mật giáo sám pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(密教懺法) Pháp lễ Phật sám hối được thực hành trong Mật giáo. Thai tạng giới tu Cửu phương tiện sám hối và Kim cương giới tu Ngũ hối sám hối. I. Cửu Phương Tiện. Chín pháp nương vào sức phương tiện như kết ấn, tụng chú để diệt trừ tội lỗi, thành tựu chân thực. Có thuyết cho rằng 9 pháp này là những phương tiện được thực hành trước khi tu pháp. Cửu phương tiện là: 1. Tác lễ phương tiện: Cung kính lễ bái qui mệnh Tam Bảo trong 10 phương và 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai. 2.Xuất tội phương tiện: Sám hối các tội lỗi đã phạm từ vô thủy đến nay. 3. Qui y phương tiện: Qui y Tam Bảo. 4. Thí thân phương tiện: Hành giả dâng thân mình cúng dường các vị tôn. 5. Phát bồ đề tâm phương tiện: Phát tâm bồ đề và sinh khởi tâm đại bi làm lợi ích chúng sinh. 6. Tùy hỉ phương tiện: Thấy chư Phật, Bồ Tát, Nhị thừa và chúng sinh tu phúc trí thiện căn, hành giả đều tùy hỉ. 7. Khuyến thỉnh phương tiện: Tức thỉnh chư Phật, Bồ Tát trụ lâu nơi đời và thường chuyển pháp luân. 8. Phụng thỉnh pháp thân phương tiện: Khiến chúng sinh an trụ nơi Pháp thân. 9. Hồi hướng phương tiện: Hành giả đem phúc đức thiện căn mà mình đã tu được, hồi hướng cho tất cả chúng sinh. Cửu phương tiện biểu thị ý nghĩa hành giả chuyển 9 thức mà hiển bày pháp nội chứng của 9 vị tôn ở Trung đài Bát Diệp, hoặc biểu thị ý nghĩa Tam tam bình đẳng. Có thuyết cho rằng Thai tạng giới là Nhân mạn đồ la, cho nên căn cứ vào 9 thức của Nhân vị ( ) mà lập 9 phương tiện; hoặc cho rằng Thai tạng giới được kiến lập từ Tam bộ, cho nên dựa theo ý nghĩa Tam tam bình đẳng mà lập Cửu phương tiện. II. Ngũ Hối. Nêu lên những hạnh nguyện chung của tất cả Phật, Bồ Tát để biểu thị ý thú lễ bái sám hối. Mà hạnh nguyện của chư Phật. Bồ tát thì không ngoài 10 Đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, Ngũ hối và 10 đại nguyện tuy khác nhau nhưng pháp thể thì chỉ là một, vì thế Ngũ hối cũng được gọi là Phổ Hiền hạnh nguyện. Ngũ hối là: 1. Chí tâm qui mệnh: Với 3 nghiệp thanh tịnh, thành tâm lễ kính qui mệnh Tam Bảo. 2. Chí tâm sám hối: Dốc lòng sám hối những tội nghiệp đã tạo ra ở đời quá khứ. 3. Chí tâm tùy hỉ: Thấy chư Phật, Bồ Tát, Nhị thừa và tất cả hữu tình tu tập phúc đức thiện căn và trí tuệ, hành giả đều dốc lòng tùy hỉ. 4. Chí tâm khuyến thỉnh: Một lòng khuyến thỉnh chư Phật hiện tại trong 10 phương, thường trụ ở thế gian, không bỏ nguyện đại bi, mãi mãi chuyển pháp luân làm lợi ích cho chúng sinh. 5. Chí tâm hồi hướng: Đem tất cả những công đức đã thành tựu được như: Công đức không mất 4 pháp nêu trên, không thoái chuyển tâm bồ đề, thường tu học theo chư Phật, thường sinh vào các chủng tộc cao quí, được 4 biện tài, 6 thần thông, 10 tự tại và các cảnh giới thiền định v.v… dốc lòng hồi hướng đến Vô lượng bồ đề. Có thuyết cho rằng Kim cương giới là Quả mạn đồ la, cho nên biểu thị 5 trí của Quả vị ( ); hoặc cho rằng vì Kim cương giới được cấu thành từ 5 bộ cho nên lập Ngũ hối. [X. kinh Đại Nhật Q.7; kinh Yếu Lược Niệm Tụng; kinh Nhất Thiết Như Lai Chân Thực Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương Q.thượng, hạ; Liên hoa bộ tâm nghi quĩ, Như ý luân nghi quĩ].