A. Giải nghĩa : Sutra không thể dịch
B. Giải nghĩa : Sutra có thể dịch
C. Hòa giải hai quan điểm về Sutra không thể và có thể dịch được.
D. Giải nghĩa Sutra bằng lối đi vào các Pháp
E. Giải nghĩa Sutra qua phép Quán Tâm
Tham khảo

Mục Bốn

Biệt Giải Nghĩa Kinh

Pháp Hoa Huyền Nghĩa (ch. 7-8, T33, 775a-779a)

Đây là phần sau cùng giải thích về đề kinh Pháp Hoa, là phần giải nghĩa chữ Kinh (1). Trong phần nầy Trí Khải đưa ra năm điểm trình bày cách nhìn của Đại Sư về pháp Phật dựa trên hai quan điểm đối nghịch đương thời.

A. Giải nghĩa Sutra không thể phiên dịch (Ming Wu-fan)

Trước hết, Trí Khải giải thích quan điểm về sự phiên dịch chữ Phạn Sutra (Hsiu-to-luo hoặc Ching) (2). Quan điểm nầy cho rằng vì Phạn ngữ mang những ý nghĩa phong phú nên Hoa ngữ không có từ nào cân xứng để phiên dịch, ngoại trừ chuyển dịch là Tu Đa La. Trí Khải cho rằng chữ Kinh phù hợp với những gì kinh nói đến trong văn hóa Trung Hoa. Ching (Kinh) đặc biệt là những Thánh ngôn, và vì vậy, có thể được dùng tương xứng với lời Phật. Trí Khải tóm lược năm ý nghĩa chữ Kinh không thể dịch trực tiếp. Trí Khải đưa ra từng ý nghĩa qua ba mặt Giáo, Hành, và Lý.

(1) Kinh như nền tảng của các pháp (Han Fa-pen), Trí Khải giải thích rằng Pháp không thể diễn đạt bằng lời, nhưng vì mục đích giáo hóa chúng sinh, Phật dùng phương tiện Tứ Tất Đàn để thuyết pháp.(3) Trong ba mặt, Thế Tục Tất Đàn được xem là nền tảng giảng dạy; Vị Nhân Tất Đàn, và Đối Trị Tất Đàn là nền tảng thực hành; Thắng Nghĩa Đế Tất Đàn là nền tảng giáo lý.

(i) Trí Khải trình bày rằng Sutra (kinh) được xem là bản giáo (Chiao-pen) liên quan đến hai mặt. Nói cách khác, điều nầy có nghĩa rằng căn cứ vào chân lý duy nhất từ lời Phật, tuôn chảy vô lượng văn thuyết, như Thông giáo và Biệt giáo khiến chúng sinh có thể vào được Đạo. Mặt khác, căn cứ vào lời Phật, chư vị Bồ tát đã soạn nhiều bộ luận giải nghĩa Kinh, khiến chúng sinh vào được Đạo.

(ii) Kinh được xem như bản hành (Hsing-pen), có nghĩa rằng khi hành giả thực hành lời Phật dạy (hoặc Thông giáo hoặc Biệt giáo), qua các pháp môn, có thể đến được Chân Như.

(iii) Kinh là bản lý (I-pen) có nghĩa rằng một lý có thể đến từ một câu, vô số lý có thể đến từ vô số câu. Cũng có trường hợp vô số lý đến từ một câu, và một lý đến từ vô số câu. Trí Khải nói rằng sự tổng kết những khía cạnh (Giáo, Hành, và Lý) nầy như pháp môn, có nghĩa rằng cả ba lần lượt đồng với Văn, Tư, và Tu.

(2) Kinh như Xuất Sinh, Trí Khải nói rằng khi nghĩa xuất sinh được đề cập qua giáo pháp, tức chỉ cho Tứ Tất Đàn, đưa ra một tiến trình thứ lớp hiểu từ cạn đến sâu. Thính chúng, người nghe giáo lý Phật từng bước một, dần dần có thể phát triển cái hiểu của riêng mình. Hơn nữa, bằng cách đọc các kinh luận, hành giả có thêm kiến thức, và ngay cả có thể chứng đắc Bồ đề. Khi ý nghĩa xuất sinh được nói đến liên quan đến sự hành trì, chỉ cho giáo pháp Tứ Tất Đàn đưa đến kết quả trong việc hành trì. Đạt được Kiến Đạo và Tu Đạo, hành giả có thể tiến từ Tiểu Thừa sang Đại Thừa, và có thể giác ngộ viên mãn. Khi ý nghĩa xuất sinh được nói trong tương quan với giáo lý, chỉ Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn, từ đó hành giả tiếp nhận được nguyên lý, và vào được Chân Như.

Ba mặt xuất sinh trên được nhìn như pháp môn đưa đến ba loại giải thoát liên quan đến Tiểu Thừa (4). Tuy nhiên, theo sơ trụ Đại Thừa, sự xuất sinh giáo nghĩa chỉ cho Bát Nhã như trí tuệ trọn vẹn liễu đạt chân lý; sự xuất sinh về hành trì chỉ Như Lai Tạng như pháp môn vô lượng hướng về giải thoát; và sự xuất sinh về nguyên lý chỉ Chân Như.

