MANG LẠI CHẤT LƯỢNG
CHO SỰ NGHIỆP
CỦA PHẬT GIÁO

 

Thông Điệp của
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

Tây Tạng vào ngày 27 tháng 3 năm 2006 vào cuối rong bài phát biểu của Ngài trước đám đông đến từ buổi thuyết giảng Monlam ở Dharamsala, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma say sưa nói về nhiều vấn đề, một trong những vấn đề ấy là về nhu cầu của những người Tây Tạng và Phật tử đang băn khoăn để làm cách nào tập trung cao nhất vào chất lượng của giáo dục, đàm luận, hoặc hành đạo. Sau đây là những trích đoạn liên quan, được chuyển ngữ bởi ban biên tập.

Hầu hết người Tây Tạng chúng ta đều nghèo nàn khi nói đến trình độ hiểu biết. Nói trên quan điểm tôn giáo thì trong xã hội chúng ta có 6 triệu người Tây Tạng có đức tin chân chính vào đạo Phật đến mức độ đáng kinh ngạc. Phật Giáo thâm sâu, trở nên phổ biến và đã được truyền bá từ thế hệ này sang thế hệ khác, và do đó đã phát triển và thăng hoa. Kết quả là ngày nay Xứ Tuyết Tây Tạng cũng gần như là nơi duy nhất mà toàn bộ giáo pháp Đại Thừa, Tiểu Thừa và Mật Tông của Đức Phật trên toàn thế giới được gìn giữ trọn vẹn, và cũng là nơi mà di sản tôn giáo của trường đại học Na-Lan-Đa vĩ đại được duy trì, bảo vệ và quảng bá cho cả thế giới mà không bị một vết ô nhiễm nào. Đặc biệt về khía cạnh bảo trì, truyền bá giáo huấn và thực hành của Phật Giáo một cách sâu rộng, Tây Tạng có truyền thống và giáo trình uyên thâm nhất. Lấy xã hội Tây Tạng làm gốc, Xứ Tuyết Tây Tạng, qua nhiều thế hệ hơn một thiên niên kỉ nay, là một chủng tộc đã trưởng dưỡng Phật Giáo bằng cách trì giữ, bảo vệ và truyền bá nó. Tuy nhiên đối với đại đa số quần chúng kiến thức về Phật Giáo tất nhiên còn rất nghèo nàn.

Về phương diện hoạt động tôn giáo của các giáo hội ở Tây Tạng, điều đáng lưu ý nhất là không đặt nặng tầm quan trọng đến số lượng Tăng Ni, mà đảm bảo chất lượng tu tập và kỷ luật. Nếu không thì trình độ nghiên cứu và tu tập không đạt yêu cầu và giới luật cũng không có gì đáng nói; số lượng Tăng đoàn cũng chỉ là số lượng chư Tăng Ni, không có ích gì cả. Chất lượng cao mới thực sự quan trọng.

Đôi lúc tôi thấy trong cộng đồng người Tây Tạng, chúng ta đang dường như có nhiều nỗ lực để tăng cường số lượng Tăng Ni. Tôi không thấy điều đó có gì đặc biệt quan trọng. Nói trắng ra, chúng ta thật sự phản đối nguy cơ hiện nay rằng người Tây Tạng bị biến thành thiểu số trên chính đất nước của họ. Hiểm họa này là có thật. Chúng ta cũng được thế giới ủng hộ rất nhiều về vấn đề này. Trong giai đoạn mà nhiều thay đổi diễn ra như vậy, trong khi dân số Tây Tạng thì quá ít, bản thân chúng ta dường như lại góp phần làm giảm dân số đi bằng cách lấy thêm Tăng Ni đến mức mà có quá nhiều. Vì vậy, mặc dù dân số Tây Tạng đã quá thấp, nếu nhận thêm Tăng Ni thì chắc chắn dân số của chúng ta ngày càng suy giảm.

