Lược Truyện Ngài Cưu-Ma-La-Thập và Huyền Trang

Việt dịch: Đức Nghiêm-Đức Thuận

CƯU -MA-LA-THẬP

Cưu-ma-la-thập, Trung Quốc dịch là Đồng Thọ. Sư người Thiên Trúc, giỏi kinh, luật, luận. Sư giáo hoá ở Tây Vức, sau đi về phía đông đến nước Qui-tư. Vua nước Qui-tư làm sư tử tòa[1] bằng vàng để thỉnh sư.

Bấy giờ, Phù Kiên tiếm ngôi ở Quan Trung. Khi đó, có Tiền Bộ vương và em của vua Qui-tư đến triều kiến Phù Kiên. Phù Kiên cho diện kiến. Hai vương nói với Phù Kiên:

– Tây vức có rất nhiều vật quý hiếm, xin ngài đem binh đến bình định khiến qui thuận triều đình.

Đến tháng giêng niên hiệu Kiến Nguyên thứ mười ba (356), Thái sử tâu lên vua:

– Có ngôi sao xuất hiện ở địa phận Tây Vức, sẽ có bậc đại trí đến Trung Quốc.

Phù Kiên nói:

– Trẫm nghe nước Tây vức có Cưu-ma-la-thập, chẳng phải ứng vào điềm này sao?

Phù Kiên liền sai sứ sang thỉnh cầu.

Đến tháng 9 năm thứ 18, Phù Kiên sai tướng Lã Quang thống lãnh bảy vạn binh sang chinh phạt nước Qui-tư. Trước khi xuất binh, Phù Kiên đãi tiệc tiễn Lã Quang ở Kiến Chương[2] và bảo:

– Phàm bậc đế vương nên thuận theo mệnh trời trị nước, lấy việc thương yêu muôn dân như con làm nền tảng, trẫm chỉ vì muốn có người tài năng phụ giúp đất nước chứ đâu vì tham chiếm đất đai mà dụng binh. Trẫm nghe Tây Vức có Cưu-ma-la-thập hiểu sâu pháp tướng, giỏi về âm dương, làm mô phạm cho hậu học. Trẫm rất muốn có được người này. Bậc hiền triết là vật báu của quốc gia. Nếu chế phục được Quy-tư, khanh mau đón Ngài La-thập về đây.

Khi quân của Lã Quang chưa đến, sư nói với vua Quy-tư là Bạch Thuần:

– Vận nước sắp suy yếu, sẽ có giặc mạnh từ phía đông kéo đến, đại vương nên thuận theo, chớ kháng cự lại.

Bạch Thuần không nghe lời sư, khởi binh giao chiến. Lã Quang đánh bại Quy-tư, giết Bạch Thuần và lập em Thuần là Bạch Chấn lên ngôi.

Thỉnh được La-thập trở về. Trên đường đi, Lã Quang đóng quân dưới chân núi. Bấy giờ, tướng sĩ đã nghỉ ngơi, nhưng sư nói:

– Không nên nghỉ lại nơi đây, vì sẽ gặp nguy khốn, nên dời quân đến chỗ cao.

Lã Quang không nghe theo. Đêm ấy, quả nhiên mưa lớn tuôn xối xả, nước cuồn cuộn dâng cao đến vài trượng, người chết tới vài ngàn. Lúc này Lã Quang mới thầm kính phục sư. Sư nói với Lã Quang:

– Nơi nầy không tốt, chớ nên ở lại đây lâu. Tính theo vận số của ngài thì nên mau chóng trở về. Trên đường đi ắt sẽ có nơi tốt lành để cư ngụ.

Lã Quang nghe theo.

Khi đến Lương Châu, Lã Quang nghe tin Phù Kiên bị Diêu Trường hại chết, ông ta và quân lính đều phát tang tại phía nam thành Đại Lâm.

Bấy giờ Lã Quang chiếm vùng Quan Ngoại, tiếm xưng đế, đặt hiệu là Đại An

Tháng giêng, niên hiệu Đại An thứ hai, ở Cô Tang có gió lớn. Sư nói:

– Gió này là điềm không lành! Ắt có kẻ tạo phản, nhưng không cần lao nhọc, tự sẽ an định.