(3) Kinh với nghĩa Tuyền Dũng Trí Khải giải thích rằng ý nghĩa tuyền dũng mang hình ảnh văn ngôn, chỉ sự phát huy của Tứ Tất Đàn vô cùng tận, và sự tuôn tràn của pháp Phật cũng sẽ không bao giờ khô cạn. Nghĩa tuyền dũng liên quan đến giáo nghĩa chỉ vô lượng nghĩa tuôn chảy từ một câu kinh trong Thế Tục Tất Đàn. Nghĩa tuyền dũng liên quan đến hành trì chỉ vô lượng phương pháp tu tập phát sinh khi nghe được lời kinh trong Vị Nhân và Đối Trị Tất Đàn. Những phương pháp hành trì nầy có thể đưa hành giả vào cõi tịnh và Bát Chánh Đạo. Tuyền dũng liên quan đến nguyên lý chỉ hành giả, khi nghe được chân lý đệ nhất nghĩa, có thể hiểu được rằng lý như hư không. Pháp như hư không không thể bị khái niệm hóa, và có thể thấm nhập khắp mọi nơi.
Trí Khải nói thêm rằng khi ba mặt nầy được nhìn như pháp môn, giáo lý như tuyền dũng chỉ pháp tuôn chảy không chướng ngại; hành trì như tuyền dũng chỉ văn từ tuôn chảy không chướng ngại; nguyên lý như tuyền dũng lý tuôn chảy không chướng ngại.

(4) Kinh như thằng mặc, Trí Khải nói rằng khi ý nghĩa thằng mặc được đề cập qua giáo, khi hành giả nghe được lời kinh Thế Tục Tất Đàn, hành giả xa lìa được lối thấy sai lầm. Hành giả không còn mê muội trong những ma lực và có thể bước vào chánh đạo. Khi nghĩa thằng mặc được nói qua hành trì, có nghĩa rằng khi hành giả nghe được lời kinh trong Vị Nhân và Đối Trị Tất Đàn, hành giả ra khỏi tà đạo và bước vào chánh đạo. Khi thằng mặc được nói qua nguyên lý, có nghĩa khi hành giả nghe được lời kinh Thắng Nghĩa Đế Tất Đàn, hành giả diệt được kiến hoặc trong cõi người, và đến được bờ giải thoát.
(5) Kinh như kết man, có nghĩa là kết các tràng hoa vào nhau, Trí Khải nói rằng bằng cách kết giáo, hành, và lý vào nhau như một tràng hoa có thể tránh được sự phân tán. Tứ Tất Đàn có nhiệm vụ kết giáo, hành, và lý vào nhau, lần lượt thành tựu tam luân của Phật (vì Trí Khải nhìn khẩu luân chỉ giáo, thân luân chỉ hành, và tha tâm luân chỉ lý).

B. Giải nghĩa Sutra có thể được phiên dịch (Ming Yu-fan)

Thứ hai, Trí Khải trình bày một lối nhìn khác, chủ trương rằng kinh có thể được phiên dịch, cùng lý do như năm nghĩa nói trên.(5)

(1) Sutra có thể được dịch là Ching (Fan-wei Ching), Trí Khải giải thích rằng vì Sutra ghi lại lời Phật, nên chữ Ching có thể nói lên trọn vẹn thể tánh của Sutra. Trí Khải nói về Ching trong tương quan với ba mặt : Giáo, Hành, và Lý.

(i) Trí Khải nói rằng Ching liên quan đến Giáo vì tất cả những bản kinh Phật đều ghi lại giáo lý của Thế Tôn (gồm kinh, các kinh luận tổng và biệt, và những chú giải về kinh) từ tâm khẩu của các bậc thánh.

(ii) Ching liên hệ đến Hành vì tất cả những hành trì hội nhập chân lý đều từ tâm khẩu của các bậc thánh.

(iii) Ching liên hệ đến Lý vì tất cả nguyên lý (bất kỳ Tục Đế hoặc Chân Đế, Tương Đối hoặc Tuyệt Đối) đều từ tâm khẩu của các bậc thánh.

Xa hơn, Trí Khải nối kết Kinh (bắt nguồn từ nghĩa đường chỉ dọc trên khung vải (warp) với nghĩa đối lại là đường chỉ ngang trên khung vải (weft). Ý nghĩa của chữ đường chỉ ngang cũng được Trí Khải nói đến qua ba mặt:

(i) Luận về nghĩa của chữ đường chỉ dọc tương quan về Giáo, Trí Khải chủ trương rằng với Thế Tục Đế, lời Phật được gọi là Kinh, thành tựu đường dọc, và cái chư Bồ tát hành trì như lời Phật được gọi là Luận, thành tựu đường ngang. Khi cả hai đường dọc, ngang kết hợp, giáo lý Phật gồm Kinh và Luận như thế mà thành hình.

(ii) Luận về nghĩa đường dọc và ngang tương quan về Hành, Trí Khải giải thích rằng Hành liên hệ đến trí tuệ tựu thành đường chỉ dọc, và Hành liên hệ đến sự diệt trừ ô nhiễm tựu thành đường chỉ ngang. Sự hội tụ của hai đường ngang, dọc làm sinh khởi Bát Chánh Đạo.

(iii) Luận về nghĩa đường dọc và đường ngang tương quan về Lý, Trí Khải tiếp tục nói rằng lời Phật dạy về Chân Đế thành tựu đường dọc, và lời Phật dạy về Tục Đế thành tựu đường ngang. Sự hội tụ của hai đường ngang, dọc phát sinh Nhị Đế.

(2) Sutra có thể được dịch như khế hợp (Fan-wei Chi), Trí Khải giải thích trong tương quan giữa ba mặt Duyên, Sự, và Lý.

(i) Khế hợp với Duyên, chỉ giáo pháp Tục Đế thích ứng với căn cơ chúng sinh.

(ii) Khế hợp về Sự, chỉ Vị Nhân Tất Đàn thích ứng với sự sinh khởi tịnh tâm nơi chúng sinh. Đối Trị Tất Đàn thích ứng với sự diệt ô nhiễm trong tâm chúng sinh.

