mạt điền để ca

Phật Quang Đại Từ Điển

(末田底迦) Phạm: Madhyantika. Pàli: Majjhantika. Cũng gọi Mạt điền, Mạt điền đề, Mạt xiển đề, Mạt điền địa, Mạt điền địa na, Mạt điền đạc ca, Mạt đàn địa, Ma thiền đề. Hán dịch: Trung, Nhật trung, Thủy trung, Kim địa, Hà trung. Vị A la hán người Đà phả la thuộc Ấn độ, tương truyền là vị đệ tử sau cùng của tôn giả A nan, tổ phó pháp thứ 3 của Thiền tông Ấn độ, là 1 trong Ngũ sự vị thế. Cứ theo Ma ha Ca diếp niết bàn nhân duyên trong truyện A dục vương quyển 4, khi tôn giả A nan nhập diệt thì ngài Mạt điền thụ giới ở sông Hằng, chứng quả A la hán. Cứ theo Phó pháp tạng quyển 2, thì trong số các vị đệ tử của tôn giả A nan có 2 vị là Mạt điền đề và Thương na hòa tu được tôn giả phó pháp tạng. Nhưng, cứ theo kinh A dục vương quyển 7, thì đệ tử của tôn giả A nan là ngài Mạt điền địa, còn Thương na hòa tu thì là đệ tử của ngài Mạt điền địa. Theo đây, thì từ Tổ Ma ha Ca diếp đến ngài Ưu bà cúc đa, thầy trò truyền nhau tất cả có năm người, cho nên gọi là Dị thế ngũ sư. Về niên đại xuất thế của ngài Mạt điền để ca có nhiều thuyết khác nhau. Cứ theo Ưu bà cúc đa nhân duyên trong truyện A dục vương quyển 3 và Hữu bộ tì nại da tạp sự quyển 40, thì Ngài ra đời 100 năm sau đức Phật nhập diệt. Còn theo điều Ca thấp di la quốc trong Đại đường tây vực kí quyển 3, thì Ngài xuất sinh vào năm thứ 50 sau đức Phật nhập diệt. Về nguyên nhân Ngài du hóa nước Ca thấp di la, theo truyện A dục vương quyển 4, là do di chúc của tôn giả A nan. Thiện kiến luật tì bà sa quyển 2 và Đại sử (Pàli: Mahàvaôsa, XII) ghi rằng: Sau Đại hội kết tập lần thứ 3, vua A dục phái các vị Đại đức đến các nước lân cận truyền bá Phật pháp, ngài Mạt điền địa được phái đến nước Ca thấp di la. Tại đây, Ngài hàng phục Long vương, rồi tuyên giảng kinh Độc thí dụ cho dân chúng nghe, có 8 vạn người hiểu đạo và 1 nghìn người xuất gia. [X. kinh Đạt ma đa la thiền Q.thượng; phẩm Trì chính pháp trong kinh Đại bi Q.2; điều Tát bà đa bộ sư tông tương thừa trong Xuất tam tạng kí tập Q.12; điều Ô trượng na quốc trong Đại đường tây vực kí Q.3; Phiên Phạm ngữ Q.2].