mộng kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(夢經) Chỉ cho những đoạn văn kinh hoặc những bản kinh Phật có liên quan đến mộng. Cách nhìn và sự giải thích về mộng trong các kinh điển của Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa đều khác nhau. Kinh điển Tiểu thừa không phải lấy bản thân mộng làm đối tượng, mà chỉ có ý mượn giấc mộng để ám chỉ 1 sự kiện hoặc 1 biến chuyển trọng đại. Còn kinh điển của Đại thừa thì nói rõ về bản chất của mộng, đồng thời bàn đến vấn đề mấu chốt là mộng có thực thể hay không và nếu có thì thiện, ác khác nhau ra sao? Cho nên, quan điểm của kinh điển Tiểu thừa có tính nguyên thủy, tự nhiên, còn quan điểm của kinh điển Đại thừa thì có tính phê phán, siêu hình. Trong kinh điển Phật giáo, bộ luận đầu tiên bàn về bản chất và tự tính của mộng là luận Đại tì bà sa quyển 37, trong đó có nói (Đại 27, 193 trung): Nếu mộng chẳng phải thực thì trái với Khế kinh. Như vậy, luận này chủ trương mộng là có thật và phải chịu trách nhiệm (nghiệp báo) về đạo đức. Cũng quyển 37 của luận đã dẫn, nêu ra 5 thuyết có liên quan đến tự tính (bản chất, bản thể) của mộng: 1. Các ngài Pháp cứu, Giác thiên căn cứ vào thuyết của các ngài Diệu âm và Thế hữu lấy toàn bộ tác dụng tinh thần của tâm, tâm sở làm bản thể của mộng. 2. Lấy ý làm tự tính của mộng, tức là tác dụng của ý thức trước khi ngủ chợt hiện ở trong mộng. 3. Lấy niệm làm tự tính của mộng, niệm chỉ cho kí ức. Nghĩa là từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến vị lai, tác dụng của kí ức liên tục không gián đoạn, đó là tự tính của mộng, bởi thế mới có trường hợp kí ức ở quá khứ hiện ra trong cảnh mộng ở hiện tại và sau khi người ngủ tỉnh dậy có thể kể lại giấc mộng cho người khác nghe. 4. Lấy Ngũ thủ uẩn làm tự tính của mộng. Ngũ thủ uẩn tức là sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Trong khi ngủ, các uẩn đắp đổi giúp đỡ lẫn nhau để cấu thành các việc trong mộng, vì thế lấy đó làm tự tính của mộng. 5. Lấy tất cả pháp (tức là hết thảy muôn tượng tâm và vật) làm tự tính của mộng. Trong kinh điển Phật giáo, có rất nhiều kinh văn liên quan đến mộng, thường thấy hơn cả là điềm mộng lành khi đức Phật gá thai và mộng dữ khi đức Phật nhập diệt. Điềm mộng đức Phật gá thai thấy được chép trong các kinh luận: – Kinh Thái tử thụy ứng bản khởi quyển thượng. – Kinh Chúng hứa ma ha đế quyển 3. – Kinh Phổ diệu quyển 2. – Kinh Quá khứ hiện tại nhân quả quyển 1. – Kinh Pháp hoa trong phẩm Phổ hiền khuyến phát. – Kinh Quán Phổ hiền bồ tát hành pháp. – Kinh Ma ha ma da. – Thiện kiến luật tì bà sa quyển 12. – Luận Câu xá quyển 9. – Luận Dị bộ tông luân. – Ma ha chỉ quán quyển 2 thượng. Điềm mộng đức Phật nhập Niết bàn được ghi trong các kinh luận: – Kinh Đại bát niết bàn quyển hạ. – Kinh Đại bát niết bàn quyển 40, bản tiếng Phạm. – Kinh Niết bàn hậu phần quyển hạ. – Kinh Ma ha ma da quyển hạ. – Kinh Ca diếp phó Phật bát niết bàn. – Luận Đại trí độ quyển 3. – Điều Câu thi na yết la quốc trong Đại đường tây vực kí quyển 6. – Pháp uyển châu lâm quyển 10, 12. Ngoài ra, cũng có mộng liên quan đến việc đức Phật xuất gia được ghi trong các kinh điển về Phật truyện như kinh Quá khứ hiện tại nhân quả quyển 2 v.v… Còn Bát nhã bộ nói về mộng, thì như phẩm Mộng hành trong kinh Đại bát nhã quyển 451, có nêu lên quan điểm của đức Thích tôn và các ngài Xá lợi phất, Tu bồ đề, Di lặc… bàn về nghiệp trong mộng, đây là đại biểu điển hình cho lập trường có tính phê phán, tính