MỘT CÁCH CHO

Giới Đức

Tại thành Xá Vệ, nơi có Tịnh xá Kỳ Hoàn nổi tiếng với Đức Thế Tôn và chúng Tỳ Kheo Tăng thường trú ngụ.

Ngày ngày ánh thái dương chiếu trên những tấm cà sa vàng rực của các vị Tỳ kheo Tăng đi khất thực khắp các nẻo đường, tạo nên cảnh tượng hiền hòa tươi mát đến mọi thôn xóm, mọi gia đình, như đám mưa lành rưới khắp cỏ cây.

Tuy vậy, rải rác cũng có những gia đình thiếu thiện duyên, phước báo, nên hạt mưa pháp chưa thấm đến được, chẳng hạn, gia đình một phú hộ ở cuối thành.

Ông chủ nhà nầy thừa hưởng một gia tài giàu có của tổ tiên để lại, đồng thời cũng thừa hưởng luôn cả cái tánh keo kiệt, hung dữ di truyền. Ông và vợ con ông đã quen nếp sống đó, nên tưởng là đương nhiên chẳng có gì trái đạo. Vì vậy, không ai dám khuyên hóa hay bày vẽ điều hay lẽ phải gì được nếu có thì ông cũng gạt phăng đi hết. Trong nhà ít khi đầm ấm, chồng không cãi với vợ, thì cha cũng gây gỗ, mắng nhiếc con. Những câu nói thô tục, trái tai thường xuyên thốt ra, vì vậy mà bà con xóm giềng đã tránh xa không ai thèm đặt bước tới nhà, ngoại trừ mấy người bạn bè cùng tính nết và mấy thầy Tỳ kheo đi khất thực. Theo phép bình đẳng thứ lớp khất thực, thầy Tỳ kheo không lựa chọn nhà sang hèn giàu nghèo. Trên bước đường đi cứ hết nhà nầy đến nhà khác. Tới trước nhà nào cũng đứng lại năm ba phút im lặng chúc phúc cho nhà đó, rồi lui gót đi sang nhà khác, dù nhận được gì hay không cũng vậy. Khi đến trước nhà ông phú hộ, thầy Tỳ kheo cũng dừng lại ít phút, nhưng thay vì nhận được phẩm vật cúng dường như các nhà kia, thì ở đây các Thầy chỉ nhận toàn những lời nguyền rủa, xua đuổi.

Ngày nào cũng như ngày nào, hễ thấy bóng mấy thầy Tỳ kheo dừng bước trước nhà, thì vợ chồng ra mắng nhiếc xua đuổi.

Thấy vậy, có thầy Tỳ kheo đề nghị chớ đến khất thực nơi nhà ấy nữa. Nhưng thầy khác lại khuyên nên thực hành lời Phật dạy, thầy dẫn ra một đoạn kinh cho các Tỳ kheo nghe về hạnh khất thực — “Nầy các Tỳ kheo, đây là nghề sinh sống hèn hạ nhất, tức là nghề khất thực. Như lời nguyền rủa trong đời, khi người đời nói: “Các ngươi, kẻ khất thực với bình bát trên tay, các ngươi đi chỗ này đến chỗ kia”. Nhưng đây là nghề sinh sống mà các thiện gia nam tử chấp nhận, những vị sống vì lý tưởng mục đích, duyên với lý tưởng mục đích, không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, cũng không phải vì không có nguồn sinh sống như với ý nghĩ — Ta bị chìm đắm trong sanh già chết sầu bi khổ ưu não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị đoanh vây bởi đau khổ, nên ta tìm con đường tu hành giải thoát và hóa độ chúng sanh.

Thế là các Tỳ kheo vẫn tiếp tục đi khất thực không bỏ qua nhà đó.

Một hôm, thầy Tỳ kheo vừa đến cửa, thì bà phú hộ cũng vừa đi ra, bà vụt miệng nói một câu nhẹ nhàng hơn bao nhiêu lần trước:

– Thưa ông, ông hãy đi nơi khác để xin, ở đây tôi không sẵn lòng cho ông đâu, xin đừng đứng lâu mất thì giờ của ông đó.