Sau đó, Lương Khiêm, Bành Hoảng liên tiếp tạo phản, nhưng không bao lâu đều bị tiêu diệt.

Đến niên hiệu Long Phi thứ hai đời Lã Quang, tại các vùng Trương Dịch, Lâm Tùng, Lư Thủy, thủ lĩnh rợ Hồ là Thư Cừ Nam Thành và em là Mông Tốn làm phản, đưa Thái thú Giả Nghiệp ở Kiến Khang làm chủ soái. Lã Quang sai người con thứ là Thái Nguyên Công Toản, thứ sử Tần Châu xuất năm vạn binh đánh dẹp. Người bấy giờ đều cho quân của Nghiệp là ô hợp, còn quân Công Toản có uy thế lớn ắt sẽ chiến thắng. Lã Quang đến hỏi sư.

Sư đáp:

– Quan sát kĩ cuộc chiến này thì chưa thấy lợi gì cho ta!

Không lâu sau, Công Toản thua trận ở Hợp Lê, Quách Nô lại làm loạn, Toản bỏ chạy thoát thân, đại quân bị Quách nô tiêu diệt.

Quan trung thư giám của Lã Quang là Trương Tư văn chương rất tao nhã, Lã Quang rất coi trọng.

Khi Trương Tư bệnh, Lã Quang truyền lệnh tìm thầy thuốc khắp nơi để chữa trị. Bấy giờ, có một đạo nhơn nước ngoài tên La-xoa nói:

– Ta có thể trị lành!

Lã Quang vui mừng, chu cấp cho ông ta rất trọng hậu.

Sư biết La-xoa là người dối trá, nên nói với Trương Tư :

– La-xoa không thể trị lành bệnh cho ông được đâu, chỉ thêm tốn tiền của mà thôi! Vận số tuy ẩn kín, nhưng có thể dùng một việc để thử.

Sư bèn dùng chỉ năm màu kết làm dây, rồi đốt thành tro, thả vào trong nước và nói:

– Nếu tro hiện trên nước, trở lại thành sợi dây thì bệnh của ông không lành.

Trong chốc lát tro tụ lại, rồi kết thành sợi dây như cũ. La-xoa trị bệnh nhưng không công hiệu, ít hôm sau thì Trương Tư mất.

Không bao lâu, Lã Quang cũng qua đời, con của Lã Quang là Thiệu nối ngôi. Được mấy hôm, con thứ của Lã Quang là Toản giết Thiệu soán ngôi, đổi niên hiệu là Hàm Ninh. Đến niên hiệu Hàm Ninh thứ hai, có một con lợn sinh ra lợn con ba đầu, một con rồng xuất hiện ở trong giếng tại dãy nhà phía đông và bay đến trước điện nằm cuộn tròn, gần sáng thì biến mất. Toản cho là điềm lành, nên gọi đại điện là Long Tường điện.

Không bao lâu lại có một con rồng đen bay lên từ cửa Cửu Cung ở phía nam, nên Toản gọi đó là Long Hưng môn.

Ngài La-thập tâu với vua:

– Những ngày gần đây, có những việc lạ, như rồng xuất hiện, lợn sinh con hình thù quái dị. Vả lại rồng là loài vật thuộc âm, ẩn hiện đúng thời mà nay thường xuất hiện, ắt sẽ có tai họa xảy ra, chắc chắn có kẻ mưu đồ tạo phản. Bệ hạ nên tự khắc phục lấy mình, tu nhơn tích đức, để đáp sự răn dạy của trời.

Toản không chịu nghe theo.

Một hôm, Toản cùng sư đánh cờ, ông hạ một quân cờ và nói:

– Chém đầu Hồ Nô!

Sư nói:

– Không thể chém đầu Hồ Nô, Hồ Nô sẽ chém đầu người.

Lời này có ẩn ý, nhưng Toản hoàn toàn không nhận ra. Em của Lã Quang có người con tên Siêu. Lúc nhỏ Siêu tự là Hồ Nô. Về sau quả nhiên Hồ Nô chém đầu Toản, lập anh mình lên làm vua. Bấy giờ, mọi người nghiệm lại mới thấy đúng như lời sư.