(iii) Khế hợp về Lý chỉ Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn thích ứng với nguyên lý.

(3) Sutra có thể được dịch như nền tảng của các Pháp (Fan-fa-pen), Kinh là bản Giáo, Hành, và Lý, như nghĩa thứ nhất trong năm nghĩa trong quan điểm chữ Kinh không thể được phiên dịch, nói trên.

(4) Sutra có thể được dịch nghĩa đen là sợi tơ (Fan-hsien), trong văn tự Trung Hoa là Ching , Trí Khải giải thích rằng sợi tơ có công dụng liên kết Giáo, Hành, và Lý khiến ba mặt nầy không phân tán. Thêm vào đó, những đường tơ có thể chuyển đạt ý nghĩa đan kết.

(i) Bằng cách đan kết Giáo, văn cú vào thứ tự, hành giả có thể tùy nghi thuyết pháp.

(ii) Sợi tơ (Kinh) cũng có công dụng đan kết Hành. Khi hành giả làm theo đường chỉ dọc, sự tu trì chân chính. Khi hành giả không thuần thục, sự tu trì đã sai lạc.

(iii) Sợi tơ (Kinh) có thể đan kết Lý. Cái không có trong Lý rơi vào sáu mươi hai tà kiến (6) Cái luôn gắn liền với Lý hợp nhất đạo tối thượng là Phật Thừa.

(5) Sutra có thể được dịch như tịnh giáo (Fan Shan-yu chiao) qua Giáo, Hành, và Lý, Trí Khải nói rằng giáo pháp Thế Tục Đế là ngôn từ thanh tịnh (thấy rằng Thế Tôn vì muốn khế hợp căn cơ chúng sinh, khiến chúng sinh tu tập tịnh tánh để được thiện quả); Vị Nhân Tất Đàn và Đối Trị Tất Đàn là tịnh hạnh (vì Phật dạy chúng sinh phương pháp làm phát khởi tánh thanh tịnh và diệt tà vọng bên trong); và Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn là giáo pháp của tịnh lý (vì Phật dạy chúng sinh chân lý giải thoát).

C. Hòa giải hai quan điểm chữ Sutra không thể phiên dịch và có thể phiên dịch (Ho-jung Yu-wu)

Thứ ba, căn cứ và hai lối nhìn trái nghịch nói trên, Trí Khải đưa ra quan điểm của riêng Đại Sư bằng cách hòa giải hai lối nhìn nầy.(7) Trí Khải nói rằng chữ Sutra, thật sự, có thể dịch được mà cũng có thể là không dịch được, vì vậy, hai lối nhìn nói trên có thể hòa giải. Đại sư chủ trương rằng một giáo nghĩa viên mãn không phải là một giáo nghĩa chết cứng mà phải được hội nhập khắp nơi không ngăn ngại. Kết luận của Trí Khải, chữ Ching (kinh) là chọn lựa thích hợp nhất để dịch chữ Sutra, vì chữ Ching mang nhiều ý nghĩa hơn những chữ khác.

D. Giải nghĩa Kinh bằng cách đi vào các Pháp (Li-Fa Ming-Ching)

Thứ tư, Trí Khải trình bày định nghĩa của riêng Đại Sư về chữ Ching, trong đó Ching mang những ý nghĩa khác biệt tùy người.(8) Nói cách khác, chúng sinh với căn cơ khác biệt tiếp nhận những Pháp khác biệt như Kinh. Theo Trí Khải, Kinh là giáp pháp của Phật dạy chứa đựng tất cả thực tại hoặc Pháp. Thấy rằng chúng sinh có thể chứng ngộ chân lý qua bất cứ thực tại nào, bất cứ thực tại hoặc bất cứ Pháp đều là Kinh.

Ở đây, Trí Khải kể ra ba loại pháp được xem là Kinh :

(i) Loại thứ nhất nghe như Kinh. Điều nầy có nghĩa rằng khi Thế Tôn có mặt trên cõi đời, thuyết giảng pháp Phật. Thính chúng, khi nghe được pháp Phật, liền đạt được đạo. Vì thế, âm thanh Phật được xem là kinh.

(ii) Loại thứ hai lấy tướng văn tự làm kinh. Điều nầy có nghĩa rằng sau khi Phật vào Niết Bàn, những bản văn được ghi lại trở thành phương tiện diễn đạt pháp Phật. Vì thế, những hình tướng nầy được xem là kinh.

(iii) Loại thứ ba lấy Pháp làm kinh. Chỗ nầy chỉ những chúng sinh có tâm đồng như Pháp. Tâm nầy không đến từ giáo pháp, cũng không từ văn kinh, mà từ ngay nơi Pháp.

Trí Khải nhấn mạnh rằng trong thế giới loài người, có ba đối tượng mà Kinh có thể khế hợp đối với những chúng sinh với căn cơ khác nhau.

(i) Với những chúng sinh có nhĩ căn sắc bén, có khả năng chứng ngộ qua âm thanh, thì âm thanh là đối tượng có công dụng như Kinh.

(ii) Với những chúng sinh thức căn sắc bén, có khả năng tự học và suy tư, thì Pháp là đối tượng có công dụng như Kinh.

(iii) Với những chúng sinh có nhãn căn sắc bén, có khả năng chứng ngộ khi đọc được kinh văn, thì sắc là đối tượng có công dụng như Kinh.

