Mặc Nhiên

Từ Điển Đạo Uyển

默然
Là sự lặng thinh, không trả lời. Biểu thị này thường được thấy trong hai trường hợp:
1. Chỉ sự im lặng của Phật Thích-ca Mâu-ni trước những câu hỏi về những chủ đề siêu nhiên, vượt khỏi tầm nhìn, vô bổ.
Các đệ tử của Ngài thường đặt những câu hỏi như “Có một Ngã hay không”, “Một Giác giả có tồn tại sau khi nhập Niết-bàn hay không”, “Thế giới vĩnh hằng hay không”. Ðức Phật giải thích sự im lặng của mình là những câu trả lời dành cho các câu hỏi này chẳng giúp ích gì trên con đường tu tập – bởi vì chúng không trợ giúp khắc phục tham ái, thành đạt trí huệ. Ngài lo ngại các vị đệ tử chỉ chú tâm vào những nghi vấn này mà xao lãng công trình tu tập.
Ðức Phật trình bày quan điểm của mình qua một ẩn dụ nổi tiếng: một người bị trúng tên. Người này được đưa đến y sĩ, và vị y sĩ muốn rút mũi tên ra lập tức. Nhưng kẻ bị trúng tên lại bảo: “Mũi tên này không được rút ra cho đến khi nào ta biết được kẻ nào đã bắn trúng ta, hắn thuộc về gia đình nào, thân thể lớn, bé hay vừa, da trắng, nâu hay đen.”
Và như người bị trúng tên chết trước khi nhận được những câu giải đáp – cũng như thế, các vị đệ tử sẽ bị những nỗi khổ thế gian đàn áp, sẽ chết trước khi nhận được những lời giải đáp về những vấn đề siêu nhiên, vô bổ nêu trên.
2. Chỉ sự im lặng như sấm sét (默如雷; mặc như lôi) của Cư sĩ Duy-ma-cật dành cho Bồ Tát Văn-thù, được ghi lại trong kinh Duy-ma-cật sở thuyết.