Ngài La-thập ở nước Lương nhiều năm, nhưng cha con Lã Quang không ủng hộ xiển dương Phật pháp, cho nên sở ngộ Phật pháp uyên thâm của sư không có cơ hội để truyền bá cho mọi người. Phù Kiên đã mất cũng không gặp được, đến khi Diêu Trường đoạt ngôi cũng ngưỡng mộ cao danh của sư và một lòng thỉnh cầu. Nhưng Lã Quang thấy ngài La-thập tài trí mưu lược hơn người, sợ sư làm quân sư cho Diêu Trường nên ông không cho sư vào Đông thổ.

Đến khi Diêu Trường mất, con là Diêu Hưng lên ngôi, lại sai sứ cầu thỉnh sư.

Tháng giêng niên hiệu Hoằng Thỉ thứ ba, có cây liên lí[3] mọc trước sân miếu điện, còn trong vườn Tiêu Dao cây hành biến thành cỏ. Diêu Hưng cho là điềm lành và đoán sẽ có bậc hiền trí đến.

Tháng năm, Diêu Hưng sai Lũng Tây công Thạc Đức dẫn binh sang phía tây, chinh phạt Lã Long. Quân Lã Long đại bại.

Đến tháng chín, Lã Long dâng biểu quy hàng, Diêu Hưng mới đón được sư về.

Đến ngày 20 tháng 12, sư đến Trường An. Diêu Hưng dùng lễ quốc sư tiếp đãi và hết lòng ân sủng.

Tỳ-kheo Bôi Độ ở Bành Thành, nghe sư ở Trường An liền than:

– Ta cùng người này cách biệt đã hơn ba trăm năm, mờ mịt không biết bao giờ gặp lại, hi vọng gặp lại ở đời sau vậy.

Trước khi lâm chung vài hôm, sư thấy từ đại bất an, bèn đọc ba biến thần chú, sai đệ tử ngoại quốc tụng để tự cứu chữa, nhưng chưa kịp dốc sức, sư cảm thấy bệnh mình nguy kịch, bèn gắng gượng nhóm chúng từ biệt và dạy:

– Chúng ta nhân nơi Phật pháp mà được gặp nhau, những vẫn chưa tận tâm gắng sức mà đã ra đi, thật cảm thương biết bao! Tôi sợ mình ngu tối truyền dịch có lầm lẫn. Trong hơn 300 quyển kinh luận đã dịch, chỉ có bộ Thập tụng là chưa kịp chỉnh sửa, còn những bản khác thì yếu chỉ ắt không có sai sót. Mong rằng tất cả những bản kinh đã phiên dịch được truyền bá rộng rãi đến đời sau. Nay ở trước chúng, tôi thành tâm xin phát nguyện: “Nếu tôi truyền dịch chẳng sai, thì sau khi thiêu, lưỡi vẫn còn nguyên vẹn”.

Ngày 20 tháng 8, niện hiệu Hoằng Thỉ thứ 11, sư anh nhiên thị tịch tại Trường An, nhằm niên hiệu Nghĩa Hi đời Tấn. Lễ trà tì được cử hành tại vườn Tiêu Dao theo nghi thức của Thiên Trúc. Sau lễ trà tì, toàn thân tiêu hết, nhưng lưỡi sư vẫn còn tươi hồng nguyên vẹn.

THÍCH HUYỀN TRANG

Sư tên Y, họ Trần, người Câu Thị,[4] Lạc châu. Thuở nhỏ, gặp cảnh gia đình khó khăn, sư theo anh là pháp sư Trường Tiệp đến ở chùa Tịnh Độ, và được dạy cho nghĩa lí vi diệu và các bộ luận. Năm mười một tuổi, sư tụng làu thông kinh Duy-ma và Pháp hoa. Ở Đông đô[5] thường tổ chức độ tăng, sư cũng được dự vào hàng ngũ xuất gia. Từ đó, sở học của sư trác tuyệt, không ai bằng, nhưng lại có chí muốn tìm cầu đại pháp.

Sau đó, sư đến trụ tại chùa Trang Nghiêm[6] ở Trường An, nhưng nơi đây không hợp sở nguyện của mình. Sư đi về hướng tây qua Kiếm Các rồi đến kinh đô nước Thục. Sư có trí nhớ rất siêu phàm, những bộ kinh luận chỉ cần nghe qua một lần thì không bao giờ quên.

