ma ha diễn

Phật Quang Đại Từ Điển

(摩呵衍) Phạm: Mahà-yàna. I. Ma Ha Diễn. Gọi đủ: Ma ha diễn na. Chỉ cho giáo pháp Đại thừa. (xt. Đại Thừa). II. Ma Ha Diễn. Đức hiệu của ngài Cầu Na Bạt Đà La, vị Cao tăng ở đời Lưu Tống thuộc Nam Triều. Vì ngài chuyên hoằng truyền giáo pháp Đại thừa nên người đời tôn xưng là Ma Ha Diễn. (xt. Cầu Na Bạt Đà La). III. Ma Ha Diễn. Cũng gọi Ma Ha Diễn Na, Đại thừa Hòa Thượng. Thiền sư Trung Quốc, sống vào đời Đường. Vào thời vua Đức tông (ở ngôi 780-805), sư vào đất Tây Tạng hoằng pháp, ra sức xiển dương yếu chỉ Trực chỉ nhân tâm kiến tính thành Phật của Thiền tông, nên đã có 1 thời chư tăng Tây tạng đều theo học và nhiều Phật tử Tây Tạng theo sư xin xuất gia, trong đó có hàng quí tộc. Về sau, vua Khất Lật Song Đề Tán (ở ngôi 742-797) thỉnh đệ tử của ngài Tịch Hộ là Liên Hoa Giới từ Nepal đến Tây Tạng để truyền bá giáo pháp Ấn Độ. Ngài Liên Hoa Giới tinh thông Trung Quán, lại giỏi về Nhân Minh, trái hẳn với Thiền chỉ mà ngài Ma Ha Diễn hoằng truyền trước nay tại Tây Tạng, vì thế 2 bên tranh luận đã lâu mà không bên nào quyết được, vua Tây Tạng bèn triệu tập chúng tăng mời 2 vị biện luận, ngài Liên Hoa Giới dùng lời lẽ để luận nạn, sư không ứng đối được nên bị trả về Trung Quốc, từ đó giáo pháp Trung Quán thay thế cho Thiền pháp ở Tây Tạng. Trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng, sự kiện này được gọi là Lạp tát luận tranh (cuộc tranh luận ở Lhasa), cũng gọi là Đốn tiệm chi tranh (cuộc tranh luận về đốn và tiệm) rất nổi tiếng. Hòa thượng Đại thừa rập khuôn theo truyền thống Thiền tông Trung Quốc, chủ trương đốn ngộ trực chỉ để hóa độ rộng rãi, xem thường việc diễn dịch giáo nghĩa trên bình diện tư duy phân biệt; pháp môn đốn ngộ trực chỉ này chỉ hợp với sự tham cứu, dùng mặc chiếu điểm phá khiến tâm lãnh hội, nhưng sư lại dùng biện luận để chứng minh, thì tránh sao khỏi thất bại? Phật giáo Ấn Độ từ ngài Thế Thân, Tăng Hộ trở đi, đặc biệt xem trọng kĩ xảo biện luận. Trong trường hợp này, ngài Liên Hoa Giới sử dụng thành thạo luận lí học Nhân Minh, mà Thiền thì chủ trương bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, cho nên sự thất bại của Hòa thượng Đại thừa chỉ là việc tất nhiên. Tuy vậy, không phải vì sự kiện này mà ảnh hưởng của Thiền tông đã mất hẳn ở Tây tạng. Hiện nay, trong các thư tịch Tây tạng vẫn có nhiều chỗ nói về Thiền tông. [X. Tây tạng Phật học nguyên luận; Đốn ngộ Đại thừa chính lí quyết (Vương tích)].