manh nhân thuyết nhũ

Phật Quang Đại Từ Điển

(盲人說乳) Người mù nói sữa. Người mù chấp bậy vào ấn tượng của mình để biểu đạt sự nhận thức về màu sắc của sữa, ví dụ ngoại đạo chấp chặt thiên kiến của mình, vĩnh viễn không có cách gì hiểu được chân lí Phật pháp. Kinh Đại bátniết bàn quyển 14 (bản Bắc) cho rằng, các ngoại đạo ngây ngô như trẻ con, lại không có tuệ phương tiện, vì thế khó thấu suốt được những nghĩa lí của Phật dạy như: Thường và vô thường, ngã và vô ngã, thực và phi thực, hữu và phi hữu, khổ và lạc, tịnh và bất tịnh v.v… rốt cuộc cứ bám vào mặt chữ trong kinh mà chấp bậy là có thường, lạc, ngã, tịnh mà thực thì chẳng biết chân nghĩa của thường, lạc, ngã, tịnh (4 đức của Niết bàn) là gì, hệt như người mù bẩm sinh, chẳng biết màu sắc của sữa, bèn hỏi người khác, họ bảo sữa trắng như con sò, người mù liền cho màu sữa như tiếng con sò phát ra; họ lại nói sữa trắng như bột gạo, người mù liền cho màu sữa mềm dẻo như bột gạo; họ lại bảo sữa trắng như tuyết, người mù liền cho màu sữa lạnh như tuyết; họ lại nói màu sữa trắng như hạc, nhưng đến đây thì người mù mờ mịt không biết. Tuy người mù nghe 4 cách thí dụ nhưng vẫn không làm sao biết được màu sắc đích thực của sữa là thế nào. Kinh Niết bàn lấy đó ví dụ cho ngoại đạo chẳng bao giờ liễu ngộ được quả đức Đại niết bàn thường, lạc, ngã, tịnh một cách chân chính. [X. Ma ha chỉ quán Q.5, thượng; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.1, phần 3].