mộ

Phật Quang Đại Từ Điển

(墓) Mồ mả. Nơi chôn cất di hài người chết hoặc an trí di cốt sau khi hỏa táng. Người xưa rất tôn trọng mồ mả, đối với họ, mồ mả có ý nghĩa thật sâu xa thận chung truy viễn, tự vong nhi tồn, nghĩa là cẩn thận đối với người đã khuất, ghi nhớ ơn sâu của tổ tiên, thờ phụng lúc chết cũng như khi còn sống. Thông thường trong khuôn viên các chùa viện hoặc ngoài nghĩa địa, người ta xây cất mồ mả, mỗi khi đến ngày giỗ, họ hàng thân tộc mang hương hoa phẩm vật đến dâng cúng. Về tên gọi thì tùy quốc độ và xứ sở mà có khác. Chẳng hạn Ấn độ gọi là Thi đà lâm (Sitavana) hoặc Thi ma xa na (Phạm:Zimàsyyàna), Trung quốc và Nhật bản thì gọi là Phần mộ, Oanh thành, Trủng, Mộ… Về phong tục, ở phía bắc thành Vương xá cũ và phía nam thành Vương xá mới của nước Ma yết đà, Trung Ấn độ, có Thi đà lâm (Hàn lâm: rừng lạnh) là nơi vứt bỏ thi thể của những tội nhân, còn di hài của các Đế vương hoặc quí tộc thì được xây tháp để an trí ở các nơi khác, các bậc Cao tăng cũng được dựng tháp thờ. Tại Trung quốc, trong các sách xưa như: Sử kí, Hậu Hán thư đều có nói về mộ. Thông thường, đặt di hài vào quan tài đưa xuống huyệt rồi lấp đất lên trên, làm thành hình cái nón, tùy theo hình dáng hoặc lớn hay nhỏ mà có lăng mộ, phần mộ, khâu mộ, trủng mộ khác nhau; gần mộ có trồng cây, làm bia, hoặc chôn chung với quan tài, hoặc dựng bên cạnh mộ, nếu bia mộ của quan thì gọi là mộ biểu, của dân thường thì gọi là mộ kiệt. Sau khi Phật giáo truyền đến Trung quốc thì có phong tục xây tháp trên mộ, gọi là Phần tháp, Trủng tháp, Nhạn tháp. Như Lạc dương già lam kí quyển 4 ghi: Sau khi vua Minh đế nhà Hậu Hán băng hà, trên lăng có xây kì hoàn (chùa). Tuy nhiên, việc xây chùa trên lăng vua Minh đế có thật hay không thì không được rõ. Ngoài ra, tháng 8 năm Nghĩa hi thứ 10 (416) đời vua An đế nhà Đông Tấn, ngài Tuệ viễn thị tịch, quan Thái thú Tầm dương là Nguyễnkhản xây mộ ở ngọn phía tây Lô sơn và thi nhân Tạ linh vận soạn văn bia ghi lại công đức của sư. Rồi đến ngài Huyền trang đời Đường, sau khi viên tịch, cũng được xây tháp cúng dường. Và từ giữa đời Đường về sau, đối với các bậc sa môn cao tăng thị tịch thì được vua phong thụy hiệu hoặc ban tên tháp, như Qui châu chi tháp của Thiền sư Thanh nguyên Hành tư, Tối thắng luân chi tháp của Thiền sư Nam nhạc Hoài nhượng, Linh chiếu chi tháp của Thiền sư Tào khê Tuệ năng v.v… Ngoài ra, cũng có khi vị tăng chưa tịch mà đã xây tháp trước, gọi là Thọ tháp, Thọ lăng, cũng có trường hợp xây tháp để thờ linh cốt của nhiều người, gọi là Phổ đồng tháp, Hải hội tháp. [X. kinh Ô điểu dụ trong Trung a hàm Q.13; kinh Bất không quyên sách thần biến chân ngôn Q.28; luận Đại trí độ Q.22; truyện Trí nghiêm trong Cao tăng truyện Q.3]. (xt. Tháp).