mĩ quốc phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(美國佛教) Phật giáo ở nước Mỹ là 1 tông giáo mới, do sư Diệu nhật Thương long, người Nhật bản, đầu tiên truyền đến Hạ uy di vào năm 1889, rồi từ đó dần dần du nhập Mỹ quốc. Tổ chức Phật giáo sớm nhất ở nước Mỹ là Hội Phật giáo Mỹ quốc, vốn là 1 đoàn thể Phật giáo Nhật Mỹ mà người Nhật gọi là Phái Chân Tông Tây Bản Nguyện Tự, có hơn 60 ngôi chùa và trên 100 viên chức cai quản. Năm 1893, nước Mỹ mời các nhà lãnh đạo tông giáo của các quốc gia đến dự hội nghị Tông giáo thế giới tại Chicago. Sau khi tham dự hội nghị trở về, ngài Tông diễn, người Nhật, liền phái ông Linh mộc Đại chuyết (Suzuki) đến Mỹ in ấn và xuất bản sách vở Phật giáo bằng tiếng Anh. Năm 1899, tông Tịnh độ của Nhật bản thành lập Mỹ Thức Phật Giáo Đường, nhưng đến nay vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động của Nhật kiều. Năm 1930, ông Tá tá mộc chỉ nguyệt, đệ tử tại gia của ngài Tông diễn, sáng lập Mỹ Quốc Đệ Nhất Thiền đường (First Zen Institute of America). Sau năm 1945, người Mỹ đến Nhật bản nghiên cứu Phật giáo và người chính thức tu hành ngày càng nhiều. Khoảng 1950 đến 1958, ông Linh mộc Đại chuyết khai giảng Thiền học tại trường Đại học Colombia, tạo ảnh hưởng rất sâu đậm, cũng có nhiều người Mỹ học Thiền ở Nhật bản, rồi trở về Mỹ truyền lại. Do ảnh hưởng này, nên vào cuối thập niên 50 xuất hiện Phi đầu tộc (Beat Generation), nhiều nhà sáng tác, hội họa, âm nhạc v.v… bất mãn với truyền thống Tây phương, nên sinh ra hứng thú đối với thiền, hình thành trào lưu cuồng nhiệt của Phi đầu thiền (Beat Zen). Năm 1965 lại có Hippi Thiền (Hippis Zen), sùng bái phong cách tự nhiên của Hàn sơn. Hai phái này đều khác với Thiền chính thống, nhưng nhiều người trong phái Hippis về sau lại trở thành người tu hành Thiền chính thống. Vào thập niên 60, Thiền sư An cốc Bạch vân thuộc dòng Lâm tế và Tào động, nhiều lần đến Mỹ dạy thiền. Năm 1966, đệ tử của ngài Bạch vân là Philip Kapleau sáng lập trung tâm Thiền ở thành phố Rochester thuộc tiểu bang Nữu ước. Một vị tăng Nhật bản khác nữa là ngài Tiền tế Thái thiện sáng lập trung tâm thiền Los Angeles vào năm 1956, đệ tử người Do thái của ngài cũng thành lập Thiền Đoàn Khế ở thành phố Nữu ước. Hiện nay, số người Nhật bản tu thiền nhiều nhất là ở 2 trung tâm Zen Mountain Center và Tassajara Hot Springs ở California do ông Linh mộc Sinh long sáng lập. Năm 1964, ngài Đảo dã Vinh đạo thuộc tông Lâm tế Nhật bản, đến Nữu ước chủ trì Thiền đường New York (do ông Linh mộc Đại chuyết sáng lập). Năm 1968, ngài Vinh đạo lại sáng lập chùa Kim cương Đại bản sơn ở tiểu bang New york. Năm 1853, Phật giáo Trung quốc truyền đến Mỹ, người Mỹ bắt đầu có hứng thú đối với tông Thiên thai và Thiền của Trung quốc. Năm 1929, Đại sư Thái hư đến Mỹ hoằng pháp, sau đó có các vị cư sĩ Trần hữu đạo và Đặng tiếp vinh. Hiện nay, tăng ni Trung quốc đến nước Mỹ ngày càng đông, phần nhiều ở các tiểu bang California và New york, trong đó, các vị có khả năng đi sâu vào xã hội nước Mỹ thì có: 1. Pháp sư Tuyên hóa, năm 1959 thành lập hội Phật giáo Trung Mỹ; năm 1975 sáng lập Đại học Pháp giới ở chùa Vạn Phật thành. 