ma nhai

Phật Quang Đại Từ Điển

(摩崖) Cũng gọi Ma nhai thạch khắc. Làm phẳng bề mặt vách đá của sườn núi hoặc mài nhẵn mặt những tảng đá lớn, rồi khắc chìm hoặc khắc nổi những văn tự, thi phú hoặc tượng Phật v.v… gọi là Ma nhai. Những Ma nhai xưa nhất là những Pháp sắc của vua A Dục được khắc vào thế kỉ thứ III trước Tây lịch, hiện còn để lại rải rác ở nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ. Những Ma nhai mà ngày nay đã tìm thấy được gồm có: Đại ma nhai pháp sắc 7 chỗ và Tiểu ma nhai pháp sắc 8 chỗ. Nội dung chủ yếu của các Pháp sắc là chính sách, chính lệnh lấy giáo thuyết Phật giáo làm nền tảng. Ngoài ra cũng có sự tích của vua A Dục và những qui định về quản lí hành chính nói chung. Còn ở Ba Mễ Dương (Bàmiyan) tại nước A Phú Hãn còn 2 pho tượng Phật lớn nhất thế giới bằng đá trong khám được khắc vào thế kỉ thứ V.Tại Trung Quốc thì như động Vân cương tỉnh Sơn Tây, các hang động ở huyện Củng Tỉnh Hà Nam, sườn núi Hoàng Thạch ở Lịch Thành, tỉnh Sơn Đông v.v… cũng có 1 số ít tượng Phật Ma nhai. Còn các kinh được khắc trên đá theo hình thức Ma nhai thì có: Kinh Kim Cương Bát Nhã ở khe núi Kinh Thạch, huyện Thái Sơn, tỉnh Sơn Đông, kinh Đại Phẩm Bát Nhã ở động Ánh Phật, núi Tồ Lai, tỉnh Sơn Đông, kinh Hoa Nghiêm ở núi Ốc Lai, huyện Liêu Xuyên, tỉnh Sơn Tây v.v…Tại Nhật Bản cũng có nhiều tượng Phật Ma Nhai như: Phật Ma Nhai Đại Cốc ở thị trấn Vũ Đô Cung, huyện Lệ Mộc, Phật Ma Nhai ở quận Lật Thái, huyện Tư Hạ, Phật Ma Nhai ở thị trấn Cậu Chử, huyện Đại Phản và Phật Ma nhai ở thị trấn Phong Hậu Cao Điền … đều được xem là những di tích lịch sử đặc biệt. (xt. A Dục Vương Khắc Văn).