ma na đoá

Phật Quang Đại Từ Điển

(摩那埵) Phạm, Pàli: Manatta. Cũng gọi Ma na đóa, Lục dạ ma na đỏa, Ma na đỏa yết ma. Hán dịch: Duyệt chúng ý, Ý hỉ, Hảo, Hạ ý, Biến tịnh, Chiết phục cống cao. Phương pháp diệt tội và sám hối của vị Tỉ Khưu khi phạm tội Tăng tàn. Khi phạm tội Tăng tàn, phải phát lộ sám hối ngay, trong vòng 6 ngày 6 đêm ở riêng 1 chỗ, làm các việc khó nhọc thay cho chúng tăng, như quét tước tháp, tăng phòng, dọn dẹp cầu tiêu, nhà tắm, tuy vào trong tăng nhưng không được nói bàn với người khác; trong thời gian này, chí thành sám hối, khiến chúng tăng được hoan hỉ. Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao quyển trung, phần 1 (Đại 40, 47 hạ), nói: Ma ha đỏa, Hán dịch là Duyệt chúng ý (làm đẹp lòng mọi người), tức là thuận theo lời dạy bảo của chúng tăng, làm cho chúng tăng đều hoan hỉ. Kinh Tì ni mẫu quyển 2 (Đại 24, 811 trung), nói: Ma na đỏa, trước chỉ có tự mình hoan hỉ và sinh tâm hổ thẹn nên cũng làm cho chúng tăng hoan hỉ; do muốn được hoan hỉ trước nên mới dành cho vị ấy ít ngày để sám hối, do ít ngày sám hối mới được gọi là Hỉ. Còn chúng tăng hoan hỉ là vì xét thấy người ấy không còn hành vi tái phạm nữa, nên khen ngợi nói rằng: Nhờ sự sám hối này mà người phạm tội dứt hết phiền não, thành người thanh tịnh, vì thế chúng tăng hoan hỉ. Tuệ lâm âm nghĩa gọi Ma na đỏa là biến tịnh (thanh tịnh khắp cả) chính là ý này. [X. luật Tứ Phần Q.45; Yết ma pháp trong luật Ngũ Phần Q.23; luật Thập Tụng Q.32; luật Ma Ha Tăng Kì Q.25, 26].