Tuy nhiên, theo Trí Khải, trong các cõi trời và các cõi Sắc và Vô Sắc, có sáu đối tượng nhận thức (liu-chen), đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp đều có công dụng như Kinh, vì liên hệ đến sáu căn (liu-ken) (9). Đối với những chúng sinh đạt Pháp qua phẩm vị, thì cái tương quan với thiệt căn có công dụng như Kinh. Đối với những chúng sinh đạt đạo do sự xúc chạm với áo cõi trời, thì xúc căn có công dụng như Kinh. Đối với những chúng sinh đạt đạo qua sự chứng nghiệm được hào quang của chư Phật, thì Sắc có công dụng như kinh. Đối với những chúng sinh đạt đạo qua phép quán chiếu tâm, thì tâm có công dụng như kinh. Tất cả những cõi nước dùng hương thơm để trang nghiêm cảnh Phật, thì hương thơm có công dụng như kinh. Trí Khải nói thêm rằng, chúng dân trong các cõi trời, và trong các cõi Sắc, và cõi Vô Sắc có được lục căn bén nhạy, và vì thế, sự ứng hợp với lục cảnh có công dụng như kinh. Tuy nhiên, chúng sinh trong cõi người có ba căn chậm lụt gồm hương, vị, và xúc. Khi mũi ngửi mùi giấy mực, thì không thể biết được gì. Khi chạm vào một quyển sách, cũng không thể có thêm được kiến thức. Khi lưỡi chạm vào chữ viết, cũng không phân biệt được đúng hoặc sai.

Qua những định nghĩa nói trên về kinh, điều Trí Khải muốn nói là kinh như pháp Phật, có công dụng giải thoát tất cả chúng sinh. Tùy căn tánh khác biệt của chúng sinh, Kinh sử dụng những đối tượng khác nhau, nhưng tất cả những đối tượng đó đều như Kinh, làm trọn vẹn mục tiêu phổ độ của chư Phật.
Định nghĩa trên của Trí Khải về chữ Kinh rất phong phú, và là tư tưởng xác định quan trọng của Trí Khải rằng chân lý cùng khắp, có mặt trong vạn pháp, và pháp Phật diễn đạt chân lý cùng khắp nầy.

E. Giải thích chữ Kinh qua phép quán tâm (Kuan-hsin Ming-Ching)

Điểm sau cùng luận về Kinh củaTrí Khải bao gồm bốn điểm đã nói trên bằng cách giải thích rằng tất cả những chú nghĩa chữ Kinh có thể đạt được qua phép quán tâm (10). Qua phép quán tâm, những giải thích về chữ Kinh nói trên đều trở nên giá trị, vì tâm dung chứa vạn pháp, và là đường lối thực tiển nhất để tiến gần đến những điều đã nêu ra như trên.

I. Giải thích phép quán tâm qua quan điểm chữ Kinh không thể dịch được (Lei Wu-fan Ming-kuan)

Trí Khải kể ra năm nghĩa liên quan đến tâm (11)

(1) Tâm là nền tảng của vạn pháp (Hsin-shih Fa-pen), có nghĩa rằng tách rời tâm, không có gì hiện hữu, nương vào cái dụng của tâm, sự vật trên thế giới được tiếp nhận. Vì vậy, tâm là nền tảng của vạn pháp. Trí Khải đưa nghĩa nầy đi xa hơn qua văn tự, hành, và lý. Tâm là nền tảng của văn tự, vì không có tâm, sẽ không có tư tưởng và cảm nhận, không tư tưởng và cảm nhận thì không có văn tự. Sở dĩ tâm là nền tảng của hành là vì tất cả sự hành trì thành tựu được là từ tâm suy tư. Tâm là nền tảng của lý vì tâm gồm thu lý, với nghĩa tâm giúp hành giả phát khởi sự mong ngóng đạt đến chân lý, từ đó có thể bình đẳng chứng ngộ Chân Như.

(2) Tâm chứa đựng ý nghĩa xuất sinh (Hsin-han Wei-fa), có nghĩa rằng tâm hành giả dần đưa hành giả đến với mục tiêu giác ngộ sau cùng. Tâm như xuất sinh, theo Trí Khải, cũng liên quan đến văn tự, hành, và lý. Tâm sinh văn tự có nghĩa rằng khi tâm không tán loạn, sinh ra văn tự. Tâm sinh hành có nghĩa rằng khi sơ phát Bồ đề tâm, hành giả chưa đủ mạnh. Dần dần về sau, sự hành trì thành tựu. Tâm sinh ra lý có nghĩa rằng mặc dù hành giả chưa thể liễu đạt được lý khi khởi sự quán tâm, nếu tiếp tục tu tập, hành giả có thể chứng ngộ.

(3) Với cái nhìn về tâm mang nghĩa tuyền dũng (Hsin-han Yung-chuan), Trí Khải nói rằng nếu tâm hành giả mang đầy chướng ngại, và hành giả không thể nhận ra được tánh của vạn pháp, tâm không thể luân lưu. Quán tâm là phương tiện xa lìa tất cả chướng ngại, khiến tâm được trong suốt và đầy đủ trí tuệ.
Tâm như nước nguồn tuôn chảy đưọc Trí Khải biểu thị qua văn tự, hành, và lý. Tâm tuôn tràn văn tự, có nghĩa khi tâm hành giả trong sáng, hành giả có thể tranh luận không chướng ngại, văn ngôn tuôn chảy vô cùng tận. Tâm tuôn tràn hành trì có nghĩa rằng nếu hành giả không quán tâm, sự hành trì không thể lưu chuyển không gián đoạn. Vì quán tâm, tư tưởng tuôn chảy nối tiếp, lục chướng (phần đối nghịch với lục độ) trở thành lục tịnh (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ), và lục độ hợp nhất tất cả hành trì. Tâm tuôn tràn nguyên lý, chỉ phép quán tâm của hành giả trở nên một công cụ sắc bén có thể dùng đập tan đất đá, khơi dòng nước tinh sạch tuôn chảy vô cùng tận.

