu Cảnh liên quan đến Chứng. Nói chung thì Cảnh liên hệ đến Trí, vì nếu không có Trí, Cảnh như chân lý nhiệm mầu không thể hiển lộ. Mặt khác, Trí không thể toàn vẹn nếu không có cái dụng đưa hành giả đi vào Cảnh như thực. Trí không những tương giao với Cảnh, mà còn tương giao với Hành, vì sự thành tựu của Trí đến từ Hành. Hành dựa vào Trí để tiến bước, vì Trí đưa đường sự tu tập của hành giả. Điều nầy có nghĩa rằng ba yếu tố chính trong pháp Phật được Trí Khải phân tích qua hệ thống tư tưởng của Đại Sư, trở thành một thực thể hội tụ bất khả phân ly.
Diệu Vị kết lại ba môn Diệu trên. Lý do là vì thứ bậc chứng ngộ của hành giả kết quả từ sự thành tựu ba môn Diệu nầy. Vì vậy, nói về Diệu Vị, Trí Khải diễn tả chi tiết nội dung của từng Vị chứa đựng Hành, Trí hướng dẩn Hành, và chân lý hành giả có thể tiếp nhận với một thứ bậc Trí và Hành nào đó.
Diệu Tam Pháp kết luận bốn môn Diệu đầu tiên trong Thập Diệu. Điều nầy nói lên rằng nếu ba môn Diệu đầu là Cảnh, Trí, và Hảnh được xem là nhân Bồ đề, thì Tam Pháp chỉ cho Tam Quỷ Phạm (Thực Tánh, Quán Chiếu, và Tư Thành) như Một Phật Thừa là quả Bồ đề. Lý do là vì khi hành giả đạt đến giải thoát, hoàn toàn tự tại, và tự do nầy biểu thị Phật thừa. Đi với Phật thừa, hành giả có thể vào ra khắp mọi cảnh giới không chướng ngại.
Năm môn Diệu sau cùng, nói về tiến trình chứng đắc Bồ đề qua Phật lực. Điều nầy để nói rằng môn Diệu Cảm Ứng thứ sáu diễn tả bước thứ nhất trong hoạt dụng cứu độ chúng sinh của chư Phật. Đáp ứng cơ cảm, chư Phật có thể làm phát sinh tánh tịnh bên trong chúng sinh, độ thoát khổ, và ban an lạc. Bước sơ khởi nầy thành lập nền tảng đưa Phật lực xa hơn để độ thoát chúng sinh. Chỗ nầy phản ảnh môn Diệu thứ bảy là Diệu Thần Thông như bước thứ hai đưa vào hoạt dụng. Sử dụng Phật lực để lay tỉnh chúng sinh đắm chìm trong mê đồ, chư Phật ban giáo pháp. Chỗ nầy phản ảnh môn Diệu Thuyết Pháp thứ tám. Kết quả từ các pháp được nói, phát sinh các thứ lớp quyến thuộc tiếp nhận lợi ích từ giáo pháp, đây là Diệu Quyến Thuộc thứ chín. Vì quyến thuộc được lợi ích từ giáo pháp, các loại lợi ích được nêu ra một cách minh bạch, và chỗ nầy phản ảnh môn Diệu Công Đức và Lợi Ích thứ mười. Minh họa Diệu Công Đức và Lợi Ich, Trí Khải có thể kết luận sự giải thích về Tích Môn Thập Diệu của Đại Sư. Lý do là vì Trí Khải nói về những lợi ích khác nhau tương hợp với những nhóm quyến thuộc khác nhau, và những nhóm quyến thuộc nầy liên hệ đến những quả vị chứng đắc khác nhau. Mặt khác, Trí Khải nói rằng những lợi ích khác nhau phát sinh từ cơ cảm của chúng sinh và đáp ứng của chư Phật, và là đặc tính của pháp Phật liên hệ đến việc sử dụng Phật lực và thuyết pháp. Bằng cách hổ tương những quả vị khác nhau với lợi ích khác nhau, năm môn Diệu đầu tiên được kết luận là lợi ích của giáo pháp. Bằng cách hiển bài sự tương quan giữa các môn Diệu, Trí Khải nói rằng tất cả chín môn Diệu trước liên hệ đến Diệu Công Đức và Lợi Ích.
Từ những nét vẽ về Thập Diệu của Trí Khải, chúng ta có thể thấy rõ rằng Thập Diệu được chú nghĩa trong một hệ thống tương giao. Với hệ thống nầy, Trí Khải cống hiến một bức tranh thâm sâu về Phật giáo như một toàn khối, với mục tiêu tối hậu là chứng đắc Bồ đề. Không một môn Diệu nào trong Thập Diệu có thể xem là cô lập. Hệ thống tư tưởng sâu sắc của Đại Sư cung ứng một sự hài hòa cho hai khuynh hướng Bắc và Nam về giáo lý và thực hành. Với hệ thống quy mô của Đại Sư, bất cứ quan niệm nào thiên về lý hoặc thiên về hành đều phiến diện và không thích đáng, bởi vì cái nầy không thể tự đứng vững mà không cần cái kia ; hoặc hơn thế nữa, khía cạnh nầy được phân tích trong tương quan với khía cạnh kia. Về sự khác biệt giữa Phật giáo Thanh văn thừa và Phật giáo Đại thừa qua những đề tài tự giác và giác tha, Thập Diệu của Trí Khải như một toàn thể chứng minh rằng thật sự không hề có sự khác biệt, bởi vì cả hai thừa cùng tương tác. Năm môn Diệu đầu tiên nhắm vào tự giác, năm môn Diệu sau cuối chỉ cho hoạt dụng giác tha của chư Phật. Thật ra, ngay trong năm môn Diệu đầu, Trí Khải cũng đã cho thấy rằng hạnh nguyện đạt đến chứng ngộ của Bồ tát nằm trong giác tha. Về sự tương quan giữa năm môn Diệu đầu và năm môn Diệu cuối, điều Trí Khải muốn đưa ra là, như kết quả chứng đắc Bồ đề, sự phổ độ chúng sinh của chư Phật tự nhiên phát sinh. Nếu chúng ta nói rằng Bồ tát hạnh chứng đắc tự giác nằm trong hành động cứu giúp chúng sinh như đã nói trong năm môn Diệu đầu tiên, sự hiển lộ Phật giới của chư Phật cũng ở tại hoạt dụng phổ độ chúng sinh. Hai phương cách cứu độ chúng sinh nầy chỉ khác nhau ở chỗ hạnh Bồ tát là hành động cố ý, trong khi sự hiển lộ tự nhiên của chư Phật về Bồ đề là vô tác, bởi vì chư Phật tịch lặng và thường chiếu.

2. Bản Môn Thập Diệu ( Pen-men Shih-miao)
( Huyền Nghĩa, ch. 7, 764b – 771c)

Tích Môn Thập Diệu đã được phân tích trong phần II.2. Tích Môn Thập Diệu trình bày nhân và quả Bồ đề. Trong phần II.3 nầy, phần chính là sự giải thích của Trí Khải về Bản Môn Thập Diệu. Theo như cách chú giải kinh Pháp Hoa của Đại Sư, sự đồng nhất của Thập Diệu qua Tích Môn có thể đưa về Bản Môn. Trong cái nhìn thuộc Bản môn, sự hành trì của Phật là nhân Bồ đề và sự chứng đắc là quả Bồ đề trong vô lượng kiếp quá khứ. Điều Trí Khải muốn nhấn mạnh rằng Bản là nguồn mạch của tất cả những hoạt dụng của Phật thuộc Tích môn. Vì vậy, Tích môn Thập Diệu quan hệ đến Bản môn Thập Diệu, thấy rằng cả hai cùng diễn đạt nhân và quả Bồ đề. Nhu cầu nói về sự quan trọng của Bản đã phản ảnh trước nhất qua sự giải thích của Trí Khải về tương quan giữa Bản và Tích (sẽ được nói đến trong mục 2.2.2 Giải thích về Bản và Tích), và sau đó là sự phân tích về Bản môn Thập Diệu, được nói trong mục 2.2.3 giải thích Bản môn Thập Diệu. Ý nghĩa của Bản được trình bày trong hai phần nầy qua tương quan với Tích.

2.1 Giải thích về Bản và Tích ( Shih Pen-chi)

Để nói lên khái niệm về Bản, Trí Khải thấy rằng cần phải đưa ra mối tương quan giữa Bản và Tích bằng cách xác định hai đề mục nầy qua sáu khái niệm quy nguyên liên quan đến lý và sự, lý và giáo, giáo và hành, thể và dụng, tương đối và tuyệt đối, và hiện tại và quá khứ. Sáu khái niệm nầy đưa đến sáu định nghĩa khác nhau đối với Bản và Tích.
(1) Lý và Sự (Li-shih), Bản được xem là Lý, diễn tả tánh Không; và Tích là Sự, chỉ cho tất cả thực thể trong thế giới hiện tượng.
(2) Lý và Giáo (Li-chiao), Bản là Lý chỉ cả hai Lý như Chân đế và Sự như Tục đế; và Tích là Giáo, chỉ giáo nghĩa về Lý và Sự.
(3) Giáo và Hành (Chiao-hsing), Bản là Giáo, chỉ giáo nghĩa về Lý và Sự; Tích là Hành, chỉ cho thực hành từ giáo nghĩa nầy.
(4) Thể và Dụng (Ti-yung), Bản là Thể, chỉ cho Pháp Thân; và Tích là Dụng chỉ cho ứng hóa thân, bắt nguồn từ Thể.
(5) Tương đối và Tuyệt đối (Chuan-shih), Bản là tuyệt đối, chỉ sự chứng đạt rốt ráo của Thể và Dụng bởi vị Phật bất tử; và Tích là tương đối, chỉ sự ứng dụng tương đối của Thể và Dụng từ vị Phật trong lịch sử.
(6) Hiện tại và quá khứ (Chin-I), Bản là hiện tại, chỉ điều hiển lộ lần thứ nhất trong hiện tại kinh Pháp Hoa liên quan đến vị Phật bất tử ; và Tích là quá khứ chỉ cho những điều đã được biết qua những bản kinh có trước, liên quan đến vị Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni.
Qua sáu định nghĩa nầy, Trí Khải không những khai mở nội dung của Bản và Tích nhưng cũng đưa ra mối tương quan giữa cả hai : Bản là nền tảng và Tích phát khởi từ Bản. Tuy nhiên, nội dung của Bản và Tích không cố định mà lần lượt xác định lẩn nhau theo mỗi khái niệm quy nguyên. Điều nầy phản ảnh sự hoàn tất và tương tác giữa Bản và Tích, và cũng là sự tận tâm của Trí Khải muốn chỉ rõ trong Bản có Tích và trong Tích có Bản. Trí Khải lập luận rằng Bản và Tích khác mà không khác. Khác nhau vì mang định nghĩa khác biệt qua sáu khái niệm quy nguyên, không khác nhau vì được xác định bởi sự gặp gỡ trong mỗi khái niệm quy nguyên. Vì vậy, cả Bản và Tích đều bất tư nghị, và thực tại bất tư nghị nầy được trình bày sâu sắc bởi Trí Khải, là người đã nói rằng mặc dù Bản và Tích khác biệt với sáu nghĩa, cả hai cùng chung thực tại bất tư nghị.
(1) Về Lý và Sự, Trí Khải lập luận rằng Bản biểu thị lý Không trong sự vật, và Tích biểu thị sự phơi bày của thế giới hiện tượng (dựa vào lý Không). Vì vậy, Bản và Tích là những mặt khác nhau của cùng một thực tại bất tư nghị, vì Lý chỉ Chân Như như chân đế và Sự chỉ cho Tục đế của thế giới hiện tượng.
(2) Về Lý và Giáo, vì Bản chỉ cho Nhị Đế vượt trên ngôn ngữ, và Tích chỉ giáo lý Nhị Đế, Trí Khải cho rằng giáo lý Tích môn bắt nguồn từ Nhị Đế của Bản môn, và sự hiển lộ của Bản tùy thuộc vào Tích. Vì thế, tính bất khả phân ly khiến cả hai cùng chung thực tại bất tư nghị.
(3) Về Giáo và Hành, vì Bản chỉ cho Giáo và Tích chỉ cho Hành, Trí Khải nói rằng Giáo có cái dụng làm nền tảng cho Hành phát khởi, nếu không có Hành, người tu không thể đến được chỗ hội nhập với Giáo (là nơi Lý được phơi bày). Vì vậy, sự gắn liền khiến cả hai trở nên một thực tại bất tư nghị.
(4) Về Thể và Dụng, thấy rằng Bản chỉ Pháp Thân như Thể, và Tích chỉ Ứng Hóa Thân như Dụng, Trí Khải chủ trương rằng nếu không có Thể, Dụng không thể phát sinh; và nếu không có Dụng, Thể không được biểu thị. Vì thế, Bản và Tích có ý nghĩa bình đẳng, và cùng chung một thực tại bất tư nghị.
(5) Về Tuyệt đối và Tương đối, vì Bản chỉ sự chứng đắc của Pháp Thân và Ứng Hóa Thân như vị Phật bất tử; và Tích chỉ cho sự ứng dụng hai thân nầy vào giáo pháp là vị Phật lịch sử, Trí Khải lập lại rằng Bản và Tích không khác, từ đó chung cùng thực tại bất khả tư nghị.
(6) Về hiện tại và quá khứ, vì Bản chỉ giáo nghĩa Pháp Hoa trong hiện tại và Tích chỉ những giáo nghĩa khác trong quá khứ, Trí Khải tuyên thuyết rằng cả hai Bản và Tích đều là giáo nghĩa của Thế Tôn, từ đó chung cùng thực tại bất tư nghị.
Sự trình bày của Trí Khải về thực tại bất tư nghị của Bản và Tích trong nguồn mạch của sáu khái niệm quy nguyên hiển lộ ý nghĩa cả hai thực tại : Bản là nơi Tích dựa vào, và Tích là điều Bản hiển lộ. Vì Bản và Tích là hai khía cạnh cùng chung thực tại, Tích dung chứa Thập Diệu, Bản cũng như thế. Với cái nhìn Bản là nền tảng của Tích, Tích môn Thập Diệu chứa đựng Bản môn Thập Diệu. Sau đây là sự trình bày của Trí Khải về Bản môn Thập Diệu.

2.2 Giải thích Bản Môn Thập Diệu ( Ming Pen-men Shih-miao)
( T33, 765a – 771c)

Phần nầy trình bày ý nghĩa của Bản môn qua sự phân tích mười cái Diệu thuộc Bản môn, và Thập Diệu nầy thu gồm Thập Diệu thuộc Tích Môn.
(1) Diệu Bản Nhân (Pen-yin Miao)
(2) Diệu Bản Quả (Pen-kuo Miao)
(3) Diệu Bản Quốc Độ (Pen-kuo-tu Miao)
(4) Diệu Bản Cảm Ứng (Pen-kan-ying Miao)
(5) Diệu Bản Thần Thông (Pen shen-tung Miao)
(6) Diệu Bản Thuyết Pháp (Pen shuo-fa Miao)
(7) Diệu Bản Quyến Thuộc (Pen chuan-chu Miao)
(8) Diệu Bản Niết Bàn (Pen Nieh-pan Miao)
(9) Diệu Bản Thọ Mệnh (Pen shou-ming Miao)
(10) Diệu Bản Lợi Ích (Pen li-I Miao).

2.2.1 Giải thích căn bản về mười ý nghĩa (Lueh-shih Shih-I)
Trước hết, để giới thiệu Bản môn Thập Diệu, Trí Khải định nghĩa từng môn (562)

(1) Diệu Bản Nhân nói về sự tu tập của Phật trong vô lượng kiếp trong quá khứ như nhân Bồ đề.
(2) Diệu Bản Quả nói về sự chứng đắc Bồ đề như kết quả của Bồ tát đạo.
(3) Diệu Bản Quốc Độ chỉ cõi Sa Bà, nơi Phật nói pháp vào thời lâu xưa không thể tính đếm được trong quá khứ.
(4) Diệu Bản Cảm Ứng nói về sự đáp ứng của Phật sau khi chứng đắc Bồ đề vào vô lượng kiếp quá khứ. Với Bồ đề đã chứng đắc, Phật trú ở cõi thường tịch, có thể thường chiếu soi chúng sinh. Phật dùng hai mươi tam muội (563) để đáp ứng.
(5) Diệu Bản Thần Thông nói về Phật dùng Phật lực để thức tỉnh chúng sinh, là kết quả từ Thiền định biến hóa vô ký không tướng mạo (Dhyana of Neutral Transformation without marks) (564).
(6) Diệu Bản Thuyết Pháp nói về giáo pháp của Phật sau khi chứng ngộ vô lượng kiếp quá khứ.
(7) Diệu Bản Quyến Thuộc nói về những thính chúng tiếp nhận lợi ích được nghe pháp trong quá khứ không thể tính kể.
(8) Diệu Bản Niết Bàn nói về Niết Bàn Phật chứng đắc trong vô lượng kiếp quá khứ (như đức hạnh Bồ đề).
(9) Diệu Bản Thọ Mệnh nóí về thọ mệnh vô lượng của vị Phật bất tử. Chỗ nầy chỉ cho Niết Bàn thuộc Bản môn. Trí Khải lập luận rằng với quan niệm Phật nhập Niết Bàn, ở đây cho thấy rằng Phật có thọ mệnh vô lượng. Thọ mệnh vô lượng nầy phản ảnh thọ mệnh của Phật trong ba đời. Không có bản thọ mệnh, chư Phật không thể hiển lộ có nhiều thọ mệnh. Vô số thọ mệnh nầy hoặc dài, hoặc ngắn, và sự xuất hiện của Phật trên thế giới hoặc từ lâu xưa hoặc trong hiện tại. (565).
(10) Diệu Bản Lợi Ích nói về tám hoặc mười loại lợi ích (566) như kết quả của một trong bốn nhóm quyến thuộc (567) của Phật từ lâu xưa.

2.2.2 Thứ đệ sinh khởi ( Sheng-chi Tzu-ti)

Thứ hai, Trí Khải giải thích thứ tự của Bản môn Thập Diệu (568). Bằng cách trình bày thứ tự của Thập Diệu, minh chứng được sự tương liên trong nhau, và mỗi phần đều không thể khinh suất trong toàn bộ thực tại. Trí Khải nói rằng lý do Bản Nhân đứng đầu trong Thập Diệu bởi vì phải có nhân đưa đến quả. Khi quả kết thì Bản Quốc Độ thành tựu. Vì quả Bồ đề tối hậu trú ở Bản Quốc Độ, nơi đó có sự chiếu soi của Phật vào mỗi căn cơ chúng sinh (tức Bản Cảm Ứng). Sự cần thiết của Bản Cảm Ứng nằm trong sự kiện rằng chỉ khi nào tánh tịnh bên trong chúng sinh được khích động để phát khởi thì chư Phật mới khả dĩ ứng dụng giáo pháp qua thần lực để hoán chuyển chúng sinh. Sử dụng thần lực giúp Phật thuyết pháp. Lợi ích của pháp Phật thuyết ra đưa đến sự thành tựu quyến thuộc. Sau khi quyến thuộc đã được giải thoát và duyên giữa Phật và chúng sinh đã viên thành thì Phật nhập Niết Bàn. Sự kiện nhập Niết Bàn của chư Phật nói lên rằng Phật có thọ mệnh hoặc dài hoặc ngắn. Trí Khải nói rằng cái đến từ thọ mệnh của Phật là lợi ích, cũng bao gồm lợi ích từ chánh pháp (Saddharma / Cheng-fa) và tượng pháp (Pratirupakadharma / Hsiang-fa) (569) khi Phật diệt độ.

2.2.3 Giải thích về Khai và Hội của Bản và Tích ( Ming Pen-chi Kai-ho)

Thứ ba, Trí Khải quán sát Bản môn Thập Diệu trong tương quan với Tích môn Thập Diệu (570). Điều nầy để nhấn mạnh ý nghĩa của Thập Diệu trong Bản môn bằng cách tóm kết những tương đồng (Hội) và phân tích những dị biệt (Khai) bên trong. Nói tổng quát, năm môn Diệu đầu tiên của Tích môn ít nhiều liên quan đến nhân Bồ đề : bốn môn ( Cảnh, Trí, Hành, và Vị) được xem là nhân Bồ đề, và Diệu Tam Pháp là quả Bồ đề. Mặt khác, năm môn đầu tiên trong Bản môn Thập Diệu đặc biệt liên quan đến quả Bồ đề :môn Diệu Bản Nhân thứ nhất, được xem là nhân Bồ đề, và bốn môn theo sau là Diệu Bản Quả, Quốc Độ, Niết Bàn, vả Thọ Mệnh, được xem là quả Bồ đề.

