mạn đồ la thông tam đại

Phật Quang Đại Từ Điển

(曼荼羅通三大) Mạn đồ la dung thông cả thể đại, tướng đại và dụng đại. Mạn đồ la trong Mật giáo được dùng để miêu tả quả Phật là cảnh giới Bồ đề tròn đầy muôn đức. Tuy nhiên, ý nghĩa và cách dùng Mạn đồ la không phải chỉ giới hạn ở đó, mà còn nhiều dịch ngữ khác rất thường thấy như: Luân viên cụ túc (tròn trịa đầy đủ), Cực vô tỉ vị (không mùi vị nào sánh kịp), Vô quá thượng vi (mùi vị vô thượng không gì vượt qua), Tụ tập, Phát sinh, Đàn, Đạo tràng v.v… Thông thường, Mật giáo đem Lục đại, Tứ mạn và Tam mật, theo thứ tự, phối với Thể đại, Tướng đại và Dụng đại. Nghĩa là đất, nước, lửa, gió, không, thức (Lục đại) là nguồn gốc sinh ra các pháp, trùm khắp tất cả pháp giới; đây gọi là Lục đại thể đại. Đại mạn đồ la, Tam muội da mạn đồ la, Pháp mạn đồ la, Yết ma mạn đồ la (Tứ mạn), từ ngoại giới có thể nhận biết tướng trạng khác nhau và trong 1 pháp cũng đủ các tướng, cũng trùm khắp muôn pháp; đây gọi là Tứ mạn tướng đại. Nghiệp dụng của thân, ngữ, ý (Tam mật) tròn đầy, trùm khắp tất cả các pháp; đây gọi là Tam mật dụng đại. Nhưng, theo Bí tạng kí quyển cuối thì Tứ mạn không những chỉ phối với Tướng đại, mà còn dung thông với cả Thể đại và Dụng đại, nghĩa là Mạn đồ la cũng hàm có nghĩa Tam mật viên mãn, cho nên Mạn đồ la cũng là Dụng đại của Tam mật. Lại nữa, Mạn đồ la là nguồn gốc sinh ra các pháp, tức là nghĩa chữ (a) vốn chẳng sinh lục đại thể đại, vì thế nên lấy Mạn đồ la làm Thể đại. Thêm vào đó, Mật giáo thường nói Tứ mạn tướng đại thì mỗi Mạn đồ la trong Tứ mạn đều dung thông cả Thể đại, Tướng đại và Dụng đại. (xt. Tứ Mạn Tướng Đại).