mạt thố la quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(秣菟羅國) Mạt thố la, Phạm: Mathurà, Madhurà. Cũng gọi Ma thâu la quốc, Ma độ la quốc, Ma đột la quốc. Tên một nước xưa ở Trung Ấn độ, là 1 trong 16 nước lớn ở thời đức Phật còn tại thế, tương đương với vùng đất phía tây nam sông Chu mộc na (Jumna) ngày nay, kinh đô là thành Mạt thố la, nằm về phía nam thành phố Ma đặc lạp (Muttra). Theo Đại đường tây vực kí quyển 4 thì khí hậu nước này nóng bức, phong tục thuần thiện, thích làm phúc, chuộng đạo đức, học vấn. Toàn quốc có hơn 20 ngôi chùa, 5 đền thờ trời, nhiều phái ngoại đạo; cũng có rất nhiều di tích của 4 đức Phật đời quá khứ, cũng là nơi xưa kia đức Phật thường đến thuyết pháp và các vị Bồ tát, A la hán đến ở ẩn tu tập thiền định. Sau khi đức Phật nhập diệt, có ngài Ưu ba cúc đa (Phạm: Upagupta) ra đời, nỗ lực chấn hưng Phật giáo. Nước này vốn là 1 trung tâm lớn của nghệ thuật Phật giáo Ấn độ. Hiện nay vẫn còn các di tích như: Ba ngôi tháp do vua A dục xây dựng, ngôi chùa thờ ngài Ưu ba cúc đa, xá lợi và tháp Di hầu. Gần đây lại đào được rất nhiều di vật ở phía nam thành phố Ma đặc lạp như: Tượng Phật, văn khắc vào thời vương triều Khổng tước, trụ đá, điêu khắc vào thời vương triều Cấp đa, tượng vua Ca nị sắc ca v.v…[X. kinh Đại bát niết bàn Q.23 (bản Bắc); kinh Tăng già la sát sở tập Q.hạ; Tuệ lâm âm nghĩa Q.26; Tuệ uyển âm nghĩa Q.hạ].