mật giáo pháp khí

Phật Quang Đại Từ Điển

(密教法器) Những pháp khí của Mật giáo sử dụng trong các khóa tu trì hoặc trong pháp hội. Một trong những nét đặc sắc của Phật giáo Tây Tạng là chú trọng về nghi quĩ phiền tạp và pháp khí đặc định. Về nguồn gốc pháp khí, chủ yếu là Phật giáo Ấn Độ vào thời kì sau cùng đã hấp thụ các pháp khí của Ấn Độ giáo rồi truyền vào Tây Tạng, đồng thời khi đến Tây Tạng lại du nhập thêm một số pháp khí của Bổng giáo truyền thống, cho nên danh mục rất nhiều. Nay căn cứ vào những trường hợp sử dụng khác nhau, có thể chia ra 6 loại: I. Pháp khí được sử dụng khi lễ kinh:1. Ca sa: Giống như miếng lụa vuông 1 lớp, quấn quanh mình, để trần vai bên phải, hình thức tuy khác nhưng về ý nghĩa thì cũng giống như loại áo của Trung quốc. 2. Quải châu: Xâu chuỗi gồm 108 hạt, có nhiều loại như hạt bồ đề, hạt kim cương, hạt sen, hạt thủy tinh, hạt chân châu, hạt san hô, hạt hổ phách, hạt mã não, hạt pha lê, hạt vàng xanh, hạt vàng trắng, hạt cây mộc hoạn, hạt làm bằng xương sọ người v.v… tùy theo mỗi pháp tu mà được sử dụng. 3. Cáp đạt: Tấm sa (lụa mỏng) hình chữ nhật có nhiều màu như: Đỏ lợt, vàng, lam, loại lớn khoảng hơn 3 mét, loại nhỏ khoảng 1,4 mét, hay nhỏ hơn nữa, dùng làm quà tặng, biếu cho khách, Yết kiến Lạt ma, hoặc trao đổi với bạn bè để tỏ lòng quí kính. Màu sắc, kích thước phải tùy theo địa vị, giai cấp khác nhau mà có qui chế nhất định, không được dùng lẫn lộn. II. Những pháp khí được sử dụng khi xưng tán. 1. Chuông: Có đủ các kiểu lớn nhỏ. 2. Đạc: Cái linh lớn có con lắc bằng kim loại hoặc bằng gỗ. 3. Trống: Có các loại như: Trống lớn, trống cơm, trống yết (loại nhạc khí của giống Yết, 1 chi của rợ Hung nô đến ở đất Yết thất, nên gọi là Yết), trống đồng v.v… 4. Linh: Chuông nhỏ cầm tay. 5. Não bạt: Chập chọe, loại lớn gọi là Não, loại nhỏ gọi là Bạt. 6. Tất lật: Kèn loa hình dáng giống cái ống sáo, phát ra âm thanh trầm buồn, vì thế cũng gọi là Bi lật. 7. Cốt địch: Ống sáo làm bằng xương người. 8. Lục huyền cầm: Đàn 6 dây. III. Pháp khí sử dụng khi cúng dường: 1. Lư hương. 2. Đế đèn. 3. Chén đựng nước. 4. Đồ dâng cúng: Bình, mâm, bát, li, chén v.v… 5. Lá cờ: Hình dáng giống như cờ tiết, làm bằng lông vũ, đá quí, vàng, lụa v.v… 6. Lá phan: Như loại cờ gió mà những người đi thuyền thường sử dụng. Có nhiều cỡ: lớn, nhỏ, dài, ngắn. 7. Lá phướn: Lớn và dài hơn lá phan nhiều, trên đầu có tàn (cái), thường được treo trong chính điện. 8. Anh lạc: Vòng trang sức được xâu bằng những hạt ngọc quí. Đội ở trên đầu gọi là Anh, đeo ở trên mình gọi là Lạc. 9. Hoa man: Tràng hoa, dùng hoa kết thành vòng tròn hoặc dây dài. 10. Hoa lung: Lẵng đựng hoa, được làm bằng các chất liệu như: Vàng, bạc, tre, gỗ v.v… IV. Pháp khí sử dụng khi trì nghiệm. 1. Mạn đồ la, cũng gọi Đạo tràng, Đàn thành, Luân đàn, Luân viên cụ túc: Đàn được sử dụng khi tu trì mật pháp, có nhiều hình thức như vuông, tròn, 3 góc v.v… 2. Niệm châu, cũng gọi Sổ châu, Phật châu: Chuỗi tràng hạt nhỏ hơn Quải châu, số hạt không cố định, có thể từ 14 đến 1.080 hạt. 3. Kim cương chử: Chày kim cương, có 3 loại: 1 chĩa, 3 chĩa, 5 chĩa, làm bằng kim loại quí hoặc gỗ thơm. 4. Linh chử: Cũng chia làm 3 loại: 1 chĩa, 3 chĩa, 5 chĩa. 5. Luân, cũng gọi Giả cát la: Bánh xe. 6. Cổ: Trống, có 2 thứ trống lớn và trống nhỏ.7. Dẫn khánh: Cái kiểng, kiểu giống kiểng của Trung Quốc. 8. Mộc ngư: Mõ bằng gỗ có hình con cá, cũng giống kiểu mõ của Trung Quốc. 9. Quán đính hồ: Bình đựng nước được dùng khi tu pháp truyền Quán đính cho đệ tử. V. Pháp khí được sử dụng khi tu pháp Hộ ma. 1. Mạn đồ la. 2. Lư: Lò đốt, chia làm 3 loại: Vuông, tròn, tam giác, được dùng tùy theo pháp tu. 3. Hộ thân Phật: Tượng Phật bằng đồng đặt trong 1 cái hộp bằng bạc, hoặc đội trên đầu hoặc đeo ở ngực. 4. Bí mật phù ấn: Lá bùa và ấn, chia làm 3 hình thức: Vuông, tròn, tam giác, gồm có các loại: Hộ thân, hộ nhà, bảo hộ đất nước, đuổi ma quỉ, trừ tai họa, tăng phúc thọ v.v… VI. Pháp khí được dùng khi khuyên dạy.1. Ma ni luân: Bánh xe có hình dáng như cái thùng gỗ, ở giữa có cái trục, có thể xoay vòng, trên khắc câu thần chú Lục tự Quan Âm. 2. Kì đảo đồng: Ống kì đảo, hình thức giống như Ma ni luân nhưng lớn hơn, được quay bằng sức gió, sức nước hoặc máy móc. 3. Kì đảo bích: Tấm ván mỏng trên có khắc câu chú 6 chữ, được treo trên vách. 4. Kì đảo chàng: Lá cờ trên có viết câu chú 6 chữ, buộc vào cây sào cắm trên nóc nhà.5. Kì đảo thạch: Tấm đá trên có khắc câu chú 6 chữ, đặt ở chân núi hoặc bên cạnh đường.