mãn châu phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(滿洲佛教) Phật giáo Mãn châu. Mãn châu tức là 9 tỉnh ở đông bắc Trung quốc hiện nay, ngày xưa gọi là Liêu đông. Vào đầu thế kỉ thứ IV Phật giáo đã được truyền đến khu vực này. Cuối năm Thái nguyên (376-396) đời vua Hiếu vũ nhà Đông Tấn, ngài Thích đàm thủy đã đưa mấy mươi bộ kinh luật từ Quan trung vào Liêu đông, rồi ngài đến Cao cú li truyền bá Phật giáo, cho mãi đến đầu năm Nghĩa hi (405-417) đời vua An đế mới trở về Quan trung. Trước đó vào niên hiệu Vĩnh hòa năm đầu (345) đời Đông Tấn, vua Mộ dung hoàng của nước Tiền yên thiết lập cung Hòa long trên núi Long sơn gần thủ đô Long thành (Triều dương, Nhiệt hà); rồi lại xây cất chùa Long tường ở trên núi. Đây là ghi chép sớm nhất về tự viện Phật giáo ở Mãn châu. Về sau, triều Bắc Ngụy chiếm lấy đất Tiền yên, tiếp tục tạo mở các động đá Vân cương và Long môn; vào năm Thái hòa 23 (499) đời vua Hiến văn, lại bắt đầu mở hang đá Vạn Phật Đường ở tả ngạn sông Đại lăng phía tây bắc ngoại thành huyện Nghĩa, tỉnh Liêu ninh hiện nay. Đến đời Đường thì Phật giáo Mãn châu lại càng hưng thịnh, như trong Sách phủ nguyên qui quyển 971 có chép việc nước Bột hải tiến cống tượng Phật vào thời Huyền tông và Hiến tông nhà Đường; ngoài ra, trong kinh thành cũng phát hiện được những di tích Phật giáo. Các triều đại vua chúa Liêu, Kim cũng rất kính tin Phật pháp, xây dựng nhiều chùa viện và tháp Phật khiến cho Phật giáo phổ cập trong dân gian. Rồi đến đời Nguyên, người Mông cổ xâm chiếm Mãn châu, lập nên Đế quốc lớn, đồng thời truyền Lạt ma giáo vào Mãn châu, làm cho Phật giáo ở đây cũng chịu ảnh hưởng phần nào, nhưng phải đợi đến đời Thanh thì nền tảng của Lạt ma giáo tại Mãn châu mới được củng cố và lúc đó chùa, tháp Lạt ma giáo được xây dựng ở nhiều nơi, như chùa Bác nhân, chùa Phổ lạc, miếu An viễn, chùa Phổ ninh, chùa Phổ hựu, miếu Tu di phúc thọ, miếu Phổ đà tông thừa, chùa Thù tượng, La hán đường v.v… ở Thừa đức đều rất nổi tiếng. Đây là những chùa miếu lớn có cảnh quan đặc biệt, khác hẳn với lối kiến trúc phổ thông của Trung quốc. Ngoài ra, cứ theo ý kiến của các học giả cận đại, thì nhà Thanh có mối quan hệ gắn bó với Lạt ma giáo, đặc biệt vua Thái tổ triều Thanh được xem là có quan hệ trực tiếp với bồ tát Văn thù, vả lại, họ cũng cho rằng Mãn châu là đất phát tích của nhà Thanh, danh xưng Mãn châu có nguồn gốc từ tiếng Phạm: Maĩjuzrì (Hán âm: Mạn thù sư lợi, tức bồ tát Văn thù). Lại nữa, cứ theo Mãn châu nguyên lưu khảo bộ chương, thì vào những năm đầu triều Thanh, nước Tây tạng dâng quốc thư đến nhà Thanh đều tôn xưng là Mạn thù sư lợi đại Hoàng đế. Đến nay, tuy giới học giả chưa có kết luận hoàn toàn nhất trí về quan điểm này, nhưng trên đại thể thì đều thừa nhận đất Mãn châu đã có 1 nguồn gốc Phật giáo rất sâu xa. Và nguồn gốc này cũng là điểm then chốt khiến cho nhà Thanh tin thờ Lạt ma giáo. [X. Khâm định thịnh kinh thông chí; Liêu đông chí Q.1; The Blue Annals, 2 vols. (N.Roerich); Pag Sam Jon Zang (S.C. Das); The Religion of Tibet (Ch. Bell)].