Mặc tích

Từ điển Đạo Uyển


墨跡; J: bokuseki; nghĩa là dấu mực; Danh từ dùng để chỉ các tác phẩm, những lời văn, những chữ được các Thiền sư hoặc các vị tăng viết. Nội dung của các ›Dấu mực‹ thường là một pháp ngữ (j: hōgo) của các vị Thiền sư, Tổ sư. Một mặc tích được thực hiện không phải với tâm trạng ›muốn tạo‹ một tác phẩm nghệ thuật mà chính nó là một biểu hiện của một sự thật sinh động, xuất phát từ kinh nghiệm thiền. Các mặc tích được các vị Thiền sư – đặc biệt là các vị thực hành Thư đạo (j: shodō) – trứ tác để cổ vũ, khuyến khích môn đệ, thường là được các môn đệ thỉnh cầu thực hiện. Khi thầy tặng môn đệ một mặc tích có nghĩa là vị thầy này ›cho đệ tử biết tâm trạng của mình‹. Có khi mặc tích chỉ là một chữ duy nhất, một chữ đặc biệt, có giá trị trung tâm cho Thiền, hoặc là một bài kệ ngộ đạo hoặc một câu pháp ngữ. Các mặc tích của các Ðại thiền sư Nhật Bản như Mộng Song Sơ Thạch (musō soseki, 1275-1351), Nhất Hưu Tông Thuần (ikkyū sōjun, 1394-1481), Bạch Ẩn Huệ Hạc (hakuin ekaku, 1685-1768) và Tiên Nhai Nghĩa Phạm (sengai gibon) chính là những kiệt tác của nghệ thuật Thiền và nền nghệ thuật Nhật nói chung (xem sự tích về việc viết một mặc tích dưới Hành-trụ-toạ-ngọa).