(4) Với cái nhìn tâm như kết man (Hsin-han Chieh-man), Trí Khải đưa ra trong tương quan giữa văn mạch, hành, và lý. Tâm như đan kết mạch văn không sai lầm, có nghĩa rằng khi tư tưởng hành giả chân chính, hành giả hiểu không sai lạc mộ bản văn. Tâm đan kết sự hành trì không lệch lạc có nghĩa rằng với phép quán tâm, khiến hành giả đạt được đường vào đạo. Tâm đan kết nguyên lý không sai lạc có nghĩa rằng với phép quán tâm, hành giả đạt được định và tuệ.

(5) Với cái nhìn tâm như thằng mặc (Hsin-han sheng-mo), chỉ tâm chân chính, không vọng hoặc, được Trí Khải đưa ra trong tương quan giữa văn ngôn, hành, và lý. Tâm vẽ đường cho văn ngôn có nghĩa rằng khi quán tâm, hành giả có thể dùng văn ngôn chính xác, tránh được những lỗi lầm. Tâm vẽ đường cho hành có nghĩa rằng với phép quán tâm, hành giả suy tư chân chính và diệt được hành động sai lầm. Tâm vẽ đường cho nguyên lý có nghĩa rằng qua phép quán tâm, chân tâm của hành giả xa lìa những trói buộc của cái thấy sai lệch, và hội nhập được vào lý đạo.

II. Giải thích phép quán tâm qua quan điểm chữ Sutra có thể dịch được
(Lei-yu-fan Ming-kuan)

Đi xa hơn, Trí Khải đưa ra năm nghĩa của chữ Sutra (với quan điểm chữ Sutra có thể được phiên dịch) liên quan đến phép quán tâm (12). Từng nghĩa trong năm nghĩa nầy cũng được Trí Khải khảo sát trong tương quan với văn ngôn, hành, và lý. Lý do vì tất cả văn ngôn đều có từ cái dụng của tâm; tất cả hành có từ tâm suy tư; tất cả nguyên lý đều đến từ trí huệ.

(1) Với tâm như hai đường tơ ngang dọc liên hệ đến văn ngôn, Trí Khải nhìn sự chứng ngộ như đường tơ dọc, và phép quán chiếu như đường tơ ngang, đan dệt thành tấm lụa văn ngôn. Với tâm như đường tơ dọc liên hệ đến hành, Trí Khải nói rằng tâm chứa dung hành của trí tuệ như đường tơ dọc, và tâm chứa cái dụng của hành diệt ô nhiễm như đường tơ ngang, đan dệt thành tựu tất cả sự hành trì. Với tâm như đường tơ dọc liên quan đến nguyên lý, Trí Khải chủ trương rằng tâm, nhìn lên thì tương hợp với lý, như sợi tơ dọc, và tâm, nhìn xa thì tương hợp với lý, như sợi tơ ngang, đan dệt thành tựu giáo thuyết như nguyên lý.

(2) Tâm với nghĩa khế hợp chỉ tâm đồng nhất với quán chiếu trí tuệ. Khế hợp với tâm dung chứa những đối tượng chân lý tức khế hợp với duyên thích ứng căn cơ chúng sinh. Khế hợp với lòng mong cầu dục lạc tức khế hợp với giáo lý như phương tiện khế cơ. Khế hợp với tâm hướng về Vị Nhân và Đối Trị Tất Đàn tức khế hợp với hành. Khế hợp với tâm hướng về Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn tức khế hợp với nguyên lý.

(3) Tâm với nghĩa tịnh giáo có nghĩa tâm là giáo pháp của văn ngôn thanh tịnh. Tâm cũng là giáo pháp của tịnh hạnh, và tịnh lý. Như vậy, tâm có thể gồm thu nghĩa quỹ phạm (track), thường (constancy), và sự (facts).

(i) Nói về tâm như quỹ phạm, Trí Khải giải thích rằng nếu không quán tâm, sẽ không có lề lối để tuân theo. Vì sự quán chiếu chân chính, tâm đang hành sự. Vì tâm hành sự chính đáng, khuynh hướng trong tâm cũng chính đáng, khiến hành và lý cũng vậy. Nếu tâm hành sự kết hợp với lý, khuynh hướng trong tâm cũng kết hợp với lý. Vì thế, tâm được nhìn như quĩ phạm.

(ii) Nói về tâm là thường, Trí Khải nói rằng bản tánh của tâm là thường ở trong định, như hư không. Hư không như vậy không thể hư hoại, tà niệm không thể làm hư hoại tịnh thức, hạt giống thối rữa không thể làm chướng ngại hạt giống lành, và lý lẽ tà không thể đập vỡ được chánh lý. Vì thế, tâm được nhìn là thường.

(iii) Nói về tâm như sự kiện, Trí Khải giải thích rằng tất cả hướng về tâm tức quán. Sự thành tựu của tuệ quán không có gì mâu thuẩn với sự kiện. Cũng như lửa giúp cho củi : Sự và Lý không thể tách rời. Văn tự bao gồm ngôn ngữ không lời. Hành giả không thể bỏ rơi văn tự để chỉ quán tâm. (* Ghi chú của người dịch : Câu văn bỏ rơi văn tự khác với nghĩa vướng mắc vào văn tự .Vì chúng sinh có thói quen vướng mắc vào văn tự đưa đến sự xuất hiện của Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma là người chủ trương Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ Chân Tâm, kiến tánh thành Phật).

