mông cổ phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(蒙古佛教) Phật giáo được truyền đến Mông cổ vào thời vua Hiến tông (ở ngôi 1251-1259) triều nhà Nguyên và trở thành tín ngưỡng phổ biến bắt đầu vào thời Hốt tất liệt. Vào năm Chí nguyên 22 (1285), vua Thế tổ nhà Nguyên là Hốt tất liệt ban lệnh cho ngài Bát tư ba xem xét đối chiếu 2 tạng kinh Hán và Tạng soạn thành bộ Chí nguyên Pháp bảo Khám đồng tổng lục. Vua Thành tông nhà Nguyên rất tin Phật nên có ngài Tất lan nạp thức lí xuất gia thay vua và vâng mệnh phiên dịch kinh Phạm ra tiếng Mông cổ. Năm Chí đại thứ 3 (1310) đời vua Vũ tông, vị Cao tăng người Tây tạng là ngài Pháp quang đến Mông cổ bổ sung và hiệu đính những chữ Mông cổ mới, lại có các học giả Trung quốc, Hồi cốt dịch tạng kinh Tây tạng ra tiếng Mông cổ. Do đó, các triều vua nối tiếp như Nhân tông, Anh tông, Tấn tông, Minh tông, Văn tông và Thuận đế đều sùng tín Phật giáo Tây tạng. Sau, vua Thái tổ nhà Minh nổi lên (1368), Thuận đế nhà Nguyên thua trận lui về phương Bắc, thì Phật giáo Mông cổ cũng 1 thời suy vi, trải hơn 1 trăm mấy mươi năm sau, nhờ có Hoàng giáo Tây tạng truyền vào, Phật giáo Mông cổ mới được hồi phục. Năm Vạn lịch thứ 5 (1577) đời Minh, Khả hãn Yêm đáp của Nội Mông cổ sai sứ đến Tây tạng thỉnh Đạt lai lạt ma đời thứ 3 đến Mông cổ, từ đó Hoàng giáo bắt đầu thịnh hành ở Nội Mông cổ. Còn ở Ngoại Mông cổ, thì Khả hãn A ba đại từng thỉnh vị đại đệ tử của Đạt lai Lạt ma đời thứ 3 là ngài Đại từ mại đạt lí hô đồ khắc đồ tuyên dương Phật pháp ở 1 ngôi chùa bên bờ sông Khách nhĩ Khách đồ lạp, rất được người Mông cổ sùng kính. Đến khi ngài Triết bố tôn đan ba, Hô đồ khắc đồ (Tạng: Rjebtsun dam-pa, 1635-1723) đời thứ 1 xuất hiện, thì Phật giáo ở Ngoại Mông cổ lại càng thêm rực rỡ. Năm Càn long 22 (1757) đời Thanh, ngài Triết bố tôn đan ba (1724- 1757) đời thứ 2, sáng lập học viện Cao đẳng tông giáo Trát ni đặc tại Khố luân, từ đó Khố luân trở thành trung tâm chính trị tông giáo của Ngoại Mông, cũng là Thánh địa giáo dục của Lạt ma Mông cổ. Nói chung, các đời Hoàng đế nhà Thanh đều rất tôn kính các bậc Triết bố tôn đan ba, nhưng vào năm Quang tự thứ 4 (1878), tình hình bỗng thay đổi: Quan Đại thần Mãn châu ở Khố luân là ông Chí cương bắt buộc ngài Triết bố tôn đan ba (1870-1924) đời thứ 8 phải đứng dậy đón rước quan Đại thần Biện sự, đã gây ra sự bất bình. Sau biến cố này, quan hệ giữa nhà Thanh và Mông cổ trở nên xấu đi, triều đình nhà Thanh trắng trợn phá hoại thế lực của Phật giáo Mông cổ. Khi nhà Thanh sụp đổ, Ngoại Mông liền tuyên bố độc lập (1912). Còn Triết bố tôn đan ba hô đồ khắc đồ ở Khố luân thì tự xưng Hoàng đế, thành lập nước Đại Mông cổ. Lãnh tụ tông giáo Nội Mông đồng thời với Triết bố tôn đan ba là Chương gia hô đồ khắc đồ (Tạng: Lcaí-skya), đệ tử của ngài Đạt lai Lạt ma đời thứ 5, được rước từ Tây tạng đến. Các đời Chương gia thường phụ giúp nhà Thanh và chính phủ Dân quốc. Những vị này thường trú ở Đa luân, Bắc kinh và núi Ngũ đài. Vị Chương gia đời thứ 19 thị tịch ở Đài bắc vào năm Dân quốc 46 (1958), ngài đã từng giữ các chức Ủy viên trong Mông Tạng Ủy viên hội, Mông kì tuyên hóa sứ, Ủy viên chính phủ Quốc dân, Tư chính phủ Tổng thống v.v… Thời kì thịnh nhất của Phật giáo Mông cổ là khoảng đầu thế kỉ XX, lúc bấy giờ Lạt ma chiếm1/3 dân số; Thánh địa là chùa Ách đan ni châu (Erdenì Dzu), được xây dựng vào năm 1584, cách Ulan Bator 250 dặm. Vì Phật giáo Mông cổ được du nhập từ Tây tạng, cho nên những nghi lễ tông giáo, hình thức tổ chức chùa viện, hệ thống Hoạt Phật v.v… phần nhiều đều giống với Tây tạng. [X. Thế giới Phật giáo thông sử tập thượng (Thánh nghiêm)].