ma

Phật Quang Đại Từ Điển

(麽) I. Ma. Cũng gọi Ba, bà. Tức là chữ (ba) 1 trong 42, 1 trong 50 chữ cái Tất đàm. Phẩm Thích Tự Mẫu trong kinh Du Già Kim Cương Đính (Đại 18, 339 thượng), nói: Chữ (ba) nghĩa là tất cả pháp trói buộc đều không thật có. Phẩm Thị Thư trong kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm quyển 4 (Đại 3, 560 thượng), nói: Khi xướng chữ Ba thì phát ra âm thanh cởi bỏ tất cả sự trói buộc. Bởi vì chữ Phạm Bandhana (ba đà) nghĩa là trói buộc, mà chữ này bắt đầu bằng chữ Ba ( ), cho nên xưa nay chữ này được gọi là chữ của sự trói buộc. Kinh Hoa Nghiêm (bản 60 quyển) quyển 57 (Đại 9, 765 hạ), nói: Khi xướng chữ Ba là vào cửa Bát Nhã Ba La Mật, gọi là Kim cương tràng. [X. phẩm Văn tự trong kinh Niết Bàn Q.8 (bản Nam); phẩm Quảng thừa trong kinh Đại Phẩm Bát Nhã Q.5; phẩm Đà La Ni trong kinh Phóng Quang Bát Nhã Q.4; phẩm Cụ Duyên trong kinh Đại Nhật Q.2; phẩm Tập Học Kĩ Nghệ trong kinh Phật Bản Hạnh Tập Q.11; phẩm Quán trong kinh Quang Tán Bát Nhã Q.7; phẩm Tự Mẫu trong kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn Q.thượng]. II. Ma. 1. Trợ từ nghi vấn đặt ở cuối câu (phần nhiều dùng trong các bộ ngữ lục của Thiền tông). Thiền quan sách tiến (Đại 48, 1101 thượng), nói: Ban ngày tỉnh táo làm chủ được chăng? (tác đắc chủ ma?). Đáp: Làm được! Lại hỏi: Trong giấc mộng làm chủ được chăng? Đáp: Làm được!. Chữ Ma cũng được dùng trong các câu nghi vấn, tức trong lời văn có hàm ý bất định, hoặc có ngữ khí phản vấn, phản ngữ. 2. Đặt ở cuối câu điều kiện, mang ngữ khí nhấn mạnh, giả định: Nếu như… thì… Chữ này cũng còn được dùng khi nêu lên chủ đề, như: Về… mà nói… thì… Thiền quan sách tiến (Đại 48, 1098 hạ), nói: Nhĩ chư nhân yếu tham thiền ma? Tu thị phóng hạ trứ: Các ông muốn tham thiền chăng? Nếu thế thì phải buông bỏ hết!.3. Tiếp Vĩ ngữ: Như thậm ma, thập ma, na ma, nhẫm ma, tác ma, dữ ma.[X. chương Lục tổ Tuệ Năng trong Tổ đường tập Q.2]. II. Ma Cũng gọi Mãng, Minh. Là chữ (ma), 1 trong 42, 1 trong 50 chữ cái Tất đàm. Phẩm Thích Tự Mẫu trong kinh Kim Cương đính cho rằng, chữ Ma tức biểu thị nghĩa vào các pháp ngã sở là bất khả đắc. Phẩm Thị Thư trong kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm quyển 4 thì cho rằng, khi xướng chữ Ma có thể phát ra âm thanh tiêu diệt tất cả sự kiêu mạn. Kinh Hoa Nghiêm quyển 33 (bản dịch cũ) nói, khi xướng chữ Ma thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật. Còn phẩm Tập Học Kĩ Nghệ trong kinh Phật Bản Hạnh tập quyển 11 thì nói (Đại 3, 704 trung): Khi xướng chữ Ma thì phát ra âm thanh nói về sinh tử là tất cả sự khủng bố rất đáng sợ v.v… Sở dĩ chữ Ma có các nghĩa trên là vì những tiếng Phạm mamatà (ngã), mamakàra (ngã sở= của ta), mada (kiêu mạn) v.v… đều bắt đầu bằng chữ ma. [X. phẩm Quảng Thừa trong kinh Đại Phẩm Bát Nhã Q.5; phẩm Đà La Ni trong kinh Phóng Quang Bát Nhã Q.4; phẩm Tự Mẫu trong kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn Q.thượng; kinh Đại Bát Niết Bàn Q.8 (bản Bắc); phẩm Cụ Duyên trong kinh Đại Nhật Q.2]. III. MA Phạm, Pàli: Màra. Gọi