suy xét đối với mộng được biểu hiện trong kinh điển Đại thừa và kết luận của kinh điển Đại thừa là mộng đã tiến vào Đệ nhất nghĩa đế. Nghĩa là nếu cho rằng hiện thực và cảnh mộng có sai khác nhau thì tức là vọng kiến, mà triệt để chấp nhận quan điểm hiện thực tức mộng mới phù hợp với tư tưởng Không của Bát nhã. Lại nữa, kinh Đại bát nhã quyển 596 và luận Đại trí độ quyển 6, dùng 10 thí dụ để thuyết minh thực tướng Bát nhã, thì trong đó có 1 dụ như mộng. Trong 10 thí dụ của kinh Đại phẩm bát nhã quyển 1, nói rõ các pháp đều không, cũng có 1 thí dụ về mộng. Rồi 10 thí dụ trong kinh Duy ma, nói về thân người vô thường, cùng có 1 thí dụ mộng. Ngoài ra, luận Đại trí độ quyển 7 cũng có ghi mộng của 3 dâm nữ, nhờ đó để thuyết minh ý chỉ nhiệm mầu của các pháp thực như thế, đều từ niệm sinh. Nhưng điềm mộng trong các kinh như kinh Đại phương đẳng đà la ni quyển 1, thuộc Phương đẳng bộ và kinh Kim quang minh tối thắng vương quyển 2, thuộc Bí mật bộ, thì ý thú rất khác với điềm mộng trong kinh Bát nhã nói trên. Trong đó, sự tích Thập nhị mộng vương (Thập nhị thần vương, Thập nhị đại vương) ghi trong kinh Đại phương đẳng đà la ni, sự tích Kim cổ thuyết pháp (Trống vàng nói pháp) trong kinh Kim quang minh tối thắng vương, đều thuộc trường hợp Thiên nhân nhập mộng (Trời người thấy mộng) chứ không phải dùng mộng làm thí dụ để hiển bày ý chỉ mầu nhiệm của lí Không. Trong các kinh Phật hiện còn, những kinh lấy mộng làm chủ đề toàn kinh thì có: 1. Kinh A nan thất mộng, 1 quyển, cũng gọi Thất mộng kinh, do ngài Đàm vô lan dịch vào đời Đông Tấn, được thu vào Đại chính tạng tập 14. Nội dung nói về việc ngài A nan nằm mộng thấy 7 việc xấu, như thấy những ngọn lửa từ ao hồ bốc lên ngùn ngụtv.v… mà đức Phật tiên đoán đó là điềm báo trước việc Phật pháp sẽ suy tàn trong đời vị lai. 2. Ca chiên diên vị Ác sinh vương giải bát mộng duyên, cũng gọi kinh Bát mộng, do các ngài Cát ca dạ và Đàm diệu cùng dịch vào đời Nguyên Ngụy, được thu vào kinh Tạp bảo tạng quyển 9 trong Đại chính tạng tập 4. Nội dung nói về việc ngài Ca chiên diên giải thích 8 điềm mộng của Ác sinh vương, khiến cho bạo chúa này qui y Tam bảo. 3. Xá vệ quốc vương mộng kiến thập sự kinh,1 quyển, cũng gọi Thập mộng kinh, Vô hi vọng kinh, được thu vào Đại chính tạng tập 2. Bản dịch khác là Xá vệ quốc vương thập mộng kinh, 1 quyển, cũng được thu vào Đại chính tạng tập 2. Nội dung nói về 10 điềm mộng của vua Ba tư nặc. 4. Cấp cô độc trưởng giả nữ đắc độ nhân duyên kinh, 3 quyển, do ngài Thí hộ dịch vào đời Tống, được thu vào Đại chính tạng tập 2. Có bản dịch khác là Tu ma đề nữ kinh, 1 quyển, do ngài Chi khiêm dịch vào đời Ngô, cũng được thu vào Đại chính tạng tập 2. Nội dung nói về việc đức Phật vì muốn giải thích về nhân duyên quá khứ của nàng Thiện vô độc (Phạm: Sumàgadhà, Tu ma đề), con gái của Trưởng giả Cấp cô độc, nên Ngài thuật lại 10 điềm mộng chẳng lành của vua Ngật lật chỉ (Phạm: Kfkin) ở đời quá khứ cho Thiện vô độc nghe, nhờ đó mà nàng được độ. 5. Đại mộng bản sinh kinh (Phạm: Mahàsupina Jàtaka), cũng gọi Thập lục mộng kinh. Nội dung nói về 10 điềm mộng dữ của vua Ba tư nặc, cùng lời đoán mộng của Bà la môn và sự giải thích của đức Phật. [X. kinh Tạp a hàm Q.7; kinh Tăng nhất a hàm Q.51, kinh Đại bảo tích Q.73, 74; luật Ngũ phần Q.26; kinh Tu hành bản khởi Q.thượng; luận Đại trí độ Q.64; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.2 phần 2; Khai nguyên thích giáo lục Q.15]. (xt. Mộng).