mạt pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(末法) Phạm: Saddharma-vipralopa. Đồng nghĩa: Mạt thế, Mạt đại. Chỉ cho thời đại Phật pháp suy đồi, là 1 trong 3 thời kì Chính, Tượng và Mạt, tức là giáo pháp ở đời có 3 thời kì biến thiên Chính pháp, Tượng pháp và Mạt pháp. Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương quyển 6, phần đầu, căn cứ vào giáo (giáo pháp), hành (tu hành), chứng (chứng quả) có đầy đủ hay không đầy đủ để bàn về 3 thời Chính, Tượng, Mạt. Nghĩa là sau khi đức Phật diệt độ, giáo pháp ở đời, nếu nương theo giáo pháp mà tu hành thì liền được chứng quả, gọi là Chính pháp; tuy có giáo pháp và người tu hành nhưng không thể chứng quả, gọi là Tượng pháp (tượng nghĩa là tương tự). Tuy có nhiều người lãnh thụ giáo pháp, nhưng không tu hành chứng quả, gọi là Mạt pháp. Đời mạt pháp cũng gọi là Mạt thế. Thời đại mà chính pháp của Phật suy đồi thì chúng tăng trược loạn. Trong Ngũ trược bộ của Pháp uyển châu lâm quyển 98 (Đại 53, 1005 hạ), nói: Sau khi đức Phật Niết bàn sẽ có 5 thứ loạn: 1. Tỉ khưu tương lai sẽ theo bạch y (người tại gia) để học pháp. 2. Bạch y ngồi trên, tỉ khưu ngồi dưới. 3. Tỉ khưu nói pháp không ai thực hành vâng theo, bạch y nói pháp thì cho là không gì hơn. 4. Tỉ khưu sinh vào nhà ma, cho pháp thế gian là đạo đế chân chính, đối với chính pháp của Phật thì chẳng hiểu gì, lấy dối trá làm tin. 5. Các tỉ khưu trong tương lai nuôi dưỡng vợ con, tôi tớ, tranh giành kiện cáo lẫn nhau, không còn tuân theo lời Phật dạy. Về thời hạn của 3 thời kì có nhiều thuyết khác nhau. Có thuyết cho rằng sau khi đức Phật nhập diệt, chính pháp trụ thế 500 năm, tượng pháp 1.000 năm. Lại có thuyết nói chính pháp và tượng pháp đều trụ 1.000 năm, sau đó mới đến thời kì mạt pháp; thời kì này trải qua 10.000 năm, sau đó thì Phật pháp diệt hết. Lại có thuyết cho rằng chính pháp 1.000 năm, tượng pháp và mạt pháp mỗi thời 10.000 năm. Nhưng nhìn chung thì các kinh luận phần nhiều đều cho thời kì mạt pháp là 10.000 năm. [X. kinh Tạp a hàm Q.25, 32; kinh Phật lâm niết bàn kí pháp trụ; phẩm Sơ phần nan văn công đức trong kinh Đại bát nhã Q.302; kinh Đại thừa đồng tính Q.hạ; phẩm An lạc hạnh kinh Pháp hoa; kinh Hoa nghiêm Q.45 (bản 80 quyển); kinh Pháp diệt tận; kinh Vô lượng thọ Q.hạ]. (xt. Chính, Tượng, Mạt).