Niên hiệu Vũ Đức thứ năm (623), sư chỉ mới hai mươi mốt tuổi, đã đăng đàn thuyết giảng Tâm luận cho hàng trí thức và các sa-môn uyên bác, sư không cần nhìn bản văn mà giảng thuyết thao thao bất tuyệt, mọi người lúc ấy gọi sư là “Thần nhân”. Sư đi khắp các nơi như Kinh châu, Dương châu v.v.. tham học các bậc thiện tri thức. Sau, sư trở lại kinh đô rồi đi đến các nước nhỏ, học tất cả các ngôn ngữ, trong mọi thời khắc không ngừng tìm tòi nghiên cứu. Trong một thời gian ngắn sư liền thông thạo tất cả, chỉ còn chờ cơ hội.

Niên hiệu Trinh Quán thứ ba (629), vua hạ lệnh cho phép đạo, tục tự do đến những nơi phồn thịnh để lập nghiệp, nhân đây sư đến Tây Vức thỉnh các kinh tượng. Đường đến nước Kế Tân rất gian nan nguy hiểm, nhiều hổ báo thú dữ, khó vượt qua, sư không biết tính cách nào, bèn đóng cửa phòng nhập định. Chiều tối, sư mở cửa thấy một vị tăng toàn thân bị ung nhọt, máu mủ chảy khắp, không biết từ đâu, đến ngồi trước giường sư. Sư bèn đỉnh lễ khẩn cầu. Vị tăng liền đọc trọn quyển Bát-nhã tâm kinh và bảo sư trì tụng, thì kì lạ thay, núi sông đều phẳng lặng, đường đi thông suốt, hổ báo, ma quỉ đều ẩn mất, nhờ thế mà sư đến được Phật quốc thỉnh được hơn sáu trăm bộ kinh.

Đến niên hiệu Trinh Quán thứ mười chín (646) sư trở lại kinh đô, vua hạ lệnh thỉnh sư đến chùa Ngọc Hoa[7] phiên dịch kinh tạng. Sư thường nguyện đời sau gặp Phật Di-lặc[8], khi đến Tây Vức lại nghe huynh đệ ngài Vô Trước đã thác sanh về cõi Đâu-suất, sư lại càng chí thành khẩn thiết cầu nguyện và đều có linh ứng. Sau khi đến chùa Ngọc Hoa, chỉ cần có một chút thời gian rảnh sư đều phát nguyện.

Niên hiệu Lân Đức thứ nhất (664), sư nhóm họp các vị tăng phiên dịch và môn đồ đến bảo:

– Đã là pháp hữu vi thì nhất định sẽ hoại diệt, thân này như bọt nước nào có dài lâu. Nay ta đã 65 tuổi ắt sẽ viên tịch tại chùa Ngọc Hoa, đối với kinh luận còn chỗ nào nghi ngờ các ông hãy nhanh chóng thưa hỏi đi!

Mọi người đều hoang mang. Sư bảo:

– Việc này ta tự biết!

Sư bèn đến lễ lại từ biệt Phật và chúng tăng.

Lúc lâm bệnh, sư thường thấy một hoa sen trắng rất lớn, và hình của Phật. Sư bảo chư tăng đọc những danh mục các kinh luận đã phiên dịch, tổng cộng được bảy mươi ba bộ, một ngàn ba trăm ba mươi quyển. Sư cảm thấy trong lòng vui vẻ an lạc, liền nhóm họp đồ chúng, những người có duyên đều đến. Sư bảo:

-Vô thường sắp đến nên ta muốn gặp các ông!

Nói xong sư lên điện Gia Thọ đem gỗ hương mộc, xá-lợi Phật trao cho chư tăng và viết biểu từ biệt vua. Sư trở về phương trượng nằm theo thế cát tường, thầm niệm Đức Di-lặc, tay phải gối đầu, tay trái đặt lên đùi, lặng yên bất động, an nhiên thác hóa. Hai tháng sau, dung mạo sư vẫn bình thường, đồ chúng an táng nhục thân sư tại Bạch Lộc Nguyên.[9]

Ở chùa Linh Nham[10] có cây tùng, trước lúc sang Tây Vức sư sờ vào cành rồi bảo:

– Nay ta sang Tây Trúc cầu giáo pháp của Phật, ngươi nên mọc dài về hướng tây, khi nào ta trở về thì ngươi hãy xoay về hướng đông, giúp đệ tử ta biết việc này.

