ma la quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(摩羅國) Ma la, Phạm, Pàli: Malla. Cũng gọi Mạt la quốc, Mãn la quốc, Bạt la quốc, Mạt lao quốc, Mạt lợi quốc. Hán dịch: Lực sĩ quốc, Tráng sĩ quốc, Hoa quốc. Tên 1 nước trong 16 nước lớn ở Ấn Độ vào thời đức Phật còn tại thế. Vị trí nước này ở về phía bắc sông Hằng, phía đông thành Ca Tì La Vệ, Trung Ấn Độ, thủ đô là Câu Thi Na Yết La (Phạm: Kuzinagara) và các thành ấp khác như: Ba Bà (Phạm: Pàvà), A Nô Di (Phạm: Anupriyà) v.v…Ma La vốn là tên của 1 chủng tộc. Trong luật Ma Ha Tăng Kì có những danh xưng như: Thích chủng nữ, Li xa nữ, Ma la nữ v.v… Cứ theo pháp điển Ma Nô thì chủng tộc này là hậu duệ của dòng Sát Đế Lợi, từ xưa đã nổi tiếng nhờ có sức lực mạnh mẽ. Tương truyền từng có việc lạ kì là hơn 500 lực sĩ cùng nhấc 1 tảng đá rất lớn, cho nên nước này được gọi là Mạt La Lực Sĩ Quốc. Khi đức Phật nhập Niết Bàn ở rừng Sa La thì 500 người thuộc chủng tộc Mạt La ở thành Câu Thi Na Yết La than khóc thảm thiết, rồi khiêng kim quan của Phật đến chùa Thiên Quan, cúng dường trong 7 ngày, sau đó mới trà tì. Chủng tộc này và chủng tộc Mạt La ở nước Ba Bà đều được chia cho 1 phần xá lợi của Phật để xây tháp cúng dường. Đây đều là những sự thực lịch sử nổi tiếng. [X. kinh Tạp A Hàm Q.32; kinh Trường A Hàm Q.4; kinh Tăng Nhất A Hàm Q.36; luật Tứ Phần Q.41; Hữu Bộ Tì Nại Da Tạp Sự Q.38; Phiên Phạm Ngữ Q.8].