Nhưng thầy Tỳ kheo vẫn thản nhiên đứng đủ vài phút rồi tiếp tục đi. Giữa đường chợt gặp ông phú hộ đi ngược chiều trở về nhà. Thấy thầy Tỳ kheo quá quen thuộc ngày nào cũng vào xin nơi nhà mình, ông chận lại hỏi:

– Nầy, ông mới vào xin nhà tôi ra phải không?

Thầy Tỳ kheo trả lời:

– Phải!

– Có cho chi không?

– Có cho.

Vừa nghe hai tiếng “có cho” ông nổi cơn lôi đình chạy tốc về nhà hỏi vợ:

– Bà kia, ai bảo bà mang đồ cho Sa môn?

Bà vợ nghe chồng hạch sách đột ngột lấy làm dửng dưng:

– Ai nói ông đấy?

– Ông Sa môn hồi nãy chứ ai!

– Ồ, tôi nào có cho ông ấy thứ chi đâu!

– Không cho sao ông ấy nói có cho?

– Nếu không tin ông chạy theo mà tra soát.

Ông phú hộ lại đuổi theo vị Tỳ kheo đang đi trong dáng khoan thai đếm từng bước, đến nơi ông chẳng nói chẳng rằng liền giựt lấy bình bát thầy Tỳ kheo ra xem, nhưng chẳng thấy chi cả, ông liền ném bình bát xuống đất và mắng:

– Tu hành mà nói dối! Ai cho gì đâu mà nói có cho?

Thầy Tỳ kheo ôn tồn đáp:

– Ông hãy bình tĩnh, tôi sẽ nói ông nghe — bao nhiêu lần đến khất thực nhà ông chúng tôi đều được nhận toàn những lời nguyền rủa thô tục, nhưng sáng nay tôi vừa đến trước ngõ thì bà chủ nhà đã cho tôi một câu nói nhẹ nhàng rằng, “Thưa ông, ông hãy đi nơi khác để xin, ở đây tôi không sẵn lòng cho ông đâu, xin đừng đứng lâu mất thì giờ của ông đó”. Và tôi đã nhận lời nói đó như một phẩm vật đặc biệt. Nghe vị Tỳ kheo nhã nhặn trình bày, ông phú hộ thẹ thẹ cúi xuống lượm bình bát đặt lại trên tay Tỳ kheo rồi lẳng lặng trở về, trong lòng suy nghĩ miên man. Đến nhà ông gọi vợ:

– Nầy bà, từ trước tới nay, nhà ta có cho những gì các vị Sa môn không?

– Ông chẳng nhớ sao, các ông đến là mình mắng nhiếc, xua đuổi đi chứ có cho vật gì.

– Thôi, kể từ đây tôi đề nghị với bà rằng, mình đã không cho đồ đạc của cải thì thôi, cũng đừng dùng lời lẽ chua cay mà mắng nhiếc các vị Sa môn ấy nữa. Họ có tội tình gì mà phải nghe lấy những điều sỉ nhục mạt sát của mình. Họ cũng đâu bắt buộc mình cho cơm áo họ đâu, họ chỉ làm công việc của một kẻ tu hành, của một người khất sĩ xin ăn, làm ruộng phước cho bao nhiêu người gieo trồng căn lành, giống tốt, ai có gieo giống thì họ được gặt quả, còn mình, mình không làm thì thôi cớ sao lại mạ nhục họ. Bà thấy không mình phi lý đấy chứ.

Nghe chồng nói một thôi dài, bà vợ im lặng suy nghĩ.

Kể từ khi gặp vị Tỳ kheo hôm nọ, đời sống gia đình ông phú hộ, người ta không còn nghe những lời to tiếng, những trận cãi vợ con, đánh đập tôi tớ, một đời sống thuận hòa trên dưới nhường nhau đã tạo ra một không khí đầm ấm hạnh phúc.

Và cũng kể từ đây, gia đình ông biết ăn ở đối xử với mọi người chung quanh. Nhờ vậy, bà con láng giềng thường hay lui tới bắt mặt làm quen, mối tình lân cận càng thêm thắm thiết.

“Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.