ma ni

Phật Quang Đại Từ Điển

(摩尼) Phạm, Pàli: Maịi. Cũng gọi Mạt ni. Hán dịch: Châu, Bảo châu.Từ gọi chung các loại ngọc quí.Truyền thuyết phổ thông cho rằng ma ni có thể tiêu trừ tai nạn, tật bệnh, lắng nước đục thành trong và đổi màu sắc của nước. Còn tiếng Phạm Cintà-maịi (Hán âm: Chân đà ma ni, Chấn đà ma ni) thì Hán dịch là: Như ý bảo, Như ý châu, Như ý ma ni, Ma ni bảo châu, Mạt ni bảo, Vô giá bảo châu. Vì loại châu này có khả năng làm thỏa mãn ý muốn và sự mong cầu của con người, cho nên gọi Bảo châu như ý. Có thuyết cho rằng ma ni được lấy ra từ óc cá Ma kiệt hoặc bảo nó là mảnh vỡ từ vật cầm tay của trời Đế thích; lại có thuyết nói từ xá lợi của Phật biến thành. Trong 40 tay của bồ tát Thiên thủ Quan âm thì tay phải cầm ma ni Nhật tinh, tay trái cầm ma ni Nguyệt tinh. Ma ni Nhật tinh cũng gọi là Nhật ma ni là loại ma ni tự nhiên phát ra ánh sáng nóng nực, chói lọi; còn ma ni Nguyệt tinh cũng gọi là Nguyệt quang ma ni, Minh nguyệt ma ni, Minh nguyệt chân châu, Nguyệt ái châu, là loại ma ni có năng lực tiêu trừ sự nóng bức đem lại sự mát mẻ cho mọi người.Trong các kinh luận có nói đến nhiều loại ma ni, theo luận Đại tì bà sa quyển 102 thì Mạt ni bảo có 5 loại: Quang minh mạt ni, Thanh thủy mạt ni, Phương đẳng mạt ni, Vô giá mạt ni và Như ý châu. Theo kinh Hoa nghiêm quyển 47 (bản dịch cũ) thì có 6 loại ma ni: Thanh lưu li ma ni, Dạ quang ma ni, Nhật tạng ma ni, Nguyệt chàng ma ni, Diệu tạng ma ni và Đại đăng ma ni. Còn kinh Đại phương đẳng đại tập quyển 47 thì nêu: ma ni Tì lăng già của trời Đế thích, ma ni Đăng tộ của chư thiên cầm, ma ni Quang chàng và ma ni Diễm quang của Phạm thiên v.v…[X. kinh Di nhật ma ni; kinh Đại bát niết bàn Q.12 (bản Bắc); kinh Đại phẩm bát nhã Q.10; kinh Hoa nghiêm Q.59 (bản dịch cũ); phẩm Chuyển luân thánh vương trong kinh Khởi thế Q.2; luận Đại trí độ Q.59; Tuệ lâm âm nghĩa Q.27].