mộng song sớ thạch

Phật Quang Đại Từ Điển

(夢窗疏石) Thiền sư Nhật bản, thuộc tông Lâm tế, người huyện Y thế, họ Nguyên, tự Mộng song, là hậu duệ của Thiên hoàng Vũ đa. Năm lên 9 tuổi, sư theo ngài Không a ở chùa Bình diêm sơn học nội ngoại điển. Năm 26 tuổi, sư xuất gia, theo ngài Ngưng nhiên ở viện Giới đàn thụ giới, sau đó, đi khắp nơi học Hiển giáo và Mật giáo. Ít lâu sau, sư nhận ra rằng Phật pháp vốn không phải là Nghĩa học, nên chuyển sang tham thiền, thờ các ngài Nhất sơn Nhất ninh, Cao phong Hiển nhật làm thầy và được ngài Hiển nhật ấn khả. Năm 1325, sư nhận lời thỉnh của Thiên hoàng Hậu đề hồ, trụ ở chùa Nam thiền tại kinh đô (Kyoto), chùa Viên giác ở Liêm thương, xiển dương Thiền phong. Sau khi họ Bắc điều bị diệt vong, sư từ Liêm thương dời về Kinh đô để tránh loạn lạc, ở đây, sư được dòng họ Túc lợi tôn kính, giúp sức xây dựng tháp Lợi sinh ở chùa An quốc. Để truy niệm Thiên hoàng Hậu đề hồ, sư sáng lập chùa Thiên long và làm vị khai sơn đời thứ nhất. Ngoài ra, sư còn chỉ đạo công trình tạo lập các hoa viên nổi tiếng ở các chùa Tây phương, chùa Thiên long, chùa Vĩnh bảo (Mĩ nùng), chùa Hấp giang (Cao tri), chùa Thụy tuyền (Liêm thương), chùa Huệ lâm (Giáp phỉ) v.v… Năm 1346, đệ tử của sư là Vô cực Chí huyền kế thừa pháp tịch chùa Thiên long, xiển dương tông phong của thầy và sau phát triển thành phái Mộng song (phái Tha nga môn), còn sư thì lui về ẩn ở am Vân cư. Năm 1351, sư thị tịch, thọ 77 tuổi. Lúc sinh tiền, sư được vua ban các hiệu: Mộng Song Quốc Sư, Chính Giác Quốc Sư, Tâm Tông Quốc Sư; sư cũng được đời sau truy tặng các hiệu: Phổ Tế Quốc Sư, Huyền Du Quốc Sư, Phật Thống Quốc Sư và Đại Viên Quốc Sư. Đệ tử nối pháp gồm hơn 50 người, trong đó nổi tiếng hơn cả là các vị: Vô cực Chí huyền, Xuân ốc Diệu ba, Long tưu Chu trạch, Nghĩa đường Chu tín, Cổ kiếm Diệu khoái, Quán trung Trung đế v.v… Sư có các trứ tác: Mộng trung vấn đáp tập 3 quyển, Lâm xuyên tự gia huấn, Ngữ lục 3 quyển. [X. Thiên long khai sơn Mộng song chính giác tâm tông Phổ tế quốc sư niên phổ; Mộng song chính giác tâm tông quốc sư tháp minh tinh tự; Diên bảo truyền đăng lục Q.19].