III. Quán tâm bằng cách đi xuyên qua các pháp (Lei Li-fa Wei-kuan)

Sutra được chú giải bằng cách đi xuyên qua các pháp từ sự quán chiếu tâm. Làm cách nào phép quán tâm nầy được thành tựu? Đây là đồng nhất hai khía cạnh đối nghịch của cùng một thực tại, vô phân biệt, chẳng đây, chẳng kia. Đặc biệt, Trí Khải nói rằng nếu một hành giả Đại thừa hành trì phép quán tâm, hành giả nầy sẽ quán tà tâm là chẳng phải tà tâm, và chẳng tà cũng chẳng chánh. Hành giả nầy sẽ quán tịnh tâm là chẳng phải tịnh tâm. Điều nầy có nghĩa rằng tịnh đồng như chẳng tịnh, và không tịnh không uế. Hành giả quán một tâm đồng như ba tâm (Không, Giả, Trung Đạo). Ba tâm nầy viên dung vạn pháp (13), chứng nghiệm tất cả tâm và tất cả pháp. Nói cách khác, vạn pháp trong một tâm, và tâm phản chiếu chân thực tại bao gồm ba mặt Không, Giả, và Trung Đạo. Một và Ba đồng nhất, thấy rằng ba mặt diễn tả một thực tại, và một thực tại gồm thu ba mặt. Phương thức quán chiếu như vậy là nền tảng của văn ngôn, lý, và hành. Với phép quán tâm, từng ý nghĩa của Sutra gồm thu trong một tâm.

Đoạn văn trên là phần Trí Khải nói về chữ Sutra. Đại Sư hòa giải hai lối nhìn chữ Sutra không thể dịch và có thể dịch. Điều nầy để nói rằng Sutra đưa ra năm ý nghĩa khi được nhìn như có thể dịch và năm ý nghĩa khi nhìn như không thể dịch. Năm ý nghĩa trước là : (i) Nền tảng các pháp, (ii) Xuất sinh, (iii) Tuyền dũng, (iv) Thằng mặc, (v) Kết man. Năm ý nghĩa sau là :(i) Kinh, (ii) Kết hợp, (iii) Nền tảng các pháp, (iv) Sợi tơ, (v) Tịnh giáo. Dựa vào ý nghĩa phong phú của chữ Sutra, Trí Khải đưa ra ý nghĩa của riêng Đại Sư về chữ Sutra đối với khía cạnh dụng. Vì Sutra là giáo pháp của Phật, và giáo pháp Phật diễn đạt Chân Như trong vạn pháp, tất cả các pháp đều là những hình thái khác nhau của Sutra, từ đó thấy được sự hóa giải cùng khắp. Đối với chúng sinh cõi người, thì âm thanh, sắc tướng, và pháp là kinh. Đối với chúng sinh cõi trời và các cõi Sắc và cõi Vô Sắc, thì vị, xúc, sắc, tâm, và hương là kinh. Giải thích điều kinh đưa ra, và làm thế nào để xác định kinh, câu hỏi tiếp theo là có thể có được một nền tảng cho tất cả những giải thích khác biệt?. Trình bày phép quán tâm, Trí Khải có thể đưa ra kết luận về những chú nghĩa khác nhau về kinh. Điều nầy nói lên rằng vì tâm dung chứa tất cả các pháp, tâm là nền tảng. Quán tâm, hành giả có thể thấy được rằng tất cả ý nghĩa của kinh có trong tâm, nơi đó, tất cả những giải nghĩa về Sutra được đứng vững.

Đến đây, chúng ta đã đưa ra phần phân tích của Trí Khải về những đặc tính thứ nhất của Ngũ Huyền (Five Sections) là Thích Danh, và Ngũ Huyền là công cụ nghiêm túc của Trí Khải dùng để chú giải kinh Pháp Hoa. Đặc tính của mục thứ nhất là nội dung phong phú, trong đó, Trí Khải có thể trình bày một hệ thống hoàn hảo về cái hiểu của Đại Sư đối với Phật giáo. Theo cách giải thích của Trí Khải, qua kinh Pháp Hoa, Thế Tôn thuyết hai nguyên lý Tích môn và Bản môn. Tích môn liên quan đến những hoạt dụng cứu độ chúng sinh như những chuyện vừa xảy ra trong lịch sử, Bản môn bày khai sự giác ngộ của Phật trong vô lượng kiếp quá khứ và hiện hữu bất diệt của Phật như cội nguồn hiển lộ Tích môn. Điều nầy cho thấy rằng giáo pháp của Phật và sự cứu độ chúng sinh luôn thường trụ chưa từng cùng tận. Bất kỳ Phật sử dụng phương tiện nào, bản hoài của giáo pháp Phật là hiển lộ Bản Bồ đề thuộc Bản môn, khiến chúng sinh có thể hướng về Phật thừa.

Với Trí Khải, Phật giáo gồm có nhân Bồ đề và quả Bồ đề. Nhìn nhân và quả riêng biệt, nhân Bồ đề liên quan đến tự giác hướng về Phật giới, và quả Bồ đề liên quan đến hoạt dụng cứu độ chúng sinh đạt đến Phật giới. Như vậy, Bản môn được Trí Khải nhìn như nhân Bồ đề, và Tích môn là quả Bồ đề. Tuy nhiên, Trí Khải nhấn mạnh rằng thực tại không có sự phân biệt giữa nhân và quả. Nhân và quả có trong nhau. Nhân quyết định thực quả, và quả là biểu tượng của nhân. Vì nhân và quả đồng nhất, nhân và quả Bồ đề hoàn toàn trong cả hai Bản môn và Tích môn.

