MÃ MINH BỒ TÁT TRUYỆN

Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Có một vị Đại sư tên là Mã Minh Bồ-tát, là đệ tử của Hiếp trưởng lão.

Khi đó Hiếp trưởng lão cần tu chăm lo cho đạo pháp, liền nhập vào quán Tam-muội, để xem ai có thể xuất gia, rộng tuyên đạo pháp khai ngộ cho chúng sinh.

Ngài thấy ở bên nước Thiên trúc có một vị ngoại đạo xuất gia, có thế trí thông biện, lại khéo lý luận giáo nghĩa. Vị ngoại đạo này nói với chư Tỳ-kheo: “Các ngươi nếu có thể cùng luận biện với ta, thì nên đánh kiền chùy. Nếu như không thể cùng ta luận biện, thì không đủ công lực đánh kiền chùy để thọ sư cúng dường của người được.”

Khi ấy Hiếp trưởng lão từ Bắc Thiên trúc đến thành của nước kia, nơi thành Thích-ca. Trên đường thì gặp các Sa-di cùng nhau đùa giỡn mà nói rằng:

–Này trưởng lão Đại đức đi cùng với bọn ta.

Rồi mọi người cùng đi tới, Hiếp trưởng lão sắc mặt dung mạo đều điềm nhiên tự tại. Các Sa-di có vị học rộng hiểu nhiều, thấy vị này thì nghĩ là bậc phi thường, liền hỏi các việc vừa thấy. Ngài tùy theo lời hỏi mà đáp, nhưng chân vẫn bước đều, ý sắc lại sâu xa tinh tế. Khi ấy các vị Sa-di thấy trưởng lão có đức trọng thâm thúy, biết là không thể sánh kịp thì càng thêm cung kính, đều cùng theo hầu cận.

Thế là Hiếp trưởng lão liền dùng thần lực nương theo hư không mà đi đến Trung Thiên trúc. Ngài ở lại một ngôi chùa và hỏi các Tỳkheo nơi đó:

Vì sao mà không đánh kiền chùy?

Các Tỳ-kheo đáp:

Trưởng giả Ma-ha-la, vì có nguyên do nên không thể đánh kiền chùy được.

Ngài lại hỏi:

– Duyên cớ gì?

Đáp:

– Có bọn ngoại đạo xuất gia, giỏi việc luận nghị, mới xướng lên nói các Sa-môn Thích tử rằng:

Nếu không có ai có thể cùng ta biệc luận thì không được cùng đánh kiền chùy để cho người cúng dường, vì lẽ đó nên không thể đánh kiền chùy được.

Hiếp trưởng giả nói:

Hãy đánh kiền chùy để bọn kia đến đây cùng ta đối chất.

Các Tỳ-kheo lớn tuổi nghe lời nói này mà vẫn cho là không thể biện luận lại. Rồi tập chúng lại bàn luận và cho đánh kiền chùy. Ngoại đạo nếu đến thì để cho vị trưởng lão này lo liệu.

Liền cho đánh kiền chùy. Bọn ngoại đạo kéo đến hỏi: Hôm nay vì sao lại đánh kiền chùy ở đây vậy?

Đáp:

– Có vị Sa-môn trưởng lão ở phương Bắc đến đánh kiền chùy chứ chẳng phải chúng tôi.

Ngoại đạo nói:

– Hãy gọi người ấy đến đây, Hiếp trưởng lão liền gặp mặt.

Ngoại đạo hỏi:

– Ông muốn luận nghị sao?

Đáp:

– Phải.

Ngoại đạo liền cười bảo:

– Dù đây là trưởng lão Tỳ-kheo thì dung mạo sao như thế.

Ngài lại nói:

– Chớ xem thường người, nếu ngươi muốn cùng ta luận bàn.

Rồi cùng nhau giao ước, sau bảy ngày nữa, nên tu tập quốc vương, Đại thần, hàng Sa-môn ngoại đạo và chư Đại pháp sư cùng đến trong hội luận này.

Đến đêm thứ sáu, Hiếp trưởng lão mới nhập vào Tam-muội thấy vị này đã có chỗ sở ứng. Qua đến sáng ngày thứ bảy, đại chúng đều vân tập đầy đủ.

Hiếp trưởng lão đến trước liền bay lên tòa cao ngồi, nhan sắc tươi.

Ngoại đạo đến sau nên đến trước mặt mà ngồi xuống, nhìn thấy vị Sa-môn này, dung mạo hòa nhã tươi vui mà ý chí lại an lành khoan thái, lại thấy mỗi cử động đều có đầy đủ luận tướng, liền nghĩ rằng:

Đây chẳng lẽ là Thánh nhân Tỳ-kheo sao? Ý chí an nhàn thứ thái mà lại có đủ luận tướng. Ngày hôm nay phải biện luận cho thật tốt.

Rồi trưởng lão cùng giao kết với ngoại đạo nếu thua thì phải làm sao?

Ngoại đạo nói:

– Nếu thua thì xin cắt lưỡi của tôi.

Tôn giả nói:

– Không cần như vậy, chỉ cần làm đệ tử của ta thôi.

Đáp:

– Có thể được.

Lại hỏi:

– Bây giờ ai nói trước?

