mệnh

Phật Quang Đại Từ Điển

(命) I. Mệnh. Chỉ cho mệnh căn thường được nói đến trong các kinh điển của Phật giáo. (xt. Mệnh Căn). II. Mệnh. Phạm: Jìva. Chỉ cho linh hồn theo học thuyết căn bản của Kì na giáo ở Ấn Độ. Kì na giáo chia Mệnh làm 2 loại là bị vật chất trói buộc và không bị vật chất trói buộc. Mệnh bị vật chất trói buộc có động, tĩnh khác nhau. Loại động tồn tại trong những vật thể có sinh mệnh như động vật và người, còn loại tĩnh thì tồn tại trong các vật thể không có sinh mệnh như đất, lửa, gió v.v… Mệnh không bị vật chất trói buộc chỉ cho mệnh giải thoát. Kì na giáo coi mệnh là nguyên lí của sự sống còn trong vũ trụ, chủ trương trong mệnh có tính hoạt động, khả năng nhận biết và 5 thứ trí: Tư trí (Phạm: Mati), Văn trí (Phạm: Zruta), Tự giác trí (Phạm: Avadhi,cũng gọi Tha giới trí), Tuệ trí (Phạm: Manaparyàya,cũng gọi Tha tâm trí) và Nghĩa trí (Phạm: Kevala,cũng gọi Tuyệt đối trí). Mệnh này cùng với Vô mệnh (Phạm: Ajìva) là 2 yếu tố lớn cấu tạo nên vũ trụ. [X. phẩm Minh Tạo Luận Trong Luận Phương Tiện Tâm]. (xt. Vô Mệnh).