mạt la mẫu ma tăng già phái

Phật Quang Đại Từ Điển

(末羅姆摩僧伽派) Pàli: Marammasaíghanikàya. Cũng gọi Tiền tông, Miến điện tông phái (Pàli: Marammanikàya). Một chi phái thuộc Phật giáo Thượng tọa bộ thời kì đầu ở Miến điện, được hình thành vào cuối thế kỉ XII, chủ yếu thịnh hành ở miền Thượng Miến điện. Các tỉ khưu của phái này cố thủ khuôn phép của Phật giáo Thượng tọa bộ, bài xích giới pháp của phái Đại tự Tích lan do sư Xa ba da (Chapaỉa) truyền thụ. Vào năm 1180, Quốc sư Miến điện là ngài Uất đa la kì bà (Phạm:Uttarajìva), nhân hâm mộ nền Phật giáo Tích lan, nên ngài hướng dẫn 1 đoàn tăng chúng Miến điện, trong đó có sư Xa ba đa, khi ấy còn là sa di, đến Tich lan cầu pháp. Ít lâu sau, ngài Uất đa la kì bà cùng đoàn tùy tùng trở về nước, chỉ còn lại sư Xa ba đa ở chùa Đại tự (Pàli: Mahàvihàra), sau khi thụ giới tỉ khưu, sư tiếp tục học tập trong 10 năm. Đến năm 1190 sư trở về Miến điện. Sư không những có kiến thức uyên bác mà còn có tài biện luận, được Quốc vương Miến điện tín phục. Sư xây dựng 1 ngôi chùa tháp kiểu Tích lan ở Nhượng ô (Chaugu) bắc bộ Bồ cam, đặt tên là tháp Xa ba đa và theo giới pháp của Đại tự mà truyền thụ giới Tỉ khưu, chứ không tuân thủ qui định của tăng đoàn truyền thống ở Miến điện. Do đó đã đưa đến cuộc tranh luận trong nội bộ Phật giáo Miến điện. Tăng đoàn Thượng tọa bộ thuộc dòng Mãnh tộc trước nay ở Miến điện, thấy sư Xa ba đa được Quớc vương ủng hộ, phát triển mau chóng, vì lo cho địa vị và tiền đồ của bản thân, nên đã cực lực chứng minh Phật giáo Thượng tọa bộ bắt nguồn từ luật pháp được truyền thừa từ tăng đoàn do vua A dục phái sang, để chống lại sư Xa ba đa theo giới luật đổi mới của Tích lan. Cuộc tranh luận kéo dài đến năm 1192 thì phái Phật giáo Thượng tọa bộ truyền thống của Miến điện gọi là Tông phái Miến điện để phân biệt với Tông phái Tích lan (Pàli: Siôhaơanikàya) của sư Xa ba đa. Từ đó Phật giáo Miến điện rơi vào tình trạng phân hóa. [X. Miến điện Phật giáo sử (Tịnh hải, Hiện đại Phật giáo học thuật tùng san 83)].