2.2.4 Dẩn chứng để đưa về kết luận (Yin-wen Cheng- cheng)

Thứ tư, Trí Khải dẩn chứng lời Thế Tôn nói trong kinh Pháp Hoa để giữ vững lập luận của Đại sư về Thập Diệu thành tựu Bản môn.(571)
(1) Diệu Bản Nhân nói trong đoạn kinh liên quan đến Phật thọ lượng, kết quả từ hành nhân Bồ đề (572). Con đường Bồ tát mà Phật đã bước đi, Trí Khải nhìn như bản nhân. Vì bản nhân nầy, Phật đắc thọ mệnh vô lượng.
(2) Diệu Bản Quả nói trong đoạn kinh liên quan đến sự chứng ngộ của Phật từ vô số kiếp quá khứ.(573)
(3) Diệu Bản Quốc Độ nói trong đoạn kinh liên quan đến việc Phật giáo hóa cõi Sa Bà.(574)
(4) Diệu Bản Cảm Ứng nói trong đoạn kinh liên quan đến việc Phật quán sát căn cơ chúng sinh (575). Trí Khải ghi nhận đoạn kinh nầy khi nói rằng việc làm nói trên đồng nhất với sự chiếu soi căn cơ chúng sinh thuộc bản môn, gọi là Diệu Cảm Ứng.
(5) Diệu Bản Thần Thông nói trong đoạn kinh tuyên bố rằng Phật sử dụng Phật lực bất tư nghị. (576)
(6) Diệu Bản Thuyết Pháp nói trong đoạn kinh liên quan đến việc Phật tự thuyết đã hoán chuyển vô số Bồ tát. (577)
(7) Diệu Bản Quyến Thuộc nói trong đoạn kinh Phật tuyên thuyết đã dạy vô số Bồ tát tự thuở lâu xưa. (578)
(8) Diệu Bản Niết Bàn nói trong đoạn kinh liên quan đến lời dạy của Phật về việc Ngài sắp nhập Niết Bàn. (579) Trí Khải lập luận rằng thật sự Phật không nhập diệt cho thấy rằng Phật thường trú trong Bản môn tịch lặng, và sở dĩ Phật tuyên bố nhập Niết Bàn là để dạy chúng sinh đừng xem thường sự có mặt của Phật trên thế tục. Trí Khải tin rằng Phật nhập Niết Bàn chỉ cho Niết Bàn Bản môn chứ không phải là Niết Bàn Tích môn theo như kinh văn.
(9) Diệu Bản Thọ Mệnh nói trong đoạn kinh liên quan đến lời dạy của Phật về số tuổi khác lạ của Ngài (580). Trí Khải giải thích rằng tuổi tức là thọ mệnh, già hoặc trẻ tức thọ mệnh dài hoặc ngắn, tức thường hiển lộ trong vô thường. Suy từ sự kiện Phật thọ mệnh trong hiện đời (giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni), Ngài hẳn có bản thọ mệnh trong quá khứ như kết quả của bản Niết Bàn.
(10) Diệu Bản Lợi Ích nói trong đoạn kinh liên quan đến việc lợi ích có được từ Đức Phật hiện đời (giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) (581) cũng như lợi ích qua Tích môn (582). Suy từ sự kiện Phật hiện đời và Tích môn đưa đến nhiều lợi ích, Trí Khải nói rằng lợi ích thuộc Bản môn cũng như thế.
Dẩn chứng của Trí Khải về những đoạn kinh Pháp Hoa thay cho lập luận của Đại Sư về Bản môn Thập Diệu, và vẽ đường cho những phân tích sâu xa hơn về Thập Diệu.

2.2.5 Giải thích sâu rộng (Kuang-shih)

Thứ năm, Trí Khải trình bày chi tiết về Bản môn Thập Diệu trong tương quan với Tích môn Thập Diệu (583). Thấy rằng Bản môn Thập Diệu đứng vững từ những đoạn kinh Pháp Hoa được dẩn chứng, Đại sư thêm một lần nữa giải thích từng phần phù hợp với những dẩn chứng liên hệ trong phần thứ tư nói trên.
(1) Diệu Bản Nhân gồm có Diệu Trí, Diệu Hành, và Diệu Vị thuộc Tích môn. Cùng đoạn kinh Pháp Hoa được trưng dẩn như đề mục đầu tiên trong phần thứ tư, và Trí Khải giải thích như nói về ba môn Diệu nầy có trong Tích môn. Diệu Trí nóí về bản Thọ Mệnh của Phật, vì thọ mệnh bắt nguồn từ thực hành đạo Bồ tát, và đạo nầy đưa đến sự chứng đắc Trí tuyệt đối. Diệu Hành chỉ hoạt dụng của Phật. Diệu Vị chỉ Bồ tát đạo, vì đạo nầy đưa đến sự chứng đắc Bồ đề sau cùng. Diệu Bản Nhân có thể tổng kết ba môn Diệu trên.
(2) Diệu Bản Quả gồm ba quĩ phạm (Thực tánh, Quán chiếu, và Tư thành) thuộc Tích môn. Cùng đoạn kinh Pháp Hoa được dẩn chứng như đề mục thứ hai trong phần thứ tư nói trên, Trí Khải giải thích như chỉ cho ba quĩ phạm.Ngã chỉ Thực Tánh quĩ phạm, Phật có nghĩa chứng đắc, chỉ cho Quán Chiếu quĩ phạm, đã từng bao giờ có nghĩa đi trên đường Đạo của rốt ráo như thị mà chứng đắc Bồ đề, và chỉ cho quĩ phạm Tư Thành. Như vậy, Trí Khải xác định rằng ba quĩ phạm đã được thành lập từ lâu, thấy được qua Diệu Bản Quả.
(3) Diệu Bản Quốc Độ, cùng đoạn kinh được trưng dẩn như đề mục thứ ba trong phần thứ tư nói trên, Trí Khải nói rằng để chỉ cho diệu Bản Quốc Độ. Sa Bà chỉ cõi đất Phật trú cùng chúng sinh thuộc Bản môn. Những nơi khác chỉ ba cõi đất thuộc Bản môn. Bốn cõi nầy (584) nơi Phật trú ở Bản môn chỉ cho Diệu Bản Quốc Độ.
(4) Diệu Bản Cảm Ứng, cùng đoạn kinh được trưng dẩn như đề mục thứ tư trong phần thứ tư nói trên, Trí Khải xác định rằng nói về Diệu Bản Cảm Ứng. Nếu chúng sinh đến nước ta chỉ cho sự đáp ứng và đan kết với Pháp thân. Ta, quán sát với Phật nhãn có nghĩa Phật từ bi đáp ứng chúng sinh. Những căn cơ trong sáng hoặc ngu tối chỉ căn cơ sai biệt của chúng sinh trong mười pháp giới.
(5) Diện Bản Thần Thông, cùng đoạn kinh được trưng dẩn như đề mục thứ năm trong phần thứ tư nói trên, Trí Khải xác định rằng nói về Diệu Bản Thần Thông. (Ta) hoặc hiển lộ thân riêng mình chỉ Phật lực phơi bày trọn vẹn chân tánh Bồ đề, kết thành quả Viên giáo; và hiển lộ thân khác chỉ một phần Phật lực để khế hợp Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát), kết quả Tam giáo (Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo). Bí mật có nghĩa là viên diệu. Tuy nhiên, Trí Khải lập luận rằng bỏ ra ngoài sự kiện phiến diện hoặc toàn bích, tất cả Phật lực đều vi diệu ( vì cùng mục đích đưa đến Bồ đề) qua đó Diệu Thần Thông của Bản môn thành tựu.
(6) Diệu Bản Thuyết Pháp, cùng đoạn kinh được trưng dẩn như đề mục thứ sáu trong phần thứ tư, Trí Khải nói rằng liên quan đến Diệu Thuyết Pháp. Câu kinh những Bồ tát mà Ta đã hóa độ chỉ cho việc Phật thuyết pháp, và khiến họ hướng về đại đạo nói đến việc Phật thuyết pháp đã có tự Bản môn.
(7) Diệu Bản Quyến Thuộc, cùng đoạn kinh được trích dẩn như đề mục thứ bảy trong phần thứ tư. Theo sự chú giải của Trí Khải, chữ nadir (đáy) chỉ những Bồ tát, cận kề Phật, có trí tuệ rốt ráo, đạt đến đáy sâu của Chân Như.
(8) Diệu Bản Niết Bàn, cùng đoạn kinh được trưng dẩn như đề mục thứ tám trong phần thứ tư. Theo Trí Khải, không thật sự diệt chỉ cho Phật thường trú trong bản tịch tĩnh, và lời tuyên bố và ý muốn nhập diệt của Phật là để giảng dạy cho chúng sinh (khiến chúng sinh nuối tiếc sự hiện diện khó được của Phật nơi thế tục). Thêm vào đó, Trí Khải nói rằng Phật có bốn loại Niết Bàn tương quan với Tứ giáo. Nhũng loại Niết Bàn nầy đã nói trong Tích môn, nhưng bắt nguồn từ Bản môn.
(i) Trí Khải nói về đặc tính của Niết Bàn Tạng giáo chỉ Đức Thích Ca Mâu Ni là bậc đã diệt cái thấy và nghĩ sai lầm với ba mươi bốn vọng tâm, chứng đắc giải thoát. Phật sống cùng thế tục 82 năm như một lão tăng và nhập Vo Dư Niết Bàn (585) như củi hết, lửa tắt.
(ii) Đặc tính của Niết Bàn Thông giáo, theo Trí Khải, chỉ Bồ tát Thập Địa thuộc Thông giáo, là những bậc đã thành tựu phép quán Chân Như với trí tuệ, diệt hoàn toàn tập khí, thành Phật. Vì mục đích của Thông giáo cũng quy về sự chứng đạt tánh Không, như vị Phật thuộc Tạng giáo, vị Phật Thông giáo cũng nhập Vô Dư Niết Bàn.
(iii) Trí Khải nói về đặc tính của Niết Bàn Biệt giáo của các Bồ tát Biệt giáo, là những bậc đã diệt được phần căn bản vô minh sau cuối của Diệu giác, chứng Bồ đề. Vì mục tiêu của Biệt giáo là hành Bồ tát đạo bằng cách đi vào thế giới giả tướng để hoán chuyển chúng sinh, Trí Khải nói rằng vị Phật thường trú trong Niết Bàn hữu dư và vô dư là đặc tính của Niết Bàn Biệt giáo (586).
(iv) Đặc tính của Niết Bàn Viên giáo, theo Trí Khải, chỉ vị Phật đã diệt thêm một phần căn bản vô minh, vào Diệu Giác, nơi không còn gì để diệt. Sự chứng đắc Diệu Giác thuộc Viên giáo, theo Trí Khải, đồng với Đại Niết Bàn, có đặc tính Thường, Lạc, Ngã, và Tịnh. Đây là đặc tính của Niết Bàn Viên giáo (587)
(9) Diệu Bản Thọ Lượng, Trí Khải nói rằng thọ mệnh hoặc dài hoặc ngắn (nói trong kimh Pháp Hoa) chỉ cho thọ mệnh của vị Phật thuộc Tích môn. Từ thọ mênh của Thế Tôn ở Tích môn, thấy được thọ mệnh thường trụ vô diệt ở Bản môn. Nói cách khác, Thế Tôn thị hiện có đời sống vô thường ở Tích môn, nhưng sự vô thường đó bắt nguồn từ sự thường trụ của một vị Phật Bản môn.
(10) Diệu Bản Lợi Ích, Trí Khải lập luận rằng điều nầy đã được nói đến trong câu kinh khiến tất cả chúng sinh được an lạc(588). Lý do vì an lạc là đặc tính của lợi ích. Các vị Bồ tát đã được Như Lai hoán chuyển tâm thời Bản môn, sống như hư không ( quốc độ tịch chiếu). Đây là Diệu Bản Lợi Ích.
Minh định Bản trong tương quan với Tích khiến sự quan trọng nền tảng của Bản được nhấn mạnh, Trí Khải đưa ra hai đề mục về ba thời dưới đây.

2.2.6 So lường ba thời (Yueh San-shih Liao-chien)

Thứ sáu, Trí Khải giải thích rằng khi Bản và Tích được quán chiếu qua ba thời (589), rõ ràng rằng tất cả ba thời của giáo pháp Thế Tôn quy về điểm khởi thủy trong vô lượng quá khứ không tính kể (Bản) như nguồn gốc của tất cả hoạt dụng cứu độ chúng sinh của Thế Tôn. Bản được nhìn như điểm khởi đầu khi Phật chứng đắc được chân lý tương đối và tuyệt đối. Chân lý tương đối dụ cho những phương tiện khế hợp Phật sử dụng hoán chuyển tâm chúng sinh ; chân lý tương đối và tuyệt đối được nói đến như khai tam thừa (tương đối), hiển Phật thừa (tuyệt đối). Với Tích môn và Bản môn, Tương đối, theo Trí Khải, chỉ Tích môn là những phương tiện khế hợp của Phật dùng để giáo hóa chúng sinh, và Tương đối và Tuyệt đối chỉ việc Phật mở Tích như tương đối và hiển lộ Bản như tuyệt đối. Trí Khải nhấn mạnh rằng bỏ ra ngoài sự kiện hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, điều mà Phật muốn hiển thị, đã là Bản, đang là Bản, và sẽ là Bản, thấy rằng Bản môn như Chân Như, là nguồn cội nền tảng của vạn pháp.

2.2.7 Luận về thô và tế ( Lun tsu-miao)

Thứ bảy, thành lập sự siêu việt của Bản như nguồn cội của Phật pháp trong ba thời. Trí Khải đi xa hơn, giữ vững lập luận của mình về sự siêu việt của Bản bằng cách so sánh Bản môn Thập Diệu với Tích môn Thập Diệu để xác định thô và tế. (590). Cùng với cái nhìn Tích môn là chân lý tương đối, Trí Khải minh định rằng mười môn Diệu (Cảnh, Trí, Hành, Vị, Tam Pháp, Cảm Ứng, Thần Thông, Thuyết Pháp, Quyến Thuộc, và Công Đức Lợi Ích) trong Tích môn là thô, thuộc tam giáo (Tạng, Thông, và Biệt). Mặt khác, mười môn Diệu thuộc Viên giáo được xem là vi tế. Lý do là vì tam giáo nói trên không chứa đựng khái niệm Bản, và chỉ có thể được nhìn như giáo pháp tương đối, và Viên giáo được thuyết trong kinh Pháp Hoa lần đầu tiên diễn đạt khái niệm về Bản (từ lời Phật rằng kinh Pháp Hoa luôn được chư Phật thuyết từ khởi thủy của giáo pháp trong vô lượng kiếp), và vì vậy Trí Khải nhìn như một giáo pháp tuyệt đối. Nói cách khác, ba giáo pháp được xem là tương đối thuộc Tích môn, và Viên giáo là giáo pháp tuyệt đối thuộc cả hai Tích môn và Bản môn (thấy rằng Tích môn chứa đựng tương đối và tuyệt đối, và Bản môn chỉ chứa đựng tuyệt đối). Hẳn nhiên, với Trí Khải, Viên giáo là sự diễn đạt cốt lõi hiển thị giáo pháp vô tận của chư Phật liên kết với cả hai Bản và Tích. Chân Như luôn được diễn tả trực tiếp trong giáo pháp của Phật.
Tuy nhiên, vấn đề thô và tế thay đổi tùy cơ.
(i) Trí Khải chủ trương rằng nếu mười cái thô (như Thập Diệu thuộc Tam giáo) không mở bày (như mục đích của Thế Tôn dùng để hiển thị Chân Như), thì vẫn là thô.
(ii) Chỉ khi nào mười cái thô nầy được mở ra, liền trở nên vi tế ( vì mục tiêu thiết yếu đã được hiển thị)
(iii) Hơn nữa, nếu cái Diệu của Tích môn được khai mở, liền không khác với cái Diệu thuộc Bản môn, cho thấy rằng Chân Như diễn đạt trong Tích môn không khác với Chân Như thuộc Bản môn.
(iv) Tuy nhiên, với cái nhìn Bản môn là nguồn cội của Tích môn ( Bản môn là sự chứng đạo đầu tiên của Phật, từ đó Tích môn được khai nguồn), thì Bản là tế, Tích là thô.
(v) Mặt khác, nói rằng sự vi diệu như nguyên lý có trong tất cả, Trí Khải nhấn mạnh diệu lý đưa đến như nhất bất tư nghị, nơi đó không còn có sự phân biệt giữa Tích và Bản (Chẳng Tích cũng chẳng Bản).

Nhìn về Bản và Tích được nói đến qua tuyệt đối và tuơng đối, Trí Khải đi sâu vào sự khảo nghiệm từng phần như sau đây, phơi bày sự gắn bó và quan trọng hổ tương của cả hai mặt.

2.2.8 Kết luận tương đối và tuyệt đối ( Chieh-cheng Chuan-shih)

Thứ tám, Trí Khải làm hiển lộ thực tại bất khả tư nghị của Tích và Bản từ cái nhìn về tương đối và tuyệt đối (591).
Trước hết, Trí Khải nói rằng Bản hiển thị Chân Như, và Tích trình bày chân lý tương đối. Mặc dù Bản và Tích có thể phân hai một cách tạm thời qua tuyệt đối và tương đối, từ cái nhìn diệu lý, Trí Khải nhấn mạnh rằng cả hai đều bất tư nghị. Thực tại bất tư nghị là tánh như thị của tất cả các pháp, đó là Pháp tánh (Fa-hsing/ Dharmata), và Pháp tánh là nguyên lý chẳng Bản cũng chẳng Tích, chẳng tương đối cũng chẳng tuyệt đối. Trí Khải nói rõ rằng những tên gọi như tương đối, tuyệt đối chỉ là sự tạo dựng tùy thuận của ngôn từ.
Thứ hai, Trí Khải tóm lược tương đối và tuyệt đối vào ba loại :Tự giác (Tzu-hsing), Hóa tha (Hua-ta), và Tự giác và Hóa tha (Tzu-hsing Hua-ta).
(i) Tự giác tương đối và tuyệt đối (Tzu-hsing Chuan-shih) là trí Nhị Đế Phật chứng ngộ như kết quả thực hành tại Bản môn.
(ii) Hóa tha tương đối và tuyệt đối (Hua-ta Chuan-shih) là trí Nhị Đế Phật sử dụng khế hợp căn cơ chúng sinh từ chứng đắc Bồ đề Bản môn.
(iii) Tự giác và Hóa tha (Tzu-hsing Hua-ta Chuan-shih) là trí Nhị Đế gồm có hai phần trên, Tự giác như tuyệt đối và hóa tha như tương đối.
Thứ ba, ba loại tương quan giữa tuyệt đối và tương đối qua Tích và Bản được Trí Khải minh họa để chuyển đạt thực tại bất tư nghị nhu một thực thể.
(i) Tuyệt đối nhấn mạnh sự ứng dụng tương đối (Yueh-shih Shih-chuan) Trí Khải giải thích rằng bản hoài của Thế Tôn khi giáo pháp là khiến chúng sinh nhận được Bản như chân lý tuyệt đối. Tuy vậy, chúng sinh khó so lường tuyệt đối nên lầm tương đối (Tích) như tuyệt đối, và không thể chứng ngộ tương đối hoặc tuyệt đối.
(ii) Phải phá tương đối để hiển thị tuyệt đối (Fei-chuan Hsien-shih). Trí Khải nói rằng ý nghĩa nầy cho thấy bản hoài của Thế Tôn khiến chúng sinh nhận biết được tương đối để không bị trói buộc vào những điều nầy.
(iii) Khai tương đối hiển tuyệt đối (Kai-chuan Hsien-shih) Đây là ngăn ngừa chúng sinh chớ bị trói buộc vào tuyệt đối mà coi thường sự quan trọng của tương đối, bởi vì tương đối là một thực tại bất khả phân ly với tuyệt đối (trong ý nghĩa cái trước hiển lộ cái sau). Mối tương quan giữa hai điều trên là tương đối chứa đựng tuyệt đối như cái sau nhấn mạnh cái trước, và tuyệt đối chứa đựng tương đối như cái sau bắt nguồn từ cái trước. Cả hai đồng nhất, thấy rằng chúng sinh không thể ly khai tương đối mà tìm thấy được tuyệt đối.
Những biểu thị đầy đủ về Bản nói trên đưa đến những luận cứ về lợi ích sau đây bao gồm cả những đề mục về Bản.

2.2.9 Lợi Ích ( Li-I)

Như kết quả chứng đắc của Phật Bản môn, đưa đến lợi ích, Trí Khải chia ra làm hai loại lợi ích liên quan đến Bồ tát sinh thân và Pháp thân (592). Nhìn về lợi ích của Bồ tát sinh thân, Trí Khải nói rằng có hai vị trí. Vị trí thứ nhất chỉ cho những lợi ích được thọ nhận từ môn đồ của Phật, là những bậc đã chứng đắc Bồ đề. (593). Vị trí thứ hai chỉ cho những lợi ích được thọ nhận từ các Bồ tát là những bậc Đạo quả viên thành và đã vượt dòng sinh tử. Lợi ích nầy quy về năm môn Diệu Cảnh, Diệu Tam Pháp, Diệu Cảm Ứng, Diệu Thần Thông, và Diệu Thuyết Pháp thuộc Tích môn, bởi vì năm môn Diệu nầy liên quan đến quả Bồ đề. Với lợi ích đến từ Pháp thân, Trí Khải nói về ứng hóa thân. Ứng hóa thân nầy là Bồ tát sinh thân, đắc Bồ đề thuộc Tích môn.

2.2.10 Quán Tâm (Kuan-hsin)

Trong phần cuối phân tích về Bản môn Thập Diệu, Trí Khải lập luận từ phép quán tâm (594). Quán tâm là sự tận tụy của Đại Sư trình bày một con đường thực tiển chứng ngộ Chân Như (Bản Diệu). Chỗ nầy dựa trên ý tưởng Phật và chúng sinh không khác. Cả Phật và chúng sinh cùng có sẳn Phật tánh như thị, và vì vậy, tất cả chúng sinh đều bình đẳng với Phật, từ đó, Phật tánh có thể hiển lộ, và Bồ đề có thể chứng đắc. Trí Khải lập luận rằng quán tâm là phương tiện đưa Phật đến với Bồ đề, nên chúng sinh cũng có thể chứng đắc Bồ đề cùng phương tiện. Bất kỳ Bản hoặc lâu hoặc xa, với phép quán tâm, có thể hội nhập sự vi diệu của Bản, vì Bản chưa từng rời tâm. Cũng vậy, mặc dù cái dụng của Tích môn vĩ đại, không thể diễn tả và giải thích, thấy rằng Phật tánh trong mỗi chúng sinh cũng không khác chư Phật, lợi ích lớn có thể phát sinh từ phép quán tâm.

