mặc bất nhị

Phật Quang Đại Từ Điển

(默不二) Cũng gọi Mặc nhiên vô ngôn, Duy ma nhất mặc. Cư sĩ Duy ma cật im lặng để biểu thị ý chỉ Bồ tát vào pháp môn bất nhị. Cứ theo phẩm Nhập bất nhị pháp môn trong kinh Duy ma cật sở thuyết quyển trung, thì 32 vị Bồ tát như ngài Văn thù sư lợi v.v… đàm luận về vấn đề vào pháp môn Bất nhị với cư sĩ Duy ma cật. Trong đó, đối với nguyên lí tương đối sinh và diệt, thiện và ác v.v… mỗi vị Bồ tát đều đưa ra đáp án vượt ngoài vấn đề tuơng đối này và cho đó là pháp môn bất nhị. Bồ tát Văn thù thì cho rằng tất cả pháp vô ngôn vô thuyết, vô thị vô thức, lìa các vấn đáp, đó mới là vào pháp mônbất nhị. Trái với sự giải thích của các vị Bồ tát như ngài Văn thù v.v…cư sĩ Duy ma lặng thinh không nói (mặc bất nhị) để hiển bày chân lí cao siêu nhất của việc vào pháp môn bất nhị, ngài Văn thù liền khen như thế mới chân chính vào pháp môn bất nhị. Phẩm Nhập bất nhị pháp môn trong kinh Duy ma cật sở thuyết quyển trung (Đại 14, 551 hạ), nói: Bồ tát Văn thù sư lợi hỏi cư sĩ Duy ma: Chúng tôi đều đã nói quan điểm của mình rồi, bây giờ xin Nhân giả cho biết thế nào là Bồ tát vào pháp môn bất nhị? Cư sĩ Duy ma lặng thinh không nói. Ngài Văn thù sư lợi khen rằng: Hay thật! Hay thật! Cho đến chỗ không còn văn tự ngôn ngữ, thế mới là chân thực vào pháp môn bất nhị. (xt. Nhập Bất Nhị Pháp Môn).