Để giữ vững lập luận của mình, Trí Khải trình bày Thập Diệu cho cả hai pháp môn, và Thập Diệu làm thành nồng cốt cho cái hiểu của Đại sư về Phật giáo. Bản môn Thập Diệu (14) cho thấy nhân quả Bồ đề đầy đủ. Tích môn Thập Diệu (15) cũng nói rằng nhân quả Bồ đề đầy đủ. Vì Bản môn là bản giác của Phật, và Tích môn là biểu tượng của Bản môn, hai pháp môn đều chứa đựng Thập Diệu, hai nhóm Thập Diệu nầy có giống, có khác. Nói cách khác, Bản môn Thập Diệu bao gồm Tích môn Thập Diệu, nhưng Tích môn Thập Diệu không nhất thiết bao gồm Bản môn. Tính cách độc đáo của Bản môn, về mặt khác, phản ảnh những phần trong Tích môn Thập Diệu và đưa về Tích môn Thập Diệu. Diệu Bản Nhân bao gồm bốn phần diệu đầu trong Tích môn Thập Diệu (Cảnh, Trí, Hành, và Vị), thấy rằng phần nầy cũng chứa đựng nhân Bồ đề. Diệu Bản Quả bao gồm phần diệu thứ năm trong Tích môn Thập Diệu, tức Diệu Tam Pháp, thấy rằng phần sau nầy chỉ quả Bồ đề. Diệu Cảm Ứng, Diệu Thần Thông, Diệu Thuyết Pháp, Diệu Quyến Thuộc, và Diệu Lợi Ích là những nguồn mạch đưa đến những phần diệu trong Tích môn, chỉ năm phần sau cùng trong Tích môn Thập Diệu. Qua những đề mục tương tự, Trí Khải hùng biện rằng giáo pháp Phật liên tục trong ba thời quá khứ, hiện tại, và vị lai. Mặt khác, sự độc đáo của Bản môn từ những phần diệu chỉ có trong Bản môn. Đó là Diệu Bản Quốc Độ, Diệu Bản Niết Bàn, và Diệu Bản Thọ Mệnh. Ba phần diệu nầy nói về việc Phật thường trú nơi bản quốc, chứng đắc Bồ đề, vào Niết bàn, và phát sinh vô tận thọ mệnh.

Sự nhấn mạnh của Trí Khải vào phẩm tính đặc thù của Bản là để nói lên phẩm tính siêu việt của kinh Pháp Hoa, vì Bản môn lần đầu tiên được Thế Tôn lộ bày qua kinh Pháp Hoa. Trong hệ thống tư tưởng của Trí Khải, giáo pháp Phật được xếp loại từ thấp lên cao dần đưa chúng sinh đến mục tiêu sau cùng. Theo Trí Khải, giáo pháp tối thượng của Phật diễn đạt giáo lý thâm sâu nhất, và Bản, trong đó vị Phật bất tử thường trú, có thể được nhìn như một giáo lý, bởi vì kinh Pháp Hoa được thừa nhận là giáo pháp sau cùng của Thế Tôn. Trình bày Tích môn Thập Diệu, sự siêu việt của kinh Pháp Hoa được hiển lộ.

Sự siêu việt của kinh Pháp Hoa cũng phản chiếu trong đề kinh Bản Kinh Của Đóa Sen Diệu Pháp (Sutra of the Lotus of the Fine Dharma). Từng chữ trong năm chữ tựa đề kinh trực chỉ vào pháp vi diệu. Theo như cách chú nghĩa chữ Pháp của Trí Khải, Pháp là chân lý được nói đến trong giáo lý của Phật, có ba phần : Chúng Sinh Pháp, Phật Pháp, và Tâm Pháp. Với Chúng Sinh Pháp, Trí Khải chỉ thẳng vào sự viên dung của toàn thể vũ trụ bao gồm mười pháp giới trong một thực tại. Với Phật Pháp, Trí Khải giải thích thực tại nầy qua Chân Như bao gồm tương đối và tuyệt đối. Khi mười pháp giới được chứng nghiệm qua tương đối và tuyệt đối, Trí Khải nhìn chín cõi (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, người, trời, Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát ) thuộc tương đối, và Phật giới là tuyệt đối.Tương đối và Tuyệt đối cùng dựng lập thực tại được Phật chứng nhập. Về Tâm Pháp, Trí Khải đưa ra một phương pháp thực tiển tiến gần chân lý gọi là quán tâm, khiến hành giả có thể vào được thực tại như Phật để đến với giải thoát. Trình bày ba Pháp nói trên, Trí Khải có thể khẳng định rằng Pháp như thực (được nói đến trong giáo lý Phật) là diệu pháp, vì đây là sự thật viên dung, không đối nghịch, không phân biệt, và không phiến diện. Một Pháp như thực vi diệu như vậy được Trí Khải mang đi xa hơn trong cách chú giải về chữ Diệu của Đại Sư. Chữ Diệu đã được nói đến qua Tích môn và Bản môn Thập Diệu ở phần trên. Làm cách nào chúng ta có thể biết rõ Diệu được trình bày như thế nào qua Tích môn Thập Diệu và Bản môn Thập Diệu?. Bằng lối giải thích hai chữ hoa sen như một ẩn dụ của diệu pháp, Trí Khải có thể hợp hóa tất cả những phần phân tích về chữ Diệu liên quan đến Pháp như thực. Sau cùng, lối giải nghĩa của Trí Khải về chữ Kinh (sutra) giữ vững học thuyết của Đại Sư rằng kinh như giáo pháp Phật thì không gì ngoài diệu pháp của Chân Như. Điều nầy để nói rằng Chân Như trong vạn pháp, và vạn pháp được nhìn như Kinh (sutra), vì có thể đưa chúng sinh đến giải thoát.

