Mật Tông

Từ Điển Đạo Uyển

密宗; C: mì-zōng;
Trường phái Mật giáo tại Trung Quốc, do ba Cao tăng Ấn Ðộ đưa vào trong thế kỉ thứ 8. Ðó là Thiện Vô Uý (善無畏; s: śubhākāra-siṃha, 637-735), Kim Cương Trí (金剛智; s: vajrabodhi, 663-723) và Bất Không Kim Cương (不空金剛; s: amoghavajra, 705-774). Thiện Vô Uý được phong là Quốc sư, là người dịch kinh căn bản của tông này là Ðại Nhật kinh (s: mahāvairocana-sūtra) ra chữ Hán, Bất Không dịch các Man-tra và Ðà-la-ni của bộ kinh đó.
Các yếu tố quan trọng của Mật tông là phép niệm Man-tra, phép bắt Ấn (s: mudrā) và sử dụng Man-đa-la cũng như các lần Quán đỉnh (灌頂; s: abhiṣeka). Mật tông là giáo pháp mà sư phụ truyền cho học trò bằng lời (khẩu quyết) và đó là lí do mà Mật tông không được truyền bá rộng rãi. Bất Không là thầy của ba nhà vua Trung Quốc và sau khi Sư mất thì Mật tông suy tàn vì không có vị đạo sư nào từ Ấn Ðộ đến nữa.
Trường phái này được Ðại sư Không Hải (空海; j: kūkai) đưa qua Nhật dưới tên Chân ngôn tông (j: shingon-shū), là một trong những tông phái quan trọng của nền Phật giáo Nhật Bản. Không Hải là môn đệ của Ðại sư Huệ Quả, một môn đệ của Bất Không.