Chúng ta cũng nên nghĩ đến hoàn cảnh của những nơi như là vùng núi Ladakh. Hậu quả của sự thiển cận tột cùng là các giáo hội cả bên trong và ngoài Tây Tạng đều chú trọng đến việc nhất thiết tăng cường số lượng Tăng Ni mà không tập trung tu tập và kỷ luật đối với chư Tăng Ni.

Do đó, trừ phi chúng ta chú ý đến mọi khía cạnh của tình trạng hiện nay, không thì nhất định đây không phải là kỷ nguyên của tiến bộ đối với chúng ta. Tất cả chúng ta nên suy nghĩ trên lập trường quan sát mọi hướng, trước sau, trái phải của chúng ta. Chắc chắn đây không phải là thời gian chúng ta có thể đưa ra quyết định mà chỉ dựa trên cái chúng ta thực sự thấy trước mắt mình. Trong mọi trường hợp, điều tối quan trọng là phải nâng cao chất lượng tu tập và kỷ luật hơn là tăng cường số lượng Tăng Ni.

Như tôi đã nói gần đây, khi giảng dạy về Choejug (Nhập Bồ Tát Hạnh), việc chỉ quen thuộc với Khế kinh [Sutra] và Thần chú [Tantra] thì không được. Đánh trống, đánh chum chọe và biểu diễn cham (điệu múa tôn giáo) theo nghi lễ, trong các màn trình diễn được cho là hành đạo, nhưng lại không nhận ra Tam Bảo (Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng Đoàn) thực tế làm cho chúng ta có nguy cơ cầu phước cho bản thân. Chúng ta phải rất thận trọng về điều này. Phật giáo không chỉ được biểu hiện bằng cách đánh trống và đập chũm chọe, và cũng không hề có nghi thức nào mà có thể nâng cao sự sùng đạo. Mặt khác, Phật giáo có nguy cơ trở thành một hệ thống ý tưởng không có nền tảng.

Vì vậy, điều vô cùng quan trọng đối với mọi người là không được để mất cội nguồn của mình. Trong cộng đồng Tây Tạng, ta có thể nhìn thấy nhiều trường hợp người mất gốc và đi loanh quanh bám vào các nhánh. Tóm lại, truyền thống cao quý của việc học tập triết học Phật giáo Tây Tạng tồn tại vào thời của tổ tiên chúng ta nên được ưu tiên duy trì chủ động bởi các Tu viện của chúng ta. Trên cơ sở đó, chư Tăng Ni trong các Tu viện phải bảo đảm chất lượng cao về học và hành cũng như kỷ luật; và do đó phải có khả năng duy trì đức tin đối với cả việc thuyết pháp và hành pháp. Mọi người cần nỗ lực để chúng sinh đạt tiến bộ về kiến thức hiện đại, trên cơ sở đó, giúp chúng sinh có thể hiểu sâu hơn và tìm thấy sự tôn kính đối với Phật giáo. Đây là một trong những điểm quan trọng mà tôi thường xuyên nhắc nhở.

Trong nhiều thập kỷ ở Trung Quốc, đặc biệt trong Cách Mạng Văn Hoá, khi Tứ Cổ [tập quán, văn hóa, thói quen, tư tưởng cũ] bị phá hủy, đã có rất nhiều vụ ngược đãi, với việc kiên quyết chống lại tôn giáo và văn hoá. Nhưng bản chất con người là cần một nguồn đức tin và hy vọng, và kết quả là, số lượng người theo tín ngưỡng Kitô giáo đang ngày càng tăng. Tương tự số tín đồ Phật giáo cũng phát triển. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều người lại chú ý tới Phật giáo Tây Tạng. Trong hai thập kỷ qua, đã có nhiều người Hoa quan tâm đến Phật giáo Tây Tạng và nhận sự thuyết pháp từ các vị Đại sư [Lạt ma], Tiến sĩ Triết học Phật giáo Tây Tạng [Geshe], vv… Ngày nay, con số này ngày càng tăng.

