mộc dục

Phật Quang Đại Từ Điển

(沐浴) Cũng gọi Mộc tháo, Tháo dục, Tẩy dục. Tắm rửa cho thân thể sạch sẽ. Từ xưa đến nay, người Ấn độ tin rằng tắm gội ở sông Hằng sẽ gột rửa được sự nhớp nhúa, tiêu trừ các tội chướng. Trái lại, đức Phật đã phê phán quan niệm này trong kinh Tự thuyết (Pàli: Udàna, I, 9) như sau: Mọi người dù có tắm gội ở đây (sông Già da) thì cũng không thể nhờ nước mà được thanh tịnh; nếu người nào chân thực, có pháp, thì được thanh tịnh, người ấy chính là Bà la môn. Về việc tắm gội thì giáo đoàn đã có qui chế chặt chẽ, khiến mọi người không buông thả. Nhà tắm đầu tiên được thiết lập là để giữ gìn sức khỏe cho các vị tăng bị bệnh. Tùy thời có thể tắm bằng nước lạnh, nước nóng, nước thơm v.v… Cứ theo kinh Hoa nghiêm quyển 11 (bản 40 quyển), thì tắm bằng nước thơm có 10 công đức: 1. Trừ được gió độc. 2. Trừ được li mị. 3. Tinh khí sung mãn. 4. Tăng thêm tuổi thọ. 5. Hết mệt nhọc, được khoan khoái. 6. Thân thể dịu dàng. 7. Trừ sạch nhơ nhớp. 8. Khí lực mạnh mẽ. 9. Làm cho người hăng hái. 10. Trừ hết nóng bức. Về thời gian tắm rửa, thì ngoại trừ lúc nóng, lúc bệnh, lúc làm việc, lúc mưa gió, lúc đi đường v.v…, đức Phật có qui định chung cho tỉ khưu là nửa tháng tắm 1 lần. Còn chế độ thiền lâm ở Trung quốc, cứ theo điều Tri dục, chương Lưỡng tự trong Sắc tu Bách trượng thanh qui quyển hạ, thì vào mùa lạnh 5 ngày tắm 1 lần, mùa nóng thì mỗi ngày mỗi tắm. Trước khi vào nhà tắm, chúng tăng phải lễ bái tượng bồ tát Bạt đà bà la (Phạm: Bhadrapàla) trong Tăng đường, đó là căn cứ theo nhân duyên vào nhà tắm mà ngộ đạo của ngài Bạt đà bà la được ghi trong kinh Đại Phật đính Thủ lăng nghiêm quyển 5. Các Thiền viện ở Trung quốc và Nhật bản đều có qui định phải giữ im lặng ở 3 nơi là Tăng đường, Tây tịnh (hoặc Đông ti, tức nhà xí) và Dục thất (nhà tắm). Trước khi tắm rửa, phải đọc bài kệ (Đại 10, 71 hạ): Tắm gội thân thể, nguyện cho chúng sinh, thân tâm không nhơ, trong ngoài đều sạch. [X. kinh Hoa nghiêm Q.14 (bản 80 quyển); kinh Ôn thất tẩy dục chúng tăng; luật Ma ha tăng kì Q.18; luật Thập tụng Q.16, 41; Đại đường tây vực kí Q.4, Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.3; Thiền uyển thanh qui Q.10; Thiền lâm bị dụng thanh qui Q.7].