mộng

Phật Quang Đại Từ Điển

(夢) Phạm: Svapna. Pàli: Supina. Tức là những sự tướng mà tâm và tâm sở đã đối cảnh duyên theo lúc ban ngày, bây giờ hiện lại rõ ràng trong giấc ngủ, giống như thấy cảnh hiện thực, gọi là Mộng. Theo kinh Di lan vương vấn tiếng Pàli thì có 6 nguyên nhân khiến người ta thấy mộng trong giấc ngủ, đó là: Bệnh phong, bệnh có nước trong túi mật, bệnh đờm, quỉ thần cám dỗ, thói quen và điềm báo trước. Theo luận Đại tì bà sa quyển 37, thì Mộng mà sau khi tỉnh dậy còn có thể ghi nhớ, kể lại cho người khác nghe, gọi là Mộng hoàn toàn. Còn nếu bàn về tự tính (bản chất) của Mộng thì có các cách nói như: Ý, niệm, ngũ thủ uẩn, tâm, tâm sở v.v… Về lí do thấy mộng, thì luận Đại tì bà sa cũng nêu ra các thuyết trong sách Phệ đà như 5 duyên (lo nghĩ, thói quen, phân biệt, thay đổi ý niệm, loài ma quỉ cám dỗ; hoặc do tha lực, thay đổi ý niệm, đương có, phân biệt, các chứng bệnh) và 7 duyên (thấy, nghe, nhận, mong cầu, phân biệt, đương có, các chứng bệnh). Trong 3 cõi thì mộng chỉ phát sinh ở cõi Dục, không có trong cõi Sắc và cõi Vô sắc. Nhưng trong cõi Dục thì chỉ có Phật là không mộng, còn từ hàng Dị sinh (phàm phu) cho đến các bậc Thánh quả Dự lưu đều có mộng. Theo thuyết của tông Duy thức, trong giấc ngủ say thì hoàn toàn không có ý thức, còn lúc mơ mơ màng màng thì vẫn có ý thức và do có tác dụng ý thức mà có mộng. Tông Duy thức cũng dùng Mộng để ví dụ cái không, vô, hư dối của tính Biến kế sở chấp trong 3 tính Duy thức. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng tất cả việc thấy trong mộng đều là thật, cho nên có tác dụng sinh quả báo. Nhưng các sư thuộc phái Thí dụ thì phủ nhận thuyết này. Luận Đại trí độ quyển 6 cũng gọi mộng là việc chẳng thật, tất cả đều thuộc về vọng kiến. Nhưng mộng cũng có thể dự đoán việc sẽ xảy ra trong vị lai, cho nên ở Ấn độ từ xưa đã có thuật xem mộng rất thịnh hành. Còn trong kinh điển Phật cũng có nhiều bộ ghi chép về mộng, như kinh Tu hành bản khởi quyển thượng, kinh Quá khứ hiện tại nhân quả quyển 1 chép, khi đức Thích tôn gá thai, phu nhân Ma da mộng thấy Bồ tát cỡi voi trắng đi vào trong thai; kinh Ma ha ma da quyển hạ và kinh Đại bát niết bàn hậu phần quyển hạ thì ghi những điềm mộng liên quan đến việc đức Phật nhập diệt. Kinh Xá vệ quốc vương mộng kiến thập sự chép rằng, vua Ba tư nặc đã dựa vào 10 việc thấy trong mộng mà dự đoán về trạng thái xã hội trong vị lai. Kinh Cấp cô độc trưởng giả nữ đắc độ nhân duyên và luận Câu xá quyển 9 ghi chép 10 việc mà vua Ngật lật chỉ thấy trong mộng cũng ám chỉ việc sau khi đức Thích tôn nhập diệt, Phật giáo sẽ phát triển mạnh mẽ. Kinh Bát chu tam muội quyển thượng cũng ghi việc thấy Phật trong mộng. Thiện kiến luật tì bà sa quyển 12 thì chia mộng thành 4 loại: 1. Mộng do 4 đại không điều hòa, mất quân bình, thì thấy núi lở, thấy mình bay bổng trong hư không, hoặc bị giặc cướp, ác thú rượt đuổi. 2. Mộng thấy trước những việc đã trải qua. 3. Mộng thấy trời