Lấy trường hợp trung tâm do Khen Rinpoche Jigme Phuntsog thiết lập. Không chỉ có một số lượng lớn các đệ tử người Hoa ở đó, mà nó còn có một Viện Hàn Lâm hưng thịnh. Nhưng gần đây nó đã bị suy giảm không thể tưởng tượng được, và cuối cùng, ngay cả vị Trụ trì vĩ đại cũng đã qua đời. Đây là một diễn biến đáng buồn. Nhưng, tuy nhiên, không chỉ có rất nhiều sắc tộc người Hoa quan tâm và theo Phật giáo Tây Tạng, mà họ cũng nhận được sự giáo huấn từ các vị Đại sư [Lạt ma], Tiến sĩ Triết học Phật giáo Tây Tạng [Geshe], vv. Đây là những diễn biến rất tích cực và tôi vô cùng biết ơn họ.

Các vị Lạt ma và Ghe-se của Tây Tạng, và các vị đại sư và nhà truyền giáo khác của Phật giáo đều phải ghi nhớ rằng trong giai đoạn này, một sự cân nhắc rất quan trọng cần lưu ý đến là nếu truyền bá và thuyết giảng triết học Phật giáo vì tiền hoặc vì lợi ích vật chất hoặc để sống một cuộc sống xa hoa thì đó là một sai lầm nghiêm trọng. Không chỉ vậy, nếu nhìn từ quan điểm của phước nghiệp và ác nghiệp, thì việc trên sẽ dẫn tới việc buôn bán tôn giáo. Các hành giả sẽ không hành động như thế. Trong mọi trường hợp, những người quan tâm từ các bên cần phải thận trọng.

Có thể đôi lần các vị Lạt ma và các vị Đại sư sẽ cảm thấy mình quan trọng và phát triển cái ngã bị thổi phồng vì sự tin tưởng và hy vọng nhiệt thành gửi gắm nơi họ của các đệ tử trong khi họ cúng dường và quy y. Sự diễn biến như vậy là không tốt chút nào. Như Drom Toenpa đã nói: Ngay cả khi ta được mọi người tôn sùng nhất. Tốt nhất là giữ mình khiêm nhường. Không nên quên điều này. Trong trường hợp riêng của tôi cũng vậy, tôi đã luôn luôn phải ghi tâm điều này. Bất cứ khi nào người ta tỏ lòng tôn kính với tôi bằng cách gọi tôi là Thánh Đức, tôi luôn luôn hạ mình xuống bằng cách nghiêm túc nhớ rằng: Khi tôi đến gặp bất cứ người nào ở bất cứ nơi nào vì một mục đích nào đó, bằng cách giữ mình khiêm nhã nhất. Một cách thành tâm, tôi đặt người khác lên mức cao nhất. Tôi luôn làm việc này mà không hề buông lơi cố gắng. Bạn cũng nên suy nghĩ và làm như vậy.

Nói chuyện với quý vị về một khía cạnh đáng buồn trong tình hình hiện nay của chúng ta, gần đây, ở nhiều quốc gia như Đài Loan, Mỹ, Châu Âu, Nga và Mông Cổ, đã có trường hợp các vị Lạt ma Tây Tạng và các vị Đại sư giả mạo đang làm những điều phi tôn giáo. Ở Trung Quốc cũng vậy, nhiều báo cáo đang nói về những vị thầy Tây Tạng giả danh đến từ Tây Tạng. Tất cả điều này là một diễn biến vô cùng bi thảm.

Cái mà ta chứng kiến là những vị Đại sư có khả năng thiên phú lại còn khiêm nhường thu mình; trong khi có những người thuyết giáo giả mạo, không cảm thấy hổ thẹn, tham lam vô đáy và nói dối trắng trợn, táo tợn đeo mặt nạ tôn giáo, thực hiện các hoạt động tôn giáo; và do đó mang lại tai tiếng cho Đạo và đức tin Phật giáo. Trên quan điểm này, mọi người nên hết sức cẩn trọng để đạt được quyết tâm. Điều đặc biệt quan trọng là các vị Đại sư có khả năng thiên phú nên có trách nhiệm phụng sự cho tôn giáo và nhân loại.

Nguồn: Văn Phòng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. www.vn.dalailama.com.