minh tạng

Phật Quang Đại Từ Điển

(明藏) Gọi đủ: Minh bản Đại tạng kinh. Cũng gọi: Minh bản. Đại tạng kinh được khắc bản vào đời Minh. Gồm 5 bản như sau: 1. Hồng vũ Nam tạng (cũng gọi Sơ khắc Nam tạng): Tạng kinh do vâng mệnh vua Thái tổ nhà Minh được khắc vào khoảng năm Hồng vũ thứ 5 đến niên hiệu Vĩnh lạc năm đầu (1372-1403), có thuyết nói đến năm Hồng vũ 31 (1398), gồm 1.612 bộ hoặc 1.625 bộ Kinh Luật Luận. Bản in mẫu còn được cất giữ ở chùa Báo ân tại Nam kinh. Đại tạng kinh được tàng trữ ở chùa Khoái hữu tại thôn Quốc chi, quận Phong phố, huyện Sơn khẩu, Nhật bản, phần nhiều thuộc Tạng kinh này. 2. Vĩnh lạc Nam tạng (thường gọi Nam tạng): Tạng kinh được khắc in từ năm Vĩnh lạc thứ 10 đến năm 15 (1412-1417) tại Nam kinh, là bản khắc lại của Hồng vũ Nam tạng, nhưng có hơi thay đổi; gồm 6.331 quyển, 1.625 bộ Kinh Luật Luận. Bản in kiểu bản xếp, mỗi tờ 30 dòng, mỗi dòng 17 chữ. 3. Bắc tạng (cũng gọi Vĩnh lạc Bắc tạng): Tạng kinh do vua Thành tổ ban lệnh khắc vào năm Vĩnh lạc 18 đến năm Chính thống thứ 5 (1420-1440) vào đời vua Anh tông, gồm 1.615 bộ Kinh Luật Luận, kiểu bản xếp, 1 tờ 25 dòng, mỗi dòng 15 đến 17 chữ. Về sau, vâng mệnh mẫu hậu của vua Thần tông khắc thêm 36 bộ nữa như Hoa nghiêm huyền đàm hội huyền kí v.v… đưa vào Đại tạng, cho nên Bắc tạng tổng cộng có 678 hòm, 6.771 quyển. Hai tạng Nam Bắc trên đây ít được lưu truyền. 4. Vũ lâm tạng: Tạng kinh khắc vào khoảng năm Gia tĩnh (1522-1566) đời vua Thế tông, ở huyện Vũ lâm, tỉnh Chiết giang, là tạng kinh đầu tiên đổi từ chiết bản (bản xếp) thành bản phương sách (bản đóng gáy). 5. Lăng nghiêm tự bản (cũng gọi Vạn lịch bản, Mật tạng bản, Gia hưng bản, Minh bản, Kính sơn bản): Tạng kinh do các ngài Mật tạng Đạo khai, Chân khả, Đức thanh, Huyễn dư v.v… phát nguyện khắc bản ở núi Ngũ đài vào năm Vạn lịch 14 (1586), sau được dời đến Kính sơn (huyện Dư hàng, tỉnh Chiết giang), cuối cùng tập trung các bản khắc về in ở chùa Lăng nghiêm, huyện Gia hưng, tỉnh Chiết giang và hoàn thành vào khoảng cuối năm Vạn lịch (1620). Tổng cộng có 210 hòm, kiểu bản phương sách in 1 tờ 20 dòng (1 mặt 10 dòng) mỗi dòng 20 chữ, xem rất tiện, loại bản này, ngày nay còn lại cũng rất nhiều. Đầu đời Thanh khắc bổ sung Tục tạng 237 bộ, sau lại khắc Hựu tục tạng 189 bộ nữa. Bản Đại tạng chùa Lăng nghiêm này lưu truyền rộng rãi nhất trong các bản Đại tạng đời Minh. [X. Đại minh tam thánh giáo mục lục; Đại thanh tam tạng thánh giáo mục lục; Thích thị kê cổ lược tục tập Q.3; Anh văn Đại minh tam tạng thánh giáo mục lục; Minh sử nghệ văn chí thứ 74]. (xt. Trung Văn Đại Tạng Kinh).