2. Pháp sư Tinh vân, năm 1977 sáng lập chùa Tây lai ở Los Angeles, theo định kì hàng tuần tổ chức nhóm họp tu tập và giảng kinh, hoằng pháp. 3. Pháp sư Thánh nghiêm, năm 1977 sáng lập trung tâm Thiền ở New york, hướng dẫn các thanh niên trí thức Trung quốc và Mỹ, xuất bản tạp chí Thiền bằng tiếng Anh. Ngoài ra, còn có các vị cư sĩ tại gia hoằng pháp tại Mỹ như: Trần gia Trinh, Ứng kim Ngọc đường v.v… Năm 1966, pháp sư Thiên ân truyền Phật giáo Việt nam đến Mỹ, năm 1970 thành lập trung tâm Thiền, 1973 sáng lập Đại học Đông phương. Năm 1970, Thiền sư Sùng sơn Hạnh nguyện của Nam hàn đến nước Mỹ, nhằm vào người Mỹ làm đối tượng chính để truyền đạo, hiện có 5 trung tâm ở rải rác tại các nơi trên đất Mỹ. Năm 1966, tỉ khưu người Tích lan, thuộc Phật giáo Thượng tọa bộ Nam truyền, sáng lập Vihara Society of Washington D.C. tại thủ đô Hoa thịnh đốn. Hiện cũng có vài ngôi chùa nhỏ của người Thái lan ở California và ở New york. Còn Miến điện thì có 2 vị U Genka và U Bakhin truyền dạy pháp môn chỉ quán cho người Mỹ. Năm 1959, có 3 vị Lạt ma truyền Phật giáo Tây tạng vào nước Mỹ, đó là các ngài: 1. Chogyan Trungpa (Xuyên ba): Đến Mỹ năm 1970, thành lập Tail of the Tiger ở Barnet thuộc Vermont, sáng lập Karmadyong Meditation Center ở Boulder thuộc Colorado. Hiện nay, đã có mấy mươi chi nhánh, là Trung tâm phát triển nhanh nhất; ngoài chức năng truyền dạy Phật pháp, Trung tâm còn thiết lập các cơ cấu giáo dục và phúc lợi xã hội. 2. Tarthang Tulka: Đến nước Mỹ năm 1968, năm sau, sáng lập đạo tràng Phật giáo Tây tạng ở California, là nơi đầu tiên hướng dẫn người Mỹ tu hành. Năm 1973, sư thành lập Học viện không có tính cách tông giáo, mà nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật và y học của Tây tạng. Năm 1975, sư lại mở thêm trung tâm Odiyan Tibetan Nyingma Culture Center, trên khoảng đất rộng 900 mẫu Anh làm nơi cư trú cho dân Tây tạng tị nạn và giúp cho người Mỹ tu hành, đồng thời cũng là một nông trường sản xuất. 3. Kamapa: Lãnh tụ của Bạch giáo, năm 1970 dẫn các đệ tử đến nước Mỹ, sau đó, một số vị Lạt ma của giáo phái này thiết lập đạo tràng ở thành phố Nữu ước, đồng thời, mở 1 học viện ở Gia nã đại. Các đối tượng tu học Phật giáo Tây tạng phần nhiều là người Mỹ. Hiện nay, Mật tông Tây tạng phát triển rất bồng bột, còn Thiền Trung quốc và Nhật bản thì có tiềm lực nhiều hơn. Các Đại học như Berkeley, Harvard, Wiscounsin, Colombia v.v… đều có phân khoa Phật học. Những sách về Phật học hiện giờ được người Mỹ đọc và nghiên cứu rộng rãi nhất là: Phật pháp dịch tùng của ông Warren, Ánh sáng Á châu của ông Edwin Arnold, Giáo thuyết của đức Phật của ông Paul Carus, kinh Pháp cú của ông Irving Babbit, Phật giáo của ông Christmas Humphrey, Giáo nghĩa của đức Phật Đại bi của ông Burtt và các sách Thiền học của Suzuki. [X. Mỹ châu Phật giáo (Thánh nghiêm); Âu Mỹ Phật giáo chi phát triển (Hiện đại Phật giáo học thuật tùng san 84)].