Sau khi sư đi, mỗi năm cành tùng ngã dần về hướng tây vài trượng. Trải qua một thời gian dài, bỗng nhiên cành tùng xoay về hướng đông. Đệ tử sư liền bảo:

– Thầy chúng ta sắp về!

Đồ chúng ra hướng tây đón, quả đúng như vậy. Đến nay, mọi người vẫn gọi cây tùng ấy là “Ma đảnh tùng”.

 ————————————————-
[1] Sư tử tòa 師子座( S: siṃhāsana,P: sīhāsana): tòa ngồi của Đức Phật hoặc đại đức.

[2] Kiến chương 建章 : gọi đủ là cung Kiến Chương là tên một cung điện Tại Trường An, đời Hán

[3] Cây liên lí: cây có một gốc mà hai cành dính liền nhau.

[4] Câu Thị 緱氏: tên huyện thuộc Hà Nam.

[5] Đông đô 東都: kinh đô Đông hán, Lạc Dương, thuộc phía đông Trường An kinh đô Tây Hán.

[6] Chùa Trang Nghiêm 莊嚴寺: chùa ở bên ngoài Tuyên Dương môn, Nam Kinh, Trung Quốc, do Lộ Thái hậu xây dựng vào năm 459 đời Tống. Để phân biệt với Tiểu Trang Nghiêm tự được xây đựng vào đời Lương nên gọi chùa này là Đại Trang Nghiêm tự. Các vị Cao tăng Tăng Mật, Đàm Bân, Đàm Đế, Đàm Tông, Huệ Lượng, Tăng Khiêm, Tăng Mân lần lược trụ tại đây, khiến chùa cực thịnh một thời. Vua Minh Đế đời Lưu Tống, vua Cao Đế đời Nam Tề, thái tử Chiêu Minh đều có đến đây nghe giảng, đàm luận Phật pháp. Đời Trần, vua Vũ Đế thường đến chùa thuyết giảng đại cương kinh Kim quang minh và lập đại hội Vô già. Từ đời Tùy về sau dần dần suy vi. Vào đời Đường, ngài Huệ Trung ở núi Ngưu Đầu xây dựng Pháp đường tại đây và sửa sang lại phòng ốc.

[7] Chùa Ngọc Hoa 玉華寺: chùa ở phía Tây Nam huyện Nghi Quân, Phu châu, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, được xây dựng vào đời Đường, năm 624. Đầu tiên nơi này gọi là Nhân Trí cung. Năm 647, vua Thái Tông giúp đở xây cất rộng thêm, đồng thời đổi tên là Ngọc Hoa cung. Tháng 5 năm Mậu Thân (648)ngài Huyền Trang theo lời thỉnh của vua Thái Tông, đến trụ cung này, tháng 10 ngài dịch kinh Năng đoạn kim cương Bát-nhã. Năm 651, đổi thành chùa Ngọc Hoa. Tháng 10 năm Kỉ Mùi (659), khi ngài Huyền Trang vâng sắc dịch kinh Đại Bát-nhã, vì không thích cảnh ồn ào náo nhiệt ở Trường An, nên ngài đến trụ chùa này.

[8] Phật Di-lặc 彌勒: vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ, được Đức Phật thụ kí thành Chánh giác ở tương lai. Theo kinh Di-lặc thượng sanh, Di-lặc hạ sanh: Di Lặc xuất thân từ gia đình Bà-la-môn, sau làm đệ tử Phật, dùng thân Bồ-tát trụ ở cõi trời Đâu-suất, thuyết pháp giáo hóa các vị trời cõi này. Theo truyền thuyết, Bồ-tát muốn giáo hóa chúng sanh, nên không ăn thịt từ lúc mới phát tâm; do nhân duyên ấy mà có tên là Từ Thị.

[9] Bạch Lộc Nguyên 白鹿原: tức là Phách Thượng tên một vùng đất thời xưa. Nay thuộc phía tây huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây.

[10] Chùa Linh Nham 靈巖寺: chùa ở chân núi Phương Sơn, phía đông nam huyện Trường Thanh, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, do ngài Pháp Định sáng lập vào khoảng năm 520-524 đời Bắc Ngụy.