miễn đinh tiền

Phật Quang Đại Từ Điển

(免丁錢) Cũng gọi Thanh nhàn tiền. Tiền thuế do giới tăng sĩ và đạo sĩ nộp cho nhà nước để được miễn dịch vào thời Nam Tống, Trung Quốc. Miễn đinh nghĩa là miễn trừ đinh dịch. Phàm con trai đến 20 tuổi (tuổi đinh) phải thi hành nghĩa vụ quân dịch, nhưng tăng sĩ, đạo sĩ được phép nộp tiền hàng năm để thay thế. Từ đời Đường trở đi, chư tăng, đạo sĩ vốn được hưởng đặc quyền miễn nộp cả tô lẫn thuế. Nhưng vào năm Thiệu Hưng 15 (1145) đời vua Cao tông nhà Tống, quan dân phản đối việc này, nên từ đó tăng sĩ, đạo sĩ đều phải nộp thuế để lấy tiền khai khẩn tài nguyên mới. Thuế qui định Luật tăng mỗi năm nộp 5 quan, Thiền tăng, Đạo sĩ mỗi năm nộp 2 quan, Trụ trì, Trưởng lão, Pháp sư, Tử y, Tri sự v.v… lần lượt gia tăng, đến 15 quan là cao nhất. Tờ chứng minh thư mà nhà nước cấp cho những tăng sĩ đã nộp tiền miễn đinh, gọi là Miễn đinh sao, hoặc Miễn đinh do. Những vị tăng du phương tạm trú các nơi, phải mang theo Miễn đinh sao, nếu không xuất trình giấy này sẽ không được phép ở lại. [X. điều Thiệu Hưng Thập Ngũ Niên Trong Phật Tổ Thống Kỉ Q.17; Phật tổ lịch đại thông tải Q.20; Tống hội yếu cảo Q.66; Kiến viêm dĩ lai hệ niên yếu lục Q.153].