ma đát lí ca

Phật Quang Đại Từ Điển

(摩呾理迦) Phạm: Màtfkà. Pàli: Màtikà. Cũng gọi Ma trất lí ca, Ma đế lợi ca, Ma đắc lạc già, Ma di. Hán dịch: Mẫu, Bản mẫu, Trí mẫu, Hành mẫu, Luận mẫu, Hành cảnh giới. Danh từ gọi chung cho Ưu Ba Đề Xá trong 12 thể tài kinh và A Tì Đạt Ma Tạng trong Tam Tạng là bộ phận chuyên nghiên cứu và phân tích kĩ tính tướng của các pháp để làm cho giáo nghĩa chân chính của Phật giáo sáng tỏ. Cứ theo luận Du Già Sư Địa quyển 81, thì trong các kinh, bộ phận mà Đức Thế Tôn phân biệt tính tướng của các pháp, rồi giải thích rõ ràng thấu đáo ý nghĩa của chúng, thì gọi là Ma đát lí ca. Còn những tác phẩm trong đó các bậc Thánh đệ tử tường thuật việc các Ngài chứng đắc Đế lí và luận giải rõ ràng về tính tướng các pháp, thì gọi là A tì đạt ma tạng (Luận tạng), cũng gọi Ma đát lí ca. Huyền ứng Âm Nghĩa quyển 16, 23 cho rằng vì Ma đát lí ca có năng lực sinh ra trí và hành nên dịch là Mẫu (mẹ). Du Già Luận Kí quyển 5, thượng (Đại 42, 403 trung), nói: Ma đát lí ca, Hán dịch là Bản mẫu, tức là tập hợp ý nghĩa các kinh để bàn giải rõ ràng, làm phát sinh nghĩa đặc biệt trong các kinh, vì thế gọi là Bản mẫu. Ngoài ra, trong các luận thư của Phật giáo Nam Truyền, phần đặt ở đầu bộ luận, hoặc ở đầu chương để nêu rõ cương yếu, cũng gọi là Ma đát lí ca. [X. luật Ma Ha Tăng Kì Q.13; luận Du Già Sư Địa Q.85; luận A Tì Đạt Ma Thuận Chính Lí Q.44; Đại thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương Q.2]. (xt. A Tì Đạt Ma, Ưu Ba Đề Xá).