mật giáo ngũ đại

Phật Quang Đại Từ Điển

(密教五大) Năm đại: Đất, nước, lửa, gió và hư không trong giáo nghĩa Mật giáo. Khác với Hiển giáo cho 5 đại là các pháp hữu vi, vô thường. Mật giáo thì lại chủ trương 5 đại được lập ra từ bản thể của các pháp , là thân Tam muội da của Như Lai. Tam muội da có nghĩa là bản thệ (thệ nguyện xưa), tiêu biểu, tức 5 đại tiêu biểu cho nội dung cảnh giới nhiệm mầu tam mật vô tướng và bản thệ của Pháp thân Như Lai. Thai tạng giới của Mật giáo lấy 5 đại sắc pháp làm lí pháp thân của Đại nhật Như Lai, chủng tử là (a), (vi), (ra), (hùô), (khaô), hoặc (a), (va), (ra), (ha), (kha), tức là chủng tử của 5 đức Phật ở 5 phương, cũng tức là 5 đại được phối hợp với 5 Phật ở 5 phương. Tôn thắng nghi quĩ do ngài Thiện vô úy dịch vào đời Đường, theo thứ tự phối hợp 5 đại đất, nước, lửa, gió, hư không với 5 phương Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương, tức là nghĩa Đông nhân Kim cương giới tu sinh của thủy giác thượng chuyển. Còn kinh Tú diệu do ngài Bất không dịch vào đời Đường thì phối hợp không, gió, lửa, nước, đất với Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương, tức là theo nghĩa Trung nhân Thai tạng giới bản hữu của bản giác hạ chuyển. 1. Tôn thắng nghi quĩ: Năm đại theo nghĩa của Tôn thắng nghi quĩ là nương vào Đông nhân phát tâm (phát tâm tu nhân từ phương Đông): a) Đất (địa đại), phối hợp với Phật A súc ở phương Đông, là giai vị phát tâm, tức lấy tâm bồ đề tu sinh làm Nhân (..), sinh khởi muôn hạnh đại bi, cũng giống như đất là cội gốc sinh ra muôn vật; lại vì tâm bồ đề vững chắc không lay động, giống như đất, cho nên kí hiệu của Phật A Súc là bất động. Trí đại viên kính gìn giữ tất cả pháp tương ứng với đất gìn giữ muôn vật; Đất ở phương Đông biểu thị của sự bắt đầu của tu sinh; màu vàng là màu không thay đổi, tương ứng với tính bất biến của tâm bồ đề. b) Nước (thủy đại): Phối hợp với Phật Di Đà ở phương Tây, là giai vị thành tựu bồ đề; tự tính thanh tịnh của tâm bồ đề và sự tròn sáng rốt ráo của Vô lượng quang (Phật Di Đà) giống như tính trong sáng của nước; đức thuyết pháp đoạn nghi của trí Diệu quán sát giống như công năng rửa sạch bụi nhơ của nước; Nước ở phương Tây, tương ứng với chỗ cuối cùng của sự hành chứng (tu hành chứng quả); màu trắng tương ứng với Vô lượng quang (ánh sáng vô lượng). c) Lửa (hỏa đại): Phối hợp với Phật Bảo Sinh ở phương Nam, là giai vị tu hành; tu hành thành tựu muôn hạnh, giống như tính nóng của lửa có công năng nấu chín muôn vật; trí Bình đẳng tính diệt trừ tất cả sự phân biệt hư vọng, khiến cho bình đẳng nhất như, giống như công năng của lửa đốt cháy hết muôn vật. d) Gió (phong đại): Phối hợp với Phật Bất Không Thành Tựu ở phương Bắc, là giai vị nhập Niết Bàn, tức biểu thị trong Niết Bàn, muôn vật hoàn toàn vắng lặng, giống như gió bão có công năng phá hoại muôn vật; Gió ở phương Bắc, tương ứng với địa vị cao tột của Niết Bàn; màu đen tương ứng với sự mầu nhiệm sâu kín của Niết Bàn. e) Hư không (không đại): Phối với Phật Đại Nhật ở Trung ương, là giai vị phương tiện cứu cánh; biểu thị đã viên thành 4 đức, hàm chứa tất cả công đức tự lợi lợi tha, giống như hư không dung nạp hết thảy muôn vật; trí pháp giới thể tính của đức Đại Nhật, cũng giống như hư không, rộng lớn vô biên, trùm khắp pháp giới; Hư không ở Trung ương, tương ứng với sự trùm khắp pháp giới; màu xanh tương ứng với sự dung nạp hết. 2. Kinh Tú diệu: Năm đại theo nghĩa của kinh Tú Diệu là nương vào Trung nhân phát tâm (phát tâm tu Nhân từ Trung ương): a) Đất (địa đại): Phối với Đại Nhật Như Lai ở Trung ương, là giai vị phát tâm. Đây là biểu thị tâm bồ đề vốn có, vững chắc không lay động, là thể tính bản nguyên của các pháp, tính ấy giống như mặt đất; cũng như trí pháp giới thể tính là nguồn gốc của các pháp; Đất màu vàng, tương ứng với tính bất biến của tâm bồ đề. b) Hư không (không đại): Phối hợp với Phật A Súc ở phương Đông, là giai vị tu hành; tu muôn hạnh đều đầy đủ không thiếu, giống như hư không hàm chứa muôn vật, cũng như trí đại viên kính chiếu soi hết thảy. Hư không ở phương Đông là chỗ bắt đầu của muôn vật, vì thế nên tương ứng với chỗ bắt đầu của muôn hạnh; màu xanh hàm chứa cả 5 màu, cho nên tương ứng với sự hàm chứa muôn hạnh. c) Gió (phong đại): Phối với Phật Di Đà ở phương Tây, là quả vị Niết Bàn. A Di Đà, Hán dịch là Vô lượng quang, biểu thị cho đức của Niết Bàn. Trí diệu quan sát và công dụng thuyết pháp đoạn nghi sinh tín của trí này tương ứng với 2 công năng phá hoại và sinh thành của gió. Đối lại với phương Đông là chỗ bắt đầu của muôn vật thì phương Tây là chỗ chung cuộc của muôn vật, tức là quả Niết Bàn. Màu trắng tương ứng với Vô lượng quang. d) Lửa (hỏa đại): Phối hợp với Phật Bảo Sinh ở phương Nam, là giai vị thành tựu bồ đề, vì giai vị này thành tựu muôn hạnh, làm nở hoa bồ đề, giống như tính nóng của lửa làm cho muôn vật thành thục, cho nên phối với phương Nam là màu đỏ. e) Nước (thủy đại): Phối hợp với Phật Bất không Thành Tựu ở phương Bắc, là giai vị phương tiện cứu cánh; ở giai vị này, dùng phương tiện lợi tha để thành tựu diệu nghiệp hóa tha, có năng lực tùy thuận căn cơ để đoạn trừ mê vọng cho chúng sinh, giống như nước có công năng rửa sạch bụi nhơ, có hình vuông hay tròn đều tùy theo vật chứa. Theo tục Ấn Độ, phương Bắc là hướng tốt, cho nên tương ứng với giai vị cứu cánh; màu đen là màu chí cực, tương ứng với chỗ chí cực của giai vị cứu cánh. [X. phẩm Tất địa xuất hiện trong kinh Đại Nhật Q.3; phẩm A xà lê chân thực trí trong kinh Đại Nhật Q.5]. (xt. Trung Nhân Phát Tâm, Đông Nhân Phát Tâm, A Tự Ngũ Chuyển).