mật nghiêm kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(密嚴經) Gọi đủ: Đại thừa Mật Nghiêm kinh (Phạm:Ghana-vyùha-sùtra). Kinh, 3 quyển, do ngài Nhật Chiếu (Địa bà ha la) dịch vào đời Đường, được thu vào Đại Chính Tạng tập 16. Nội dung kinh nhằm nói rõ tất cả pháp đều do tâm thức biến hiện. Toàn kinh chia làm 8 phẩm: Mật Nghiêm hội, Diệu thân sinh, Thai sinh, Hiển thị tự tác, Phân biệt quán hạnh, A lại da kiến lập, Tự thức cảnh giới, A lại da vi mật. Trước hết, nói về việc đức Phật ra khỏi 3 cõi, trụ ở nước Mật Nghiêm (Tịnh độ của Đại Nhật Như Lai), theo lời thỉnh cầu của 2 vị Bồ Tát là Như thực kiến và Kim cương tạng, đức Phật tuyên nói pháp yếu, chỉ bày lí Như Lai tạng bất sinh bất diệt; kế đến, Bồ Tát Kim Cương Tạng nói cho các Bồ Tát trong pháp hội nghe về công năng của thức A lại da biến hiện ra các pháp nhiễm tịnh, làm chỗ nương cho các pháp, lại vì thức này duyên theo mê ngộ mà có phàm thánh khác nhau. Kinh này cũng thuyết minh về các nghĩa của 5 pháp, 8 thức, 3 tính, nhị vô ngã, 2 phần nhiễm và tịnh của thức A lại da, lại dùng biển để ví dụ cho thức A lại da, dùng gió ví dụ cảnh giới… cho đến thuyết 8 thức, 9 thức v.v…đại khái đều tương đồng với kinh Lăng Già đã nói. Kinh này giống với kinh Hậu Nghiêm, nhưng kinh này nói về thức thứ 9, còn kinh Hậu Nghiêm thì nói về Ngũ tính các biệt. Ngoài ra, kinh này còn có bản dịch của ngài Bất Không, dịch vào đời Đường và cũng thu vào Đại Chính Tạng tập 16, nhưng ít được lưu hành. Còn bản dịch Tây Tạng gồm 4 quyển 9 phẩm, nội dung có hơi khác với bản Hán. Về chú sớ của kinh này thì có bộ Mật Nghiêm kinh sớ của ngài Pháp Tạng. [X. Đại Chu San Định Chúng Kinh mục lục Q.1; Khai Nguyên Thích Giáo Lục Q.9; Chí Nguyên Pháp Bảo Khám Đồng Tổng Lục Q.3,4].