Tổng kết Bản Môn Thập Diệu

Phần trên là sự giải thích của Trí Khải về Bản Môn Thập Diệu. Như sự chứng đắc của Phật trong vô lượng kiếp quá khứ được hiển lộ qua kimh Pháp Hoa, Trí Khải ghi lại Bản trong tương quan với Tích, bao gồm sự chứng đạo dưới cội cây Bồ đề như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trí Khải giải thích Bản và Tích như hai phần dựng lập nên kinh Pháp Hoa. Bản là Thể, và Tích là Dụng. Vì Bản là nguồn cội của Tích, Trí Khải nhìn Bản tuyệt đối quan trọng.
Cùng với sự hệ thống hóa Tích môn qua Thập Diệu, Trí Khải cũng hệ thống hóa Bản môn qua Thập Diệu. Bản như nền tảng gồm thu Tích, nhưng Tích không nhất thiết có cùng những diệu môn như Bản. Trong văn mạch nầy, không những Trí Khải làm sáng tỏ sự tương liên giữa Bản và Tích, nhưng cũng làm sáng tỏ sự đặc thù của Bản. Nói cách khác, tất cả mười diệu môn thuộc Tích có trong mười diệu môn thuộc Bản, nhưng có những môn đặc thù mà chỉ Bản mới có, như Diệu Quốc Độ, Diệu Niết Bàn, và Diệu Thọ Mệnh. Lý do là vì ba môn nầy chỉ có tương quan trong Bản, nhưng đồng thời là những yếu tố quyết định cho những cái sẽ tựu thành trong Tích. Trí Khải nói rằng Diệu Quốc Độ đưa ra bốn cảnh giới thuộc Bản môn, từ đó bắt nguồn cho bốn cảnh giới thuộc Tích môn. Diệu Niết Bàn đưa ra sự kiện rằng Thế Tôn tuyên bố sắp nhập Niết Bàn có tính cách lịch sử, có thể mang trở lại bản môn, và Niết Bàn thuộc Tích môn là phương tiện Phật dùng để giáo hóa chúng sinh (vì Phật bất tử thường trụ tại Niết Bàn Bản môn). Diệu Thọ Mệnh chuyển đạt sự kiện rằng thọ mệnh của Phật là bất tử, không mất mặc dù Phật thị hiện sống đời hoặc dài hoặc ngắn ở Tích môn.
Thấy rõ rằng Tích và Bản khác nhau, vì Trí Khải nhìn như biểu tượng lần lượt của lý và sự, giáo và hành, thể và dụng, tuyệt đối và tương đối, và hiện tại và quá khứ. Vì sự khác nhau giữa Bản và Tích, Trí Khải đưa ra thô và tế, tương đối và tuyệt đối, để thấy được sự siêu việt của Bản. Mặc dù Bản như chân lý tuyệt đối vượt trên Tích như chân lý tương đối, Trí Khải chủ trương rằng cả hai đồng là thực tại bất tư nghị. Lý do là vì tương đối là phương tiện khế hợp giúp cho sự hiển lộ tuyệt đối, và tuyệt đối như nguyên lý đặc thù là cái mà tương đối quy về. Vì vậy, cả hai Bản như tuyệt đối và Tích như tương đối đều là hai mặt không thể khinh suất của cùng một thực tại bất tư nghị.

