miếu sản hưng học

Phật Quang Đại Từ Điển

(廟産興學) Phong trào chủ trương chiếm dụng chùa và tài sản của các chùa viện trên toàn cõi Trung Hoa để làm trường học, được phát động vào cuối đời Thanh đến đầu thời Dân quốc trở đi. Do sự thiếu hiểu biết của 1 số phần tử trí thức và quan chức nhà nước đối với Phật giáo, cùng với những kẻ cường hào, ác bá dã tâm, thấy của chùa thì thèm muốn, bèn mượn tiếng chấn hưng việc học để chiếm đoạt tài sản và nhà cửa của các chùa viện, Tăng ni bị cưỡng ép hoàn tục, Phật giáo bị bách hại nặng nề. Miếu sản chỉ cho tất cả tài sản của các tự miếu, như ruộng chùa, nhà chùa và các pháp vật phụ thuộc khác. Năm Quang tự 24 (1898), vì không có kinh phí giáo dục nên quan Tổng đốc tỉnh Hồ quảng là Trương chi động dâng tờ biểu Khuyến học thiên tâu vua, cực lực chủ trương biến chùa miếu làm trường học và sử dụng tài sản của các tự viện trên toàn quốc để làm kinh phí chấn hưng việc học. Tờ biểu này được vua Đức tông phê chuẩn, cho nên trong hạn 100 ngày là thời gian Duy tân đã thi hành chính sách Miếu sản hưng học mở đầu cho phong trào. Sau khi Duy tân thất bại, tuy Từ hi Thái hậu xuống lệnh cấm thi hành Miếu sản hưng học, nhưng các tự viện vẫn còn bị uy hiếp, bọn thổ hào, thân sĩ bất lương ở các tỉnh đua nhau mượn tiếng hưng học chiếm đoạt ruộng chùa, còn quân đội, cảnh sát và các cơ quan đoàn thể ở địa phương thì chiếm cứ tự miếu và vơ vét tài sản của chùa. Do cấp lãnh đạo Phật giáo lúc bấy giờ kém cỏi nên địa vị của Phật giáo bị hạ thấp quá mức, đến nỗi không còn bảo vệ được quyền lợi của Phật giáo. Nhưng giữa Phật giáo và lịch sử văn hóa vốn có mối quan hệ gắn bó lâu đời và được nể trọng, điều này khiến cho các bậc danh sĩ và học giả nổi tiếng trong nước không thể không lên tiếng. Bởi vậy, năm Quang tự 31 (1905), ông Chương Thái Viêm đã đăng bài Cáo Phật tử thư (Thư ngỏ gửi các vị Phật tử), trong đó, một mặt ông kêu gọi chư tăng hãy nhận thức rõ thời đại, phải tự mở các trường học để góp phần vào việc phát huy nền văn hóa và giáo dục của nước nhà, mặt khác ông khuyến cáo các nhân sĩ trí thức không nên hành động theo cảm tính mà phạm sai lầm quá đáng đối với Phật giáo, trái lại, phải giúp cho Phật giáo phát triển. Đồng thời, Tịnh độ Chân tông của Nhật Bản liên tiếp xây dựng các chùa Bản nguyện tại Thượng hải, Nam kinh, Hàng châu, Tô châu v.v… Vị tăng người Nhật Bản là Thủy dã Mai hiểu nhân cơ hội ấy, khuyến dụ hơn 30 tự miếu ở Hàng châu gia nhập Chân tông, hễ gặp trường hợp chiếm cứ miếu sản thì liền xin Lãnh sự Nhật Bản đứng ra che chở, điều này khiến cho quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên căng thẳng. Kết quả là Chân tông Nhật Bản hủy bỏ sự che chở đối với các tự viện Trung Quốc, vì chính phủ nhà Thanh đã ra lệnh bảo hộ Phật giáo. Từ đó, các huyện thị thành lập hội Giáo dục tăng, tự phát triển giáo dục, xây dựng trường học để bảo vệ tài sản của chùa viện. Dân quốc năm đầu (1912), Viên thế khải ban bố điều lệ Quản lí tự miếu gồm 31 điều, ý muốn thu hết tài sản của các chùa viện Phật giáo trên toàn quốc xung vào công quĩ để làm các việc lợi ích chung. Cùng năm ấy, các ngài Kí thiền (Kính an) và Đạo hưng trụ ở chùa Lưu Vân tại Thượng Hải; đứng ra vận động triệu tập Đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo Trung Hoa và hoạch định kế sách bảo vệ miếu sản. Năm Dân quốc thứ 10 (1921), chính phủ sửa đổi bản điều lệ, rút lại còn 24 điều, nhưng mục đích thì đại khái vẫn giống nhau. Năm Dân quốc 16 (1927), Phùng ngọc tường mượn cớ đả đảo mê tín, đến chiếm các chùa Bạch Mã, Thiếu lâm, Tướng quốc v.v.. ở tỉnh Hà nam, đồng thời xua đuổi 30 vạn tăng ni, buộc phải hoàn tục. Ở các tỉnh Chiết giang, Giang tô, Hồ bắc, Hồ nam cũng thế. Năm Dân quốc 17 (1928), Bộ trưởng Nội chính là Tiết đốc bật đề nghị đổi chùa tăng làm trường học. Năm Dân quốc 18 (1929), Điều lệnh quản lí tự miếu gồm 21 điều được ban bố, liền bị các ngài Thái hư, Viên anh, Đế nhàn và cư sĩ Vương nhất đình triệu tập Đại hội phản đối, nên Điều lệnh quản lí tự miếu bị hủy bỏ, nhưng chính phủ lại công bố Điều lệnh giám đốc tự miếu gồm 13 điều để thay thế. Nhưng không ngăn chặn được phong trào cướp đoạt tài sản của chùa, các tỉnh vẫn dựa vào Điều lệnh cũ, tích cực tiến hành chính sách chiếm dụng chùa viện. Năm Dân quốc 18 (1929), Tổng hội Phật giáo Trung Hoa đổi tên gọi, cải tổ cơ cấu, thành lập Hội Phật giáo Trung hoa, tôn Đại sư Thái Hư làm Trị sự trưởng. Cuối năm Dân quốc 19 (1930) giáo sư Đại học Trung ương là Cáp sảng thu, 1 lần nữa, lại đưa ra phương án Miếu sản hưng học mà ông ta đã đề xuất năm Dân quốc 17 (1928), chủ trương Đả đảo tăng phiệt, giải tán tăng chúng, phân chia miếu sản, chấn hưng giáo dục. Tín đồ Phật giáo toàn quốc liền triệu tập hội nghị ở Thượng hải để tìm biện pháp đối phó, ngài Thái hư bèn soạn Thướng Quốc dân hội nghị đại biểu chư công ý kiến thư (Thư góp ý kiến gửi đến quí vị đại biểu hội nghị Quốc dân) gửi cho chính phủ, nhờ thế mới dẹp được phương án của Cáp sảng thu, đồng thời, chính phủ Quốc dân công bố huấn lệnh bảo hộ tự sản, từ đó phong trào miếu sản hưng học mới cáo chung. Biến pháp (nhà nước đổi lại các thứ chế độ) đã đẻ ra chế độ miếu sản hưng học, đem lại cho Phật giáo vô hạn khốn khổ, nhưng cũng mang đến cho tăng đoàn Phật giáo cơ hội tự giác, tự cứu. Các tỉnh huyện thành lập những hội giáo dục tăng, dùng tài sản của các chùa để phát triển giáo dục, các nhà lãnh đạo Phật giáo ở các địa phương cũng ý thức rõ rằng nếu không xây dựng trường học để mở mang giáo dục thì không thể bảo vệ được tài sản của chùa. Ngài Thủy dã Mai hiểu mở trường học tăng ở Trường sa, ngài Văn hi mở trường Phổ thông ở chùa Thiên Ninh tại Dương châu. Các ngài Kí Thiền, Tùng Phong, Hoa Sơn ở Chiết giang và ngài Giác Tiên ở Bắc Bình đều thiết lập học đường, trở thành những nhân vật lãnh đạo công cuộc mở mang học vấn cho chư tăng trong 1 thời. [X. Trung quốc Phật giáo cận đại sử (Đông sơ)].