mô tượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(摸象) Cũng gọi Môn tượng, Chúng manh, Quần manh, Bình tượng. Xẩm sờ voi. Tức là mỗi một người mù chỉ sờ biết 1 bộ phận của con voi, rồi ai cũng cho mình biết rõ con voi; ví dụ hàng ngoại đạo, dị học, chẳng biết nghĩa chân thực của các pháp, mà cứ cùng nhau tranh chấp thị phi; cũng dụ cho những người học Phật chỉ một mặt chấp nê vào câu văn trong kinh luận mà không biết nghĩa đích thực của Phật pháp. Phẩm Long điểu trong kinh Trường a hàm quyển 19 kể rằng, xưa kia vua Kính diện sai người hầu cận dắt 1 con voi đến, bảo những người mù sờ vào. Người sờ vòi voi, cho rằng voi giống càng xe; người sờ ngà voi, bảo voi giống cái chày; người sờ tai voi, nói voi giống cái vỉ; người sờ đầu voi, cho rằng voi như cái đỉnh; người sờ lưng voi, bảo rằng voi giống như gò đống; người sờ vào bụng voi, nói voi giống như bức vách; người sờ vào chân, cho rằng voi giống như cây cột v.v… rồi cùng tranh cãi với nhau, ai cũng cho mình là nhận biết đúng! Nhà vua thấy vậy, cười lớn và đọc kệ rằng (Đại 1, 129 thượng): Bọn người mù tụ tập, Cùng tranh cãi nơi đây; Thân voi vốn một thể, Chấp tướng sinh phải quấy. Kinh Đại bát niết bàn quyển 32 (Đại 12, 556 thượng) nói: Thiện nam tử! Những người mù kia không nói đúng hình thể của voi, cũng chẳng phải không nói đúng. Vì nếu chấp những tướng ấy thì chẳng tướng nào là voi, nhưng ngoài toàn thể tướng ấy ra thì cũng không có voi nào khác! Thiện nam tử! Vua dụ cho Như lai chính biến tri, Thần dụ cho kinh Phương đẳng đại niết bàn, voi dụ Phật tính, những người mù dụ tất cả chúng sinh vô minh. Thí dụ này từ xưa đã rất nổi tiếng, thường được sử dụng làm tên tác phẩm, như Lăng nghiêm kinh mô tượng kí của ngài Châu hoành đời Minh, Đương ma mạn đồ la môn tượng của ngài Trí viên người Nhật. Nhưng đó đều là lời khiêm nhường của tác giả, đồng nghĩa với Quản kiến (thấy trong ống). [X. kinh Đại lâu thán Q.3; kinh Nghĩa túc Q.thượng; kinh Lục độ tập Q.8; kinh Bồ tát xử thai Q.3; Đại bát niết bàn kinh tập giải Q.62].