ma kiệt ngư

Phật Quang Đại Từ Điển

(摩竭魚) Ma kiệt, Phạm, Pàli: Makara. Cũng gọi Ma già la ngư, Ma ca la ngư. Hán dịch: Đại thể ngư, Kình ngư, Cự ngao. Một loại cá lớn được nói đến nhiều trong các kinh luận và được xem là cùng loài với cá sấu, cá giao (cá sạ) và lợn biển. Hoặc là loại cá trong giả tưởng. Trong thần thoại Ấn Độ, cá này là vật cỡi của Thủy Thần (Phạm: Varuịa), trên lá cờ cầm tay của Ái Thần (Phạm: Kàma-deva) cũng có vẽ hình cá ma kiệt. Ngoài ra, 1 trong 12 cung, gọi là cung Ma Kiệt, đầu và chân trước giống con linh dương (dê rừng), mình và đuôi là hình cá. Còn trong Quán Tự tại bồ tát a ma lai pháp thì cá Ma kiệt là vật cầm tay của bồ tát Quan Âm A Ma Lai. [X. kinh Hoa Nghiêm Q.59 (bản dịch cũ); kinh Đại thừa lí thú lục ba la mật đa Q.2; luận Đại Trí Độ Q.7; luận Thập Trụ Tì Bà Sa Q.7; Tuệ uyển âm nghĩa Q.hạ; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.6].