*

Tham khảo

1 Phần phiên dịch đầy đủ dưới dạng Anh ngữ Giải thích tổng quát về Diệu, đọc Swanson, Foundations of Tien Tai Philosophy, pp. 199-206.
2 Từ bán tự và mãn tự đến từ phẩm (On Letters) trong kinh Đại Bát Niết Bàn (T12, 653c), trong đó, từng chữ cái được dịch là bán tự, và đặt chung vào nhau thành chữ, gọi là mãn tự. Swanson, p. 303, note 177.
3 Trong cách dùng chữ của Trí Khải, Lý (tathata) chỉ thực tại trong tất cả các pháp. Lý nầy được Trí Khải trình bày qua học thuyết Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa, và nói phổ quát như bản tính sẳn có của tất cả chúng sinh và vạn pháp.
4 Huyền Nghĩa, T33, 696c.
5 Cùng chỗ.
6 Cùng chỗ. p. 697a.
7 Phần phiên dịch đầy đủ dưới dạng Anh ngữ Định nghĩa giới thiệu, đọc Swanson, Foundations of Tien Tai Philosophy, pp207-208.
8 Phần diễn tả về sáu loại Cảnh, đọc 1.4.1 Diệu Cảnh.
9 Đọc Huyền Nghĩa, T33, p.697c.
10 Phần nói về hai mươi loại Trí, đọc 1.4.2 Diệu Trí.
11 Đọc Huyền Nghĩa, T33, 697c. Câu bởi vì Pháp (chân lý) là thường, nên chư Phật cũng là thường cùng với câu nói về Cảnh được gần gủi chư Phật đến từ đoạn kinh Niết Bàn, T12, 627b. Xem chi tiết, Swanson, Foundations of Tien Tai Philosophy, p.318, note 321.
12 Huyền Nghĩa, T33, 697c. Phần diễn tả về các hành khác nhau, đọc 1.4.3 Diệu Hành.
13 Huyền Nghĩa, T33, 697c. Phần mô tả về các quả vị khác nhau, đọc 1.4.4 Diệu Vị.
14 Huyền Nghĩa, T33, 697c.
15 Phần giải thích về bốn tiến trình và ba mươi sáu tiến trình, đọc phần III. Minh định các loại cơ cảm, 1.4.6 Diệu Cảm Ứng.
16 Phần mô tả về các tùy thuận, đọc phần IV. Minh định sự tùy thuận giữa cảm và ứng, 1.4.6 Diệu Cảm Ứng.
17 Huyền Nghĩa, T33, p. 697c.
18 Phần diễn tả về diệu thần thông, đọc 1.4.7 Diệu Thần Thông.
19 Huyền Nghĩa, T33, 697c. Phần diễn tả về Diệu Thuyết Pháp, đọc 1.4.8 Diệu Thuyết Pháp.
20 Huyền Nghĩa, T33, 697c. Phần diễn tả về diệu quyến thuộc, đọc 1.4.9 Diệu Quyến Thuộc.
21 Huyền Nghĩa, T33, 697c. Tỷ dụ về đại hải nhận mưa của loài rồng có nghĩa rằng những lợi ích Phật ban xuống chúng sinh như biển lớn. Đại dương mênh mông không chịu ảnh hưởng tăng giảm của cơn mưa từ loài rồng trút xuống. Tỷ dụ nầy từ kinh Hoa Nghiêm T9, 625b-c, sánh trí tuệ Như Lai như đại hải. Tuy nhiên, Phật trí không thể so lường, ngay cả biển lớn cũng không thể sánh cùng. Đọc Swanson, Foundations of Tien Tai Philosophy, p.319, note 339. Phần diễn tả về diệu lợi ích, đọc 1.4.10 Diệu Công Đức Lợi Ích.
22 Phần phiên dịch đầy đủ dưới dạng Anh ngữ dẩn chứng, đọc Swanson, pp. 208-210.
23 Phần phiên dịch đầy đủ dưới dạng Anh ngữ Sinh khởi, đọc Swanson, cùng chỗ, pp. 210-211.
24 Cảnh (Ching / visaya) chỉ đối tượng nhận thức như thực. Phạn ngữ có nghĩa cảnh giới năng lực chúng sinh có thể đến. Cũng có nghĩa là nơi thiện hạnh chúng sinh đến được. Đọc Japanese-English Buddhist Dictionary, p. 189, s.v. Kyo-gai.
25 Huyền Nghĩa, T33, 698b.
26 Cùng chỗ.
27 Cùng chỗ.
28 Cùng chỗ. Tương tự như ao nước tịnh Pancavinsati. Đại Trí Độ Luận (T25, 640c). Đây là tỷ dụ mô tả Niết Bàn-nơi không có sự bức não.
29 Huyền Nghĩa, T33, 698b.
30 Cùng chỗ.
31 Cùng chỗ.
32 Cùng chỗ.
33 Cùng chỗ.
34 Cùng chỗ.
35 Phần phiên dịch đầy đủ dưới dạng Anh ngữ về Cảnh như Nhân Duyên, đọc Swanson, Foundations of Tien Tai Philosophy, pp. 212-226.
36 Mười hai móc xích nhân duyên là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử. Đọc Chappell, Tien Tai Buddhism, pp.99-101; Hurvitz, Chih-I, pp. 349-351. Về mười hai nhân duyên, đọc David Kalupahana, Casualty : The Central Philosophy of Buddhism..
37 Tri Khải cho rằng đây là lời Thế Tôn dạy hàng đệ tử Tạng giáo có căn cơ chậm lụt. Hai móc xích đầu trong mười hai nhân duyên là Vô Minh và Hành được hiểu như nhân có thực của sáu cõi luân hồi sinh diệt. Vì thế, gọi là Mười Hai Nhân Duyên Sinh Diệt Bất Tư Nghị.
38 Theo Trí Khải, đây là giáo pháp Thế Tôn dành cho môn đồ Thông giáo với căn cơ sắc bén. Mười Hai Nhân Duyên được hiểu như sự vắng bặt của thực tại cố định và vì vậy, như huyễn. Vì mười hai móc xích từ vô minh cho đến lão tử như huyễn như Không, chẳng có gì thật sự sinh. Cũng vậy, nếu vô sinh thì cũng vô diệt. Vì vậy, gọi là Mười Hai Nhân Duyên Vô Sinh Vô Diệt Bất Tư Nghị
39 Trí Khải nói rằng đây là Thế Tôn dạy hàng môn đồ Biệt giáo căn cơ hoặc chậm lụt hoặc sắc bén, nhắm mục đích vượt bỏ Thanh văn thừa và thuyết giảng Đại thừa. Lối hiểu về mười hai nhân duyên nầy liên hệ với tâm. Vì tâm vô minh các pháp trong và ngoài ba cõi sinh khởi. Vô minh ở đây chỉ cho sự ham thích sai lạc Niết Bàn của Nhị Thừa, đưa đến sự tái sinh trong cõi ý tạo nên thân , đó là không sinh thân tứ đại, nhưng là thân thuần tưởng, như thánh thể được kể là chỉ thuần tưởng thay vì tứ đại như thân chúng sinh. (đọc Swnason, Foundations of Tien Tai Philosophy, p. 128, note 423). Theo đó, cái chết của một ý sinh thân là một sự biến hóa bất tư nghị (Pu-ko Ssu-i Pien-i Ssu / Acintyaparinamini cyutih) vươt trên lối hiểu qua khái niệm và khác với những sinh tử thường tình, (đọc cùng chỗ, p.328, note 424). Với sinh tử như hóa thân của bậc Thánh, Mười Hai Nhân Duyên Sinh Diệt Bất Tư Nghị.
40 Trí Khải giải thích rằng đây là giáo thuyết Thế Tôn dạy môn đồ có căn cơ sắc bén thuộc Viên giáo. Mục đích của giáo nghĩa nầy là để hiển lộ nguyên lý ẩn tàng trong thế giới hiện tượng. Lý và Sự khéo hội nhập, có trong nhau.
41 Trong tam giới (Chieh-nei) chỉ ba cõi Dục, Sắc, và Vô Sắc. Chỗ nầy nghịch với vượt trên ba cõi( Chieh-wai) – cảnh giới ngoài ba cõi và các bậc Thánh như A la hán, Duyên giác, Bồ tát, và Phật thường trú, vì đã vượt vòng luân hồi trong ba cõi. Vì vậy, tam giới có thể được nhìn như tương đối và giới hạn, ngoài tam giới có nghĩa là tuyệt đối và vô hạn. Mou Tsung-san đã nghiên cứu quan điểm của Trí Khải về trong và ngoài ba cõi. Đọc Mou-tung-san, Fo-hsing Yu po-jo, vol.2, pp. 886-991.
42 Trí Khải giải thích Nói rằng vô minh và vọng dục là hai điều khác nhau, thì cái đứng giữa (Vô minh và vọng dục) là Trung Đạo (đọc kinh Niết Bàn, T12, 768a). (Điều nầy bởi vì) vô minh là quá khứ, và vọng dục là hiện tại. Hoặc cực đoan hoặc trung dung , không có gì ra ngoài Phật tánh. Phật tánh nầy không gì khác hơn là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. (Vì vô minh đồng với Trung Đạo Phật tánh là thường, lạc, ngã, tịnh) vô minh không sinh cũng không diệt. (lối hiểu Mười Hai Nhân Duyên nầy) gọi là Mười Hai Nhân Duyên Vô sinh Bất Tư Nghị Huyền Nghĩa, T33, 700a.
43 Phần phiên dịch đầy đủ dưới dạng Anh ngữ Cảnh như Tứ đế, đọc Swanson, Foundations of Tien Tai Philosophy, pp.226-234.
44 Tứ Đế gồm Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, và Đạo đế.
45 Trí Khải luận rằng ý nghĩa của bốn loại Tứ đế (Ssu-chung Ssu-ti) từ phẩm Thánh Hạnh (Sheng-hsing) trong kinh Đại Niết Bàn (T12, 672 cff).Tuy nhiên, Swanson lại nói rằng bốn sự phân ra từng loại nói trên không nằm trong kinh nầy, và Trí Khải minh định những từ ngữ như sinh diệt, và vô lượng từ kinh nầy. Vì thế, sự phân loại là từ Trí Khải mà có. Đọc cùng chỗ, Foundation of Tien Tai Philosophy, p.335, note 478. Nghiên cứu thêm về Tứ đế trong Maha Chỉ Quán (Mo-ho Chih-kuan), đọc Swanson, cùng chỗ, pp.8-10.
46 Đọc giải thích của Trí Khải về loại Tứ đế nầy trong Mo-ho-Chih-kuan, T46, 4b.
47 Giải thích sâu hơn về vô lượng, đọc giải thích của Trí Khải trong Ma ha chỉ quán, T46, 4b-c.
48 Swanson đưa ý kiến rằng lệch lạc ở đây có nghĩa rằng Trung Đạo vẫn có thể qua ngôn ngữ, và tư tưởng trọn vẹn bên trong thực tại thì vượt trên chữ và khái niệm. Đọc Swanson, Foundations of Tien Tai Philosophy, p.143.
49 Đọc giải thích của Trí Khải về Tứ đế trong Maha Chỉ Quán, T46, 4c.
50 Huyền Nghĩa, T33, 702a.
51 Phần phiên dịch đầy đủ dưới dạng Anh ngữ Cảnh như Nhị Đế, đọc Swanson, Foundations of Tien Tai Philosophy, pp.234-252. Swanson khảo sát chi tiết đề tài Nhị Đế với những tham khảo và những quan điểm khác nhau về Nhị Đế trước thời điểm của Trí Khải, và những giải thích của Trí Khải về Nhị Đế phản ảnh khuynh hướng của thời đại của Đại Sư. Đọc cùng chỗ., pp. 1-3, 13-16, 18-24, 30-38, 52-56, 57-63, 66-70, 74-77, 103-107, 111-116, 118-120. Về Nhị Đế của Long Thọ Bồ Tát, đọc Ng Yu Kwan, Tien Tai Buddhism and Early Madhyamika, pp. 159-162. Nghiên cứu về Nhị Đế của những học gỉả hiện đại gồm có : T.R. Murti, The Central Philosophy of Buddhism, pp. 228-255 ; M. Sprund, ed., The Problems of Two Truths in Buddhism and Velanda, Dordrecht : D. Reidel, 1973 ; D. Seyfort Rrugg, The Litterature of the Madhyamika School of Philosophy in India ; Wiesbaden : Harrassovitz,1981, pp. 42-47 ; David J. Kalupahana, Nagarjuna : The Philosophy of the Middle Way, new York : State University of New York Press, 1986, pp. 67-70, 331-335 :Yuichi Kajiyama, Studies in Buddhist Philosophy : Selected Papers, Kyoto : Rinsen Book Co., Ltd., 1989, pp. 130-136
52 Mou-tung-san và Swanson luận về bảy loại Nhị Đế. Đọc Mou, Fo-hsing Yu Po-jo, pp. 648-665 ; Swanson, Foundation of Tien Tai Philosophy, pp. 146-150.
53 Huyền Nghĩa, T33, 702b.
54 Đọc cùng chỗ. Theo định nghĩa nầy, Sui-chih (thuận theo Phật trí) được nói đến trong tương quan với sự chứng ngộ về Lý.
55 Đọc Huyền Nghĩa, T33, 702c. Theo Swanson, ba đường lối thuyết pháp của Thế Tôn là sự đưa giáo pháp vào căn cơ của chúng sinh (Sui-ta-i), và tương hợp với Phật trí (Sui-tzu-i) được nói trong kinh Đại Niết Bàn (T12, 820b-c). Đọc Swanson, Foundations of Tien Tai Philosophy, p.344, note 533. Swanson đưa ra một giải thích chi tiết về ba cách giáo pháp nầy, cũng như bảy lối nhìn về Nhị Đế. Cùng chỗ, pp. 145-150.
56 Sự tương quan giữa ba loại Nhị Đế được Chan-jan (Trạm Nhiên) nói đến trong Fa-hua Hsuan-I Shih-chien tung, Pieh-chieh-tung, và Yuan-chieh-tung. Đọc T33, 855b-c. Chieh (hướng dẩn) có nghĩa Bồ Tát vào Thông Giáo để hướng tâm chúng sinh (với căn cơ thích ứng với giáo pháp của Biệt Giáo và Viên Giáo) để học được những giáo lý của hai pháp môn nầy. Ng Yu Kwan nói rằng mục đích chính của Nhị Đế là trình bày mối thâm giao giữa Tứ giáo. Đọc Tien Tai Buddhism and Early Madhyamika, p. 54. Yang Hui-nan chủ trương rằng ba loại Nhị Đế là sự phê bình của Trí Khải Đại Sư về Thông Giáo và Biệt Giáo. Đọc sự phân tích của Yang, Chih-I Te Erh-ti Ssu-hsiang, Journal of the Center for Biddhist Studies, No.4, 1999, pp.49-62. Đầy đủ về ba loại Nhị Đế, đọc Yang Hui-nan, cùng chỗ, pp.43-68.
57 Mou-tung-san nhìn loại Nhị Đế nầy hợp với loại thứ hai Huyễn Hữu Không Nhị Đế (Huan-yu Kung Erh-ti), và chúng sinh với căn cơ chậm lụt thuộc Thông giáo. Cùng chỗ, Fo-hsing Yu Po-jo, p. 661.
58 Mou-Tsung-san nói rằng loại Biệt Giáo tiếp dẩn Thông Giáo (Pieh-chieh-tung) hợp với loại thứ baHuyễn Hữu như Không và Bất Không Nhị Đế(Huan-yu Kung pu-kung Erh-ti), và chúng sinh với căn cơ sắc bén thuộc Thông Giáo. Đọc cùng chỗ. Cả hai Ng Yu Kwan và Mou-Tsung-san đều nói rằng Bất Không trong văn mạch nầy liên quan đến Diệu Hữu (Miao-yu). Đọc Mou, Fo-hsing Yu Po-jo, p.663 ; Ng Yu Kwan, Tien Tai Buddhism and Early Madhyamika, p.55.
59 Loại Viên Giáo tiếp dẩn Thông Giáo nầy (Yuan chieh Tung) là loại Nhị Đế thứ tư, Huyễn Hữu đồng như Không và Bất Không, và vạn pháp quy về Không và Bất Không qua văn mạch nầy liên hệ đến Như Lai Tạng, về chỗ vạn pháp lưu chuyển. Đọc cùng chỗ.
60 Cùng chỗ, p.702c.
61 Tam Đế của Trí Khải căn cứ và đoạn văn trong Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Ba La Mật Đa (Jen-wang Hu-kuo Po-jo-luo-mi-tuo Ching), T8, 829b, 833b, và trong Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh (Pu sa Yin-luo Pen-yeh Ching), T24, 1019b, 1018b-cff. Thêm chi tiết, đọc Swanson, Foundations of Tien Tai Philosophy, pp. 48-50, 53-56. Phần phiên dịch đầy đủ dưới dạng Anh ngữ Cảnh như Tam Đế, đọc Swanson, cùng chỗ, pp.252-254. Về những luận thảo của Swanson đối với khái niệm về Tam Đế của Trí Khải, đọc cùng chỗ, pp. 150-154. Thật hy hữu mà thấy rằng ngoài sự nhấn mạnh phải có về tầm quan trọng của Tam Đế như chiếc chìa khóa đi vào Phật học Thiên Thai Tông, đây còn là đề mục mà tác giả đã nói đầy đủ trong tác phẩm Foundations of Tien Tai Philosophy. Ng Yu Kwan nhấn mạnh rằng chân lý trong Phật học Thiên Thai là Trung Đạo-Phật tánh, (đọc Tien Tai Buddhism and Early Madhyamika, về đề tài nầy), và Tam Đế cùng với Tam Trí trong phần Tam Quán, liên hệ đến vấn đề chứng ngộ chân lý. Đọc cùng chỗ, p. 136 ff. Pan Guiming chủ trương một quan điểm tương tự về Tam Đế được nói qua Tam Quán. Đọc thảo luận của tác giả về Tam Quán trong tácphẩm Chih-I Ping-chuan, pp. 162-230.
62 Ng Yu Kwan nói về Trung Đạo nầy như Không quán, Tien Tai Buddhism and Early Madhayamika, pp. 29-38.
63 T12, 684c. Đọc Swanson, Foundations of Tien Tai Philosophy, p. 354, note 610, về sự phiên dịch toàn đoạn văn trong văn bản, là chỗ được trích dẩn.
64 T12, 616a-617c. Swanson giải thích đoạn kinh trong Đại Niết Bàn liên quan đến lối phân tích nầy. Đọc Foundations of Tien Tai Phi losophy, p. 354, note 611.
65 Huyền Nghĩa, T33, 705a.
66 Đọc kinh Pháp Hoa, T9, 10a.
67 Huyền Nghĩa, T33, 705a.
68 Trí Khải lập lại : Nói rằng vạn pháp không thể được giải nghĩa có nghĩa vạn pháp luôn là tịch diệt. Làm cách nào toàn thể chân lý lại hỗn tạp và ngăn ngại lẫn nhau?. Không thể có cả Một Chân Lý, làm sao lại có tất cả chân lý? Mỗi một chân lý đều không thể diễn đạt một cách rốt ráo. (Vì chân lý) mà có thể giải thích được thì thô, và (chân lý) không thể giải thích được thì vi tế. Sự vi tế nầy cũng là diệu, vì vượt qua được sự diễn đạt của ngôn từ. Cùng chỗ, p.705a-b.
69 Cùng chỗ, p. 705b.
70 Về phần nầy, đọc Huyền Nghĩa, T33, 705b-c.
71 Về phần hổ tương nầy, đọc Huyền Nghĩa, T33, 705b-c.
72 Về phần hổ tương nầy, đọc cùng chỗ.
73 Đọc cùng chỗ, p. 706b.
74 Cùng chỗ.
75 Cùng chỗ
76 Cùng chỗ
77 Cùng chỗ
78 Cùng chỗ
79 Ý tưởng về chân lý nầy hoàn toàn vượt trên giải thích, ngôn từ, và khái niệm căn cứ vào đoạn văn liên quan đến bốn điều không thể nghĩ bàn trong kinh Đại Niết Bàn, T12, 733c. Phần phiên dịch dưới dạng Anh ngữ về đoạn kinh nầy, đọc Swanson, Foundations of Tien Tai Buddhism, pp.341-342, note 513. Bốn loại bất khả thuyết (Pu-ko Shuo) là :Sinh sinh (sheng-sheng) không thể nghĩ bàn. Sinh Bất Sinh (Sheng Pu-sheng) không thể nghĩ bàn. Bất Sinh Sinh (Pu-sheng Sheng) không thể nghĩ bàn. Bất Sinh Bất Sinh (Pu-sheng Pu-sheng) không thể nghĩ bàn. Trí Khải lần lượt đưa bốn loại không thể nghĩ bàn nầy hợp vào Tứ Giáo. Sinh Sinh có nghĩa rằng đối tượng mà có thể sinh, sinh sự thể. Đây là sự sinh bất định, và vì vậy, không thể nghĩ bàn. Sinh Bất Sinh có nghĩa đối tượng mà có thể sinh, lại không sinh sự thể. Đây là điều đối nghịch, và vì vậy, không thể nghĩ bàn. Bất Sinh Sinh có nghĩa rằng đối tượng mà không thể sinh lại sinh. Vì khác với sinh bắt nguồn từ bất sinh, nên không thể nghĩ bàn. Bất Sinh Bất Sinh có nghĩa nếu đối tượng không thể sinh, thì có bất sinh. Tuy nhiên, nếu có Bất Sinh, cái gì là kết quả trong thế giới hiện tượng? Hẳn nhiên, đây là điều khó nghĩ bàn. Li Chih-fu, Miao-fa Lien-hua Ching Hsuan-I yen-chiu. Vol.1, p. 251. Trong tác phẩm MaHa Chỉ Quán, Trí Khải đưa ra thêm một giải thích về bốn điều mang bốn nghĩa khác nhau.
(i) Sinh Bất Sinh có nghĩa rằng Thực Tại luôn có mặt bất sinh. Từ Thực Tại nầy, thế giới Tục Đế sinh khởi để đáp ứng chúng sinh.
(ii) Bất Sinh Bất Sinh có nghĩa hội nhập Thực Tại như nó là bất sinh, chúng sinh chứng ngộ. Vì tất cả chúng sinh đều tương ưng với thực tại chứng đắc, vì vậy suy ra rằng chứng ngộ thì bất sinh.
(iii) Bất Sinh Sinh có nghĩa khi chứng đạt Chân Đế, Tục Đế liền bị diệt. Sự tiêu diệt Tục Đế ám chỉ cái tướng sinh của Tục Đế thật sự bất sinh.
(iv) Sinh Sinh chỉ các Bồ Tát hoán chuyển chúng sinh. Mặc dù các Bồ Tát trụ ở chỗ Vô Sinh, vì muốn độ chúng sinh nên tự tại ứng thân vào cõi tục mở đường giác ngộ do đó hiện tướng tái sinh và sinh giác ngộ.
80 Huyền Nghĩa, T33, 706c.
81 Cùng chỗ, p. 706c. Shen-tzu là một tên khác một trong mười đại đệ tử của Phật Sariputra, là một trong những vị đệ tử được xem là trí tuệ bậc nhất.
82 Huyền Nghĩa, T33, 706c.
83 Cùng chỗ.
84 Phần luận về Diệu Cảnh nói trên của Trí Khải đã được in một phần bằng Hoa ngữ. Đọc Shen Haiyan, Ching-miao Chiu-ching- Tsung Miao-fa Lien-hua Ching Hsuan-I Chung-Kan Tien Tai Chih-I Tui Chen-li te Lun-shu (Vi Diệu Cảnh : Nghiên cứu về khảo luận về chân lý của Trí Khải qua tác phẩm Pháp Hoa Huyền Nghĩa), Chueh-chuns Collection of Treatise, No. 1, 2001, pp. 150-170.
85 Cùng chỗ.
86 Ngũ Đình Tâm Quán (Wu-ting-hsin) chỉ năm phương pháp đình chỉ tâm làm giảm năm chướng ngại. Những phương pháp nầy được các vị Thanh Văn tu tập, khi bắt đầu con đường thực hành. Phương pháp thứ nhất liên quan đến quán bất tịnh để vượt qua tâm tham dục. Phương pháp thứ hai là từ bi quán để vượt qua tâm sân hận. Phương pháp thứ ba là nhân duyên quán để vượt tâm ngu si. Phương pháp thứ tư là niệm Phật quán để vượt nghiệp chướng. Phương pháp sau cùng là sổ tức quán để vượt tâm tán loạn. Đọc Hurvitz, Chih-I, p. 346.
87 Tứ Niệm Trụ (Ssu-nien-chu) gồm có hai nhóm là Biệt Tướng Niệm Trụ (pieh hsiang nien chu) và Tổng Tướng Niệm Trụ (Tsung hsiang nien chu). Đọc phần giải nghĩa, p. 37, note 52.
88 Ba bậc Hiền đầu trong Thất Hiền thuộc Thanh Văn Thừa chỉ Ngũ Đình Tâm Quán (wu-ting hsin) và hai loại Biệt Tướng và Tổng Tướng Tứ Niệm Trụ.
89 Tứ Đão (Ssu-tao) chỉ bốn lối thấy sai lầm, tạo thành hai nhóm. Loại thứ nhất là bốn cái thấy điên đão của kẻ vô minh, nhìn lầm sinh tử vô thường là thường, lạc, ngã, và tịnh. Loại thứ hai là bốn cái thấy điên đão của Nhị Thừa, nhìn lầm Niết Bàn là vô thường, khổ, vô ngã, và bất tịnh. San-tsang Fa-shu, p. 352.
90 Đọc cùng chỗ, p. 707b. Cả hai Ngoại Phần và Nội Phần thành tựu Thất Hiền Vị của Thanh Văn Thừa.
91 Khổ Đế có đặc tính Vô Thường, Khổ, Không, và Vô Ngã. Tập Đế có đặc tính Nhân (yin), Tập (chi), Sinh (sheng), và Duyên (yuan). Diệt Đế có đặc tính Diệt (mieh), Tịnh (ching), Diệu (miao), và Ly (li). Đạo Đế có đặc tính Đạo (tao), Như (ju), Hành (hsing), và Siêu (chu). Cùng chỗ, T29, No. 1558, p. 137a.
92 Gồm có Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, và A La Hán.
93 Giáo lý Thế Tôn thuyết về hiện tượng hoặc hiện hữu là Tục Đế và thực thể hoặc Không là Chân Đế.