Hiếp trưởng lão nói:

– Ta đã lớn tuổi, lại từ xa đến đây, cũng đến đây trước, cho nên ta sẽ nói trước.

Ngoại đạo nói:

– Cũng được. Nay ông nói trước rồi tôi sẽ phá.

Hiếp Tôn lão nói:

– Nên làm thế nào khiến cho thiên hạ thái bình, nhà vua được trường thọ, dân chúng trong nước đều được an vui giàu có, mà không gặp tai ương. Ngoại đạo im lặng không biết phải trả lời thế nào? Luận pháp không đáp được liền chịu thua, phục làm đệ tử xin cạo bỏ râu tóc. Hiếp trưởng lão liền độ cho xuất gia, cho làm Sa-di rồi thọ giới Cụ túc.

Sau đó vị này, khi ngồi riêng một chỗ mới suy nghĩ rằng: Ta tài trí thông minh, xa gần đều biết tiếng, cớ sao vì một lời nói mà chịu theo người làm đệ tử, nghĩ như vậy nên lòng không vui.

Vị thầy biết tâm niệm của đệ tử, liền bảo đi vào trong phòng. Rồi ngài hiện ra các thứ thần thông biến hóa khôn lường. Đệ tử biết thầy là bậc đắc đạo, nên tâm vui vẻ tin phục, liền thưa:

Con làm đệ tử của người quả thật là xứng đáng.

Thầy bảo:

– Ngươi tài trí thông minh, vì chưa gặp chân đạo nên chưa thành vậy.

Nay học theo ta thì sẽ đắc pháp. Rõ các pháp ngũ căn, ngũ lực, bát đạo, thất giác chi… thì sự biện tài sẽ thông đạt sâu xa. Lại suy xét nghĩ lý uyên thâm, thì không ai có thể đối đáp được.

Vị thầy liền trở về bản quốc còn đệ tử thì ở lại Thiên trúc, thông suốt hết kinh điển. Biện tài xuất thế tứ chúng đều kính phục. Vua Thiên trúc đều trân trọng kính ngưỡng.

Sau đó ở nước Thiên trúc phía Bắc có vua Tiểu Nguyệt, đem quân chinh phạt vây giữ lấy trung Thiên trúc. Vua Trung Thiên trúc mới sai kẻ thân tín tới hỏi:

Nếu có sở cầu gì thì xin cung cấp đầy đủ, cớ sao lại làm cho nhân dân khốn khổ lâu dài.

Đáp:

– Phải đem nộp ba ức vàng, thì ta sẽ tha cho.

Vua nói:

– Nước này không có đủ một ức, thì làm sao có đủ ba ức mà nạp.

Sứ kia nói:

– Trong nước ông có hai của báu, một là bát Phật, hai là Tỳ-kheo biện tài, đem hai thứ này cho ta thì có đủ hai ức.

Vua nói:

– Đây là hai bảo vật của nước tôi không thể đem dâng được.

Thế là Tỳ-kheo đến chỗ vua thuyết pháp, đem lời huấn từ rằng:

Phàm các loài hàm tình trong thiên hạ được người giáo hóa không có hai lần, Phật đạo giáo nghĩa sâu xa là để cứu độ chúng sinh. Đức của Phật đại nhân nên lấy việc cứu vật làm đầu. Việc hóa đạo ở đời rất khó khăn cho nên vua chỉ giáo hóa được một nước mà thôi. Nay việc hoằng truyền Phật đạo có thể làm pháp vương trong bốn biển vậy. Tỳ-kheo độ người nghĩa không dung dị, công đức ở tại tâm lý cũng không xa gần. Nên dù ở xa mà vẫn như ở trước mặt mà thôi.

Vua vốn tôn trọng lời nói của Tỳ-kheo nên đưa Tỳ-kheo về cho vua Thủy Nguyệt. Tỳ-kheo theo sứ về Bổn quốc. Quần thần nghị bàn rằng:

Vua phụng trì bát Phật, quyết chớ đưa cho họ. Phàm Tỳ-kheo đáng giá trong thiên hạ tới một ức lượng vàng, không thái quá.

Vua biết rõ Tỳ-kheo là bậc cao minh thắng đạt, làm lợi ích cho chúng sinh lợi lạc khôn cùng, dùng biện tài thuyết pháp cảm khắp quần sinh.

Vua muốn giác ngộ các quan còn mê hoặc, nên bắt bảy con ngựa bỏ đói đến sáu ngày, rồi triệu tập các Sa-môn đi học trong và ngoài nước. Thỉnh Tỳ-kheo đăng tòa thuyết pháp, những vị được nghe không ai mà không khai ngộ. Vua buộc ngựa ở trước chúng hội và lấy cỏ cho ăn.

Ngựa rơi lệ nghe pháp mà không nghĩ đến việc ăn cỏ. Thế là khắp thiên hạ đều biết việc phi thường, vì ngựa hiểu được âm thanh thuyết pháp.

Do đó mà Tỳ-kheo lấy hiệu là Mã Minh Bồ-tát. Tỳ-kheo ở phía bắc Thiên trúc tuyên chương Phật pháp khéo dẫn dắt làm lợi ích quần sinh

Công đức thành tựu của người tứ chúng kính trọng. Lại xưng dương là công đức Phật.