Mã-Nhĩ-Ba

Từ Điển Đạo Uyển

馬爾波; T: marpa; 1012-1097;
Ðạo sư nổi tiếng của Nam Tây Tạng. Mã-nhĩ-ba đi Ấn Ðộ và mang về Tây Tạng giáo pháp Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā), Na-lạc lục pháp (t: nāro chodrug). Ông là thầy của Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa), đóng vai trò quan trọng trong phái Ca-nhĩ-cư (t: kagyu-pa). Mặc dù tu hành tích cực nhưng Mã-nhĩ-ba vẫn tham gia công việc thế tục một cách hài hoà.
Thời trẻ tuổi, ông đã học Phạn ngữ (sanskrit) và sau đó ông đổi toàn bộ sản nghiệp lấy vàng bắt đầu chuyến du hành Ấn Ðộ. Tại đây, ông gặp Na-rô-pa (t: nāropa), một vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) và được vị này hướng dẫn 16 năm. Trở lại Tây Tạng, ông dùng hết thời giờ để phiên dịch kinh sách, sống cuộc đời của một nông dân, lập gia đình với Dag-me-ma và có nhiều con. Sau đó, trên đường tìm những chú giải của những Mật kinh, ông lại đi Ấn Ðộ một lần nữa và sau khi về lại Tây Tạng, ông nhận Mật-lặc Nhật-ba làm đệ tử. Sau nhiều lần thử thách khắc nghiệt, ông mới chịu truyền bí pháp cho Mật-lặc Nhật-ba.
Lúc tuổi đã cao, Mã-nhĩ-ba lại đi Ấn Ðộ lần thứ ba vì một bí pháp khác. Tại đây, ông gặp A-đề-sa và thầy Na-rô-pa lần cuối. Mã-nhĩ-ba ưa thích dùng giấc mộng để quyết đoán trước tương lai và từng tiên tri sẽ có tông Ca-nhĩ-cư ra đời.