người, tùy theo việc đã làm hoặc thiện hoặc ác mà mộng thấy trời người nêu rõ hành vi thiện ác của chính mình. 4. Mộng do tưởng, tưởng đến những hành vi thiện ác đã qua mà mộng thấy các việc thiện ác. Sách đã dẫn còn cho rằng, trong 4 điềm mộng nói trên, chỉ có mộng thấy trời người và mộng do tưởng là thật, còn mộng do 4 đại không điều hòa và mộng thấy trước là hư giả không thật, đồng thời cho rằng không hẳn tất cả mộng đều chịu quả báo. Kinh Đại phương đẳng đà la ni quyển 1 chép rằng, 12 vị Mộng vương Đản đồ la là người bảo vệ kinh Đà la ni, thường hiện ra ở trong giấc mộng của những người thụ trì kinh này mà gia hộ. Theo kinh Kim quang minh tối thắng vương quyển 2, thì bồ tát Diệu chàng ở trong mộng, thấy quả trống vàng to lớn, rực rỡ, chói lọi, tuyên thuyết phẩm Sám hối, đây chính là sự tích Trống vàng nói pháp. Kinh Xuất sinh bồ đề tâm thì nêu ra 4 loại mộng tốt lành, đó là: Mộng thấy hoa sen, lọng che, mặt trăng tròn và tượng Phật. Trong kinh Phật, những điềm mộng nổi tiếng phần nhiều thuộc về mộng dự đoán vị lai, như kinh A nan thất mộng, ngài A nan từng mộng thấy 7 việc chẳng lành như: 1. Lửa trong ao bốc lên ngút trời. 2. Mặt trời, mặt trăng và các tinh tú đều lặn hết. 3. Các tỉ khưu xuất gia lặn hụp trong hố sâu bẩn thỉu, những người tại gia bạch y bước lên đầu mà ra khỏi hố. 4. Những đàn lợn rừng húc đổ những cây chiên đàn trong rừng. 5. Đầu đội núi Tu di mà không thấy nặng. 6. Voi lớn bỏ voi nhỏ. 7. Trên đầu sư tử có 7 sợi lông dài, nằm chết trên mặt đất, chim thú trông thấy đều sợ hãi, sau thấy trùng từ trong mình sư tử bò ra ăn thịt. Tất cả các việc mộng trên đây đều là điềm báo trước Phật pháp suy diệt trong vị lai. Ngoài ra, kinh Bát mộng trong kinh Tạp bảo tạng quyển 9, kinh Đại mộng bản sinh (kinh Thập lục mộng) trong kinh Bản sinh v.v… đều có ghi những điềm mộng mà về mặt thực tế rất khó lí giải, nhưng đều có ý nghĩa tượng trưng. Nói chung, kinh điển Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa đều có quan điểm và cách giải thích khác nhau về mộng. Kinh điển Tiểu thừa phần nhiều xuyên qua điềm mộng mà ám thị những sự kiện và sự chuyển biến trọng đại, như trường hợp đức Phật trước khi gá thai, phu nhân Ma ha ma da mộng thấy Bồ tát cỡi voi trắng vào thai; trước khi đức Phật nhập diệt, phu nhân Ma ha ma da mộng thấy 5 điềm mộng rất dữ, như núi Tu di lở, nước 4 biển cạn khô v.v… Hoặc như 10 điềm mộng của vua Ba tư nặc, 10 điềm mộng của vua Ngật lật chỉ, 7 điềm mộng của ngài A nan nói trên, đều là quan điểm nguyên thủy và tự nhiên. Còn kinh điển Đại thừa thì phần nhiều giải thích về bản chất của mộng, đồng thời bàn đến vấn đề căn bản là thực thể của mộng có hay không, thiện hay ác…; hoặc căn cứ vào tính chất hư vọng không thực của mộng để ví dụ các pháp hữu vi như huyễn như bóng. Đây là thuộc về quan điểm có tính phê phán, tính siêu hình. [X. kinh Tạp a hàm Q.7; kinh Đại bảo tích Q.73, 74; luận Đại trí độ Q.6, 64]. (xt. Thập Mộng, Mộng Kinh).