ma ha bà la đa

Phật Quang Đại Từ Điển

(摩呵婆羅多) Phạm: Mahàbhàrata. Cũng gọi Bà la đa thư, Đại chiến thư. Là bộ Đại Tự Sự Thi được viết bằng tiếng Phạm của dân tộc Ấn Độ đời xưa. Tương truyền do tiên nhân Tì Da Sa (Phạm: Vyàsa) soạn, nhưng có thuyết cho rằng Tì Da Sa chỉ là người biên chép. Sử thi này được truyền miệng nhau hàng mấy thế kỉ trước Tây lịch, qua nhiều lần hiệu đính bổ sung, đến năm 200 Tây lịch mới có được phần khái yếu và đến thế kỉ thứ IV Tây lịch mới hoàn thành hình thức như hiện nay. Nội dung gồm 18 thiên, 10 vạn bài tụng, phần phụ lục có 1 thiên gồm 1 vạn 6 nghìn tụng, là bộ sử thi dài nhất thế giới. Bộ này cùng với bộ La Ma Da Na (Phạm: Ràmàyana) là 2 bộ sử thi lớn của Ấn Độ. Chủ đề của bộ sử thi này là nói về nhân vật Côi Đà Thập Đà (Phạm: Dhftaràwỉra), hậu duệ của dòng họ Bà La Đa, tranh giành ngôi vua với dòng họ Bàng Đô (Phạm: Pàịđu), gây ra cuộc chiến tranh kéo dài 18 ngày. Về niên đại của cuộc chiến tuy không được minh xác, nhưng trên mặt sự thực lịch sử thì nó đã xảy ra, điều này không còn hồ nghi gì nữa. Tác phẩm sử dụng tiếng Phạm, lời văn bình dị, tao nhã. Ngoài chủ đề chính ra, tác phẩm còn bao gồm thần thoại, truyền thuyết, sự tích luyến ái, những lời dạy về cách xử thế v.v…, rồi đối với những vấn đề như: Đạo đức, phong tục, chế độ xã hội, triết học, tông giáo của Ấn Độ đương thời cũng trình bày một cách hết sức rõ ràng. Đây là 1 tư liệu quí giá về tư tưởng sử của Ấn Độ. Trong tác phẩm còn có các truyện cổ tích nổi tiếng như: Bạc già phạm ca (Phạm:Bhagavad Gita), Sa côn đát la (Phạm:Zakuntalì) v.v…Đối với văn học sử tiếng Phạm, bộ sách này có 1 giá trị bất hủ, cung cấp rất nhiều đề tài cho nền văn học đời sau, đến nay vẫn còn được người Ấn Độ ưa thích đọc tụng. Không những chỉ trong nội địa Ấn Độ, mà bất cứ nơi nào, nhất là các nước vùng Đông Nam Á, chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, cũng đều có lưu truyền bộ sử thi này. [X. A. Holtzmann: Das Mahàbhàrata und seine Teile, 1892-1895; E.W. Hopkins: The Great Epic of India, 1901; V. Fausbôll: Indian mythology, 1902; H. Jacobi: Mahàbhàrata, 1903; E.W. Hopkins: Epic mythology, 1915; A. Holtzmann: Indische Sagen, 1921].