94 Bát Nhẫn Bát Trí (Pa-jen pa-shih) chỉ lý nhẫn và trực giác về Tứ Đế. Nhẫn liên quan đến sự diệt cái thấy và nghĩ sai lầm, và trí hoặc trực giác liên quan đến sự chứng ngộ lý. Từng phần trong Tứ Đế bao gồm hai hạnh nầy, tổng cộng thành mười sáu cách quán chiếu. Chín đường vô ngại (wu-ai-tao) chỉ hành giả tu tập quán chiếu để diệt vọng trong ba cõi, khiến không còn bị vọng ngăn ngại. Ba cõi gồm chín cảnh giới : một cảnh Dục giới, bốn cảnh Sắc giới, gồm cảnh sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, và tứ thiền ; bốn cảnh Vô sắc giới gồm Không xứ, Thức xứ, Vô Sở Hữu xứ, và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Chín cảnh đạo giải thoát có nghĩa rằng khi cái thấy và nghĩ sai lầm trong chín cõi thuộc tam giới đã diệt, hành giả đắc giải thoát. San-tsang Fa-shu, p. 352, Hurvitz, Chih-I, p. 258, note 1.
95 Bồ Tát Lục Độ chỉ Phật Thích Ca Mâu Ni trong những kiếp quá khứ, hành Bồ Tát hạnh ba a tăng kỳ kiếp. Đọc Chappell, Tien Tai Buddhism, pp. 105-106.
96 Phần giải thích sâu hơn về hai lối vào Không hoặc bằng cách chia chẻ vạn pháp, hoặc vào thẳng các pháp, đọc Ng Yu Kwan, Tien Tai Buddhism and Early Madhyamika, pp. 42-43.
97 Thập Tín (shih-hsin) là nhóm thứ nhất trong Thập Địa thuộc năm mươi hai Bồ tát địa là những bậc đã làm chủ được cái thấy và nghĩ sai lầm trong ba cõi (Chieh-nei Chien-ssu-huo). Gòm có : Tín, Niệm, Tinh Tấn, Định, Huệ, Giới, Hồi Hướng, Hộ Pháp, Xả, và Nguyện. Cùng chỗ, Chappell, Tien Tai Buddhism, p. 131; Hurvitz, Chih-I, p. 363.
98 Với quan điểm của Trí Khải, trí thuộc Trung Đạo gồm cái thấy Không cũng như cái thấy Giả, là tiến trình từ trí thuần Không. Như vậy, Không Trí thuộc Nhị Thừa, Bất Không Trí (tương ưng với lý Trung Đạo) thuộc Thông Giáo Bồ tát. Bồ tát Biệt giáo vượt trên cái nhìn về Không và Hữu dùng trí Trung Đạo mà đi vào các pháp.
99 Chứng ngộ Không đế giúp hành giả diệt cái thấy và nghĩ sai lầm. Ở đây, vì Bồ tát Thập Tín chưa chứng được Không đế, nên quản thúc được vọng hơn là diệt được vọng.
100 Ba loại thập tâm (San shih-hsin) chỉ Thập Trụ, Thập Hạnh, và Thập Hồi Hướng. Thập Trụ là nhóm thứ hai thuộc Thập Địa trong năm mươi hai Bồ tát địa là những bậc đã diệt được trần sa hoặc (Chen-sha-huo) trong tam giới và chế ngụ được vọng ngoài tam giới. Trần Sa Hoặc là một trong ba chướng ngại Trí Khải Đại Sư đưa ra. Hai cái khác là Kiến Tư Hoặc (thấy và nghĩ sai lầm) và Vô Minh Hoặc (vọng niệm vô minh). Thập Trụ gồm có : Sơ Phát Tâm Trụ, Trị Địa Trụ, Tu Hành Trụ, Sinh Quí Trụ, Phương Tiện Cụ Túc Trụ, Chính Tâm Trụ, Bất Thoái Trụ, Đồng Chân Trụ, Pháp Vương Tử Trụ, và Quán Đảnh Trụ. Thập Hạnh là nhóm thứ ba thuộc Thập Địa trong năm mươi hai Bồ tát địa là những bậc đã diệt được trần sa hoặc trong ba cõi. Gồm có : Hoan Hỷ Hạnh, Nhiêu Ích Hạnh, Vô Sân Hận Hạnh, Vô Tận Hạnh, Ly Si Loạn Hạnh, Thiện Hiện Hạnh, Vô Trước Hạnh, Tôn Trọng Hạnh, Thiện Pháp Hạnh, Chân Thật Hạnh. Thập Hồi Hướng là nhóm thứ tư thuộc Thập Địa trong năm mươi hai Bồ tát địa là những bậc đã diệt được căn bản vô minh và thực hành quán chiếu Trung Đạo. Gồm có : Cứu Hộ Nhất Thiết Chúng Sinh Ly Chúng Sinh Tướng Hồi Hướng, Bất Hoại Hồi Hướng, Đẳng Nhất Thiết Phật Hồi Hướng, Chí Nhất Thiết Xứ Hồi Hướng, Vô Tận Công Đức Tạng Hồi Hướng, Tùy Thuận Bình Đẳng Thiện Căn Hồi Hướng, Tùy Thuận Đẳng Quán Nhất Thiết Chúng Sinh Hồi Hướng, Như Tướng Hồi Hướng, Vô Phược Trước Giải Thoát Hồi Hướng, Pháp Giới Vô Lượng Hồi Hướng. Cùng chỗ, Chappell, Tien Tai Buddhism, pp. 132-135 ; Hurvitz, Chih-I, pp. 363-366.
101 Đọc Huyền Nghĩa, T33, p. 707b.
102 Lối nhìn về Giả nầy khác với lối nhìn của chúng sinh vô minh, vì căn cứ vào Không, đến chỗ hiểu được hiện hữu giả tạm.
103 Thập Địa là nhóm thứ năm trong mười địa của năm mươi hai Bồ tát địa là những bậc đã diệt căn bản vô minh và chứng ngộ Trung Đạo. Gồm có : Hoan Hỷ Địa, Ly Cấu Địa, Phát Quang Địa, Diệm Huệ Địa, Nan Thắng Địa, Hiện Tiền Địa, Viễn Hành Địa, Bất Động Địa, Thiện Huệ Địa, và Pháp vân Địa, hiển bài vạn pháp qua Trung Đạo. Cùng chỗ, đọc Chappell, Tien Tai Buddhism, pp. 135-136 ; Hurvitz, Chih-I, pp. 366-367.
104 Đọc Huyền Nghĩa, T33, p. 707b.
105 Đọc cùng chỗ. Phần mô tả chi tiết về hạnh của Đức Thích Ca Mâu Ni trong những kiếp quá khứ, đọc Chappell, Tien Tai Buddhism, pp. 105-107.
106 Tứ Độ (Ssu-tu) là phần Trí Khải mô tả về tịnh độ. (i) Phàm Thánh Đồng Cư Độ (Fan-sheng Tung-chu Tu) là cõi sống chung giữa chúng sinh vô minh và các bậc Thánh. (ii) Phương Tiện Hữu Du Độ (Fang-pien Yu-yu Tu) là cõi chúng sinh vẫn cón căn bản vô minh, mặc dù đã dứt được cái thấy và nghĩ sai lầm. (iii) Thực Báo Vô Chướng Ngại Độ (Shih-pao wu-chang-ai Tu) là cõi chúng sinh chỉ thấy được một phần Trung Đạo, mặc dù đã dứt được cái thấy và nghĩ sai lầm. (iv) Thường Tịch Quang Độ (Chang-chi-kuang Tu) là cõi chúng sinh đã hoàn toàn diệt được căn bản vô minh, và thấy được đầy đủ Trung Đạo. Đây không phải là một cõi riêng biệt. Đây là thực tại. Phần phân tích của Trí Khải về Tứ Độ, đọc Wei-mo-ching Lue-shu, T38, 564b.
107 Đọc Huyền Nghĩa, T33, 707b. Thông Giáo Phật (Tung chiao Fo) cũng chỉ Phật Thích Ca Mâu Ni bậc giác ngộ (theo Thông Giáo) bằng cách đi suốt Thập Địa. Chappell, Tien Tai Buddhism, pp. 119-121.
108 Đọc Huyền Nghĩa, T33, 709a.
109 Đọc cùng chỗ, p.707b. Biệt Giáo Phật cũng chỉ Đức Thích Ca Mâu Ni, bậc chứng đắc Bồ Đề (theo Biệt Giáo) bằng cách đi suốt năm mươi hai Bồ Tát địa Đọc Chappell, Tien Tai Buddhism, pp. 129-137.
110 Theo Biệt Giáo, Đẳng Giác là Bồ Đề.
111 Đọc Huyền Nghĩa, T33, p. 709a.
112 Viên Giáo Ngũ Phẩm Đệ Tử Vị (Yuan-chiao Wu-pin Ti-tzu Wei), gồm có : Tùy Hỷ (Sui-hsi-pin) là bậc thứ nhất tin và hiểu Viên Giáo, Độc Tụng(Tu-sung-pin) là bậc thứ hai tăng trưởng lòng tin vào Viên Giáo, Thuyết Pháp (Shuo-fa-pin) là bậc thứ ba thuyết giảng pháp Phật, Kiêm Hành Lục Độ (Chien-hsing Liu-tu) là bậc thứ tư luôn tu tập Lục Độ khiến lợi ích chúng sinh, và Chánh Hành Lục Độ (Cheng-hsing Liu-tu) là bậc thứ năm hành trì Lục Độ nhằm mục đích chứng ngộ Chân Như. Phần mô tả những vị nầy, đọc phần 2 Minh định thứ tự vị dưới đề mục VI Quả vị thuộc Viên Giáo. Đọc thêm Chappell, Tien Tai Buddhism, pp. 146-152; Hurvitz, Chih-I, p.368.
113 Đọc Huyền Nghĩa, T33, 709a.
114 Sáu cõi chỉ cho bốn nơi chúng sinh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và A tu la thường lui tới, và hai cõi tịnh của trời và người.
115 Gồm có : (i) Ngũ Đình Tâm Tứ Niệm Trụ Trí, (ii) Tứ Thanh Tịnh Trí, (iii) Tứ Quả Trí, (iv) Bích Chi Phật Trí, (v) Thanh Văn Trí, (vi) Bích Chi Phật Trí, (vii) Bồ tát Chân Như Phương Tiện Trí.
116 Tứ Thập Tâm Trí chỉ Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, và Thập Hồi Hướng. Thập Tín chỉ trí Thập Tín Biệt Giáo, và Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng chỉ trí Biệt Giáo.
117 Gồm có : (i) Viên Giáo Ngũ Phẩm Đệ Tử Trí, (ii) Lục Căn Thanh Tịnh Trí, (iii) Thập Trụ Đẳng Giác Trí, và (iv) Diệu Giác Trí.
118 Huyền Nghĩa, T33, 709a-b.
119 Cùng chỗ, 709b
120 Cùng chỗ
121 Cùng chỗ
122 Cùng chỗ
123 Cùng chỗ, p.709c
124 Phần chú thích, đọc p. 119, note 80
125 Huyền Nghĩa, T33, p.109c
126 Cùng chỗ, p.711a-b
127 Cùng chỗ, p.711b
128 Cùng chỗ
129 Cùng chỗ
130 Cùng chỗ
131 Cùng chỗ
132 Cùng chỗ, p.711c
133 Cùng chỗ
134 Về bảy loại trí Nhị Đế, đọc Mou-tsung-san, Fo-hsingyu Po-jo, pp. 665-671
135 Huyền Nghĩa, T33, 712a
136 Cùng chỗ, p.712b
137 Cùng chỗ
138 Cùng chỗ, p.712b-c
139 Cùng chỗ, 712c
140 Cùng chỗ
141 Cùng chỗ
142 Cùng chỗ
143 Với Trí Khải, khái niệm về Như Lai Tạng chỉ bản tánh hoạt dụng của Thực Tại, sự phong phú của Như Lai tạng qua vô lượng pháp môn giáo hóa chúng sinh. Điều mà Bất Không liên hệ là vô lượng hạnh nguyện của Bồ tát. Thuyết về Như Lai Tạng, đọc Yin Shun, Ju-lai-tsang Yen-chiu.
144 Cùng chỗ, p. 714a
145 Cùng chỗ, p. 713c
146 Cùng chỗ
147 Cùng chỗ, p. 714c
148 Cùng chỗ, p.714c
149 Cùng chỗ
150 Cùng chỗ
151 Cùng chỗ
152 Cùng chỗ, p. 714c-715a
153 Cùng chỗ, 715a
154 Cùng chỗ
155 Cùng chỗ
156 Cùng chỗ
157 Cùng chỗ
158 Huyền Nghĩa, T33, p. 715a
159 Cùng chỗ
160 Cùng chỗ
161 Cùng chỗ, 715b
162 Cùng chỗ
163 Thập Như Thị của Thập Pháp Giới là sự diễn đạt của Trí Khải về đặc tính của Thực Tại, gồm như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị dụng, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, và như thị bản mạc cứu cánh đẳng. Phân tích của Trí Khải về Thập Như Thị, đọc Huyền Nghĩa, T33, 693b-696a. Về sự diễn tả của chúng tôi, đọc phần 1. Giải thích rộng về pháp chúng sinh Mục Một : Biệt Giải về Pháp.
164 Đây là lối hiểu về Mười Hai Nhân Duyên của Viên Giáo hiển lộ nguyên lý ẩn tàng trong thế giới hiện tượng, là chỗ Lý và Sự tương hợp trọn vẹn trong nhau.
165 Chỗ nầy được hiểu như Vô Sinh của Vô Sinh. Trong ngôn từ của Trí Khải, câu Vô Sinh của Vô Sinh diễn tả trạng thái vô phân biệt vượt trên khái niệm và không thể giải nghĩa, là cái tương ưng với Viên Giáo.
166 Điều nầy chỉ Nhị Đế được hiểu theo Viên Giáo, qua đó Chân Đế đồng như Tục Đế, và ngược lại. Như vậy, Nhị Đế có thể chỉ cho một Chân Đế là cái vượt trên ngôn từ.
167 Huyền Nghĩa, T33, 715b
168 Cùng chỗ
169 Cùng chỗ, p. 715c
170 Phần giải thích về Tứ Niệm Trụ, đọc ghi chú 52.
171 Phần giải thích về Lục Độ, đọc ghi chú 58
172 Bảy yếu tố thanh tịnh nầy là đặc tính của giáo nghĩa Pháp Hoa. Gồm có : (i) Thời thiện, (ii) Nghĩa thiện, (iii) Ngữ thiện, (iv) Độc thiện, (v) Chu thiện, (vi) Hòa thiện,(vii) Phạm thiện. Soothill, p.11 ; San-tsang Fa-shu, p.301.
173 Gồm có :
(1) Chánh kiến tức hiểu đúng Tứ Đế, thoát ra ảo vọng
(2) Chánh tư duy tức suy tư đúng
(3) Chánh ngữ tức ngôn từ đúng để tránh những cái hại do ngôn ngữ
(4) Chánh nghiệp tức hành xử đúng, xa lìa những hành động sai quấy, trụ được nơi thanh tịnh
(5) Chánh mạng tức sống đúng
(6) Chánh tinh tấn tức cố gắng không dừng nghỉ tiến về Niết Bàn
(7) Chánh niệm tức giữ niệm đúng, tránh sai lệch
(8) Chánh định tức trụ tâm chỗ chân chánh. Đọc Chappell, Tien Tai Buddhism, p.95 ; Hurvitz, Chih-I, p. 346 ; Thêm chi tiết, đọc, Fa-chieh Tzi-ti Chu-men, T46, 682c-683a.
174 Chín loại đại thiền về nhẫn (jen / ksanti) và về thiền quán
(1) Tự tánh thiền tức thiền quán về tự tánh của các pháp, hoặc trên tâm như thực tánh, vì tâm là nguồn mạch vạn pháp sinh khởi.
(2) Nhất thiết thiền tức thiền quán về tự ngã và hoán chuyển tâm chúng sinh đến chỗ tuyệt đối.
(3) Nan thiền tức những khó khăn do tu hành mà có.
(4) Nhất thiết môn thiền tức thiền quán về cửa vàotất cả các duyên thiền siêu việt.
(5) Thiện nhân thiền tức thiền quán về điều thiện.
(6) Nhất thiết hành thiền tức thiền quán trên tất cả hạnh Đại thừa.
(7) Diệt phiền não thiền tức thiền quán về cách diệt phiền não đến từ mê vọng.
(8) Thử thế tha thế lạc thiền tức thiền quán về sự an lạc cho chúng sinh đời nầy và đời sau.
(9) Thanh tịnh thiền tức thiền quán về diệu tịnh, lìa vọng đạt chân. Soothill, p.19. Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Fa-chieh Tzu-ti Chu-men, T46, 688b-689b.
175 Mười cảnh sở quán của Thập Thừa Quán Pháp nói trong MaHa Chỉ Quán, ch.5, T46, 49a. Gồm có :
(1) Ấm giới nhập cảnh
(2) Phiền não cảnh
(3) Bệnh hoạn cảnh
(4) Nghiệp tướng cảnh
(5) Ma sự cảnh
(6) Thiền định cảnh
(7) Chư kiến cảnh
(8) Tăng thượng mạn cảnh
(9) Nhị thừa cảnh
(10) Bồ tát cảnh.
Soothill, p.48. Thêm chi tiết, đọc Hurvitz, Chih-I, p. 328-330. Phân tích rộng về giáo lý nầy, đọc Trí Khải, Maha Chỉ Quán, T46, 51c-140c. Nghiên cứu về tư tưởng viên đốn của Trí Khải Đại Sư, đọc Kuo-chao-shun, Chih-che te Yuan-tun Ssu-hsiang (Tư tưởng viên đốn của Trí Khải), Chung-Hwa Buddhist Journal, No. 5, 1992, pp. 121-148 ; Chen Ying-shan, Tiantai Yuan-tu Chih-kuan chih Hsiu-cheng : Chiu Shih-sheng Kuan-fa Erh-lun (Hành và Chứng của viên đốn Chỉ và Quán Phật học Thiên Thai : liên quan đến Thập Thừa Quán), Chung-Hwa Buddhist Journal, No.15, 2002, pp. 305-333.
176 Năm hạnh từ phẩm Thánh Hạnh trong kinh Đại Niết Bàn, T12, 673b21ff. Thêm chi tiết, đọc Swanson, Foundations of Tien Tai Philosophy, p.318, note 323.
177 Tất cả có sáu bản dịch sang Hoa ngữ về Bồ tát giới, gồm có (1) Yin-luo ching, Fan-wang Ching, Yu-chia Shih-ti Lun, Pu-sa Ti-chih Ching, Pu-sa Shan-chieh Ching, và Yu-po-sai Chieh Ching. Nghiên cứu về Bồ tát giới, đọc Shih Sheng-yen, Guiline of Bodhisattva Precepts, Taipei, 1996. Nghiên cứu về giới của Trung Hoa, đọc Shih Sheng-yen, Outline of Precepts, Taipei, 1996, twelfth edition ; Lao Cheng-wu, A study of the Monastic code in Chinese Buddhism, Beijing, 1999.
178 Hai nhóm giới luật, là giới tự lợi và lợi tha từ kinh Đại Niết Bàn., T12.
179 Năm giới Trí Khải đưa ra từ phẩm Thánh Hạnh, kinh Đại Niết Bàn, T12, 674a, 26-29.
180 Theo sự nghiên cứu của Shih-Sheng-yen, Thanh Văn Giới gồm có Tam qui, Ngũ giới, Bát giới, Thập giới, và Cụ Túc giới. Phật tử cư sĩ chỉ có ba loại giới trong khi tu sĩ thì có năm loại giới. Giới của Bồ tát thì không thuộc về Thanh Văn. Cư sĩ có thể chỉ giữ Bồ tát giới. Bồ tát giới có thể có cả Thanh Văn giới. Vì thế, tu sĩ Đại thừa nên tiếp nhận. Xem phần tóm lược bài viết của tác giả nói trên Tsung-San chu Ching-chieh Lun Pu-sa chieh Te Shih-kung Hsiao-ying, Chung-Hwa Buddhist Journal, No.6, 1993, p.31. Phân tích chi tiết về Bồ tát giới, đọc Chih-I, Pu-sa chieh-i Shu, T40, pp. 563-580. Nghiên cứu về học thuyết của Trí Khải liên quan đến thể của giới, đọc Chen-Ying-shan, Tien-Tai Chih-che te Chieh-ti Lun Yu Pu-sa Chieh-i Shu, Journal of Buddhist Research Center, No.5, 2000, pp. 113-133. Nghiên cứu đầy đủ về giới luật Phật giáo, đọc Lao Cheng-wu, Fo-chiao Chieh-lu-hsueh, Beijing Religion and Culture Publishing House, 1999.
181 Đọc tóm lược về bài viết của Shih-Sheng-yen nói ở ghi chú 180.
182 Huyền Nghĩa, T33, 716c.
183 Cùng chỗ, 717a.
184 Đọc T21, 645c-646b
185 Với nội dung nầy, giới Đại Thừa chỉ Bồ tát giới, theo Trí Khải. Nghiên cứu về Bồ tát giới, đọc Shih Sheng-yen, ghi chú 180, pp.1-30.
186 Giải thích về Tứ Đại Nguyện đọc ghi chú 64.
187 Trí Khải đưa ra Thập Giới từ nhiều chỗ, như Đại Trí Độ Luận (t25, 225c-226a), và kinh Đại Niết Bàn (T12, 675a).
188 Bốn cách hành trì có thể khiến Bồ tát chứng được đà la ni, gồm có :thân luôn cung kính, khẩu luôn thành thật, ý luôn lợi ích, và luôn dùng phương tiện thiện xảo.
189 Có bốn hành động của Bồ tát bắt nguồn từ bản tánh. Thứ nhất, bản tánh Bồ tát thành thật, ngay thẳng, tôn trọng cha mẹ, thầy, người tuổi tác, sống đời đạo hạnh. Thứ hai, tất cả các Bồ tát nguyện chứng đắc Bồ đề. Thứ ba, tất cả các Bồ tát đều hành Lục Độ. Thứ tư, tất cả các Bồ tát đều như Đức Thích Ca đối với Đức Phật Nhiên Đăng. Với nhân và duyên như vậy, các vị Bồ tát tụng đọc kinh Phật và từ một chúng sinh vô minh, liền bước vào thánh vị.
190 Giới nầy hướng về tự lợi, nói trong kinh Đại Niết Bàn, T12, p.674b.
191 Giới nầy hướng về lợi tha, được nói trong kinh Đại Niết Bàn, T12, 674b-c.
192 Huyền Nghĩa, T33, 717b,
193 Cùng chỗ, 717c
194 Cùng chỗ
195 Cùng chỗ
196 Thêm chi tiết, đọc Shih Sheng-yen, The Guiline of the Bodhisattva Precepts, p.37, và ghi chú 180, cùng tác giả.
197 Mười hai loại thiền quán được nói trong Pu-sa Yin-lo-yeh Ching, T24, 1015a.
198 Bốn loại thiền là bốn trạng thái thiền quán vi diệu đưa hành giả ra khỏi Dục giới, tái sinh vào cõi trời tứ thiền thuộc Sắc giới. Sơ thiền, hành giả kinh nghiệm hỷ và lạc khi bỏ được vọng dục thô, thoát ra khỏi cõi Dục. Tuy nhiên, ở thứ bậc thiền nầy, hành giả vẫn còn hai loại dụng tâm (nghiên cứu và phân tích) cần phải vượt qua. Bậc thiền thứ hai hành giả trụ nơi hỷ lạc từ thiền định. Tầng thiền nầy là một cố gắng vượt qua tầng thiền trước, vì là khổ, thô, và chướng ngại. Tầng thứ ba, hành giả đạt đến an lạc khác với cái lạc thông thường. Tầng thiền thứ ba nầy không những hành giả hành thiền trong chứng nghiệm tam muội, mà còn hành thiền khi xuất tam muội. Tầng thiền thứ tư, hành giả trụ trong tâm kiên cố, ra khỏi cảm thọ khổ, vui. Nói cách khác, tứ thiền là trạng thái hành thiền thiện xảo. Như kết quả, không những phiền não diệt mà lạc cũng không còn; không khổ cũng không vui.
199 Bốn loại tương đương chỉ sự tu tập từ, bi, hỷ, và xã. Theo như sự giải thích của Trí Khải, bốn loại tương đương nầy dành cho người nhắm vào sự tu tập giá trị đức hạnh bên ngoài, sau khi chứng được bốn loại thiền bên trong.
200 Bốn loại Không tam muội là bốn trạng thái thuộc cõi Vô Sắc gồm Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Theo sự giải thích của Trí Khải, bốn trạng thái của hành giả muốn thoát ra tướng vọng hư. Đây gọi là bốn loại Không vì cái thấy về tướng đã bị diệt, nhưng tâm hành giả vẫn còn hiện hữu. Trạng thái thứ nhất là thấy được cái thấy sai lầm về tướng là gốc rễ của khổ. Trạng thái thứ hai là thấy được Không tịnh diệu. Trạng thái thứ ba là thoát khổ và vượt trên những lối nhìn sai lạc về tướng, để thành tựu được Không tam muội. Trạng thái thứ tư, cái thấy của hành giả về Không tướng chẳng khổ cũng chẳng lạc.Trong chứng nghĩệm thiền vị sâu thẳm, tâm hành giả không tán loạn, thấy được bầu hư không chẳng có tất cả tướng trạng.
201 Lục Diệu Môn( Liu miao men) được nói trong đề mục Bất Định Chỉ Quán(Pu-ting Chih-kuan) trong hệ thống tư tưởng của Trí Khải. Về tác phẩm Lục Diệu Pháp Môn của Trí Khải, đọc T46, No. 1917, 549-555. Có đến ba loại chỉ quán trong hệ thống tư tưởng của Trí Khải : Tiệm, Viên, và Bất Định. Chỉ có nghĩa là dừng tâm khi đối cảnh. Quán có nghĩa dùng trí tuệ diệt ô nhiễm.
202 Mười sáu thượng diệu chỉ sự tỉnh thức khi (1) thở vào, (2) thở ra, (3) hơi thở hoặc dài hoặc ngắn, (4) thở bằng toàn thân, (5) diệt thân nghiệp, (6) chứng nghiệm hỷ, (7) chứng nghiệm lạc, (8) điều tâm chứng nghiệm, (9) tâm hoan hỷ, (10) tâm tịnh, (11) tâm làm chủ, (12) quán vô thường, (13) quán sự diệt của thực tại, (14) quán xa lìa vọng dục, (15) quán diệt, (16) quán sự xa lìa. Đọc San-tsang fa-shu, pp. 499-500. Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn (Fa-chieh Tzi-ti Chu- men), T46, 673c-674c.
203 Thông minh thiền (Tung-ming-chan) gồm có: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Không xứ định, Thức xứ định, Vô sở hữu xứ định, phi tưởng phi phi tưởng xứ định, và Diệt tận định. Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn (Fa-chieh Tzi-ti Chu-men), T46, pp.674c-675b.
204 Cùng chỗ. Thêm chi tiết, đọc Liu-miao-men, T46, No.1917, 549-555
205 Huyền Nghĩa, T33, 718c
206 Đọc cùng chỗ
207 Cùng chỗ, p.719b
208 Chín loại quán tưởng có thể diệt được vọng dục trong sáu cõi : Chướng tưởng, Thanh ứ tưởng, Hoại tưởng, Huyết đồ tưởng, Nùng lạn tưởng, Tán tưởng, Cốt tưởng, Thiêu tưởng. Chín loại tưởng nầy cũng có trong Đại Trí Độ Luận, T25, 218a-b. Đọc thêm Chih-I, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn (Fa-chieh Tzi-ti Chu-men), T46, 675b-c.
