manh quy phù mộc

Phật Quang Đại Từ Điển

(盲龜浮木) Rùa mù gỗ nổi. Con rùa mù giữa biển cả, gặp được khúc gỗ nổi, ví dụ được làm thân người, gặp Phật nghe pháp là rất khó. Kinh Tạp a hàm quyển 15 (Đại 2, 108 hạ), nói: Lúc ấy, đức Thế tôn bảo các tỉ khưu: Ví như mặt đất biến thành biển cả, có một con rùa mù sống vô lượng kiếp, một trăm năm mới ló đầu ra một lần, giữa biển có khúc gỗ nổi với 1 lỗ hổng duy nhất, bình bồng theo chiều gió, lúc dạt sang đông, lúc trôi sang tây, con rùa mù liệu có gặp được cái lỗ hổng trong khúc gỗ kia mà chui vào không? Ngài A nan thưa: Bạch Thế tôn! Khó lắm, vì sao? Vì nếu rùa mù bơi về phía đông thì khúc gỗ lại theo gió trôi về phía tây, hoặc nam, bắc 4 phía xoay vòng cũng vậy, nên khó gặp được nhau. Đức Phật bảo ngài A nan: Rùa mù và khúc gỗ nổi tuy 2 ngã trái nhau, nhưng may ra còn có khi gặp được, chứ phàm phu ngu si trôi dạt trong 5 đường, cơ may được lại thân người còn khó hơn việc rùa mù gặp gỗ nổi rất nhiều. Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết quyển 5 phần 4 (Đại 46, 303 thượng), nói: Được sinh làm người khó, Gặp Phật pháp khó hơn. Giống như giữa biển khơi Rùa mù gặp gỗ nổi. Thí dụ trên đây rất nổi tiếng, thường được nói đến trong kinh luận. Nhưng Manh qui là chỉ cho rùa mù 1 mắt, chứ không phải mù cả 2 mắt, cho nên phẩm Diệu trang nghiêm vương trong kinh Pháp hoa quyển 7 và kinh Tạp a hàm đều gọi là Nhất nhãn qui (rùa 1 mắt). Lại có thuyết nói 1 mắt này nằm ở bụng con rùa, nhưng không rõ xuất xứ. [X. kinh Chứng khế đại thừa Q.thượng; kinh Đại thừa đồng tính Q.thượng; kinh Đại bát niết bàn Q.23 (bản Bắc); kinh Đại bảo tích Q.54]. (xt. Nhất Nhãn Chi Qui).