mật giáo tứ vô lượng quán

Phật Quang Đại Từ Điển

(密教四無量觀) Cũng gọi Mật giáo tứ vô lượng tâm quán. Chỉ cho pháp quán tưởng 4 tâm từ, bi, hỉ, xả của đức Phật mà hành giả Mật giáo tu tập.Theo kinh Thiên thủ thiên nhãn nghi quĩ quyển thượng chép: 1. Từ vô lượng quán: Tam ma địa của Bồ Tát Phổ Hiền ở phương đông. Hành giả ở trong định Từ vô lượng, với tâm thanh tịnh, ân cần quán xét tất cả hữu tình khắp trong tứ sinh lục đạo đều đầy đủ 6 đại, 4 mạn của Như Lai và 3 kim cương thân, khẩu, ý. Rồi khởi niệm đại từ tu công đức của Tam mật, khiến hết thảy hữu tình cũng được giống hệt như bồ tát Phổ Hiền. Quán như thế xong liền tụng chân ngôn Đại từ tam ma địa: Án (oô,qui mệnh) ma ha muội đát la dạ (mahàmàitraya,đại từ) sa phả la (sphara, phổ biến), nghĩa là làm cho tâm đại từ trùm khắp tất cả. 2. Bi vô lượng quán: Tam ma địa của bồ Tát Hư Không Tạng ở phương nam. Hành giả ở trong định Bi vô lượng, với tâm thương xót, quán xét tất cả hữu tình khắp trong tứ sinh lục đạo, đang chìm đắm trong biển khổ sinh tử, chẳng ngộ tự tâm, vọng khởi phân biệt, sinh ra các thứ phiền não, do đó không đạt được chân như bình đẳng, có hằng sa công đức vượt qua hư không, vì thế nguyện làm cho hết thảy hữu tình cũng được giống hệt như Bồ Tát Hư Không Tạng. Quán như thế rồi tụng chân ngôn Đại bi tam ma địa: Án (oô, qui mệnh) ma ha ca lỗ noa dạ (mahà-kàroịaya, đại bi) sa phả la (sphara, phổ biến), nghĩa là làm cho tâm đại bi trùm khắp tất cả. 3. Hỉ vô lượng quán: Tam ma địa của bồ Tát Quán Tự Tại ở phương tây. Hành giả ở trong định Đại hỉ vô lượng, với tâm thanh tịnh, quán xét tất cả chúng sinh khắp trong tứ sinh lục đạo, xưa nay vốn thanh tịnh, giống như hoa sen không nhuốm bùn nhơ, tự tính trong sạch, nên nguyện dùng sức công đức tu Tam mật của mình làm cho hết thảy hữu tình được giống hệt bồ tát Quán Tự Tại. Quán như thế rồi tụng chân ngôn Đại hỉ tam ma địa: Án (oô,qui mệnh) truật đà bát la mô na (zuddha pramàda, hỉ vô lượng) sa phả la (sphara, phổ biến), nghĩa là làm cho tâm Đại hỉ trùm khắp tất cả. 4. Xả vô lượng quán: Tam ma địa của Bồ Tát Hư Không khố ở phương bắc. Hành giả ở trong định Xả vô lượng, với tâm bình đẳng, quán xét hết thảy hữu tình khắp trong tứ sinh lục đạo, đều lìa ngã, ngã sở, đối với pháp bình đẳng tâm vốn chẳng sinh, nên nguyện dùng công đức tu Tam mật của mình khiến cho hết thảy chúng sinh đều được giống như Bồ Tát Hư Không khố. Quán như thế rồi tụng chân ngôn Xả vô lượng tam ma địa: Án (oô, qui mệnh) ma hộ bế khất sái (mahopekwa, xả li) sa phả la (sphara, phổ biến), nghĩa là làm cho tâm Xả vô lượng bao trùm khắp tất cả. [X. Bí tạng kí Q.đầu].