209 Trí Khải giải thích rằng Bối (Pei) chỉ sự thanh tịnh của hành giả về ngũ dục, và Xả (She) chỉ tâm hành giả thoát khỏi sự ràng buộc. (Huyền Nghĩa, T33, 719b). Một tên khác cho Bát Bối Xả là Bát Giải Thoát. Vượt vòng ô nhiễm trong ba cõi, hành giả đạt giải thoát. Nầy là
(i) Nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát có nghĩa rằng khi hành giả có niệm tưởng về sắc tướng, liền quán bất tịnh để ngăn ngừa lòng dục phát sinh.
(ii) Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát có nghĩa mặc dù hành giả không nghĩ tưởng về dục, nhưng vẫn quán bất tịnh để vĩnh viễn không sinh khởi lòng dục.
(iii) Tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ có nghĩa hành giả đạt giải thoát với cách quán những màu sắc tươi sáng, thanh tịnh, tuyệt diệu, quý giá. Thân tác chứng có nghĩa khi hành giả quán những màu sắc nầy mà không sinh vọng dục, tức đắc giải thoát.
(iv) đến (vii): Không vô biên xứ giải thoát, Thức vô biên xứ giải thoát, Vô sở hữu xứ giải thoát và Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát, hành giả đắc giải thoát ở Vô Sắc Giới, nếu vượt qua vạn sự bằng cách quán Khổ, Không, Vô Thường, và Vô Ngã.
(viii) Diệt thọ tưởng định thân tác chứng cụ trụ hoặc Diệt Tận Định có nghĩa diệt thọ và tưởng trong thiền định, hành giả có thể diệt tất cả.
San-tsang Fa-shu, pp. 336-337. Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Fa-chieh Tzu-ti Chu-men (Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn), T46, 676c-677b.
210 Tám Thắng Xứ là quán sâu hơn hai phần trên, vì đã thuần thục về quán bất tịnh và quán tịnh. Chỉ về tám loại thiền khiến phát sinh trí sáng suốt vượt qua vọng dục, gồm có :
(i) Nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc thiểu thắng xứ
(ii) Nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc đa thắng xứ
(iii) Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc thiểu thắng xứ
(iv) Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc đa thắng xứ
(v) Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc thanh thắng xứ
(vi) Nội vô sắc tưởng quán hoàng thắng xứ
(vii) Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc xích thắng xứ
(viii) Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc bạch thắng xứ.
San-tsang Fa-shu, pp.337-338. Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Fa-chieh Tzu-ti Chu-men (Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn), T46, 677b-c.
211 Thập Nhất Thiết Xứ (Shih I-chieh-chu) quán chiếu mười yếu tố trên thế giới, gồm bốn màu sắc- xanh, vàng, đỏ, và trắng, và đất, nước, lửa, gió, Không, và Thức. Thêm phần giải thích chi tiết, đọc Chih-I, Fa-chieh Tzu-ti Chu-men (Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn), T46, 677c-678a.
212 Cửu thứ đệ tịnh gồm có bốn loại tam muội cõi Sắc (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, và tứ thiền), bốn loại tam muội cõi Vô Sắc (Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ) và Diệt thọ tưởng định. Cùng chỗ, pp. 678c-679a.
213 Sư tử phấn tấn tam muội : Lực của tam muội nầy sánh với uy lực của sư tử. Với tam muội nầy, hành giả có thể vượt qua được phần vô minh sau cùng còn sót lại, và có thể tức thời xuất nhập thiền không gián đoạn. Cùng chỗ, p. 679b-c.
214 Phần giải thích về chín loại đại thiền, đọc p.148, ghi chú 174.
215 Huyền Nghĩa, T33, 720b-c
216 Cùng chỗ, p. 721a
217 Cùng chỗ
218 Năm phiền não trói buộc : thấy sai lạc là một thứ trói buộc, suy tư sai lạc chia làm ba thứ lớp trói buộc, vô minh là một trói buộc. Như vậy, tất cả là năm thứ lớp trói buộc.
219 Bán tự (pan-tzu) đồng nghĩa với giáo pháp Thanh văn thừa, chỉ giáo pháp chứa một phần chân lý, hoặc chỉ ba pháp môn Tạng giáo, Thông giáo, và Biệt giáo. Thêm chi tiết, đọc ghi chú 2.
220 Mãn tự (man-tzu) đồng nghĩa với giáo pháp Đại thừa, chỉ giáo pháp toàn chân, hoặc chỉ Viên giáo. Thêm chi tiết, xem cùng chỗ.
221 Chánh giáo (Cheng) có nghĩa trong nội dung Tứ giáo, mỗi pháp môn là một chánh giáo.
222 Phụ giáo (Chu) có nghĩa từng pháp môn trong ba pháp môn Tạng, Thông, và Biệt có cái dụng giúp pháp môn kế tiếp. Điều nầy có nghĩa Tạng giáo giúp Thông giáo có mặt, Thông giáo giúp Biệt giáo có mặt, và Biệt giáo giúp Viên giáo có mặt.
223 So sánh Li Chih-fu, Miao-fa Lien-hua Ching Hsuan-I yen-chiu, vol. 1, p. 471, giải thích về mười sáu môn bao gồm bốn khía cạnh bán, mãn, chánh, phụ.
224 Những trợ đạo chỉ cho ba mươi bảy trợ đạo đưa đến giải thoát hợp lại thành bảy đề mục (i) Tứ niệm trụ, (ii) Tứ chánh cần, (iii) Tứ như ý túc, (iv) Ngũ căn, (v) Ngũ lực, (vii) Thất Bồ đề, (viii) Bát chánh đạo. So sánh Chappell, Tien Tai Buddhism, pp.93-95, p.110, note 16 ; Hurvitz, Chih-I, pp. 344-349. Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn ( Fa-chieh Tzi-ti Chu-men), pp. 681b-683a.
225 Huyền Nghĩa, T33, 721a
226 Tên gọi hai mươi lăm tam muội cùng với tên hai mươi lăm Hữu nói trong phần Thánh Hạnh kinh Đại Niết Bàn, T12, 448b.
227 Hai mươi lăm Hữu chỉ bốn cõi ác, bốn châu, sáu cõi trời Dục giới, Đaị Phạm Thiên cõi Sắc, Tứ thiền thiên cõi Sắc, bốn Không xứ thiên, Vô tưởng thiên, và A na hàm thiên cõi Vô Sắc. Phần tổng kết, đọc Hurvitz, Chih-I, pp. 339-342. Phân tích sâu hơn, đọc thêm hai mươi lăm tam muội trong phần Trí tuệ của Vô tác Tứ đế – thành tựu hai mươi lăm tam muội diệt hai mươi lăm Hữu, pp. 187-194. Trí Khải cũng nói về hai mươi lăm tam muội và hai mươi lăm Hữu trong Tứ giáo nghi (Ssu chiao-i). Đọc T46, 755c-758b.
228 Huyền Nghĩa, T33, 721c
229 Phần giải thích về Thập Địa, đọc ghi chú 104.
230 Huyền Nghĩa, T33, 722a.
231 So sánh cùng chỗ, p.722a-724a
232 Ba loại ô nhiễm sau cùng từ ba sự xếp loại về vọng theo Trí Khải là kiến tư hoặc, trần sa hoặc, và vô minh hoặc. Cái thứ nhất gồm hai phần thấy và nghĩ sai lạc, Thanh văn và Duyên giác có thể diệt được khi chứng ngộ lý Không, từ đó ra khỏi vòng luân hồi. Cái vọng thứ hai liên quan đến trần sa hoặc của Bồ tát, thấy rằng phương pháp quá nhiều đến đổi giống như cát bụi. Tuy nhiên, với sự quán chiếu về Giả tướng, Bồ tát có thể diệt được loại vọng nầy và chứng ngộ Giả đế. Loại vọng sau cùng là vô minh, ngăn Bồ tát vào Trung Đạo đế. Vọng nầy là chánh, vì kiến tư hoặc và trần sa hoặc đến từ vô minh. Căn bản vô minh chỉ có Phật Biệt giáo và Viên giáo diệt được qua phương tiện quán chiếu Trung Đạo. Đối trị ba loại vọng nầy, đọc Mou-Tsung-san, Fo-hsing Yu po-jo, vol.2, pp. 983-1016.
233 Giải thích về phần Tịnh giới tương ứng với những đức hạnh căn bản, đọc p. 150.
234 Phần giải thích về Bát Bối Xả, đọc ghi chú 209.
235 Phất Đề Bà Hữu, Cù Đà Ni Hữu, Uất Đơn Việt Hữu, và Diêm Phù Đề Hữu là bốn châu của nhân địa.
236 Ba mươi ba cõi trời chỉ Đao Lợi Thiên. Cõi trời nầy ngự trên đỉnh núi Diệu Cao (Tu Di). Chính giữa là cung vua trời Đế Thích, bốn góc núi trên đỉnh bằng phẳng có một đỉnh cao nơi tám vị thánh cư trú. Tổng cộng là ba mươi ba vị thánh trú trên đỉnh. Japanese-English Buddhist Dictionary, p.320, s.v. Tori-ten.
237 Tầm (vitarka) và Quán (vicara) là hai hoạt dụng của tâm, Tầm là quán thô, Quán là quán tế. Đọc phần tự điển trong ghi chú 236, p.137, s.w.Jinshi.
238 Hữu nầy chỉ bậc thứ tư của Sơ Thiền, gọi là Đại Phạm.
239 Chan-jan (Trạm Nhiên) giải thích rằng hai lần Không là khái niệm của cả hai kiến hoặc và tư hoặc là Không; hai lần Giả là niệm của kiến hoặc và tư hoặc về Giả; hai lần Trung Đạo là niệm của kiến hoặc và tư hoặc vào Pháp Giới. hai lần Trung Đạo chỉ Trung Đạo phản ảnh hai lần phủ định, hai lần xác định, đó là Chẳng Không, chẳng Giả, và cả hai Không và Giả. Đọc Miao-fa Lien-hua Ching Hsuan-I Shih-chien, T33, 880b.
240 Đây là cõi thứ nhất trong bốn cõi thuộc cõi Vô Sắc.
241 Đây là cõi thứ hai trong bốn cõi Vô Sắc.
242 Đây là cõi thứ ba trong bốn cõi Vô Sắc.
243 Đây là cõi thứ tư trong bốn cõi Vô Sắc
244 Huyền Nghĩă, T33, 725b
245 Cùng chỗ
246 Cùng chỗ
247 Cùng chỗ, p. 725c
248 Đọc kinh Pháp Hoa, T9, p.31c
249 Cùng chỗ, T9, p.18c
250 Huyền Nghĩa, T33, p. 725c
251 Pháp Hoa, T9, 8a.
252 Cùng chỗ, 31c
253 Huyền Nghĩa, T33, 725c
254 Pháp Hoa, T9, 31c
255 Cùng chỗ, 725b
256 Cùng chỗ, 725c
257 Pháp Hoa, T9, 31c
258 Huyền Nghĩa, T33, 725c
259 Cùng chỗ
260 Huyền Nghĩa, T33, 726b
261 Đọc Pháp Hoa, T9, 19b. Thêm chi tiết, đọc Swanson, Foundations of Tien Tai Philosophy, p. 318, note 325.
262 Năm giới là : Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Thêm chi tiết, xem Chih-I, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn (Fa-chieh Tzu-ti Chu-men), T 46, 670c-671a.
263 Chuyển Luân Vương là vị vua cai trị thế giới trên luân xa. Luân xa nầy có từ cõi trời vị vương nầy cai quản. Có bốn loại : Xe vàng, xe bạc, xe đồng và xe sắt. Vị vương ngự trên xe vàng cai trị bốn phương, vị ngự trên xe bạc cai trị phương Đông, Tây, và Nam, Vị ngự trên xe đồng cai trị Đông và Nam, vị ngự trên xe sắt cai trị phương nam. Bốn thánh vương nầy trú ở bốn tầng trời quanh núi Diệu Cao (Tu Di). Núi Diệu Cao là núi cao nhất trên thế giới, vươn lên từ trung tâm của thế giới. Japanese-English Dictionary, p.317, s.w. Tenrimo.
264 Thập Thiện chỉ Ngũ Giới không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu, không nói lời ác, không lừa đão, không che dấu lỗi, không giận dữ, và không ngu si. Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn (Fa-chieh Tzu-ti Chu-men), T46, 669c-670a.
265 Sáu cõi trời thấp nhất thuộc Dục giới là : (i) Tứ Thiên Vương Thiên, (ii) Đao Lợi Thiên, (iii) Dạ Ma Thiên, (iv) Đâu Suất Thiên, (v) Hóa Lạc Thiên, (vi) Tha Hóa Tự Tại Thiên. San-tsang Fa-Shu, p.276.
266 Đây là bốn cõi Tứ Thiên Vương.
267 Tên của bốn cõi trời và mười trụ xứ trong mỗi tầng trời được nói đến trong Cheng-fa Nien-chu Ching. Đọc T17, No.721, 125a-b.
268 Những chúng sinh tu tập thiện, trụ nơi Phật, Pháp, và Tăng với tâm tâm thanh tịnh, có thể tái sinh nơi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 125b-c.
269 Chúng sinh nguyện làm thuyền, cầu, giữ giới và giúp người khác không phạm tội ác, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 125c-126a.
270 Những chúng sinh giữ gìn thân, khẩu, ý, từng trồng cội cây lành làm lợi ích người, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 126a-c.
271 Những chúng sinh cúng dường Phật và tháp Phật với hoa, trong khi quán chiếu và tu tập phước hạnh, có thể tái sinh vào cõi nầy. So sánh cùng chỗ, pp. 126c-127b.
272 Những chúng sinh cúng dường Phật với hoa, tín và giới, có thể tái sinh vào cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 127b-c.
273 Những chúng sinh cứu độ người khác bằng cách dập tắt lửa vọng dục, có thể tái sinh vào cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 127c-128a.
274 Những chúng sinh luận thiền trong gia đình, thân thuộc, bạn bè, có thể tái sinh vào cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 128a-129a.
275 Những chúng sinh dùng trí tuệ thuyết giảng những pháp Phật đã được nghe, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 129a.
276 Những chúng sinh cúng dường tăng chúng với lòng tin thanh tịnh, làm trang nghiêm tháp Phật, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 129a-b.
277 Những chúng sinh giữ giới, cúng dường y phục cho tăng chúng, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 129b-c.
278 Những chúng sinh giữ giới, trụ nơi Phật, Phát, và Tăng có thể tái sinh vào cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 129c-130a.
279 Những chúng sinh có tín tâm và giữ giới, có bi tâm làm lợi ích người, cúng dường tháp Phật, có thể tái sinh vào cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 130a-c.
280 Những chúng sinh giữ giới luật, từng bố thí cúng dường, và những chúng sinh cúng dường những vật quý giá có thể tái sinh vào cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p.130c.
281 Những chúng sinh trải hoa thơm cúng dường tháp Phật có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, pp. 130c-131a.
282 Những chúng sinh giữ giới luật với lòng tin, từng cúng dường quạt, lọng cho các tỳ khiêu có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p.131a-c.
283 Những chúng sinh từng cúng dường nước uống, nước tắm rửa cho người khác có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, pp.131c-132a.
284 Những chúng sinh giữ giới luật, từng săn sóc người bệnh với tâm bi có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 132a-b.
285 Những chúng sinh với tín tâm thanh tịnh, từng cứu tù nhân khỏi lao ngục mà không cần báo đáp, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, pp. 132b-133a.
286 Những chúng sinh giữ giới, tin Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), từng bố thí cúng dường, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p.133a-b.
287 Những chúng sinh giữ giới với lòng tin thanh tịnh, từng cứu người tội phạm có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p.133b.
288 Những chúng sinh giữ giới với lòng tin thanh tịnh, từng giữ gìn cây cối khiến ma và chư thần có chỗ trú ngụ, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, pp. 133c-134a.
289 Những chúng sinh tu tập và giữ giới với lòng tin thanh tịnh, từng xây ao sen cúng dường Phật, Pháp, và Tăng có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p.134a.
290 Những chúng sinh giữ thân, khẩu, và ý thanh tịnh, từng xây ao sen cúng dường Tam Bảo, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, pp. 134a.
291 Những chúng sinh có lòng tin thanh tịnh, từng bố thí cúng dường y phục cho tỳ khiêu, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p.134b-135a.
292 Những chúng sinh có tín tâm và bi tâm, từng cúng dường thực phẩm cho đủ hạng chúng sinh, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 135a.
293 Những chúng sinh từng xây nhà cho người trú ngụ, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p.135b.
294 Những chúng sinh giữ cấm giới, làm lợi ích mọi người, chân thực, tử tế bố thí thực phẩm cho kẻ nghèo, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p.135b-c.
295 Những chúng sinh săn sóc người bệnh với lòng mong cầu cho người giải thoát bệnh tật, có thể tái sinh nơi nầy. So sánh cùng chỗ, pp. 135c-136a.
296 Những chúng sinh bố thí nước sạch mát cho người sắp chết, khát nước và sợ hải, có thể tái sinh nơi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 136a.
297 Những chúng sinh tu tập thiền định, muốn xa lìa dục lạc cõi người, có thể tái sinh nơi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 136a-b.
298 Những chúng sinh đã cúng dường tăng chúng với hoa quả tươi tốt, có thể tái sinh nơi nầy. So sánh cùng chỗ, pp. 137c-137a.
299 Những chúng sinh, tu tập tịnh nghiệp, thuyết pháp cho kẻ xấu, khiến sinh tâm thanh tịnh và lòng tin vào pháp Phật, có thể tái sinh nơi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 137a-b.
300 Những chúng sinh tu tập tịnh nghiệp, với đức tin trong sạch, bố thí nước tươi mát cho người khiến người an vui, có thể tái sinh nơi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 137b-c.
301 Những chúng sinh tu tập thiện nghiệp, với tín tâm và bi tâm, từng mang nước bố thí cho người sắp chết, mong kéo dài mạng sống cho người, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 138a-b.
302 Những chúng sinh với tâm thanh tịnh, từng sửa sang chùa, tháp, khuyến khích chúng sinh cùng làm, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 138b-139a.
303 Những chúng sinh có lòng tin và nghiêm trì giới luật, từng bố thí, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 139a-b.
304 Những chúng sinh giữ giới, khiến người khác sinh tâm thanh tịnh, bố thí và trì giới, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, pp. 139b-140b.
305 Những chúng sinh tu tập với đức tin và giữ giới, bố thí, hành trì nghi lễ tôn giáo, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, pp. 140c-141a.
306 Những chúng sinh từng cứu người tự vẩn, săn só như con đẻ của chính mình, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p. 141a-c.
307 Những chúng sinh cứu người thoát khổ, thanh tịnh thân, khẩu, ý, dạy chánh đạo cho người, làm lợi ích khiến người sinh tâm hỷ lạc, có thể tái sinh cõi nầy. So sánh cùng chỗ, p.141c.
308 Đao Lợi Thiên chĩ cõi trời thứ ba mươi ba, cai quản bởi Đế Thích. Xem thêm chi tiết, pp. 143b-209a.
309 Bảy giới luật của Phật là : không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không phỉ báng, không nói lời ác, không lừa đão. Sự mô tả các giới đưa đến các cõi trời, qua kinh Cheng-fa Nien-chu Ching (Chánh Pháp Niệm Trụ Kinh), T17, p. 142b-c.
310 Thêm chi tiết về cõi trời Dạ Ma, đọc cùng chỗ, pp. 209a-378c.
311 Chúng tôi có thể nhắc lại cùng tên gọi trí thứ hai trong hai mươi lăm trí : Trí của Ngũ Đình Tâm và Tứ Niệm Trụ. Đọc mô tả của chúng tôi trang 113ff. Chúng ta có thể nói rằng ba vị đầu trong thất hiền vị liên hệ đến loại tri nầy. Chúng tôi muốn ghi chú rằng tên của trí và quả vị hợp nhau phản ảnh sâu sắc hệ thống hành trì của Trí Khải liên quan đến trí và vị. Nhiều thứ trí khác nhau thành tựu từ những lối hành trì khác nhau biểu thị đặc tính của hành, và những quả vị hợp với trí cho thấy kết quả của hành qua sự điều phục và diệt ô nhiễm từng thứ bậc chứng đắc.
312 Theo lối nhìn của chúng tôi, bốn thứ bậc sau cùng của thất hiền vị liên hệ đến bậc thứ ba trong hai mươi bậc trí : Tứ Thanh Tịnh Trí, vì quả vị và trí quy về cùng chỗ. Chi tiết về Tứ Thanh Tịnh Trí, đọc p. 114.
313 Chú giải về Ngũ Đình Tâm Quán, đọc p. 113, ghi chú 86.
314 Năm chướng ngại trên đường Đạo chỉ tham dục, giận dữ, ngu si, nghiệp chướng, và tán loạn.
315 Huyền Nghĩa, T33, 727c.
316 Fa Hsing Ssu chieh (Đưa đến cái hiểu giống nhau) có thể nói về trí tuệ tương tự trí tuệ vô lậu của bậc A La Hán, với trí tuệ nầy, hành giả đạt đến sự hài hòa về hình tướng. Bậc nầy tương đương với Thập Tín thuộc Biệt giáo, trong đó những phương tiện của đời sống dung hòa và suy tưởng nội tâm tương hợp với kinh điển. Đọc Chappell, Tien Tai Buddhism, p.161, p.172, note 81.
317 Giải thích về Chân Vô Lậu (chen-wu-lou), đọc p.36, note 55.
318 Mười sáu khía cạnh sống động là mười sáu phương cách phân tích ý nghĩa của Tứ Đế, bao gồm bốn phần cho mỗi đế. Khổ Đế được phân tích như chứa đựng ý nghĩa vô thường, khổ, Không và vô ngã. Tập Đế nói về nhân khổ, hội tụ, diễn biến và duyên. Diệt Đế chỉ sự xa lìa những trói buộc vật lý, những an định của phiền não, giới hạn những bất an, và thoát ra những hoàn cảnh khó khăn. Trong Đạo Đế, thấy được con đường dừng nghỉ, tương đương với chân lý, hành trì đưa đến Niết Bàn, và vượt trên sinh tử.
