Ma-Hi-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: mahipa; “Người vĩ đại nhất”;
Một trong 84 vị Tất-đạt (s: siddha) Ấn Ðộ, có lẽ sống trong thế kỉ thứ 10. Ma-hi-pa là người xứ Ma-kiệt-đà (s: magadha).
Ông là người có sức mạnh vô địch, luôn luôn tự hào về sức mạnh đó. Ngày nọ, ông gặp một Du-già sư, vị này đọc được ý nghĩ đầy kiêu mạn của ông làm ông khâm phục. Ông xin theo học. Vị Du-già sư bèn dạy:
Mọi hiện tượng là tâm,
quán tưởng thật kiên cố,
rằng tâm là tính Không,
bất sinh và bất tử.
Thế mới là sức mạnh.
Nghe qua ông không hiểu, vị Du-già sư đổi cách nói:
Nếu ngươi biết rõ rằng,
sức mạnh: sự trống rỗng,
thì ngươi thật sự là,
một con người vô địch.
Hãy dán các hiện tượng,
năng lực và nhận thức,
trên không gian mênh mông
của đất trời vô tận.
Nhà vô địch nghiêng đầu cảm tạ. Ông tìm cách lấy tâm làm đối tượng quán tưởng thì tâm chạy đi đâu mất, ông tìm sự nhận thức để quán sát thì cũng không nắm bắt được nó. Ngày trước nó là trở ngại của ông thì bây giờ nó chính là phương tiện cho ông. Nhờ thế mà ông đạt thánh quả, sống thêm 300 trăm năm nữa và giáo hoá cho người đời thấy rằng sức mạnh đích thật chính là tự tính cuối cùng của tâm. Thánh đạo ca của ông có những dòng sau:
Dưới ngọn núi kiêu mạn,
là viên ngọc Như ý
của thật chứng giác ngộ.
Hành động đầy giác ngộ
của con người tài tình,
thoả ước vọng của ta,
vì người đó đã đạt,
đã nếm vị duy nhất.