Từ những phân tích về những đặc tính thứ nhất của Ngũ Huyền, thích danh, Trí Khải chiếu soi ánh sáng vào nền minh triết hài hòa của Đại sư, là nền minh triết đã dựng nên toàn khối liễu đạt về Phật pháp. Nếu Trí Khải nhìn giáo pháp của Phật quy tâm về sự hiển lộ Chân Như như diệu pháp, thì toàn thể hệ thống chú giải của Đại Sư về diệu pháp lại là sự phô bày một nền triết học hài hòa có thể hộI nhập như pháp vi diệu. Trong những phần sau, đưa ra những lập luận còn lại của Ngũ Huyền, là Thể, Tông, Dụng, và Giáo, Trí Khải trình bày rằng Chân Như có thể được nhìn như Thể, là giáo pháp thiết yếu của Phật về nhân và quả Bồ đề, có cái dụng giáo hóa chúng sinh, và mang theo những đặc tính như kết quả từ sự khế hội với trình độ hiểu biết của chúng sinh.


Tham khảo

1 Nghĩa đen của chữ Sutra tiếng Phạn là sợi chỉ dọc trên tấm vải dệt hoặc đường tung (vertical), và nghĩa nầy được tín đồ Phật giáo giảng rộng chỉ những tạng kinh ghi lại lời dạy của Phật. Như vậy, Sutra có nghĩa là đường, sợi, bản văn, bài kệ, hoặc câu văn, chuyển đạt giáo lý Phật Đà, hoặc một trong mười hai tạng kinh. Khi chữ Sutra được dịch là Tu Đa La (Hsiu- to-luo) hoặc được dịch qua Hoa ngữ là Ching, chỉ những bản văn ghi lại lời Phật với nghĩa hẹp, một trong mười hai loại giáo lý Phật; về nghĩa rộng, một tạng (tripikata), như toàn bộ kinh. Cùng nghĩa với đường dọc, sợi dây, chữ kinh được dịch qua Hoa ngữ là Khế Kinh, có nghĩa là khế hợp với, thường được hiểu là giáo pháp Phật hợp với chân lý và thích ứng với mọi tầng lớp chúng sinh. Khế được dịch là hội nhập và viên dung. Kinh là ý tưởng hội nhập chân lý và viên dung tất cả chúng sinh. Japanese-English Buddhist Dictionary, p.156; p.189; Fo-kuang Ta-tzu-tien, p.5548. Theo những nghĩa khác biệt của chữ Sutra, Trí Khải tổng lược năm nghĩa về sutra không thể dịch (nền tảng, xuất sinh, tuyền dũng, thằng mặc, kết man), và năm nghĩa sutra có thể dịch ( kinh, kết hợp, nền tảng, sợi tơ, tịnh giáo).

2 Phần luận của Trí Khải về sutra không thể dịch, đọc T33, 775a-776a.

3 Tứ Tất Đàn chỉ bốn pháp môn Thế Tôn sử dụng dạy chúng sinh hoặc bốn thứ lớp tiếp nhận chân lý, gồm có Thế Tục Tất Đàn, Vị Nhân Tất Đàn, Đối Trị Tất Đàn, và Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn. Thêm chi tiết, đọc ghi chú 43.

4 Tam giải thoát chỉ ba môn giải thoát. Đó là : Không Giải Thoát Môn, Vô Tướng Giải Thoát Môn, và Vô Tác Giải Thoát Môn. San-tsang Fa-shu, p.68.

5 Phần luận của Trí Khải về Sutra có thể dịch, đọc T33, 776a-b.

6 Sáu mươi hai tà đạo chỉ sáu mươi hai lối nhìn chống trái các trường phái triết học Ấn Độ chủ trương vào thời Thế Tôn tại thế, có thể tóm kết vào hai loại : một loại chủ trương rằng linh hồn thường hằng, và một loại chủ trương rằng cái chết sẽ chấm dứt tất cả. Japanese- English Buddhist Dictionary, p.239, sw. Rokujuni-ken.

7 Quan điểm hòa giải của Trí Khải, đọc T33, 776b-c.

8 Giải thích của Trí Khải về Ching, đọc T33, 776c-778a.

9 Giải thích sáu căn, đọc ghi chú 58.

10 Giải thích của Trí Khải về Sutra qua phép quán tâm, đọc T33, 778a-779a.

11 So sánh cùng chỗ, p.778a-c.

12 So sánh cùng chỗ, p.778c.

13 Trí Khải chủ trương rằng thực tại gồm ba mặt : Không, Giả, và Trung Đạo. Như vậy, vạn pháp được ba mặt nầy ôm trọn vẹn.

14 Đó là (1) Diệu Bản Nhân, (2) Diệu Bản Quả,(3) Diệu Bản Quốc Độ, (4) Diệu Bản Cảm Ứng,(5) Diệu Bản Thần Thông,(6) Diệu Bản Thuyết Pháp,(7) Diệu Bản Quyến Thuộc,(8) Diệu Bản Niết Bàn,(8) Diệu Bản Thọ Mệnh, và (10) Diệu Bản LợI Ích.

15 Đó là : (1) Diệu Cảnh (2) Diệu Trí (3) Diệu Hành (4) Diệu Vị (5) Diệu Tam Pháp (6) Diệu Cảm Ứng (7) Diệu Thần Thông (8) Diệu Thuyết Pháp (9) Diệu Quyến Thuộc (10) Diệu Lợi Ích.