319 Huyền Nghĩa, T33, 728a.
320 Cùng chỗ, p. 728a. Thất Thánh Vị gồm có bốn quả vị Thanh Văn, và vì thế có thể liên quan đến bậc trí thứ tư trong hai mươi bậc trí : Tứ Quả Trí (Ssu-kuo-chih). Mô tả của chúng tôi về phân tích của Trí Khải đối với Tứ Quả Trí, đọc p. 115.
321 Huyền Nghĩa, T33, 728a.
322 Tám mươi tám loại ô nhiễm kết quả từ kiến hoặc, gồm hai nhóm : ngũ chướng, và ngũ kiến hoặc. Ngũ chướng gọi là Phiền não chướng, Nghiệt chướng, Sinh chướng, Phát chướng, và Sở tri chướng. Đây là ba mươi hai loại ô nhiễm trong cõi Dục, hai mươi tám loại ô nhiễm trong các cõi Sắc và Vô Sắc. Tóm lại, có tám muơi tám loại ô nhiễm trong ba cõi. Thêm chi tiết, đọc Chappell, Tien Tai Buddhism, pp. 90-91; Chih-I, Fa-chieh Tzu-ti Chu-men, T46, 669a-b ; Hurvitz, Chih-I, pp. 249-250.
323 Có tất cả chín thứ bậc ô nhiễm trong cõi Dục. Tư hoặc như phiền não, tham, sân, si. Bốn loại nầy gồm có chín thứ bậc cao, trung bình, và thấp (vì mỗi loại có ba bậc, cộng lại là chín). Mỗi tầng có chín bậc phiền não. Cõi Sắc và Vô Sắc, mỗi cõi có bốn bậc, vì vậy, có bảy mươi hai thứ bậc phiền não trong hai cõi nầy. Trong khi có tám mươi tám loại kiến hoặc, có tám mươi mốt loại tư hoặc trong ba cõi.
324 Huyền Nghĩa, T33, 728c.
325 Trí Khải kể ra sáu loại A La Hán. Năm bậc đầu gọi là A La Hán giải thoát từng phần, và bậc sau cùng gọi là A La Hán giải thoát toàn diện. Sáu bậc A La Hán là : Thoái pháp A La Hán, Tư pháp A La Hán, Hộ pháp A La Hán, Trụ pháp A La Hán, Kham đạt pháp A La Hán, và Bất động pháp A La Hán.
326 Duyên Giác quả vị tương quan đến trí Duyên Giác, vì cả hai quả vị và trí tương quan với hành trì của bậc Duyên Giác. Phần nói về loại trí nầy, đọc p.126.
327 Quả vị Bồ Tát Tạng Giáo liên quan đến Phật trí Tạng Giáo, vì cả hai trí và vị liên quan đến hành của Đức Thích Ca Mâu Ni trong những kiếp quá khứ. Phần nói về Phật trí thuộc Tạng Giáo, xem pp.119-120.
328 Phần giải thích về Tứ Niệm Trụ, xem ghi chú 87.
329 Bát Điên Đảo (pa-tao) : Thường điên đảo, Lạc điên đảo, Ngã điên đảo, Tịnh điên đảo, Vô thường điên đảo, Vô lạc điên đảo. Vô ngã điên đảo, Vô tịnh điên đảo. Hai nhóm kiến hoặc cộng lại thành tám.
330 Gồm có : Một là cần tinh tiến để đoạn trừ điều ác đã sinh. Hai là tinh tiến khiến điều ác chưa sinh sẽ chẳng phát sinh. Ba là tinh tiến khiến điều thiện chưa sinh sẽ phát sinh. Bốn là tinh tiến khiến điều thiện đã sinh càng tăng trưởng. So sánh cùng chỗ, Chappell, Tien Tai Buddhism , p.94 ; Hurvitz, Chih-I, pp.344-345. Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Fa-chieh Tzu-ti Chu-men, T46, 681c.
331 Gồm có :Dục, Niệm, Cần, và Quán. So sánh cùng chỗ, Chappell, Tien Tai Buddhism, p. 94; Hurvitz, Chih-I, p.345. Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Chánh Pháp Thứ Đệ Sơ Môn (Fa-chieh Tzu-ti Chu-men), T46, 682a.
332 Ngũ Căn đưa hành giả đến chỗ thiện, gồm có (1) Tín căn ngăn ngừa sái quấy, (2) Tinh tiến căn ngăn ngừa biếng lười, (3) Niệm căn ngăn ngừa lòng sân hận, (4) Định căn ngăn tội ác, và Tuệ căn ngăn ngừa ngu si. So sánh cùng chỗ, Chappell, Tien Tai Buddhism, p.94; Hurvitz, Chih-I, p.345.Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Fa-chieh Tzu-ti Chu-men, T46, 682a.
333 Đó là : (1) Tín lực giúp hành giả vượt qua phiền não, (2) Tinh tiến lực giúp hành giả thấy được chân lý, (3) Niệm lực giúp hành giả phá tà niệm, thành tựu chánh niệm, (4) Định lực giúp hành giả phá loạn tưởng, vào được thiền định, (5) Tuệ lực giúp hành giả phá được các hoặc. So sánh cùng chỗ, Chappell, Tien Tai Buddhism, p.94; Hurvitz, Chih-I, p. 345. Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Fa-chieh Tzu-ti Chu-men, T46, 682a-b.
334 Là bảy phẩm hạnh của trí tuệ : Niệm xứ, Chánh cần, Như ý, Căn, Lực, Giác chi, Chánh đạo. Chappell, Tien Tai Buddhism, pp.94-95; Hurvitz, Chih-I, pp.345-346. Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Fa-chieh Tzu-ti Chu-men, T46, 682a-b.
335 Phần giải thích về Bát Chánh Đạo, xem ghi chú 173.
336 Phần giải thích về chân vô lậu, xem ghi chú 55.
337 Huyền Nghĩa, T33, 730a. Sự tụ hội của bốn pháp nhẫn trong cõi Dục và bốn loại nhẫn trong hai cõi Sắc và Vô Sắc, gọi là Bát Nhẫn (Pa-jen). Bát Nhẫn là lý nhẫn trong Tứ Đế. Bốn pháp nhẫn trong cõi Dục là :Khổ pháp nhẫn, Tập pháp nhẫn, Diệt pháp nhẫn, và Đạo pháp nhẫn. Bốn loại nhẫn trong hai cõi Sắc và Vô Sắc là : Khổ loại nhẫn, Tập loại nhẫn, Diệt loại nhẫn, và Đạo loại nhẫn. Tám nhẫn nầy có thể giúp hành giả phá được cái thấy sai lầm trong ba cõi. San-tsang Fa-shu, p.341. Bên cạnh Bát Nhẫn, có Bát Trí là kết quả trực ngộ pháp Tứ Đế. Vì Tam Thừa ở đây vẫn chưa đạt dược Bát Trí nên Trí Khải cho rằng thiếu trí tuệ.
338 Huyền Nghĩa, T33, 730a. Phần giải thích về tám mươi tám kiến hoặc, đọc ghi chú 484.
339 Về Tư Hoặc (Ssu-huo), có tám mươi mốt thứ lớp. Trong cõi Dục, có chín lớp. Đọc chi tiết ghi chú 482.
340 Vô Ngại (wu-ai) nói về hành giả tu tập quán chiếu, diệt ô nhiễm. Vì có chín thứ lớp ô nhiễm trong mỗi bậc, cũng có chín thứ lớp vô ngại khiến diệt được chín thứ lớp ô nhiễm, từ đó hành giả chứng đắc được chín thứ bậc giải thoát. San-tsang Fa-shu, p.532.
341 Huyền Nghĩa, T33, 730a.
342 Cùng chỗ, p.730a. Năm trói buộc của cõi dưới là : tham lam, giận dữ, tà tín, tà hạnh, và nghi ngờ, giữ chúng sinh trong vòng luân hồi ở các cõi thấp tức Dục giới. Japanese-Chinese Buddhist Dictionary, p.78, s.w. Gorebun-ketsu. Diệt năm vòng trói buộc của cõi Dục tức diệt chín thứ lớp ô nhiễm.
343 Có tám mươi một thứ lớp Tư Hoặc trong ba cõi. Thêm chi tiết, xem ghi chú 482.
344 Năm trói buộc của cõi cao hơn là sắc ái tức tư hoặc của cõi Sắc, vô sắc ái tức tư hoặc của cõi Vô Sắc, loạn động, mạn, và vô minh, trói buộc chúng sinh trong cõi Sắc và Vô Sắc, khiến không thể vượt thoát vòng luân hồi trong hai cõi nầy. Japanese-Chinese Dictionary, p.82, s.w. Gorebun-ketsu.
345 Huyền Nghĩa, T33, 730a.
346 Cùng chỗ
347 Mười lực đến từ trí Như Lai (1) biết đúng sai, (2) biết nghiệp quả, (3) biết các thiền định tam muội (4) biết khả năng cao thấp của chúng sinh (5) biết cái chúng sinh hiểu (6) biết cội nguồn của chúng sinh (7) biết luật tái sinh (8) biết quá khứ (9) biết sinh tử ba đời của chúng sinh (10) biết đoạn diệt phiền não trong chính mình và cho chúng sinh. Japenese-English Buddhist Dictionary, p.153, s.w. Gorebun-ketsu. Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn (Fa-chieh Tzu-ti Chu-men), T46, 694a-c.
348 Tứ Vô Úy của Phật là : Nhất Thiết Trí Vô Úy, Lậu Tâm Vô Úy, Thuyết Chướng Đạo Vô Úy, và Thuyết Chân Lý Diệt Khổ Vô Úy. San-tsang Fa-shu, p.119. Thêm chi tiết, đọc Chih-I, Fa chieh Tzu-ti chu-men (Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn), T46, p.694c-695a.
349 Bồ Tát Thông Giáo liên hệ đến Phật trí Thông Giáo (Tung-chiao-fo Chih) vì cả hai chỉ sự chứng đắc cao nhất thuộc Thông Giáo. Chi tiết về loại trí nầy, đọc p.120.
350 Hai loại Niết Bàn là Hữu Dư Niết Bàn và Vô Dư Niết Bàn. Hữu Dư Niết Bàn có nghĩa là phải diệt trừ tất cả chướng ngại, nhưng vẫn còn mang thân tứ đại; Vô Dư Niết Bàn có nghĩa không còn thân tứ đại và đã trụ được nơi tịch tĩnh. Japanese-English Buddhist Dictionary, p.289, s.w. Shishu-nehan.
351 Huyền Nghĩa, T33, 730a.
352 Phần giải thích về Thập Tín, xem ghi chú 97.
353 Tam thập tâm chỉ Thập Trụ, Thập Hạnh, và Thập Hồi Hướng. Thêm chi tiết, xem ghi chú 100.
354 Phần nói về trong và ngoài ba cõi, xem ghi chú 41.
355 Phần giải thích về Thập Địa, xem ghi chú 103.
356 Huyền Nghĩa, T33, 730b.
357 Ngũ thần thông chỉ Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông, Túc Mạng Thông, và Thần Túc Thông.
358 Huyền Nghĩa, T33, 731b.
359 So sánh cùng chỗ, T33, 731b-c.
360 So sánh cùng chỗ, 731c-732b.
361 Phần giải thích về Thập Tín, xem ghi chú 97. Quả vị Thập Tín Biệt Giáo liên quan đến Thập Tín Trí. Xem phần nói về trí nầy, p.117-118.
362 Đọc phần mô tả, pp. 179-181.
363 Đọc p.186 .
364 Đọc p.192.
365 Phần giải thích về Thập Trụ, xem ghi chú 100. Quả vị Thập Trụ cùng với Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng liên quan đến trí của tam thập tâm. Phần nói về trí nầy, xem p. 118-119.
366 Đọc phần mô tả p.181-182.
367 Đọc p.188.
368 Xem p.193-194.
369 Phần giải thích về Thập Hạnh, xem ghi chú 100.
370 Đọc phần mô tả p.181.
371 Phần giải thích về Thập Hồi Hướng, xem ghi chú 100.
372 Đọc phần mô tả, p.182.
373 Đọc phần mô tả, pp.183-184.
374 Quả vị thứ sáu và thứ bảy thuộc Biệt Giáo liên quan đến Phật trí Biệt Giáo (Pieh-chiao-fo Chih), vì cả hai quả vị và trí chỉ sự chứng đắc cao nhất thuộc Biệt Giáo. Phần nói về loại trí nầy, đọc p.120.
375 Chữ Giả trong văn mạch nầy chỉ cái thấy sai lạc của kẻ vô minh đã tưởng lầm những hiện hữu giả tạm là thật. Cái nhìn về Giả nầy khác với cái thấy của các vị Bồ Tát là những bậc đã nhìn chính xác Giả tức những hiện hữu giả tạm, nhưng vì muốn cứu độ chúng sinh mà bước vào Giả. Vì cái thấy Giả của Bồ Tát dựa vào Không nên Bồ Tát không bị trói buộc vào những hiện hữu giả tạm.
376 Tứ Đế nầy là một trong năm hạnh của Bồ Tát qua Giới, Định, và Tuệ. Thêm chi tiết, đọc pp. 149-170.
377 Điều Trí Khải muốn nói là bằng cách giữ Giới và Định, hành giả có thể vượt qua cái thấy và nghĩ sai lạc trong tam giới, là cái dụng của quả vị Thập Tín.
378 Điều Trí Khải muốn đưa ra là bằng cách giữ Tuệ thuộc Sinh Diệt và Vô Sinh Diệt Tứ Đế, hành giả có thể diệt kiến hoặc, tư hoặc, và trần sa hoặc trong ba cõi, và điều phục được trần sa hoặc ngoài ba cõi, là cái dụng của quả vị Thập Trụ.
379 Điều Trí Khải muốn đưa ra là bằng cách giữ Tuệ thuộc Vô Lượng Tứ Đế, hành giả có thể diệt được trần sa hoặc ngoài ba cõi, là cái dụng của quả vị Thập Hạnh.
380 Điều Trí Khải muốn nói là bằng cách tu tập Trung Đạo và Tuệ thuộc Vô Tác Tứ Đế, hành giả có thể điều phục căn bản vô minh, là cái dụng của quả vị Thập Hồi Hướng.
381 Kinh Pháp Hoa, T9, 18c.
382 Brook Ziporyn nói rằng định nghĩa chính xác của Trí Khải về Thanh Văn (nghe âm thanh) trong đoạn văn khiến âm thanh của Phật được nghe bởi tất cả chúng sinh là một sự quảng thuyết nghĩa chật hẹp của Thanh Văn Thừa, trở thành Thanh Văn Đại Thừa hoặc Bồ Tát Thừa. So sánh cùng chỗ, How to Will Backwards : Time, Forgetting and Repetition in the Lotus Sutra, Chung-Hwa Buddhist Journal, No.13 (2000) p.55.
383 Phần diễn tả về năm hạnh thuộc Viên Giáo, pp. 171-174.
384 Đây là một đoạn kinh Pháp Hoa, T9, 7b.
385 Kinh Pháp Hoa chỉ giải thích về Ngũ Phẩm Vị (Five Preliminary Grades) và Lục căn thanh tịnh (Six Purified Sense-Organs) (T9, 51a). Đọc Chappell, Tien Tai Buddhism, pp.146-152, p.164, ghi chú 20, 21. Trong phần tiểu sử của Trí Khải Đại Sư, Quán Đỉnh ghi lại rằng Trí Khải đã chứng đắc được Ngũ Phẩm Vị (T46, 1b). Ngoài sự kiện đây là quả vị bắt đầu cho năm mươi hai quả vị Bồ Tát trong hệ thống tư tưởng của Trí Khải, Đại Sư cũng nhấn mạnh rằng những quả vị khác nhau thuộc Viên giáo (gồm có Ngũ Phẩm Đệ Tử Vị), cũng bình đẳng siêu việt trong sự diệt trừ kiến hoặc và tư hoặc, và căn bản vô minh. Điều nầy có nghĩa rằng Ngũ Phẩm Đệ Tử Vị có thể khéo điều phục kiến hoặc, tư hoặc và căn bản vô minh. cũng như thế, Mou-Tsung-san tán thán, và nhấn mạnh rằng, ý nghĩa của quả vị nầy, từ cái nhìn tương quan với quả vị lục căn thanh tịnh, quả vị sau tương đương với vị Thập Tín Biệt Giáo. Ông lập luận rằng Ngũ Phẩm Đệ Tử Vị và Lục Căn Thanh Tịnh Vị có thể được xem là một, là nơi hành giả đã điều phục được căn bản vô minh, mặc dù chưa hoàn toàn đoạn diệt. Về lập luận nầy, đọc Mou-Tsung-san, Fo-hsing Yu Po-jo, vol.2, pp.911-1023. Phần phiên dịch Anh ngữ đoạn kinh Pháp Hoa liên quan đến Ngũ Vị, đọc Hurvitz, Chih-I, pp.268-270.
386 Huyền Nghĩa, T33, 733b.
387 Về Thập Tín thuộc Viên Giáo, đọc Mao-Tsung-san, Fo-hsing Yu-Po-jo, vol.2, pp.935-949. Đọc thêm Chappell, Tien Tai Buddhism, pp.152-155.
388 Phần mô tả về loại trí nầy, đọc p.121.
389 Phần nói về Tứ Thanh Tịnh, đọc pp.181-182.
390 Tung (con đường) chỉ lối Niết Bàn, diệt khổ, trí tuệ diệt nhân và duyên, Lục Độ, và Tam Quán trong nhất niệm. Sai (chướng ngại) chỉ khổ, nhân khổ, mười hai nhân duyên, sáu chướng ngại (vì đối lập với Lục Độ), vô lượng phiền não, và căn bản vô minh. Đọc Chappell, Tien Tai Buddhism, p.182.
391 Phần giải thích về ba mươi bảy trợ đạo đưa đến chứng ngộ, đọc ghi chú 24.
392 Phần nói về Ngoại Phần (wai-fan) và Nội Phần (nei-fan), đọc p.34, ghi chú 45. Chi tiết về Thất Thánh, đọc pp.182-185.
393 Quả vị Thập Trụ cùng những quả vị Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác liên quan đến trí từ sơ quả Thập Trụ đến Đẳng Giác. Về quả vị Thập Trụ thuộc Viên Giáo, đọc Mou-tsung-san, Fo-hsing Yu po-jo, vol.2, pp.949-959. Đọc Chappell, Tien Tai Buddhism, pp.156-158.
394 Huyền Nghĩa, T33, 734b. Phần nói về Thập Trụ, đọc ghi chú 100.
395 Huyền Nghĩa, T33, 734a
396 Cùng chỗ
397 Cùng chỗ
398 Cùng chỗ
399 Cùng chỗ
400 Cùng chỗ
401 Cùng chỗ
402 Cùng chỗ
403 Cùng chỗ
404 Cùng chỗ, p.734b.
405 Về quả vị Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, và Diệu Giác Viên Giáo, đọc Mou-Tsung-san, Fo-hsing Yu Po-jo, vol.2, pp.959-968. Đọc thêm Chappell, Tien Tai Buddhism, pp.158-160.
406 Huyền Nghĩa, T33, 734b. Mười thứ lớp vô minh (Shih-pinWu-ming) chỉ căn bản vô minh mà Bồ Tát vẫn còn dù đã chứng Thập Địa. Mỗi thứ bậc trong Thập Địa chứa đựng một căn bản vô minh, Bồ Tát lần lượt vượt qua.
407 Huyền Nghĩa, T33, 734c. Phần giải thích về Thập Hồi Hướng Biệt Giáo, đọc ghi chú 100.
408 Huyền Nghĩa, T33, 734c. Phần giải thích về Thập Địa Biệt Giáo, xem ghi chú 103.
409 Phần diễn tả về loại trí nầy, đọc pp.133-134.
410 Đoạn văn giải thích nầy được trưng dẩn, liên quan đến Phẩm Phương Tiện, từ Ngài Huệ Tư là tôn sư của Trí Khải.
411 Kinh Pháp Hoa, T9, 5c.
412 Phần nói về những điều phục và diệt vọng trong những quả vị khác nhau thuộc Viên Giáo, đọc Mou-Tsung-san, Fo-hsing Yu Po-jo, vol.2, pp.969-975.
413 Huyền Nghĩa, T33, 735c.
414 Cùng chỗ, pp. 735c-736a. Phần giải thích về Thập Tín, xem ghi chú 98. Phần giải thích về cái hiểu tương tự (hsiang-ssu chieh), xem ghi chú 477.
415 Huyền Nghĩa, T33, 736a.
416 Cùng chỗ.
417 Phần nói về công dụng của những quả vị Viên Giáo, đọc Mou-tsung-san, Fo-hsing Yu Po-jo, vol.2, p.975-981.
418 Huyền Nghĩa, T33, 736c.
419 Bốn chỗ nương dựa bắt nguồn từ phẩm Tứ Y (Ssu-I pin) thứ sáu trong kinh Đại Niết Bàn, chỉ bốn hạng người chứng đắc tứ quả A La Hán (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, và A La Hán) mà chúng sinh có thể nương dựa. Trong văn mạch nầy, tuy nhiên, tứ y chỉ quả vị Bồ Tát là những bậc đã chứng đắc quả vị Viên Giáo.
420 Bốn số phận (destinies) chỉ cho bốn thứ lớp trói buộc (ssu chu). Thêm chi tiết, xem ghi chú 613.
421 Huyền Nghĩa, T33, p.737a.
422 Cùng chỗ, p.737b.
423 Chánh sự trong tam giới (Chieh-nei Shih-shan) có nghĩa rằng nếu hành giả hiểu Không bằng cách phân tích các pháp, thì đây là tánh thanh tịnh của Sự trong tam giới.
424 Tà sự trong tam giới (Chieh-nei Shih-eh) có nghĩa rằng nếu hành giả không thể thấy được ngay nơi tướng hiện tượng là Không, thì đây là tà kiến thuộc tam giới.
425 Chánh lý trong tam giới (Chieh-nei Li-shan) có nghĩa rằng nếu hành giả có thể chứng ngộ tất cả pháp nơi đó là Không, thì đây là chánh lý trong tam giới.
426 Tà lý trong tam giới (Chieh-nei Li-eh) có nghĩa rằng nếu hành giả nhìn tất cả pháp là thực hữu, và chia chẻ pháp như đường lối để đạt đến Không, thì đây là tà kiến, vì tất cả pháp tức Không như Lý trong tam giới.
427 Chánh lý ngoài tam giới, có nghĩa rằng nếu hành giả có thể nhìn thấy thế giới hiện tượng là hiện hữu giả tạm, từ đó bước vào đời cứu giúp chúng sinh, đây là chánh lý vượt trên tam giới.
428 Trần sa hoặc, có nghĩa là chỉ thấy được rằng thế giới hiện tượng vô số không tính kể mà không thấy được Trung Đạo trong tất cả pháp, đây là tà kiến, bởi vì thực tánh trong một pháp bao gồm muôn pháp, và muôn pháp là những mặt khác nhau của một pháp.
429 Chánh lý ngoài tam giới, có nghĩa là nếu hành giả thông đạt Trung Đạo như nguyên lý nằm trong vạn pháp, thì đây là chánh lý vượt trên ba cõi, đây cũng là cái thấy viên mãn của chư Phật.
430 Vô Minh hoặc, có nghĩa là nếu hành giả không thấy được rằng Trung Đạo tức nguyên lý trong vạn pháp, trong đó vô minh đồng như trí tuệ, thì đây là tà kiến, vì hành giả phải diệt vô minh để chứng đạt trí tuệ.
431 Huyền Nghĩa, T33, 737b.
432 Cùng chỗ, p.737c.
433 Cùng chỗ, p.738a.
434 Cùng chỗ.
435 Cùng chỗ.
436 Tỷ dụ nầy từ kinh Đại Niết Bàn :Tất cả dòng sông phải chảy quanh. Tất cả rừng phải có cây. So sánh cùng chỗ, T12, 667b.
437 Huyền Nghĩa, T33, 738a.
438 Cùng chỗ.
439 Cùng chỗ, p.738b.
440 Đọc cùng chỗ.
441 Năm vị sữa, kem, sữa đặc, chất bơ, và chất đề hồ được Trí Khải dùng để sánh với giáo pháp Phật trong năm thời. Từng thời trong năm thời tương tự với từng vị sữa. Vì năm vị càng lúc càng tinh túy, giáo pháp Phật cũng trên đường hướng thượng.
442 Huyền Nghĩa, T33, 739b.
443 Cùng chỗ.
444 Cùng chỗ.
445 Cùng chỗ.
446 Cùng chỗ.
447 Cùng chỗ.
448 Cùng chỗ, p.739c.
449 Cùng chỗ.
450 Cùng chỗ.
451 Cùng chỗ.
452 Cùng chỗ. Phần giải thích về Thập Địa, đọc ghi chú 103.
453 Ssu-chu (bốn thứ lớp ràng buộc) là cái thấy và nghĩ sai lạc, gồm có : (1) ý tưởng sai lầm tất cả mọi nơi trong ba cõi, (2) chìm đắm trong cõi Dục, (3) chìm đắm trong cõi Sắc, (4) chìm đắm trong cõi Vô Sắc.
454 Huyền Nghĩa, T33, 739c.
455 Cùng chỗ, p.739c. Phần giải thích về Thập Địa, xem ghi chú 100.
456 Cùng chỗ, p.739c. Kim Cương Trí và bậc cuối của Thập Địa.
457 Cùng chỗ, p.739c. Phần giải thích về Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng, đọc ghi chú 100.
458 Tám Tướng của Phật là (i) Từ cõi trời Đâu Suất giáng hạ, (ii) Nhập thai, (iii) Xuất sinh, (iv) Xuất gia, (5) Hàng ma, (6) Thành đạo, (7) Chuyển pháp luân, và (8) Nhập Niết Bàn. So sánh Chappell, Tien Tai Buddhism, p.117, ghi chú 45.
459 Huyền Nghĩa, T33, p.739c. Chi tiết về Thập Địa, xem ghi chú 103.
460 Tuyết Sơn chỉ Hy Mã Lạp Sơn.
461 Kinh Đại Niết Bàn, Phẩm 25, T12, 770b.
462 Huyền Nghĩa, T33, 739c.
463 Cùng chỗ, p.740a.
464 Đây là đoạn kinh Đại Niết Bàn. Đọc T12, 784c.
465 Huyền Nghĩa, T33, 740a.
466 Cùng chỗ, p.740b.
467 Đọc cùng chỗ, p. 741b.
468 Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim Huyền Nghĩa Kinh (The Profound Meaning of the Goden Light Sutra), T39, 3a.
469 Huyền Nghĩa, T33, 740a.