đủ: Ma la. Cũng gọi Ác ma. Hán dịch: Sát giả, Đoạt mệnh, Năng đoạt mệnh giả, Chướng ngại. Chỉ cho loại ác quỉ thần chuyên cướp lấy mệnh sống con người và làm trở ngại các việc thiện. Cứ theo phẩm Hàng ma trong kinh Phổ Diệu quyển 6, khi đức Phật thành đạo, ma vương Ba tuần sai 4 ma nữ tên là Dục phi, Duyệt bỉ, Khoái quan và Kiến tòng đến não loạn Đức Phật. Theo phẩm Đao Lợi Thiên trong kinh Trường A Hàm quyển 20 và kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả quyển 3, thì Ma vương là Tha hóa tự tại thiên, trụ ở tầng trời thứ 6 của cõi Dục, là vị thần chuyên phá hoại chính pháp, được gọi là Thiên tử ma, hoặc Thiên ma Ba tuần. Còn theo kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 27, thì ma vương Ba tuần có đầy đủ 5 lực là sắc lực, thanh lực, hương lực, vị lực và tế hoạt lực. Kinh Phật Bản Hạnh Tập quyển 12 thì nêu ra 12 thứ ma quân là: Tham muốn, hay tức giận, đói khát lạnh nóng, tình ái đắm đuối, ngủ nghỉ, kinh hãi khiếp sợ, ngờ vực, sân hận phẫn nộ, tranh giành danh lợi, ngu si không trí, tự cao khoe khoang và thường chê bai người khác. Nói theo nội quán thì tất cả những gì làm não loạn chúng sinh như phiền não, nghi hoặc, mê luyến v.v… đều gọi là ma; chướng ngại do thân tâm của mình sinh ra, gọi là nội ma, chướng ngại từ bên ngoài đến, gọi là ngoại ma, cả 2 gọi chung là Nhị ma. Theo luận Đại Trí Độ quyển 5 thì ngoài thực tướng các pháp, còn tất cả đều là ma. Luận Du Già Sư Địa quyển 29 nêu ra 4 loại ma: 1. Ngũ uẩn ma, cũng gọi Ấm ma, Uẩn ma, Ngũ chúng ma, Ấm giới nhập ma. Năm uẩn hay sinh ra các thứ khổ não, là nhân duyên cướp mất mệnh sống. 2. Phiền não ma: Phiền não thường mang lại khổ đau từ lúc sinh ra cho đến khi chết. 3. Tử ma: Chính cái chết được gọi là Tử ma. 4. Thiên tử ma, cũng gọi Thiên ma. Những cái làm chướng ngại sự giải thoát sinh tử. Tứ ma thêm tội ma thành Ngũ ma, hoặc Tứ ma thêm 4 tâm điên đảo như vô thường, vô ngã v.v… thành Bát ma. Hoa Nghiêm kinh Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao quyển 29 thì nêu 10 loại ma: Uẩn, phiền não, nghiệp, tâm, tử, thiên, thiện căn, tam muội, thiện tri thức, bồ đề pháp trí. Đại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương quyển 6, phần đầu, thì tổng hợp các loại ma chia thành 2 thứ: Phần đoạn ma và Biến dịch ma. Phần đoạn ma là Phiền não chướng, ngăn trở sự chứng đạo của hàng Nhị thừa, còn Biến dịch ma tức là Sở tri chướng, ngăn ngại sự chứng đạo của hàng Bồ tát. Phần đoạn và Biến dịch mỗi loại lại có 4 ma, cộng thành 8 ma. Ngoài ra, Ma Ha Chỉ Quán quyển 8, hạ, có nói rất rõ về các ma chướng sinh khởi trong khi tu thiền. Về phương pháp đối trị ma thì có thể niệm tam qui, ngũ giới hoặc tụng chú trừ ma, niệm Phật v.v… Trong pháp tu Mật giáo thường hạn chế 1 khu vực nhất định có kết giới pháp, để ngăn ngừa sự xâm nhập của ma chướng. [X. kinh Tạp A Hàm quyển 39; kinh Hàng Ma trong Trung A Hàm Q.30; kinh Phật Bản Hạnh Tập Q.26; phẩm Phá Ma trong Phật Sở Hành Tán Q.3; Huyền ứng Âm Nghĩa Q.24; Tuệ Uyển Âm Nghĩa Q.hạ, Tuệ Lâm Âm Nghĩa Q.12, 25]. (xt. Ác Ma).