mạn

Phật Quang Đại Từ Điển

(慢) Phạm,Pàli: Màna. Tức là tâm tự phụ, so sánh sự cao thấp, hơn kém, tốt xấu v.v… giữa mình với người khác rồi cậy mình hơn mà khinh miệt người, là 1 trong 46 tâm sở theo tông Câu xá và 1 trong 51 tâm sở theo tông Duy thức. Mạn có rất nhiều loại: Luận Đại tì bà sa quyển 43 và luận Câu xá quyển 19 nêu 7 loại mạn: 1. Mạn: Đối với người kém mình thì cho mình là tài giỏi hơn; còn đối với người ngang bằng mình, thì lại cho mình là không thua kém mà sinh tâm kiêu căng ngạo mạn. 2. Quá mạn (Phạm: Ati-màna): Người ngang bằng mình thì lại ương ngạch cho rằng mình vượt hơn; còn người ta hơn mình thì ngang ngược bảo họ bằng mình. 3. Mạn quá mạn (Phạm: Mànàtimàna): Người ta hơn mình thì ngược lại cho mình hơn người ta. 4. Ngã mạn (Phạm: Àtma-màna): Là gốc nguồn của 7 mạn. Trong thân do 5 uẩn giả hòa hợp, chấp trước có ta (ngã), của ta (ngã sở), rồi cậy ta mà sinh ra ngạo mạn. Bên trong chấp có ta, thì tất cả mọi người không ai bằng ta; bên ngoài chấp có cái của ta, thì phàm là cái của ta đều có giá trị cao hơn cái của những người khác. 5. Tăng thượng mạn (Phạm: Adhimàna): Chưa chứng được quả vị mà tự nhận mình đã chứng đắc. 6. Tị mạn (Phạm: Ùna-màna): Đối với người tài đức vượt trội, thì tự cho mình chỉ kém hơn người ấy chút ít; hoặc tuy thừa nhận người ấy hoàn toàn cao hơn, mình thực sự thấp kém, nhưng dứt khoát không chịu hạ mình học tập người ta. 7. Tà mạn (Phạm: Mithyà-màna): Chẳng có đức hạnh gì mà lại tự khoe mình là có. Còn 8 loại mạn thì gồm: Mạn, Đại mạn, Mạn mạn, Ngã mạn, Tăng thượng mạn, Bất như mạn, Tà mạn và Ngạo mạn. Luận Câu xá quyển 19 thì căn cứ vào luận Phát trí quyển 20 mà nêu ra 9 loại mạn: 1. Ngã thắng mạn loại: Đối với người bằng mình thì sinh tâm quá mạn mà cho mình hơn người. 2. Ngã đẳng mạn loại: Đối với người bằng mình mà sinh khởi tâm mạn cho rằng Tôi bằng người ấy (nghĩa là không thua kém). 3. Ngã liệt mạn loại: Đối với người vượt hơn mình, sinh tâm ti mạn Tôi kém cỏi. 4. Hữu thắng ngã mạn loại: Đối với người vượt hơn mình, sinh khởi tâm ti mạn người ấy hơn tôi. 5. Hữu đẳng ngã mạn loại: Đối với người bằng mình, sinh khởi tâm mạn người ấy và tôi bằng nhau. 6. Hữu liệt ngã mạn loại: Đối với người bằng mình, sinh khởi tâm quá mạn người ấy kém tôi. 7. Vô thắng ngã mạn loại: Đối với người bằng mình, sinh khởi tâm mạn cho rằng người ấy chưa chắc đã vượt hơn mình. 8. Vô đẳng ngã mạn loại: Đối với người bằng mình mà sinh tâm quá mạn cho rằng người ấy kém hơn mình. 9. Vô liệt ngã mạn loại: Đối với người hơn mình nhiều phần mà sinh tâm ti mạn cho rằng mình chỉ kém người ấy ít phần v.v…Chín loại mạn này gồm trong 3 loại là Mạn, Quá mạn và Ti mạn trong 7 mạn ở trên. Tức là Ngã đẳng mạn loại, Hữu đẳng ngã mạn loại và Vô thắng ngã mạn loại thuộc về Mạn; Ngã thắng mạn loại, Hữu liệt ngã mạn loại và Vô đẳng ngã mạn loại thuộc về Quá mạn; còn Ngã liệt mạn loại; Hữu thắng ngã mạn loại và Vô liệt ngã mạn loại thì thuộc về Ti mạn. Luận Phẩm loại túc quyển 1 có giải thích rõ về 9 mạn, trong đó, nêu ra trường hợp của Ngã thắng mạn, cho rằng Ngã thắng mạn là từ Mạn, Quá mạn và Mạn quá mạn mà ra, đây là do căn cứ vào quán cảnh kém, bằng và hơn mà phân biệt: Nếu quán cảnh kém mà cho mình là hơn, đó là Mạn; nếu quán cảnh bằng mà bảo mình hơn, đó là Quá mạn; còn nếu quán cảnh hơn mà bảo là mình hơn thì đó là Mạn quá mạn. Còn 8 mạn kia cũng có thể suy đây mà biết. Trong Phạm võng Bồ tát giới bản sở quyển 5, ngài Pháp tạng nêu ra 10 loại mạn là: Thông minh, thế trí, cao quí, kì niên (cao tuổi), đại tính (dòng họ lớn), cao môn (nhà cửa cao sang), giải (hiểu biết), phúc, phú (giàu có) và bảo (của báu). Pháp hoa kinh luận quyển hạ lại đem 7 ví dụ trong kinh Pháp hoa phối với 7 loại Tăng thượng mạn. Ngoài ra, vọng hoặc của tâm kiêu mạn, gọi là Mạn hoặc, là 1 trong 10 hoặc lớn; tự mạn mà phát ra nơi tâm, gọi là Mạn cử. [X. luận Đại tì bà sa Q.49, 50; luận Câu xá Q.4; luận Thành duy thức Q.4; Câu xá luận quang kí Q.4, 19; Ma ha chỉ quán Q.5 thượng; Thành duy thức luận thuật kí Q.6, phần cuối].