470 Cùng chỗ, p.741c.
471 Thêm chi tiết, xem p. 742a.
472 Trong phần luận về Diệu Vị của Trí Khải, Đại Sư phân tích những quả vị trong tương quan với Tứ Giáo. Có tất cả mười vị Thông Giáo. Vị thứ chín là Bồ Tát vị, và vị thứ mười là Phật vị. Lý do hai quả vị nầy chỉ mang tên mà không có người chứng đắc bởi vì các bậc Thanh Văn và Bồ Tát độn căn, và các bậc Duyên Giác ở địa thứ bảy và thứ tám đã vào Vô Dư Niết Bàn. Các Bồ Tát căn tính bén nhạy ở địa thứ tư, các Bồ Tát căn tính trung bình ở địa thứ năm hoặc thứ sáu, và các Bồ Tát hạ căn ở địa thứ bảy và thứ tám đã từ Thông Giáo vào Biệt Giáo và Viên Giáo. Phân tích của Trí Khải về mười vị Thông Giáo, đọc cùng chỗ, p.730a.
473 Thêm chi tiết, đọc cùng chỗ, p.742a.
474 Thêm chi tiết, đọc cùng chỗ, p.742a-b.
475 Thêm chi tiết, đọc cùng chỗ, p.742b-c.
476 T9, 8a.
477 Trong kinh Pháp Hoa, Đại Thừa sánh với xe trâu, Thanh Văn Thừa sánh với xe hươu, và Duyên Giác Thừa sánh với xe dê. Xe trâu được xem là vượt trên tất cả các loại xe, vì vậy Trí Khải dùng để sánh với thực tại như chân lý tuyệt đối. Trí Khải giải thích :Bước chân đại bạch ngưu (hùng dũng) vững vàng và như gió cuốn. Trâu được gọi là trắng như trí tuệ không tì vết. Được gọi là hùng vì có thể phá tan mê vọng. Bước chân vững vàng vì tương ứng với trí tuệ Trung Đạo. Xe trâu như gió cuốn vì có thể vào được chỗ vô tác. Huyền Nghĩa, T33, 743a.
478 Thêm chi tiết, đọc cùng chỗ, 743a-b.
479 Thêm chi tiết, đọc cùng chỗ, 743b-c.
480 Phân tích của Trí Khải về Thập Như Thị, đọc cùng chỗ, p.693b-696a.
481 Theo Trí Khải, mỗi cõi bao gồm chín cõi khác, tạo nên một trăm cõi. Hơn nữa, mỗi cõi bao gồm thập như thị, tạo nên một ngàn thế giới. Mỗi thế giới trong một ngàn thế giới nầy chia làm ba : chúng sinh, ngũ uẩn, và hư không. Cộng lại, có ba ngàn thế giới. Phần giải thích chi tiết về thuyết nầy, đọc Hurvitz, Chih-I, pp.271-318; và Barry, ed., The Buddhist Tradition, pp. 165-166.
482 Như Trí Khải nói : Chỉ với một niệm chứa đựng toàn pháp giới và chỉ một tâm chứa đựng toàn pháp giới, tất cả màu sắc và âm thanh không gì khác hơn là Trung Đạo., Ma Ha Chỉ Quán, T46, 1b.
483 Như Trí Khải nói : Tâm đi lại dọc ngang trong pháp giới, quán (sáu) thức và đối tượng. Một niệm trong tâm bất chợt sinh khởi từ mười pháp giới, và tùy thuộc vào một trong mười pháp giới. Nếu một niệm tùy thuộc vào một pháp giới, và một pháp giới nầy chứa đựng một trăm pháp giới và một ngàn như thị, cho thấy rằng một niệm chứa đựng vạn pháp (của thực tại), Huyền Nghĩa, T33, 696a.
484 Cùng chỗ, p.743c-744a.
485 Xem cùng chỗ. Theo Trí Khải, nước đóng băng chỉ vô minh, và nước chỉ trí tuệ của pháp tánh. Trí Khải giải thích sự tương quan đồng nhất giữa băng và nước như sau : Sự ngu muội của vô minh tự nó là pháp tánh. Vì ngu si, pháp tánh trở thành vô minh phân chia thiện và ác, và cứ như thế. Cũng như nước đóng thành băng khi thời tiết lạnh. Cũng như trong khi ngủ, niệm niệm đổi thay, mộng ảo xuất hiện. Thật sự, tất cả những đối nghịch đều là pháp tánh, không một, không khác., Ma Ha Chỉ Quán, T46, 56b.
486 Huyền Nghĩa, T33, 743c-744a. Ng Yu Kwan cũng phân tích về thiện và ác. Đọc Tien Tai Buddhism and Early Madhyamika, pp. 171-173.
487 Huyền Nghĩa, T33, 744a.
488 Thêm chi tiết, xem cùng chỗ.
489 Ba đường luân hồi chỉ ba chỗ vô minh : Phiền não, Nghiệp, và Khổ.
490 Huyền Nghĩa, T33, 744a.
491 Cùng chỗ, p.744b.
492 Thêm chi tiết, đọc kinh Pháp Hoa, T9, 50c-51b.
493 Trong phẩm thứ mười hai, Đề Bà Đạt Đa, Thế Tôn kể lại câu chuyện tiền kiếp, Đề Đà Đạt Đa là tiên nhân đã thuyết kinh Pháp Hoa cho tiền thân của Phật là một vì vua. Vì vậy, Thế Tôn nhìn Đề Bà Đạt Đa như một thiện tri thức, và thụ ký cho Đề Bà Đạt Đa. Đọc cùng chỗ, p.34c. Tuy nhiên, câu chuyện nầy có thể không phản ảnh chân thực ý định của Trí Khải khi trưng dẩn người xấu ác Đề Bà Đạt Đa, vì Đề Bà Đạ Đa được biết như người cực kỳ ác, có tâm muốn giết hại một vị Phật và chia rẽ tăng đoàn. Theo mạch văn, tôi nghĩ rằng sự trưng dẩn của Trí Khải về Đề Bà Đạt Đa được nói đến như trên hơn là gắn liền với câu chuyện trong kinh Pháp Hoa.
494 Huyền Nghĩa, T33, 744b.
495 Năm tội đọa địa ngục vô gián là giết mẹ, giết cha, giết A La Hán, phá hoại tăng đoàn, và làm ứng thân Phật chảy máu.
496 Ánh Sáng Hoàng Kim Huyền Nghĩa Kinh T39, 4a-b.
497 Truyền thống Số Luận và Địa Luận thấy được chín thức. Sáu thức đầu phù hợp với sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý). Ba thức sau chỉ thức thứ bảy Mạt na, thức thứ tám A lại ya, và thức thứ chín A ma la. Mạt na là phân biệt thức, A lại ya là tàng thức, A ma la là tịnh thức.
498 Phần nói về tam thân, đọc Hurvitz, Chih-I, p.259, ghi chú 1.
499 Ba mươi hai tướng khác lạ trên thân Phật là (1) Bàn chân vững chãi (2) Chỉ dưới lòng chân xoáy tròn như bánh xe có hình nan hoa (3) Ngón tay thon dài (4) Chân tay mềm dịu (5) Trong kẽ tay chân có da mõng như lưới (6) Gót chân đầy (7) Mu bàn chân nổi cao dầy (8) Bắp chân như tướng lộc vương (9) Tay dài quá đầu gối (10) Nam căn ẩn kín (11) Thân hình cao lớn, cân đối (12) Những lỗ chân lông toát ra màu xanh (13) Những lông trên thân uốn về bên phải (14) Thân thể sáng chói như vàng ròng (15) Quanh mình thường có hào quang chiếu xa một trượng (16) Da mõng và mịn (17) Lòng bàn chân, bàn tay, hai vai, trên đỉnh đầu đầy đặn (18) Hai nách đầy đặn (19) Thân như sư tử (20) Thân thể ngay ngắn (21) Hai vai tròn đầy cân đối (22) Bốn mươi cái răng (23) Răng trắng trong, đều và khít khao (24) Bốn cái răng cửa trắng và lớn nhất (25) Hai bên má cao dầy như sư tử (26) Nước bọt trong miệng có hương thơm (27) Lưỡi rộng và dài (28) Giọng nói âm vang như Phạm Thiên (29) Mắt xanh biếc (30) Lông mi như ngưu vương (31) Có chòm lông trắng thường chiếu sáng giữa hai chân mày (32) Trên đỉnh đầu có cục thịt nổi cao như hình búi tóc. Japanese-English Buddhist Dictionary, p.255, s.v. Sanjumi-so.
500 Trình bày chi tiết của Trí Khải về Tam Quĩ Phạm đi vào mười loại Tam Pháp Giới, đọc Huyền Nghĩa. T33, 744a-746a.
501 Phật Lô Xá Na (Rocana) thường là tên gọi khác của Tỳ Lô Giá Na (Vairocana). Tuy nhiên, trong cách dùng chữ của Trí Khải, Phật Tỳ Lô Giá Na khác với Phật Lô Xá Na. Phật Lô Xá Na là Phật Báo Thân ngự trên tòa sen, biểu thị Diệu Cảnh thù thắng, và Phật Tỳ Lô Giá Na tức Pháp Thân trong thế giới, biểu thị Diệu Trí thù thắng.
502 Huyền Nghĩa, T33, 746c.
503 Cùng chỗ.
504 Cùng chỗ, p.747a.
505 Cùng chỗ.
506 Cùng chỗ.
507 Cùng chỗ.
508 Cùng chỗ.
509 Nhất Xiển Đề ( I-chan-ti) được xem là chúng sinh không tin lời Phật và sẽ không bao giờ có thể chứng ngộ. Về sau, Đại Thừa có khuynh hướng nhìn Nhất Xiển Đề là chúng sinh có thể đắc Bồ Đề, mặc dù đường đạo rất khó khăn. Japanese-English Buddhist Dictionary, p.132, s.w.Issendai.
510 Cùng chỗ, p.748c.
511 So sánh cùng chỗ, pp.748c-749a.
512 So sánh cùng chỗ, p.749a.
513 So sánh cùng chỗ.
514 So sánh cùng chỗ, p.749a-b.
515 Cùng chỗ.
516 Cùng chỗ, p.750a.
517 Cùng chỗ, p.749c. Tam luân là cái nhìn của Trí Khải về Phật lực Thế Tôn sử dụng khi giáo pháp, vì tam luân của Phật có thể diệt ô nhiễm và ác nghiệp của chúng sinh. Thân luân chỉ thần thông Thế Tôn phóng ra trước khi nói pháp với mục đích gây sự chú ý của chúng sinh. Khẩu luân chỉ việc thuyết pháp. Tha tâm luân chỉ Thế Tôn biết được căn cơ chúng sinh trước khi giảng dạy, và vì vậy, giáo lý của Thế Tôn luôn thích ứng với trình độ của chúng sinh, San-tsang Fa-shu, pp.59-60.
518 Phần nói về lục thông, đọc Chih-I, Pháp GiớI Thứ Đệ Sơ Môn (Fa-chieh Tzu-ti Chu-men), T46, p.678b-c.
519 Trí Khải nói : Khi bản tánh của trí tuệ tương hợp với sáu pháp (tức sáu loại thần thông), có thể biến hóa diệu vời. Vì thế, gọi là thần thông . Huyền Nghĩa, T33, 750a.
520 Cùng chỗ, p.750b
521 Theo Trí Khải, đặc tính của giáo pháp Đại Thừa chân chính và phổ quát, và vì vậy gọi là Phương Quảng (Fang-kuang). Trong hệ thống phân loại của Trí Khải, Phương Quảng gồm những tạng kinh ngoài kinh Hoa Nghiêm, A Hàm, Bát Nhã, Pháp Hoa, và Đại Bát Niết Bàn.
522 Huyền Nghĩa, T33, 754a.
523 Cùng chỗ, p.754c.
524 Cùng chỗ.
525 Ngũ Môn (Wu-men) chỉ giáo lý Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, Tịch Diệt.
526 Huyền Nghĩa, T33, 754c.
527 Cùng chỗ.
528 Cùng chỗ.
529 Cùng chỗ.
530 Cùng chỗ.
531 Thêm chi tiết, đọc Pháp Hoa, T9, p.35b-c. Về phần dẩn chứng, đọc ghi chú 694.
532 Thêm chi tiết, đọc Pháp Hoa, T9, p.2b.
533 Phần phiên dịch Anh ngữ liên quan đến việc Long Nữ dâng lên Phật ngọc quý và chứng đắc Bồ Đề trong nháy mắt trả lời sự nghi hoặc của Bồ Tát Trí Tích như sau : Ngay lúc đó, Long Nữ có trong tay một viên ngọc quý giá trị sánh với tam thiên đại thiên thế giới, liền quỳ gối dâng lên Thế Tôn. Phật lập tức nhận lấy. Long Nữ liền nói cùng Bồ Tát Trí Tích và Ngài Xá Lợi Phất : Tôi dâng hiến ngọc quý, Phật nhận lấy. Vậy thì sự việc nầy nhanh hay là chậm?. Trả lời rằng : Rất nhanh.. Long Nữ nói : Hãy dụng thần lực thì sẽ thấy được tôi chứng Bồ Đề còn nhanh hơn sự việc ấy. Vừa khi ấy, khắp nơi nơi đều thấy giữa hư không Long Nữ chuyển thân nam, tròn đầy Bồ Tát hạnh, đi về cõi nước Vô Cấu ở phương Nam, ngự trên tòa sen báu, đến được chỗ vô phân biệt, chân chánh, giác ngộ, với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thuyết diệu pháp cho tất cả chúng sinh khắp mười phương. Hurvitz, Sripture of the Lotus Blossom of the Fine Dharma, p.201.
534 Huyền Nghĩa, T33, 755b.
535 Đây là kết luận của Trí Khải về lời dạy của Phật Ta là cha của tất cả thế gian, cứu con trẻ từ những bệnh khổ., kinh Pháp Hoa, T9, 43c.
536 Đây là sự ứng hóa của Phật trong phẩm Như Lai Thọ Lượng kinh Pháp Hoa, về một người cha, như một vị lương y, dùng nhiều phương tiện để cứu những đứa con bị ngộ độc của mình. Đọc kinh Pháp Hoa, T9, 43a-b.
537 Hai mươi lăm loại tam muội được nói đến trong hạnh Bồ Tát diệt hai mươi lăm Hữu, và là sự trình bày của Trí Khải về trí tuệ Vô Tác Tứ Đế. Thêm chi tiết, đọc p.161ff.
538 Hai mươi lăm Hữu liên quan đến hai mươi lăm tam muội. Đọc cùng chỗ.
539 Huyền Nghĩa, T33, 756b.
540 Huyền Nghĩa, T33, 757b.
541 Cùng chỗ.
542 Cùng chỗ, p. 757b-c.
543 Phần giải thích về tám tướng, đọc ghi chú 618.
544 Huyền Nghĩa, T33, 757c.
545 Cùng chỗ, pp. 757c-758a.
546 Tứ Kiến chỉ bốn lối nhìn sai lạc về nhân và quả, gồm có : (1) nhân và quả như nhau, vì trong quả có nhân, (2) nhân và quả khác nhau, vì trong nhân không có quả, (3) nhân và quả vừa giống vừa khác vì trong nhân có quả và trong nhân không có quả, (4) nhân và quả chẳng giống chẳng khác, vì trong nhân chẳng phải có quả chẳng phải chẳng có quả. San-tsang Fa-shu, p.170.
547 Huyền Nghĩa, T33, 758a.
548 Trí Khải không nói về bốn loại quán chiếu Pháp Nhân Duyên, nhưng nói về bốn cách hiểu Mười Hai Nhân Duyên là Sinh Diệt Tư Nghị thuộc Tạng Giáo, Vô Sinh Diệt Tư Nghị thuộc Thông Giáo, Sinh Diệt Bất Tư Nghị thuộc Biệt Giáo, và Vô Sinh Diệt Bất Tư Nghị thuộc Viên Giáo.
549 Huyền Nghĩa, T33, 758a.
550 Hai mươi loại Hữu lập nên ba cõi luân hồi. Thêm chi tiết, đọc pp. 185-198.
551 Sáu loại thần thông là Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông, Túc Mạng Thông, Thần Túc Thông, và Lậu Tận Thông.
552 Phần giải thích về hai mươi lăm tam muội, đọc p.161ff.
553 Huyền Nghĩa, T33, 760c.
554 Phần giải thích về Tứ Độ (Ssu-tu), đọc ghi chú 106.
555 Tên gọi ba loại ý sinh thân Trí Khải trích dẩn từ kinh Lăng Già, T16, no. 670, 497c.
556 Phần giải thích về chín loại Đại Thiền, đọc ghi chú 174.
557 Hoan Hỷ Địa là sơ địa. Phần giải thích về Thập Địa, đọc ghi chú 103.
558 Phần chứng là một trong sáu sự đồng nhất (six identification) là chỗ hành giả xa lìa ô nhiễm từng phần, chứng ngộ từng phần. So sánh ghi chú 24.
559 Cái nhìn Giả ở đây là cái nhìn của chúng sinh vô minh, tưởng lầm hiện hữu giả tạm là thực có. Nhị Thừa (Thanh Văn và Duyên Giác) thuộc Tạng Giáo, Bồ Tát Tạng Giáo, và Tam Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát) thuộc Thông Giáo vào Không bằng cách thay đổi cái nhìn về Giả.
560 Đọc phẩm hai mươi sáu Đà La Ni kinh Pháp Hoa, T9, pp. 58b-59b.
561 Huyền Nghĩa, T33, 763b. Biết danh không phải danh là Ngã, và biết Pháp không phải Pháp là Niết Bàn có nghĩa rằng nếu hành giả thấy được tánh Không của vạn pháp, cái thấy nầy tương đương với sự chứng ngộ Ngã và Niết Bàn tịch diệt.
562 So sánh Huyền Nghĩa, T33, 765a-b với định nghĩa đại cương của Bản Môn Thập Diệu.
563 Phần diễn tả của chúng tôi đối với sự trình bày của Trí Khải về sự đáp ứng giữa Bồ Tát với chúng sinh qua hai mươi lăm tam muội, đọc p.161ff.
564 Vô Ký Biến Hóa Thiền (Wu-chi Hua Hua Chan) chỉ loại thiền định phát sinh thần lực, hành giả hội nhập chân lý tối thượng, tự tại, và không dụng công khái niệm hóa. So sánh Huyền Nghĩa, T33, 750b.
565 Bản thọ mệnh của Phật nói trong phẩm Như Lai Thọ Lượng, kinh Pháp Hoa, T9, p.42c. Đoạn kinh văn :Thọ mệnh của Ta trải vô lượng a tăng kỳ kiếp, chưa từng chấm dứt, chưa từng hoại diệt. Nầy các thiện nam tử ! Thọ mệnh ta chứng được trên đường hành trì Bồ Tát đạo đến nay chưa từng cạn, lại còn gấp bội số trên. Ngay vào lúc nầy đây, Ta thực sự chưa diệt độ mà tuyên thuyết rằng sắp diệt độ., Hurvitz, Scripture of the Lotus Blossom of the Fine Dharma, p.139.
566 Tám hoặc mười lợi ích cũng như Tích Môn. Đoạn giải thích của Trí Khải về những lợi ích nầy, đọc diễn tả của chúng tôi trong phần II. Thuyết về lợi ích đề mục 1.4.10, Diệu Lợi Ích thuộc Tích Môn.
567 Bốn loại quyến thuộc nầy cũng giống như bốn loại quyến thuộc trong Tích Môn. Phần giải thích của Trí Khải về sự thành tựu các loại quyến thuộc Tích Môn, đọc phần II, Giải thích về quyến thuộc đề mục 1.4.9 Diệu Quyến Thuộc thuộc Tích Môn.
568 Phần giải thích của Trí Khải về thứ tự Bản Môn Thập Diệu, đọc Huyền Nghĩa, T33, 765 b-c.
569 Trong Phật giáo, thời kỳ của mỗi vị Phật được tin là chia làm ba giai đoạn, bắt đầu là thời chánh pháp (cheng-fa), dần xuống thời tượng pháp (hsiang-fa), và sau cùng là thời mạt pháp (mo-fa). Giai đoạn thứ nhất tồn tại khoảng năm trăm năm, pháp thịnh đạt về cả hai mặt văn tự và ngôn thuyết. Giai đoạn thứ hai tồn tại thêm năm trăm năm, pháp thiên về hình tướng bên ngoài mà thiếu nội dung. Sau hai giai đoạn nầy, pháp dần dần tiêu hoại, là giai đoạn mạt pháp thứ ba. Nghiên cứu về những trường hợp nầy, đọc Janice Nattier, Once Upon a Future Time: Studies in a Buddhist Prophecy of Decline, Berkeley: Asian Humanities Press, 1991.
570 Khảo sát của Trí Khải về sự tương quan giữa Bản Môn Thập Diệu và Tích Môn Thập Diệu, đọc Huyền Nghĩa, T33, 765c.
571 Phần dẩn chứng của Trí Khải, đọc cùng chỗ, 765c-766a.
572 Thọ mệnh Ta chứng đắc được trên bước đường hành trì Bồ Tát đạo đến nay chưa từng cạn. Kinh Pháp Hoa, T9, 42c.
573 Vì Ta đã thực sự chứng đắc Bồ Đề, vô lượng vô biên thời quá khứ. Vì ta đã thành Phật tự lâu xưa: chỉ vì phương tiện khế hợp để giáo hóa chúng sinh, (Ta) thuyết pháp (như phương tiện thích ứng). Cùng chỗ, p.42b và p.42c.
574 Bởi vì Ta, trong cõi Sa-bà nầy, chứng được Tam Miệu Tam Bồ Đề, Ta giáo hóa, chỉ đường, đưa lối các Bồ Tát. Cùng chỗ, p.42b. Từ đó nhẩn đến nay, Ta thường thuyết pháp, giáo hóa (chúng sinh) trong cõi Sa Bà, (Ta) hướng dẩn và làm lợi ích chúng sinh ở khắp mười ngàn a do tha cõi nước. Cùng chỗ, p.42b.
575 Nếu có chúng sinh đến quốc độ ta, Ta dùng Phật nhãn quán sát tín tâm và căn cơ hoặc bén nhạy hoặc chậm lụt. Cùng chỗ. p.42b.
576 Phật lực bí mật của Như Lai…(Phật) hoặc dùng thân mình, thân người, hiển lộ về mình hoặc hiển lộ về người. Cùng chỗ, p.42b-42c.
577 Tất cả những Bồ Tát đó được Ta giáo hóa. (Ta) khiến họ hướng về đại đạo. Hiện nay, tất cả đều được bất thối chuyển, tu trì Đạo pháp.. Cùng chỗ, p.41b.
578 Những Bồ Tát đó, có thân vàng ròng, trụ giữa hư không. Tất cả đều là con Ta. Ta đã giáo hóa những chúng sinh đó từ vô lượng kiếp.. Cùng chỗ, p. 40a-b.
579 Mặc dù thực sự Ta không nhập diệt, Ta tuyên thuyết rằng Ta sắp nhập diệt. Cùng chỗ, p.40c.
580 (Ta) ở khắp nơi nhớ lại chính Ta, tên chẳng đồng chẳng khác, tuổi chẳng già chẳng trẻ.Cùng chỗ, p.42c.
581 (Phật) sử dụng những phương tiện khế hợp thuyết vi diệu pháp, khiến chúng sinh được an lạc. Cùng chỗ, T9, 42c.
582 Khi nghe lời Phật nói về thọ mệnh dài lâu vô lượng kiếp, và như vô lượng vô biên a tăng kỳ, chúng sinh đều được lợi ích lớn. Cùng chỗ, p.44a.
583 Phần trình bày chi tiết của Trí Khải về sự tương quan giữa Bản Môn Thập Diệu và Tích Môn Thập Diệu, so sánh T33, 766a-769b.
584 Phần giải thích về Tứ Độ, xem ghi chú 106.
585 Vô Dư Niết Bàn và Hữu Dư Niết Bàn là hai loại Niết Bàn. Thêm chi tiết, đọc ghi chú 510.
586 Trong văn mạch hệ thống Tứ Giáo của Trí Khải, Hữu Dư (with residue) mang ý nghĩa chân lý hiện hữu giả tạm, Bồ Tát nương vào đó ở lại trong thế tục giáo hóa chúng sinh, và Vô Dư (without residue) biểu thị tánh Không Bồ Tát chứng đắc tịch tịnh. Điều Trí Khải muốn nói là mặc dù Bồ Tát Biệt Giáo chứng ngộ lý Trung Đạo dựa vào hai mặt (Không và Giả), hai mặt nầy là hai thực tại biệt lập không đồng nhất. Như vậy, Niết Bàn chứng ngộ cao nhất của Biệt Giáo có hai đặc tính, không đồng nhất, và đồng nhất.
587 Theo quan điểm của Trí Khải, Đại Niết Bàn (có đặc tính Thường, Lạc, Ngã, và Tịnh) biểu thị một thực tại viên mãn, trong đó vạn pháp hợp nhất toàn khối vì tất cả pháp không gì khác hơn là sự hiển lộ của Chân Như. Nói cách khác, Trung Đạo thuộc Viên Giáo gồm cả hai Không và Giả, đồng như nhau. Chi tiết lập luận của Trí Khải về bốn loại Niết Bàn, đọc Huyền Nghĩa, T33, 768c.
588 Kinh Pháp Hoa, T9, 9b.
589 Phần giải thích của Trí Khải về ba thời Bản Môn và Tích Môn, so sánh cùng chỗ, T33, 769b-770b.
590 Lập luận của Trí Khải về thô và tế, so sánh cùng chỗ, p.770b.
591 Kết luận của Trí Khải về tương đối và tuyệt đối, so sánh cùng chỗ, p.770b-c.
592 Trình bày của Trí Khải về các lợi ích, so sánh cùng chỗ, 770c-771b. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, theo Trí Khải là một ứng thân Bồ Tát, và vị Phật bất tử (chứng đạo sơ khai) trong Bản Môn là Pháp Thân.
593 Diệu Trí liên quan đến sự hội nhập chân lý. Diệu Vị chỉ kết quả tu tập của hành giả, đưa đến sự chứng ngộ trí tuệ và chân lý. Diệu Quyến Thuộc chỉ các nhóm chúng sinh khác nhau được lợi ích khi trở thành quyến thuộc của Phật. Diệu Lợi Ích chỉ những nhóm chúng sinh thành tựu khác nhau, được lợi ích từ quyến thuộc của Phật. Vì thế, có năm loại Diệu được Trí Khải nhìn như nhân chứng đắc Bồ Đề.
594 Lập luận về phép quán tâm của Trí Khải, so sánh cùng chỗ, T33, p.771b-c.